Skip to main content

Đại kiện tướng xuất sắc Samuel Reshevsky (03/02/2014)

Đăng ngày 02/03/2014 bởi Administrator

Vào ngày 26 tháng 11 năm 1911, tại một thị trấn ở gần Lódz, Ba Lan, Sammy bé nhỏ đã chào đời. Ông học cờ từ năm 4 tuổi và khi lên 8 đã phụ giúp kinh tế gia đình (lúc này đã chuyển đến sống tại Mỹ) bằng những trận đấu đồng loạt với các kiện tướng. Sự nghiệp kỳ thủ của Samuel Herman Reshevsky kéo dài 70 năm, và ông được kình địch Bobby Fischer đánh giá là một trong những danh kỳ vĩ đại nhất trong lịch sử cờ Vua.

Samuel Herman Reshevsky sinh ngày 26 tháng 11 năm 1911, và mất vào tháng 4 năm 1992 tại New York. “Sammy”, tên thường gọi của Reshevsky, có thể xem là một trong những thần đồng cờ vua xuất sắc nhất. Ông học cờ từ năm 4 tuổi và khi lên 8 đã biểu diễn thi đấu đồng loạt với các kiện tướng và thắng dễ dàng. Sau đó ông được cha mẹ đưa đến Mỹ để thỏa sức thi đấu và kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Ảnh chụp Samuel Reshevky tại Hà Lan tháng 2 hoặc 3 năm 1920
Sammy Reshevsky thi đấu đồng loạt năm 8 tuổi (1920). Sammy năm 10 tuổi (1921) chơi cờ với Charles Chaplin

Thi đấu với Charles Jaffe năm 11 tuổi. Sammy đồng hạng 3 với Janowski, Bigelow và Bernstein
Reshevsky chơi hàng ngàn trận đấu đồng loạt trên khắp nước Mỹ. Năm 11 tuổi ông tham gia giải các kiện tướng New York, và là kỳ thủ nhỏ tuổi nhất tại giải. Những trận đấu quanh năm suốt tháng khiến ông không thể đến trường thường xuyên được, do đó năm 13 tuổi ông đã quyết định tạm dừng thi đấu để tập trung cho việc học. Năm 1934 ông tốt nghiệp trường Đại học Chicago với tấm bằng kế toán, và đây cũng là công việc chính của ông để nuôi vợ con. Ông kết hôn với Norma Mindick và họ có với nhau ba người con. Reshevsky là một người Do Thái chính thống nên ông không thi đấu vào ngày Sabbath (ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa). Vì vậy những trận đấu của ông trong ngày này đều phải dời sang ngày khác.

Sự nghiệp cờ

Sammy Reshevsky giành chức vô địch giải Mỹ mở rộng lần đầu tiên vào năm 19 tuổi (1931) tại Tulsa. Ông đồng vô địch giải này với Reuben Fine tại Chicago năm 1934, và sau đó ông 7 lần vô địch nước Mỹ vào các năm 1936, 1938, 1940, 1941, 1942, 1946 và 1969. Ông giữ kỷ lục với 21 lần tham dự giải vô địch Mỹ, và cũng giữ kỷ lục về số lần đứng trong top 3 của giải nhiều nhất (15 lần), số ván chơi nhiều nhất (269 ván), và số ván thắng nhiều nhất (127 ván).

Sự nghiệp thi đấu quốc tế của Reshevsky bắt đầu từ năm 1935 bằng chức vô địch giải Great Yarmouth ở Anh với số điểm 10/11. Sau đó ông vô địch giải Margate, trong số những bại tướng của ông tại giải có nhà cựu vô địch thế giới Jose Raul Capablanca. Năm 1938 ông đồng hạng 4 tại giải AVRO nổi tiếng ở Hà Lan, giải đấu được xem là mạnh nhất trong lịch sử cờ vua, quy tụ 8 tay cờ mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó. Năm 1944 tại Boston, Reshevsky lần thứ 3 giành chức vô địch giải Mỹ mở rộng.

Samuel Reshevsky là đối thủ nặng ký tranh chức vô địch thế giới với các tay cờ Liên Xô trong khoảng thời gian từ 1935 đến những năm 1960. Ông đồng hạng 3 (với Keres, sau Botvinnik và Smyslov) tại Giải Vô Địch Thế Giới ở Hague/Moscow năm 1948. Đây là giải đấu nhằm chọn ra nhà vô địch thế giới sau khi đương kim vô địch Alexander Alekhine đột ngột qua đời. Tại giải Candidates ở Zurich năm 1953, ông đồng hạng nhì với David Bronstein và Keres, kém 2 điểm so với Smyslov. Bronstein viết trong quyển sách cuối cùng của mình, Secret Notes (2007) rằng 9 đại kiện tướng Liên Xô (trong số 15 kỳ thủ tham gia giải) đã nhận lệnh từ KGB và các lãnh đạo trong Liên Đoàn Cờ Liên Xô bằng mọi giá không được cho Reshevsky vô địch giải này, mà phải để Smyslov vô địch. Khi Reshevsky vẫn liên tục thi đấu thành công trong suốt giải đấu kéo dài 2 tháng này, Bronstein khẳng định các tay cờ Liên Xô đã sắp đặt trước kết quả các bàn đấu của họ, đồng thời dốc toàn lực để hạ Reshevsky nhằm đảm bảo ngôi đầu không tuột khỏi tay Liên Xô. Reshevsky còn tham dự Candidates một lần nữa vào năm 1967, nhưng ông đã để thua trong trận tứ kết trước Viktor Korchnoi.

Kình địch của Bobby Fischer

Sau màn ra mắt ấn tượng với chức vô địch Mỹ năm 1957-1958, Bobby Fischer bắt đầu thống trị giải vô địch Mỹ, anh vô địch giải này thêm 7 lần nữa và bỏ lại nhà cựu vô địch Reshevsky ở đằng sau. Hai người thường xuyên tranh chấp với nhau. Trước giải Buenos Aires 1960, Reshevsky đã tuyên bố: “Nếu Fischer đứng hạng 20 thì tôi bằng lòng với hạng 19″. Tại giải Sousse Interzonal 1967, Fischer đến trễ tận 53 phút (chỉ cần trễ thêm 7 phút nữa là anh sẽ bị xử thua) trong ván đấu với Reshevsky, và thực hiện nước đi đầu tiên của mình mà không có lấy một lời xin lỗi. Reshevsky quá sốc trước sự xuất hiện đầy bất ngờ của Fischer, khi mà ông tin chắc rằng anh chàng lắm tài nhiều tật này đã rút lui khỏi giải. Vì vậy ông để thua rất chóng vánh, và sau đó giận dữ khiếu nại lên ban tổ chức. Ông từ chối chơi cho tuyển Mỹ tại các kỳ Olympic 1960, 1962 và 1966 vì Fischer được chọn ngồi ở bàn 1. Tuy vậy tại Olympic 1970 ông đã chấp nhận cùng chung chiến tuyến với Fischer, và đó cũng là lần duy nhất họ chiến đấu cùng nhau trong màu áo tuyển Mỹ.

Dù Reshevsky và Fischer rất ác cảm với nhau, nhưng Fischer luôn nể trọng tài năng của nhà cựu vô địch. Trong một bài báo năm 1964, Fischer đã chọn ra “10 kiện tướng vĩ đại nhất trong lịch sử” là Paul Morphy, Howard Stauton, Wilhelm Steinizt, Siegbert Tarrasch, Mikhail Tchigorin, Alexander Alekhine, Jose Raul Capablanca, Boris Spassky, Mikhail Tal và Samuel Reshevsky. Lưu ý rằng Fischer đã loại bỏ Lasker, Rubinstein và Petrosian – nhà đương kim vô địch thế giới, để chọn đối thủ nhiều duyên nợ của mình.

Sau đây là một số điều ít biết về Samuel Reshevsky:

+ Sáu kỳ thủ trên 80 tuổi có elo cao nhất trong lịch sử là Samuel Reshevsky, Vassily Smyslov, Svetozar Gligoric, Antonio Medina, Stuart Wagman và Viktor Korchnoi.

+ Samuel Reshevsky có trí nhớ rất tệ, mà theo một kỳ thủ New York, Reshevsky còn không nhớ nổi một ván cờ mà ông chỉ vừa chơi cách đó vài tháng. Có một câu chuyện kể rằng khi người ta đưa cho Reshevsky xem một ván cờ, ông đã nói rằng người chơi ván cờ này “không giỏi lắm” và ván cờ không hấp dẫn, trong khi đó lại chính là một trong những ván cờ của Reshevsky!

+ Reshevsky thừa nhận rằng ông không bao giờ nghiên cứu trung cuộc hay tàn cuộc, mà chỉ tính toán khi thi đấu. Ông dành toàn bộ thời gian để ghi nhớ khai cuộc, tuy nhiên không được thành công cho lắm.

+ Khi một thành viên của đoàn Nga hỏi ông “How are you?” (“Ông khỏe không?”) ngay trước Giải Vô Địch Thế Giới năm 1948, Reshevsky trả lời: “Fine” (“Khỏe”), khiến cho toàn bộ phái đoàn Nga một phen hoảng sợ. Nguyên nhân là do vị kia muốn hỏi Reshevsky là “Who are you?”, nhưng do phát âm sai nên Reshevsky cũng nhầm lẫn và trả lời là “Fine”, khiến cho đoàn Nga tưởng rằng Reuben Fine, kỳ thủ lừng danh vốn đã từ chối tham gia giải này lại bất ngờ góp mặt vào phút chót!

+ Tại giải vô địch Mỹ năm 1942, Reshevsky đã bị hết giờ trong ván đấu với Denker. Tuy nhiên người điều hành giải là Walter Stephens đến xem đồng hồ và lại bất ngờ tuyên bố Denker thua cuộc! Dù sau đó Denker phản đối quyết liệt nhưng Stephens vẫn giữ nguyên quyết định của mình, và cuối cùng Reshevsky đoạt chức vô địch (trong khi lẽ ra phải là Isaac Kasdan).

+ Đại kiện tướng Samuel Reshevsky và Miguel Najdorf đã đánh nhau ít nhất hai lần ở hai giải đấu khác nhau. Reshevsky và Reuben Fine cũng suýt đánh nhau tại giải Nottingham 1936, một trong những giải đấu lớn nhất trong lịch sử, vì Fine tỏ ra rất khó chịu khi Reshevsky cứ cố gắng đánh thắng trong một thế cờ hòa mười mươi.

+ Trong trận đấu Fischer – Reshevsky năm 1961, vào một ngày nóng nực, Fischer yêu cầu cần có một cái quạt, nhưng Reshevsky nói rằng tiếng động do chiếc quạt phát ra sẽ khiến ông không thể nào tập trung được. Thế là trọng tài quyết định bật quạt khi đến lượt Fischer đi, còn khi đến lượt Reshevsky thì sẽ tắt quạt. Đúng là chẳng ai chịu nhường ai!

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc