Skip to main content

Nhà giáo ThS. Dương Văn Cẩn- Huyền thoại dạy Lý ở thủ đô Hà Nội (11/23/2016)

Đăng ngày 23/11/2016 bởi Administrator

Nhà giáo Thạc Sĩ Dương Văn Cẩn

NGƯỜI THẦY CỦA HỌC SINH PHỔ THÔNG
CHUYÊN GIA LUYỆN THI ĐẠI HỌC MÔN VẬT LÝ

Thầy giáo, ThS Dương Văn Cẩn

Thầy giáo, ThS Dương Văn Cẩn

Xin giới thiệu nguyên văn bài viết về thầy giáo Dương Văn Cẩn, giáo viên Vật lý trường THPT Việt Đức-Hà Nội, được viết trong cuốn sách “Chuyện Người giáo viên nhân dân” – NXB Văn hóa-Thông tin, 11.2014

Bìa cuốn sách “Chuyện người giáo viên nhân dân” và trang đầu tiên của bài viết về thầy Dương Văn Cẩn trong cuốn sách.

Khác với bao thầy cô khác, thầy giáo Th.S Dương Văn Cẩn đến với nghề Sư phạm như một thần đồng. Ngay khi còn là học sinh lớp 8, 9 ở trường trung học cơ sở, cậu trò nhỏ Dương Văn Cẩn đã được hai thầy dạy môn Toán của lớp là thầy Phạm Đình Năng và thầy Hoàng Thọ Sản trao cho giáo án để giảng bài thay thầy trên lớp. Lúc đầu đó chỉ là những tiết phụ đạo và bài tập tăng cường, sau đó là những tiết bài tập chính khóa trên lớp và rồi đến cả những tiết lý thuyết… những hôm các thầy ốm hoặc bận họp là những hôm mà cậu lớp trưởng Dương Văn Cẩn cầm phấn lên bục giảng thay thầy dạy học. Năng khiếu sư phạm của ThS. Dương Văn Cẩn được phát hiện từ bé, được nuôi dưỡng trong mái trường cấp II và cũng chính nhờ những “giờ dạy” đầu tay ấy, niềm đam mê dạy học đã thấm vào trong máu thịt, và giờ đây dưới mái trường Trung học phổ thông Việt Đức giàu truyền thống của Thủ đô, ông lại ngày ngày cần mẫn với viên phấn trắng và bục giảng, dạy dỗ nên những lứa học trò chăm ngoan, học giỏi.

Ngọn nguồn đam mê

Thầy Dương Văn Cẩn và tình yêu với mái trường Việt Đức

Thầy Dương Văn Cẩn và tình yêu với mái trường Việt Đức

Th.S Dương Văn Cẩn sinh ngày 24 tháng 04 năm 1977 trong một gia đình nông dân công giáo nghèo tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ, Dương Văn Cẩn vốn là cậu bé thông minh, ham học, đặc biệt cậu thích học các môn tự nhiên. Khi phải làm những công việc khác phụ giúp gia đình, cậu vẫn không quên cầm theo quyển sách để đọc. Xóm làng vẫn không quên hình ảnh một cậu bé con nhà nghèo (vì cả nhà làm nông nghiệp thuần túy) vừa trông em vừa đọc sách, vẫn không quên một học sinh cấp 3 trên đường đi học từ trường về nhà vẫn đèo thêm từ 50 đến 100 cây mía trên một cái xe đạp tồi tàn để bán dọc đường kiếm thêm tiền ăn học. Đối với cậu, buổi trưa tan trường muộn, đói không là trở ngại, và con đường càng nắng, càng xa lại càng thêm có ích. Tuy vất vả là vậy nhưng thành tích học tập của cậu học sinh Dương Văn Cẩn cũng là niềm tự hào và mong ước của gia đình: Cậu nhiều lần đạt giải môn toán trong các kì thi khu vực luôn dẫn đầu lớp về học tập và 12 năm đi học đều là lớp trưởng.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng thanh niên Dương Văn Cẩn dự thi và đỗ vào khoa Toán Đại học Sư Phạm Hà Nội I (Nay là Đại Học Sư Phạm Hà Nội). Mừng vì đỗ vào trường đại học mà mình yêu thích, nhưng lại lo vì không có tiền ăn học. Ngay sau tuần đầu tiên nhập học, tân sinh viên Dương Văn Cẩn đã tìm việc làm thuê cho đội xây dựng, cắt cỏ làm sạch cơ quan cho đơn vị H18 (nay là Tổng cục Kĩ thuật Bộ Công an). Đi rửa bát, phục vụ cho một quán cơm công sở. Điều đặc biệt là anh sinh viên nghèo ấy lại chẳng lấy một đồng lương nào từ quán cơm này trong suốt 9 tháng làm việc. Bởi đối với anh thiếu tiền có thể khắc phục, có thể thể giấu mọi người nhưng thiếu văn hóa thì không thể khắc phục, không thể che giấu mọi người được. Vì anh làm việc cho quán cơm là để học văn hóa, học cách nghĩ và cách nhìn của người Hà Nội, không lấy lương để anh được quyền chủ động thời gian học tập của mình.

Đang là sinh viên theo nghiệp Toán, Dương Văn Cẩn được giảng viên khoa Vật Lý ĐH Sư Phạm là Th.S Phan Văn Đồng (người mà sau này trở thành hình tượng mẫu mực về đạo đức để thầy giáo Dương Văn Cẩn noi theo) phát hiện ra tố chất Sư phạm Vật Lý và nói “Tôi thấy em sang khoa Vật lý thì phù hợp hơn, em có tố chất Sư phạm Vật lý”; Vâng lời thầy, Dương Văn Cẩn nộp đơn xin vượt rào sang khoa Vật lý và được tuyển thẳng.

Học tập tại khoa Vật lý Đại học Sư Phạm, sinh viên Dương Văn Cẩn cũng có những thành tích đáng nể: là thành viên đội tuyển Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc của Đại học Sư phạm đạt giải 3, công trình sinh viên nghiên cứu khoa học với đề tài “CCD – trắc quang và trắc đạc” được “ Hội nghị Quang học Quang phổ toàn quốc lần II” tổ chức tại Thái Nguyên mời tham dự, nhiều lần đạt giải trong các kì thi nghiệp vụ sư phạm cấp khoa, cấp trường…

“Vinh quang nhiều, nghiệt ngã cũng lắm!”
Tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm Vật lý tại đại học Sư phạm và sau đó là Thạc sỹ Viện Vật lý ĐH Bách Khoa, thầy giáo Th.S Dương Văn Cẩn được nhận về làm việc tại trường PTTH Trí Đức, Ban Giám hiệu nhà trường đã in tên và ảnh thầy trên bìa của hàng trăm nghìn quyển vở để hàng nghìn học sinh mỗi năm sử dụng. Thầy Dương Văn Cẩn cũng được nhận làm giáo viên và giữ chức vụ tổ trưởng Vật Lý tại trường bán công Chuyên Ngoại ngữ (nay là THPT Lômônôxốp) khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau đó thầy chuyển về làm Lãnh đạo trường Xiếc và Tạp kĩ Việt Nam, kiêm Phó trưởng Khoa văn Hóa phổ thông. Trong 4 năm thầy Dương Văn Cẩn làm lãnh đạo, nhà trường hai lần đạt cờ thi đua Chính phủ, Huân chương Độc lập hạng 3, cá nhân thầy cũng là chiến sỹ thi đua. Tuy vậy với thầy dạy học vẫn là đam mê, thầy nghĩ rằng: “cầm viên phấn tròn chĩnh còn thích hơn là làm lãnh đạo”. Vì thế, thầy lại xin chuyển công tác về trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Văn Hóa và Nghệ thuật Campuchia, ngài Him Chhem (ngoài cùng, bên trái) trao tượng thần Apsara cho Trường Xiếc và Tạp kỹ VN (Thầy Cẩn, ngoài cùng bên phải thay mặt nhà trường đón nhận)

Cuộc đời Ths. Dương Văn Cẩn gắn liền với học sinh phổ thông và vinh quang nở rộ trên lĩnh vực luyện thi đại học môn Vật lý. Mỗi năm, thầy dẫn dắt hàng chục nghìn học sinh Thủ đô vào đại học bằng môn Vật lý của mình. Rất nhiều em đạt điểm 9,10 và đỗ vào các trường đại học uy tín như: Sư phạm, Bách Khoa, Ngoại thương, Ngân hàng, Y,  Dược… Có những em lúc đầu không biết gì về Vật lý, thầy thường nói đùa là “Không phải là em mất gốc, mà là chưa bao giờ có gốc để mất!”, nhưng qua bài giảng của ThS Dương Văn Cẩn những học sinh này cũng vỡ vạc tư duy dần ra và đỗ đại học. Bài giảng của thầy thật vui vẻ, đôi khi pha chút hóm hỉnh, thầy thường gọi mình là DVC – viết tắt tên thầy, nhưng học sinh quý thầy lại dịch thành “Dịch Vụ Cười”. Tuy vậy, mỗi bài giảng của thầy lại là một nền tảng sâu sắc về tư duy, vững chắc về kĩ năng làm bài. Học sinh của thầy Dương Văn Cẩn DVC có khả năng phân tích đầu bài và thích ứng với bài tập mới, bài tập lạ rất nhanh, rất tốt. Mỗi hiện tượng Vật lý, thầy đều lột tả bản chất một cách tường tận vì vậy học sinh không phải thuộc bài một cách máy móc mà thuộc bài một cách rất tự nhiên nên cũng nhớ rất lâu và nhớ có hệ thống, Thầy cũng là tác giả của nhiều cuốn sách cho học sinh phổ thông tham khảo(NXB ĐHSP).

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng hoa thầy Cẩn nhân dịp trường nhận huân chương Độc lập hạng 3, ngày 19/11/2011

Đài truyền hình VTV1 (ngày 02/12/2012) cũng có phóng sự ngắn ca ngợi thầy với tiêu đề “Thầy giáo dạy học bằng thơ”. Truyền hình VOV (kênh có hình) ngày 20/11/2012 cũng có phóng sự chào mừng thầy như một thầy giáo trẻ, sáng tạo. Đài tiếng nói Việt Nam cũng nói về thầy như một tấm gương khuyến học của phường Yên Hòa – Quận Cầu Giấy, nơi thầy đang sinh sống. Bài giảng của thầy cũng có mặt trên VTV2, trên các trang trực tuyến… Thầy cũng nhiều lần trả lời phỏng vấn trên VTV1, VTV2, VOV có hình, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV truyền thanh), các báo, tạp chí, các trang mạng về các vấn đề giáo dục… Từ ngày Facebock phát triển, những học sinh yêu quí thầy đã lập ra trang “Hội những người phát cuồng vì thầy Dương Văn Cẩn DVC” và trang này đã có hơn 10.000 người tham gia. Hội những người này còn trao tặng thầy Cup “Thiên hạ vô địch dạy luyện thi môn Vật lý”. Tạp chí giáo dục Thủ đô, cơ quan ngôn luận của Sở GD và ĐT Hà Nội cũng đã có bài viết về thầy trong số 46+47 tháng 11/2013 (số chào mừng ngày Nhà giáo Việt nam) với tiêu đề “Khi giáo viên được học trò hâm mộ”. Trang DânTrí.com.vn ngày 20/11/2012 thì viết về thầy với tiêu đề “6 giáo viên làm nghiêng ngả cộng đồng”. Ngày 25/9/2012 Kenh14.vn viết về thầy trong bài: Những thầy cô “bá đạo” khiến teen mê mẩn. Trang News.zing.vn ngày 04/03/2013 ca ngợi thầy với bài “5 giáo viên dạy tốt nhất môn Vật lý”…

Thầy Dương Văn Cẩn giảng bài trong sự chăm chú và hứng khởi của rất đông các em học sinh

Ở thầy, đằng sau cái dáng cao to, điển trai, cùng với một nụ cười rất duyên và trí tuệ toát lên một con người giản dị, chân tình và thân thiện đến kì lạ. Học sinh hay bất kể ai đều không thấy có khoảng cách khi tiếp xúc với thầy. Thầy cũng đầy nhiệt huyết với nghề, với công việc. Chúng tôi – những người viết những trang sách này, thật xúc động khi liên hệ với thầy để lấy thông tin cho bài viết, đều được Thầy tiếp sau 22h, vì hàng ngày từ 07h đến 22h, kể cả thứ bảy, hay chủ nhật thầy đều đầy ắp công việc. Thầy dạy học nhiều đến mức đôi chân của thầy hỏng mất phần đệm ở gầm bàn chân nên giờ đi lại thầy thấy đau, dây thanh quản bị dãn nên giọng Thầy giờ bị khàn không còn sang sảng như xưa nữa. Làm việc nhiều nhưng Thầy lại không thấy mệt vì thầy đam mê nghề dạy học. Trong cuộc sống ai cũng có lúc buồn, lúc vui, nhưng đối với Thầy Dương Văn Cẩn DVC thì cứ khi bước chân vào lớp học là mọi buồn phiền, mệt mỏi, đau nhức đều tan biến. Cứ vào lớp là giọng thầy lại vang lên hết mình trong những ánh mắt bừng sáng của học trò. Vì thế, một vài trường dân lập mời thầy làm hiệu trưởng nhưng thầy từ chối vì thầy sợ “phải xa viên phấn”. Thầy cũng chưa sắp xếp được thời gian để nghiên cứu ở bậc Tiến sỹ. Thầy tâm sự:

“Cả cuộc đời tôi úp mặt vào bảng đen, 
Để đem lại cho đời bao khuôn mặt tươi sáng.
Cả cuộc đời tôi cầm viên phấn bạc
Viết cho đời những dòng chữ ân tình!”.

Thầy Dương Văn Cẩn hướng dẫn học sinh trường THPT Việt Đức làm thí nghiệm Vật lý

Vinh quang là thế nhưng cuộc sống cũng thử thách thầy với nhiều đắng cay và nghiệt ngã. ThS. Dương Văn Cẩn tâm sự: “nhiều người ghen tị, thường gọi điện đe dọa và yêu cầu tôi nghỉ dạy tại các trung tâm, tung tin xấu, tin bịa đặt gây bất lợi cho công việc cũng như danh dự bản thân, điều này làm tôi rất bức xúc. Trước kia, một ai đó đã giả danh tôi viết bức thư ngông cuồng nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu ngành Giáo dục nước nhà, nói xấu các nhà giáo lão thành cách mạng, các trường chuyên lớp chọn… và họ gửi qua đường bưu điện đến các địa chỉ trên, gửi lên cả báo chí, tất cả những nơi có thể gửi, gửi cả về ĐHSP Hà Nội nơi đào tạo ra tôi.  Với lòng tự trọng cao, tôi thấy mình bị xúc phạm nên quyết định nghỉ dạy luyện thi tại các trung tâm để tránh cạnh tranh phức tạp, tôi chỉ còn đi dạy ở trường. Nhưng chính những học sinh đang trực tiếp học năm đó và những khóa học sinh trước đó từ nhiều trường viết thư tay gửi lên Bộ, gửi tòa soạn các báo… yêu cầu đăng đúng sự thật, họ khẳng định họ đã học tôi thời gian dài và không thấy có những điều như trong bức thư ngỏ nêu… Bộ phận chức năng của ngành giáo dục cũng đã kiểm tra đột xuất một số trung tâm luyện thi mà tôi giảng dạy và kết quả cho thấy việc dạy luyện thi của tôi tại các trung tâm này không hề vi phạm các qui định của ngành giáo dục. Sau sự thật, các giám đốc các trung tâm và rất nhiều học sinh lại đến nhà, thuyết phục tôi tiếp tục giảng dạy”.

Học sinh từ khắp các trường yêu mến thầy Dương Văn Cẩn tập trung về trung tâm luyện thi Thăng Long

Đây quả thực là những tình cảm thật xúc động và thật khó quên của Thầy – Trò DVC. “Nhưng những kẻ xấu vẫn chưa dừng lại ở đấy, từ năm 2006 đến 2011, tôi đã từng bị tạt axit 5 lần vào xe ô tô, qua điện thoại họ đe dọa và uy hiếp tinh thần. Tôi cũng đã báo cáo Công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội nơi xảy ra sự việc”. Thế còn từ nay về sau, thầy mỉm cười: “Chẳng biết thế nào nữa!?”.

Suy tư và khát vọng!
Trước vô vàn nghiệt ngã, tinh thần thầy Dương Văn Cẩn DVC không hề nao núng. Thầy cho rằng mình cứ làm tốt công việc, sống nghiêm khắc với bản thân và chân thành với mọi người thì chẳng ai làm gì hại mình được. “Tôi là người Công giáo, tôi tin là Chúa sẽ an bài cho tôi. Tôi chỉ sợ người tốt, người công chính, người làm ơn cho tôi, chứ tôi không sợ kẻ xấu!”.
Bí quyết thành công của thầy được tóm gọn trong “Ba tam giác vàng DVC”. Gọi là “Ba tam giác vàng DVC” bởi ba tam giác này tạo ra chữ DVC, nó cũng là nhân sinh quan về nguyên tắc sống, đức tính tối thiểu cần rèn luyện và phương pháp làm việc của thầy và các học trò của thầy nữa.

3tamgiacdvc

“Ba tam giác vàng” DVC

Đối với tam giác thứ 3, thầy giải thích rằng: “Khi chúng ta làm bất kể việc gì cần chú ý đến tính khoa học của công việc đó, sau đó thì phải dấn thân vào một cách hết mình, và cho dù là thành công hay bế tắc cũng cần cầu nguyện. Cầu nguyện là một phương thức tĩnh tâm để đánh giá lại thành công hay thất bại từ đó điều chỉnh và diệt trừ lòng kiêu ngạo – cái mầm của mọi sự đổ vỡ!”.

Khi được chúng tôi hỏi về ước mơ của thầy trong tương lai. Thầy kể rằng chào đón mùa xuân năm 2010, UBND xã Minh Khai – Quê hương thầy mời thầy về hội trường Xã để nói chuyện với nhân dân xã với tư cách là người thành công, nhưng tại cuộc nói chuyện thầy khẳng định: “Tôi chưa phải là người thành công, cả đời này, tôi chỉ phấn đấu giữ hai chữ “Bình Thường” như hiện tại tôi đang có. Nghĩa là: Được ăn, nói, làm việc bình thường như mọi người vẫn bình thường làm thế, được cười vui như người bình thường vẫn cười vui, được khóc, được đau khổ như mọi người bình thường vẫn thường đau khổ, được lo toan túng thiếu, ốm đau đi viện… như mọi người vẫn thường ốm đau, lo toan và túng thiếu. Tất nhiên ốm đau, lo toan đó cũng chỉ ở mức bình thường thôi, đừng bất thường! Chỉ đơn giản thế thôi nhưng giữ được sự bình thường ấy đến cuối đời đã là khó lắm rồi. Một ngày nào đó, nếu chúng ta không khóc, không còn túng thiếu, đau khổ, không còn lo toan thì chúng ta đã… không ở trần gian mất rồi!”.

Cuộc sống ai chẳng cầu: Phú – Quí – Thọ – Khang – Ninh. Nhưng một số người chạy theo chữ “Phú” quá mức mà quên mất rằng cần phải “hài hòa”. ThS. Dương Văn Cẩn luôn tâm niệm sống nghiêm khắc với bản thân, cố gắng làm tốt bổn phận để gia đình, họ hàng, xóm làng, mọi người xung quanh, đặc biệt là học trò và quê hương yêu quí. “Tôi đang có một Đại gia đình, sức khỏe và công việc hết sức bình thường. Tôi ước vọng giữ được mọi sự bình thường như vậy mãi mãi và một ngày nào đó được đứng trong không gian yên bình để nhìn thấy Đất nước mình thay đổi!”.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc