Skip to main content

Từ con tốt đến vị vua: Những nhà vô địch cờ vua trẻ ở khu ổ chuột Nigeria (04/23/2022)

Đăng ngày 23/04/2022 bởi Administrator

Ở Makoko, một trong những khu ổ chuột nổi lớn nhất thế giới, hầu hết mọi người đều mù chữ và cờ vua đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng.

Từ ‘những con tốt’ khu ổ chuột

Ở khu ổ chuột nổi lớn nhất thế giới Makoko tại thành phố Lagos (Nigeria), tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu cơ sở vật chất khiến hầu hết trẻ em đều không được đi học thường xuyên.

Một nhân viên cứu trợ địa phương cho biết: “Vì hầu hết các bậc cha mẹ không biết chữ, họ thường có xu hướng không coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu cho con cái mình, ngay cả khi họ có đủ điều kiện để đưa chúng đến trường”.

Những đứa trẻ tại khu ổ chuột Makoko. Ảnh: The Guardian.
Những đứa trẻ tại khu ổ chuột Makoko. Ảnh: The Guardian.

Thị trấn ổ chuột Makoko nằm trên một đầm phá bên cạnh Đại Tây Dương, rất gần với những tòa nhà hiện đại và là một phần của Lagos, khu vực đông dân nhất châu Phi. Lagos cũng là thành phố lớn nhất, một trung tâm thương mại, công nghiệp chính của Nigeria. Chính vì thế đây là một trong những khu ổ chuột nổi lớn nhất thế giới.

Có khoảng 200.000 người dân đang sống dọc theo ‘dòng Venice của Châu Phi’, một số nhóm dân tộc thiểu số hầu hết sống dựa vào đánh cá để kiếm sống và nhiều người sống với mức dưới 1 USD một ngày. Trong khu ổ chuột trải dài trên bờ sông, hàng chục nghìn người sống trong những căn nhà gỗ ọp ẹp.

Khu ổ chuột Makoko, ‘dòng Venice của Châu Phi’. Ảnh: The Guardian.
Khu ổ chuột Makoko, ‘dòng Venice của Châu Phi’. Ảnh: The Guardian.

Kể từ năm 2018, Hội Cờ vua Khu ổ chuột Châu Phi đã hoạt động tích cực để thúc đẩy việc đi học ở trẻ em. Anh Tunde Onakoya, người sáng lập nhóm, cho biết: “Cờ vua là một cách tuyệt vời để thúc đẩy trẻ em nắm bắt tương lai của chính mình”.

Bản thân Onakoya bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi niềm tin rằng nền giáo dục Nigeria đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, với ngày càng nhiều trẻ em bỏ học hoặc không chịu tiếp thu những kỹ năng sinh tồn cần thiết.

Giờ đây, Onakoya dành hầu hết thời gian rảnh rỗi đi khắp những con hẻm đông đúc nhuốm mùi rác đốt để dạy cờ vua cho những đứa trẻ nghèo, với hy vọng có thể góp phần đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người ở Nigeria.

“Đây là lý do tại sao tôi muốn dạy cờ vua cho trẻ em nghèo, như một cách để nâng cao tri thức cho chúng… Những đứa trẻ có đủ tò mò để đặt câu hỏi về mọi thứ thì sẽ có đủ tò mò để thay đổi cuộc sống”, anh cười.

Những đứa trẻ tập trung bên bàn cờ vua. Ảnh: The Guardian.
Những đứa trẻ tập trung bên bàn cờ vua. Ảnh: The Guardian.

Whanyinna là ngôi trường gồm 220 học sinh, một trong những ngôi trường đầu tiên ở khu ổ chuột Makoko hợp tác với Hội Cờ vua Khu ổ chuột Châu Phi để giúp trẻ em tìm kiếm một tương lai rực rỡ hơn.

Cậu bé Marcelo, 10 tuổi, sống trong một ngôi nhà sàn ở trung tâm khu ổ chuột, rất đam mê cờ vua và luôn ước mơ trở thành một cao thủ cờ vua quốc tế. “Cờ vua khiến cháu muốn đến trường”, cậu bé vui vẻ.

“Cờ vua bộ môn yêu cầu bộ não đưa ra chiến lược, sáng tạo, bình tĩnh và phản xạ tốt”, Goma, một tuyển thủ cờ vua trẻ khác nói. “Chúng cháu đang tập trung vào việc học hơn bao giờ hết”.

Thầy Emmanuel Abiodun Oke, 31 tuổi, hiệu trưởng trường Whanyinna, cùng các học sinh của mình. Ảnh: The Guardian.
Thầy Emmanuel Abiodun Oke, 31 tuổi, Hiệu trưởng trường Whanyinna, cùng các học sinh của mình. Ảnh: The Guardian.

Đến ‘những vị vua’

“Cờ vua đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi cũng đến từ một khu ổ chuột và cha mẹ tôi không đủ khả năng chi trả cho việc học. Bản thân tôi đã khám phá ra cờ vua ở một tiệm cắt tóc cạnh nhà, và cuối cùng đã giành được học bổng để học đại học. Nếu không có trò chơi này, cuộc sống của tôi có lẽ đã khác rất nhiều”, anh Onakoya kể lại.

“Tình trạng nghèo đói đang ở mức cao nhất trong các khu ổ chuột. Nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, những đứa trẻ này sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của mình và có thể trở thành gánh nặng cho xã hội. Cờ vua đã chứng minh học sinh từ các khu ổ chuột không kém thông minh so với những đứa trẻ khác”.

Lớp học cờ vua tại trường Whanyinna. Ảnh: The Guardian.
Lớp học cờ vua tại trường Whanyinna. Ảnh: The Guardian.

Abiodun Oke cho biết trường của anh đã phân phát 150 radio cho học sinh trong thời gian phong tỏa do đại dịch để chúng có thể theo dõi các lớp học do chính phủ phát trên đài phát thanh quốc gia. Thế nhưng, hầu hết những đứa trẻ ở Makoko đều không may mắn được như vậy.

Janvier Houedouto, Hiệu trưởng của một trường học dọc theo con kênh chính, cho biết: “Trình độ của học sinh đã giảm mạnh và rất nhiều học sinh không quay lại trường học”.

Fidele Nakoute, một giáo viên khác nói: “Khi chúng tôi quay lại đón học sinh sau đợt giãn cách, một số phụ huynh nói với chúng tôi rằng con họ sẽ không theo học nữa và thay vào đó sẽ chuyển sang đánh cá. Đối với nhiều trẻ em, ước mơ về sự giải thoát đã tan thành mây khói”.

Nhiều học sinh đã không quay lại lớp do đại dịch. Ảnh: The Guardian.
Nhiều học sinh đã không quay lại lớp do đại dịch. Ảnh: The Guardian.

Ngoài nguyên nhân chính đến từ khó khăn kinh tế, nhiều hầu hết người lớn tại khu ổ chuột Makoko đều không biết chữ, và họ không tìm thấy bất cứ ích lợi gì trong việc cho con đi học.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở khu ổ chuột. Giá thực phẩm đã tăng và nhiều gia đình đã buộc phải cắt giảm chi phí học tập của con cái.

Bà Marceline, mẹ của Dorcas và Rolande, buồn bã: “Các con gái tôi mơ ước được làm việc với máy tính. Nhưng với tình trạng lạm phát tăng chóng mặt như hiện tại, tôi không đủ khả năng cho chúng đi học, mặc dù chúng luôn nhắc tôi về điều đó gần như hàng ngày”.

Dorcas, 12 tuổi và Rolande, 14 tuổi, đã không đến trường hơn hai năm và hiện đang giúp gia đình đánh cá. Ảnh: The Guardian.
Dorcas, 12 tuổi và Rolande, 14 tuổi, đã không đến trường hơn hai năm và hiện đang giúp gia đình đánh cá. Ảnh: The Guardian.

Ở khu ổ chuột Makoko, các cô gái được coi là ít có khả năng có nghề nghiệp hơn và thường là những người đầu tiên bị cho nghỉ học nếu gia đình không đủ kinh tế.

“Chúng tôi đã không được chính phủ giúp đỡ trong suốt đại dịch”, anh Philip, một cư dân khu ổ chuột Makoko cho biết. Theo Ngân hàng Thế giới, lạm phát đã đẩy 7 triệu người Nigeria xuống dưới mức sống nghèo khổ vào năm 2020 và hiện có hơn 100 triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói.

Theo số liệu gần đây của Liên hợp quốc, 635 triệu trẻ em trên khắp thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần trường học. ‘Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để phục hồi nền giáo dục đã mất. Các trường học cũng phải vượt ra khỏi phạm vi học tập để xây dựng lại sức khỏe tinh thần và thể chất, phát triển xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em”, ông Robert Jenkins, Giám đốc giáo dục của tổ chức Unicef nhấn mạnh.

Đại dịch đã đẩy cuộc sống nhiều người vào bước đường cùng. Ảnh: The Guardian.
Đại dịch đã đẩy cuộc sống nhiều người vào bước đường cùng. Ảnh: The Guardian.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc