Skip to main content

Tấm gương người thầy cờ vua (12/30/2013)

Đăng ngày 30/12/2013 bởi Administrator

Một đứa trẻ, ngay khi vừa được sinh ra đời thì nó chỉ là một sinh vật mang dáng dấp của một con người mà thôi. Theo những năm tháng cuộc đời, nó không ngừng học tập, tích lũy tri thức xã hội, tiếp thu nền văn hóa dân tộc, thừa hưởng truyền thống gia đình để có thể trở thành một con người thực thụ. Trong suốt tiến trình thành nhân đó, có rất nhiều những điều hay, điều tốt mà con người chúng ta không thể thu lượm được từ trường lớp hay sách vở.

Đâu đó, trong cuộc sống bình thường, trong chính những con người bình dị đã dạy cho chúng ta những bài học hết sức quý báu ấy. Với anh, một người khiếm thị thì con đường học làm người lại càng khó khăn và trắc trở hơn. Bị khiếm thị năm 11 tuổi, anh phải trở lại học bậc tiểu học đến lần thứ hai trong đời với chương trình chữ Braille tại trường Phổ Thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Từng bước, từng bước một, nay anh đã là một học viên cao học Tâm Lý Học của trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM. Điều này, có thể nói là một thành quả đáng khích lệ và là niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô, anh chị em, bạn bè những người thân yêu nhất của anh. Và điều khiến anh cảm thấy tự tin về bản thân mình không phải là những tri thức anh đã đạt được mà chính là những giá trị chuẩn mực mà anh đã may mắn học hỏi được từ thầy (thầy Nguyễn Phước Trung – Phó Phòng Nghiệp Vụ Thể Thao Thành Tích Cao Sở Thể Dục Thể Thao Tp.HCM).

Đầu năm 2008, lần đầu tiên anh được khoác áo đội tuyển cờ vua quốc gia tham dự Paragames (Hội thao khuyết tật đông Nam Á) tại Thái Lan. Bước vào đấu trường quốc tế, anh mang theo một niềm tin và một khí thế hừng hực của tuổi trẻ, nhưng rất nhanh thôi, thực tế đã cho anh biết rằng đây là một đấu trường thật sự khốc liệt. Với sự thiếu kinh nghiệm thi đấu, anh đã thua trắng hai ván liền. Hy vọng chạm tay vào chiếc huy chương đồng dường như cũng đã quá xa vời, nỗi thất vọng tràn trề nhấn chìm tinh thần và ý chí bản thân. Anh quyết định buông xuôi và bỏ cuộc. “Cố gắng mấy thì cũng chẳng thay đổi được gì”. Thầy đã xuất hiện, để kịp thời dạy cho anh bài học về tinh thần dân tộc cũng như phong cách của một kỳ thủ cờ vua thực thụ. Gác lại mọi công việc bận rộn của đoàn, thầy đã cùng anh đi dạo cả một buổi tối. Bằng những lời chia sẻ nhẹ nhàng, lời khích lệ, động viên chân thành, thầy đã cho anh thấy được trách nhiệm màu cờ sắc áo anh đang mang, nhận ra được thế nào là bản lĩnh của một con người thông qua các ván đấu. Kết quả, thắng 4/7 không đủ để được trao một chiếc huy chương nào nhưng điều khiến anh cảm thấy tự hào là mình đã chiến thắng được bản thân mình và tạo ra một phong cách thi đấu đẹp (Phong cách thi đấu của kỳ thủ Việt Nam).

Năm 2010, anh đã viết ra một bộ sách hướng dẫn chơi cờ vua cho người khiếm thị “Nhập Môn cờ Vua Cho Người Khiếm Thị”. với bộ sách này, anh hy vọng sẽ đáp ứng được mong muốn học tập chơi cờ vua của đại đa số các bạn khiếm thị tại các trường, trung tâm mái ấm. Một lần nữa, thầy đã đến để dạy cho anh một bài học về cách đối nhân xử thế, cách sống chan hòa với mọi người. Thầy nói: “Của cho không bằng cách cho”, điều này đã khiến anh suy nghĩ thật nhiều. Cuối cùng anh đã tự tay mang những bộ sách hướng dẫn chơi cờ đến tận tay các bạn khiếm thị thay cho việc tổ chức một buổi họp mặt các trường, trung tâm, mái ấm có nuôi dạy trẻ khiếm thị để trao tặng như dự định ban đầu. Anh thật sự cảm thấy tự hào, hạnh phúc khi cảm nhận được sự vui sướng, hân hoan từ các bạn khiếm thị khi đón nhận bộ sách của mình. Anh đã nhận ra giá trị đích thực của một món quà là tạo ra được niềm vui và hạnh phúc cho người nhận và cao hơn hết chính là giá trị nhân văn của việc tặng món quà đó.

Anh luôn tâm niệm một điều mà anh đã học tập được từ chính bản thân thầy đó là: “Một người đàn ông đích thực phải là một người có thể chu toàn cho gia đình và đóng góp cho xã hội”. Tháng 3 năm 2011 anh đã không ngần ngại khi quyết định cùng tôi, một người phụ nữ khiếm thị xây dựng nên một tổ ấm yêu thương. Vượt qua rất nhiều những rào cản, những khó khăn và cuối cùng chúng tôi đã đến được với nhau. Hạnh phúc thật sự mỉm cười khi chúng tôi đón chào nàng công chúa Sunsilk ra đời vào tháng 2 năm 2012. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin anh đang từng bước, từng bước một hướng tới cái đích “Đầy đủ về vật chất, ấm áp về tinh thần” cho tôi và cho bé Sunsilk bé bỏng của chúng tôi cũng như tiếp tục đóng góp công sức để giúp đỡ cho những người bạn, những người đồng cảnh ngộ như mình. Tôi biết, anh thật sự tự hào và hãnh diện về gia đình mình, về những gì anh đã làm được cho mẹ con tôi và những chuẩn mực mà anh đã được học từ người thầy đáng kính của anh.

Thông thường, để đánh giá một con người thì người ta thường dựa vào nhân cách của người đó. Và GS.VS Phạm Minh Hạc, một cây cổ thụ trong ngành Tâm Lý Học Việt Nam đã cho rằng: Nhân cách con người chính là thước đo giá trị chuẩn mực của cá nhân so với những giá trị chuẩn mực đạo đức của xã hội. Vì vậy, để trở thành một con người thực thụ thì mỗi người chúng ta cần phải tạo ra cho bản thân những chuẩn mực phù hợp với đạo đức, văn hóa xã hội, với truyền thống dân tộc mình. Anh đã cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được thầy, để học được những bài học về những giá trị chuẩn mực đích thực của một người đàn ông Việt Nam chân chính. Và riêng tôi, tôi thấy mình cũng thật hạnh phúc và may mắn vì có được một người chồng như anh. Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc và sự biết ơn chân thành đến thầy, người đã góp phần cho tôi một người chồng tuyệt vời!

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc