Skip to main content

ĐIỀU LỆ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM (01/09/2014)

Đăng ngày 09/01/2014 bởi Administrator

 

BIỂU TƯỢNG

 

  1. Biểu tượng (đang sử dụng hiện nay) là hình ảnh biểu thị nét đặc trưng nhất của Họ Dương Việt Nam. Biểu tượng có sự cách điệu và thể hiện tính nghệ thuật cao để chiêm ngưỡng.
  2. Biểu tượng không phải là cuốn thư hoàn chỉnh nơi thờ cúng (mà chỉ phỏng theo cuốn thư).
  3. Phần chính của Biểu tượng là nền màu đỏ thắm, giữa có chữ Hán “Dương” (bộ mộc) màu vàng tươi. Nhìn vào: Bên trái là cây bút lông đứng, ngọn vươn lên phía trên, đầu thân lộ ra phía dưới; bên phải là thanh kiếm dựng, đầu kiếm vươn lên phía trên, đốc lộ ra phía dưới. Phía trên nền đỏ, giữa ngọn bút và đầu kiếm là dòng chữ quốc ngữ in HỌ DƯƠNG VIỆT NAM màu vàng tươi, dưới nền đỏ, giữa đầu thân bút và đốc kiếm là diềm hoa văn chữ công (I).
  4. Biểu tượng thể hiện: Họ Dương là dòng tộc mạnh trong cộng đồng các Dòng tộc Việt Nam (nền màu đỏ thắm, chữ Dương màu vàng tươi), có truyền thống võ công văn trị (bút và kiếm), đi tiên phong trong công cuộc dựng nước, giữ nước và hưng thịnh đất nước (chữ Dương được giương cao).
  5. Kích thước của Biểu tượng to, nhỏ, tùy theo mục đích sử dụng mà chế tác cho phù hợp.

 

CỜ HỌ DƯƠNG

 

  1. Cờ Họ Dương dùng cho nhà thờ, lăng, miếu, nơi thờ các danh nhân người Họ Dương, được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa và được treo ở nơi tổ chức lễ hội Dòng tộc hoặc khi tế lễ tổ tiên.
  2. Cờ hình vuông, cạnh 3.59 m (không kể diềm), nền cờ màu đỏ thắm, giữa có chữ Hán “Dương” (bộ mộc) màu vàng tươi, cỡ chữ (0,5m x 0,5m), đặt theo chiều đứng, chạy xung quanh là soi cờ ba màu, bên ngoài có diềm cờ.
  3. Chữ Dương (Hán) thêu như nhau ở hai mặt cờ, dưới thêu hàng chữ quốc ngữ in HỌ DƯƠNG VIỆT NAM màu vàng tươi.
  4. Cờ treo ở nhà, hội trường, văn phòng, đền miếu thông thường, tùy theo vị trí, diện tích để may cờ cho phù hợp.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi: Điều lệ Họ Dương Việt Nam

Điều 2. Tính chất, tôn chỉ, mục đích hoạt động

  1.  Tính chất

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Họ Dương Việt Nam luôn đồng hành cùng trăm họ trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống hào hùng đó, hai mươi mốt năm qua Họ Dương đã tập hợp và thành lập tổ chức Hội đồng Họ Dương để chăm lo sự nghiệp phát triển Dòng tộc, cùng xã hội trong sự nghiệp hưng thịnh nước nhà.

Hội đồng Họ Dương Việt Nam là một tổ chức mang tính xã hội, đại diện cho cộng đồng người Họ Dương đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài.

  1.  Mục đích hoạt động

a) Hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa.

b) Phát huy truyền thống Dòng tộc: Yêu nước, tự lực, tự cường; hiếu học, coi trọng tri thức; sống nhân nghĩa, vị tha.

c) Xây dựng Họ Dương thành một Dòng tộc vững mạnh về tổ chức, tri thức, kinh tế và đoàn kết, tương thân – tương ái.

d) Đoàn kết cùng xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 3. Nguyên tắc, phạm vi hoạt động

  1.  Hội đồng Họ Dương hoạt động theo nguyên tắc:

a) Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số;

b) Tự nguyện, tự quản, bình đẳng, công khai, minh bạch;

c) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận;

d) Tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Họ Dương Việt Nam.

  1.  Hội đồng Họ Dương Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước và những nước có người Họ Dương sinh sống.
  2.  Hội đồng Họ Dương có con dấu (nội bộ), tài khoản tại ngân hàng và tài sản riêng theo quy định của Pháp luật.
  3.  Có trụ sở chính, có văn phòng Hội đồng Họ Dương ở các địa phương theo quy định của Điều lệ. Khi cần thiết có thể thành lập văn phòng đại diện.

Chương II

NHIỆM VỤ

Điều 4. Nhiệm vụ

  1.  Xây dựng Dòng tộc

a) Xây dựng hệ thống tổ chức Hội đồng Họ Dương bền vững trong cộng đồng Họ Dương Việt Nam.

b) Xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo gồm: Điều lệ; các quy chế hoạt động Hội đồng Họ Dương Việt Nam và Hội đồng Họ Dương các cấp.

c) Xây dựng Lịch sử Họ Dương Việt Nam; hệ thống nhà thờ, lăng mộ và các thiết chế văn hóa, lịch sử Họ Dương các cấp.

  1.  Khuyến học – khuyến tài

a) Xây dựng Dòng tộc thành xã hội học tập.

b) Phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài.

c) Giúp đỡ những thành viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

  1.  Tương thân – tương ái và đền ơn đáp nghĩa

a) Đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau trong cuộc sống với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.

b) Coi trọng đạo hiếu, làm tốt việc mừng thọ thành viên Họ Dương cao tuổi.

  1.  Phát triển kinh tế

a) Động viên toàn Dòng tộc phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

b) Lấy kinh tế Doanh nghiệp – Doanh nhân và kinh tế tri thức làm nền tảng.

c) Tạo điều kiện giúp đỡ nhau cùng phát triển.

  1.  Thông tin tuyên truyền

a) Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Dòng tộc cho mọi người.

b) Xây dựng nền tảng văn hóa trong cộng đồng Dòng tộc.

c) Phát hành bản tin, tạp chí và các ấn phẩm khác theo quy định của Pháp luật.

d) Tổ chức hội thảo, lễ hội … và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

 

 

Chương III

THÀNH VIÊN

Điều 5. Thành viên Họ Dương Việt Nam

Thành viên Họ Dương Việt Nam bao gồm: Những người mang Họ Dương; những người không mang Họ Dương nhưng có nguồn gốc Họ Dương, nay tham gia tổ chức Họ Dương; con dâu Họ Dương; con rể (người ở rể nhà Họ Dương theo phong tục của bà con dân tộc miền núi, chấp nhận khi sinh con mang Họ Dương) gọi chung là “Thành viên Họ Dương Việt Nam”, đang sinh sống ở trong và ngoài nước, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, giới tính, tuổi tác.

Điều 6. Quyền lợi của thành viên

  1.  Được tham gia, đóng góp thảo luận xây dựng Dòng tộc.
  2.  Được tham gia biểu quyết, ứng cử, đề cử vào các chức danh của Hội đồng Họ Dương các cấp.
  3.  Được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Hội đồng Họ Dương.
  4.  Được quyền không tham gia hoặc xin rút không tham gia tổ chức Hội đồng Họ Dương.

Điều 7. Nghĩa vụ

  1.  Chấp hành Điều lệ, Nghị quyết và các quy định của Hội đồng Họ Dương đã được Đại hội, Hội nghị Hội đồng Họ Dương các cấp thông qua.
  2.  Tuyên truyền, giáo dục trong gia đình, Dòng tộc về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của Dòng tộc và các chủ trương chỉ đạo hoạt động của Hội đồng Họ Dương các cấp.
  3.  Đoàn kết Dòng tộc và cộng đồng xã hội, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, Pháp luật.
  4.  Có ý thức, trách nhiệm xây dựng Dòng tộc phát triển ổn định và bền vững.
  5.  Đóng góp quỹ họ theo quy định của Hội đồng Họ Dương các cấp.

Chương IV

TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 8. Hội đồng Họ Dương Việt Nam được tổ chức thành 4 cấp

  1.  Cơ cấu tổ chức và các ban của Hội đồng:

a) Chủ tịch;

b) Các Phó Chủ tịch;

c) Tổng Thư ký;

d) Các Ủy viên thường trực;

đ) Các Ủy viên;

e) Văn phòng;

g) Ban Kiểm tra;

h) Ban Xây dựng Dòng tộc;

i) Ban Khuyến học – Khuyến tài;

k) Ban Phát triển kinh tế;

l) Ban Thông tin – Tuyên truyền;

m) Hiệp hội Doanh nghiệp – Doanh nhân.

  1.  Hội đồng Họ Dương tỉnh, liên tỉnh cơ cấu:

a) Chủ tịch;

b) Các Phó Chủ tịch;

c) Các Ủy viên Thường trực;

d) Các Ủy viên;

đ) Văn phòng;

e) Ban Kiểm tra;

g) Ban Khuyến học – Khuyến tài;

h) Hội Doanh nghiệp – Doanh nhân.

  1.  Hội đồng Họ Dương cấp huyện, liên huyện cơ cấu:

a) Chủ tịch;

b) Các Phó Chủ tịch;

c) Các Ủy viên thường trực;

d) Các Ủy viên;

đ) Văn phòng;

e) Ban Kiểm tra;

g) Ban Khuyến học – Khuyến tài.

  1.  Hội đồng Gia tộc (chi họ) hoặc liên chi có cơ cấu:

a) Chủ tịch;

b) Phó Chủ tịch (hoặc Thư ký Hội đồng Gia tộc);

c) Các Ủy viên;

d) Ban Khuyến học – Khuyến tài.

  1. Do điều kiện cộng đồng Họ Dương sinh sống ở các địa phương, cơ sở khác nhau, căn cứ vào tình hình thực tế, Hội đồng Họ Dương cấp đó, báo cáo xin chủ trương Hội đồng cấp trên, để vận dụng thành lập Hội đồng cho phù hợp.

Điều 9. Thủ tục thành lập (nơi chưa có tổ chức Hội đồng Họ Dương)

1.  Thành lập Ban vận động hoặc Hội đồng Họ Dương lâm thời, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên, các đơn vị Họ Dương cùng tham gia, tạo điều kiện để thành lập Hội đồng Họ Dương.

2.  Tổ chức Lễ thành lập.

a) Triệu tập đại biểu

b) Thông qua báo cáo, phương hướng, quy chế hoạt động, thông qua danh sách Hội đồng Họ Dương để lấy ý kiến đại biểu dự Hội nghị và bầu Hội đồng.

c) Thông qua quyết định chuẩn y của cấp trên.

d) Hội đồng Họ Dương ra mắt.

Điều 10. Đại hội đại biểu toàn quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc do Hội đồng Họ Dương Việt Nam triệu tập, năm năm tổ chức một lần. Trường hợp đặc biệt có hai phần ba số Hội đồng Họ Dương cấp tỉnh đề nghị thì sẽ tổ chức Đại hội sớm hơn quy định. Đại hội có nhiệm vụ:

  1.  Thảo luận, thông qua báo cáo nhiệm kỳ của Hội đồng Họ Dương Việt Nam;
  2.  Quyết định phương hướng hoạt động của Hội đồng Họ Dương Việt Nam nhiệm kỳ tiếp theo;
  3.  Bầu Hội đồng Họ Dương Việt Nam, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên thường trực và Ban Kiểm tra. Hình thức bầu cử, bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết và số lượng Ủy viên Hội đồng, Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định;
  4.  Sửa đổi, bổ sung Điều lệ.

Điều 11. Nhiệm vụ của Hội đồng

Là cơ quan lãnh đạo của Dòng tộc giữa hai kỳ Đại hội. Hội đồng có nhiệm vụ:

  1.  Tổ chức triển khai hướng dẫn Hội đồng Họ Dương các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội, thực hiện Điều lệ, các chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của Dòng tộc trong từng thời gian;
  2.  Tập trung chỉ đạo các hoạt động của Hội đồng Họ Dương Việt Nam;

Hội đồng Họ Dương họp thường kỳ sáu tháng một lần và có thể họp bất thường khi cần triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất;

  1. Xây dựng, ban hành và sửa đổi Điều lệ, Quy chế, Quy định và Nghị quyết trên các lĩnh vực hoạt động của Hội đồng Họ Dương.

Điều 12. Thường trực Hội đồng

Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam là bộ phận thường trực của Hội đồng gồm: Chủ tịch; các Phó Chủ tịch; Tổng Thư ký và các Ủy viên thường trực, có nhiệm vụ:

  1.  Trực tiếp thay mặt Hội đồng Họ Dương điều hành và giải quyết công việc hàng ngày của Dòng tộc;
  2.  Quyết định nhân sự, bổ sung và miễn nhiệm các thành viên trong Hội đồng Họ Dương khi cần thiết để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ. Điều hành hoạt động của bộ máy Văn phòng và các Ban chuyên môn của Hội đồng Họ Dương;
  3.  Chuẩn bị nội dung và triệu tập các Hội nghị của Hội đồng Họ Dương sáu tháng một lần và thường trực Hội đồng ba tháng một lần;
  4.  Xây dựng và ban hành: Chương trình hoạt động; Quy định; Nghị quyết; Kế hoạch tài chính và kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo các hoạt động của Hội đồng Họ Dương các cấp.
  5.  Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng:

a) Chịu trách nhiệm chung;

b) Làm Trưởng Ban Khuyến học – Khuyến tài;

c) Làm chủ tài khoản Hội đồng;

d) Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng và thường trực Hội đồng;

đ) Chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Hội đồng và thường trực Hội đồng;

e) Ký quyết định phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí vụ, việc và hàng năm;

g) Ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo đơn vị thuộc Hội đồng, ký ban hành Điều lệ, các quy chế hoạt động và thành lập các Ban Chỉ đạo để thực hiện những việc quan trọng, đột xuất của Dòng tộc;

h) Ký quyết định khen thưởng, kỷ niệm chương, bằng vinh danh, bảng vàng vinh danh, danh hiệu “Dương Tộc Tinh Hoa” và các hình thức văn bằng khen thưởng khác do Hội đồng quy định;

i) Ký các văn bản giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước có liên quan đến việc quản lý các tổ chức phi chính phủ;

k) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của các đơn vị thuộc Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

6.   Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng:

a) Phó Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm từng phần công việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng;

b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành các công việc theo sự uỷ quyền có thời hạn bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng đi vắng;

c) Được ký thay Chủ tịch Hội đồng một số văn bản thuộc lĩnh vực được phân công sau khi Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, được phát hành văn bản của Hội đồng trên mạng sau khi Chủ tịch Hội đồng phê duyệt cho phát hành.

7.   Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thư ký:

a) Tổng Thư ký giúp Chủ tịch Hội đồng và thường trực Hội đồng điều hành, giải quyết các công việc hàng ngày của Hội đồng và thường trực Hội đồng;

b) Xây dựng các văn bản quản lý của Hội đồng;

c) Tổ chức xây dựng các báo cáo nhiệm kỳ và báo cáo các cuộc họp Hội đồng và thường trực Hội đồng;

d) Chỉ đạo Văn phòng Hội đồng quản lý hồ sơ lưu trữ, chuẩn bị chương trình hoạt động và lịch họp, tài liệu họp, đón tiếp đại biểu và chuẩn bị các yêu cầu cần thiết cho các cuộc họp do Hội đồng và thường trực Hội đồng tổ chức;

đ)  Được ký thay Chủ tịch Hội đồng và ký thay thường trực Hội đồng một số văn bản thuộc lĩnh vực được phân công sau khi Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, được phát hành văn bản của Hội đồng trên mạng sau khi Chủ tịch Hội đồng phê duyệt cho phát hành.

8.   Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên thường trực:

a) Cùng tập thể thường trực Hội đồng chịu trách nhiệm trước Hội đồng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 4 của Điều lệ và trực tiếp chỉ đạo những công việc cụ thể theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng;

b) Tham gia đầy đủ các cuộc họp của thường trực Hội đồng, để bàn và quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của thường trực Hội đồng.

9.   Nhiệm vụ của Văn phòng:

Văn phòng là bộ máy giúp việc của Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng, có nhiệm vụ:

a) Chánh văn phòng được tham dự các cuộc họp Hội đồng và thường trực Hội đồng, nắm vững chủ trương, nhiệm vụ để triển khai, ra các thông báo hoặc hướng dẫn triển khai thông qua Tổng Thư ký để phát hành;

b) Văn phòng xây dựng chương trình hoạt động của Hội đồng và thường trực Hội đồng, thông qua Tổng Thư ký lập kế hoạch hoạt động cho Hội đồng và thường trực Hội đồng (tháng, quý, năm …);

c) Lập biên bản các cuộc họp của Hội đồng và thường trực Hội đồng, viết báo cáo định kỳ (tháng, quý, năm …) theo quy định, thông qua Tổng Thư ký và Chủ tịch trước khi trình Hội đồng và thường trực Hội đồng;

d) Quản lý hồ sơ, tài liệu hình thành qua hoạt động của Hội đồng;

đ) Thu thập, bảo quản những hồ sơ lưu trữ còn giá trị hiện hành đến hạn nộp lưu của các đơn vị, cá nhân để phục vụ yêu cầu khai thác kiểm tra, thanh tra các hoạt động của Hội đồng;

e) Bảo quản vĩnh viễn những hồ sơ, tài liệu có giá trị lịch sử, sổ sách ghi chép công đức, số đăng ký vinh danh …, hồ sơ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, sổ kế toán, hồ sơ quyết toán các năm …, lập công cụ tra cứu hồ sơ, tài liệu bằng phương pháp truyền thống và tự động hoá để phục vụ yêu cầu tra tìm tài liệu nhanh chóng, chính xác;

g) Thống kê, quản lý tài sản, phương tiện đi lại, thiết bị văn phòng, báo cáo thống kê, kiểm kê hàng năm theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện một số công việc khác do Chủ tịch Hội đồng và Tổng Thư ký giao.

Điều 13. Đại hội các địa phương, cơ sở

  1.  Nhiệm kỳ Đại hội các cấp: Năm năm đại hội một lần.
  2.  Số lượng và thành phần đại biểu dự Đại hội cấp nào do Hội đồng Họ Dương cấp đó quyết định và mời.
  3.  Thành phần đại biểu chính thức gồm: Các Ủy viên đương nhiệm của Hội đồng Họ Dương cấp triệu tập; các đại biểu ưu tú do Đại hội cấp dưới bầu cử đi dự Đại hội.
  4.  Đại hội đại biểu của Họ Dương các địa phương, cơ sở phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập đến dự. Việc bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội đồng Họ Dương các cấp và bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp trên được tiến hành với hai hình thức: Bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết do Đại hội quyết định.

Chương V

HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA

Điều 14. Ban Kiểm tra

  1.  Ban Kiểm tra do Đại hội cùng cấp bầu ra, số lượng Ủy viên do Đại hội quyết định, Trưởng Ban Kiểm tra là Ủy viên thường trực của Hội đồng Họ Dương. Ban Kiểm tra bầu chức danh Phó Trưởng Ban Kiểm tra.
  2.  Ban Kiểm tra chịu sự lãnh đạo của Hội đồng Họ Dương, Ban Kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, biểu quyết theo đa số.

Điều 15. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra

  1.  Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, Quy chế, Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết các kỳ họp của Hội đồng và thường trực Hội đồng, kiểm tra hoạt động Văn phòng và các Ban chuyên môn.
  2.  Kiểm tra, xác minh và trả lời các ý kiến phản ánh của tập thể và các thành viên trong Dòng tộc.
  3.  Kiểm tra việc thu, chi tài chính và quản lý tài sản của Dòng tộc.

Chương VI

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN

Điều 16. Tài chính

Tài chính của Hội đồng Họ Dương gồm các nguồn:

  1.  Đóng góp của các thành viên Họ Dương;
  2.  Tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước;
  3.  Kết quả thực hiện các hoạt động gây quỹ hợp pháp của Hội đồng Họ Dương các cấp;
  4.  Công đức của các chi họ, các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm;
  5.  Từ các nguồn thu khác mà pháp luật cho phép.

Điều 17. Các khoản chi

  1.  Chi khen thưởng Khuyến học – Khuyến tài.
  2.  Chi mừng thọ người cao tuổi trong Dòng tộc theo quy định.
  3.  Chi thăm hỏi, giúp đỡ cán bộ Hội đồng Họ Dương và thành viên Họ Dương khi gặp hoạn nạn, khó khăn đột xuất.
  4.  Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng Dòng tộc.
  5.  Chi chúc mừng việc thành lập, Đại hội, Lễ hội, khánh thành nhà thờ, lăng mộ của Hội đồng Họ Dương các cấp.
  6.  Chi trả thù lao cho một số hoạt động chuyên trách và nhiệm vụ đột xuất của Hội đồng Họ Dương.
  7.  Chi trả theo tiêu chí mà Hội đồng Họ Dương thống nhất với nhà tài trợ.

Điều 18. Tài sản

Tài sản của Hội đồng Họ Dương gồm:

  1.  Trụ sở, phương tiện, thiết bị làm việc;
  2.  Nhà thờ Tổ;
  3.  Các cơ sở sản xuất, dịch vụ (nếu có);
  4.  Các tài sản khác.

Điều 19. Quản lý tài chính, tài sản

  1.  Tài chính, tài sản của Dòng tộc phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, quản lý và sử dụng theo đúng như quy định của Pháp luật về công tác tài chính. Hội đồng Họ Dương các cấp xây dựng và ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cấp mình. Mọi trình tự, thủ tục thu chi được thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật về kế toán và quy định của Hội đồng Họ Dương Việt Nam.
  2.  Những tài sản do các tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc được mua sắm từ nguồn kinh phí của Hội đồng Họ Dương là tài sản thuộc sở hữu của Hội đồng Họ Dương Việt Nam, được theo dõi, báo cáo, kiểm kê đánh giá hàng năm theo các quy định của Pháp luật về quản lý tài sản.
  3.  Người vi phạm về tài chính, tài sản phải được Ban Kiểm tra xem xét, Hội đồng cùng cấp có ý kiến kết luận sai phạm và phải bồi thường đầy đủ như kết luận của Hội đồng.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Khen thưởng

  1.  Tiêu chuẩn khen thưởng:

a) Các tập thể, cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong hoạt động xây dựng Dòng tộc;

b) Những người có thành tích đặc biệt được Nhà nước vinh danh trên các lĩnh vực;

c) Các tập thể, cá nhân thực hiện tốt và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Họ Dương Việt Nam đề ra.

  1.  Hình thức khen thưởng:

Tùy theo công lao đóng góp của các tập thể, cá nhân vào các hoạt động xây dựng Dòng tộc, thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng Họ Dương đề ra, được nhận các hình thức khen thưởng sau:

a) Giấy khen, bằng khen;

b) Bằng vinh danh, bằng ghi nhận công đức;

c) Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Dương tộc”;

d) Danh hiệu “Dương Tộc Tinh Hoa”;

đ) Bảng vàng vinh danh, bảng vàng danh dự;

e) Được ghi nhận vào sổ vàng truyền thống Dòng tộc;

g) Được khắc tên vào bia đá;

h) Đặc biệt, những người có công lao to lớn, sau khi mất được đúc tượng và lập bài vị tại ban thờ hậu ở Nhà thờ Tổ. Hội đồng Họ Dương có trách nhiệm cúng giỗ hàng năm.

  1.  Xét khen thưởng:

a) Căn cứ vào tiêu chuẩn khen thưởng, Hội đồng Họ Dương các địa phương phát hiện, tổng hợp và báo cáo cụ thể, kịp thời về cấp có thẩm quyền khen thưởng. Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam là cơ quan giúp Hội đồng tổng hợp, xét và quyết định các hình thức khen thưởng hàng năm;

b) Riêng các hình thức khen thưởng cao, Hội đồng Họ Dương sẽ có hướng dẫn thực hiện cụ thể sau.

Điều 21. Xử lý vi phạm

  1.  Các loại vi phạm:

a) Vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định trong Điều lệ, Quy chế của Hội đồng Họ Dương;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, tham ô tài chính, tài sản của Hội đồng Họ Dương;

c) Phát ngôn thiếu văn hóa, tuyên truyền gây chia rẽ, hoài nghi, làm mất đoàn kết nội bộ, có việc làm trái với luân thường, đạo lý, làm ảnh hưởng đến uy tín của Dòng tộc.

  1.  Xử lý vi phạm:

a) Đối với các cá nhân vi phạm lần đầu, tùy theo mức độ vi phạm, thường trực Hội đồng Họ Dương sẽ có hình thức kỷ luật nội bộ như: Phê bình; nhắc nhở; khiển trách; cảnh cáo và yêu cầu cá nhân đó nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa, không để tái phạm;

b) Trường hợp cá nhân vi phạm đã được nhắc nhở nhưng không chịu tiếp thu, sửa chữa khuyết điểm mà vẫn tái phạm, thường trực Hội đồng Họ Dương sẽ họp, xem xét và có hình thức kỷ luật cho miễn nhiệm đối với những người có chức vụ trong Hội đồng Họ Dương cùng cấp hoặc cho thôi không tham gia sinh hoạt Họ đối với những người là thành viên Họ Dương và thông báo rộng rãi đến Hội đồng Họ Dương các cấp.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Sửa đổi, bổ sung

Đại hội giao quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho Hội đồng Họ Dương Việt Nam khi cần thiết sau một năm thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ chỉ được tiến hành khi có hai phần ba số Ủy viên Hội đồng Họ Dương đề nghị.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Điều lệ này gồm 8 chương, 23 điều. Có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam ký Quyết định ban hành./.

– See more at: http://hoduongvietnam.com.vn/dieu-le-ho-duong-viet-nam_n57981_g730.aspx#sthash.X7irWix4.dpuf

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc