Skip to main content

Học nói một tiếng “thua” sao khó quá! (02/07/2014)

Đăng ngày 07/02/2014 bởi Administrator

Trong tất cả các giải đấu cờ vua phong trào tôi từng tham gia, chưa giải nào tôi được huy chương vàng. Mọi trường hợp thua, tôi đều không bao giờ đủ sức đứng dậy gọi trọng tài đến ký biên bản. Tôi luôn luôn đùn đẩy trách nhiệm ấy cho người chiến thắng khi cổ họng đang cứng lại và nước mắt chỉ chực trào ra.

5 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cầm quân cờ vua, chập chững điều khiển nó đi những bước khập khiễng trên bàn, dưới sự chỉ dẫn của mẹ. Không phải là một kiện tướng, chỉ là giáo viên mầm non nhưng ít nhất mẹ nhận ra khả năng của con gái mình trong môn thể thao trí tuệ này.

Tôi đã rất tự hào trước các bạn trong các giờ chơi buổi chiều. Khi cả lớp chỉ biết chơi cờ “lúa, ngô, khoai, sắn” hay cờ “gánh” tẻ nhạt thì tôi được ngồi chơi cờ vua với mẹ. Nghe cũng oai lắm chứ, đúng không?

Hai năm sau, vào hè năm lớp 2, tôi được mẹ cho tham gia lớp học cờ cơ bản của nhà văn hóa thành phố. Rồi tiếp theo đó, tôi học tại trung tâm thể dục thể thao thành phố. Đối với bố mẹ, mong muốn duy nhất là tôi được vui vẻ và phát triển trí tuệ để phục vụ cho việc học toán ở trường. Còn tôi thì tự mong muốn mình đi xa hơn thế vì tôi chưa bao giờ thích dừng lại, thích chịu thua cái gì.

Tính hiếu thắng của đứa trẻ tiểu học luôn ám ảnh tôi bởi từ “chiến thắng”, dù phải nói thẳng ra thì tôi cũng chẳng giỏi giang gì hơn ai. Học ở trong lớp cờ, tôi cũng chỉ thắng được ít người vì học viên toàn là các anh chị thi đấu chuyên nghiệp. Nhưng bản thân tôi cũng không hiểu tại sao mình lại luôn mong muốn như vậy, mặc dù không hề ý thức được nó.

Trong tất cả các giải đấu phong trào tôi từng tham gia, chưa giải nào tôi được huy chương vàng. Điều đó cũng có nghĩa là chưa có giải nào tôi chiến thắng 100%. Có ván thua và có ván hòa. Nhưng mọi trường hợp thua, tôi đều không bao giờ đủ sức đứng dậy gọi trọng tài đến ký biên bản. Tôi luôn luôn đùn đẩy trách nhiệm ấy cho người chiến thắng khi cổ họng đang cứng lại và nước mắt chỉ chực trào ra. Thậm chí, có những lần tôi còn chạy ra ngoài ngay để mặc cho đối thủ hì hục xếp lại bàn cờ một mình.

Tôi quyết định bỏ hẳn cờ sau giải hè thành phố diễn ra vào cuối năm lớp 5. Cũng buồn nhiều, cũng khóc nhiều, nhưng thực sự đối với tôi, cái cảm giác thua trận thật khó chấp nhận. Quãng thời gian học lớp 6 tràn ngập sự nhớ nhung, luyến tiếc với cờ vua khi nhìn các bạn trong trường tham gia câu lạc bộ và đi thi đấu. Nhưng điều đó không chiến thắng được nỗi sợ hãi trong tôi.

Và một sự việc khá bất ngờ đã đến vào năm tôi học lớp 7. Thầy giáo thể dục, sau khi đọc sơ yếu lý lịch học sinh, đã phát hiện ra tôi đã từng học cờ từ tiểu học nên gọi tôi vào đội tuyển đi thi đấu. Nỗi sợ thất bại vẫn đè nặng trong cô bé hiếu thắng ấy.

Tôi nhớ hôm đó, trời mưa. Tôi đứng trong phòng giáo viên, còn thầy thể dục thì nói rất to tiếng. Tôi không nhớ rõ lắm thầy đã nói gì bởi lúc đó tiếng nấc của tôi át đi tất cả, cả tiếng mưa và tiếng của thầy. Tôi vẫn khóc trên đường đạp xe về nhà. Ngày hôm sau, mẹ tôi có cuộc hẹn với thầy thể dục.

Mẹ nói: “Thầy hỏi mẹ lý do vì sao con không muốn đi thi cờ, và mẹ trả lời là có lẽ vì con sợ thất bại. Thầy nói với mẹ rằng điều quan trọng mà con có thể học được chính là cách chấp nhận thất bại chứ không phải là hưởng thụ thành công. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng thành công, và nếu như bây giờ con sợ thất bại thì sau này con sẽ phải chịu nhiều thất bại hơn…”.

Tôi thực sự quá nhỏ để hiểu được thất bại quan trọng như thế nào. Dù sao, sau hôm đó, tôi cũng không còn thái độ chống đối với thầy giáo nữa. Tôi chịu tập cờ trong các giờ thể dục. Nhưng cuối cùng, năm đó, thầy đã không cử tôi đi thi. Tôi thấy cảm ơn thầy vì quyết định đó bởi có lẽ tôi chưa sẵn sàng.

Đến năm lớp 8, tôi dần thiện chí hơn trong việc tham gia đội tuyển cờ. Hội khỏe Phù Đổng thành phố năm đó, tôi đã làm được một điều kỳ diệu trong đời. Lần đầu tiên, tôi đứng dậy gọi trọng tài sau khi đã bị chiếu hết. Và lần đầu tiên tôi nói “Cháu thua rồi” một cách bình tĩnh và dõng dạc. Bình tĩnh đến nỗi tôi còn nhớ ra phải ngồi lại xếp cờ và không quên nở một nụ cười với đối thủ.

Chỉ nói một tiếng “thua” thôi mà tôi đã phải học mất 8 năm. Đến khi cờ đối với tôi không còn áp lực, không còn quan trọng, tôi mới nói được câu đó. Bài học ấy đã theo tôi cả cuộc đời, dạy cho tôi biết chấp nhận thất bại một cách vinh quang. Đến giờ, đôi khi nỗi sợ thất bại vẫn đè nặng lên suy nghĩ của tôi nhưng mỗi lần nghĩ về kỷ niệm đó, tôi lại dũng cảm để đối mặt và vượt qua.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc