Skip to main content

HỌ DƯƠNG THEO DÒNG LỊCH SỬ VIỆT NAM (05/28/2014)

Đăng ngày 28/05/2014 bởi Administrator

 

1. Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc (TK VII –TK II.TCN)

Vào đời Hùng Vương thứ I, Dòng tộc họ Dương đã có cụ Thượng Thượng Tổ là Dương Minh Tiết – Sinh quán đất Phong Châu (Bạch Hạc , Vĩnh Tường, Phú Thọ) được bổ nhiệm làm quan Thứ sử, giúp vua Hùng tham gia dựng nước Văn Lang, tổ chức thành 15 Bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Phúc Lộc, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hương, Cửu Đức, Văn Lang (Phong Châu).

Đời Hùng Vương thứ VI, có cụ Thượng Tổ là Dương Minh Thắng (con cháu lâu đời cụ Dương Minh Tiết) chuyển về trú quán Bộ Vũ Ninh – Long Vĩ, tỉnh Bắc Ninh (Kinh Bắc) cụ được bổ nhiệm làm Lạc tướng, giúp vua Hùng bảo vệ và mở mang lãnh thổ, tổ chức khai khẩn ruộng đất, làm cho nhân dân no ấm, bách tính an bình (1).

2. Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc ( 179 TCN – 938 CN)

Tồn tại hơn 1000 năm bị đô hộ của phong kiến phương Bắc và khởi nghĩa nổi dậy đánh đuổi ngoại xâm của quần chúng nhân dân.

a) Dân tộc Việt Nam ta đã tiến hành 10 cuộc khởi nghĩa chống chế độ phong kiến phương Bắc nô dịch, giành các quyền tự chủ dân tộc bao gồm:

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 – 43; Bà Triệu năm 248; Lý Bí năm 544; Mai Thúc Loan năm 713; Phùng Hưng năm 782; Dương Thanh năm 819; Khúc Thừa Dụ năm 905; Dương Đình Nghệ năm 931; Ngô Quyền và Dương Tam Kha năm 938 kết thúc 1000 năm Bắc Thuộc.

b) Dòng tộc họ Dương là Dòng tộc lớn trong 215 Dòng tộc Việt Nam, có nhiều anh hùng cái thế, “Hộ quốc cứu dân”, vì nước quên thân, gây dựng nền tự chủ dân tộc.

Trong số 10 cuộc khởi nghĩa, có 4 cuộc khởi nghĩa do những người trong Dòng tộc họ Dương lãnh đạo:

– Khởi nghĩa của Trưng Trắc Vương (40 -43) con Lạc tướng Trưng Nghĩa Dũng và bà Hoàng  Thị Đào, nổi dậy đánh đưổi Tô Định để “đền nợ nước, trả thù nhà” cho chồng là Dương Thi Sách  Thứ Sử Chu Diên, con Lạc tương Dương Thái Bình và bà Hồ Thị Nhữ (2).

– Khởi nghĩa của Dương Thanh (819), nổi dậy giết Lý Tượng Cổ, đánh đuổi quân nhà Đường, chiếm thành Tống Bình (Hà Nội), giành quyền tự chủ dân tộc.

– Khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ (931), giết Lý Khắc Chính, tiêu diệt quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La (Hà Nội), giành quyền tự chủ dân tộc, tổ chức bộ máy cai quản và xây dựng nền độc lập tự chủ của đất nước.

– Chiến thắng trận Bạch Đằng (938) chống quân Nam Hán, chém đầu tướng Hoàng Thao, tiêu trừ phản tặc Kiều Công Tiến, trả thù cho cha của Ngô Quyền (con rể), Dương Tam Kha (con trai). Ngô Quyền xưng Vương, cai quản đất nước tự chủ; chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của các triều đại phong kiến Việt Nam.

3. Thời kỳ bảo vệ và xây dựng nền tự chủ dân tộc (từ năm 970 đến 1802)

Dòng tộc họ Dương có các Danh nhân, Danh tướng đóng góp công sức bảo vệ và phát triển đất nước .

– Triều đại Đinh – Lê ( 970 – 1010) có Dương Vân Nga giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Vua Đinh bị hại, Đinh Toàn còn nhỏ, đất nước nội loạn, giặc Tống xâm lược, Dương Thái Hậu (nhiếp chính) đã đặt lợi ích dân tộc lên trên, trao Hoàng bào và tôn Lê Hoàn lên làm vua, thống lĩnh đại quân dẹp yên nội loạn. Bà trở thành “Nữ chính khách có một không hai trong lịch sử dân tộc ở thế kỷ X”.

– Triều đại nhà Lý (1010 – 1225) có thừa tướng Dương Đình Tiến, Danh tướng Dương Bình giúp Lý Thái Tông dẹp loạn Ba Vương, Dương Hoán (1130) kế nghiệp đế vương, Dương Công Đảo giúp Lý Thần Tông dẹp giặc Chiêm Thành, Dương Tự Minh giúp Lý Anh Tông bảo vệ biên cương Tổ quốc, được nhà Vua gả công chúa, chọn làm phò mã, nhân dân tôn vinh là “Thánh Đuổm”, tư tỏa sáng ở vùng núi Phú Lương (Thái Nguyên).

– Triều đại nhà Trần (1225 – 1400), ba lần thắng Nguyên – Mông xâm lược. Dòng tộc họ Dương có Dương Nhật Lễ nối ngôi Trần Dụ Tông (1388) và các Danh thần Dương Công Đán, Dương An Dưỡng v.v tổ chức đội dân binh, thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” để chiến thắng kẻ thù, làm rạng danh “hào khí đông A”, khiến giặc Nguyên Mông khiếp sợ.

Triều đại nhà Lê sơ (1418 – 1527) , sau 10 năm Lê Lợi phất cờ Lam Sơn khởi nghĩa chống Minh thắng lợi, Dòng tộc họ Dương có các Danh tướng: Dương Công Định, Dương Công Tảo và các Danh nhân Dương Huyền Trung, Dương Đức Nhan, Dương Trực Nguyên đóng góp nhiều công sức cho chiến thắng giặc Minh và tham gia sự nghiệp phát triển đất nước, biên soạn lịch sử, văn chương được phong Dương Xuyên Hầu – Hình bộ Hữu thị Lang, trong 28 vị Tao Đàn, phụ trách biên soạn bộ sách thiên văn – lịch sử, xây dựng nền văn hiến Việt Nam.

– Triều đại nhà Mạc – Lê Trung Hưng – Tây Sơn (1527 – 1802). Thời kỳ diễn ra “Trịnh – Nguyễn phân tranh” và chống giặc Thanh xâm lược nước ta. Dòng tộc họ Dương có các Danh tướng Dương Xân, Dương Hạnh, Dương Trí Tri, Dương Duy Nhất và Đô đốc Dương Công Tào, tham gia phù Lê diệt Trịnh giúp vua Quang Trung dẹp nội loạn và đại phá quân Thanh, thống nhất đất nước.

4. Thời kỳ chống Pháp thuộc và thời đại Hồ Chí Minh.

– Năm 1772 Hoàng đế Quang Trung mất, 1802 Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, lập ra triều nhà Nguyễn, tồn tại 143 năm và 13 đời vua. Ngày 31/8/1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và đến năm 1884 thực dân Pháp lập chế độ bảo hộ nước ta, thông qua bộ máy vua quan bù nhìn nhà Nguyễn. Từ đây Việt Nam rơi vào “thời kỳ Pháp thuộc”. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống Pháp thuộc đã diễn ra sôi sục. Với lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp, các sĩ phu yêu nước tích cực tham gia vào các phong trào “Cần Vương”, “Đông kinh Nghĩa thục”, “Duy Tân” để tìm ra con đường cứu nước. Dòng tộc họ Dương đã có các sĩ phu yêu nước tiêu biểu Dương Trung Phổ, Dương Bá Trạc, Dương Doãn Am, Dương Khuê, Dương Đình Cúc, Dương Duy Thành, Dương Văn Nhã, Dương Văn Hạnh và Dương Văn Điền (Lãnh Điền), không sợ lao tù, chém giết. Các sĩ phu đã thể hiện tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi tự do độc lập cho dân tộc.

– Thời đại Hồ Chí Minh, có sự ảnh hưởng chủ nghĩa Mác Lênin do Nguyễn Ái Quốc truyền vào Việt Nam tinh thần yêu nước, đã tạo nên sức mạnh (yêu nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn với dân chủ, tự do. Các chí sĩ cách mạng và những người cộng sản đã phát triển phong trào “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930”, “Nam kỳ khởi nghĩa năm 1941”; “Cách mạng tháng Tám năm 1945”’ Kháng chiến chống Pháp kết thúc  bằng chiến thắng Điện Biên Phủ  (năm 1954; chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng đại thắng mùa xuân (năm 1975). Họ Dương có các chiến sĩ cách mạng tiêu biểu Dương Đình Thúy, Dương Bình, Dương Đình Liên, Dương Khuy, Dương Bạch Mai, Dương Quang Đông, Dương Quốc Chính, Dương Hữu Miên, Dương Tự Cơ, Dương Hữu Dư, Dương Đại Long và Dương Mạc Thạch…tham gia lãnh đạo cách mạng, vì mục tiêu lý tưởng: “Độc lập dân tộc, tự do dân chủ và chủ nghĩa xã hội”, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh.

5. Dòng tộc có nhiều Danh nhân hào kiệt, góp phần xây dựng nền văn hiến Việt Nam.

– Theo kết quả nghiên cứu chưa đầy đủ vê nhân vật lịch sử, thì Dòng tộc họ Dương có trên 100 vị được vinh danh trong sử sách bao gồm: các tướng quốc, danh hầu, danh tướng, danh nhân, danh thần, danh sĩ, sứ giả v.v…Trên 60 vị (tính từ năm 1071 – 1919) đỗ đạt đại khoa các kỳ thi Đình, đã được phong tước vị Tiến sĩ xuất thân, trong đó có 3 Trạng Nguyên (Đệ nhất giáp cập đệ, đệ nhất danh) Đào Sư Tích (Nam Đinh), Dương Phúc Tư (Hưng Yên) và Dương Liên (quê gốc Lạc Đạo, sang Trung Quốc ở vùng Ứng Sơn) đỗ Trạng Nguyên thời Minh Thần Tông được bổ nhiệm tới chức Bộ Binh thượng thư và 15 Hoàng giáp, 5 phó Bảng, 3 Đệ Nhất giáp cập đệ, còn lại từ Đệ Nhị giáp đến Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (xem phụ chương kèm theo từ I đến IV).

– Theo tư liệu Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quyền 6 – tr 507 NXB – 2007) Danh nhân, danh sĩ được vinh danh trên bia tiến sĩ, để đời đời ghi nhớ Hiền Tài – nguyên khí quốc gia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), có giá trị tư tưởng, triết học và góp phần xây dựng nền văn hiến quốc gia, được UNESCO công nhận “Di sản tư liệu văn hóa thế giới”. Trải qua ba triều đại (Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng) đã dựng được 117 bia bị mất 35, còn lại 82. Trong số người được lựa chọn vinh danh trên bia còn lại, có 21 Tiến sĩ Dòng tộc họ Dương Việt Nam, đây là niềm vinh dự tự hào của Dòng tộc (xem phụ chương V).

– Nghiên cứu về truyền thống văn hóa – văn chương còn cho thấy Dòng tộc họ Dương có đến 10 gia tộc phát huy tinh thần hiếu học, liên tiếp ông cháu, cha con, anh em đều đỗ đạt đại khoa (thời xưa) cụ thể là (3):

Ông cháu Dương Bính, Dương Cảo (Đông Anh) đỗ tiến sĩ.

Ông cháu Dương Tịnh, Dương Đôn Cương (Yên Lạc) đỗ tiến sĩ

Ông cháu Dương Đức Giản, Dương Tông (Mê Linh) đỗ tiến sĩ

Ông cháu Đào Sư Tích, Dương Bạt Trạc (Nam Trực ) đỗ tiến sĩ

Ông cháu Dương Khuê, Dương Thiệu Tường (Ứng Hòa) đỗ tiến sĩ

Cha con Dương Trực Nguyên, Dương Hạng (Thường Tín) đỗ tiến sĩ

Ba anh em Dương Dận, Dương Thiều, Dương Vị (Thạch Hà) Tiến sĩ võ

Hai anh em Dương Trọng Khiêm, Dương Sử (Văn Lâm) đồ Tiến sĩ

Gia tộc Lạc Đạo có 1 trạng nguyên và 8 Tiến sĩ xuất thân

6. Dòng tộc đã xây dựng cho mình 4 truyền thống tốt đẹp để con cháu kế thừa và phát triển

– Truyền thống yêu nước, thương nhà sâu sắc, có đức xả thân, cống hiến hy sinh vì nền độc lập tự chủ dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

– Truyền thống tự lực tự cường, có tinh thần khẳng khái và cương trực trong đấu tranh, trong đời sống, vì nền độc lập tự chủ của dân tộc và sự hưng thịnh của quốc gia.

– Truyền thống hiếu học và coi trọng trí thức văn chương, ý thức tôn sư trọng đạo, tu dưỡng rèn luyện theo các tấm gương hiền tài để phụng sự nhân dân, dân tộc.

– Truyền thống sống và làm việc có tâm có đức, nhân nghĩa vị tha, biết quan tâm và chia sẻ, yêu thương giúp đỡ và đoàn kết cộng đồng dân tộc.

Tư tưởng đề cao: Tình nước – nghĩa nhà, đoàn kết – yêu Thương

Đời đời kế nghiệp đền ơn nước

Kiếp kiếp đồng tâm đáp nghĩa nhà”

Xây dựng, phát triển Dòng tộc hưng thịnh, đất nước Thái Bình – An Lạc.

 

 

 

 

(1)- Theo “Dương Tộc Kế Sử” của Thừa tướng Dương Đình Tiến.

(2) theo “Thần Phả xã Nại Từ” (Sơn Tây) của Đào Hà.

(3) theo “Những nhà khoa bảng họ Dương”, kỷ yếu HTKH về Dương Đình Nghệ – PGS.TS sử học Trần Thị Vinh

– See more at: http://hoduongvietnam.com.vn/ho-duong-theo-dong-lich-su-viet-nam_n57979_g726.aspx#sthash.JufT4cSB.dpuf

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc