Skip to main content

Tâm lý có ảnh hưởng thế nào đến các tay đua F1 (07/11/2018)

Đăng ngày 11/07/2018 bởi Administrator

Tâm lý học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những cuộc so tài đỉnh cao, đặc biệt là ở môn thể thao tốc độ nhất hành tinh.

Các cầu thủ bóng đá khi mắc lỗi thường cố gắng rũ bỏ gánh nặng, tìm kiếm cơ hội lập công chuộc tội. Nhưng các tay đua xe F1 chỉ cần sai một ly, công sức mà họ đã bỏ ra trước đó sẽ bay đi cả dặm.

Sebatian Vettel – người đang dẫn đầu bảng điểm giải F1 2017 – cũng như các đối thủ hiểu rõ tầm quan trọng của tâm lý. Dưới cái nóng lên tới 40 độ trong buồng lái, ở vận tốc có lúc hơn 300 km/h, sự căng thẳng đè nén lên người họ không thể bị xem nhẹ. Họ có thể lâm vào thế nguy nan, thậm chí đối mặt với thần chết, nếu mắc sai lầm.

tam-ly-co-anh-huong-the-nao-den-cac-tay-dua-f1
Vettel cần giữ bình tĩnh ở phần còn lại của mùa giải.

Nhà vô địch F1 mùa 1979, Jody Scheckter từng mô tả nỗi sợ hãi khi không giữ được tâm lý vững vàng. Sang số nhưng vẫn nhấn ga, đánh lái ở tốc độ cao hay vào cua quá sớm là những hành động nguy hiểm ông từng thực hiện khi mất bình tĩnh. Kết quả là Scheckter phải giải nghệ năm 1980 vì lo sợ cho mạng sống của mình.

Scheckter từng cố gắng thuyết phục người bạn thân Gilles Villeneuve giữ bình tĩnh trước Bỉ GP năm 1982, nhưng không thành công. Câu chuyện bắt đầu từ chặng trước đó tại San Marino, đồng đội của Villeneuve tại Ferrari, Didier Pironi quyết định làm trái lời khuyên của ban lãnh đạo, vượt mặt tay đua người Canada để cán đích đầu tiên. Villeneuve giận dữ cùng cực và thề sẽ chiến thắng ở Bỉ bằng mọi giá.

Lo ngại của Scheckter trở thành sự thật khi bạn thân đua như điên cuồng ở Bỉ. Đến khúc cua kép hướng phải, Villeneuve quyết định tăng tốc với ý định lách sang phải Jochen Mass. Nhưng khi Mass nhìn vào gương chiếu hậu và thấy đối thủ lao thẳng đến với tốc độ cao, anh bèn lách sang phải để nhường đường. Điều tồi tệ nhất đã xảy ra, chiếc Ferrari của Villeneuve đâm vào đuôi xe Mass, bay lên không trung ở vận tốc hơn 200 km/h. Villeneuve ngừng thở chỉ 35 giây sau đó (Tai nạn cướp đi mạng sống của Villeneuve ).

Chặng đua tại Baku (Azerbaijan GP) hồi tháng trước cũng chứng kiến một vụ va chạm đáng chú ý nhất mùa giải. Sau khi suýt tông trúng Lewis Hamilton ở một ngã rẽ, Vettel đã vọt lên và đánh lái sang, đâm vào lốp của tay đua người Anh để trả đũa. Sự mất bình tĩnh của tay đua người Đức cũng dễ hiểu, nhưng đó không phải hành động thường thấy ở những nhà vô địch.

“Tâm trí là yếu tố tiên quyết”, huyền thoại làng đua xe công thức một Sir Jackie Stewart khẳng định trong một buổi phỏng vấn năm 2004. “Các chàng trai F1 ngày nay đều có năng lực thần thánh. Nhưng chỉ có ‘cái đầu’ mới đưa họ trở thành những nhà vô địch huyền thoại như Fangio, Lauda, Prost, Senna hay Schumacher ngày trước. Luôn luôn là như vậy”, cựu tay đua người Anh nhấn mạnh.

 

Sebastian Vettel: Tâm lý làm nên thiên tài

Pha va chạm giữa Vettel và Hamilton ở Azerbaijan GP 

Vettel hiểu rõ điều đó, bởi một tay đua nếu muốn đạt đến trình độ F1, cần trải qua bài học vỡ lòng là giữ cho tâm trí luôn thanh thản ở mỗi khi bước vào trường lái. “Khi bắt đầu khởi động máy, tôi không có thời gian để nghĩ về bất cứ điều gì cả”, Vettel chia sẻ. “Thậm chí đến lúc mắc sai sót, tất cả những gì tôi cần hướng đến là những khúc cua tiếp theo”.

Mục tiêu của các tay đua luôn là “gột sạch tâm trí” và “sống với thực tại”. Đó là cách Nadia Comaneci từng làm để trở thành vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên đạt điểm 10 hoàn hảo tại Olympic. Cô sẽ tìm một góc nhỏ, tĩnh lặng để chuẩn bị cho bài thi. Bởi một khi đã đặt tay lên những thanh xà, mọi ý nghĩ đều phải tan biến.

Nhưng không phải ai cũng có khả năng tự kiểm soát được bản thân. Felipe Massa từng chia sẻ rằng anh suýt chút nữa đã từ bỏ sự nghiệp đua xe F1 năm 2012: “Tôi nghĩ về rất nhiều chuyện trong đầu. Phải chăng tôi đã hết thời? Hay là tôi nên rời Ferrari? Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tất cả những suy nghĩ ấy chiếm trọn tâm trí tôi”. Đầu mùa giải đó, Massa chỉ có bốn vòng đua đứng trong Top 10. Sự tự tin của anh bị giáng một đòn đau.

tam-ly-co-anh-huong-the-nao-den-cac-tay-dua-f1-1
Vettel chỉ cán đích thứ bảy tại Anh GP.

Trải qua nửa mùa giải, Massa tìm đến sự trợ giúp của một chuyên gia tâm lý thể thao. Mười vòng đua cuối cùng, anh đều hiện diện trở lại ở Top 10. Ferrari cũng giữ tay đua người Brazil ở lại thêm một mùa giải.

Phương pháp của Massa được nhiều vận động viên áp dụng, khi họ không đủ bản lĩnh để tự kiểm soát trí óc. Mika Hakkinen, người hai lần bước lên bục chiến thắng của F1, mới đây cũng bày tỏ sự biết ơn đối với một chuyên gia tâm lý học. “Tôi đã hiểu ra rằng mỗi khi đối diện với gánh nặng, tôi cần phải chia sẻ với một ai đó. F1 đòi hỏi thể chất tốt, nhưng tâm lý cũng phải vững vàng”, tay đua có biệt danh “Người Tuyết” nhận định.

Mùa 2016, Nico Rosberg giành chiến thắng trong cuộc đua nghẹt thở với Hamilton. Trước khi giải nghệ trên đỉnh vinh quang, tay đua người Đức tiết lộ: “Chúng tôi tập thể lực mỗi ngày, nhưng lại chẳng bao giờ rèn luyện tâm trí. Vì thế, tôi đã thuê một chuyên gia tâm lý riêng. Đó là lợi thế quyết định giúp tôi trở thành nhà vô địch thế giới”.

Vettel cũng đang so kè với Hamilton đến từng điểm số ở mùa giải này. Ở chặng đua tại Anh vừa qua, tay đua người Đức chỉ cán đích thứ bảy, để Hamilton thu hẹp cách biệt. Cả hai đều có tài năng, lái những chiếc xe tuyệt vời. Khi khoảng cách chỉ là một điểm, sức mạnh của tâm trí sẽ mang tiếng nói quyết định.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc