Skip to main content

Doanh nhân Dương Ngọc Minh và “kỳ tích” về con cá tra (05/28/2014)

Đăng ngày 28/05/2014 bởi Administrator

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm gần đây tăng tốc mạnh mẽ, đặc biệt con cá tra mỗi năm đã mang về trên 1 tỷ USD, trong đó có đóng góp không nhỏ của ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương.

Tôi biết ông ngay những ngày đầu thành lập Công ty TNHH Hùng Vương vào khoảng tháng 10 năm 2003 và nay đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Ông khởi nghiệp với một nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Khu công nghiệp Mỹ Tho, công suất còn hạn chế. Ông luôn dự tính nhiều dự án, kế hoạch với mong muốn đưa Hùng Vương trở thành tập đoàn nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Trong những thời điểm cực kỳ khó khăn, nhất là ở thị trường Mỹ gặp trục trặc, khi chúng tôi trao đổi với một đồng nghiệp của ông, vị giám đốc này nói rằng: “Anh Minh đang ở Mỹ để gỡ rối cho con cá tra, ít nhất phải 2 tuần mới về!”. Ông đã đi gần 50 quốc gia và mỗi nước ông đi hàng chục lần, để bàn thảo về các kế hoạch kinh doanh và tìm đầu ra cho ngành thủy sản.

Có lần tôi hỏi, những chuyến đi nước ngoài dày đặc, xử lý hàng loạt công việc với một công ty có qui mô lớn – chưa kể những chuyến đi về từ TP. Hồ Chí Minh-Mỹ Tho mỗi ngày, vậy thời gian đâu anh ngủ? Ông nói vui rằng, thì ngủ trên xe!. Dường như đối với ông, làm việc bất kể thời gian lẫn không gian. Mỗi lần nhắc đến nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu cá tra thì ông hồ hởi, sôi nổi lên hẳn. Với bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, nên ông Dương Ngọc Minh đã lèo lái con thuyền Hùng Vương từ một nhà máy chế biến thủy sản ban đầu với kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 triệu USD, giờ đây trong tay ông đã có 12 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang; 2 nhà máy chế biến thức ăn có công suất 600.000 tấn/năm; kho lạnh có sức chứa 42.000 tấn; vùng nuôi cá tra nguyên liệu diện tích 250 ha, đáp ứng được 150.000 tấn cá mỗi năm; có tổng số trên 11.000 lao động… Hùng Vương trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất cả nước trong ngành thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt khoảng 180 triệu USD. Tại hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương đã nói rằng, Hùng Vương đã làm nên một kỳ tích trong ngành thủy sản. Kỳ tích này bắt đầu từ việc đưa con cá tra lên ngôi.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nói chung và Hùng Vương nói riêng nối lại được với thị trường xuất khẩu Nga, một bạn hàng lớn, có công không ít của ông Dương Ngọc Minh. Đây là kết quả của những cuộc đấu trí đầy cam go và kéo dài. Với phương án đấu trí mềm mỏng, kiên nhẫn, đoàn đàm phán phải thường xuyên trao đổi, gỡ rối và đi đến thuyết phục đối tác trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Điểm mấu chốt, cam go nhất của thị trường Nga là các doanh nghiệp Nga không muốn Chính phủ Nga cho nhập cá tra Việt Nam, do họ có những hợp đồng nhập khẩu với giá rẻ. Nhưng khi khảo sát thị trường này thấy rằng, cá tra là mặt hàng hấp dẫn đối với người dân Nga và được ưa chuộng rất nhiều. Đây là một thị trường tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nên bằng mọi giá cá tra Việt Nam phải chiếm được vị trí quan trọng ở thị trường này. Vì lẽ đó, ông đã 6 lần trong vòng 2 tháng sang Nga trực tiếp đàm phán và đã thành công khi thị trường Nga được nối lại từ năm 2008. Và  chỉ trong năm 2009 , thị trường Nga tiêu thụ khoảng 200.000 tấn sản phẩm cá tra của Việt Nam, mang về kim ngạch xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD.

Nga đã trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam, riêng đối với mặt hàng cá tra thì Nga lại là thị trường tiềm năng. Hơn nữa, nếu so với các thị trường Nhật, Mỹ, EU và các nơi  khác thì thị trường Nga tương đối dễ tính hơn. Và hiện tại, cá tra vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu cao nhất trong nhóm hàng thủy sản. Ông Dương Ngọc Minh nói rằng, từ năm 2009 đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra đã được mở rộng thêm 24 quốc gia mới, nâng tổng số các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam lên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy đã có thị trường xuất khẩu rộng lớn, nhưng Nga vẫn được xác định là thị trường truyền thống, chiến lược và trọng điểm mà các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam muốn xâm nhập và chiếm lĩnh. Việc mở rộng thị trường cũng như tiềm năng của sản phẩm cá tra vẫn tiếp tục cao, đáp ứng được nhu cầu thủy sản thế giới là điểm nhấn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm sắp tới.

Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn là quốc gia có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất trên thế giới, do có lợi thế đặc trưng về thời tiết, nguồn nước, vùng nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ tạo nên giá bán cạnh tranh phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của đa số các quốc gia. “Năm 2010 có rất nhiều những biến động đối với ngành thủy sản xuất khẩu, nhưng Hùng Vương đã cùng với các doanh nghiệp khác mang về cho đất nước khoảng 4,8 tỷ USD, trong đó con tôm đứng đầu với khoảng 2 tỷ USD, cá tra gần 1,5 tỷ USD. Còn trong chiến lược phát triển của Bộ Công thương, giai đoạn từ 2010 – 2015 xuất khẩu thủy sản sẽ đạt mức 5,5 – 6 tỷ USD, trong đó cá tra sẽ mang về khoảng 2,5 tỷ USD”, ông Dương Ngọc Minh cho biết. Từ những đóng góp và gắn bó với ngành thủy sản, ông được bầu làm Trưởng Ban Điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ông cũng từng có tên trong danh sách top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và là Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu nhiều năm liền.

Ông Dương Ngọc Minh dự đoán, xuất khẩu cá tra năm 2011 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, do phải chịu nhiều áp lực trong nước. Một số nhà máy chế biến có khả năng thiếu nguyên liệu sản xuất đến tháng 10/2011, chỉ hoạt động chưa đến 50% công suất (do 2 năm qua người nuôi thua lỗ nên không có vốn đầu tư tiếp và không chủ động được vùng nguyên liệu). Áp lực từ chi phí lãi vay, hành động “bêu xấu” cá tra của một số nước cũng đè nặng lên vai các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ thực tế đó, ngành thủy sản xuất khẩu cả nước cũng chỉ đưa ra mục tiêu năm 2011 đạt từ 1-1,2 tỷ USD xuất khẩu cá tra và tổng sản lượng cá nguyên liệu từ 700.000-800.000 tấn. Riêng Công ty cổ phần Hùng Vương cũng chỉ đưa ra mục tiêu đạt 180 triệu USD, bằng với năm 2010. “Trong cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu gần đây đã thống nhất giá sàn xuất khẩu cá tra năm 2011 là 3,5 USD/kg đối với cá thịt trắng và 2,05 USD/kg đối với cá thịt đỏ. Vì vậy, giá cá nguyên liệu mua vào tối thiểu cũng khoảng 1 USD/kg”, ông Minh cho biết.

Ông không chỉ được biết đến là người có vai trò quan trọng góp phần đưa con cá tra của Việt Nam làm nên  kỳ tích mà còn được biết đến như một người có những đóng góp lớn trong công tác từ thiện xã hội. Ông nói rằng, từ năm 2004 đến nay, trung bình hàng năm Công ty cổ phần Hùng Vương dành ra khoảng 5 tỷ đồng để đóng góp vào các quỹ từ thiện xã hội ở nhiều tỉnh, thành. Riêng năm 2010, ông đã dành ra trên 6 tỷ đồng, trong đó có Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” phối hợp với Báo Ấp Bắc  thực hiện từ năm 2007 đến nay, đã giúp cho nhiều học sinh nghèo vượt khó học giỏi , trong 4 lần tổ chức liên tiếp vừa qua, có đến 556 lượt học sinh, sinh viên được nhận học bổng với tổng số tiền 900 triệu đồng. Chương trình học bổng này đã gặt hái được nhiều kết quả khi có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, nhiều lớp học sinh đã đậu vào các trường đại học,…

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc