Skip to main content

Một vài ý kiến phản đối việc bắt buộc học cờ vua ở Anh (12/28/2013)

Đăng ngày 28/12/2013 bởi Administrator
Việc áp dụng mô hình của Armenia – đưa cờ vua vào làm môn học bắt buộc từ bậc tiểu học – đang tạo ra rất nhiều luồng ý kiến phản hồi gay gắt trong dư luận Anh.

Ở Armenia, quốc gia nhỏ bé thuộc vùng Nam Caucasus có diện tích gần 30.000 km2 và dân số hơn 3,2 triệu, cờ vua chẳng khác nào một thứ tôn giáo. Các đại kiện tướng cờ vua được đối xử như những người hùng dân tộc. Những trận đấu ở các giải cờ vua lớn thường được tường thuật trực tiếp trên truyền hình quốc gia, chiếu trên màn hình lớn nhiều địa điểm công cộng.

Chiến thắng của các kỳ thủ Armenia ở đấu trường quốc tế luôn được đón nhận với niềm phấn khích tột độ và người dân thường đổ ra đường để chung vui hệt như ở môn bóng đá tại nhiều quốc gia khác. Họ đã làm như vậy khi các kỳ thủ nhà đánh bại các đối thủ mạnh từ Nga, Trung Quốc, Mỹ, còn đội tuyển cờ vua Armenia thì đoạt HC vàng đồng đội ở giải International Chess Olympiad 2006 và 2008.

Cờ vua ở Armenia là một nét văn hóa và dễ dàng được người dân ở mọi lứa tuổi tiếp nhận. Ảnh: Chesspedia.
Cờ vua ở Armenia là một nét văn hóa và dễ dàng được người dân ở mọi lứa tuổi tiếp nhận. Ảnh: Chesspedia.

Cờ vua cũng in đậm dấu ấn trên chính trường Armenia với việc Tổng thống nước này Serzh Sargsyan kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua quốc gia.

Chính vì vậy, chính quyền Armenia đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận khi quyết định đầu tư 1,5 triệu USD để đưa cờ vua vào chương trình dạy và học bắt buộc cho trẻ em từ bậc tiểu học. Giới chức Armenia cho rằng việc tiếp cận sớm và rèn luyện môn thể thao trí tuệ này sẽ giúp lớp trẻ nước họ phát triển trí thông minh và tăng cường tư duy logic.

Tuy nhiên, ở Anh, đề xuất áp dụng mô hình này lại vấp phải nhiều phản hồi trái ngược. Malcolm Pein, chủ nhiệm chương trình Cờ vua trong Trường học và Cộng đồng ở Anh, đánh giá: “Cờ vua giúp trẻ có kỹ năng phân tích, suy luận, rèn luyện sự tập trung, trí nhớ, tính toán, đồng thời còn giúp trẻ ý thức được tầm quan trọng và học cách chịu trách nhiệm cho mỗi hành động của chúng”.

Pein là người ủng hộ mạnh mẽ việc phổ cập cờ vua cho trẻ em và mới đây, đã gửi kiến nghị lên Chính phủ Anh về việc đưa cờ vua vào làm môn học bắt buộc từ cấp tiểu học. Chuyên gia này đánh giá việc trẻ học cờ vua còn đem lại những ích lợi lớn cho cộng đồng: “Các trận đấu cờ vua còn dạy cho trẻ cách giao tiếp, ứng xử trong xã hội, thích nghi dần với nền nếp kỷ luật, thông qua việc bắt tay đối thủ trước trận đấu và giữ im lặng trong lúc thi đấu”.

Ông cũng dẫn ra một số nghiên cứu khác để nhấn mạnh tới ích lợi từ việc trẻ em được tiếp xúc sớm với cờ vua. Đó là nghiên cứu tiến hành ở Mỹ của tiến sĩ Stuart Marguilies cho thấy học cờ vua sẽ giúp học sinh bậc tiểu học tiến bộ rõ rệt về kỹ năng đọc hiểu. Nghiên cứu khác của Tiến sĩ Peter Dauvergne, đồng thời là kiện tướng cờ vua, cho thấy việc chơi cờ sẽ giúp trẻ nâng cao chỉ số IQ, phát triển kỹ năng giải quyết tình huống, tăng cường trí nhớ và nuôi dưỡng óc sáng tạo.

Raymond Keene, đại kiện tướng Anh đồng thời là chuyên gia bình luận cờ vua trên tạp chí uy tín Times, thì ủng hộ việc cho trẻ tiếp xúc sớm với cờ vua. “Khả năng chơi cờ đến từ năng lượng của não bộ, chứ không phải kinh nghiệm. Nếu một đứa trẻ được học cờ vua từ lúc 6 tuổi và chơi tốt, thì đến năm 12 tuổi, trẻ có thể trở thành một đại kiện tướng. Cờ vua là thứ gì đó rất dễ gây nghiện, một thứ ma túy tích cực cho trẻ em. Ngay cả khi trẻ chơi cờ online, điều đó vẫn tốt cho chúng hơn là ngồi xem tivi hay chơi những trò điện tử vô bổ khác”, ông bình luận.

Tuy nhiên, Keene cho rằng việc đưa cờ vua vào làm môn học bắt buộc có thể gây ra những tác dụng ngược: “Tôi tự hỏi liệu có phù hợp hay không nếu xem cờ vua là môn học bắt buộc. Armenia là trường hợp đặc biệt. Cờ vua ở đó là một nét truyền thống, in đậm vào văn hóa của họ, gắn bó với tham vọng và tinh thần của quốc gia. Nhưng ở Anh, việc bắt buộc mọi học sinh phải học cờ vua có thể khiến mọi người không hứng thú”.

Nhiều chuyên gia ở Anh tin rằng trẻ em sẽ không hào hứng nếu bị bắt buộc học cờ vua.
Nhiều chuyên gia ở Anh tin rằng trẻ em sẽ không hào hứng nếu bị bắt buộc học cờ vua.

Quan điểm của Keen nhận được sự chia sẻ từ Katherine Birbalsingh, giáo viên đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục: “Tôi không phủ nhận những ích lợi từ cờ vua và tin rằng việc dạy cờ vua cho trẻ là việc nên làm. Nhưng mọi người đã bao giờ nghĩ tới mặt trái của nó?”.

Birbalsingh, được công chúng Anh biết đến rộng rãi khi phát biểu trong một cuộc họp của Đảng Bảo thủ và chỉ trích mạnh mẽ chất lượng giáo dục ở Anh, cho rằng việc học thêm cờ vua sẽ khiến trẻ em mất cơ hội học thêm các môn bổ ích khác. “Chương trình học hiện nay quá nặng rồi. Trẻ có quá nhiều thứ phải học, quá nhiều môn được đưa vào thời gian biểu. Tôi nghĩ chúng sẽ thiệt thòi nếu phải bỏ qua việc học nhạc, nghệ thuật để học chơi cờ vua”.

Russell Hobby, Tổng thư ký Hiệp hội Giáo viên chủ nhiệm Quốc gia, cũng phản đối mạnh mẽ việc đưa cờ vua vào làm môn học bắt buộc: “Tôi thiết nghĩ đã tới lúc chúng ta nên bỏ các môn học bắt buộc. Thay vào đó, chúng ta cần tìm ra những môn học nào, môn thể thao nào phù hợp với từng nhóm trẻ, dựa trên năng lực và sở thích của các em. Cờ vua chỉ nên là một trong nhiều lựa chọn cho trẻ”.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc