Skip to main content

Olympic Mỹ với vai trò quan trọng của thể thao học đường (08/31/2022)

Đăng ngày 31/08/2022 bởi Administrator
Với trên 75% thành viên trong đội tuyển Mỹ tham dự Olympic Tokyo 2020, thể thao học đường Mỹ luôn có những đóng góp cực kỳ quan trọng vào thành tích chung của Đoàn vận động viên Mỹ trong các kỳ thế vận hội từ trước đến nay. 
VĐV Caeleb Remel Dressel trên bục nhận huy chương tại Tokyo 2020. Ảnh: Internet
VĐV Caeleb Remel Dressel trên bục nhận huy chương tại Tokyo 2020. Ảnh: Internet
NCAA và thể thao học đường 
NCAA là tên viết tắt từ tiếng Anh của Hiệp hội Vận động viên Học đường Quốc gia Mỹ (National Collegiate Athletic Association – NCAA). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các vận động viên (VĐV) là sinh viên của 1.268 đại học, cao đẳng, trường phổ thông trên toàn Bắc Mỹ, kể cả Mỹ và Canada, nhưng chủ yếu là tại Mỹ. Chính NCAA là đơn vị tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao học đường lớn trên toàn nước Mỹ trong rất nhiều bộ môn với khoảng 480 nghìn vận động viên là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên nước Mỹ tham gia hằng năm. Trụ sở chính của NCAA hiện nay được đặt tại thành phố Indianapolis tiểu bang Indiana, Mỹ.
Lịch sử của NCAA được đánh dấu từ năm 1852 tại Mỹ, khi 2 đoàn VĐV sinh viên của Đại học Harvard và Đại học Yale gặp nhau để tranh tài chèo thuyền. Những năm đó chèo thuyền vừa là thú vui vừa là một bộ môn thể thao rất phổ thông ở Mỹ. Rất nhiều đại học khác tại Mỹ sau đó cũng tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, trong đó có chèo thuyền. Đây là cơ sở để Hiệp hội chèo thuyền các trường đại học, cao đẳng trên đất Mỹ hình thành rồi dần tiếp nhận thêm các bộ môn khác vào các cuộc tranh tài học đường, đặc biệt là 2 môn bóng đá (kiểu Mỹ) và bóng rổ.
Đầu thế kỷ 20, đã có 2 cuộc gặp tại Nhà Trắng của những người đứng đầu Hiệp hội cùng Tổng thống Mỹ lúc đó là Theodore Roosevelt, nhằm dàn xếp những bất đồng nảy sinh trong nội bộ Hiệp hội và đưa ra các phương thức mới cho hoạt động của tổ chức này. Năm 1905, Đại học New York đã tổ chức một cuộc gặp 13 trường đại học và cao đẳng trong nước Mỹ để đề xuất thay đổi luật thi đấu trong môn bóng đá và ngay trong năm này đã có 62 trường đại học, cao đẳng trong nước Mỹ gia nhập vào Hiệp hội. Đến năm 1910, Hiệp hội này chính thức mang tên NCAA như hiện nay.
Cho đến nay, dù trải qua những bước thăng trầm nhưng NCAA ngày càng lớn mạnh và giữ một vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống thể thao học đường lẫn ngoài xã hội của nước Mỹ và cả vùng Bắc Mỹ. Nói một cách chính xác, NCAA là động lực chính để thể thao Mỹ thành công tại các kỳ thế vận hội hiện đại cho đến nay, từ Thế vận hội mùa hè đến Thế vận hội mùa đông lẫn Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Một minh chứng rõ nhất cho thành công này chính là ngay lần đầu tiên tổ chức Thế vận hội hiện đại năm 1896 tại Athens, Hy Lạp, đoàn VĐV Mỹ lúc đó chỉ có 14 thành viên tranh tài (Thế vận hội lúc đó chỉ có nam thi đấu), chủ yếu là sinh viên của Đại học Hardvard và Đại học Princeton trong vùng Đông Bắc nước Mỹ, đã giành được 20 huy chương, trong đó có đến 11 huy chương vàng, dẫn đầu bảng tổng sắp trong 11 đoàn, vượt qua cả chủ nhà Hy Lạp (vốn giành đến 46 huy chương nhưng chỉ có 10 huy chương vàng).
Vậy thì NCAA đã làm gì để tạo nên một nền thể thao học đường hùng mạnh như thế tại Mỹ? Đơn giản là hầu như tất cả các đại học, cao đẳng lớn tại Mỹ đều là thành viên của Hiệp hội này. Các trường học đua nhau khuyến khích học sinh – sinh viên của mình tham gia vào các hoạt động thể thao. Ngay từ bậc trung học, học sinh từ 12-13 tuổi đã được trường đánh giá cao nếu có khả năng về thể thao. Lên bậc cao đẳng hay đại học, hầu hết các trường đều có quỹ học bổng rất ưu đãi dành cho sinh viên có năng khiếu thể thao. Các trường học tạo điều kiện mọi thứ, từ miễn phí học phí, tặng học bổng, cấp huấn luyện viên, dành các cơ sở thể thao tốt nhất cho sinh viên tập luyện.
Cũng cần biết rằng hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đều có cơ sở sân bãi dành cho các hoạt động thể dục thể thao học đường. Những đại học lớn nổi tiếng đều có tổ hợp thể thao cực kỳ hiện đại để thu hút các VĐV có tài năng thể thao đến học; mời huấn luyện viên nổi tiếng về phụ trách huấn luyện đội tuyển trường trong các bộ môn để tranh tài hằng năm, có một đội ngũ bác sỹ chăm sóc cho sinh viên trong trường hợp tập luyện, thi đấu bị chấn thương; có bác sỹ tâm lý để tư vấn. Những sinh viên có thành tích thể thao này khi ra đời cũng được xã hội trọng vọng, yêu mến, có thể theo đường chuyên nghiệp hoặc tìm việc tại những công ty lớn với mức lương và đãi ngộ cao.
Về phía NCAA, tuy là một tổ chức “phi lợi nhuận” nhưng lợi nhuận đổ vào đó hằng năm rất lớn. Trên nền tảng của một xã hội Mỹ yêu thể thao, thích hoạt động, thích vận động ngoài trời, yêu thích một nền giáo dục cân bằng giữa học tập tiếp thu kiến thức và phát triển thể chất toàn diện cho con người, hằng năm Hiệp hội này tổ chức rất nhiều cuộc tranh tài cho các trường đại học, cao đẳng trong nước với nhiều môn thể thao học đường, từ điền kinh, bơi, chèo thuyền, vật, cử tạ, thể dục dụng cụ… cho cả nam và nữ.
Nổi bật nhất của Hiệp hội là giải bóng đá kiểu Mỹ và giải bóng rổ, được phân hạng cho các đội dự giải với doanh thu rất lớn hằng năm từ nguồn bán vé vào cửa, tiền tài trợ, tiền bán bản quyền truyền hình… Như năm 2014, NCAA cho biết doanh thu của họ cả tỷ USD, trong đó có trên 700 triệu USD từ tiền bản quyền truyền hình. Số tiền này sẽ được Hiệp hội chi vào các hoạt động như tiền di chuyển, ăn ở cho VĐV các đội trường khi tham dự tranh tài; cấp học bổng cho sinh viên… Hiệp hội khi cần sẽ đề cử những thành viên ưu tú của mình vào đội tuyển quốc gia để tranh tài trong các kỳ thi quốc tế và tại thế vận hội.
Những thành viên ưu tú từ học đường 
Cần biết rằng cho đến nay, Mỹ không có cơ quan phụ trách thể thao chính phủ (kiểu như Bộ Thể thao hay cơ quan tương đương như ở nhiều nước trên thế giới hiện nay). Chính vì vậy, ngay cả Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ (United States Olympic & Paralympic Committee – USOPC) cũng không nhận được sự giúp đỡ tài chính từ nhà nước trung ương lẫn địa phương mà chủ yếu từ sự đóng góp tài chính của các thành viên.
Theo USOPC, Đoàn VĐV Mỹ năm nay tham dự thế vận hội tổng cộng có 613 người (329 nữ, 284 nam) đến từ 46 tiểu bang và quận Washsington DC, thi đấu trong 44 môn thể thao. Nhiều nhất trong số VĐV này đến từ California với 126 người; Florida với 51 người, Colorado với 34 người, Texas với 31 người. Trẻ nhất trong số này là VĐV Katie Grimes chỉ với 15 tuổi, thi đấu trong môn bơi.
Trong lịch sử tham dự thế vận hội của Mỹ, đây là lần thứ hai quốc gia này cử một đoàn VĐV đông như thế để tranh tài. Năm 1996, với tư cách là chủ nhà tại Thế vận hội mùa hè Atlanta – Geogia, Mỹ đã cử 1 đoàn VĐV hùng hậu với 648 VĐV. Điều đáng chú ý, cũng như tất cả các thế vận hội trước đây, tất cả 613 VĐV tham dự Thế vận hội Tokyo 2020 đều được đề cử bởi các liên đoàn thể thao trong nước. Trong 613 VĐV này, hiện có 463 đang học hoặc đã tốt nghiệp tại 169 trường đại học, cao đẳng (lẫn trung học) trong nước, một con số cực kỳ ấn tượng.
Điển hình như VĐV Caeleb Remel Dressel (sinh 1996), thành viên của đoàn Olympic Mỹ tại Tokyo 2020, người vừa giành 5 huy chương vàng trong môn bơi, vốn là một sinh viên đã tốt nghiệp của Đại học Florida, Mỹ. Được coi là người kế tục sự nghiệp của tay bơi huyền thoại Mỹ Michael Phelps, Caeleb Remal Dressel đã nổi tiếng từ trên ghế trường trung học, năm 2014 anh nhập học tại Đại học Florida và tốt nghiệp năm 2018. Trong suốt quãng đời sinh viên đó, anh đã liên tục mang vinh quang về cho trường đại học này trên các đường bơi trong mọi cấp độ, từ giải trong nước, giải vô địch thế giới cho đến thế vận hội. Năm 2016, tại Thế vận hội Rio, Brazil, anh giành được 2 huy chương vàng trong nội dung 400 mét tự do và hỗn hợp, còn lần này là 5 tấm huy chương vàng trong đó 3 cá nhân và 2 đồng đội tiếp sức. Năm nay 24 tuổi, Dressel sẽ còn nhiều khả năng để đóng góp cho thể thao Hoa Kỳ.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc