Skip to main content

Hiệu phó Đại học Kinh tế: Ba nguyên nhân dẫn đến ‘tiến sĩ giấy’ (05/12/2016)

Đăng ngày 12/05/2016 bởi Administrator
“Nhiều người coi bản luận án là sản phẩm chính của đào tạo tiến sĩ. Trong khi giá trị của quá trình đào tạo không nằm ở bản luận án mà phải ở tri thức và năng lực của người nhận học vị tiến sĩ”, PGS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với VnExpress.
– Chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay bị đánh giá là thấp, theo ông nguyên nhân do đâu?

– Đánh giá chung chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam còn thấp, tuy nhiên không phải là toàn bộ đều thấp. Có rất nhiều nguyên nhân, song theo tôi có 3 nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, quan niệm về đào tạo tiến sĩ chưa được hiểu một cách thấu đáo. Nhiều người coi bản luận án là sản phẩm chính của đào tạo tiến sĩ nên miễn làm thế nào nghiên cứu sinh có được bản luận án trình ra hội đồng và bảo vệ thành công thì người đó được công nhận tiến sĩ. Quan niệm này dẫn đến sai lầm trong chương trình đào tạo tiến sĩ không hướng nghiên cứu sinh vào các hoạt động đào tạo để rèn luyện hình thành các tố chất, năng lực của một nhà nghiên cứu mà chỉ quan tâm mỗi việc làm thế nào để nghiên cứu sinh viết xong bản luận án.

Sản phẩm của quá trình đào tạo này cho thấy người được nhận bằng tiến sĩ chỉ khác người chưa có bằng ở chỗ đã viết ra được “một tập báo cáo dầy” có kết cấu, nội dung như một luận án tiến sĩ. Bản luận án dạng này thường có phần sao chép có chọn lọc các nội dung thuộc về lý luận từ giáo trình hoặc các tài liệu nghiên cứu khác; phần đánh giá thực trạng là kết quả tổng hợp từ các báo cáo tổng kết có thêm lời bình luận, so sánh; phần giải pháp là tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị có liên quan đến nội dung nghiên cứu mà thực chất có thể dễ dàng tìm được ở đâu đó, không loại trừ cả từ Google.

Những người nhận được bằng tiến sĩ dựa vào có bản luận án như thế xứng đáng được gọi là tiến sĩ giấy. Đó là chưa kể đến nghiên cứu sinh thể có nhờ người khác viết hộ mình “tập báo cáo” này thì cũng không khác nhau mấy so với nghiên cứu sinh tự viết ra nó. Giá trị của quá trình đào tạo không nằm ở bản luận án tiến sĩ mà phải ở tri thức và năng lực của người nhận học vị tiến sĩ.

e1-ba-a3nh-20Ho-c3-a0ng-20Van-8600-3340-
PGS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thứ hai, do không hiểu đúng mục tiêu của đào tạo tiến sĩ dẫn đến người hướng dẫn tiến sĩ cũng không làm đúng chức năng của người hướng dẫn khoa học, thậm chí làm triệt tiêu động lực nghiên cứu sáng tạo của nghiên cứu sinh.

Người hướng dẫn tiến sĩ được gọi là người hướng dẫn khoa học có vai trò giúp nghiên cứu sinh tìm hướng đi, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc gặp phải trong quá trình nghiên cứu, đôi khi đóng vai trò là người phản biện các ý tưởng của nghiên cứu sinh. Người hướng dẫn khoa học không thể biết hết tất cả những thứ mà nghiên cứu sinh đang nghiên cứu vì nếu tất cả đã biết hết thì những cái đó không còn giá trị cho luận án tiến sĩ. Vì vậy, người hướng dẫn khoa học phải chỉ dẫn, trợ giúp về khoa học, khích lệ cho nghiên cứu sinh nghiên cứu tìm đến cái mới.

Trên thực tế không ít thầy hướng dẫn coi mình là người biết tất cả mọi thứ, nếu nghiên cứu sinh muốn đề cập đến vấn đề gì mới mà thầy chưa biết thì đều là không đúng. Quá trình nghiên cứu chỉ khép kín giữa trò và thầy hướng dẫn, nghiên cứu sinh không được cọ xát với môi trường nghiên cứu, không được tiếp nhận các ý kiến đánh giá phản biện bên ngoài và cũng không có cơ hội để phản biện, tranh luận khoa học. Thậm chí có thầy hướng dẫn vẫn tự hào rằng mình chỉ cần ngồi một buổi đọc cho nghiên cứu sinh chép mỏi tay tất cả dàn ý chi tiết của bản luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cứ thế về tìm tư liệu cắt ghép vào thế là xong. Đây là nguyên nhân đang kìm hãm đào tạo tiến sĩ ở nước ta.

Thứ ba, trong các văn bản nghị quyết vẫn đặt giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng chính sách của Nhà nước lại không quan tâm đến đào tạo tiến sĩ trong nước. Trong đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là đề án 911), Nhà nước sẵn sàng bỏ ra 15.000 USD mỗi năm và các loại phí bắt buộc liên quan đến chương trình học tập, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, vé máy bay quốc tế tương đương hàng tỷ đồng mỗi năm cho một nghiên cứu sinh đi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Nhưng cùng Đề án 911 nếu nghiên cứu sinh làm tiến sĩ trong nước thì chỉ được đầu tư 10 triệu đồng mỗi năm. Vậy phải chăng chúng ta đã tự coi tiến sĩ trong nước là bèo bọt?

Năm 2012, tôi từng nêu vấn đề này trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, và đề xuất nếu đào tạo tiến sĩ ở những trường có uy tín ở trong nước cũng được đầu tư mức kinh phí tương đương như cho nghiên cứu sinh đi làm ở nước ngoài thì tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sau khoảng 5 năm, chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước không thua kém nghiên cứu sinh nước ngoài. Nghiên cứu sinh sẽ có đủ khả năng nghiên cứu và công bố các bài báo quốc tế, tham gia các hội thảo quốc tế và quan trọng nhất là chất lượng và năng lực đào tạo của của các trường sẽ được nâng lên.

– Hiện có nhiều quan điểm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Từng nhiều năm là Viện trưởng Đào tạo Sau đại học, đóng góp vào việc đổi mới hệ đào tạo này của Đại học Kinh tế Quốc dân, theo ông, đào tạo tiến sĩ nên hướng đến đối tượng nào?

– Đúng là hiện nay có nhiều cách hiểu về đào tạo tiến sĩ, song có thể chia thành hai quan điểm tương đối khác biệt như sau:

Quan điểm thứ nhất, đào tạo tiến sĩ là đào tạo ra các nhà khoa học chủ yếu phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Luận án tiến sĩ chủ yếu đặt mục tiêu vào nghiên cứu phát triển lý thuyết và có tính học thuật (academic), không đi vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Quan điểm này rất phổ biến trong giới nghiên cứu, học thuật và ở các nước phát triển, như bài viết của giáo sư Trần Văn Thọ.

Quan điểm thứ hai, luận án tiến sĩ phải giải quyết được những vấn đề lớn đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống như năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cải tạo các khu chung cư cũ, giải quyết ùn tắc giao thông đô thị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tôi thấy quan điểm thứ nhất là phù hợp khi quan niệm đào tạo tiến sĩ là đào tạo ra các nhà khoa học có đủ năng lực độc lập nghiên cứu, phê phán khoa học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Luận án tiến sĩ cũng chủ yếu mang tính học thuật đi vào nghiên cứu phát triển các khung lý thuyết, có thể không cần dựa vào các kiểm chứng thực tiễn mà chủ yếu dựa vào các chứng cứ khoa học của các nghiên cứu trước đó để lập luận và dùng các phương pháp khoa học để tìm ra những phát hiện mới mang tính lý thuyết, học thuật. Những người nghiên cứu theo con đường này khi hoàn thành và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sẽ được nhận bằng tiến sĩ khoa học (Doctor of Philosophy, thường viết tắt là Ph.D).

Tuy nhiên, trên thế giới cũng đang tồn tại song song quan điểm thứ hai về đào tạo tiến sĩ không phải chỉ nhằm hướng vào đối tượng là các giảng viên và những người làm công tác nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, mà cả một số vị trí công việc trong kinh doanh, quản lý xã hội cũng cần có trình độ tiến sĩ.

Cách đây 9 năm, khi tham gia hội thảo về đào tạo tiến sĩ tại Đại học Kinh tế Quốc dân, giáo sư Maheswaran của Đại học New York đã chia sẻ rằng có những chương trình đào tạo tiến sĩ có thể mang kiến thức áp dụng vào thế giới kinh doanh, những công việc tư vấn hoặc quản lý. Đối với chương trình này, luận án tiến sĩ thường đi vào nghiên cứu giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ trực tiếp cho các nhà quản lý ra các quyết định giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tế một cách có căn cứ, cơ sở khoa học. Điển hình của mô hình đào tạo tiến sĩ theo hướng này là chương trình đào tạo tiến sĩ ứng dụng DBA (Doctor of Business Administration) cũng khá thịnh hành ở nhiều trường trên thế giới.

Vì vậy tôi cho rằng cả hai mô hình đào tạo tiến sĩ đều cùng tồn tại và đối tượng đào tạo tiến sĩ cũng không hẳn chỉ bao gồm những người làm công tác giảng dạy và chuyên nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ở các nước phát triển và những trường đại học theo định hướng nghiên cứu thì chương trình Ph.D sẽ phổ biến hơn, ngược lại ở các nước đang phát triển và những trường đại học thiên về định hướng ứng dụng thì DBA sẽ có ưu thế.

Một điểm chung là dù đào tạo theo mô hình Ph.D hay DBA thì người được nhận bằng tiến sĩ đều phải đạt đến chuẩn chung thống nhất của người có trình độ tiến sĩ. Như vậy, những hạn chế trong chất lượng đào tạo tiến sĩ không phải do mục tiêu, đối tượng đào tạo mà do quy trình đào tạo và các tiêu chuẩn đánh giá không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

– Vậy quy trình đào tạo và tiêu chuẩn đánh giá đối với đào tạo tiến sĩ phải như thế nào?  

 Điểm chung của các chương trình đào tạo tiến sĩ là đào tạo ra những người có am hiểu sâu sắc lý thuyết chuyên ngành và làm chủ được các phương pháp nghiên cứu để vận dụng lý thuyết vào giải quyết các mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Muốn vậy việc đầu tiên các nghiên cứu sinh phải vượt qua là nghiên cứu tổng quan để giúp có đủ kiến thức hiểu biết hết những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực mình dự định nghiên cứu. Nghiên cứu tổng quan giúp cho nghiên cứu sinh nắm được hết “Đông Tây Kim Cổ” những vấn đề có liên quan đến chuyên sâu mình nghiên cứu.

Qua nghiên cứu tổng quan, nghiên cứu sinh sẽ được thực hành phân tích, đánh giá phê phán khoa học và tìm ra những “khoảng trống” chưa có người đặt chân vào nghiên cứu. Đó chính là cơ sở để xác định đề tài và đặt ra các câu hỏi cho nghiên cứu.

Mục tiêu của luận án là đi tìm cách trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra và kết quả các câu trả lời chính là các giá trị đóng góp mới của luận án mang lại. Để trả lời được các câu hỏi một cách có căn cứ, cơ sở khoa học chắc chắn, nghiên cứu sinh phải được học về phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như tham khảo các phương pháp của những nhà nghiên cứu trước khi đọc tổng quan.

Quá trình nghiên cứu viết luận án chính là quá trình nghiên cứu sinh phải thực hành vận dụng các phương pháp nghiên cứu, thu thập dữ liệu, chứng cứ để chứng minh, tìm ra đáp án cho các câu hỏi đặt ra. Trong suốt quá trình này, nghiên cứu sinh phải thường xuyên tham gia các hội thảo, trao đổi khoa học, báo cáo, trình bày từng phần ý tưởng và kết quả nghiên cứu của mình trước các nhà khoa học để nhận được các ý kiến phê phán, phản biện và tự mình phải có đủ lập luận, chứng cứ khoa học để bảo vệ các ý tưởng và kết quả nghiên cứu của mình. Đây chính là quá trình rèn luyện để hình thành các kỹ năng và năng lực nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh.

Luận án tiến sĩ thực chất là một bản ghi chép chắt lọc lại bằng ngôn từ khoa học toàn bộ quá trình và kết quả nghiên cứu đó. Vì vậy, sản phẩm của quá trình đào tạo tiến sĩ không phải là bản luận án tiến sĩ mà là những nghiên cứu sinh đã tích lũy đủ các tố chất của một nhà nghiên cứu khoa học ở trình độ tiến sĩ. Luận án chỉ là bằng chứng chứng minh người nhận học vị tiến sĩ đã tích lũy đủ các tố chất và năng lực của của một nhà khoa học.

Điểm khác nhau giữa Ph.D và DBA chính là ở câu hỏi đặt ra làm đề bài cho nghiên cứu sinh thực hành nghiên cứu. Đối với Ph.D đó là những câu hỏi nhằm làm kín các khoảng trống về mặt lý thuyết, mang giá trị học thuật còn DBA là những câu hỏi nhằm làm kín các khoảng trống về các vấn đề đặt ra trên thực tiễn và mang giá trị ứng dụng thực tế.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc