Skip to main content

Dương Huyền – người Đảng viên ưu tú của mảnh đất Hương Sơn, Hà Tĩnh (11/03/2021)

Đăng ngày 03/11/2021 bởi Administrator

Ông Dương Huyền (bí danh là Hạ Liên Minh, Trung Hà) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cha mẹ Dương Huyền sinh được năm người con, duy chỉ có mình anh là con trai nên được đưa đến ở với cô ruột. Khi lên 9 tuổi, cô cho anh đi học chữ Hán, nửa ngày chăn trâu, nửa ngày đi học. Sau một thời gian, anh về ở với cha mẹ, tuy nhà nghèo nhưng cha mẹ vẫn cố gắng cho anh tiếp tục đến trường.

Năm 1925, Dương Huyền cùng với anh em thanh niên trong xóm thích đọc sách báo, đã cùng nhau lập phường xe đất thuê vừa kiếm tiền nuôi sống gia đình vừa trích một ít tìm mua sách báo và các loại văn thơ để đọc mở mang tầm hiểu biết. Trong làng có ông giáo Thái Văn Đắc đã cho anh và bạn bè xem một số tác phẩm của cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Tạo… Năm 1928, Dương Huyền gia nhập vào Đảng Tân Việt.

Tháng 4/1930, Dương Huyền được ông Trần Cao Trực kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Đông Phan, Sơn Bằng. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí đã tích cực hoạt động, lăn lộn với phong trào, đặc biệt là trong công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh và công tác rải truyền đơn, tài liệu …

Sau ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, các hoạt động tuyên truyền và lập các tổ chức đoàn thể được triển khai. Đến tháng 6/1930, tại xã Sơn Bằng, ông Dương Huyền đã kết nạp thêm được 9 hội viên Nông hội Đỏ, một phụ nữ giải phóng và tổ chức thành lập đội cứu tế đỏ. Ngày 1/6/1930, Chi bộ Đông Phan đã họp Hội nghị kiểm điểm công tác và cử ông làm Bí thư chi bộ.

Đầu tháng 8/1930, đã diễn ra một cuộc đấu tranh sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Phan với sự tham gia tích cực của ông Dương Huyền. Khoảng 6 giờ tối, ông Dương Huyền đã đi nhận truyền đơn về rải. Chiều hôm sau, Chi bộ tổ chức họp bàn kế hoạch vận động quần chúng ra đường biểu tình, đấu tranh. Cuộc họp kết thúc, các thành viên trong chi bộ đã chia nhau đi vận động quần chúng kéo lên núi Hoa Bảy tổ chức nghe diễn thuyết. Khoảng 7 giờ tối, ông bắt đầu đi rải truyền đơn và lên núi Hoa Bảy cắm cờ. Lúc bấy giờ tiếng trống mõ bắt đầu nổi lên, quần chúng kéo nhau đi ào ào như vũ bão. Cuộc biểu tình với khí thế long trời chuyển đất đã khiến kẻ thù hoảng sợ. Thực dân Pháp đã tiến hành tàn sát, khủng bố dã man, ông Dương Huyền đã anh dũng lăn vào biển máu để kiểm đếm số người chết, số người bị thương về báo cáo với chi bộ.

Sau cuộc biểu tình, giặc Pháp kéo lính về đóng đồn Tứ Mỹ, đàn áp và khủng bố khiến cơ sở Đảng bị tan vỡ, nhiều đồng chí bị sa vào tay giặc. Lúc bấy giờ ông Dương Huyền đã vận động quần chúng tiếp tục đấu tranh không chịu đi phu làm đồn bằng nhiều biện pháp như kêu van ốm đau hay đi phá, bớt vật liệu xây dựng của giặc… Do đó, thực dân Pháp bắt bọn lý hương phải nạp các thứ khác, nên phải kéo dài thời gian xây dựng đồn.

Trong xã có tên Xã đoàn trưởng, đêm nào cũng  đến những gia đình có người bị bắt để rình mò, theo dõi rồi báo lên huyện với đồn. Ông Dương Huyền liền cảnh cáo hắn bằng cách, đêm đến lấy một cái thớt và một con dao đem treo trước cổng nhà. Hoảng sợ, hắn không dám đi một mình, phải đợi khi nào có phu đoàn đến đông mới dám ra khỏi nhà.

Sau một thời gian hoạt động tích cực, đến ngày cuối năm 1930, Dương Huyền bị bắt, chúng đưa ông vào Nhà lao Hà Tĩnh rồi lại đưa về Hương Sơn tra hỏi, sau ít ngày lại chuyển ra Hà Tĩnh. Chúng nhốt ông vào xà lim, không cho cơm nước, cách 3 hôm mới cho ra lấy cung. Sáng sớm hôm đó, lính đưa giấy tới gọi tên, ông liền làm mấy câu thơ:

Sáng sớm tinh sương lính tới mời

Nghe tin cũng nể lại dinh chơi

Lân la kể chuyện cùng ba cụ

Bịp bợm trò đời cũng thế thôi

Gấm vóc non sông ngàn vạn thủa

Rồng tiên con cháu mấy trăm đời

Mười giờ từ biệt về phòng nghĩ

Có lính theo hầu thực thảnh thơi

Hai hôm sau, chúng bắt Dương Huyền ra tra tấn dã man nhưng ông vẫn quyết không khai báo điều gì, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Ông lại tiếp tục làm thơ để vượt qua nỗi đau về thể xác:

Một ống roi song ác quỷ bầy

Tha hồ chúng nó cứ ra tay

Voi gầm, hổ thét lồng đâu chuyển

Thịt nát xương rơi chí chẳng lay

Nghĩa mẹ, công cha đành tạm gác

Hiếu dân, trung Đảng mới là đây

Anh hùng, liệt nữ hai lăm triệu

Tổ quốc vinh quang hẳn có ngày

Kẻ thù làm đủ mọi phương pháp để tra tấn, rồi dụ dỗ và nhốt Dương Huyền vào nhà lao 2 ngày. Một tuần sau, chúng đưa ông ra tuyên án 13 năm tù nhưng ông không ký án. Đến tháng 12/1931, chúng bắt Dương Huyền và ông Phạm Luyện (người ở Xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), ông Hồ Hảo (người ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn) đày lên Lao Bảo.

Đến 6 giờ tối mới tới đồn Lao Bảo, Dương Huyền cùng các đồng chí khác bị đưa đi cởi sạch áo quần, cạo đầu rồi nhốt vào ca sô (ngục). Ba tháng sau Dương Huyền và các đồng chí khác mới được đưa lên nhà lao chính. Trong thời gian này, ông được phân công nấu ăn cho nhà lao.

Trước chế độ hà khắc của nhà tù Lao Bảo, ông Dương Huyền đã cùng Chi bộ nhà lao đã quyết định tổ chức một cuộc đấu tranh đòi đưa các đồng chí bị giam ở ca sô lên lao chính cùng với anh em. Cuộc đấu tranh diễn ra bằng hình thức tuyệt thực, không ăn, không đi làm, kéo dài đến bốn, năm ngày. Kết quả, cuộc đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ, thực hiện một số yêu sách của tù chính trị. Cuộc đấu tranh thứ hai tiếp tục được tổ chức đòi cho xem báo và viết thư về nhà cũng thành công. Khi người nhà đến thăm hay gửi thư, tiền bạc, quà bánh, thuốc men tới, chúng đã cho lên nhận.

Tháng 2/1935, ông Dương Huyền được thả tự do, lúc về tới nhà thì tài sản đã bị bọn hương lý thu vét sạch. Ông quyết định nghỉ ngơi một thời gian để bồi dưỡng sức khỏe, vừa lo phụng dưỡng cha mẹ, vợ con, vừa tìm hiểu tình hình của Đảng… Từ năm 1936 – 1939, nắm được chủ trương của Đảng lúc này là cần tổ chức lại các hội biến tướng để tập hợp quần chúng nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng, ông đã đứng ra lập ra một phường lợp nhà gồm có 15 người. Từ phường này, ông tiếp tục đi vận động anh em nông dân lập ra nhiều phường khác như phường cày để tránh nạn bị địa chủ bóc lột nhân công, bóc lột tô phụ, nợ lãi, tránh được nạn nhà giàu lấy ruộng… Đến vụ mùa đại hạn, tháng 6 âm lịch mà lúa vẫn chưa cấy được, ông tiếp tục bàn với anh em lập các nhóm đắp đất ban đêm để kịp thời cho vụ gieo lúa.

Năm 1938, trước tình trạng không có giếng để lấy nước, phải ăn nước bàu nên bà con bị ốm đau liên tục, nhiều nhất là bệnh sốt rét. Trong xóm lại có một đền thờ bà chúa Thủy nên nhân dân thường xuyên cầu đồng xin bùa thuốc, bà con vốn đã đói khổ càng đói khổ hơn. Ông Dương Huyền đã giải thích cho bà con hiểu không phải do ma quỷ thần thánh làm cho bà con ốm đau mà chính là không có giếng nước sạch, nước bàu lắm thứ lá cây đổ xuống lại không có ánh sáng mặt trời, muỗi nhiều nên hay đau ốm. Sau một thời gian giải thích thuyết phục, ông đã xung phong ra đào giếng trước, bà con thấy vậy ra đào theo. Hai ngày sau ông và bà con nhân dân đã đào được một cái giếng vừa to, vừa sâu, nước lại rất trong phục vụ cả xóm, bệnh tật dần được đẩy lùi.

Đến năm 1942, ông Dương Huyền tiếp tục vận động anh em nông dân lập lại các phường hội biến tướng để hoạt động cách mạng. Tháng 3/1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, bí mật hoạt động đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1946 – 1949, ông được bầu là Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bằng, Cấp ủy Việt Minh xã Hữu Bằng. Cuối năm 1949, đồng chí được Huyện ủy điều lên công tác tại huyện. Tháng 1/1950, ông đã trúng cử vào Ban Chấp hành Nông dân cứu quốc huyện, giữ chức vụ Bí thư. Năm 1951-1952, đồng chí lại được Huyện ủy chỉ định về làm Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch Liên Việt xã. Đến năm 1956, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Năm 1959 đến năm 1963 ông là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Sơn Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Bí thư Chi bộ Kim Bằng. Đến năm 1982, do tuổi cao sức yếu nên ông Dương Huyền đã qua đời. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng của nhân dân, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba vào ngày 30/1/1962.

Từ một thanh niên yêu nước, được giác ngộ lý tưởng cách mạng và sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Dương Huyền – người con ưu tú của mảnh đất Hương Sơn – Hà Tĩnh đã ngày đêm không quản ngại khó khăn nguy hiểm, lăn lộn với phong trào cách mạng với chí thép của người cộng sản, góp phần làm nên những thắng lợi của nhân dân Hương Sơn trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Những đóng góp và quá trình hoạt động cách mạng của ông là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo để giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng của thế hệ ông cha trên quê hương Xô viết anh hùng.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc