Skip to main content

HLV cờ vua có nhiều học trò thành đạt (03/04/2014)

Đăng ngày 04/03/2014 bởi Administrator

Một lãnh đạo Liên đoàn Cờ Việt Nam trước đây nói: “Lê Thanh Tú là trường hợp duy nhất của cờ Vua Việt Nam không một ngày tập huấn hoặc học tập ở nước ngoài mà đạt chuẩn Đại Kiện tướng Quốc tế. Người tạo nên một Thanh Tú “có 1 không 2” ấy chính là HLV Nguyễn Minh Thắng”.

Anh Thắng đến với cờ Vua hoàn toàn bằng con đường tự học. Khi còn thơ, cậu bé Thắng rất ham thích môn cờ Tướng, hễ có thời gian rỗi là sa ngay vào các bàn cờ của các cụ ở hè phố. Xem rồi chơi mà đối thủ chính là các cụ.

Có lần thua đau quá, Thắng đến một cửa hàng sách để tìm mua một cuốn sách dạy đánh cờ Tướng về nghiên cứu. Mấy hôm sau chính cụ già chiến thắng ấy đã trở thành bại tướng của cậu. Những cụ khác cũng lần lượt thất bại. Họ hết sức ngạc nhiên nhưng không hiểu tại sao chỉ trong vài ngày mà cậu lại tiến bộ nhanh như thế.

HLV nguyen minh thang 4

Sau khi tốt nghiệp PTTH, Thắng vào Đại học TDTT Từ Sơn học chuyên về bóng đá và bắt đầu chơi cờ Vua. Lúc đó Trường ĐH TDTT chưa có Bộ môn cờ Vua nên Thắng phải tự kiếm tài liệu nghiên cứu và càng nghiên cứu càng ham, chỉ ít lâu sau anh đã không có đối thủ trong trường.

Khi tốt nghiệp, anh mạnh dạn đề nghị với nhà trường giữ anh lại để anh thành lập Bộ môn cờ Vua. Đa số người có trách nhiệm về chuyên môn phản đối “chuyện điên rồ” này vì anh chưa một ngày qua một trường chính quy dạy cờ Vua. Thế nhưng ông Hiệu trưởng đã chấp nhận và bật đèn xanh cho anh.

Bộ môn Cờ Vua do anh “sáng lập” đã tồn tại đến ngày nay với đầy đủ giáo trình, giáo án của một trường Đại học TDTT chính quy ở nước ngoài và một lực lượng giảng viên có chất lượng. Anh công tác ở trường 5 năm, giảng dạy 7 khoá, sau đó được Liên đoàn Cờ Việt Nam rút về công tác ở văn phòng.

Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã đề nghị với các nhà lãnh đạo Liên đoàn thành lập tạp chí Người chơi cờ. Nhận được cái gật đầu của họ, anh lao vào công việc. Tạp chí đã ra mắt với thời gian khá nhanh, được đánh giá là có chất lượng chuyên môn tốt. Anh là Thư ký toà soạn nhưng lại đảm nhiệm tất cả công việc từ A đến Z để mỗi tháng có 1 số ra đời.

2 năm chí thú cùng tạp chí Người chơi cờ, anh vẫn không quên tự “tu nghiệp” để củng cố kiến thức. Khi bàn giao tạp chí cho người khác để trở về với công tác chuyên môn, anh đã được một số địa phương mời làm HLV.

Anh huấn luyện đội tuyển trẻ Hà Bắc trong 5 năm và tất cả các học trò của anh đều có Huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải trẻ toàn quốc. Riêng với Ninh Bình, anh là HLV đội tuyển trẻ của tỉnh này từ năm 1994 đến nay. Điều lạ lùng nhất là ở đội Hà Bắc đến đội Ninh Bình, trong suốt 18 năm các học trò đều ăn, ở và tập luyện tại nhà anh.

Hàng ngày anh công tác 8 tiếng ở Liên đoàn Cờ VN nên chỉ đến tối anh mới có thời gian huấn luyện. Các học trò của anh cũng chỉ có thời gian đó mới có thể ngồi vào bàn cờ. Ban ngày họ đều phải đến trường học văn hoá theo chương trình phổ thông.

Nói về việc dạy cờ theo kiểu các ông đồ ngày xưa (trò đến nhà thày học), anh nói: “Không dễ mà ngành TDTT tỉnh và gia đình gửi con em họ dài ngày cho tôi. Phải có sự tin tưởng tuyệt đối họ mới dám giao. Sự tin tưởng ấy là sau khi học hết chương trình phổ thông, tất cả các VĐV đều vào các trường Đại học danh giá với số điểm rất cao và họ đều có huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải.

Trong thời buổi học thêm đang là trào lưu và không phải ai “học gạo” đều đậu thì các VĐV cờ Vua thi đâu đậu đấy chính là điều mà các gia đình mong muốn còn các nhà lãnh đạo thể thao tỉnh thì VĐV của họ có huy chương là ok rồi”.

Trong số các học trò, có 2 người anh cho là kiệt xuất. Người thứ nhất là Võ Viết Dũng, cháu nội của ông Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Võ Viết Dũng học cờ Vua khi 4 tuổi, khi còn chưa biết chữ. Khi 5 tuổi, Dũng tham gia giải Vô địch cờ Vua Đông Nam Á lứa tuổi dưới 8 tổ chức tại Malaysia và giành HCB cá nhân, HCV đồng đội.

Năm sau, Dũng lại tham gia giải cờ Vua Đông Nam Á U8 và lặp lại thành tích năm trước với HCB Cá nhân, HCV đồng đội. Cả 2 cuộc thi đấu này Dũng đều đi với chế độ tự túc kinh phí.

Anh Thắng nhận xét về cậu học trò nhí của mình: “Kém 2-3 tuổi đối với lứa tuổi dưới 10 là có sự cách biệt một trời một vực về chuyên môn, vậy nhưng Dũng luôn chơi bình đẳng với các đàn anh và có nhiều trận thắng khiến các HLV vây xung quanh phải… rụng tim. Sau chiến thắng ở giải Đông Nam Á, Dũng vào học lớp 1 và gia đình hướng Dũng vào con đường học hành.

Tôi rất tiếc nhưng không làm thế nào được vì ý gia đình là ý… trời. Nếu Dũng tiếp tục theo học cờ Vua, tôi dám chắc tương lai của Dũng còn sáng hơn Nguyễn Ngọc Trường Sơn vì Trường Sơn không có HLV đi kèm thường xuyên, sang Hungaria học được chữ nào biết chữ ấy thôi, khó tiến xa lắm”.

Học trò cưng thứ 2 của anh là Lê Thanh Tú. Thanh Tú là thành viên của Đội tuyển Hà Nội. Thành tích cao nhất của Thanh Tú là tấm HCĐ thế giới lứa tuổi U14 (1999), các giải trong nước không có gì đáng kể. Năm 2005 Thanh Tú chuyển sang tập luyện và thi đấu cho đội Ninh Bình và anh Thắng trở thành HLV của Tú.

HLV nguyen minh thang

 

Hơn 1 năm dưới sự huấn luyện của anh, Thanh Tú đã tham gia rất thành công ở giải 3.3 gồm các nước Đông Nam Á và một số nước châu Á như Mông Cổ với Đại kiện tướng quốc tế Monggotun tài ba.

Giải này sẽ chọn VĐV vô địch để tham gia VCK giải Cờ vua thế giới 2008 tổ chức tại Argentina. Thanh Tú đã toàn thắng, không chỉ giành tấm vé duy nhất đi dự VCK giải Vô địch thế giới 2008 mà còn giành 2 chuẩn Đại kiện tướng quốc tế.

Ngay sau giải 3.3, Thanh Tú dự giải đồng đội nữ thế giới tại Nga và lại giành thêm 1 chuẩn ĐKTQT. Vẫn chưa hết, sau giải này, tại giải Vô địch châu Á tổ chức tại Iran, Thanh Tú lại giành thêm 1 chuẩn ĐKTQT nữa.

Trong 1 năm mà giành đến 4 chuẩn ĐKTQT, không chỉ ở Việt Nam mà ngay ở thế giới cũng là chuyện rất hiếm”, Chánh văn phòng Liên đoàn Cờ VN Đỗ Đình Giang hào hứng nhận xét.

Cả 3 giải quốc tế mà các kỳ thủ đều thuộc loại “cực mạnh” này, anh Thắng luôn đi cùng Thanh Tú và là một trong những nhân tố quan trọng trong việc chuẩn bị chuyên môn để Thanh Tú giành thắng lợi.

Có một điều ít người biết là suốt 2 năm làm trò của anh Thắng, Thanh Tú cũng chỉ học cờ vào buổi tối vì ban ngày Tú bận học ở Học viện Tài chính.

Thanh Tú thừa nhận thành công của mình có công lao rất lớn của anh Thắng: “Nếu gặp thầy Thắng sớm hơn, chắc chắn Tú sẽ thành công nhanh hơn nữa”.

Anh Thắng và Thanh Tú đang gấp rút chuẩn bị cho VCK giải VĐTG 2008. “Chúng tôi rất phấn khởi và tự tin”, người đặc biệt của cờ Vua Việt Nam chỉ đơn giản nói vậy khi được hỏi về giải đấu để đời.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc