Skip to main content

Nhà văn-Liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý (02/22/2015)

Đăng ngày 22/02/2015 bởi Administrator

Nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý  sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại Hà Nội. Quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chị sinh ra trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp. Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân chị, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Bác ruột chị, ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn. Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn trước cụ Dương Trọng Phổ ít ngày.  Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của chị là các hoạ sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.

    Có năng khiếu và say mê văn chương, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã thích ghi nhật ký từ 7 tuổi, khi đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc. Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương, rồi ra Quảng Ninh học trường trung cấp mỏ, sau đó về học khoá báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Tốt nghiệp khoá học, chị về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ và xông xáo, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai con đến tháng thứ sáu, chị vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965. Cùng năm ấy, chị viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4 năm 1968, chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, khi con gái mới 16 tháng tuổi, và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có mặt ở chiến trường từ một năm trước đó.

      Đêm 8 tháng 3 năm 1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.

      Ngã xuống giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời tác phẩm “Hoa rừng” (gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời gian ngắn ngủi ở miền Nam) cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn – chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.

      Năm 1983, nhà văn Nguyên Ngọc viết về Dương Thị Xuân Quý:“Thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng”.

      Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ
(1941 -1969)

 TIỂU SỬ:
  • Sinh ngày 19/04/1941 tại Hà nội. Xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước; bố là cụ Dương Tụ Qúan, nhà giáo và nhà biên sọan sách nghiên cứu văn học cổ Việt nam.

  • Tuổi thơ trải qua trong vùng căn cứ kháng chiến Thái nguyên. Năm 1954, về Hà nội.

  • Sau khi tốt nghiệp cấp II, vào học trường trung cấp mỏ Qủang ninh và bắt đầu viết bài trên tạp chí Văn nghệ vùng mỏ.

  • Năm 1961-1968, là phóng viên báo Phụ nữ Việt nam, tốt nghiệp trường báo chí.

  • Ðế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, chị đã sớm có mặt tại tuyến lửa khu IV. Tháng 04/1968, đi chiến trường miền Nam, là phóng viên tạp chí Văn nghệ giải phóng (Trung trung bộ).

  • Chị hy sinh ngày 08/03/1969 tại Qủang nam- Ðà nẵng.

  • Người phụ nữ mới là hình ảnh nổi bật trong sáng tác của Xuân Qúy.Ðây là một cây bút nữ khá tinh tế, nghiêng về ca ngợi những vẻ đẹp tâm hồn của con người cho dù chị chưa thực hiện trọn vẹn hòai bão sáng tác của mình.


 TÁC PHẨM CHÍNH:
  • “Về làng” (truyện ngắn đầu tay-1960)
  • “Chỗ đứng” (tập truyện ngắn-1968)
  • “Hoa rừng” (tập truyện ngắn, bút ký-1970)
  • “Hoa rừng” (tập hợp truyện ngắn, bút ký, nhật ký, thư từ-1979)…

 NHẬN ĐỊNH:
 

Người phụ nữ mảnh mai mà mạnh mẽ

   Năm 1969, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh khi tài năng đang độ chín. Bạn bè, đồng chí của chị cùng vào chiến trường năm xưa vẫn còn nhớ những hình ảnh xúc động về người phụ nữ mảnh mai mà luôn xông pha nơi khó khăn, gian khổ.

    Khi tôi vào tới chiến trường Khu 5 thì chị Dương Thị Xuân Quý (Dương Thị Minh Hương) đã hy sinh. Nhưng tôi cứ nghĩ chị vẫn còn đâu đấy. Chị đang sửa gùi, bỏ võng, nylon và mọi thứ vào trong đó để ngày mai đi cõng gạo còn mình thì nằm chèo queo ngay trên cái sạp nứa.

   – Sao chị không treo võng mà ngủ, muỗi nó cắn cho thì sốt nữa đấy – Cậu Thông, quản lý cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 hỏi.

   Chị Quý cười:

   – Mình có tính lề mề lắm, đi lại chậm chạp lắm, mình phải chuẩn bị trước để sáng mai anh em hô lên là mình đứng dậy đi liền.

   Trên đường đi, khi mọi người dừng lại nghỉ, chị vẫn lùi lũi gùi gạo đi. Chị sợ mình nghỉ lại, lúc mọi người cùng đi chị sẽ bị tụt hậu xa quá. Có lần chị không theo kịp anh em nên phải ngủ rừng một mình. Một hôm ở Bến Giằng, trong khi chờ đò để qua sông, nước lũ ào ào kéo đến, chị phải leo lên một cây khế dại ngồi giữa đêm mưa to gió lớn, rét như cắt.

   Tôi như nghe chị Quý nói với em Tam, cấp dưỡng cơ quan:

   – Này em, chị thấy em mồ côi cha mẹ sớm, phải đi ở thuê, không được đi học, chị thương em lắm. Chị đã gửi các anh mua vở, bút, mực cho em đây này. Bắt đầu từ đêm nay, rửa nồi chảo xong là em lên đây, chị dạy cho em học…

   Tam bây giờ đã đọc thông viết thạo, em mới gửi thư cho thằng em làm du kích ở quê. Thư mở đầu rằng: “Em à, chị nhờ có chị Quý, nhà báo, nhà văn ở cơ quan dạy cho chị biết chữ, hôm nay mới viết thư cho em. Thế mà các anh, các chú bảo chị Quý hy sinh rồi… Chị thương quá, mấy hôm nay, đêm nào chị cũng nằm khóc mãi. Người tốt như chị Quý sao lại chết…?”.

   Tôi nhớ ngày tôi mới vào chiến trường, ở tạm Ban Tuyên huấn Khu ít ngày, khi tiễn tôi về Hội văn nghệ, một đồng chí phụ trách sản xuất, có lẽ chưa từng sống với chị Quý một ngày nào, bỗng nói với tôi:

   – Thôi em đi, cố gắng viết cho sắc và sống cho tốt như chị Quý nhé…

   Dương Thị Xuân Quý (1941 – 1969) đã sống một cuộc đời sôi nổi của một nhà báo, một nhà văn cách mạng: chị làm bất cứ việc gì, đi bất cứ đâu, sống bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng thoải mái, cũng hào hứng. Chị không thuộc loại những cô gái thích quẩn quanh trong bốn bức tường của cuộc sống gia đình chật hẹp, yên vui và đầy đủ tiện nghi. Chị như một con chim luôn thích phóng mình trong khoảng trời cao rộng, nhưng không phải những khoảng trời bình yên. Chị luôn tìm chỗ đứng ở nơi khó khăn gian khổ.

   Từ một cô gái nhỏ nhắn, có phần yếu sức khỏe, sinh ra trong một gia đình trí thức – cha là Dương Tự Quán, một chủ nhiệm có tiếng của một tờ báo Hà Nội, bác ruột là Dương Quảng Hàm, một nhà văn học sử nổi tiếng – có năng khiếu về văn học, nhưng khi tốt nghiệp phổ thông xong, chị không vào đại học văn như nhiều bạn bè mà đi học trung cấp địa chất để có dịp tung hoành khắp đất nước. Sau khi ra trường, chị làm ở báo Vùng mỏ (Quảng Ninh). Do những bài viết xuất sắc của chị ở báo Vùng mỏ, chị được báo Phụ nữ Việt Nam xin về làm phóng viên, biên tập. Chị ít chịu ngồi yên ở tòa soạn. Chị xông xáo đi về các địa phương tìm đến những nơi tiên tiến, những nhân vật điển hình để viết về họ. Chị thử sức ở cả hai sở trường là làm báo và viết văn, mà mặt nào cũng được chị chú trọng. Những bài báo của chị được lãnh đạo ban biên tập vừa lòng, không có sự phàn nàn như một số nhà văn khi làm báo thì “lo viết truyện mà không lo viết báo”. Chị ham và viết về nông thôn. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên: Sa mạc tuổi thơ (1963), Mía (1963), Về làng (1964), Ðảm đang (1964), chị đã thể hiện mình theo hướng đó và càng ngày càng khẳng định mình hơn. Chị đã chọn cho mình một con đường rộng lớn, bởi trong nền văn học nước ta cho đến nay đề tài nông thôn, nông nghiệp vẫn là đề tài phong phú, hấp dẫn các nhà văn, nhà báo. Những truyện ngắn chị đã viết cũng đã phản ánh phần nào cuộc sống nông thôn miền bắc trong những năm 60. Ðó là việc cải tạo đất đai (trong Sa mạc tuổi thơ và Ðất cằn), phong trào đi khai hoang xây dựng quê hương mới (Mía) và những công việc làm ăn của hợp tác xã như chống úng, ươm bèo (Chuyện cô Duyên, Về làng).

   Dù viết về vấn đề gì, nhân vật chính trong tác phẩm của chị vẫn là người phụ nữ mới, với cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho bản thân. Chị đã thấy được đằng sau cái vỏ ngoài bình đẳng là sự bất bình đẳng sâu xa giữa người phụ nữ và nam giới ở nông thôn. Nó được biểu hiện một cách tinh vi, dưới những dáng vẻ thanh cao, đẹp đẽ. Khi thì như một sự cảm thông rất anh em, bè bạn (Chỗ đứng), khi như sự lo thay lo hộ (Ðảm đang), khi như một sự chiếu cố rất đồng chí, đồng tình (Ðứng vững). Những hình thức giả tạo đó không che nổi mắt người phụ nữ. Chị em hiểu ra rằng, chỉ có tự mình đứng ra đấu tranh thì mới thật sự giành quyền bình đẳng.

   Nét riêng của Dương Thị Xuân Quý là ở chỗ chị luôn tìm những gì tốt đẹp, những con người mới, những việc làm mới. Ðiều ấy càng thể hiện rõ hơn khi đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc: Ngòi bút của chị hướng nhiều về những người đang chiến đấu, bởi chỉ trong chiến đấu, con người mới dễ có điều kiện thể hiện đầy đủ nhất những phẩm chất tốt đẹp của mình. Chị lên đường đi vào tuyến lửa Khu bốn. Sống hòa mình vào cuộc chiến đấu và sản xuất ở đây, chị đã viết tập ký Nữ quân Trần Phú, truyện ngắn Ðêm yên tĩnh và khi về tòa soạn lại viết tiếp truyện Sau chuyến đi xa. Cả ba tác phẩm này đều phản ánh nếp sinh hoạt mới của Miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu – nổi bật lên thái độ bình tĩnh, đàng hoàng của nhân dân, sẵn sàng chiến đấu lâu dài với giặc Mỹ.

   Nhưng cuộc sống trong những năm chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc, vẫn chưa thỏa mãn sự khát khao phản ánh phẩm chất anh hùng và những nét đẹp của con người Việt Nam của chị. Chị xin đi vào Miền Nam – chiến trường lớn của đất nước – khi con chị mới 16 tháng tuổi. Chị đã gửi con về cho mẹ mình nuôi, và xa con, xa mãi chẳng bao giờ trở lại…

   Vốn say mê những việc làm mới, những con người tốt đẹp, ngay trên đường hành quân vất vả, nhiều khi chỉ mong đến trạm để ngã vật xuống nghỉ, nhưng người phụ nữ gầy yếu mà có nghị lực mạnh mẽ này vẫn khao khát quan sát và nung nấu suy nghĩ trước những sự việc, những con người mình gặp để khi vào đến chiến trường là ngồi viết. Ðó là truyện Hoa rừng và Niềm vui thầm lặng. Dương Thị Xuân Quý đã dựng lên hình ảnh các chiến sĩ ở một trạm đường dây, suốt ngày gùi cõng, đưa bộ đội, cán bộ hành quân, đêm về lại tổ chức văn nghệ để động viên những người ra trận.

   Tại cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, bên cạnh những công việc thường nhật như gùi cõng, sản xuất, làm nhà, Dương Thị Xuân Quý vẫn suy nghĩ đề ra một kế hoạch sáng tác những truyện và ký mà chị ấp ủ. Ðêm đêm, bên ngọn đèn chai được ủ trong thùng dầu xà lách, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ánh sáng chiếu ra, chị ngồi suy nghĩ đề cương, ý tứ cho cái ký ở căn cứ và hai truyện ngắn Mầm xanh và Má Huệ. Nhưng chị chưa viết vội. Chị muốn mình trực tiếp về đồng bằng Quảng Ðà – vùng đất vô cùng ác liệt của Khu 5 – để sống với bà con, tìm hiểu thêm cuộc chiến đấu ở đây đã. Những năm sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Quảng Ðà lại càng căng thẳng và ác liệt. Ðịch điên cuồng khủng bố, chúng càn quét liên miên hòng đánh bật dân khỏi đất sống để tạo nên những vùng trắng. Bà con bám trụ phải sống trong hầm và mọi hoạt động đều chuyển vào ban đêm. Cái chết ở cạnh bên họ. Vậy mà Dương Thị Xuân Quý đã về sống với bà con, phấn khởi đi và viết. Bàn chân chị đã đi qua những lối sát đồn Kiểm Lâm, len lỏi cạnh đồn Bà Rén, dẫm lên cát bỏng của miền đông Duy Xuyên lô nhô bót giặc. Trong thời gian đó, chị đã vừa đi vừa hoàn thành hai cái ký và một truyện ngắn. Nhưng điều quan trọng nhất để nói về chị chính là con người chị – Dương Thị Xuân Quý. Một cán bộ phụ trách Ban Tuyên huấn Duy Xuyên (Quảng Ðà) kể lại:

   – Ngay trước đêm bị địch càn, chị Quý còn ngồi làm việc tới hơn mười một giờ khuya. Chị bảo chị cố gắng hoàn thành cái bút ký về xã Xuyên Hòa, xã Anh hùng nổi tiếng ở Quảng Ðà.

   Nhưng chị đã ngã xuống không kịp hoàn chỉnh cái bút ký ấy. Chị hy sinh tại vùng cát Xuyên Tân ngày 8-3-1969.

THANH QUẾ


 HỒI ỨC:

        Dương Thị Xuân Quý đến chiến trường vào đúng cái thời thật gay go, đen tối: sau Xuân Mậu Thân. Tôi chỉ gặp chị một lần, hôm họp anh em viết văn ở căn cứ Quảng Ðà. Chúng tôi họp, bom B52 nổ rền đâu đó sườn núi bên kia. Quý đến muộn một chút. Chị vừa bị sốt rét rừng, gượng dậy mà đi. Thật tình hôm ấy tôi mong chờ chị đến. Ðã nghe tên, quý mến, mà chưa được gặp người. Một cô gái bước vào. Tôi biết ngay là Quý, không rõ vì sao. Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không quá đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đấy. Ðôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh. Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt anh là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn trở được. Suốt buổi họp, Quý không nói một câu nào. Chị chỉ lắng nghe, đôi mắt thông minh quan sát, nhận xét, suy nghĩ. Chị tự cho mình là người mới đến chiến trường, chưa có kinh nghiệm gì chưa từng trải, phải học hỏi nhiều. Tôi hỏi:

   – Quý bớt sốt chưa?

   – Ðỡ anh ạ.

   – Cháu thế nào?

   – Em chưa được tin.

   Quý có một nỗi đau, mà tất cả chúng tôi kính trọng. Hai anh chị đi chiến trường, gửi đứa con duy nhất tại Hà Nội.

   Dương Hương Ly có câu thơ:

   “… Và em gọi đó là hạnh phúc!”.

   Chúng tôi đều hiểu ở đây, chiến trường cái gì chúng tôi khó một thì Quý khó gấp mười. Giọt máu của chị, một nửa cuộc đời chị, người mẹ, bây giờ thăm thẳm cách xa, một dải Trường Sơn đằng đẵng.

   Và chị bảo đó Hạnh Phúc.

   Lúc này, vì mới vào, vả lại còn yếu, Quý chưa được xuống đồng bằng. Chị vui vẻ lẳng lặng nhận nhiệm vụ “trông nhà” cho anh em đi hoạt động – nghĩa là giữ cơ quan.

   Mà thế nào là “trông nhà” những ngày ấy, các bạn có hình dung được không? Lúc này bọn Mỹ càn phá hết sức ác liệt. B52 ngày nào cũng đánh bom vùng căn cứ. Bọn lữ đoàn 101 Mỹ sục sạo khắp các vùng núi, hang cùng ngõ hẻm. Ðể bảo tồn lực lượng, ngay trên núi, chúng tôi tránh ở tập trung, phân tán cơ quan thành từng bộ phận nhỏ, thường chỉ năm ba người, đóng rải rác ra mỗi bộ phận một cụm núi cách nhau có khi nửa ngày, một ngày đường, thường gần một con suối rất nhỏ, tốt hơn cả là suối nhỏ đến nỗi không có ghi trên bản đồ quân sự chi tiết nhất. “Cơ quan” là một căn lều cất trong rừng, cách đó không xa là khu rẫy, nơi chúng tôi tỉa lúa trồng ngô, kiếm cái ăn, giải quyết cái nhiệm vụ mấy năm trước đồng chí Tư lệnh quân khu đã nói: “Phải tồn tại đã”.

   Mỗi cơ quan có năm, ba người đi hoạt động đồng bằng, thường thì chỉ một người “trông nhà”; tôi đã sống những ngày như vậy, tôi biết, một mình thui thủi trong một khu rừng, một cụm núi, hằng tháng trời không thấy bóng, không nghe tiếng nói, bước chân con người, tự nấu lấy mà ăn, sốt rét nằm vùi một mình, tỉnh dậy cầm cái rựa, cái niết ra rẫy chặt cây xới cỏ đêm phải ngủ ngay chòi rẫy để đuổi khỉ rừng ra phá lúa, phá dưa (mà cái bọn khỉ mới láu lỉnh ghê gớm, biết mình chỉ có một người, nhất là con gái, chúng quay lại bắt nạt)… Thế đấy, “giữ nhà!”. Hằng tháng, hai tháng, ba tháng Quý đã nhận cái công việc hậu cần ấy ngay từ buổi đầu mới vào miền nam. Cô gái Hà Nội, mấy tháng trước đây còn nhí nhảnh ở phố Hàng Bông! Tôi có nhận xét: sức chịu đựng, khả năng thích ứng của phụ nữ bao giờ cũng lớn hơn bọn đàn ông chúng ta. Thỉnh thoảng Quý lại ra đi một chuyến, kiếm cái ăn dự trữ cho anh em nay mai về họp hành, sơ kết, tổng kết, chị vào rừng hái trái xoay, sốt rét thế mà cũng một gùi oằn vai, đi ba ngày núi, xuống vùng bán sơn địa Tí, Sé đổi  gạo cõng về. Gạo đổ vào kho, để dành. Còn mình thì ăn rau rừng…

   Hôm gặp tôi, Quý đưa cho tôi một cái truyện ngắn:

   – Anh đọc hộ, em mới viết xong.

   Ðó chính là truyện ngắn Hoa rừng. Quý viết trong những ngày “giữ nhà” một mình, chắc là vừa đuổi khỉ vừa viết.

   Cho tôi nói điều này: thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng.

   Ðược đi đồng bằng chuyến đầu, chị lao xuống vùng sâu, rất sâu. Quả thật lần đó bàn chuyện chuyến đi của Quý, tôi rất ngại. Dầu sao chị chưa quen chiến trường. Kinh nghiệm cho tôi biết những anh em mới vào chiến trường thường dễ hy sinh, và thường hy sinh ngay trên đường đi khi chưa kịp đến điểm công tác. Trên đường đi, anh bị ba cái bất lợi lớn: một là chưa hiểu quy luật hoạt động của thằng địch tại chỗ, hai là chưa thuộc địa hình, có bất trắc dễ chạy bậy, ba là cũng chưa quen dân, chưa hiểu nên nương tựa vào đâu lúc cần. Ðáng lý ra Quý chưa nên đi quá sâu như vậy… Nhưng chẳng ai ngăn nổi Quý. Chị đâm sâu xuống tận vùng biển Bình Triều, Bình Dương, rồi vượt qua vùng Hội An sông nước mênh mông, để ra vùng đông Duy Xuyên. Ðây là địa bàn của bọn Nam Triều Tiên. Quý đến Xuyên Tân thì gặp càn. Chị ở hầm bí mật. Với Nam Triều Tiên, có một kinh nghiệm: chúng nó càn rất lì, rất dai. Chúng có thể nằm im, mai phục một chỗ, tuyệt không động tĩnh, một tuần, hai tuần. Quý nằm hầm một ngày, một đêm, hai ngày, hai đêm, rồi ngày thứ ba. Ðêm thứ ba, thấy yên tĩnh quá, đã khuya, chị ngoi lên. Một loạt đạn Nam Triều Tiên quật ngã chị ngay trên miệng hầm.

   Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy anh em chúng tôi, đồng nghiệp đồng chí của chị, đều ở xa. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi:

   – Con!…

NGUYÊN NGỌC


 TRÍCH TÁC PHẨM:

Truyện ngắn

HOA RỪNG

   Ðường lên dốc, trơn và lầy. Người nọ đi tiếp sau người kia. Ðoàn quân nổi thành vệt dài từ thung lũng tới đỉnh cao như một sợi dây kéo thẳng đứng. Họ nhích từng bước, nhìn lên, chỉ thấy những chiếc ba lô lù lù, nối nhau trên những cái lưng cong. Nhìn xuống là những chiếc mũ tai bèo lúp xúp trên những mái đầu đang cắm về phía trước. Những gương mặt đỏ bừng. Có lệnh truyền khẩu:

   – Vận động! Vượt bãi bom.

   Ðoàn quân đột ngột chuyển mạnh. Những quãng rừng đỏ vì bom B52. Những quãng rừng xám, trụi lá trơ cành vì chất độc hóa học. Những quãng rừng đen, cây cháy thành than nhấp nhô chọc lên nền trời đầy mây. Tất cả, tất cả lướt qua rất nhanh. Từng gương mặt lại ướt đẫm mồ hôi. Bên cạnh chiếc ba lô cóc phía sau lưng là súng trường, tiểu liên, trung liên vác vai, là hai bao gạo dài ngoằng quàng sau ba lô thõng xuống, cứ mỗi bước đi lại quật vào khoeo, là những gói mìn và những túi đạn đeo bên sườn lóc xóc theo nhịp chân.

   Ðoàn trưởng Thăng nhìn đồng hồ luôn. Chốc chốc anh lại đưa mắt tìm cái bóng dáng nhỏ nhắn của cô giao liên Phước đang thoăn thoắt bước trên đầu hàng quân. Không có dấu hiệu gì. Cô ta vẫn đi. Mái tóc vấn trần vắt vẻo chòm đuôi gà khe khẽ chạm vào cổ theo nhịp vai rung rung. Chiếc gùi đầy căng công văn, tài liệu, thư từ, đeo sau lưng cô thỉnh thoảng lại nẩy lên khi cô gái nhún người vượt qua những lạch nước, những khe đá và  những đám rễ cây ngoằn ngoèo.

   Nhiều tiếng xôn xao trong hàng quân:

   – Cho nghỉ thôi!

   – Ðường hành quân của chúng tôi còn dài, đồng chí giao liên ơi!

   Những cặp mắt ngó về phía trước chờ đợi. Vẫn không có gì thay đổi. Nghĩa là cứ đi. Hết dốc đứng lại đến dốc lài lài. Cái dốc cứ ám ảnh dai dẳng tầm mắt và bước chân hết sức khó chịu. Bước nữa bước hoài, ngẩng lên vẫn thấy con đường chọc trời. Ðoàn trưởng Thăng nhíu đôi lông mày đen và rậm, rồi lắc đầu lẩm bẩm:

   – Quái, sao cứ đi miết thế này? Ðành rằng trạm quy định tốc độ hành quân và mọi chặng nghỉ của đơn vị là do giao liên điều khiển, nhưng giao liên phải thông cảm với anh em thế nào chứ? Hàng nặng đường dài mà cô ấy cứ đi vùn vụt, ai chịu cho thấu?

   Anh ném chiếc gậy xuống vực, rồi bước nhanh tới sau Phước.

   – Ðề nghị đồng chí giao liên cho nghỉ ít phút đã. Phước quay lại, rất thong thả, cô dịu dàng nói:

   – Báo cáo thủ trưởng, đoạn đường này không an toàn, địch hay ném bom bắn pháo lắm. Vì vậy đơn vị nào qua đây cũng phải đi gấp. Các chỗ nghỉ đều quy định trước, giao liên không có quyền cho nghỉ tự do.

   – Vẫn biết vậy – Ðoàn trưởng Thăng hơi sẵng giọng – Nhưng anh em mệt quá, đồng chí phải linh động một chút chứ. Chúng tôi hành quân còn dài…

   – Dạ, không được.

   Phước vẫn giữ nguyên nét mặt bình thản. Cô nín thinh và đôi chân lại nhịp nhàng bước đi.

*

   Im lặng. Nghe rõ từng hơi thở phì phò của các chiến sĩ. Ðoàn trưởng Thăng bậm môi. Cố nhoài người leo dốc. Rồi anh lại gắng bíu lấy từng cái rễ cây mà tụt dần xuống núi. Khó đi như đoạn đường này quả là hiếm. Ðám lính trẻ vốn hay tếu, hôm nay mà im lặng như vậy, thật không phải chuyện thường.

   Một con suối lớn hiện ra. Từng tảng đá to nhỏ đủ hình đủ cỡ chen chúc nhau giữa dòng nước trong veo. Nhiều hòn bằng phẳng vuông vắn nom đầy vẻ hấp dẫn. Ðoàn trưởng Thăng nhìn Phước hy vọng.

   – Nghỉ chứ cô? Cho anh em nghỉ ăn cơm trưa ở đây tiện có suối.

   – Báo cáo thủ trưởng, chỗ này chưa an toàn. Ði chút nữa sẽ ăn cơm.

   Giọng Phước nhỏ nhẹ chìm lẫn trong tiếng suối ào ào.

   Ðoàn trưởng Thăng gượng cười. Cố nén nỗi bực dọc, anh bảo Phước:

 Ở chiến trường thì có chỗ nào an toàn, cô Phước? Ðeo nặng, đường dài, đi miết không nghỉ, anh em mất sức, làm sao đi tốt được chặng đường ngày mai? Chúng tôi còn đi lâu, đi dài, đâu phải chỉ đi một đoạn đường này như cô.

   Câu nói cuối cùng của đoàn trưởng Thăng khiến lồng ngực Phước chợt đau nhói. Nhưng cô chỉ chớp chớp mắt. Hàng mi đen chuyển động rất nhanh như cố nén một cái gì đang trào lên. Phước muốn nói mà không sao nói được. Cô đành im lặng rảo bước. Ðến một khúc đường cong, đoàn trưởng Thăng đi phía sau nhìn ngang mặt Phước ngao ngán: “Gớm, mặt cứ lạnh như tiền thế kia. Có lẽ cô chẳng để vào tai những lời chúng tôi nói. Ðưa các đoàn đi miết, cô trở nên dửng dưng với sự mệt nhọc của khách hành quân rồi”.

   Mồ hôi anh vã ra. Chiếc ba lô với đủ thứ lỉnh kỉnh quanh người như muốn níu anh lại. Khẩu súng ngắn và chiếc bi đông nước đeo ngang hông cứ nhè da thịt anh và siết mạnh vào, đau ê ẩm. Hai đầu gối anh như lỏng hẳn ra. Ðôi bàn chân đau buốt. Không nén nổi nữa anh hấp tấp tới trước mặt Phước:

   – Cô Phước ơi, sớm muộn gì tối nay chúng tôi cũng phải ngủ lại trạm 14 kia mà? Sao cô…

   – Thưa thủ trưởng, em đã nói – giọng cô gái nghẹn ngào – Ðoạn đường này rất ác liệt. Sự yên tĩnh thường chỉ chốc lát, hoặc nhiều lắm là hai phần ngày. Chúng nó bay bất ngờ nhào đến thả bom trộm, thủ trưởng cứ nhìn hố bom bên đường kia thì rõ.

   – Biết rồi – Ðoàn trưởng Thăng ngắt lời Phước – Không ác liệt sao gọi là chiến trường? Mình phải bình thường hóa đi chứ. Cô cứng nhắc quá đấy.

   Nói xong những câu nặng nề ấy, Thăng biết mình quá lời. Kêu ca trước các chiến sĩ là điều chẳng nên. Nhưng cái tính anh nó vậy, lúc bực lên… Phước thì không lộ một phản ứng gì cả, sự dịu dàng của cô vẫn giữ nguyên trên nét mặt. Chỉ có đôi mắt long lanh ướt là hơi khang khác.

   Họ đi giữa một đoạn đường rừng trống trải. Cây cối đã bị bom đánh ngã, hoặc tiện đứt, chỉ còn trơ lại những gốc cây giập nát, ám đen, lởm chởm đâm lên trời. Thỉnh thoảng qua một hố bom mới, nghe bay mùi khen khét kinh tởm của thuốc bom và mùi hăng đau đớn của cây tươi bị xé tướp. Hai giờ chiều, đơn vị đến bãi trú quân của trạm. Ba lô quăng lịch bịch xuống những đám lá mục ướt sũng. Mồ hôi khiến quần áo ướt dính chặt vào người. Thở. Xuýt xoa. Gọi, trả lời. Gắt gỏng. Ðùa giỡn. Những tiếng nói chen nhau:

   – ÚI trời, hôm nay tớ phải nghĩ tới Nguyễn Văn Trỗi mới bước nổi đó.

   – Chà, lúc vận động hai giờ liền, kẽ chân mình nứt mấy miếng nó buốt thon thót. Thế mà nữ giao liên của chúng mình thì mặt vẫn tỉnh khô.

   – Phải nhận rằng cái gùi hàng của cô ấy nặng hơn cái ba lô của chúng mình nhiều.

   Bỗng nhiên, một anh lính trẻ báo một cái tin làm mọi người sửng sốt: – Ô kìa, cô Phước giao quân cho trạm trưởng xong lại quay về luôn các cậu ạ. Khiếp chưa?

   – Còn lâu. Bọn mình đi suốt từ sáu giờ sáng, hai giờ chiều mới tới. Bây giờ cô ta có theo đường tắt mà đi nữa thì nhanh mấy cũng phải tám giờ tối mới về tới trạm ngoài. Mà đêm hôm “bơ vơ thân gái giữa rừng”, đi sao nổi.

   Những cặp mắt ngạc nhiên nhìn theo cái bóng dong dỏng cao của Phước đang khuất nhanh trên đoạn đường lầy lội xuyên rừng, như vẫn chưa tin hẳn. Họ xôn xao bàn tán:

   – Sao cô ta không ở lại đây, sớm mai về nhỉ.

   – Cô ta vội chi vậy? Công việc một ngày hoàn thành rồi kia mà?

   Có người nào đấy nói nửa đùa nửa thật:

   – Chắc cô nàng lại hò hẹn với chàng trai nào ở mấy cái kho dọc đường gần đây thôi. Quay lại đấy chuyện trò một tối, sớm mai quay về, chứ về ngay có là chim trời.

   – Ðu… úng!

   – Ðúng lắm! – Không ngờ lại có nhiều lời tán đồng sôi nổi – Thảo nào …

   – Thôi, thông cảm cho cô ấy. Tuổi trẻ mà! … Ðoàn trưởng Thăng góp lời.

   Chẳng biết Phước có nghe thấy hay không mà cô vẫn hối hả bước. Trước khi khuất hẳn vào con đường ngoặt cô còn ngoảnh lại nhìn các chiến sĩ. Trên gương mặt hiền lành của cô chợt nở một nụ cười hồn hậu.

   Hoàng hôn. Bóng tối nhập nhoạng qua khe lá xuống chầm chậm. Phía núi bắt đầu mưa. Ở bãi trú quân, mọi người đã nằm gọn trên võng. Gió mỗi lúc mỗi mạnh. Rừng gào lên. Ðêm sập xuống nhanh. Tất cả đều đen kịt. Gió càng dữ. Mưa gió như muốn cuốn băng mái lều mỏng manh. Có tiếng gì như tiếng máy bay B52 vẳng lại trong mưa. Nó ầm ì, một thứ ầm ì nặng nề và gian xảo. Rồi từng loạt bom dậy lên. Bom nổ rền từng loạt ở cùng một phía. Rồi pháo. Sau đợt bom B52, pháo địch bắn dóng một kéo dài…

   Trạm trưởng khoác vải nhựa lọ mọ tới gặp ban chỉ huy đơn vị; – Các đồng chí đừng nằm gần cây to chớ nằm dưới chiều nghiêng của cây. Nhớ tỉnh táo nghe ngóng, hễ thấy “rắc rắc” là phải cảnh giác. Ðã có trường hợp giao liên đi đường rừng chết vì cây đổ rồi đó. Ðêm nay gió mạnh.

   – Nó ném bom ở đâu thế hở đồng chí? – Ðoàn trưởng Thăng hỏi to, giọng như gào lên, bởi gió rừng đang gầm thét dữ.

   – Nó ném đoạn đường các đồng chí vừa đi lúc ban ngày đó. Pháo nó cũng bắn hướng đó. Thiệt may các đồng chí. Khi sáng đi vậy mà yên. Mọi ngày nó đánh gớm lắm.

   Gần sáng, bom và pháo thưa dần. Nhưng gió vẫn rít từng cơn ào ào. Các vòm lá đảo điên vật lộn với những cơn lốc hùng hổ xoáy vào ngọn cây. Mưa vẫn mau hạt. Bầu trời xám đặc mầu chì như nặng trĩu nước. Trực ban nhìn đồng hồ: đã năm giờ rưỡi mà khu rừng còn tối sầm. Anh vuốt nước mưa trên mặt rồi huýt một hồi còi báo thức. Mọi người bật dậy.

   Có tiếng chân bước lóp ngóp trong bùn lầy, tiếng vải nhựa theo nhau loạt soạt quạt vào cây lá mỗi lúc một gần. Một đơn vị bộ binh nữa, ướt sũng, lấm láp hiện ra ở bãi trú quân, bất ngờ và khác thường. Sự xuất hiện của họ vào lúc trời vừa tảng sáng này làm mọi người chú ý ngay.

   – Ði từ hồi nào mà giờ đã tới?

   – Hành quân suốt đêm qua đấy.

   – Chu cha, cô Phước – Một chiến sĩ đứng cạnh đoàn trưởng Thăng vội kêu lên.

   – Ồ, cô Phước thiệt kìa! Nhiều chiến sĩ cùng kêu lên, như chưa tin hẳn là Phước đã lại dẫn quân tới.

   Nhưng rõ ràng trước mặt họ đó, cái vóc người dong dỏng, cái dáng đi nhanh nhẹn của Phước. Họ khó nhận ra cô một chút, bởi bộ bà ba đen ướt bó sát người như làm cô bé nhỏ hẳn lại, bởi người cô lấm lem, mái tóc cũng bê bết những bùn. Cô cầm trong tay một bó hoa rừng, những bông hoa cánh hồng nhụy đỏ lấm tấm phấn vàng tựa như thứ hoa kết bằng sáp, rất đỗi mảnh mai. Khuôn mặt đầy đặn của cô có phần hơi xẹp xuống, đôi môi vốn đỏ mọng, trở nên tím ngắt vì giá lạnh, riêng cặp mắt thì vẫn trong trẻo và long lanh sáng. Khi bắt gặp cái nhìn của những chiến sĩ mình dẫn đường hôm qua, cô khẽ mủm mỉm cười.

   – Cô Phước ơi!

   – Ðồng chí Phước!

   Sau một giây im lặng vì ngạc nhiên và xúc động, các chiến sĩ đang ngồi đợi giờ xuất phát bỗng đứng cả dậy gọi tíu tít.

   – Cô Phước, sao cô tài thế? Ði gì mà nhanh như chim bay ấy?

   – Cô ấy đúng là nhanh như chim thật, các đồng chí ạ – Người chính trị viên của đơn vị bạn mới tới đặt chiếc ba lô xuống và sôi nổi góp chuyện.

   – Chúng tôi đến trạm – Người chính trị viên tiếp, đầy vẻ thiết tha muốn càng nhiều người càng tốt cần phải được biết ngay câu chuyện này – vừa thiu thiu ngủ thì có lệnh hành quân gấp. Trạm chỉ còn một giao liên lại đang lên cơn sốt. Các đồng chí khác người thì đi gùi gạo, người thì đi cáng thương. Trạm trưởng toan dẫn chúng tôi đi, nhưng lại lo không có ai trực ở nhà. Giữa lúc đó thì đồng chí Phước của chúng ta về (anh nhấn mạnh mấy tiếng của chúng ta một cách trìu mến). Nom cô ấy như vừa chui từ dưới đất lên. Mặt mũi, quần áo chân tay lấm đầy đất. Nghe trạm trưởng hỏi: “Lại bị B52 nó đấm lưng hả Phước?”. Cô ấy chỉ cười: “Dạ em đội một mớ bom mà không lãnh trái mô hết” – “Sao không ở bên đó sáng mai hẵng về” – “Nhà vắng, em sợ có việc chi bất ngờ không ai chạy”. Thấy chúng tôi hối hả xếp ba lô chuẩn bị hành quân gấp, cô vội vàng đề nghị trạm trưởng cho cô đi dẫn đường. Trạm trưởng quyết định Phước ở nhà để anh đi, vì hàng tháng trời cô cứ đi miết và đêm nay lại vừa mới đi về, mà lúc này đã gần tám giờ tối… Nhưng cô Phước khăng khăng quả quyết rằng cô đã quen con đường đó, cô nắm được quy luật đánh phá của thằng địch, còn trạm trưởng phải ở nhà vì ngộ lỡ có thương binh đột xuất, cho nên rõ ràng người đưa chúng tôi đi chỉ có thể là cô thôi… Rồi coi như việc phân công đương nhiên là phải như vậy, cô ấy chạy xuống bếp luộc ngay một hăng-gô sắn gói đem theo. Ông trạm trưởng tự hào về cô giao liên của mình lắm. Ông ấy bảo chúng tôi: “Cô Phước mà đưa đường thì rất chi là yên tâm. Nhanh như sóc đó. Mỗi ngày ít nhất cũng đi về hai lượt trên đoạn đường ác liệt ấy mà cô cứ bình thản như không. Bom nổ bên cạnh, cười. Ngày ăn hai bữa sắn, cũng cười”. Mà quả vậy, hồi đêm gặp bom, gặp pháo, chính cô ấy chỉ huy chúng tôi đấy, linh hoạt ghê lắm, bình tĩnh ghê lắm.

   Lúc này, sau khi trả lại chiếc ba lô mà cô mang giùm cho một anh chiến sĩ đau chân, Phước tới ngồi trên một hòn đá phẳng giở gói sắn luộc và muối hầm ra ăn nhỏ nhẻ. Vừa ăn, cô vừa nhặt từng mảnh lá khô rịt vào những chỗ bị vắt cắn dưới chân. Cô hoàn toàn không biết rằng những anh lính trẻ mà cô đưa đường hôm qua đang rất hối hận và nhìn cô với con mắt cảm phục như thế nào. Họ trầm trồ:

   – Giỏi! Giỏi thiệt! Bọn mình theo cho kịp cũng mệt chứ…

   – Tay ấy mà ở đơn vị chiến đấu thì phải biết, nghe!

   – Hồi ở nhà ít ra cũng là du kích loại “Ngon”.

   – Hôm qua bọn mình nói nhiều câu tầm bậy quá.

   Ðoàn trưởng Thăng từ nãy vẫn yên lặng. Anh đang không bằng lòng mình. Ðơn vị sắp lên đường. Bao giờ mới có dịp gặp lại người con gái dũng cảm và dịu dàng kia? Thăng thong thả đi tới bên Phước. Cô ngước nhìn anh mỉm cười ngoan ngoãn như một đứa em gái ở nhà, và đưa cho anh khúc sắn luộc:

   – Thủ trưởng ăn một miếng cho vui.

   – Thôi, cô Phước ăn đi… Hoa đẹp quá nhỉ – Thăng nhìn bó hoa rừng Phước để trên mỏm đá bên cạnh – Hái hoa làm chi đó cô Phước?

   – Dạ, tối nay bên em tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới. Cánh rừng bên ni hoa thiệt nhiều mà bên chỗ em chẳng thấy hoa nào hết trơn.

   – Công phu quá nhỉ… – Ngừng một lát anh tiếp – Cô Phước này…

   – Dạ?

   – Hôm qua, vì chưa hiểu, vì quá nóng nẩy, tôi có nặng lời với cô, thậm chí có lúc nghĩ sai về cô nữa kia, chắc cô giận tôi lắm? – Anh hạ thấp giọng như nói với chính mình. Khổ vậy đó, đôi khi những khó khăn lớn thì mình vượt được cả mà nhiều lúc chỉ vì một sự trái ý rất nhỏ mình lại không khắc phục nổi. Cô Phước à, cô bỏ qua nhé.

   Phước nhìn Thăng đầy vẻ ngạc nhiên:

   – Ơ rứa mà giận chi, anh?

   Giao liên đã ra. Ðơn vị bắt đầu lên đường. Ðoàn trưởng Thăng bắt tay từ giã Phước. Trước khi bước đi anh còn quay nhìn lần cuối bó hoa trên mỏm đá, thầm nhủ: “Phước giống hệt những bông hoa rừng”.

   Trên đường hành quân ngàn dặm của chúng ta – Thăng nghĩ – có biết bao những bông hoa rừng đẹp kín đáo như thế. Những bông hoa thường mọc xuyên lên từ khe đá khắc khổ, lẩn khuất thầm lặng dưới những gốc cây rễ nổi xù xì. Những bông hoa nom rất đỗi mảnh mai nhưng chẳng có bão mưa nào vùi dập nổi.

6-1969

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc