Skip to main content

Tuổi trẻ Việt Nam lại sáng tạo ra bộ cờ “thương trường” độc nhất vô nhị (02/22/2015)

Đăng ngày 22/02/2015 bởi Administrator

“Nhiều người cho rằng “thương trường như chiến trường”- rất khốc liệt, cạnh tranh với nhau từng giá trị một, thậm chí người ta còn bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả tính mạng để chiếm lĩnh.

Bởi vậy, tôi muốn mọi người sẽ có cái nhìn tích cực hơn, lạc quan hơn về chuyện thương trường. Thông qua bộ cờ, tôi muốn quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới”…

Giá trị cuộc sống “biến hóa” trong bộ cờ độc đáo

Đó là những trải lòng của anh Đỗ Như Ngôn (SN 1983, xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên) về bộ cờ thương trường độc nhất vô nhị của mình. Là một chàng trai trẻ mang trong mình đầy những khao khát, hoài bão sáng tạo, ngay từ thuở nhỏ, được tiếp xúc với các loại cờ, Ngôn đã có niềm yêu thích, say mê với chúng. Lớn lên, mỗi khi gặp những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống, Ngôn vẫn thường mang bàn cờ ra chơi, như một cách để giải trí và nguôi đi những nỗi vất vả trong cuộc sống.

Tiết lộ về tác giả bộ cờ thương trường độc nhất vô nhị - Ảnh 1

Đỗ Như Ngôn bên bộ cờ thương trường độc đáo của mình.

Năm 2012, với hy vọng tìm ra một trò chơi mới lạ, sáng tạo, trí tuệ để dành tặng cho người cháu sắp ra đời, Ngôn đã dần định hình trong đầu một trò chơicó thể giúp trẻ phát triển tư duy. Từ đó, Ngôn tìm hiểu về cờ vua, cờ tướng và các thể loại cờ khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới để sau này có dịp dạy cho cháu mình cách chơi cờ. Cũng từ đây, Ngôn bắt đầu nảy ra ý tưởng, tự sáng tạo một bộ cờ của riêng mình. Đầu năm 2013, Ngôn đã bắt tay vào thực hiện bộ cờ mới lạ này.

Ngôn tâm sự: “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ sẽ dành một món quà nào đó để giúp cháu mình phát triển tư duy tốt. Sau khi tìm hiểu về các loại cờ trên thế giới, tôi chợt nghĩ, ai đó đã sáng tạo được cờ vua, cờ tướng thì tại sao bản thân mình lại không sáng tạo được? Với mong muốn một bộ cờ vừa gần gũi, thiết thực cuộc sống, tức là phản ánh đúng những gì đang diễn ra, vừa khơi dậy niềm tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước – không chỉ của cháu tôi mà của tất cả mọi người, tôi đã suy nghĩ, tìm tòi trong gần một năm để sáng tạo ra bộ cờ này”.

Cờ thương trường là bộ cờ được tổng hợp từ hơn 20 bộ cờ trên thế giới, kết hợp với những trải nghiệm thực tế cuộc sống của Ngôn và những gì học hỏi được qua sách vở để giúp bộ cờ sâu sắc, gần gũi hơn.

Giải đáp về tên gọi của bộ cờ, Ngôn chia sẻ: “Khi đã định hình kết cấu của một bàn cờ, tôi cũng suy nghĩ, đắn đo mãi về tên gọi của bộ cờ này. Rất nhiều cái tên được gợi ra, nhưng sau đó tôi quyết định chọn cái tên thương trường. Bởi, thực tế trong cuộc sống, ai cũng phải bươn chải để tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp, nói một cách hơi “phô” đó là kiếm miếng cơm, manh áo. Đặc biệt, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Nhiều người cho rằng “thương trường là chiến trường”, để duy trì và phát triển thị trường, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách vượt lên trên đối thủ, đôi khi là tiêu diệt đối thủ giống như một cuộc chiến. Với bộ cờ này, tôi sẽ giúp người chơi có cái nhìn tích cực hơn về chuyện thương trường, cũng như có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống.

Thực tế, qua những trải nghiệm, thăng trầm của bản thân, tôi hiểu ra rằng, mọi khó khăn chỉ có thể được giải quyết êm đẹp nhất nếu chúng ta có cái nhìn lạc quan, tích cực hơn. Tôi cũng hy vọng khi mọi người chơi cờ sẽ hiểu được những giá trị của cuộc sống: Muốn một cuộc sống giàu có, hạnh phúc, thành công, cống hiến là điều đầu tiên phải nghĩ đến vì cho đi mới nhận được về. Sau đó phải biết cách hợp tác, đoàn kết với mọi người để cùng nhau phát triển”.

Trong quá trình thực hiện bộ cờ, nhiều người còn cho Ngôn là vô công rỗi nghề, phung phí thời gian cho những thứ viển vông. Nhưng những cố gắng của anh đã được đền đáp, sau hơn 2 năm ấp ủ, nghiên cứu, đầu năm 2014, bộ cờ thương trường chính thức ra đời trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Điều đặc biệt hơn và là niềm an ủi, động viên lớn nhất với anh khi cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền cho bộ cờ thương trường độc đáo này vào ngày 12/3/2014.

Chơi cờ khơi dậy lòng yêu nước

Theo Ngôn, nếu ai đã biết chơi một trong số các dạng cờ như cờ vua, cờ tướng, Shogi, Janggi hay Gothic… sẽ thấy cờ thương trường chơi rất đơn giản. Đặc điểm bàn cờ khá “dị” với cách bài trí 9 x 12. Bàn cờ gồm 108 ô, chia làm 3 phần, mỗi phần có 36 ô. Phần một in hình hoa sen, phần hai in hình trống đồng, phần ba in hình cây tre. Ba phần này cũng tượng trưng cho ba giai đoạn của cuộc đời mỗi con người: Lúc nhỏ, trường học và trường đời.

Các quân cờ được thiết kế rất bắt mắt, độc đáo và mới lạ. Trên cùng là quân ngũ hổ – tượng trưng cho tuổi trẻ giữ nước, mạnh mẽ như hổ, khi hổ tới hàng ngang cuối cùng sẽ được phong thành mãnh hổ. Tiếp đến là tứ quý cá chép – tượng trưng cho thanh niên lập nghiệp. Muốn lập nghiệp cần có quyết tâm, khát vọng lớn như cá chép trong câu chuyện “Cá chép hóa rồng”. Tiếp theo là quân ngọc nam (hoặc ngọc nữ) tượng trưng cho dân chúng – quân quan trọng nhất trên bàn cờ. Hàng cuối cùng là hai bộ tứ linh (rồng, lân, quy, phượng) tượng trưng cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và những người thành đạt.

“Khi nhìn vào bàn cờ ta sẽ thấy nó như một nước Việt Nam thu nhỏ với ý nghĩa các tổ chức, doanh nghiệp và những người thành đạt (tứ linh) luôn đứng sau nâng đỡ phục vụ cho nhân dân (quân ngọc) và hỗ trợ, làm chỗ dựa cho tuổi trẻ (ngũ hổ), thanh niên (tứ quý cá chép). Kết quả là hổ thành mãnh hổ và cá chép có nước sẽ hóa rồng”, Ngôn chia sẻ.

 Cách chơi cờ cũng tương đối đơn giản: Quân rồng đi và ăn quân ngang dọc, chéo như quân hậu ở cờ vua. Quân hổ di chuyển và ăn quân một ô phía trên và một ô ngang. Hổ xuống hàng ngang cuối cùng thì được phong thành mãnh hổ. Khi trở thành mãnh hổ thì quân được đi và ăn quân trên hàng ngang và cột dọc tùy ý. Quân lân di chuyển và ăn quân tới các ô xung quanh và trên đường chéo.

Quân quy di chuyển và ăn quân theo hình chữ L giống như quân mã trong cờ vua. Quân phượng di chuyển ngang, dọc, chéo tương tự quân rồng và khi ăn quân, giữa phượng và quân bị bắt phải có một và chỉ một quân ở giữa trên cả hàng ngang, cột dọc và đường chéo. Quân cá chép, được đi và ăn quân tới ba ô phía trên (tượng trưng cho sự quyết tâm cao hơn), nước đi đầu tiên được tiến thẳng hai ô (giống quân tốt trong cờ vua) nếu hai ô đó còn trống. Cá chép tới hàng ngang cuối cùng được phong cấp hóa rồng. Trận đấu kết thúc khi một bên đoạt được quân Ngọc.

Nói về lợi ích và điểm khác biệt của cờ thương trường, Ngôn cho biết: “Đây là trò chơi giải trí trí tuệ, có tác dụng giúp người chơi thư giãn tinh thần, giúp trẻ nhỏ thông minh sáng tạo. Nó còn khơi gợi lại truyền thống hào hùng của dân tộc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, tăng cường sự giao lưu, đoàn kết, học hỏi giữa mọi người, thúc đẩy mọi người không ngừng cạnh tranh lành mạnh để phát triển.

Ngoài ra, cờ thương trường còn cổ vũ cuộc sống hòa bình, lao động sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là các bạn trẻ, đồng thời góp phần quảng bá một chút về hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Đặc biệt, với bộ cờ này thay vì chơi hai người, chúng ta có thể chơi được 3 – 4 người, tạo háo hức cho người chơi”.

Được biết, các thành viên trong Liên đoàn Cờ Việt Nam cũng nhận định tác giả đã rất tâm huyết khi tạo ra một môn cờ mới sáng tạo như vậy. Hy vọng, với những nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, đam mê không ngừng ấy, cờ thương trường sẽ trở thành bộ môn được cộng đồng hào hứng đón nhận và sẽ được phổ biến rộng rãi hơn.

Thông điệp của sự sáng tạo

“Thật ra, thế hệ trẻ chúng ta bây giờ rất giỏi, các bạn dư sức để phát triển, tìm tòi, sáng tạo ra những điều mới lạ. Qua bộ cờ, tôi cũng muốn gửi gắm thông điệp này đến với các bạn, đừng ngại ngần sáng tạo, những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống sẽ giúp các bạn có cái nhìn thực tế và từng trải hơn.

Bộ cờ mới ra đời nhưng cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người chơi. Chắc chắn trong thời gian tới, tôi sẽ lập trang web để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cách chơi cho mọi người để cờ thương trường tiếp cận với nhiều người chơi hơn và trở thành bộ môn phổ biến trong cộng đồng”, Ngôn chia sẻ.

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc