Skip to main content

Lê Quang Liêm tiếc cơ hội phát triển ưu thế trong ván đấu với Ding Liren và Yu Yangyi (07/20/2017)

Đăng ngày 20/07/2017 bởi Administrator

Kỳ thủ số một Việt Nam chia sẻ với VnExpress về vị trí thứ hai ở giải Siêu đại kiện tướng, cũng như sự háo hức khi sắp sửa đối đầu cựu vua cờ Garry Kasparov.

– Quang Liêm đánh giá thế nào về vị trí á quân ở giải Siêu đại kiện tướng tại Trung Quốc vừa qua?

– Nhiều năm qua, tôi không tham dự các giải mời đẳng cấp cao. Lần gần nhất có lẽ là SPICE Cup 2012, khi đó ban tổ chức mời sáu kỳ thủ và mình xếp thứ hai chung cuộc. Mỗi năm tôi vẫn tham dự một số giải Mở rộng, giải cho đội tuyển quốc gia Việt Nam, cho đội trường đại học Webster… nhưng chất lượng không thể bằng giải đấu vừa qua tại Trung Quốc.

Được thi đấu trong một giải gồm toàn các đại kiện tướng là một thử thách rất thú vị, vì tôi biết rằng họ rất mạnh và nhiều kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Xét về elo ban đầu thì tôi chỉ xếp thứ năm, nên cũng không cảm thấy áp lực gì. Tôi chỉ cố gắng hết sức ở mỗi ván, với mục tiêu tích lũy hệ số elo càng nhiều càng tốt. Vì vậy, việc giành được ngôi á quân có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với tôi. Tôi cảm thấy rằng nếu tập luyện nghiêm túc thì mình hoàn toàn có thể thi đấu ngang ngửa với những kỳ thủ hàng đầu thế giới.

quang-liem-tiec-nuoi-khi-lo-co-hoi-ha-hai-cao-thu-trung-quoc
                           Quang Liêm đã có một giải đấu thành công

– Nhiều người thắc mắc về ván cuối, khi Quang Liêm và Wei Yi chủ động hòa nhau sau 18 nước, trong khi nếu giành được chiến thắng anh đã có thể vô địch?

– Ván cuối cùng, Wei Yi chỉ cần hòa là vô địch. Cậu ấy vì vậy chủ động chọn phương án khai cuộc rất an toàn với cấu trúc chốt đối xứng và tránh các thế biến phức tạp. Tôi có cố gắng tạo vài căng thẳng trên bàn cờ, tuy nhiên Wei Yi vẫn bình tĩnh giữ vững thế trận. Vì tôi cầm quân đen, và đối thủ lại quyết tâm hòa nên rất khó tạo đột phá.

Đến nước thứ 18, nếu tôi không muốn hòa thì sẽ phải đi một nước khác để tránh lặp lại ba lần. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến một thế cờ yếu hơn, và bên đen gần như không có cơ hội thắng nếu trắng không mắc sai lầm. Ở trình độ cao thì việc hy vọng đối thủ sai lầm trong tình huống như vậy là không khả thi.

Để thành công trong các giải chuyên nghiệp thì các đại kiện tướng luôn phải giữ “cái đầu lạnh”, tập trung vào việc chơi những nước cờ tốt nhất trên bàn cờ chứ không thể để cảm xúc muốn thắng chi phối. Tôi nghĩ việc chấp nhận hòa trong thế cờ đó là hợp lý, dù đây là ván cuối hay ván giữa giải cũng vậy thôi. Trong suốt chín ván vừa qua, và nhìn chung từ trước đến nay, tôi chỉ chấp nhận hòa khi đánh giá mình không còn khả năng thắng, hoặc việc chơi tiếp là mạo hiểm (chỉ từ hòa đến thua). Chứ nếu còn dù chỉ một ít tia hy vọng, tôi sẽ chơi đến cùng.

– Một trong những bất ngờ mà Quang Liêm tạo ra tại giải này là đánh bại Vassily Ivanchuk, nhà đương kim vô địch cờ nhanh thế giới. Anh bình luận thế nào về trận đấu này?

– Ván này, cờ của tôi hơi yếu sau khai cuộc. Nhưng tôi đã phòng thủ hợp lý và  dần cân bằng được thế trận. Khi còn ít thời gian, đối thủ đã mắc một vài sai sót, và tôi khai thác chính xác để giành thắng lợi. Tuy nhiên, ván đấu tôi thích nhất tại giải này là khi đối đầu Malakhov ở vòng 4. Dù phải cầm quân đen, tôi đã thi đấu tốt và không mắc sai lầm nào trong cả ván đấu.

– Vậy ván nào anh khiến anh tiếc nuối nhất?

– Có hai ván. Đó là ở ván hai gặp Ding Liren và ván ba gặp Yu Yangyi, lần lượt là những kỳ thủ số một và số hai Trung Quốc. Ở ván ba, tôi có ưu thế nhỏ từ khai cuộc, và đã phát huy dần thành ưu thế khá lớn ở tàn cuộc. Trong một phút mất tập trung, tôi mắc sai lầm ở nước 41.c5 khi quên mất nước trung gian 42…c4+ của đối thủ. Ván thứ hai gặp Ding Liren cũng thú vị. Ding Liren là kỷ thủ hạng 10 thế giới, và có lối chơi tấn công mãnh liệt. Thế cờ trung cuộc căng thẳng với rất nhiều khả năng cho cả hai bên. Tôi đã chơi tốt hơn, tạo ra được ưu thế lớn. Tuy vậy, trong thế cờ phức tạp với thời gian còn ít, cả hai bên đã có vài sai sót và Ding Liren đã tạo được thế chiếu bất biến cầu hòa.

Tôi nghĩ nếu khai thác tốt hơn cơ hội của mình ở hai trận đấu này, tôi đã có khả năng vô địch.

– Sau giải đấu này, Quang Liêm dự định làm gì trong vòng một tháng, cho tới giải Grand Chess Tour?

– Sau giải này, tôi còn ở lại Trung Quốc thêm 10 ngày để tham gia thi đấu giải Vô địch các Câu lạc bộ hạng A của Trung Quốc. Tôi được CLB Thanh Đảo thuê để thi đấu bốn ván cho đội của họ. Sau đó tôi sẽ trở về Mỹ, nghiên cứu lại những ván đã đấu liên tục trong một tháng qua để từ đó rút kinh nghiệm cho những giải sắp tới.

– Trong một buổi phỏng vấn với Irene Sukandar của blog Beyond Chess, Quang Liêm có nói rằng phong cách chơi cờ của anh cũng như các kỳ thủ châu Á là thiên về chiến thuật (tactical). Người thầy cũ Alexander Khalifman cùng từng khen anh có khả năng tính toán phi thường. Còn ở giải vừa qua, Quang Liêm luôn tạo được thế trận nhỉnh hơn các đối thủ, do đó nhiều người khẳng định anh thiên về cờ vị trí (positional) hơn. Cá nhân anh Liêm nghĩ sao về những nhận định này?

– Tôi nghĩ đa số những kỳ thủ trẻ đều bắt đầu bằng lối chơi chiến thuật (tactical), vì điều đó dễ và cũng là bản năng được hình thành trong quá trình học cờ lúc nhỏ. Tuy nhiên, càng lên trình độ cao thì việc phát triển những hiểu biết về thế trận (positional) là bắt buộc. Cái này khó học hơn, và cũng là yếu tố phân định giữa những siêu đại kiện tướng hàng đầu thế giới với những đại kiện tướng bình thường khác.

quang-liem-tiec-nuoi-khi-lo-co-hoi-ha-hai-cao-thu-trung-quoc-1
Vị trí thứ hai giúp Quang Liêm giành 11.000 đôla tiền thưởng.

– Trong tháng Tám tới, Quang Liêm sẽ có dịp đánh với cựu vua cờ Garry Kasparov ba ván tại giải Saint Louis Grand Chess Tour (một ván nhanh và hai ván chớp), cảm giác của anh lúc này thế nào?

– Tôi rất mong chờ cơ hội được thi đấu với Garry Kasparov. Từ lúc mới biết chơi cờ, tôi đã rất hâm mộ Kasparov và luôn xem ông ấy là kỳ thủ mạnh nhất mọi thời đại. Kết quả trong thi đấu thì không thể nói trước được, tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình thôi.

– Sau khi đã tốt nghiệp đại học và hoàn tất chứng chỉ CFA, có lẽ Quang Liêm sẽ dành toàn bộ thời gian vào thi đấu cờ đỉnh cao?

– Đính chính một chút là tôi mới hoàn thành bài thi level 1 của CFA thôi, chứ không phải toàn bộ chứng chỉ. CFA có ba level, và đòi hỏi thêm bốn năm kinh nghiệm. Đạt chứng chỉ này là kế hoạch đường dài, chứ không thể trong vài tháng. Từ nay đến cuối năm tôi sẽ tập trung toàn tâm toàn ý vào thi đấu cờ vua, với mục tiêu vượt qua cột mốc elo 2750.

– Quang Liêm dự đoán ai sẽ là người thách đấu với vua cờ hiện tại Magnus Carlsen để tranh ngôi vô địch thế giới?

– Giải Candidates hiện tại chưa có danh sách cụ thể nên không thể dự đoán được ai có cơ hội tranh chức vô địch với Carlsen. Tuy nhiên, với trình độ hiện nay, tôi nghĩ rằng Carlsen sẽ còn giữ ngôi vương ít nhất hai năm nữa.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc