Skip to main content

Cờ vua Nghệ An cần có bước đi đột phá! (04/10/2016)

Đăng ngày 10/04/2016 bởi Administrator

Nghệ An nằm trong top các địa phương sớm đưa bộ môn này vào “khung” các môn thể thao được đầu tư phát triển. Dẫu vậy, hiện nay, môn cờ vua tỉnh nhà vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Rất cần có “nước đi” đột phá để khơi dậy nguồn nhân lực và niềm đam mê với môn thể thao trí tuệ này…

Được thành lập từ năm 2001, tròn 14 năm, đội tuyển cờ vua tỉnh Nghệ An nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. HLV Trần Văn Sơn – người thầy “mát tay” gắn bó với công tác đào tạo, huấn luyện đội tuyển cờ vua tỉnh nhà từ những ngày đầu thành lập, cho biết: Thời kỳ đầu, đội tuyển chỉ có 6 VĐV, lực lượng mỏng, cả HLV lẫn VĐV còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trong giai đoạn đầu mới hình thành đội tuyển, nhưng với tinh thần yêu thể thao và phấn đấu rèn luyện, đạt thành tích vì “màu cờ, sắc áo”, ghi dấu ấn lên bản đồ cờ vua quốc gia, chỉ sau 1 năm thành lập, đội tuyển cờ vua tỉnh nhà đã xuất sắc đạt 2 HCV tại Giải cờ vua vô địch trẻ toàn quốc. Từ đó đến nay, cờ vua Nghệ An liên tục có huy chương tại hai giải đấu truyền thống của cờ vua trẻ nước nhà là Giải vô địch trẻ toàn quốc và Giải cờ vua các nhóm tuổi trẻ khu vực miền Trung mở rộng.
Lớp học cờ vua ở Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức (TP. Vinh).
Lớp học cờ vua ở Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt – Đức (TP. Vinh)
Những thành tích ấy vẫn có thể nổi bật và vươn cao, vươn xa hơn nữa, nếu biết khai thác tiềm năng nhân lực và lan tỏa niềm đam mê môn thể thao trí tuệ này đến với đông đảo quần chúng nhân dân. HLV Trần Văn Sơn cho biết, cái khó nhất của cờ vua tỉnh nhà là “bí” nguồn nhân lực. 14 năm thành lập đội tuyển cờ vua, nhưng từ 6 VĐV ban đầu, nay con số ấy chỉ tăng nhẹ, đạt 11 VĐV, nghĩa là chưa đủ so với chỉ tiêu biên chế được phép và còn khoảng cách khá dài trong tổng thể chiến lược phát triển môn cờ vua tỉnh nhà. “Các kỳ thủ thường được tuyển chọn theo hai cách: một là các giáo viên ở các trường, các trung tâm văn hóa giới thiệu lên; hai là chúng tôi trực tiếp tìm nguồn tại các giải thi đấu trong tỉnh. Cờ vua là bộ môn thể thao trí tuệ, nên đối với tỉnh ta, có rất nhiều gương mặt xuất sắc, giàu tiềm năng, có nền tảng là học sinh giỏi ở các trường tiểu học, THCS… Phát hiện được rồi, nhưng để vận động các cháu và phụ huynh cho con theo đuổi sự nghiệp cờ vua thành tích cao là rất khó” – HLV Trần Văn Sơn chia sẻ. Tâm lý chung của các phụ huynh chỉ muốn con, em mình đến với cờ vua như một môn giải trí, rèn luyện trí tuệ, phụ trợ cho việc học văn hóa, còn gắn bó lâu dài thì hầu như chỉ là số ít. Thậm chí, khi VĐV đã gia nhập đội tuyển rồi, nhưng đến thời điểm các em thi chuyển cấp, thi đại học thì lại quyết định rời xa.
Không chỉ thiếu hụt nguồn VĐV, mà đội ngũ HLV cũng còn mỏng. 14 năm nay, chỉ có duy nhất HLV Trần Văn Sơn làm công tác huấn luyện đội tuyển. Đặc thù của việc huấn luyện thể thao thành tích cao là các VĐV đều sinh hoạt tập trung tại Trung tâm, nên HLV không chỉ làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, mà còn là người tư vấn, làm công tác tư tưởng và nhạy bén trước những biến động tâm lý của các VĐV trẻ, vừa là thầy, vừa là bạn.
Bộ môn cờ vua thành tích cao tỉnh nhà chưa phát huy hết tiềm năng, một phần còn bởi điều kiện cọ xát, thi đấu, học hỏi kinh nghiệm cho các VĐV còn hạn chế. Trung bình một năm các em chỉ thi đấu 2 – 3 giải, cơ hội để tiếp cận với các kỳ thủ cao tay trong và ngoài nước rất ít, trong khi cờ vua là môn thể thao trí tuệ, liên tục phát triển những lối đánh mới, hiểm, hiệu quả. Đây là thiệt thòi không nhỏ cho các VĐV cờ vua tỉnh ta.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo TDTT tỉnh cho biết: “Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn eo hẹp, cái khó của bộ môn cờ vua là cái khó chung như nhiều bộ môn khác. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để phát huy tiềm năng của môn cờ vua, cần có những bước định hướng chiến lược, triển khai quyết liệt từng giai đoạn cụ thể.” Theo đó, để giải quyết thực trạng thiếu nguồn nhân lực, Sở VH – TT & DL vừa thông qua đề xuất của trung tâm đào tạo TDTT tỉnh, thành lập các lớp cờ vua nghiệp dư cơ sở. Các lớp này hoạt động theo cơ chế nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học; cùng với đó, các HLV được tuyển chọn và nhận phụ cấp, còn thanh, thiếu niên trên địa bàn toàn tỉnh được đến học miễn phí, nhằm khuyến khích các em tiếp cận với bộ môn cờ vua, lan tỏa tình yêu cờ vua đến mọi tầng lớp nhân dân. Giải pháp này hứa hẹn sẽ tạo nên bước chuyển mới trong việc phát hiện, rèn giũa và gắn bó các lứa VĐV tiếp theo cho đội tuyển cờ vua thành tích cao tỉnh nhà.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Hoàng Trung, trước thực tế các VĐV cờ vua thường bỏ đội tuyển khi đến thời điểm thi tốt nghiệp, đại học, tỉnh ta cần có cơ chế tốt hơn để “giữ chân” VĐV, để họ vừa tiếp tục con đường học vấn, vừa vẫn gắn bó với cờ vua tỉnh nhà. “Đào tạo được 1 VĐV xuất sắc là cả chặng đường dài khó khăn, nên khi họ bỏ ngang nghiệp thi đấu là điều tiếc nuối vô cùng” – ông Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ. Để làm được điều này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cờ vua trong phát triển dân trí. Từ đó, huy động nguồn lực xã hội hóa để cả cộng đồng chung tay xây dựng và phát triển bộ môn thể thao trí tuệ này, có điều kiện kinh phí để tổ chức nhiều giải đấu, tăng tính cọ xát và nâng cao nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nên chăng, ngành thể thao cần xem xét hoạt động phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh nhà, đưa bộ môn cờ vua phát triển thành môn thể thao học đường. Tin rằng, với những “nước đi” có tính chiến lược ấy, cùng với quyết tâm cao, bộ môn cờ vua sẽ trở thành môn thể thao mũi nhọn, làm rạng danh ngành thể thao tỉnh nhà.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc