Skip to main content

HỌ DƯƠNG VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC (04/16/2017)

Đăng ngày 16/04/2017 bởi Administrator

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam xét về mặt nhân chủng và huyết thống, là một tập hợp các tộc người mà ta quen gọi là dân tộc và dòng họ. Cho đến nay, các nhà dân tộc học đã xác minh, phân loại và lập danh mục 54 tộc người hay dân tộc. Còn số lượng các dòng họ ở Việt Nam thì quả thật chưa có một cuộc tổng điều tra đầy đủ.

Maurice Durand ước đoán có khoảng 250 dòng họ. Gần đây có người cho Việt Nam có đến 600 dòng họ, trong đó có khoảng 150 dòng họ lâu đời có lịch sử một vài nghìn năm. Theo một tính toán sơ bộ thì Việt Nam có đến khoảng 1.000 chi họ. Thực ra những con số đó chỉ có ý nghĩa phỏng đoán vì ngay cả xác định tiêu chí của một dòng họ vẫn còn những quan niệm khác nhau. Nói chung dòng họ được coi là một cộng đồng huyết thống, nên một qui định cổ truyền là các thành viên trong họ không được kết hôn với nhau. Tuy nhiên những họ của tộc người theo chế độ mẫu hệ và phụ hệ có sự khác nhau và quan hệ hôn nhân. Có người giữ quan niệm chặt chẽ khi công nhận một dòng họ hay khi nhận một chi họ là phải có gia phả xác định vị tổ chung và mối quan hệ giữa các chi phái. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các dòng họ không ngừng phân chi phái và có trường hợp vì lý do chính trị hay nhận làm con nuôi, con cháu thay đổi họ. Diễn trình của các dòng họ rất phức tạp. Vì vậy quan niệm giữ vai trò chi phối trước đây là việc nhận họ được tiến hành rất nghiêm túc. Nhưng xu hướng phổ biến hiện nay là căn cứ vào tên gọi đầu tiên của một họ để xác định là một họ, như họ Nguyễn, họ Lê, họ Phạm, họ Lý…Có thể tạm coi đây như là một “nhóm họ” hay có người gọi là “liên họ” cùng mang một tên gọi chung. Đó là chưa nói đến các dân tộc thiểu số, cộng đồng huyết thống mang nhiều đặc điểm khác nhau và chưa có hệ thống tên gọi như người Việt.
Họ Dương là một trong những dòng họ lâu đời và khá lớn, một trong 13 họ có số thành viên vào loại đông nhất ở Việt Nam, chiếm từ 1% dân số trở lên. Nhân vật mang họ Dương được ghi chép lần đầu trong sử sách là Dương Thanh, một thủ lĩnh quê ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh) cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Đường và chiếm giữ phủ thành An Nam năm 819 – 820. Đô Dương là một lão tướng của nghĩa quân Trưng Vương trấn giữ Cửu Chân (Thanh Hoá)j đã cùng Chu Bá kiên cường chống lại quân xâm lược Đông Hán năm 43 khi Mã Viện đã đánh bại cuộc khởi nghĩa, chiếm được Giao Chỉ và đem đại quân đánh vào này. Theo truyền thuyết về Hai Bà Trưng thì Đô Dương là Đô vật họ Dương. Tài liệu này cũng như thần tích xã Nại Tử, huyện Đan Phượng (Hà Nội) chép con Lạc tướng Chu Diên, chồng bà Trưng Trắc, là Dương Thi Sách, dĩ nhiên cần thẩm định và xác minh thêm.
Từ thế kỷ X, họ Dương nổi bật lên trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, giành và giữ độc lập dân tộc với tên tuổi của anh hùng Dương Đình Nghệ và nhân vật quan trọng Dương Tam Kha.
Trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam, họ Dương là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa nhất. Từ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời Lý cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 thời Nguyễn, trong tổng số 2.894 Tiến sĩ văn và 319 Tiến sĩ võ (thời Lê Trung Hưng goi là Tạo sĩ, thời Nguyễn gọi là Tiến sĩ võ), họ Dương có 50 Tiến sĩ văn và 7 Tiến sĩ võ, cộng 57 Tiến sĩ. Trong số đó, có Trạng Nguyên (Dương Phúc Tư, đỗ năm 1647) và một số Hoàng giáp, Đình nguyên.
Họ Dương có người tham gia triều chính, đóng góp vào công việc quản lý quốc gia, có người trở thành nhà văn hoá lỗi lạc của đất nước. Tiêu biểu là Dương Ban Bản và Dương Trực Nguyên.
Dương Ban Bản đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Giáp Thìn1484. Ông giữ nhiều chức tước cao trong triều đình từ đời vua Lê Thánh Tông đến đời vua Lê Tương Dực, được phong đến chức Thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư, Đông các họ sĩ kiêm Quốc tử giám Tế trửu, tri Kinh diên sự, tước Đôn Thư bá. Ông được cử soạn bài ký văn bia Tiến sĩ năm Hồng Thuận 3-1511, Giám thi kỳ thi Đình năm Hồng thuận 6 – 1515 và soạn bài “Tổng luận” đưa vào bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư”. Ông được ban quốc tính nên mang họ nhà vua và đổi tên là Tung nên sử chép là Lê Tung.
Dương Trực Nguyên đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Canh Tuất 1490, làm quan qua nhiều chức từ Hiến sát sứ Hải Dương đến Đô đình uý, Thị lang các Bộ, có thời gian làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên tức người đứng đầu chính quyền kinh thành Thăng Long. Ông là một văn thần nổi tiếng được tham gia hội Tao đàn như một trong “nhị thập bát tú” đời vua Lê Thánh Tông. Dương Trực Nguyên nổi tiếng là người thanh liêm, cương trực.
Con cháu họ Dương có nhiều người tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, có ngươờ được cử làm sứ thần sang phương Bắc để giao hảo hoặc để biện minh việc quốc gia trọng đại, có người có công bảo vệ vùng biên cương phía bắc (như Dương Tự Minh thời Lý).
Truyền thống yêu nước và hiếu học đó được các thế hệ con cháu họ Dương tiếp tục kế thừa và phát huy với những tên tuổi của Dương Khuê, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm thời cận đại và nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều nhà văn hoá, khoa học thời hiện đại.
Cống hiến của họ Dương trải dài cùng lịch sử Việt Nam nhưng biểu thị tập trung và tiêu biểu nhất là vào nửa đầu thế kỷ X trong bước chuyển biến mang tính bước ngoặt định đoạt của vận mệnh dân tộc.
Sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, từ cuối thế kỷ IX sang đầu thế kỷ X, nhà Đường suy sụp và chính quyền đô hộ ở An Nam gần như bị tê liệt. Tận dụng thời cơ đó, năm 905 một hào trưởng đất Hồng Châu (Hải Dương) đã nổi dậy giành chính quyền 4 . Không có tư liệu nào miêu tả cuộc nổi dậy của họ Khúc, nhưng căn cứ vào bối cảnh lịch sử đó, có thể suy đoán rằng nhân lúc chính quyền đô hộ suy yếu đến mức độ gần như tan rã, Khúc Thừa Dụ được sự ủng hộ của dân chúng đã vùng lên giành chính quyền, chiếm giữ phủ thành Đại La. Trong điều kiện lực lượng của chính quyền mới còn non trẻ, Khúc Thừa Dụ tự xưng Tiết độ sứ là một giải pháp chính trị- ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo để tránh đối đầu với phong kiến phương Bắc và tranh thủ thời gian xây dựng chính quyền, tăng cường lực lượng.
Liên quan đến sự kiện trọng đại này có hai vấn đề sử cũ chép không rõ ràng dẫn đến những quan niệm khác nhau trong giới khoa học hiện đại:
1). Sử cũ từ Đại Việt sử lược đến Đại Việt sử ký toàn thư đều chép người khởi đầu của chính quyền tự chủ, tự xưng Tiết chế là Khúc Hạo, không chép Khúc Thừa Dụ. Nhưng Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời Tống (Q.265, 16b) chép rõ: năm 906 gia hong cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình chương sự. Lê Quý Đôn đã đính chính và bổ khuyết việc này trong Vân đài loại ngữ (Nxb Văn hoá, 1962, T.I, tr. 155).
2). Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ Q.V, 17b) chép sự kiện họ Khúc nổi dậy vào năm 907. Tư trị thông giám đã cho biết năm 906, Khúc Thừa Dụ đã được phong làm Đồng bình chương sự.
Theo Tân Đường thư (Q.63, 12b-13a) và Đại Việt sử lược (Q.1, 13b) chép: Độc Cô Tổn là Tiết độ sứ cuối cùng ở An Nam, được nhà Đường cử sang năm 905 và chỉ mấy tháng bị gọi về nước, bị giáng chức và chết trong năm đó (Tư trị thông giám, Q.265, 7a). Vậy Khúc Thừa Dụ nổi dậy giành chính quyền xảy ra năm 905, chứ không phải năm 907 là năm nhà Đường diệt vong.
Năm 907 Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo nối nghiệp đã tiến hành những cải cách rất quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội theo mục tiêu “Chính sự cốt khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui” 5 . Lịch sử ghi nhận Khúc Thừa Dụ là người có công lớn đã dựng lên chính quyền độc lập và cùng với con là Khúc Hạo đã xây đắp, củng cố lực lượng dân tộc, mở đầu cho một giai đoạn đấu tranh quyết định chấm dứt hoàn toàn thời Bắc thuộc, giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Trong tình hình kinh tế xã hội thời cuối Bắc thuộc, ở nước ta tồn tại một tầng lớp thủ lĩnh địa phương mà trong sử thường chép là “hào trưởng”, “hào hữu”, “thổ hào”, “lệnh tộc”…, giữ vai trò chi phối chính trường lúc bấy giờ. Họ có tài sản khá lớn nhưng quyền lực chủ yếu là dựa trên uy tín, ảnh hưởng trong một vùng rộng lớn. Họ được dân chúng trong vùng qui phục, đóng góp cống phúc, lao dịch và ngược lại họ có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho dân chúng. Họ Khúc là một thủ lĩnh đất Hồng Châu. Khi giương cao ngọn cờ dân tộc, họ Khúc đã được nhiều thủ lĩnh yêu nước thần phục và góp phần phát triển lực lượng dân tộc. Trong số này có họ Ngô ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), họ Kiều ở Phong Châu (Phú Thọ, một phần Vĩnh Phúc), họ Đinh ở Hoa Lư (Ninh Bình), họ Lê ở Bối Lý (Đông Sơn, Thanh Hoá), họ Dương ở Dương Xá (Thiệu Hoá, Thanh Hoá)… Một thành công lớn của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo là đã tập hợp được các thủ lĩnh đó, không những củng cố chính quyền họ Khúc mà còn xây đắp và phát triển lực lượng dân tộc để đưa đất nước vượt qua nhiều thách thức ác liệt sau đó, chuẩn bị một tiền đề trọng yếu để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong lúc họ Khúc xây dựng chính quyền tự chủ thì tình hình Trung Quốc chuyển biến rất nhanh. Nhà Đường sụp đổi năm 907, khắp nơi các thế lực cát cứ trỗi dậy, hùng cứ từng vùng. Trung Quốc lâm vào cục diện Năm đời-Mười nước (Ngũ đại – Thập quốc). Miền Bắc 10 vương triều thay thế nhau cầm quyền. Miền Nam 10 nước cát cứ, trong đó nước Nam Hán của họ Lưu ở vùng Quảng Châu (Quảng Đông) là mối đe doạ trực tiếp nền độc lập nước ta. Năm 917 Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ lên thay làm Tiết độ sứ. Năm 930 vua Nam Hán sai tướng đánh chiếm lại Giao Châu, bắt Khúc Thừa Mỹ đem về nước. Chính quyền tự chủ họ Khúc đã thất bại trước cuộc chiến tranh xâm lược của Nam Hán và nguy cơ tái lập Bắc thuộc lại đặt ra trước vận mệnh dân tộc.
Nhưng trên cơ sở trưởng thành của lực lượng dân tộc, thủ lĩnh Dương Đình Nghệ  đã đứng ra đảm nhiệm sự nghiệp cứu nước. Trong các thủ lĩnh thì thế lực họ Dương ở Thanh Hoá là mạnh nhất. Dương Đình Nghệ là bộ tướng của Khúc Hạo, đã từng tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc. Khi Nam Hán xâm chiếm Giao Châu thì ông trở về quê hương, ra sức tập hợp lực lượng, thu nạp anh tài, liên kết với thủ lĩnh các nơi. Trung tâm của thế lực họ Dương là vùng Dương Xá, tên nôm là làng Ràng (hay Giàng), một làng mang tên họ Dương. Dương Đình Nghệ “lập cách báo thù cho họ Khúc, bèn đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ, đồng mưu với nhau đánh đuổi tướng Hán” 6 . Thủ lĩnh vùng Đường Lâm là Ngô Quyền đem lực lượng vào theo họ Dương và được Dương Đình Nghệ tin yêu gả con gái là Dương Như Ngọc cho. Đinh Công Trứ ở Hoa Lư cũng tìm về Dương Xá hợp lực. Chí hướng đánh đuổi quân Nam Hán và uy tín, ảnh hưởng của Dương Đình Nghệ lan toả khắp cả Giao Châu và công việc liên kết, tập hợp lực lượng đã nhanh chóng thành công. Họ Dương trở thành trung tâm đoàn kết các lực lượng dân tộc.
Năm 931 Dương Đình Nghệ đem đại quân ra vây đánh thành Đại La đang bị quân Nam Hán chiếm đóng. Thành Đại La đã qua nhiều lần xây dựng và cuối cùng do Cao Biền mở mang, là một toà thành kiên cố, chu vi gần 6km, cao gân 8m, trên thành có nữ tường (tường nhỏ trên mặt thành) cao hơn 1,5m, quanh thành có 55 địch lâu (lầu quan sát địch), 5 môn lâu (lầu trên cổng), 6 ủng môn (cửa bảo vệ bên ngoài cổng thành), 34 đạp đạo (đường lên xuống thành), ngoài đắp đê bảo vệ dài hơn 6km. Năm 2002 – 2004, khảo cổ học phát lộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu, đã tìm thấy dấu tích thành Đại La ở tầng văn hoá sâu nhất. Tấn công một toà thành như vậy chắc chắn rất khó và đòi hỏi phải có binh lực mạnh, chỉ huy giỏi. Nhà thờ họ Dương ở Dương Xá còn lưu truyền một câu đối ca ngợi chủ soái Dương Đình Nghệ và khí thế ba quân:
Dưỡng tam thiên nghĩa sĩ phục thù, hằng hằn kinh khí.
Chưởng bát vạn hùng binh xuất trận, lẫm lẫm uy danh.
(Nuôi ba nghìn nghĩa sĩ phục thù, bừng bừng dũng khí,
Cầm tám vạn hùng binh xuất trận, lẫm lẫm uy danh).
Vua Nam Hán phải cử tướng đem quân sang cứu viện, nhưng chưa đến nơi thì thành Đại La đã bị hạ và quân cứu viện cũng bị đánh tan, chủ tướng bị giết chết. Công lao lớn của Dương Đình Nghệ là đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nam Hán, một lần nữa giải phóng đất nước, kế tục họ Khúc giành và giữ vững chính quyền tự chủ.
Dương Đình Nghệ vẫn tự xưng là Tiết độ sứ, đóng trị sở ở thành Đại La và ra sức củng cố chính quyền, phát triển lực lượng quốc phòng. Nguy cơ xâm lược của nam Hán vẫn còn, nên Dương Đình Nghệ đặc biệt lo củng cố hậu phương phía Nam từ châu Ái trở vào. Ngô Quyền được giao trọng trách cai quản châu Ái là quê hương họ Dương và cũng là căn cứ trọng yếu nhất trong bố phòng lực lượng chống xâm lược. Đinh Công Trứ được của làm Thứ sử Hoan Châu (Nghệ Tĩnh). Các thủ lĩnh địa phương vẫn cai quản các vùng và sẵn sàng phối hợp với nhau. Mối quan hệ giữa các thủ lĩnh địa phương với chính quyền trung ương diễn biến phức tạp, khi lợi ích dân tộc bị đe doạ thì liên kết với nhau, nhưng vẫn tồn tại xu hướng cát cứ, tranh giành quyền lực nhất là khi quân xâm lược đã bị đánh đuổi ra khỏi nước. Chính từ xu hướng và tham vọng này, năm 937 thủ lĩnh Kiều Công Tiễn đã giết hại Dương Đình Nghệ để âm mưu đoạt quyền.
Trước biến loạn đang tạo cơ hội cho Nam Hán tái xâm lược, Ngô Quyền là bộ tướng thân tín và tài ba nhất của họ Dương đã đứng ra lo liệu việc nước, kế tục và phát triển sự nghiệp cứu nước của họ Khúc, họ Dương. Hành động phản bội của thủ lĩnh họ Kiều và âm mưu cầu cứu Nam Hán đã tạo nên một tình thế mới: các thủ lĩnh và các tầng lớp nhân dân yêu nước lại bừng lên khí thế chống tên phản bội và chống ngoại xâm, ra sức liên kết lại dưới quyền tổ chức của Ngô Quyền. Sau khi đã tập hợp lực lượng, năm 938 Ngô Quyền nhanh chóng diệt trừ Kiều Công Tiễn và khẩn chương chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ hai. cuối năm 938 trên cửa sông Bạch Đằng đã diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán do Ngô Quyền lãnh đạo. Tận dụng địa hình sông nước và chế độ thuỷ triều của vùng này, Ngô Quyền đã bày sẵn một trận địa cực kỳ lợi hại, phối hợp giữa trận địa mai phục của quân thuỷ bộ bố trí hai bên bờ, trên các đảo với bãi cọc đầu bịt sắt ở cửa sông để chặn đứng thuyền quân địch khi rút chạy. Theo kế hoạch định sẵn, quân ta dử địch vào trận địa khi nước triều lên và phản công đánh tan khi nước triều xuống. Chỉ trong vòng một ngày, giữa hai con nước triều lên và xuống, Ngô Quyền đã chặn đứng và đánh tan đạo binh thuyền mạnh của Nam Hán, tiêu diệt đại bộ phận và giết chết chủ soái Lưu Hoàng Thao là thái tử con vua Nam Hán, tại trận. Nhiều nhà sử học coi trận Bạch Đằng năm 938 là trận chung kết toàn thắng của dân tộc trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống nền Bắc thuộc, giành lại độc lập dân tộc. Sau chiến thắng lịch sử này, Ngô Quyền xưng vương hiệu, công khai tuyên bố nền độc lập và đóng đô ở Cổ Loa, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài trong lịch sử dân tộc.
Như vậy là trong 33 năm từ năm 905 khi Khúc Thừa Dụ dựng nền tự chủ cho đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo, giành lại trọn vẹn non sông đất nước và chủ quyền quốc gia, con đường kết thúc thời Bắc thuộc kéo dài 33 năm. Trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt và mang tính định đoạt này, nổi bật lên ba nhân vật lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí, tài năng và sức mạnh dân tộc là Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền.
Ngô Quyền với chiến công Bạch Đằng vang dội đã sớm được tôn vinh là “vị tổ trung hưng” của dân tộc như lời Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX 7  hay là anh hùng dân tộc như quan niệm của các nhà sử học hiện đại. Đó là sự nhìn nhận và tôn vinh hoàn toàn xác đáng.
Còn hai nhân vật Khúc Thừa Dụ và Dương Đình Nghệ quả thật chưa được tôn vinh một cách xứng đáng. Gần đây trong hội thảo khoa học và trên tạp chí khoa học, vấn đề này đã được nêu lên và sớm nhận được sự đồng tình cao của giới khoa học và dư luận xã hội.
Khúc Thừa Dụ cần được tôn vinh là anh hùng dân tộc đã có công giành lại chính quyền tự chủ, phát động và tập hợp lực lượng dân tộc, đặt cơ sở cho cuộc đấu tranh tiến tới độc lập hoàn toàn.
Dương Đình Nghệ càng phải được tôn vinh là anh hùng dân tộc đã tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ nhất, giành lại chính quyền tự chủ và tiếp tục phát triển lực lượng dân tộc, chuẩn bị trực tiếp cho Ngô Quyền hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong công lao và sự nghiệp của Dương Đình Nghệ, có sự tham gia của nhiều con cháu họ Dương, đặc biệt là Dương Tam Kha trong cả hai cuộc kháng chiến chống Nam Hán và trong phò tá triều Ngô. Họ Dương lúc đó là thế lực mang tinh thần dân tộc mạnh nhất, giữ vai trò trung tâm tập hợp lực lượng nhân dân và các thủ lĩnh địa phương, tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc và tạo dựng lực lượng cho họ Ngô, gần như một vạch nối liền các thế lực yêu nước và xuyên suốt cả giai đoạn 33 năm, rồi còn tiếp tục trong giai đoạn Ngô – Đinh – Tiền Lê sau đấy.
Trong các cống hiến của họ Dương trong lịch sử dân tộc thì những cống hiến trong cuộc đấu tranh kết thúc thời Bắc thuộc giành lại độc lập dân tộc vào nửa đầu thế kỷ X là lớn lao nhất. Lịch sử mãi mãi ghi nhận những cống hiến đó và con cháu họ Dương có quyền tự hào chính đáng về tổ tiên và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc