Skip to main content

Có một Nhà Thờ Họ Dương tại Cần Thơ (01/08/2014)

Đăng ngày 08/01/2014 bởi Administrator

NHÀ THỜ HỌ DƯƠNG

post image

NHÀ THỜ HỌ DƯƠNG

Đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 314/QĐ-BVHTTDL, ngày 22 tháng 01 năm 2009

NHÀ THỜ HỌ DƯƠNG

1. Tên di tích:  Nhà thờ họ Dương (vườn lan Bình Thuỷ)
2. Loại công trình: Kiến trúc nhà cổ
3. Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật
4. Quyết định: Đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 314/QĐ-BVHTTDL, ngày 22 tháng 01 năm 2009.
5. Địa chỉ di tích: Số 26/1 đường Bùi Hữu Nghĩa, khu vực 3, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
6. Tóm lược thông tin về di tích 
Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam bộ khoảng cuối thế kỷ XVIII, đến nay đã trải qua 6 thế hệ. Nhà thờ họ Dương được xây dựng từ năm 1870 (khoảng đời thứ 3 của dòng họ Dương). Đến những năm đầu của thế kỷ XX, nhà thờ họ Dương được trùng tu lại và tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi nhà cổ này được xây dựng theo kiến trúc Pháp, vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhà còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy, bởi hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 1960, ông đã sưu tầm được nhiều giống lan quý rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan, kết  hợp mở tuyến du lịch đến nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ sáu là ông Dương Minh Hiển cùng gia đình tiếp tục kế thừa và giữ gìn ngôi nhà.
Nhà thờ họ Dương rộng 5 gian 2 chái có chiều ngang 22m, chiều sâu 16m, diện tích đất 6.000m2. Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim lăng trụ cao khoảng 8m, tuổi khoảng 40 năm. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng thênh thang với 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính cột khoảng 30cm.
Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ mát cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn 10cm. Nhờ hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng, dù trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ. Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hòa xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis XIV, cặp đèn  treo  thế kỷ XIX, bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3m của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo đều là hàng Pháp.
Nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa với các chi tiết quen thuộc trong kiến trúc cổ rất gần gũi với đời sống của người Việt ở Nam bộ như: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, dơi, tôm, cua, nho…
Dù có cách bài trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ vẫn theo phương Đông. Sự giao tiếp văn hóa Đông – Tây khá hài hòa, thể hiện được thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân.
Đến nhà cổ Bình Thủy, du khách còn có thể đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác như vị trí trong bữa ăn của một gia đình xưa như thế nào, hòn non bộ vì sao được xây trước cửa lớn, kích cỡ non bộ cùng tỷ lệ đá và nước theo nghiêm luật nào, làm thế nào để phước vô họa ra và thể hiện được khát vọng của gia chủ về một giang san thái bình, gia đạo an vui, cốt cách hướng thiện…

Một số hình ảnh về nhà thờ họ Dương

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc