Skip to main content

Bài 2: Cách tính cường số thay đổi qua 1 giải đấu (trích đăng theo tài liệu của vietnamchess) (11/24/2013)

Đăng ngày 24/11/2013 bởi Administrator

Cường số của mỗi kỳ thủ sẽ thay đổi qua từng ván thi đấu. Ở các hệ thi đấu cá nhân và đồng đội hệ Thụy sĩ (Swiss system) thì chỉ những ván giữa các đấu thủ đã có cường số rồi mới được tính

Cách tính tăng, giảm cường số

Còn ở hệ thi đấu vòng tròn (Round Robin) thì cường số thay đổi được tính cho tất cả các đấu thủ, kể cả khi gặp những đấu thủ mới. Cách tính ở hệ vòng tròn nếu có đấu thủ mới tham dự sẽ khá phức tạp, do đó tôi sẽ trình bày vấn đề này ở phần khác, còn bây giờ ta chỉ xét đến cách tính cường số thay đổi ở trường hợp những ván đấu cùa các đấu thủ đã có cường số với nhau.

Để có thể tính toán đầy đủ cường số thay đổi ở mỗi ván thi đấu ta cần chú ý 4 yếu tố sau: – Thừa số K (K-factor); – Điểm ván đấu của kỳ thủ (score); – Điểm chuẩn của ván đấu (scoring probability), gọi tắt là “điểm chuẩn”; – Luật 400 điểm (a difference in rating of more than 400 points).

1. Thừa số K (K-factor): Đây là một thừa số được FIDE quy định dùng để phát triển cường số của đấu thủ theo 3 cấp: K = 25 dành cho kỳ thủ mới có cường số cho tới khi hoàn thành tối thiểu 30 ván K = 15 dành cho kỳ thủ có cường số dưới 2400. K = 10 dành cho kỳ thủ có cường số từ 2400 cho đến khi hoàn thành tối thiểu 30 ván, sau đó giữ nguyên là 10, kể cả khi bị xuống dưới 2400 K là một thành phần không thể thiếu trong công thức tính thay đổi cường số, từ từ các bạn sẽ hiểu cách dùng thừa số K này thông qua các ví dụ bên dưới nhé.

2. Điểm ván đấu của kỳ thủ (score): Cái này chắc không cần giải thích nhỉ. Ván thắng =1, hoà =½, thua =0.

3. Điểm chuẩn (scoring probability): Gọi là điểm chuẩn có thể là chưa chính xác lắm, tuy nhiên thật là khó để tìm ra một từ Việt thích hợp cho chỉ số này. Ở một ván đấu, thường thì lúc nào cũng có 2 đấu thủ với 2 cường số khác nhau, người có cường số cao hơn sẽ có cơ hội chiến thắng nhiều hơn, nếu cường số bằng nhau thì cơ hội mỗi bên sẽ là 5/5. Xuất phát từ quan điểm trên, FIDE đã đưa ra một bảng tổng hợp và quy định một cách tương đối rằng: Với mỗi mức độ chênh lệch cường số nhất định giữa 2 đấu thủ thì sẽ có một chuẩn quy định khả năng chiến thắng của cả 2 bên, đại khái theo bảng dưới đây:

Bảng 1: Bảng chuyển từ điểm lệch cường số sang điểm chuẩn (rút gọn từ bảng (b) trong điều B.02.8.1 FIDE Handbook)

Chênh lệch cường số Khả năng của đấu thủ mạnh             (Điểm chuẩn phải đạt) Khả năng của đấu thủ yếu             (Điểm chuẩn phải đạt)
0 0.5 0.5
25 0.53 0.47
50 0.57 0.43
100 0.64 0.36
150 0.7 0.3
200 0.76 0.24
250 0.81 0.19
300 0.85 0.15
350 0.89 0.11
400 (FIDE) 0.92 0.08
450 0.94 0.06
500 0.96 0.04
735 0.99 0.01
Trên 735 1 0

Bạn có thể tham khảo bảng (b) trong điều 8.1 ở link này của FIDE hoặc tải về từ kho tài liệu của Vietnamchess tại đây

Ví dụ nếu tôi có cường số là 2500, đấu thủ của tôi là 2400, lệch nhau 100 (chú ý số lệch này nhé).

Chiếu theo bảng 1 bên trên sẽ thấy quy định chuyển đổi 100 điểm lệch cường số cho đấu thủ mạnh là 0,64 và đấu thủ yếu là 0,36. Cặp số này cho biết cơ hội chiến thằng của tôi là 64% và của anh ta là 36%. Nếu như khi thi đấu với anh ta 1 ván mà tôi đạt 0,64 điểm trở lên thì không sao, chứ nếu đạt dưới 0,64 điểm thì cường số của tôi sẽ bị giảm. Còn anh ta thì chỉ cần trên 0,36 là được tăng cường số rồi.

Nghe hơi lạ tai vì làm sao mà đạt 0,64 điểm ở 1 ván được, chỉ có thắng thôi chứ. Đừng lo bạn ạ! Nếu bạn thi đấu 9 ván với cái yêu cầu phải từ 0,64 trở lên, tức là nếu như 9 đấu thủ của bạn đều thấp hơn bạn trong khoảng 100 điểm cường số thì bạn chỉ cần: 9 x 0,64 = 5,76 = làm tròn thành 6 điểm (làm tròn lên ở mức 0,5 điểm gần nhất, không làm tròn xuống). Vậy chỉ cần 6 điểm/9 ván trong trường hợp trên thì cường số của bạn an toàn, chẳng những không bị giảm mà còn có thể tăng nữa.

4. Luật 400 (a difference in rating of more than 400 points): Cũng theo bảng 1 ở trên ta sẽ thấy nếu 2 đấu thủ có cường số lệch nhau 400 điểm thì cơ hội cho đấu thủ cao là 92% và thấp là 8% (0,92 và 0,08). Lên đến 735 thì đấu thủ mạnh buộc phải thắng, điều này quả là hơi khó cho các đại cao thủ đây, do đó FIDE mới đặt ra điều luật rằng nếu điểm chênh lệch cường số giữa 2 đấu thủ cao hơn 400 thì cũng chỉ tính như ở mức 400 thôi, tức là nếu lệch nhau 500, 600, 1000 v.v… thì cũng theo nguyên tắc 0,92 và 0,08. Luật 400 điểm này do FIDE quy định áp dụng từ 1/7/2009 (Điều 8.54 gốc của FIDE trong link này).

Như vậy không bao giờ có chuyện một đại tướng đánh với một anh binh nhì mà bắt phải thắng tuyệt đối 1điểm đâu nhé (nhưng hổng thắng coi sao được). Có nghĩa là nếu như 1 siêu đại kiện tướng có cường số ở mức cao chót vót mà thi đấu với 9 đấu thủ có cường số thấp lè tè thì vẫn được có cửa hoà 1 ván, chỉ cần đạt 8,5 / 9 ván thì cường số không bị làm sao: 0,92 x 9 = 8,28 (làm tròn là 8,5 điểm).

Với điều này thì từ đây các Đại kiện tướng cứ yên tâm mà thi đấu nhé. Các đấu thủ yếu thì cũng chẳng sợ, vì nếu như gặp 9 đại cao thủ có cường số cao hơn bạn quá 400 thì bạn chỉ cần 0,08 x 9 = 0,72, làm tròn thành 1 điểm, tức là bạn sẽ được ghi tên vào lịch sử của mình rồi đó. Nhưng nếu bạn chỉ có 0 điểm và tự an ủi rằng “toàn là cao thủ không à, tôi thua là phải dòi”, tức là bạn chưa có cố gắng lắm đâu, cường số của bạn cũng sẽ bị giảm đó nhe.

Còn 1 trường hợp này nữa cần lưu ý thường gặp trong thi đấu thực tế nè: Có thể bạn sẽ nói rằng: “Sài gòn lúc này lô-cốt tràn đầy, cầu trời cho ông đại tướng đó kẹt xe đến trễ quá giờ quy định thì ta sẽ thắng, khà khà!”. Đừng vội mừng bạn ơi! Trường hợp này Ban trọng tài sẽ ghi vào bảng điểm là 1F-0F (nếu bạn cầm quân Trắng). Tương đương với “bye” (miễn đấu 1 ván). Bạn sẽ không còn quyền miễn đấu nữa nếu ở giải này có “bye” và cường số thay đổi cũng sẽ không được tính cho cả 2 đấu thủ. Nhưng nếu Ban trọng tài nhắm mắt mà ghi là 1-0 thì bạn sẽ có lãi ngay đấy. Vậy có nên “xi-nhan” trước hoặc nháy mắt với trọng tài trong trường hợp này không nhỉ?

Ở ngoài thực tế, nhiều đấu thủ mạnh thường ngại thi đấu với các đấu thủ có cường số thấp hơn mình vì sợ lỡ có gì thị bị giảm cường số quý giá bao năm dành dụm; Tuy nhiên nếu biết tính toán và thi đấu cho nó ngon lành, khẳng định đẳng cấp đã được công nhận thì sao mà giảm cường số được chứ, FIDE có cho “giảm trừ gia cảnh” chứ bộ. Vậy thì từ nay mỗi đấu thủ giỏi nên in ra cái bảng (b) của FIDE và cho vào bóp (ngoài Bắc gọi là ví); mỗi khi vào giải thì lấy nó ra, làm vài con tính nhỏ và tự tin bước vào cuộc chiến.

“Điểm chuẩn” là một chỉ số khá quan trọng trong hệ thống tính cường số của FIDE, tất cả các chuyên gia, các kỳ thủ đều nên cố ghi nhớ mỗi khi bắt đầu một giải đấu nào đó, tốt nhất là học thuộc lòng.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc