Skip to main content

“Mỏ” nhân tài… lộ thiên (10/03/2014)

Đăng ngày 03/10/2014 bởi Administrator

Có lẽ không quá lời khi đưa ra ví von ấy sau khi kỳ thủ nhí Nguyễn Anh Khôi vừa lập thêm một chiến công tại giải VÐ trẻ thế giới ở lứa tuổi U10. Tiềm năng của thể thao trí tuệ nói chung, cờ vua nói riêng của chúng ta thực ra đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cái “mỏ vàng” nhân tài ấy vẫn chưa được khai thác và phát huy để Việt Nam vươn hẳn lên hàng những cường quốc cờ vua thế giới…

 

Thêm một lần tỏa sáng

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam giành ngôi vô địch cờ vua các lứa tuổi thế giới, nhưng trước đó, chưa có ai từng về đích với thành tích ấn tượng như vậy: điểm tuyệt đối 11/11. Ngay tại giải cờ vua vô địch thế giới năm 2012 vừa qua tại Maribo (Slovenia), Nguyễn Anh Khôi cũng là nhà vô địch nam duy nhất trong 6 hạng tuổi đạt được thông số này.
“Mỏ” nhân tài... lộ thiên 1
 Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi (bên phải) với một tương lai tươi sáng cho cờ vua Việt Nam

Cần nói thêm rằng ở bảng U10 nam, Khôi có điểm elo ban đầu là 1923, chỉ đứng thứ 13 trong 150 VĐV dự tranh, nghĩa là cơ hội vô địch khá nhỏ, chưa nói tới việc lập thành tích ấn tượng như thế. Trong khi ấy, theo cách tính điểm của hệ Thụy Sĩ, em sẽ rất khó tránh được việc phải đối đầu trực tiếp với nhiều đấu thủ có elo cao hơn trên đường đua tiến đến ngôi vô địch. Trên thực tế giải này, Anh Khôi đã gặp 3 đối thủ có elo hơn mình, trong đó có Andrey Esipenko (Nga, elo 2120 – hơn Khôi tới gần 200 điểm!) ở 3 ván đấu cuối cùng và đều chiến thắng.

Giới chuyên môn đánh giá Khôi là một thần đồng, bởi khác với nhiều kỳ thủ trong đội tuyển trẻ quốc gia, thời gian tập luyện cờ của em ít hơn rất nhiều, chỉ xem đây như một thú vui đơn thuần với 3 buổi tập tại trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TP.HCM mà thôi. Tuy nhiên, bằng trí nhớ cực tốt và tư duy cờ bẩm sinh, cậu bé đã sớm khẳng định tài năng của mình với những bước đi vững chắc: vô địch toàn quốc, Đông Nam Á và châu Á các lứa tuổi từ U8 – U10… Một “viên ngọc” thô thật sự rất đáng được đầu tư, chăm chút bởi nếu được vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi sẽ lại có một Lê Quang Liêm thứ 2.

Có một đặc thù trong môn thể thao trí tuệ, vô địch ở lứa tuổi càng lớn thì càng khó, vì ngoài tài năng sẵn có còn phải kèm theo sự khổ luyện cũng như sự đầu tư nghiêm túc. Cách nay 4 năm, kỳ thủ Trần Minh Thắng gây xôn xao dư luận khi giành HCV lứa tuổi U8 thế giới. Nhưng năm nay, khi đại diện Việt Nam đánh bảng U18, thần đồng ngày ấy (elo cao thứ 7 ở lứa tuổi của em) chỉ về đích ở vị trí thứ… 40.

Trước đó nữa, Việt Nam từng nhiều lần gây ấn tượng tại giải trẻ thế giới. Đầu tiên là ngôi vô địch lứa tuổi U16 (một thành tích đặc biệt ấn tượng) của Đào Thiên Hải vào năm 1993. Kế tiếp là ngôi nữ hoàng U12 nữ của Nguyễn Thị Dung năm 1994. Năm 2000, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đoạt ngôi vô địch U10. Tới năm 2005, đến lượt Lê Quang Liêm xuất sắc giành cúp bảng U14.

Như vậy, hoàn toàn có thể nói rằng chiến công của Nguyễn Anh Khôi tại giải cờ vua vô địch thế giới 2012 chỉ là thêm một sự khẳng định cho tiềm năng rất lớn của chúng ta trên trường quốc tế ở môn thể thao trí tuệ này.

Cũng tại giải VĐTG 2012, ngoài chiến thắng của Khôi, cần đề cập thêm tới thành tích khá ấn tượng của kỳ nữ Nguyễn Thị Mai Hưng với vị trí thứ 4 ở bảng U18 nữ (chỉ sau 2 VĐV người Nga – cường quốc số 1 TG – và 1 VĐV người Hà Lan). Trên một chừng mực nào đó, có thể nói Mai Hưng cũng là một nhân tài hiếm có khi được gọi vào ĐTQG chính thức khi mới 15 tuổi, từng vô địch châu Á lứa tuổi U14 trước khi vô địch Quốc gia khi mới 17 tuổi.

Nhưng vẫn không dễ bay cao

Chúng tôi đã nhắc đến trường hợp của Trần Minh Thắng, nhà vô địch U8 thế giới cách nay 4 năm (lứa tuổi U12) chỉ đứng thứ 40 tại giải năm nay (lứa tuổi U12). Lý do khá đơn giản: Thắng không nhận được sự đầu tư xứng đáng (một cách đặc biệt) để phát triển tài năng nên trong khi em tiến được 1 bước thì chính những đấu thủ cùng tuổi từng thua Thắng 4 năm trước đã tiến thêm 2-3 bước để rồi vượt qua em tại giải năm nay.
“Mỏ” nhân tài... lộ thiên 2
 Kỳ thủ Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn.

Làng cờ Việt Nam có lẽ vẫn chưa thôi thắc mắc về sự “biến mất” của tài năng Nguyễn Thị Dung (Thanh Hóa) sau khi em vô địch U12 thế giới năm 1994. Một nhân tài hiếm có nữa là Đào Thiên Hải – cũng từng được xem là “thần đồng đất Việt” với thành tích vô địch ở lứa tuổi 16 với nhiều đối thủ mạnh. Nhưng tài năng của Hải không được chắp cánh khi chỉ quẩn quanh với môi trường tập luyện và thi đấu trong nước, mãi về sau mới có cơ hội được sang Hungary tập huấn một thời gian, nhưng lại có quá ít điều kiện va chạm đỉnh cao… Bởi vậy, elo cao nhất của Hải chỉ lên tới 2.609 (năm 2005), kèm theo đó là phong độ không ổn định.

Trong mấy năm qua, giới mộ điệu nhắc nhiều tới cái tên Lê Quang Liêm, tài năng trẻ từng vô địch U14 thế giới năm 2005, sau đó, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Liên đoàn cờ TP.HCM, bộ môn cờ thuộc Sở TDTT (sau là Sở VH-TT&DL) và gia đình, em đã có những bước phát triển rất tốt. Việc được liên tục tạo cơ hội tham gia thi đấu tại các giải quốc tế, va chạm với những đối thủ mạnh đẳng cấp cao đã giúp Liêm tiến bộ nhanh, trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào tốp 100 rồi tốp 50 kỳ thủ mạnh nhất thế giới trước khi bước vào hàng ngũ những siêu đại kiện tướng (elo hơn 2.700).

Tuy nhiên, có một nhân tài thực ra không hề kém cạnh so với Liêm – đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Chỉ tiếc một nỗi, sau khi vô địch U10 thế giới năm 2000, Sơn không có được sự đầu tư mạnh mẽ của địa phương (Kiên Giang), phần bởi khó khăn của bộ môn cờ tỉnh, phần vì gia đình cũng không có điều kiện kinh tế tốt… Mãi sau này, phải tới khi dư luận lên tiếng thì Sơn mới nhận được thêm sự hỗ trợ từ Liên đoàn cờ Việt Nam, được gửi sang tập huấn tại “lò” đào tạo của Công ty Chesscom do thân phụ của nữ đại kiện tướng Hoàng Thanh Trang làm chủ ở Hungary, sau lại được thêm một số nguồn tài trợ nên mới có cơ hội dự nhiều giải quốc tế. Tiếc rằng sự đầu tư ấy tới hơi chậm nên Sơn đã chưa thể bắt kịp bước tiến của Liêm.

“Mỏ” nhân tài cờ vua Việt Nam đã phát lộ. Cần lắm một hướng đi, một cách làm, một chiến lược phát triển để khai thác và phát huy tiềm năng ấy từ những giới chức hữu trách!

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc