Skip to main content

“Trận đấu thế kỷ” của kiện tướng cờ vua Liên Xô – Mỹ trong Chiến tranh Lạnh (12/15/2017)

Đăng ngày 15/12/2017 bởi Administrator

Trận đấu giữa kiện tướng Mỹ và vua cờ Liên Xô năm 1972 trở thành biểu tượng đối đầu của hai siêu cường trong Chiến tranh Lạnh.

Bobby Fischer và Boris Spassky trong trận đấu cờ vua. Ảnh: chess.com.

Cờ vua luôn được sử dụng như ẩn dụ về đối đầu về chính trị và quân sự. Năm 1972, môn thể thao này trở thành tâm điểm trong một cuộc chiến biểu tượng của Chiến tranh Lạnh (1946-1991), khi Bobby Fischer, kiện tướng Mỹ, đấu với kiện tướng Liên Xô đang giữ danh hiệu vua cờ khi đó là Boris Spassky.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế giữa Liên Xô và các quốc gia vệ tinh với các cường quốc phương Tây, bao gồm Mỹ, vẫn tồn tại. Dù các nước không chính thức xung đột, họ thể hiện sự cạnh tranh thông qua các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, tuyên truyền, chạy đua không gian và cả thể thao.

Liên Xô đã thống trị lĩnh vực cờ vua kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Họ coi đó là thế mạnh thể hiện sự ưu việt về trí tuệ đối với các nước phương Tây. Spassky nắm giữ danh hiệu vua cờ từ năm 1969, theo tạp chí Prospect.

Bobby Fischer, sinh năm 1943, là nhà vô địch cờ vua Mỹ khi 14 tuổi và trở thành kiện tướng năm 15 tuổi. Tính cách kiêu ngạo, bốc đồng, thích đòi hỏi của Fischer được thể hiện rõ ràng trong các trận đấu cờ vua của ông. Fischer yêu cầu phải được trả phí xuất hiện và các giải đấu phải sắp xếp lịch trình sao cho phù hợp với mình. Ông sẽ tức giận bỏ đi nếu không hài lòng với các điều kiện.

Boris Spassky, sinh năm 1937, cũng đạt được nhiều thành tích từ khi còn trẻ. Ông là nhà vô địch cờ vua Liên Xô ở tuổi 17 và trở thành kiện tướng năm 22 tuổi. Học cờ vua tại thành phố Leningrad bị tàn phá bởi chiến tranh (nay là St Petersburg) và lớn lên trong một gia đình có mẹ làm nông còn bố là thợ xây, Spassky có vẻ chín chắn hơn Fischer.

Kiện tướng Liên Xô Boris Spassky. Ảnh: bostonartsdiary.

Trận đấu năm 1972 quyết định liệu Spassky có bảo toàn danh hiệu vua cờ hay phải nhường lại nó cho Fischer. Trận đấu được tổ chức tại Iceland từ tháng 7 đến tháng 9/1972. Khi chỉ còn 4 ngày là đến trận đấu, Fischer vẫn chưa xuất hiện tại sân bay JFK, dường như vì sợ thua hoặc muốn đòi tiền thưởng cao hơn.

Theo Green Left Weekly, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã gọi điện cho Fischer để thúc giục ông làm nhiệm vụ yêu nước. “Hãy ra ngoài kia đi người lính!”, ông nói.

Kissinger là bạn của phóng viên nổi tiếng người Anh David Frost – người là bạn của triệu phú Anh, James Slater. Slater sau đó gọi điện cho ban tổ chức và tiền thưởng được tăng gấp đôi, lên tới 250.000 USD, đáp ứng được yêu cầu của Fischer.

Fischer sau đó đến Iceland. Ông đưa ra những yêu cầu khắt khe về bàn, ghế, bàn cờ, quân cờ, ánh sáng và khoảng cách của chỗ ngồi với sân khấu. Fischer nổi giận vì có quá nhiều máy quay tại phòng chơi cờ.

Fischer thất bại trong hai ván đầu tiên vì sai lầm và phạm quy. Fischer có vẻ thờ ơ trong thi đấu. Không muốn chơi với một đối thủ không cố hết sức mình, Spassky đã đồng ý yêu cầu của Fischer là chuyển sang chơi ở một căn phòng phía sau, tránh xa những máy quay. Fischer cũng nhận được cuộc điện thoại từ Kissinger, thúc giục ông hạ gục đối thủ.

Kiện tướng Mỹ Bobby Fischer. Ảnh: thefamouspeople.

Sau ván đấu đó, trận đấu lại được tiếp tục diễn ra ở sân khấu. Trong 19 ván sau, Fischer thắng 7, thua một và hòa 11 ván, giành chiến thắng với điểm số 12,5 so với 8,5 của đối thủ và trở thành vua cờ mới.

Sự kiện này được truyền thông thế giới đổ dồn quan tâm và được gọi là “trận đấu thế kỷ”, biểu tượng cho sự đối đầu giữa hai siêu cường.

Sau khi thua trận, Spassky đến sống ở Paris và trở thành công dân nước này năm 1978. Khi Fischer trở lại New York, Mỹ tổ chức ngày Bobby Fischer để vinh danh ông. Ông được nhiều hãng mời quảng cáo với những hợp đồng có tổng giá trị hàng triệu USD nhưng ông từ chối. Fischer tạo ra cơn sốt cờ vua ở Mỹ, khi số thành viên của Hiệp hội Cờ vua Mỹ tăng gấp đôi vào năm 1972 và đạt đỉnh điểm vào năm 1974.

Năm 1975, kiện tướng Liên Xô Anatoli Karpov vượt qua một loạt đối thủ để giành quyền thách thức danh hiệu vua cờ của Fischer. Tuy nhiên, Fischer từ chối đấu với Karpov vì ban tổ chức không đồng ý với một loạt yêu sách của ông. Tháng 6/1975, Liên đoàn Cờ vua Thế giới tuyên bố Anatoli Karpov là vua cờ mới.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc