Skip to main content

Người cha Hungary nuôi 3 con thành thiên tài (04/16/2021)

Đăng ngày 16/04/2021 bởi Administrator

László Polgár sử dụng học thuyết tạo ra thiên tài để biến 3 con gái thành những kỳ thủ cờ vua hàng đầu thế giới.

László Polgár là giáo viên cờ vua, đồng thời là nhà tâm lý học giáo dục người Hungary. Ông được biết đến là “cha đẻ” của 3 thần đồng cờ vua nổi tiếng thế giới Zsuzsa, Sofia và Judit.

Trong những năm 1960, László công tác tại trường đại học và viết cuốn sách với tựa đề Nevelj zsenit (tạm dịch: Khơi dậy thiên tài). Trong đó, ông vạch ra các giả định dựa trên nghiên cứu về những thiên tài như Einstien và Socrates.

Với luận điểm “thiên tài được tạo ra, không phải được sinh ra”, László quyết định bắt tay thử nghiệm nuôi dạy thiên tài.

thi nghiem thien tai anh 1
László Polgár cho rằng thiên tài được tạo ra, không phải được sinh ra. Ảnh: ChessBase India.

Lên kế hoạch đào tạo thiên tài

László Polgár thực hiện màn cầu hôn độc đáo với bạn gái lâu năm Klara, một giáo viên dạy ngôn ngữ người Ukraine. Nhà tâm lý học thẳng thắn bày tỏ mong muốn sử dụng các phương pháp giáo dục của mình để biến trẻ em thành thiên tài. Ông cần một phụ nữ sẵn sàng kết hôn, sinh con và chứng minh những điều ông nghiên cứu là đúng.

Năm 1969, cả hai kết hôn và sinh con gái đầu lòng Zsuzsa. Sau đó, Sofia và Judit lần lượt chào đời năm 1974, 1976.

László và Klara cùng xem xét lĩnh vực đào tạo ba con gái. Họ nhận thấy con gái lớn hứng thú với cờ vua khi mới 4 tuổi. Cả hai quyết định lên kế hoạch đào tạo con trở thành kiện tướng cờ vua hàng đầu thế giới.

László nhận thấy bất kỳ đứa trẻ khỏe mạnh nào cũng có thể trở thành thiên tài ở một lĩnh vực nhất định như khoa học, thể thao, nghệ thuật. Điều quan trọng là phải dẫn dắt trẻ từ khi lên ba và bắt đầu đào tạo chuyên sâu từ năm sáu tuổi.

Tuy nhiên, kế hoạch nuôi dạy thiên tài của László vấp phải tranh cãi, chỉ trích của hàng xóm và chính quyền địa phương. Phần lớn đều cho rằng ông đang hủy hoại con trẻ.

Bất chấp bị phản đối, László vẫn quyết định thực hiện kế hoạch. Năm 1970, thí nghiệm chính thức bắt đầu. László cho con gái lớn Zsuzsa học tại nhà, thuê huấn luyện viên dạy cờ vua cho con.

Bản thân László không quá xuất sắc ở bộ môn này. Ông quyết định vận dụng những kiến thức vốn có, giúp con gái phát triển chuyên môn trong bộ môn thể thao trí tuệ.

Zsuzsa bị cờ vua thu hút và bắt đầu luyện tập chăm chỉ. Từ khi lên 5, cô được rèn luyện mỗi ngày và tham gia những giải đấu nhỏ tại địa phương. Zsuzsa là thí sinh nhỏ tuổi nhất, phần lớn người tham gia thi đấu đều lớn gấp đôi tuổi cô.

László giải thích ở giai đoạn đầu của sự phát triển, trẻ rất tò mò và dễ bị thu hút bởi những thứ xung quanh. Điều này chính là động lực, dẫn dắt trẻ khám phá. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu hình thành mối liên hệ sâu sắc với với các lĩnh vực yêu thích.

Tiếp nối chị gái, Sofia và Judit cũng được bố cho tiếp xúc với cờ vua từ bé và chỉ học tại nhà. Mỗi ngày, ba chị em dậy từ 6h, chơi bóng bàn cùng huấn luyện viên. Sau đó, các bé trở về nhà, dành 5-6 tiếng luyện cờ.

“Tôi lớn lên trong một môi trường đặc biệt, mọi thứ đều liên quan cờ vua”, Judit chia sẻ.

thi nghiem thien tai anh 2
Zsuzsa, Sofia và Judit đều trở thành những kiện tướng cờ vua xuất sắc. Ảnh: Tibor Krausz.

Thành quả của thí nghiệm thiên tài

Nhờ cách dẫn dắt tinh tế của bố, chị em nhà Polgár đều có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn thể thao trí tuệ. Chỉ sau 8 tháng tìm hiểu, chị cả Zsuzsa đươc bố cho tham gia câu lạc bộ cờ vua ở Budapest. Tại đây, cô giành được chiến thắng đầu tiên trong cuộc đời. Năm đó, Zsuzsa lên 4, cô đánh bại những kỳ thủ bằng tuổi bố mình.

Năm 11 tuổi, Zsuzsa tham gia giải cờ vua nữ tại Budapest và giành chức vô địch. Năm 17 tuổi, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên đủ điều kiện tham gia các giải đấu thế giới dành cho nam.

Hai năm sau, vào năm 1988, Zsuzsa, Sofia và Judit trở thành ba trong bốn thành viên đại diện Hungary tham dự Olympic cờ vua dành cho nữ và giành chiến thắng áp đảo. Từ đó, chị em nhà Polgár trở thành “báu vật quốc gia”.

Nhiều năm miệt mài rèn luyện, Zsuzsa trở thành kỳ thủ cờ vua lão luyện. Cô là phụ nữ đầu tiên được phong Đại kiện tướng thông qua các giải đấu với nam giới. Cô cũng là người đầu tiên giành được chức vô địch trong ba mùa giải liên tiếp.

Sofia lọt vào top 6 kỳ thủ cờ vua hàng đầu thế giới. Cô giành chức vô địch quốc gia năm 7 tuổi và được biết đến với cái tên “Sack of Rome”. Năm 1989, Sofia tham gia giải đấu ở Rome và giành chiến thắng với số điểm thuyết phục 8,5/10.

Năm đó, Sofia mới chỉ 14 tuổi. Các chuyên gia đánh giá phần thi của cô có thành tích tốt thứ năm trong lịch sử cờ vua. Tuy nhiên, tài năng của Sofia vẫn bị chị cả và em út làm lu mờ.

Em út Judit, được đánh giá là nữ kỳ thủ cờ vua giỏi nhất trong lịch sử. Cô là người có thành tích cao nhất trong ba chị em nhà Polgár. Năm 15 tuổi, nữ sinh đạt danh hiệu kiện tướng, trở thành người nhanh nhất đạt được danh hiệu này. Judit cũng là kỳ thủ trẻ nhất lọt vào top 100 khi mới 12 tuổi.

Năm 2002, Judit đánh bại Garry Kasparov, siêu đại kiện tướng cờ vua của Nga, người được đánh giá là kỳ thủ cờ vua mạnh nhất trong lịch sử. Năm 2005, cô trở thành người phụ nữ duy nhất được chọn tham giải vô địch thế giới, đồng thời là người duy nhất có hệ số ELO đứng đầu thế giới từ tháng 1/1989 đến tháng 8/2015.

Sau nhiều thập kỷ nỗ lực, László Polgár đã chứng minh giả thuyết của mình có thể thành hiện thực.

Thí nghiệm nuôi dạy thiên tài của ông được đánh giá là một trong những thí nghiệm tuyệt vời nhất trong lịch sử giáo dục nhân loại. “Cha đẻ” của ba thiên tài cờ vua tin rằng mọi đứa trẻ khỏe mạnh đều là một thiên tài tiềm ẩn. Tài năng của trẻ có được bộc lộ hay không phụ thuộc vào sự nuôi dạy và nỗ lực của từng người.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc