Skip to main content

Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Họ Dương Việt Nam như thế nào? (03/18/2019)

Đăng ngày 18/03/2019 bởi Administrator

Ngày 23/02/2019, Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023 phiên bất thường đã quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Họ Dương Việt Nam và chính thức thông qua Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2019.

Phóng viên Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quốc Trọng – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Trưởng Ban Xây dựng Dòng tộc để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi này.

Ông Dương Quốc Trọng – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam trình bày
Tờ trình về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Họ Dương Việt Nam. Ảnh: Dương Trung Hiếu

Phóng viênChào ông Dương Quốc Trọng!

Thưa ông, ông có thể cho biết tại sao Hội đồng Họ Dương Việt Nam quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2018?

Ông Dương Quốc Trọng:  Ngày 24/6/2018, Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam lần thứ VII đã thông qua Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2018 nhằm đáp ứng với sự phát triển của Dòng tộc trong nhiệm kỳ 2018 – 2023 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Điều lệ đã dành toàn bộ Chương I (Những quy định chung) quy định về tính chất, tôn chỉ, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cũng như những vấn đề mang tính tổng quát như: Tộc hiệu, Tộc huy, Tộc kỳ, Tộc ấn, Tộc phục…

Tuy nhiên, trải qua hơn nửa năm hoạt động, đưa Điều lệ vào thực tiễn cuộc sống đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn. Có nhiều ý kiến chưa đồng tình việc sử dụng chữ Hán: Dương bộ mộc trên Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn. Có 3 lý do chủ yếu là:

Thứ nhất, hiện nay rất nhiều người Việt Nam, trong đó có người Họ Dương không biết chữ nho nên cũng không hiểu chữ Dương bộ mộc là chữ gì. Từ đó, nhiều chi họ cho rằng chữ Dương bộ mộc là Họ Dương của người phương Bắc, ví dụ như một số tỉnh miền Tây Nam Bộ khi đi kết nối xây dựng dòng tộc, bà con Họ Dương ở đó cũng không tham gia vì họ e ngại lá cờ Họ Dương có chữ Hán. Nhiều chính quyền địa phương cũng không thừa nhận việc treo cờ có chữ Hán. Giải thích để chính quyền và bà con hiểu rõ và đúng những vấn đề này quả thật không đơn giản chút nào.

Thứ hai, theo Hán tự có rất nhiều chữ Dương khác nhau. Tôi không thạo chữ Hán nhưng có một bác trong Họ Dương đã gửi thư cho tôi thống kê, chữ Dương có tới 23 cách viết khác nhau bằng chữ Hán.

Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2013 và 2018 đều xác định Họ Dương chúng ta viết theo tiếng Hán là chữ Dương bộ mộc. Tuy nhiên, có một số chi họ không thừa nhận thuộc Họ Dương bộ mộc, ví dụ như một số chi Họ Dương thuộc tỉnh Cao Bằng nói: họ không thuộc Họ Dương bộ mộc nên không tham gia.

Thứ ba, hiện nay chữ Việt (chữ Quốc ngữ) có thể diễn đạt đầy đủ những nội dung cần truyền tải.

Vì thế, để giúp cho việc kết nối, tập hợp bà con trong dòng họ dưới ngọn cờ Họ Dương, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã đề nghị triệu tập Phiên bất thường Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023 để sửa đổi những quy định này trong Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2018, đồng thời sửa đổi một số vấn đề chưa thật hợp lý trong Điều lệ.

Phóng viênVậy việc sửa đổi, thay chữ Dương từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ có được các đại biểu đồng thuận hay không?

Ông Dương Quốc TrọngThường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam luôn ý thức rất rõ việc sửa đổi Tộc huy, Tộc kỳ là những việc hết sức hệ trọng của Dòng tộc vì chạm đến những điều thiêng liêng nhất trong trái tim của mỗi người khi nghĩ về Dòng Họ. Tôi nhớ lại, vào những năm 80 của thế kỷ trước, Quốc hội khi đó cũng đã đặt vấn đề sửa Quốc ca nhưng rồi cũng không tạo được sự đồng thuận. Vì thế, khi sửa Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã có những bước đi hết sức thận trọng, cần có sự đồng thuận của đông đảo bà con trong Dòng tộc.

Trong nhiệm kỳ này, chúng ta phân công 7 Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam phụ trách 7 vùng, mỗi vùng từ 6 -11 tỉnh và trong 6 tháng vừa qua mỗi vùng đều đã tổ chức 2 lần giao ban. Trong những lần giao ban với Hội đồng Họ Dương các tỉnh, thành phố dịp cuối năm 2018 khi nêu việc sửa đổi Tộc huy, Tộc kỳ, đều nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của Hội đồng Họ Dương các tỉnh, thành phố.

Đại hội được tiến hành trong không khí hết sức dân chủ. Tại Đại hội có 2 ý kiến chất vấn Đoàn Chủ tịch về việc thay chữ Dương bộ mộc bằng chữ Quốc ngữ, vẫn muốn giữ chữ Dương bộ mộc trên Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn. Sau khi nghe giải trình của Đoàn Chủ tịch và ý kiến của nhiều đại biểu, Đại hội đã quyết định biểu quyết: có 2/567 người đề nghị giữ chữ Dương bộ mộc trên Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn; có 565/567 (99,6%) người đề nghị sửa đổi như Tờ trình của Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam trình Đại hội.

Phóng viênVậy tổng thể, Điều lệ mới được thông qua có gì khác so với Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2018?

Ông Dương Quốc Trọng: Điều lệ mới được thông qua có những thay đổi về kết cấu cũng như nội dung so với Điều lệ năm 2018.

Về kết cấu, Điều lệ năm 2019 đã bỏ Chương II (Nhiệm vụ của Họ Dương Việt Nam) vì Chương này chỉ có 1 điều và trùng với tên Chương: “Điều 5. Nhiệm vụ”, chuyển Điều 5 (của Điều lệ năm 2018) thành Điều 3 và đưa vào Chương I.

Đảo Chương V (Đại hội đại biểu Họ Dương các cấp) thành Chương IV (Tổ chức Hội đồng Họ Dương các cấp) và Chương IV thành Chương V (Như vậy theo Điều lệ mới sẽ là Chương III và Chương IV),vì theo logic có “tổ chức Hội đồng Họ Dương các cấp”rồi mới tiến hành“Đại hội đại biểu Họ Dương các cấp”.

Đảo Chương VIII (Tài chính, tài sản) lên trước Chương VII (Công tác kiểm tra), gộp Chương VII với Chương IX (Khen thưởng và xử lý vi phạm), mỗi chương của Điều lệ năm 2018 chỉ có 2 điều, thành chương mới: “Chương VIII. Công tác khen thưởng, kiểm tra và xử lý vi phạm”, có 4 điều.

Như vậy, so với Điều lệ năm 2018, đã rút gọn từ 10 chương xuống còn 8 chương và vẫn giữ nguyên 34 điều.

Về nội dung, Đại hội thông qua sửa đổi ba nội dung lớn trong Điều lệ: Thứ nhất là sửa Tộc huy, Tộc kỳ, Tộc ấn; thứ hai là sửa tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của Họ Dương Việt Nam; thứ ba là trao thêm quyền cho Hội đồng và Thường trực Hội đồng Họ Dương các cấp.

Phóng viênĐể thay chữ Dương bộ mộc bằng chữ Quốc ngữ, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã làm rất thận trọng. Ông có thể nói rõ về quá trình chuẩn bị để sửa đổi Tộc huy, Tộc kỳ của Họ Dương Việt Nam?

Ông Dương Quốc Trọng: Để điều chỉnh, thay đổi lại Tộc huy và Tộc kỳ, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã tổ chức và phát động Cuộc thi sáng tác Tộc huy và Tộc kỳ của Họ Dương Việt Nam trong toàn Dòng tộc. Thể lệ Cuộc thi đã được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được 76 bài dự thi của 23 tác giả là người trong và ngoài Họ Dương, trong đó có 59 bài dự thi về Tộc huy và 17 bài về Tộc kỳ. Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã thành lập Ban Giám khảo, gồm các ông, bà Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam (riêng ông Dương Văn Đảm có bài dự thi nên không tham gia Ban Giám khảo) để chấm các bài dự thi.

Để việc chấm thi được khách quan, các bài dự thi đều được đánh mã số nên từng vị Giám khảo không thể biết được tác giả của bài thi. Từng bài thi đều được các vị “soi” một cách kỹ lưỡng sau đó đưa ra tập thể phân tích, bình luận, chọn ra những điều tinh túy nhất về ý tưởng, nội dung chuyển tải, nghệ thuật của từng tác phẩm.

Ban Giám khảo đã chọn được: 10 tác giả vào vòng Chung kết; Không có tác phẩm nào đạt giải nhất; có 02 giải nhì về Tộc huy; 01 giải nhì về Tộc kỳ; 03 giải Cống hiến.

Phóng viênXin ông cho biết Tộc huy, Tộc kỳ đã được sửa đổi như thế nào?

Ông Dương Quốc Trọng: Như trên tôi đã nói, cuộc thi không có ai đạt giải nhất và không có tác phẩm nào có thể sử dụng ngay để làm Tộc huy và Tộc kỳ được. Vì vậy, trên cơ sở các bài đã đoạt giải, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã dân chủ thảo luận, chỉnh sửa và thiết kế lại Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn. Có thể nói, Tộc huy, Tộc kỳ và Tộc ấn trình trước Đại hội là sản phẩm của tập thể Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

Về Tộc huy, đây biểu thị nét đặc trưng của Họ Dương Việt Nam. Tộc huy có sự cách điệu, mang tính nghệ thuật cao để chiêm ngưỡng.

Cũng có người nói, Tộc huy này không phải là một cuốn thư?

Đúng! Trong Tờ trình và tại Điều lệ cũng đã nói, “Tộc huy là hình ảnh như một cuốn thư cách tân với ý nghĩa vừa kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Dân tộc, của Dòng tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thời đại, của nhân loại trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế –  Người Họ Dương vươn tới chuẩn mực toàn cầu”. Như vậy rõ ràng rằng, Tộc huy không phải là một cuốn thư truyền thống mà thông qua hình ảnh Tộc huy, các tác giả đang muốn gửi gắm nhiều thông điệp mang ý nghĩa lớn lao.

Lại có người hỏi, Tộc huy trước đây có gươm, có bút lông, thể hiện truyền thống võ công văn trị của Dòng tộc mà tại sao Tộc huy hiện nay lại không có?

Đúng! Tộc huy của Họ Dương được quy định tại Điều lệ năm 2013 và Điều lệ năm 2018 là một cuốn thư với thanh gươm và cây bút lông ở hai bên cuốn thư. Khi thiết kế, các tác giả lúc đó đều muốn qua hình ảnh đó để thể hiện truyền thống võ công văn trị của Dòng tộc như nhà báo đã nói.

Tuy nhiên, tôi còn nhớ ngay từ khi mới ban hành Điều lệ năm 2013 đã có nhiều ý kiến chưa thật đồng tình về việc cây gươm hướng lên trên vì có cái gì đó hơi “bạo lực”, thiếu tính yêu chuộng hòa bình! Những người đó có ý kiến đề nghị nên “quay” gươm xuống dưới hoặc tra gươm vào bao!

Tộc huy mới không vẽ hình gươm, bút lông.

Lý do tại sao?

Tộc huy mới không vẽ hình gươm, bút lông không có nghĩa là chúng ta “quên” đi truyền thống võ công, văn trị của Dòng tộc. Nếu ai đó mà lãng quên đi những truyền thống hào hùng đó thì thực sự có tội với Tổ tiên, với Dòng tộc! Chính vì để đoàn kết, tập hợp rộng rãi mọi thành viên nên tập thể tác giả đã cố gắng tiếp thu ý kiến của đông đảo mọi người trong đó có những ý kiến chưa đồng thuận như tôi vừa nói. Hai bên Tộc huy hiện nay được hiểu như cán của Tộc huy, cũng có thể hiểu như hai cái trụ và với những người mang nhiều hoài niệm cũng có thể hiểu như hai cái hộp để đựng bút và gươm. Với cách hiểu như vậy, bút đã được đưa vào hộp, gươm đã được tra vào bao. Bút và gươm được để trong bao cũng thể hiện tính khiêm tốn, kín đáo của người Họ Dương. Người Họ Dương có truyền thống yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc nhưng trên hết, chúng ta là những người có lòng khát khao mong muốn hòa bình. Bút lông thường được sử dụng để viết chữ Hán và như trên tôi đã nói, trên Tộc huy hiện không còn chữ Hán nữa nên việc sử dụng bút lông ở đây cũng không phù hợp. Trong thời kỳ cách mạng 4.0, việc sử dụng thanh kiếm và bút lông để thể hiện võ công văn trị liệu có thực sự phù hợp?

Phóng viênÔng có thể cho biết những thông điệp gì được gửi gắm tại Tộc huy, Tộc kỳ?

Ông Dương Quốc Trọng: Trung tâm của Tộc huy là hình mặt trống đồng, biểu tượng của lịch sử hàng ngàn năm, của hồn thiêng sông núi, của cốt cách con người Việt Nam. Các họa tiết theo vòng tròn đồng tâm, phản ánh sự đồng tâm hiệp lực, vận động liên tục không ngừng nghỉ của các thế hệ người Họ Dương cùng trăm họ cộng đồng người Việt trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân tộc.

Hình mặt trống đồng, biểu tượng của mặt trời như một nguồn sáng, nguồn năng lượng tích cực, phản ánh sức sống và trí tuệ, nguồn lực vô tận nuôi dưỡng sự lớn mạnh từng con người và dòng họ.

Mặt trời, nghĩa tiếng Hán Nôm cũng chính là chữ “Dương – Họ Dương”. Mặt trời tượng trưng cho nguồn sống bất tận, soi rọi mọi ngõ nẻo của tâm hồn, khai sáng tương lai và thắp lên những điều tốt đẹp, thiện mỹ nhất trong mỗi con người Họ Dương chúng ta.

Cụm chữ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM có cấu trúc hình vuông, trên nền mặt trống đồng có cấu trúc hình tròn, thể hiện “trời tròn đất vuông” theo quan niệm truyền thống của người Việt. Kích thước 2 chữ HỌ DƯƠNG nhỏ hơn 2 chữ VIỆT NAM hàm ý rằng người Họ Dương là một bộ phận máu thịt của người Việt Nam.

Chữ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM ở giữa mặt Trống đồng – Mặt trời thể hiện người Họ Dương chúng ta sống chan hòa, đầm ấm trong cộng đồng các dòng họ Việt Nam yêu dấu.

Phần trung tâm của Tộc huy cũng được thể hiện trong Tộc ấn và Tộc kỳ.

Tộc huy Họ Dương Việt Nam được thể hiện bằng 3 màu: đỏ thắm, vàng tươi và vàng đồng.

– Màu vàng đồng ở cán và đáy cuốn thư cũng như trên mặt trống đồng nói lên sự chắc chắn, vững như đồng, thể hiện sự trường tồn và phát triển của Họ Dương và dân tộc Việt Nam.

– Màu đỏ thắm và vàng tươi là tình nghĩa “máu đỏ da vàng”, là tình thương yêu, ruột thịt trong Dòng tộc. Người Họ Dương là người Việt Nam máu đỏ da vàng, sống bình yên nơi đất tổ, trên đại dương bao la và trái đất yên bình.

– Màu đỏ thắm và vàng tươi cũng là màu lá cờ Tổ quốc thân yêu của mỗi người Việt Nam yêu nước chúng ta.

Về Tộc kỳ:

Tộc kỳ hình vuông, nền màu đỏ thắm, tâm của lá cờ chính là phần trung tâm của Tộc huy như tôi đã mô tả trước đó và được thêu như nhau ở hai mặt cờ.

Tua rua và dải đỏ đính kèm thể hiện rằng dù chúng ta ở đâu thì vẫn chung một cội nguồn, nên người trong Dòng tộc Dương Gia Đất Việt nói riêng, đồng bào Việt Nam nói chung phải luôn thương yêu, đoàn kết, chia sẽ, giúp đỡ nhau.

Tộc kỳ gợi cho chúng ta ghi nhớ truyền thống, biết ơn và lòng tự hào về nguồn cội của mình như người xưa đã nói: “Ẩm thủy tư nguyên – Uống nước nhớ nguồn”.

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”

Cờ Họ Dương Việt Nam có 5 màu (ngũ sắc) gồm: Đỏ tươi – Vàng tươi – vàng đồng – Xanh lam – Xanh lục, thể hiện sự cân bằng ngũ hành của vũ trụ được cấu trúc bởi 5 yếu tố: Hỏa – Kim – Thổ – Thủy – Mộc. Theo quan niệm của người Việt xưa, đó là 5 yếu tố tương sinh, tương khắc hình thành nên vũ trụ vĩnh cửu.

Vậy sau khi được Chủ tịch đoàn giải trình, ý kiến của Đại hội thế nào?

Vì còn có ý kiến khác nhau nên Đoàn Chủ tịch vẫn phải lấy ý kiến biểu quyết. Về việc này, có 567/567 (100%) đồng tình với Tờ trình của Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam trình Đại hội

Phóng viênVậy còn Tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của Họ Dương Việt Nam, tại sao lại cần sửa đổi?

Ông Dương Quốc Trọng: Về vấn đề này, tôi xin trả lời như sau: chúng ta luôn bày tỏ lòng biết ơn tới các bậc lão thành, những người tiền nhiệm đã không tiếc sức lực, không quản ngày đêm, dày công vun đắp trong suốt 27 năm qua xây dựng Hội đồng Họ Dương mà tiền thân là Ban liên lạc Họ Dương các cấp để ngày hôm nay chúng ta có một hệ thống Hội đồng Họ Dương các cấp trên khắp các tỉnh, thành. Trong trái tim của mỗi người Họ Dương chúng ta đều ghi nhớ, biết ơn những cụ Tiền bối đã đi xa như cụ Dương Văn Dật, cụ Dương Văn Kiện, cụ Dương Kiện, cụ Dương Đình Tú mà chúng ta đã tổ chức cầu siêu cho các cụ tại các Lễ hội hằng năm. Chúng ta cũng biết ơn các bác hoạt động từ những ngày đầu còn gian khó như bác Dương Thanh Xuân, bác Dương Văn Thiều, bác Dương Tự Đam, bác Dương Xuân Thâu,… Mỗi người con Họ Dương đều có quyền tự hào về sự lớn mạnh và phát triển của cả Dòng tộc.

Từ lúc khởi đầu, chúng ta đi tìm những người cùng họ, làm quen, kết nối, liên lạc với nhau để cùng nhau sinh hoạt trong một ngôi nhà chung của Họ Dương. Những việc đó, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm, đặc biệt là ở những tỉnh, những vùng chưa thành lập được Hội đồng Họ Dương (hiện còn 9 tỉnh chưa thành lập được Hội đồng Họ Dương mà mới thành lập được Ban liên lạc hoặc Hội đồng Họ Dương lâm thời).

Lẽ nào, khi đã về chung dưới một mái nhà chỉ để thỉnh thoảng gặp nhau tay bắt mặt mừng, ăn với nhau bữa cơm rồi lại chia tay nhau? Đã là anh em trong cùng một nhà thì phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống: người đã giàu sẽ giàu hơn, người khá giả sẽ vươn lên thành giàu, người trung bình sẽ vươn lên khá giả, và đặc biệt sẽ không để người Họ Dương nào tụt lại phía sau. Chúng ta sẽ xây dựng nếp sống văn hóa của người Họ Dương vừa kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Dân tộc, của Dòng tộc vừa tiếp thu những tinh hoa văn minh của nhân loại.

Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam nhận thấy rằng, đây là thời điểm chín muồi để chúng ta thay đổi mục tiêu, phương thức hoạt động của Hội đồng Họ Dương các cấp đi vào thực chất, hiệu quả và thực sự bền vững.

Theo đó, Tôn chỉ của Họ Dương Việt Nam được sửa đổi như sau:

– Hướng về cội nguồn, tri ân Tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa;

– Phát huy truyền thống Dòng tộc: Yêu nước, tự lực, tự cường; hiếu học, coi trọng tri thức; sống nhân nghĩa, vị tha.

Mục tiêu hoạt động của Họ Dương Việt Nam sẽ sửa trên tinh thần:

Mỗi một thành viên Họ Dương và cả dòng tộc thường xuyên rèn luyện và nâng cao Sức khỏe – Tri thức – Đạo đức (3 trụ cột); Phát triển Văn hóa Dương Gia dựa trên 3 giá trị cốt lõi: Chuẩn mực – Sáng tạo – Nghĩa tình để từ đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình người Họ Dương; hướng tới xây dựng Dòng tộc Họ Dương thành cộng đồng thịnh vượng, hạnh phúc, vững mạnh, văn minh.

Phóng viênVậy, Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã làm gì để thực hiện được Tôn chỉ, Mục tiêu nói trên, thưa ông?

Ông Dương Quốc Trọng: Để thực hiện được Tôn chỉ, Mục tiêu nói trên, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều tiếp theo sau và đã được Đại hội thông qua.

Cụ thể là: Điều chỉnh Điều 5 các “Lễ hội Họ Dương” thành các “Ngày hội Họ Dương”.

Bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau: “Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam là sự kiện trọng đại nhất của Họ Dương Việt Nam, được tổ chức hằng năm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật tuần thứ 3 sau Tết Nguyên Đán, là Ngày Tết – Ngày Giỗ Tổ chung của toàn thể người Họ Dương Việt Nam.”

Bổ sung, sửa đổi Điều 10 và Điều 11 theo tinh thần giao quyền cho Hội đồng Họ Dương quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập các Ban, Câu lạc bộ trực thuộc Hội đồng Họ Dương cùng cấp.

Sửa đổi Điều 12 như sau: Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam được tổ chức 05 năm một lần do Hội đồng Họ Dương Việt Nam triệu tập. Trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đề xuất việc triệu tập phiên bất thường Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam với thành phần như trong phiên chính thức.

Bổ sung, sửa đổi Điều 15 và Điều 21 về Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Họ Dương Việt Nam và Hội đồng Họ Dương cấp tỉnh: Trong trường hợp đặc biệt, cần sớm củng cố, ổn định tổ chức, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động… Thường trực Hội đồng Họ Dương cấp trên sẽ xem xét, quyết định ngay việc miễn nhiệm, chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng Họ Dương cấp dưới trực tiếp.

Điều chỉnh Điều 33: Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ chỉ được tiến hành khi Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam đề nghị và trình tại Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam xem xét quyết định.

Điều chỉnh Điều 34 “Hiệu lực thi hành”: Điều lệ này gồm: 8 chương, 34 điều; có hiệu lực kể từ ngày được Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam lần thứ VII, phiên bất thường biểu quyết nhất trí thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2019.

Đại hội đã thống nhất biểu quyết (100%) thống nhất thông qua Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2019. Đại hội cũng đã chứng kiến ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, thay mặt Chủ tịch đoàn Đại hội ký ban hành Điều lệ và Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2019 đã chính thức có hiệu lực kể từ 16 giờ 15 phút ngày 23/2/2019.

Ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam
ký ban hành Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2019

Phóng viên: Về góc độ cá nhân, ông nhận định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Họ Dương Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong công tác Xây dựng Dòng tộc sau Đại hội đại biểu phiên bất thường?

Ông Dương Quốc TrọngLà một thành viên Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam, tôi hết sức phấn khởi khi Đại hội đã biểu quyết (100%) thông qua Điều lệ. Trong Đại hội cũng có những ý kiến khác nhau nhưng khi được dân chủ thảo luận kết quả đã có sự đồng thuận tuyệt đối. Từ nay mọi hoạt động của cả Dòng tộc Họ Dương chúng ta đều sẽ xoay quanh việc thực hiện tôn chỉ, mục tiêu hoạt động mà Điều lệ đã nêu.

Những gì mà chúng ta vừa trao đổi trên đây là những vấn đề mới. Thay đổi một cách nhìn, một cách nghĩ, một phương thức làm việc, đặc biệt là những vấn đề tôi cho rằng rất nhạy cảm nêu trên sẽ có không ít người không khỏi ngỡ ngàng, nhất là chưa được giải trình một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là một cách phản ứng tự nhiên của rất nhiều người. Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam chỉ có một suy nghĩ, trăn trở duy nhất đó là: làm thế nào để đoàn kết tập hợp đông đảo bà con thành viên Họ Dương Việt Nam (là những người mang Họ Dương và dâu Họ Dương) dưới ngọn cờ Họ Dương Việt Nam, thực hiện bằng được tôn chỉ, mục tiêu hoạt động để từ đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình người Họ Dương; hướng tới xây dựng Dòng tộc Họ Dương thành cộng đồng thịnh vượng, hạnh phúc, vững mạnh, văn minh.

Muốn vậy, Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam cùng với Hội đồng Họ Dương các cấp cần tiếp tục thông tin, truyền thông sâu rộng về thành công của Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam, trong đó có việc ban hành Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2019. Những ai chưa hiểu rõ, cần giải thích, thuyết phục để bà con hiểu, đồng thuận và cùng nhau thực hiện. Những ai chưa hiểu rõ cũng nên bình tĩnh tìm hiểu, trao đổi với những người có trách nhiệm, tránh phát ngôn không đúng lúc, đúng chỗ dễ gây hiểu lầm và dễ gây mất đoàn kết không cần thiết trong nội bộ. Điều lệ thực sự có đi vào cuộc sống hay không là cần phải có sự đoàn kết, đồng thuận của cả Dòng tộc, sự chung tay góp sức, quyết tâm thực hiện bằng được những mục tiêu, khát vọng cháy bỏng của cả Dòng tộc, đó là cách đền ơn, trả nghĩa thiết thực nhất với Tổ tiên, các thế hệ cha anh và cũng là cách chăm lo tốt nhất đến cuộc sống hiện tại cũng như các thế hệ tương lai.

Cá nhân tôi có niềm tin sắt đá rằng, với truyền thống tốt đẹp của người Họ Dương, chúng ta sẽ thực hiện thành công những mục tiêu của Điều lệ đã đề ra

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Dương Hòa

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc