Skip to main content

Hai hướng tiếp cận cờ vua học đường (09/08/2022)

Đăng ngày 08/09/2022 bởi Administrator

“Cờ vua là một hình thức trò chơi, trong nội dung của nó là nghệ thuật và trong sự khó khăn của việc làm chủ trò chơi đó là khoa học”. “Sẽ không có ai tiếc vì đã giành thời gian cho cờ vua, nó sẽ có ích cho chúng ta trong bất kỳ ngành nghề nào”. Tigran Vartanovich Petrosian, nhà vô địch cờ vua thế giới thứ chín.

Nhiều nhà lý thuyết, nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, chuyên gia cờ vua và người yêu cờ khi nghĩ về câu hỏi tại sao trò chơi cờ vua lại thu hút một lượng lớn người chơi từ nhiều quốc gia, ngành nghề, tính cách khác nhau đã đi đến kết luận rằng cờ vua là một hiện tượng đa chiều, đa dạng và mỗi người chơi đều có thể tìm thấy và rút ra được một điều gì đó bổ ích cho chính mình. Cờ vua là một sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật, khoa học và thể thao. Do đó, nhà vô địch cờ vua thế giới thứ sáu M. Botvinnik, khi phân tích tính hai mặt của cờ vua, thể thao và nghệ thuật, đã đi đến kết luận rằng, trò chơi này là một loại nghệ thuật đặc biệt: “Nghệ thuật cờ vua là một trong những hình thức nghệ thuật thể hiện khía cạnh tư duy logic của con người” [1]. Ngày nay, cờ vua đã thực sự bước vào đời sống tinh thần của chúng ta, và với vai trò là một môn thể thao, nó đã hoàn thành đầy đủ các chức năng văn hóa và giáo dục. Sự ra đời của hệ thống các hệ số độc lập đã củng cố vị trí của cờ vua như một môn thể thao, trong đó thành tích được tính bằng điểm. Một người chơi cờ phải giải quyết các vấn đề phức tạp trên bàn cờ, cách tư duy của anh ta đòi hỏi một phương pháp và tính nhất quán nhất định. Điều này tạo nên tính khoa học cho cờ vua. Như đã biết rằng, cờ vua đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của các nhà khoa học lớn, nó thúc đẩy quá trình mang đến những khám phá khoa học. “Cờ vua như một mô hình cuộc sống thu nhỏ” là tựa sách cuối cùng trong số những cuốn sách đã xuất bản của nhà vô địch cờ vua thế giới thứ 13 Garry Kasparov. Quyển sách đã mô tả quá trình hình thành suy nghĩ và tính cách của một người, cách mà nó quyết định của sống của chúng ta và cách đời sống xã hội được phản ánh trong nó. Trong chương “Thể thao, nghệ thuật, khoa học”, Kasparov đã viết: “Cờ vua là một lĩnh vực tri thức độc đáo, một lĩnh vực mà khoa học và nghệ thuật được kết hợp trong hình hài của một con người, sau đó được mài giũa và hoàn thiện trong quá trình tích lũy kinh nghiệm” [2].

Trong những năm gần đây, chúng ta đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc thúc đẩy đưa cờ vua vào hệ thống giáo dục. Năm 2012, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Tuyên bố “Cờ vua trong học đường”, trong đó, cờ vua được hiểu là một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục và môn học thuật đầy triển vọng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng từ đầu thế kỷ 19, việc dạy cờ vua đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở một số quốc gia. Theo đó, vào nào 1815, cờ vua đã được công bố là một môn học bắt buộc tại Học viện Quân sự của Quân đội Đan Mạch tại Copenhagen. Giải thích cho quyết định này, người đứng đầu Học viện đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ quốc phòng rằng “một trò chơi trong đó có khoảng 72.000 cách khác nhau để thực hiện hai nước đi khai cuộc không thể không hữu ích cho các sĩ quan tương lai về việc phát triển khả năng phản ứng nhanh trước những tình huống thay đổi nhanh chóng” [3]. Hình mẫu của Đan Mạch được nước Phổ cùng một số quốc gia khác học tập, trong đó bao gồm cả Argentina. Tại đó Bộ trưởng Bộ quốc phòng vào năm 1914 đã giới thiệu việc dạy cờ vua trong chương trình giảng dạy của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang của đất nước này. Một điều đáng chú ý là từ năm 1823, việc dạy cờ vua từ lớp 3 đã được đề xuất tại một trường học ở làng cờ Ströbeck. Thomas Cohen, một triết gia người Anh vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, đã nói về tính khả thi của việc đưa cờ vua vào môi trường học đường trong “Tuyển tập lời khuyên dành cho học sinh về cách bảo vệ sức khỏe và bổ sung kiến thức”: “Một trò chơi cổ với tên gọi “cờ vua” xứng đáng với những từ ngữ tâng bốc nhất. Đây là một bài tập hữu ích cho tâm trí, giúp phát triển tính nhất quán của lý luận và hành động đồng thời giúp cho việc tìm hiểu các hiện tượng trong mối quan hệ tổng hợp. Khi mà trong mỗi căn phòng của học sinh có thể tìm thấy một bàn cờ và các quân cờ, người ta có thể hy vọng rằng, theo thời gian, sự nghèo nàn thường trực trong trí tuệ của đất nước sẽ biến mất ở Anh” [3].

Vào năm 1994, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa cờ vua vào chương trình dạy học Liên bang như một môn học tự chọn, sẽ được giảng dạy bởi các giáo viên tiểu học. Sau đó, vấn đề đưa cờ vua vào chương trình đào tạo, chủ yếu ở bậc tiểu học, được đặt ra. Đáng chú ý là, việc đưa chương trình phổ cập cờ vua nhận được những ý kiến phản ứng tích cực từ những người chơi cờ cũng như các nhà khoa học. Theo đó, huấn luyện viên công huân của Liên Xô Alexander Nikitin đã nói: “Cờ vua, tất nhiên, sẽ hữu ích với vai trò là một môn học mà trong quá trình nghiên cứu nó, hiệu quả tư duy của trẻ sẽ tăng lên” [4]. Khoa Tâm lý học sư phạm tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm với các học sinh, kết quả cho thấy cờ vua có tác động tích cực đến khả năng khái quát hóa [5]. Trong bài báo “Giáo dục cờ vua ở Nga”, M. Nikolayev nhấn mạnh: “Việc dạy học cờ vua và nắm vững lý thuyết cờ vua ở học sinh trung học sẽ giúp cho sự phát triển khả năng tư duy của chúng. Điều này sẽ làm tăng tiềm năng trí tuệ của toàn xã hội và trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ có cả một thế hệ gồm các nhà khoa học trẻ, những tài năng, những nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh đảm bảo cho một bước nhảy vọt trong sự phát triển của nước Nga. Nhiệm vụ của chúng ta là đóng góp tích cực cho công việc chung này” [6]. G. Kasparov cũng nhấn mạnh một thực tế rằng, chơi cờ vua có khả năng định hình tâm lý, cách suy nghĩ của một người, và do đó ảnh hưởng đến định mệnh của người đó: “Cờ vua sẽ sớm tiết lộ cho chúng ta biết những tính cách sẽ xuất hiện ở một đứa trẻ trong tương lai. Cờ vua tập cho trẻ khả năng phân tích, nghĩa là đưa trẻ đến gần hơn với khoa học. Nó buộc người chơi cờ phải chiến đấu cho đến khi chiến thắng, nghĩa là nó mang đến tinh thần thể thao và ý chí mạnh mẽ. Cuối cùng, nó dạy người chơi cách suy nghĩa sáng tạo, mở rộng trí tưởng tượng, tìm kiếm và xác định. Có thể, một người chơi cờ nhỏ tuổi khi lớn lên sẽ từ bỏ cờ vua, nhưng những sáng kiến được phát triển trong khoảng thời gian chơi cờ trước đây chắc chắc sẽ hữu ích cho kỳ thủ này với bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của anh… Cờ vua dạy cho trẻ tuân thủ các quy tắc, điều này thúc đẩy sự giao tiếp xã hội của trẻ trong môi trường xã hội với những luật lệ và quy tắc đạo đức, giữ gìn phong tục và các giá trị truyền thống” [7]. Điều đáng chú ý là trong những năm 40 của thế kỷ XX, nhà vô địch cờ vua thế giới thứ 4 R. Capblanca trong quyển sách của mình với tựa đề “Bài giảng cờ vua cuối cùng” đã chỉ ra sự cần thiết phải đưa cờ vua vào chương trình giảng dạy ở trường: “Tôi cho rằng, cờ vua nên được đưa vào chương trình giáo dục trên cả nước. Ở độ tuổi lên 5, học sinh nên bắt đầu học cờ vua theo một chương trình được biên soạn có tính để độ tuổi và năng khiếu của trẻ” [8]. Theo V.I. Goncharov, “bản chất của việc dạy cờ vua đó là một cái khuôn mẫu tạo ra những kỳ thủ, những người có thể hiểu được hình ảnh của thế giới hiện tại và vị trí của con người trong đó” [9].  Theo sự khái quát của I. Sukhin, có hai hướng theo đó có thể kết hợp được cờ vua trong chương trình dạy học. Hướng thứ nhất là hướng khá phổ biến ở các nước, và có thể được gọi là “Cờ vua học đường”. Theo ông, ở hướng tiếp cận này, học sinh được dạy chơi cờ vua, và sự phát triển của tư duy logic đóng một vai trò như một kết quả mong đợi, nhưng kết quả là thứ yếu. Các thứ hai là cách mà Nga đang thực hiện, cách thức này đã được định hình từ những năm 80 của thế kỷ XX và thường được biết đến như là “Cờ vua cho học đường”. Ở hướng đi này, cờ vua được coi là một công cụ để phát triển tư duy, khả năng “hoạt động trí não” và quá trình học những kiến thức cơ bản của cờ vua như một phương tiện để đạt được mục tiêu” [10]. Khả năng “hoạt động trí não” là một trong những đặc điểm phổ biến của ý thức con người, một trong những chỉ số cho sự phát triển chung của tâm lý, không thuộc về bất kỳ quá trình tâm lý truyền thống riêng lẻ nào, nhưng đại diện cho sự thống nhất không thể tách rời của trí tưởng tượng, trí nhớ và tư duy. Khả năng này có thể được thể hiện trong một chuỗi logic: hành động trực quan → hành động dựa trên hình ảnh thay thế đối tượng thực → chỉ định hình ảnh bằng lời nói → hành động bằng lời nói → hành động trong trí não. Thực tế đó là việc chuyển từ thực hiện một hành động thông qua một hình ảnh và một lời nói thành một hành động trong tâm trí hoặc ý nghĩ. Cờ vua như một môn học ở trường có thể được sử dụng như một công cụ để hình thành và phát triển khả năng này ở trẻ em và học sinh nhỏ tuổi. Liên quan đến vấn đề giáo dục phổ cập cờ vua, nên phân biệt hai cách tiếp cận việc dạy cờ vua – hướng tiếp cận để đạt được mục tiêu giáo dục và hướng tiếp cận cờ vua như một môn thể thao, hay nói cách khác là từ quan điểm của một huấn luyện viên thể thao cờ vua, hoặc từ quan điểm của một giáo viên đứng lớp môn học “giáo dục cờ vua” cho học sinh tiểu học. Một huấn luyện viên thể thao cờ vua và một giáo viên dạy học cờ vua trong các trường tiểu học, trong hầu hết các trường hợp là hai đối tượng có chuyên môn khác nhau, nhưng cả hai đối tượng này đều dạy cho cùng một nhóm học sinh tiểu học với cùng một môn học là cờ vua. Sự khác biệt chính là trong cách tiếp cận phương pháp học của việc học cờ vua như một môn thể thao (công việc của huấn luyện viên) và giáo dục chung (công việc của nhà giáo) là: trong công việc của huấn luyện viên, một người mới chơi cờ, trước hết cần phát triển năng khiếu thể thao như sức bền tâm lý, thể lực nói chung và kiến thức lý thuyết; Trong công việc của giáo viên, yếu tố giáo dục của cờ vua chiếm ưu thế: sự phát triển khả năng nhận thức của học sinh và sự thúc đẩy việc hình thành nhân cách phát triển hài hòa trở thành điều kiện tiên quyết và cũng là những chỉ số chính cho sự phát triển của học sinh tiểu học. Khi học cờ vua như một môn thể thao (trong các trường năng khiếu thể thao, trong các câu lạc bộ thể thao của các trường hoặc nhà thiếu nhi), công việc chính thường là lựa chọn và đào tạo các kỳ thủ cờ vua. Nhiệm vụ chính của huấn luyện viên là tìm các biện pháp và phương tiện chuyên môn hóa, nâng cao các kỹ năng thể thao của học sinh. Khi học chơi cờ vua như một môn học ở trường, phương pháp đào tạo sẽ khác hẳn. Đầu tiên, trong khuôn khổ các hoạt động ngoại khóa hoặc các lớp học, tất cả khác học sinh tiểu học đều được dạy chơi cờ vua, bất kể khả năng tiềm ẩn của chúng. Sự tập trung được chú trọng và nhấn mạnh vào việc thể hiện khả năng cờ vua: chính là những gì cờ vua mang đến cho trẻ, bất kể cờ vua có phải là hoạt động chuyên môn của chúng trong một giai đoạn nhất đinh hay không. Vì vậy, giáo dục cờ vua không phải là một cách dạy đơn giản để tất cả trẻ đều chơi cờ mà là một sự thâm nhập dần dần của cờ vua như một môn học vào hệ thống giáo dục trường học và các trường mẫu giáo để đạt được mục tiêu quan trọng cho cả hệ thống giáo dục đó. Đại diện của các liên đoàn cờ vua cũng có thể tận dụng cơ hội giáo dục cờ vua trong trường học để thực hiện các nhiệm vụ thể thao – tạo ra một câu lạc bộ lưu giữ nhũng hạt giống cờ vua. Hiện nay, người ta vẫn đang nổ lực để phân biệt giữa cờ vua thể thao và giáo dục, và có một vấn đề mang tính thời sự ở đây chính là sự đòi hỏi phải tạo ra một ngành khoa học mới – ngành sư phạm cờ vua. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng có thể khẳng định một thực tế rằng, môn học “cờ vua” với vai trò là một phương tiện hình thành và phát triển khả năng quan trọng là “hoạt động trí não”, thì chưa có môn học nào có thể thay thế được.

Lược dịch TS. Dương Thanh Bình

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc