Skip to main content

WESLEY SO: “CỜ VUA NHƯ MỘT LỐI THOÁT CHO TÔI” (04/21/2019)

Đăng ngày 21/04/2019 bởi Administrator

Trong bài phỏng vấn gần đây với David Cox, Wesley So đã kể lại hành trình đến với cờ vua của mình từ một khu nghèo khó của Philippines đến top 10 thế giới.

Có thể nói, cuộc đời của Wesley So giống như một bộ phim Hollywood vậy.

Tiếp xúc với cờ vua trên đường phố Cavite, một khu vực nằm ở ngoại ô Manila, tài năng trẻ Wesley So đã trở thành đại kiện tướng quốc thế khi mới 14 tuổi, sau đó là một thời niên thiếu đầy sóng gió khi phải sống xa gia đình trong một căn hộ nhỏ ở thủ đô Manila.

Sau khi tìm được đường đến Hoa Kỳ bằng một học bổng cờ vua, So đừng trước nguy cơ phải từ bỏ tham vọng trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp trước khi bị thuyết phục bởi đôi vợ chống người Mỹ Lotis Key và Bambi Kabigting, những người sau đó quyết định nhận anh làm con nuôi.

Trong năm 2017, So đạt tới vị trí thứ 2 thế gới với điểm elo 2822, là kỳ thủ có hệ số elo cao thứ 5 trong lịch sử. Sau khi theo dõi người đồng hương Fabiano Caruana thách đấu Magnus Carlsen cho chức vô địch thể giới hồi năm ngoái, So đặt quyết tâm tìm kiếm một cơ hội cho ngôi vương của làng cờ trong những năm tới đây.

Bài phỏng vấn được thực hiện qua Skype, một số câu văn được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung

Chess.com: Cơ duyên nào mang anh đến với cờ vua?

Wesley So: Tôi học chơi cờ từ lúc 7 hay 8 tuổi. Có rất nhiều người chơi cờ ở nơi tôi sinh sống. Bạn biết đấy, cờ vua rất phổ biến tại Philippines, vì ở những đất nước thuộc thế giới thứ 3, cờ vua là trò chơi của người nghèo. Những người giàu thường sẽ chọn tennis, polo hay golf, người nghèo chơi cờ vì nó không đòi hỏi quần áo, hay các sân đấu lớn.

Trẻ con cũng không phải tốn tiền để chơi cờ. Người ta dùng nắp chai nhựa hay bất cứ thứ gì có thể để thay thế các quân cờ. Hàng tuần, tôi thường cắt những bài báo về những trận đấu của các đại kiện tướng và tìm hiểu cách chơi của họ, sau đó tôi đi khắp mọi nẻo đường với một bàn cờ và thách đấy bất cứ ai biết chơi.

Mọi người nơi đây rất sáng tạo. Một quyển sách cờ vua tiêu tốn khoản 1500 peso, tức khoảng 2 ngày lương của khá nhiều người Philippines, nên không có gì lạ khi một người sẽ mua quyển sách gốc rồi photocopy thành nhiều bản và bán lại cho mọi người với giá chỉ vài peso.

Mọi người nhận ra tài năng của anh khi nào?

Tôi giành chức vô địch giải U-10 vào năm 2003 và trở thành đại diện của Philippines tham dự lại U-10 thế giới tại Hy Lạp trong cùng năm đó, đó là giải đấu quốc tế đầu tiên của tôi. Khoảng 2007-2008, tôi trở thành kỳ thủ số 1 Philippines khi mới 14 tuổi, và sau đó đạt tới chuẩn Đại kiện tướng. Đến khi 16 tuổi thì tôi đã nằm trong top 100 thế giới.

Anh có thể cho chúng tôi biết những thử thách anh gặp phải trong quá trình phát triển sự nghiệp cờ vua của mình? Trong một số bài phỏng vấn trước đây, anh có đề cập đến sự một “chu kỳ tham nhung vô tận” trong các liên đoàn thể thao.

Ở Philippines có một cấu trúc cơ sở nhất định, nhưng có rất ít các chương trình hỗ trợ các kỳ thủ đạt đến tầm thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu định hướng các tài năng của mình từ năm 4 tuổi và luôn có các chương trình hỗ trợ cần thiết, không có bất cứ một chiến lược nào như vậy tại Philippines.

Vấn đề to lớn nhất chính là nạn tham nhũng. Các VĐV thường khó có được kinh phí hỗ trợ để tham gia thi đấu quốc tế, nhất là khi bạn không có một mối quen biết nào đó. Một ví dụ cụ thể là ở các Á Vận Hội, số lượng các quan chức đến tham gia là lớn hơn rất nhiều so với số lượng VĐV. Nạn tham nhũng đã ăn sâu vào văn hóa chúng tôi. Có thể đó chính là hệ quả của những năm tháng bị xâm lược bởi các thế lực nước ngoài. Muốn làm bất cứ gì cũng cần phải quen biết. Ở Philippines, bạn chỉ giàu nếu là chính trị gia, còn đối với người dân bình thường, đó là chuyện không thể.

Làm thế nào mà anh trở nên xa cách với gia đình của mình?

Thật khó để nói về vấn đề này. Chúng tôi phát triển theo những hướng khác nhau. Không ai cho rằng tôi có thể trở thành một kỳ thủ hàng đầu. Không ai trong gia đình tôi chơi cờ cả, vì thế họ không thực sự hiểu những gì tôi làm. Mẹ mong tôi trở thành một kế toán, còn tôi thì muốn nghỉ học và bước vào thi đấu chuyên nghiệp. Cuối cùng, họ bỏ tôi ở lại Philippines để định cư ở Canada khi tôi mới 16 tuổi. Ban đầu, một thứ rất bấp bênh, tôi phải sống trong một căn hộ nhỏ của Liên đoàn tại Manila, và thường thì hệ thống điện gần như không hoạt động. Tôi nhận được một phần trợ cấp mỗi tháng, tôi tham gia bất cứ giải đấu nào có thể và giành chiến thắng nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi nổi, cho đến khi tôi nhận được một cơ hội đến Mỹ vào năm 2012.

Chuyện đó xảy ra thế nào?

Tôi nhận được học bổng từ Đại học Webster và giúp học xây dựng một chương trình cờ vua. Lúc đó tôi biết mình phải nắm bắt cơ hội này, kiếm một tấm bằng và rồi một công việc nào đó ở Mỹ, trong ngân hàng hay bất cứ đâu cũng được, miễn là thoát khỏi Philippines.

Tôi nghĩ có thể xem cờ vua là lối thoát cho bản thân mình. Tôi học ở đó trong khoảng 2 năm rưỡi trước khi quyết định chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp.

Điều gì khiến anh tự tin để bước vào thi đấu chuyên nghiệp?

Hồi 2013, tôi liên tục kiếm tiền trong quá trình đi học, đi khắp đất nước và tham gia các giải đấu cuối tuần để giành từng ngàn đô la. Ở một giải đấu nọ, tôi nghỉ cùng với một anh chàng người Philippines khác, anh ta tổ chức một buổi tiệc và tôi có cơ hội gặp Lotis và gia đình bà ấy. Họ không biết gì về cờ vua, nhưng chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn bè, tôi đón Giáng Sinh năm đó cùng với họ. Lúc đó tôi đang trong top 30 và rất muốn dành toàn thời gian của mình để thi đấu, nhưng tôi không nghĩ như thế là đủ.

Lotis ủng hộ tôi thử sức, bà ấy nói rằng hãy thử trong 2 năm, nếu mọi thứ diễn ra không như ý là cứ việc trở lại trường và hoàn thành chương trình học. Họ cho tôi một nơi để sinh sống, trong một thời gian ngắn thôi, mất 6 tháng để tôi hoàn thành giấy tờ và sắp xếp mọi thứ ổn thỏa. Họ luôn giúp đỡ những trẻ mồ côi thông qua nhà thờ địa phương. Trong vòng 10 tháng sau Giáng Sinh năm đó, họ nhận tôi làm con nuôi và tôi chuyển về sống cùng với gia đình họ.

Nhận được sự giúp đó tạo ra một cú hích lớn với sự nghiệp của tôi. Thực tế thì tất cả các kỳ thủ trong top 20 đều có một hậu phương vững chắc là gia đình. Cha của Magnus luôn theo sát anh ấy ở bất cứ đâu. Fabiano cũng vậy. Không chỉ là chơi cờ, mà còn là cả ngàn thứ khác như di chuyển, hợp đồng, visa,… Trong năm nay, tôi sẽ thi đấu ở hơn 20 quốc gia. Richard Rapport nói rằng anh không thể nhớ lần cuối cùng mình có thời gian để ngồi và suy nghĩ là khi nào.

Trong năm 2014, anh chuyển Liên Đoàn từ Philippines sáng Mỹ. Anh có nghĩ mình vẫn vươn lên vị trí hàng đấu nếu tiếp tục thi đấu dưới sự quản lý từ Philippines?

Tôi đã ở trong top 10 khi quyết định chuyển Liên Đoàn hồi 2014, nhưng tôi không nghĩ mình có thể có cuộc sống tốt hơn nếu vẫn chịu sự quản lý từ họ. Tôi là người đầu tiên mang HCV về cho Philippines ở giải Summer Universiade hồi 2013, và được thưởng bằng tiền mặt tại quê nhà. Tuy nhiên, có đến 2 liên đoàn tại Philippines và họ bắt đầu tranh giành ánh hào quang về cho mình. Cuối cùng thì không ai công nhận thành quả của tôi, và tôi không nhận được bất cứ xu tiền thưởng nào. Chỉ mới 19 tuổi, tôi không đủ quyền lực cũng như sự nổi tiếng để tạo được bất cứ ảnh hưởng nào.

Nhưng đó cũng có thể coi như là một phước lành thuyết phục tôi chuyển Liên Đoàn sang Mỹ và ngay lập tức nhiều tổ chức sẵn sàng hỗ trợ kinh tế cho tôi. Tôi nghĩ mình sinh đúng thời, sự nghiệp của tôi gắn liền của Sinquefield, họ bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào cờ vua Mỹ vào đúng thời điểm tôi chuyên Liên Đoàn. Họ làm thế để thu hút những kỳ thủ châu Âu đến Mỹ thi đấu, với giá trị giải thưởng cao nhất hành tinh. Mười năm trước, để tham dự một giải đấu lớn, các kỳ thủ phải bay tận sang châu Âu.

Anh có một năm 2017 khá tốt, khi vươn đến vị trí số 2 thế giới và rồi 2018 lại không được như vậy. Anh thấy đâu là điểm yếu lớn nhất của mình?

2018 quả thực là một năm tồi tệ. Tôi đã không giữ được sự tập trung của mình và không có bất cứ một thắng lợi nào đáng ghi nhận. Nhưng trong cờ vua luôn có sự lên xuống, thể chất hay đời tư có thể ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý thi đấu của bạn. Nhưng tôi nghĩ mình sẽ trở lại, tôi sẽ thi đấu khoảng 16 đến 17 giải trong năm nay, đó là những cơ hội để tìm lại chính mình.

Sự thiếu quyết đoán hay thiếu định hướng có lẽ là một trong những điểm yếu của tôi. Trong một số trận đấu, khi đang nắm lợi thế hoặc có thể dẫn đến chiến thắng, thay vì kết liễu nhanh gọn, tôi thường chọn hướng đi an toàn và lâu dài, và đôi lúc nó tạo ra cơ hội cho đối thủ của mình. Nhiều người cho rằng đây là do ảnh hưởng văn hóa. Ở Philippines, mọi người không thường đi thẳng vào vấn đề, dù là trong một cuộc nói chuyện bình thường hay công việc. Họ thường vòng vo để đạt biểu đạt điều mình muốn nói.

Đôi lúc là thiếu lịch sự khi đi quá thẳng vào vấn đề. Và có thể điều này ảnh hưởng tới cách chơi cờ của tôi.

Anh hơi thất vọng về màn trình diễn của mình tại giải Thách Đấu năm ngoài, khi chỉ xếp thứu 7. Chuyện gì đã xảy ra?

Vì nhiều lý do mà tôi đã có khởi đầu không như ý. Tôi khá hồi hộp khi đến Berlin một phần vì những kỳ vọng của mọi người dành cho mình, họ bảo rằng: “Đây là cơ hội lớn, đừng phá hỏng nó nhé”. Và đó chính xác là những gì diễn ra với tôi. Ngoài ra, tôi đã làm việc với một HLV hồi năm ngoái, mọi thứ không như mong đợi, một phần vì tôi chưa từng làm việc với một HLV nào trước đó, và khi bạn đã vươn tới đẳng cấp này, bạn đã có một phong cách riêng cho mình, việc tìm một HLV không thực sự cần thiết.

Chúng tôi quyết định dừng hợp tác. Nhưng đêm trước giải đâu, tôi phát hiện rằng anh ta đã ghi chú rất nhiều điều trong quãng thời gian làm việc chung và dự định xuất bản một quyển sách, tiết lộ rất nhiều thông tin về cuộc sống của tôi. Tôi là một rất kín đáo nên việc này khiến tôi thấy bất ổn, đó là một sự tổn hại lòng tin nghiêm trọng. Vì thế tôi hoàn toàn không vui vẻ gì vào đêm trước trận đấu đầu tiên, thêm đó là trạng thái lo lắng trước sự kỳ vọng của mọi người. Vì thế tôi đã có một khởi đầu tệ hại.

Khi nào thì anh chơi cờ tốt nhất?

Tôi chơi tốt nhất là khi cảm thấy hạnh phúc. Những khi không vui, bạn sẽ thấy chúng trong cách chơi của tôi. Tôi luôn muốn hòa đồng với mọi người. Một số kỳ thủ cho rằng sự tức giận hay thù hằn sẽ giúp họ thi đấu tốt hơn, tôi thì không cảm thấy như vậy.

Anh có nhận thấy một số kỳ thủ cố ý tạo ra sự thù địch để thúc đẩy bản thân nhiều hơn?

Đố là một đòn tâm lý. Mọi người luôn tấn công nhau trong trò chơi này, nhất là khi họ biết những người này khá nhạy cảm. Ví dụ có một kỳ thủ không thể nào chịu được những lời thô tục, thì đối thủ của anh ta hoàn toàn có thể thì thầm một câu chửi nào đó khi cả 2 đang bước đến bàn đấu chỉ để khiến tâm lý của anh ta trở nên bất ổn.

Nói một chút về cờ vua trực tuyến. Anh cảm thấy nó thay đổi môn thể thao này thế nào, điều gì là thỏa mãn nhất anh nhận được trong những sự kiện tương tác hay các giải đấu trực tuyến như PRO Chess League hay Speed Chess Championship?

Tôi đặt biệt thích cờ vua tương tác. Bạn luôn cảm nhận rằng có một người chơi ở trước mặt mình, cảm xúc và biểu cảm ở ngay đó. Cờ vua trực tuyến đang phát triển rất nhanh mặc dù vấn đề lớn nhất vẫn là việc người chơi dễ dàng gian lận. Chess.com đang làm rất tốt việc hạn chế gian lận từ người chơi nhưng đương nhiên không thể nào nhận được chính xác hoàn toàn.

Tôi từng chơi cờ chớp trên một số trang web nhưng luôn bị gian lận nhiều lần. Thỉnh thoảng mọi người vẫn hỏi rằng: “Sao lại cảm thấy khó chịu? Sao lại buồn khi ai đó gian lận trong một trò chơi trực tuyến” Nhưng mọi người không hiểu được tâm lý của một kỳ thủ hàng đầu. Bất cứ ván đầu nào cũng phải thi đấu nghiêm túc, dù chỉ là trực tuyến. Vì thế khi biết người khác đang gian lận, bạn sẽ thấy rất bực tức. Khi nó là phương tiện kiếm sống của bạn, không thể chỉ đơn giản là cho qua. Nó rất khác biệt, về cả cảm xúc và tâm lý.

Anh đang tham gia đội Saint Louis Arch Bishops ở PRO Chess League, cùng với Fabiano. Anh thấy cơ hội của mình thế nào trước vòng đấu tranh chức vô địch.

Chúng tôi đang có cơ hội tốt. Nhưng bạn không được đánh giá thấp những đối thủ tại đây. Chúng tôi đấu với Pittsburgh Pawngrabbers ở lượt đấu vòng tròn, dù không được đánh giá cao, nhưng họ suýt đánh bại chúng tôi vì tôi làm một thứ rối tung ở ván đầu tiên. Đội New York Marshalls cũng đang thi đấu rất tốt dù chỉ là một tập hợp các kỳ thủ không có xếp hạng cao. Nhưng hy vọng chúng tôi sẽ chơi tốt và giành chức vô địch.

Cuối cùng, anh từng nói rằng mình không thích sự thịnh hành của việc sử dụng các máy đánh cờ trong cờ vua. Anh nghĩ tương lai cờ vua sẽ thế nào?

Loại hình cờ vua yêu thích của tôi là Chess960. Về nó không có quá nhiều lý thuyết, cũng không cần chuân bị gì, mọi thứ rất nguyên bản. Với định dạng truyền thống các máy đánh cờ trở nên rất mạnh, gần như bạn phải thuộc nằm lòng khoảng 20-25 nước đi đầu tiên chỉ để có được 1 trận thắng.

Bobby Fischer từng nói rằng vấn đề với cờ vua là bạn luôn có màn mở đầu y hệt nhau. Ngày nay, có khoảng 10 triệu trận đấu nằm trong dữ liệu, và rất khó tạo ra một cách chơi mới, trong khi chess960 thật sự là một màn đấu trí. Chỉ sau 1-2 nước đầu tiên, bạn đã phải bắt đầu nghiền ngẫm.

VnChess.com.vn

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc