Skip to main content

Tâm lý học cuộc đấu cờ vua (10/12/2022)

Đăng ngày 12/10/2022 bởi Administrator

Tâm lý học cuộc đấu cờ vua trở thành đối tượng được nghiên cứu rộng rãi từ đầu thập niên 70 (của TK XX) xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các kỳ thủ. Sự hiểu biết các đặc điểm tâm lý của đối thủ cũng như đánh giá chính xác khả năng của bản thân trong mức độ nhất định cho phép dự đoán được diễn biến của cuộc chơi và lập được kế hoạch hành động. Đa số các nghiên cứu tâm lý, bắt đầu nghiên cứu của nhà tâm lý học người Pháp A. Bine (1894) nghiên cứu đặc trưng của tư duy, trí nhớ và tài năng (năng khiếu) của các kỳ thủ, dành cho các chức năng trí tuệ của họ (A. Klivlend, B. Bliumenpheld, O. Tikhomirov, A. De Grot và những tác giả khác), nhưng trong trò chơi cờ vua vai trò quan trọng được dẫn dắt là các cá nhân xét trong tổng thể: “Cờ vua không chỉ là cuộc đối đầu của trí thông minh mà còn là cuộc đấu trí tuệ của các tính cách” (B. Ananiev).

Lasker (1907) là người đầu tiên nghiêm túc nghiên cứu sự đối đầu của các kỳ thủ như các cá nhân: “Trên bàn cờ là cuộc chiến của những con người chứ không phải cuộc chiến của các quân bằng gỗ”. Lasker nghiên cứu những mặt mạnh, yếu trong lối chơi của các đối thủ và trên thực tiễn ông ta biết cách khai thác những mặt yếu của đối thủ. Lasker phân loại các phong cách chơi cờ đặc trưng: phong cách tự động – học tập các thế cờ mẫu đã biết và áp dụng các ý tưởng đồng nhất trong các thế cờ tương tự; phong cách chắc chắn – về cơ bản cố gắng không làm yếu thế cờ của mình (an toàn là chủ yếu); phong cách nhử địch – khiêu khích đối phương để tạo cơ hội phản công; phong cách chiến thuật – chủ yếu tính toán các biến cụ thể; phong cách thế trận – tiến hành cuộc chơi theo các qui tắc thế trận do Steinitz nghiên cứu. Trong sự phân loại của Lasker không có tiêu chí rõ ràng để tách bạch phong cách chơi cờ. Ông ta viết rất ít về những phương pháp cụ thể để chuẩn bị về mặt tâm lý cho bản thân. A. Alekhin mô tả rõ hơn công việc chuẩn bị của mình trong các trận đấu với Capablanca (1927) và Euwe (1937). Phân tích những ván cờ của các đấu thủ Alekhin tách ra những thời điểm đột biến, chất lượng thi đấu ở những giai đoạn khác nhau của ván cờ, các sai lầm đặc trưng, sự phụ thuộc của chất lượng thi đấu vào tình thế của đối thủ trong trận đấu đó. Alekhin đã sử dụng các số liệu thống kê. Các nghiên cứu của Alekhin gây nên sự quan tâm lớn và được: M. Nimtsovich, K. Torre, R. Reti, R. Spilman tiếp tục nghiên cứu. M. Botvinhic đã tiến hành các nghiên cứu quý giá: đào sâu các phương pháp phân tích tâm lý ván đấu của các đấu thủ, chú ý tới lượng thông tin của hành vi các đấu thủ, quan tâm rộng hơn các phân tích thống kê (kết quả ván đấu, số lượng sai lầm, …). R. Fain xem xét các vấn đề tâm lý học cuộc đấu cờ vua từ quan điểm của Freud (nhà tâm lý học: thần kinh học-phân tâm học).

Công trình của T. Petrosian, M. Tal, B. Larxen, R. Fischer, I. Bondarevsky vv… có các quan sát rất lý thú (chủ yếu trạng thái cảm xúc của các kỳ thủ). N. Krogius trong các công trình nghiên cứu những năm 1960 – 1989 đặt cơ sở trên quan điểm hệ thống để hiểu đặc tính và cấu trúc của tâm lý học cuộc đấu cờ vua. Ông ta chỉ ra rằng vai trò cơ bản của tâm lý học cuộc đấu cờ vua là: sự hiểu biết đối thủ, đánh giá khả năng của bản thân, nghiên cứu các đặc tính tương hỗ (liên quan) của các đối thủ. Chương trình nghiên cứu đối thủ bao gồm: phong cách thi đấu, đặc trưng tính cách và hành vi; các đặc trưng sử dụng thời gian để nghĩ nước đi, hiệu quả của cuộc đấu ở các giai đoạn khác nhau của giải đấu với các kỳ thủ đẳng cấp khác nhau, hiệu quả cuộc đấu trong các tình thế thể thao đặc trưng; sự đánh giá khả năng của mình và của đối thủ; ảnh hưởng của tuổi tác kỳ thủ.

Nghiên cứu phong cách của các đối thủ cần xem xét: tần xuất chọn các sơ đồ khai cuộc, các thế cờ điển hình/đặc trưng trong trung cuộc, hiệu quả thi đấu trong các thế cờ có nội dung chiến lược nhất định, tần xuất sai lầm. Nghiên cứu hành vi của các đối thủ cho phép tiên lượng trạng thái tự tin của đối thủ. Với sự hỗ trợ của phương pháp được nghiên cứu người ta đã diễn giải được các chỉ số trạng thái cảm xúc của các kỳ thủ; từ đây xuất hiện khả năng lập được “từ điển” các hành động biểu lộ trạng thái của đối thủ. Với việc nghiên cứu sự hao tốn thời gian cho việc suy nghĩ nước đi điều quan trọng là xác định tần xuất “xâynốt” của đối thủ, mức độ quyết liệt và hiệu quả cuộc chiến trong thời gian “xâynốt”, các phương pháp đề phòng “xâynốt”, các nguyên nhân xuất hiện “xâynốt”, làm rõ tố tính của kỳ thủ ảnh hưởng tới nhịp điệu thi đấu của đối thủ, xác định rõ các trường hợp đặc biệt nghĩ lâu (hoặc ngược lại đi rất nhanh) khi chọn nước đi trong các thế cờ có vấn đề phức tạp, những trường hợp cố tình để rơi vào tình trạng “xâynốt”. Nghiên cứu hiệu quả thi đấu trong các giai đoạn khác nhau của cuộc thi đấu (giải đấu) làm sáng rõ được những đặc điểm cá nhân “có hại” (thù địch) cho mỗi kỳ thủ, khả năng phân phối sức lực trong các giai đoạn của cuộc đấu đặc biệt giai đoạn quyết định.

Về tính cách của kỳ thủ có thể đánh giá kết quả thi đấu của người đó trong các tình huống thể thao xác định (cần đánh thắng, cần đánh hoà, sau khi thắng, sau khi thua vv…) được biểu hiện khách quan qua tự đánh giá của kỳ thủ, tính thận trọng, sự chuẩn bị cho việc đánh mạo hiểm, sự ổn định tâm lý vv… Đã nghiên cứu được một loại phương pháp cho phép nhận được các số liệu về tự đánh giá của kỳ thủ và sự đánh giá của các đối thủ về người đó, thiết lập được mối liên quan của các tiêu chuẩn đó. Để tự nghiên cứu nên sử dụng các phương pháp tương tự khi nghiên cứu đối thủ.

Để kết luận cần tính đến sự khác nhau cơ bản giữa quá trình nhận biết đối thủ và tự biết mình: xu hướng nhận biết người khác tích cực hơn tự nhận biết mình; rất khó tổng quát hoá khi thiết lập các bảng tự đánh giá, tự nhận xét; tính bảo thủ và thu động khá cao khi tự đánh giá mình (nhất là với kết quả thi đấu kém). Trên cơ sở tự phân tích sẽ phát hiện được các số liệu về trạng thái cảm xúc trước trận đấu với các đối thủ có sức cờ khác nhau, với vị trí khác nhau trong giải đấu vv… Để đấu tranh với các cảm xúc tiêu cực ổn định đã tìm ra các phương pháp tự điều chỉnh nhanh chóng xoá bỏ các cảm xúc xấu, sửa lại việc tự đánh giá dựa trên cơ sở sử dụng cách tự kỷ ám thị.

Những qui tắc đấu tranh tâm lý trong cờ vua được biểu hiện trong dạng các thủ thuật. Những thủ thuật cơ bản là:

“Đồng ý” với đối thủ – tỏ rõ việc theo dõi ảo (bằng cách tưởng tượng) ý nghĩ của đối thủ nếu phát hiện những thiếu sót.

“Nhử đối thủ” – giả bộ rút lui ảo để dụ đối thủ.

“Đợi chờ” –  tỏ rõ sự thụ động với mục đích khiêu khích để đối thủ tích cực hơn trong thế bất lợi.

“Tỏ rõ mục tiêu giả” – lôi kéo đối phương rời khỏi vùng nguy hiểm chủ yếu.

“Tỏ rõ tập hợp đa mục tiêu” – Thành lập thế cờ khó xác định với nhiều mối đe doạ.

Hành động “quyết tử” (“được ăn cả, ngã về không” – những quyết định cực kỳ mạo hiểm làm xoay chuyển mạnh mẽ tình hình cuộc đấu (chỉ phù hợp trong các tình thế đột biến). Quá trình thiết lập các mối quan hệ cá nhân trong thi đấu cờ vua là cuộc chiến giành thế chủ động về mặt tâm lý (“thống trị – phụ thuộc”). Sự tồn tại của việc chủ động này thúc đẩy sự tự tin, sự tự lập và sự tích cực trong hoạt động; sự chủ động này có thể ổn định hoặc không ổn định. Trong thực tiễn thi đấu cờ vua đã từng biết đến các sự thiết lập mối quan hệ lâu dài và tạm thời giữa các kỳ thủ khá tương đương về đẳng cấp cờ theo kiểu “thống trị – phụ thuộc” (nói nôm na là kỵ giơ): (Keres thường xuyên thua Botvinnik trong những năm 1940 – 1950; Fischer thắng Larxen 6:0 trong năm 1971 vv… Sự xuất hiện chủ động tâm lý ổn định không những đem lại những kết quả hình thức trong giai đoạn đầu gặp nhau của các đối thủ mà còn là nội dung của cuộc chiến tâm lý, hiệu quả đặc biệt của những hành động làm cho các quyết định của đối phương mất sáng suốt. Khi kỳ thủ ở trạng thái thiếu tự tin sẽ làm tăng hiệu quả tâm lý của những hành động thiếu sáng suốt, dẫn đến sự mất chủ động tâm lý kéo dài. Để khắc phục điều này cần có phương pháp nhận biết những thành phần cơ bản của sự tự đánh giá đối thủ.

TS. Dương Thanh Bình p.Trưởng khoa HLTT, trưởng BM Cờ.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc