Skip to main content

Họa sĩ DƯƠNG BÍCH LIÊN (1924-1988)- Tài năng lớn nhưng mãi “cô đơn”! (10/07/2014)

Đăng ngày 07/10/2014 bởi Administrator

Họa sĩ Dương Bích Liên lúc cuối đời hay nhắc đến Van Gốc, họa sĩ người Hà Lan, người viết ra những dòng chữ cảm động: “Trong cuộc đời và trong cả hội họa, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao xa hơn anh, chính là đời anh: Quyền năng sáng tạo” (9/1888). Tôi không dám so sánh Dương Bích Liên với thiên tài Van Gốc, bởi danh họa này là của nền văn hóa nhân loại, hàng ngàn cuốn sách viết về ông ta và biết bao người đã khóc trước nét sơn quằn quại, đau thương như chính cuộc đời ngắn ngủi và bất hạnh ấy. Dương Bích Liên của chúng ta cô đơn, khắc khoải trong suốt cuộc đời vất vả, tuy nhiên ông đã sống 64 tuổi đời và nổi tiếng từ rất sớm.

 

duong bich lien

Chân dung Họa sỹ Dương Bích Liên

dbl-cd 09

 Dương Bích Liên, Cô Mai, sơn dầu

Họa sĩ Dương Bích Liên là một họa sĩ người Hà Nội đã dẹp bỏ nhiều ham muốn dành cho một ham muốn sáng tạo: không vợ con, không say sưa vật chất, không tiền gửi tiết kiệm, không địa vị chính quyền, chưa một lần ra nước ngoài hoặc triển lãm riêng trong nước. Giữa một phố lớn đông vui mà cuộc sống của ông vẫn xa cách, ẩn dật, lặng lẽ trong đời sống và tư duy sáng tạo nghệ thuật. Trong căn gác nhỏ hẹp nơi ông ở chỉ là những tiện nghi tận cùng để sống: một chiếc giá vẽ sơn dầu, một bát sơn cánh gián, một chiếc giường cá nhân, một hai chiếc xoong nồi tối thiểu và một vài cuốn sách nước ngoài nguyên bản. Trong căn gác lúc nào cũng yên tĩnh, có cửa sổ lớn nhìn thẳng vào trời xanh, không quét vôi tường lại bao giờ, ngày tết không hoa cắm và cửa thường xuyên không khóa lúc ông đi bộ ra quán rượu ông quen, lúc ông đi vẽ xa … cứ thế ông sống đơn độc, xa lạ với những nơi tụ họp, những lễ nghi gặp mặt. “Cô đơn là số phận của đời tôi” ông nói vậy. “Tôi là kẻ bộ hành trên sa mạc, chẳng hiểu tôi sẽ vẽ ra sao những tác phẩm sắp tới”ông nói vậy.
Tôi là người trong số ít người quen ông, do yêu tranh ông, do tò mò và ngược với những lời đồn về tính cách, nói chuyện với ông thật thú vị. Dưới vầng trán cao là đôi mắt rất sáng và nụ cười hóm hỉnh. Một tài năng đích thực, một nhân cách lớn, mạnh mẽ không chịu được ngang trái. Ông bàn về nghệ thuật sắc sảo và sôi nổi, không né tránh: “Tôi không quan tâm đến ai cả. Khi buồn tôi chỉ nghĩ đến hai người: Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm” Ông nói vậy. Bàn về một họa sĩ thời thượng được báo chí ca tụng, ông nói “Cách vẽ ấy là một cách bịp bợm”.

 

hao -duong bich lien

Dương Bích Liên, Hào, phấn màu

Dù số phận có dành cho Dương Bích Liên nhiều điều lận đận, những tủi hờn không giải tỏa, nó lại hun đúc tinh thần, sức khỏe, thời gian có ích dồn cho những tác phẩm ông vẽ. Nó thanh cao, trong sạch, dẫn chúng ta tới những miền đất tràn đầy nhân bản.
Dương Bích Liên là họa sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, từng được giải nhất triển lãm toàn quốc 1980 với tác phẩm Bác Hồ qua suối ông còn vẽ các bức sơn dầu nổi tiếng Hành quân đêm, Hào, Khi mùa lúa chín, những bức sơn mài Chiều vàng, Sông Hồng, Hai thiếu nữ tuyệt đẹp.
Những năm tháng cuối đời, ông vẽ những thiếu nữ Hà Nội và ở mảng tranh chân dung sơn mài, sơn dầu này ông gửi gắm nhiều tình cảm đượm buồn, bởi thế nó sâu lắng và xúc động. Dương Bích Liên không vẽ con vật, ít vẽ phong cảnh nhưng một số tranh ông vẽ phong cảnh lại rất lớn, phần cây cỏ đất trời, sông nước bao la ẩn dấu những tương tư tình cảm của riêng ông.

chieu_bien_gioi-duong_bich_lien

Dương Bích Liên, Chiều biên giới, sơn dầu

 

hung21

Từ trái sang: Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Nguyễn Sáng

Dương Bích Liên là họa sĩ có tư tưởng, không thời thượng nên những tác phẩm độc đáo của ông lúc ra đời, số phận thật long đong, nhiều người khen chê, có kẻ la ó, người ta từng không treo tranh ông ở phòng chính thống. Bức Khi mùa lúa chín là cả cánh đồng lúa vàng với hai em bé gái và bà già gánh lúa vui tươi, ông bị chê về quan niệm người lao động. Bức sơn dầu khổ lớn Hào Dương Bích Liên vẽ trong 12 ngày đêm bom dội Hà Nội, ông không sơ tán, xưởng vẽ mất điện, vẽ trong ánh lửa củi đốt trên nền nhà “Một cuộc chiến tranh đất đối không khủng khiếp quá” – người ta lên án ông. Trên mặt đất khô cằn nứt ra đường chiến hào, có người núp và tên lửa chuẩn bị rời bệ phóng. Đây là bức tranh ông yêu quý nhất trong cuộc đời sáng tạo của mình, một tác phẩm chân thực tuyệt đẹp về chiến tranh cách mạng của hội họa hiện đại. Họa sĩ Dương Bích Liên luôn nhìn thẳng vào sự vật, phản ánh được phần bản chất vững bền của nó theo những quy luật của cái đẹp. Loạt tranh ông vẽ về tình yêu qua hai em bé trai gái ngồi bên dòng sông dáng gầy gò, xơ xác, làm nghẹn nơi tim ta tình yêu thương với quê hương đất nước.

 

bac ho qua suoi duongbichlien

Dương Bích Liên, Bác Hồ qua suối, sơn mài

 

thieu nu ao trang

 Dương Bích Liên, Thiếu nữ áo trắng, sơn dầu

Có người nói Dương Bích Liên là tài năng cổ điển cuối cùng sau Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân. Sáng tạo của ông dựa trên cơ sở hình họa hàn lâm chuẩn mực với màu sắc trang nhã duy cảm, duy mỹ. Tôi còn thấy ông sử dụng những thủ pháp của hội họa hiện đại trong bố cục và biến hình, trong màu sắc ước lệ và khái quát. Ông nổi tiếng về những bức chân dung thiếu nữ Hà Nội nhiều tâm trạng: xinh đẹp, thanh thản và mơ mộng.
Trong những tài năng của hội họa hiện đại Việt Nam, có Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng độc đáo ở nét bút run rẩy hay táo bạo ngang tàng. Bùi Xuân Phái nổi tiếng ở màu trắng, màu ghi phố cổ rêu phong thì Dương Bích Liên lại làm ta nao lòng ở màu vàng miên man, xao động. Chiều vàng là một nguyên bản vàng mười của sơn mài trên nền trời buổi hoàng hôn ở thôn quê. Màu vàng Khi mùa lúa chín no nê trù phú. Màu vàng trong tranh sơn dầu lớn Ba thiếu nữ trong lành, mát mẻ mà sang trọng thanh cao, bảng lảng như trong vườn địa đàng nhớ mong một chân trời xưa cũ.
Dương Bích Liên là bậc thầy về hình họa cổ điển. Hình của ông không táo bạo quả quyết như Nguyễn Sáng, không xô lệch như Bùi Xuân Phái, nó mực thước, ổn định mà không thô cứng, nó nhẹ nhõm mà vững chắc, siêu thoát bởi bên trong nét vẽ dụng công là tình cảm yêu mến thực sự của ông với đề tài. Nhiều bức ông xóa bỏ hàng chục lần, xé đi bao nhiêu phác thảo, vạch lên tranh đã xong những nét dao lúc không vừa ý. Ông vẽ sơn dầu giỏi, màu của ông trong trẻo, vang động. Sơn mài của ông với bút pháp nghiêng về hiện đại, chỉ trung thành với năm màu cơ bản truyền thống như sơn then, vàng bạc, son và cánh dán nên nó đậm đà bản sắc cổ kính, tạo ra phong cách rất Dương Bích Liên.
Dương Bích Liên đã mất, những tác phẩm của ông còn ở lại cùng với năm tháng, công chúng và dư luận, cho dù cuộc đời ông còn nhiều đắng cay, bí ẩn, nhiều những phiền muộn âm u, sẽ còn nhiều bài viết về ông rạch ròi hơn. Chỉ có điều ông ra đi thật thanh thản, chấp nhận, vì ông đã thực hiện được mục đích của đời mình: Một họa sĩ lặng lẽ dâng đời mình cho nghệ thuật, lặng lẽ sáng tạo cho cuộc đời những tác phẩm đẹp, gửi gắm nhiều suy tư về số phận của một đời nghệ sĩ.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc