Skip to main content

Sự phát triển của phong trào cờ tại thành phố Hồ Chí Minh (01/20/2015)

Đăng ngày 20/01/2015 bởi Administrator
Sự phát triển của phong trào cờ tại thành phố HCM 
Sự phát triển của phong trào cờ tại thành phố có thể phân ra 5 mốc thời gian như sau

  • Từ 1975 đến 1985: định hướng phát triển và hình thành bộ môn cờ thành phố
  • Từ 1986 đến 1989: phát triển mạnh phong trào cờ vua, cờ tướng. Xây dựng lực lượng đội tuyển cờ vua có thành tích cao trong cả nước.
  • Từ 1990 đến 1995: cờ tướng bắt đầu được tập trung xây dựng lực lượng và cùng cờ vua khởi đầu tiến trình hội nhập quốc tế.
  • Từ 1996 đến 2000: phát triển đa dạng các thể loại cờ và các hình thức thi đấu; mở rộng giao lưu và vươn đến các thành tích quốc tế.
  • Từ 2001 đến nay: nâng chất phong trào, giữ vững thành tích chuyên môn, tăng cường hội nhập theo xu thế toàn cầu hóa.

1975 – 1985. Định hướng phát triển và hình thành bộ môn cờ thành phốĐược công nhận là một môn thể thao vào năm 1978, cờ vua có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ các ban ngành, đoàn thể của thành phố. Những lớp học, những giải cờ vua đầu tiên được tổ chức ở Nhà Thiếu nhi và Nhà Văn hóa thanh niên vào các năm 1980 – 1981 đã thu hút khá đông số người tham dự, phần lớn là sinh viên, học sinh.

Do cờ tướng chỉ phát triển ở cấp độ phong trào, chưa có các giải thi đấu chính thức nên trong giai đoạn này nhiều danh thủ cờ tướng như Trần Qưới, Phạm Tấn Hòa, Lê Thiên Vị, Dương Thanh Danh, Quách Anh Tú v. v … đã chuyển sang thi đấu cờ vua.

Giải cờ vua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1980, các VĐV của thành phố đã tham dự giải này và đạt những thành tích khá thuyết phục trong đó VĐV Lê Hồng Đức đã xuất sắc giành huy chương bạc.

Ngay từ khi mới phát triển, cờ vua đã được lực lượng trẻ hưởng ứng. Trong quá trình tìm hiểu và thi đấu, họ đã nhanh chóng lĩnh hội được các phương pháp thi đấu có bài bản, chiến lược và đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Nhiều tài năng trẻ xuất hiện trong giai đoạn này như Từ Hoàng Thông, Từ Hoàng Thái, Trịnh Thanh Bình, Ngô Huyền Châu, Lê Thị Phương Ngọc v. V … đây cũng là những VĐV cờ vua đầu tiên của thành phố được vào đội tuyển năng khiếu tập trung vào năm 1984 do 2 HLV Lê Hồng Đức và Nguyễn Phước Hạnh dẫn dắt.

 

Đội tuyển Thành Phố HCM tại giải vô địch toàn quốc năm 1984

Từ năm 1982 đội tuyển thành phố đã tham dự các giải chính như: các Giải cờ vua trẻ toàn quốc từ 1982 đến 1985. Giải Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần I -1983 (đạt 2 vàng, 1 bạc), Giải vô địch quốc gia các năm 1984, 1985 (VĐV Lê Thị Phương Ngọc của thành phố đoạt chức vô địch), Đại hội TDTT toàn quốc lần I – 1985Dù chỉ mới hình thành trong thời gian ngắn, cờ vua của thành phố đã có những bước tiến dài và đạt những thành quả đáng trân trọng, từ đó nhận được sự quan tâm đầu tư của Sở TDTT và sự ủng hộ của các ban ngành trong thành phố. Chính từ sự quan tâm này, bộ môn đã nhận được những điều kiện tốt để phát triển, trong đó có việc tăng cường quan hệ quốc tế, tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực. Năm 1983 thanh niên thành phố được biết đến phong cách thi đấu của nhà nữ vô địch thế giới Maia Chiburdanidze khi Liên hoan hữu nghị thanh niên Việt – Xô lần thứ 5 được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Đội tuyển thành phố còn được sự hỗ trợ của các chuyên gia cờ vua Liên xô Popov và Lepeshkin, góp phần không nhỏ vào thắng lợi rực rỡ của cờ vua thành phố trong các giai đoạn tiếp theo.

1986 – 1989. Phát triển mạnh phong trào cờ vua, cờ tướng xây dựng lực lượng đội tuyển cờ vua có thành tích cao trong cả nước

Phong trào chơi cờ trong giai đoạn này phần lớn tập trung ở các quận có truyền thống thể thao mạnh như quận 1, 3, 5, 11, Tân Bình và Bình Thạnh, thậm chí có ở đơn vị xa như huyện Cần Giờ. Ngoài việc chăm lo phát triển phong trào, các đơn vị này còn hỗ trợ cho thành phố trong công tác tập huấn và xây dựng lực lượng đội tuyển.

 

Từ trái sang phải VĐV Lê Hoàng Thái, Từ Hoàng Thông, Giám Đốc Sở TDTT Lê Bửu, VĐV Lê Huyền Châu, Ngô Huyền Chân

Môn cờ tướng xuất hiện các hội quán, kỳ đài, tụ điểm ở các quận Bình Thạnh, quận 5, quận 10… một đặc thù riêng của cờ tướng và cũng là một hình thái phát triển tất yếu sau nhiều năm phát triển phong trào cờ tại thành phố. Các địa điểm này đã trở thành nơi lý tưởng để các kỳ thủ có điều kiện trao đổi những bài bọc kinh nghiệm và nâng cao sức cờ. Một số cao thủ đã nổi lên từ loại hình chơi cờ này như Mai Thanh Minh, Trềnh A Sáng, Trương A Minh, Diệp Khai Nguyên, Lê Thị Hương v. V … đây cũng là những kỳ thủ đầu tiên trở thành VĐV và tham gia đội tuyển cờ tướng thành phố trong các năm sau.Nối tiếp thành quả đạt được, giai đoạn này cờ vua thành phố tiếp tục phát triển mạnh, một số VĐV đã có thành tích và đẳng cấp quốc gia, từng bước khẳng định là một trong những trung tâm cờ vua mạnh của cả nước.

Giải vô địch toàn quốc năm 1986 tại Huế là một điểm son cho lịch sử đội tuyển thành phố khi giành chiến thắng kép ở cả 2 vị trí vô địch nam và vô địch nữ. Hai vận động viên của thành phố đoạt cúp vô địch quốc gia ở tuổi còn rất trẻ, Từ Hoàng Thông (sinh năm 1972) và Ngô Huyền Châu (sinh năm 1971). Thắng lợi đạt được vào thời điểm kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ nên mang nhiều ý nghĩa quan trọng về chính trị lẫn chuyên môn do đó Sở TDTT thành phố quyết định chọn ngày 19/5 là “ngày truyền thống của Bộ môn Cờ thành phố” và cho phép tổ chức các chương trình hoạt động giao lưu, thi đấu môn cờ vào ngày này hàng năm.

Năm 1987 Hội cờ thành phố được thành lập do ông Quách Anh Tú làm Chủ tịch. Đây là tổ chức xã hội về thể thao đầu tiên của thành phố, đánh dấu một chặng đường phát triển của phong trào và sự lớn mạnh về lực lượng của cả 2 môn cờ. Hội cờ đã trở thành cầu nối giữa các nhà quản lý thể thao và những người yêu thích bộ môn này của thành phố. Trong công tác chuyên môn, Hội đã tham mưu cho ngành TDTT về các biện pháp xây dựng phong trào cũng như xây dựng lực lượng VĐV đội tuyển thành phố.

 

Đoàn Thành Phố HCM tại hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần II 1987

Từ năm 1987 đến 1989, đội tuyển cờ vua thành phố đã liên tục chiếm thứ hạng đầu của các giải vô địch, giải A2, các giải thanh thiếu niên, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc v. V … VĐV Lê Thị Phương Ngọc và Ngô Huyền Châu liên tục thay nhau mỗi người đoạt chức vô địch quốc gia 3 lần, Từ Hoàng Thông bảo vệ chức vô địch vào năm 1987 và đoạt cúp ngoại hạng 1989.Trong quan hệ quốc tế, được sự giúp đỡ của Tổng cục TDTT, đội tuyển thành phố đã có những chuyến xuất ngoại đầu tiên như: tham dự giải tưởng niệm Petrosian vào tháng 1/1989 tại Liên xô, cử VĐV Võ Đại Hoài Đức học chuyên sâu cờ tại Ucraina (1988), cử HLV Nguyễn Phước Hạnh tham dự lớp đào tạo ngắn hạn tại Moscow (1989).

Ở trong nước, các VĐV đội tuyển được tập huấn với chuyên gia cờ vua Nga Schachman, thi đấu hữu nghị với đội Ucraina v. V … Đội tuyển thành phố còn mở rộng giao lưu với các tỉnh, thành lân cận, tổ chức các cuộc thi đấu giao lưu với các chuyên gia dầu khí VietSopetro, với đội tuyển các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu – Côn đảo, Đồng Tháp, Cần Thơ v.V… góp phần vào việc phát triển chung của phong trào cờ vua ở khu vực miền đông nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

1990 – 1995. Cờ tướng bắt đầu được tập trung xây dựng lực lượng và cùng cờ vua khởi đầu tiến trình hội nhập quốc tế.

Chuyến đi tập huấn nước ngoài đầu tiên của đội tuyển thành phố được thực hiện từ sự giúp đỡ của học viện cờ vua Ucraina vào năm 1990, đoàn do ông Trần Tấn Mỹ phụ trách cùng các VĐV Từ Hoàng Thông, Trần Chí Thành, Trần Đức Hòa Khánh, Mai Thanh Hương và Ngô Huyền Châu. Trở về sau đợt tập huấn, đội tuyển cờ vua thành phố đã xuất sắc đoạt ngôi vị hạng nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 2 năm 1990 với 3 huy chương vàng, trong đó VĐV Từ Hoàng Thông và Mai Thanh Hương đoạt huy chương vàng cá nhân.

 

Đội TP Hồ Chí Minh cùng các VĐV cờ vua Ucraina trong chuyến tập huấn nước ngoài đầu tiên tại Liên Xô năm 1990

VĐV Từ Hoàng Thông sau khi đoạt chức vô địch quốc gia vào năm 1991 đã được cử tham dự giải U20 Châu Á tại Dubai – Các Tiểu Vương quốc Ả Rập và đã đoạt luôn huy chương bạc; Cũng tại giải U20 châu Á vào năm sau ở Quatar – 1992, Thông cũng tiếp tục đoạt huy chương bạc. Đây là những tấm huy chương quốc tế chính thức đầu tiên của làng cờ thành phố, một thành quả rực rỡ của những bước đi đầu tiên trong quá trình hội nhập quốc tế.Từ những năm 1990 đến 1995, các VĐV của đội tuyển thành phố đã cùng đội tuyển Việt Nam liên tục tham dự các giải quốc tế lớn nhỏ trong khu vực và trên thế giới, có thể kể đến một số giải quan trọng như: Giải cờ vua Olympic thế giới năm 1990 tại Nam Tư, năm 1992 tại Philippines, năm 1994 tại Nga; Giải cờ vua Olympic Châu Á năm 1991 và 1993 cùng tại Malaysia, năm 1995 tại Singapore; Giải U16 châu Á tại Hải Phòng năm 1993; Giải cờ nhanh đồng đội châu Á năm 1995 tại Hongkong; Các giải khu vực 3.2a, các giải quốc tế mở rộng, các giải tranh điểm chuẩn ở các nước như Úc, Nga, Indonesia v. V.. Tuy thành tích tại các giải thi đấu này còn khiêm tốn nhưng môn cờ thành phố đã xây dựng được một đội tuyển mạnh, có trình độ và đẳng cấp chuyên môn cao, đặc biệt là vào năm 1993, Từ Hoàng Thông là VĐV Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Cờ vua thế giới phong đẳng cấp Kiện tướng quốc tế.

Năm 1991, Hội cờ thành phố tổ chức Đại hội đại biểu và chuyển thành Liên đoàn Cờ thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt nhiệm kỳ này, Liên đoàn đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm phát triển hơn nữa phong trào quần chúng và xây dựng lực lượng đội tuyển các cấp. Một trong những hoạt động nổi bật nhất của Liên đoàn là góp phần cùng Liên đoàn cờ Việt Nam đưa phong trào cờ tướng phát triển nhanh trên bình diện quốc gia và từng bước hội nhập vào làng cờ tướng thế giới.

Phong trào cờ tướng bấy giờ như được tăng thêm sức mạnh và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, của các cấp, các ngành. Báo Thể thao thành phố mở chuyên mục đố vui có thưởng trên mỗi số phát hành; nhiều cơ quan tổ chức giải phong trào cho các cán bộ, công nhân viên; kỳ đài vẫn được duy trì ở các quận 10, 11, Bình Thạnh; các địa điểm sinh hoạt của quần chúng như Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung văn hóa Lao động, Công viên Văn hóa Đầm Sen đã phối hợp với một số môn võ dân tộc tổ chức biểu diễn cờ người vào các dịp lễ, tết…

Đội tuyển cờ tướng được hình thành theo từng đợt giải toàn quốc từ năm 1992 nhưng đến năm 1995 mới chính thức được tập trung vào đội dự tuyển của thành phố. Từ năm 1992 đến nay các VĐV của thành phố liên tục giữ các vị trí hạng nhất tại các giải vô địch quốc gia, các Đại hội thể thao toàn quốc và do đó luôn đóng góp lực lượng nòng cốt trong thành phần đội tuyển quốc gia khi tham dự các giải quốc tế.

Năm 1993, đội tuyển Việt Nam với thành phần chính là lực lượng của thành phố đã thực hiện chuyến du đấu quốc tế đầu tiên do ông Quách Anh Tú làm Trưởng đoàn, Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 3 tại Bắc Kinh. Tại giải này VĐV Mai Thanh Minh đoạt giải nhất “Phi Hoa Duệ”, một loại giải thưởng dành cho những kỳ thủ không phải là người Hoa. Lần đầu tiên tham dự quốc tế nên còn bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm thi đấu nên đội tuyển chưa đạt thành tích cao, thế nhưng chỉ ngay trong những năm sau, các VĐV đã thi đấu khởi sắc và đạt được những thành tích khá cao như: huy chương bạc đồng đội nam và huy chương bạc cá nhân nữ Lê Thị Hương tại Giải vô địch cờ tướng Châu Á năm 1994 ở Macau; VĐV Lê Thị Hương còn đoạt huy chương bạc, Trương A Minh đoạt huy chương đồng Giải các Kiện tướng châu Á năm 1995 tại Malaysia. Qua đó có thể thấy rằng dù chỉ mới được đưa vào hệ thống nhưng môn cờ tướng đã có những bước tiến nhảy vọt, từng bước vươn lên các vị trí đỉnh cao của thế giới, cùng với cờ vua xứng đáng là một trong những môn thể thao mũi nhọn của thành phố.

1996 – 2000. Phát triển đa dạng các thể loại cờ và các hình thức thi đấu; mở rộng giao lưu và vươn đến các thành tích quốc tế.

Trong tiến trình mở cửa của ngành thể dục thể thao, nhiều môn chơi mới được các tổ chức thể thao trên thế giới đem đến phổ biến tại Việt Nam và trở thành môn thi đấu chính thức, một trong những môn thể thao mới được phổ biến là cờ vây. Môn cờ vây được phổ biến lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993 xuất phát từ chủ trương của ngành TDTT Hà Nội với một lớp học đầu tiên do chuyên gia Trung quốc giảng dạy.

Được sự ủng hộ của các ban ngành tại quận 3 và Liên đoàn cờ thành phố, năm 1994 các kỳ thủ cờ vua Lê Mai Duy và Nguyễn Đăng Khương đã thử chuyển sang nghiên cứu môn chơi này, sau đó phổ biến cho các VĐV thuộc CLB cờ quận 3 – 107 Trương Định, từ đó cờ vây mới có điều kiện phát triển. Đến năm 1996, kỳ thủ Hàn quốc Ki Young Kim đầu tư mở một CLB quốc tế tại thành phố thì cờ vây được biết đến nhiều hơn, các kỳ thủ cờ vây của thành phố cũng có dịp để nâng cao trình độ chuyên môn và hình thành một lớp VĐV trẻ.

Căn cứ vào tình hình phát triển phong trào, năm 1996 Liên đoàn cờ thành phố đã quyết định đưa cờ vây vào hệ thống chính thức và tổ chức giải vô địch hàng năm.

 

Giao lưu cờ vây với cao thủ Nhật Bản năm 1998 tại Quận 3

Trong giao lưu quốc tế, cờ vây được thuận lợi nhiều hơn nhờ 2 cường quốc kinh tế của Châu Á là Nhật bản và Hàn quốc vì cờ vây được phát triển khá mạnh ở đất nước họ và những cao thủ rất được xã hội trân trọng. Các danh thủ Nhật đến thành phố theo chương trình giao lưu văn hóa Việt – Nhật từ năm 1998 và hỗ trợ toàn bộ chi phí cho các VĐV từ năm 2000 khi tham dự các giải vô địch thế giới tại Tokyo, hiện nay người Nhật đang mở CLB tại khu vực trung tâm thành phố do chuyên gia Nhật Koren Ogura phụ trách; Các tổ chức Hàn quốc thì tài trợ hàng năm cho đội tuyển tham dự Giải đồng đội Châu Á tại Seoul.Nhìn chung cờ vây còn đang phát triển ở mức độ phong trào nhưng có những thuận lợi nhất định trong việc nâng cao trình độ chuyên môn do thường xuyên được tổ chức thi đấu giao lưu với các VĐV quốc tế có trình độ cao.

 

Giải cờ vua nhanh toàn quốc được tổ chức vào dịp kỷ niệm truyền thống môn cờ thành phố hàng năm vào ngày 19/5 tại khách sạn Đệ Nhất Quận Tân Bình

Song song với cờ vây, cờ vua và cờ tướng vẫn từng bước phát huy thế mạnh của một thành phố có phong trào mạnh nhất nước. Trong công tác tổ chức thi đấu, thành phố đã cùng với quốc gia xây dựng một hệ thống thi đấu đa dạng và phong phú. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đi đầu thực hiện ứng dụng kỹ thuật tin học cho việc huấn luyện, tổ chức thi đấu và thông tin tuyên truyền trên hệ thống mạng toàn cầu internet, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị trí của làng cờ Việt Nam đối với khu vực.Khởi đầu tiến trình này, từ năm 1996 thành phố đã có sáng kiến tổ chức thi đấu cờ vua nhanh cấp quốc gia tại Khách sạn Đệ Nhất, quận Tân Bình nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống của bộ môn cờ thành phố. Giải ban đầu được mở rộng cho các VĐV quốc tế trong khu vực, đến năm 2000 được công nhận là giải chính thức trong hệ thống các giải vô địch quốc gia và đã trở thành ngày hội truyền thống hàng năm của làng cờ cả nước.

Năm 1999 môn cờ vua tổ chức Giải khu vực nữ 3.2a cũng tại Khách sạn Đệ Nhất, VĐV của thành phố là Nguyễn Thị Thanh An đoạt chức vô địch.

 

Đội cờ tướng TP.HCM tại giải Vô Địch Đông Nam Á tổ chức tại TP.HCM năm 1998

Môn cờ tướng cũng tổ chức giải quốc tế đầu tiên vào năm 1998 tại Công viên văn hóa Đầm Sen, Giải vô địch Đông Nam Á. Đội tuyển Việt Nam 1 và 2 đã xuất sắc giành huy chương vàng và bạc, VĐV trẻ Trương Lê Hoàng đoạt huy chương vàng nhóm tuổi trẻ.Các VĐV thành phố trong giai đoạn này đã có nhiều đóng góp tích cực vào thành tích chung, đạt nhiều huy chương vàng, bạc cấp châu lục và đóng góp lực lượng nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia.

Từ 2001 đến nay. Nâng chất phong trào, giữ vững thành tích chuyên môn, tăng cường hội nhập theo xu thế toàn cầu hóa.

Bước vào thế kỷ 21, thế kỷ của sự hợp tác quốc tế, của sự phát triển toàn cầu, phong trào cờ của thành phố vì vậy cũng phải phát triển theo những quy luật nhất định của xã hội hiện tại. Với phương châm “lấy cờ tướng để phát triển phong trào, lấy cờ vua để xây dựng và giáo dục trí lực cho lực lượng trẻ”, môn cờ đã thực hiện những điều chỉnh thích hợp để có thể phát triển vững chắc.

 

Giải vô địch cờ tướng toàn quốc năm 2004 tại Trung Tâm TDTT Quận 1

Cờ tướng được ưu tiên hàng đầu trong phát triển phong trào, nhiều kỳ đài được lập ra tại các khu văn hóa như Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Văn Hóa Lao động, Nhà văn hóa quận 11… tại các cơ sở tư nhân như CLB Vọng Các, cà phê Tao Ngộ, cà phê Hoàng Hạc. Trong tổ chức thi đấu, cờ tướng được đưa vào hệ thống các giải học sinh, các giải truyền thống 19/5.Giải Cờ vây toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào năm 2001 tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3. Từ đó cờ vây được chính thức đưa vào hệ thống thi đấu của quốc gia.

Cờ vua được tập trung nhiều vào lực lượng trẻ với hệ thống các giải thi đấu chia theo lứa tuổi và nhiều loại hình thi đấu cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn, từ đó tuyển chọn VĐV vào đội tuyển thành phố tham dự các giải quốc gia, quốc tế và đã đạt nhiều thành tích ở lứa tuổi trẻ khu vực và thế giới. Giai đoạn này đã xuất hiện các tài năng trẻ như Lê Quang Liêm, Phạm Chương, Lý Hồng Nguyên, các VĐV có trình độ cao như Nguyễn Thị Thanh An, Lê Kiều Thiên Kim.

 

Giải vô địch cờ vây toàn quốc năm 2002 – tại quận 3

Năm 2003 cờ vua thành phố được tin tưởng ủy nhiệm đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games) tại nhà thi đấu Vân Đồn, quận 4. Lần đầu tiên được đưa vào một Đại hội thể thao lớn của khu vực, được sự hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới quan tâm, cùng với sự nỗ lực của những người làm công tác tổ chức, Đại hội đã đạt sự thành công ngoài mong đợi, gây tiếng vang lớn với bạn bè quốc tế và góp tiếng nói cùng Liên đoàn Cờ thế giới phấn đấu đưa cờ vua vào một trong những môn thi của Đại hội thể thao Olympic.Trong công tác xây dựng lực lượng, từ năm 2000 môn cờ đã vạch ra mục tiêu của vươn tới các thành tích đỉnh cao của khu vực với nhiều biện pháp cụ thể như liên kết giao lưu với đội tuyển cờ tướng Trung quốc,

tham gia các đợt tập huấn cờ vua ở các nước như Hungary và Singapore, ứng dụng kỹ thuật tin học vào công tác tập luyện v. V … từ đó đạt được những thành tích cao như huy chương bạc đồng đội cờ tướng Châu Á (chỉ sau Trung quốc), huy chương vàng cờ vua trẻ Châu Á, huy chương bạc cờ vua trẻ thế giới và nhiều tấm huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải Đông Nam Á.

 

Thi đấu cờ vua tại SeaGame 22 nhà thi đấu Vân Đồn – Quận 4

Với những đóng góp tích cực vào bảng thành tích chung của quốc gia và khu vực cùng sự hợp tác trong công tác xây dựng hệ thống thi đấu quốc tế, hiện nay môn cờ thành phố đang sở hữu phần lớn các danh hiệu, đẳng cấp quốc tế của Việt Nam: 

  • Trọng tài có đẳng cấp quốc tế và tham gia vào Liên đoàn Đông Nam Á: Nguyễn Phước Trung – FA (cờ vua) – Lê Thiên Vị (cờ tướng)
  • Vận động viên đẳng cấp đại kiện tướng, đặc cấp đại sư: Từ Hoàng Thông, Nguyễn Thị Thanh An (cờ vua) – Trềnh A Sáng, Lê Thị Hương (cờ tướng).
  • Vận động viên đẳng cấp kiện tướng quốc tế, kiện tướng FIDE, quốc tế đại sư: Môn cờ vua: (IM) Lê Kiều Thiên Kim, Phạm Minh Hoàng, Mai Thanh Hương; (FM) Lê Quang Liêm, Phạm Chương – Môn cờ tướng: (IM) Mai Thanh Minh, Diệp Khai Nguyên, Trương A Minh, Mong Nhi, Hoàng Hải Bình, Lê Thiên Vị.
  • 20 VĐV cờ vua có hệ số ElO quốc tế/ 85 VĐV Việt Nam.
Cùng đội tuyển Việt Nam chiến thắng tại SeaGame 22 môn cờ vua

Nhìn lại trong 30 năm qua, có thể thấy rằng sự phát triển của môn cờ đãể hiện tính tất yếu của một thành phố đông dân, năng động và sáng tạo, một nét đặc trưng riêng của thành phố Hồ Chí Minh. Các môn cờ là những môn thể thao phù hợp với thể chất của người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tư duy, sáng tạo nên được đông đảo thanh thiếu niên hâm mộ, tham gia học tập và thi đấu, từ đó vươn lên giành được thành tích tốt và các vị trí cao của khu vực.Để đạt được những thành quả trên phải kể đến sự cống hiến công sức của hàng ngàn cán bộ, huấn luyện viên và vận động viên, sự hỗ trợ của các vị Mạnh Thường Quân, của những người hâm mộ đến với môn cờ vì một mục đích chung. Bước đầu như vậy đã là thực hiện được một phần của công tác xã hội hóa, tuy nhiên phần lớn các hoạt động hiện nay vẫn còn mang tính nghiệp dư, kinh phí còn nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, VĐV chưa thật sự coi cờ là một nghề có thể kiếm sống nghiêm túc do đó mục tiêu phát triển của môn cờ vẫn còn nhiều thách thức. Để có thể tiên phong trong mọi lĩnh vực, góp phần vào việc phát triển và nâng cao vị thế của thể thao thành phố Hồ Chí Minh, làng cờ thành phố cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trên bước đường sắp tới.

 

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc