Skip to main content

Góc lịch sử: Robert James Bobby Fischer huyền thoại cờ vua thế giới (hồi ký “đọc hoài không hết đọc hoài không chán!) (10/08/2021)

Đăng ngày 08/10/2021 bởi Administrator

Robert James “Bobby” Fischer sinh tại bệnh viện Michael Reese ở Chicago, Illinois vào ngày 9 tháng 3 năm 1943. Giấy khai sinh của Bobby ghi tên cha là Hans Gerhardt Fischer, một nhà lý-sinh học người Đức. Còn mẹ cậu là Regina Wender Fischer, sinh tại Thụy Sĩ và cùng gia đình chuyển đến Mỹ khi bà chỉ mới 2 tuổi. Sau này bà trở thành một giáo viên, y tá và bác sĩ. Regina và Hans Gerhardt kết hôn tại Moscow, Liên Xô vào năm 1933, tại đây bà học ngành dược ở Học Viện Y Khoa Moscow (First Moscow Medical Institute). Họ ly dị năm 1945 khi Bobby mới 2 tuổi, và cậu trưởng thành mà không có cha, chỉ sống cùng mẹ và người chị gái Joan. Năm 1948, gia đình Fischer chuyển đến Mobile, Arizona, và Regina giảng dạy tại một trường tiểu học ở đây. Năm sau họ chuyển đến Brooklyn, New York. Tại đây Regina tiếp tục dạy học và làm thêm công việc y tá.

Một bài báo năm 2002 của Peter Nicholas và Clea Benson trên tờ The Philadelphia Inquirer cho rằng Paul Nemenyi – một nhà vật lý học người Hungary, mới là cha thực sự của Bobby Fischer. Bài báo trích dẫn một báo cáo của FBI rằng Regina đã trở về Mỹ năm 1939, trong khi Hans Gerhardt chưa bao giờ đặt chân đến nước Mỹ. Họ cho rằng Regina và Nemenyi đã yêu nhau vào năm 1942, và chính Nemenyi là người trợ cấp tiền nuôi con hàng tháng cho Regina, cũng như trả tiền học phí cho Fischer cho đến khi ông qua đời năm 1952. Fischer sau này kể cho tay cờ người Hungary Zita Rajcsanyi rằng Nemenyi thỉnh thoảng xuất hiện tại căn hộ của gia đình Fischer ở Brooklyn và đưa Fischer đi chơi. Tuy nhiên, Regina lại phủ nhận chuyện này. Bà kể cho một người công tác xã hội rằng bà đã đến Mexico vào tháng 6 năm 1942 để gặp Hans Gerhardt, và có mang Fischer trong khoảng thời gian đó.

[​IMG]
Paul Nemenyi – cha của Bobby (?)

Vào một ngày mưa tháng 3 năm 1949, khi Bobby lên sáu, chị cậu, Joan, cố gắng tìm một trò chơi mới để thỏa mãn tính hiếu động của cậu em trai. Cô mua một bộ cờ bằng nhựa với giá 1 USD tại cửa hàng bánh kẹo. Những quân cờ chỉ cao hơn 1 inch, đi kèm với một bàn cờ bằng bìa cứng với các ô đen đỏ. Cả Joan lẫn Bobby đều chưa từng nhìn thấy các quân cờ trước đây, nhưng chúng theo những hướng dẫn in bên trong hộp cờ để mày mò cách chơi. Sau khi chỉ cách gọi tên các quân, tờ hướng dẫn chỉ cách di chuyển của mỗi quân: “Quân Hậu có thể đi nhiều ô theo mọi hướng, quân Mã thì đi theo hình chữ L và có thể nhảy qua đầu các chốt và các quân khác”, v.v… Chỉ có vài gợi ý cơ bản được đưa ra, như Trắng đi trước, và mục tiêu của ván cờ là phải chiếu bí Vua đối phương, nhưng không ăn Vua.

“Chúng tôi không ai biết chơi cờ và cũng chưa từng thấy ai chơi cờ”, Fischer sau này kể lại. Đối thủ đầu tiên của Bobby chính là chị Joan của mình. Tuy nhiên Joan là một học sinh giỏi, luôn bận rộn với đống bài tập của mình, vì vậy nhanh chóng trở nên chán và không có thời gian dành cho cờ. Thế là Bobby dạy mẹ mình chơi. Bobby kể lại: “Bà ấy bận rộn đến mức không thể chơi một ván cờ cho nghiêm túc. Chẳng hạn như bà tranh thủ gọt khoai tây hoặc may lại quần áo trong lúc đang chơi, điều đó làm tôi rất khó chịu. Tôi thắng một ván, sau đó xoay bàn cờ đổi màu quân rồi lại thắng tiếp. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy tôi muốn tìm ai đó có thể chơi cờ với mình cả ngày”.

[​IMG]
Regina Wender Fischer – mẹ của Bobby

Vì Bobby không tìm được đối thủ để thi đấu nên cậu đành phải chơi cờ một mình, biến mình thành chính đối thủ của mình. Cậu xếp quân, chơi bên Trắng rồi lại xoay bàn cờ, xếp lại quân rồi chơi bên Đen. Cậu cố gắng đánh lừa chính mình, xem như mình đang chơi với một đối thủ thực sự. Đen biết rõ Trắng đang làm gì và ngược lại, vì Đen là Fischer và Trắng cũng là Fischer, cho nên cậu tìm cách quên hết kế hoạch mình vừa lập ra cho một bên để suy nghĩ lại từ đầu, ra sức phán đoán những cạm bẫy và ý đồ của “đối thủ”. Với vài người, cách chơi này có vẻ điên khùng và thậm chí giống như bị tâm thần. Tuy nhiên, nó lại giúp cho Bobby có được cảm nhận về bàn cờ, vai trò của các quân và cách tiến triển của một ván cờ.

Vấn đề với Bobby chính là khả năng giao tiếp xã hội: Từ khi còn rất nhỏ cậu đã sống với nhịp điệu riêng của mình, đối nghịch với sự phát triển thông thường của những đứa trẻ khác. Tính cách cực kỳ ngang bướng là một đặc điểm nổi bật của cậu. Bobby chỉ làm những gì mà cậu muốn làm – và cũng chính cậu là người chọn thời gian, địa điểm và cách thức để làm việc đó. Lúc đầu Regina còn bắt cậu vào khuôn phép được, nhưng khi Bobby lên sáu thì không còn quản thúc nổi nữa.

[​IMG]
Joan Targ Fischer – chị gái của Bobby

“Khi nó lên bảy”, Joan nói trong một cuộc phỏng vấn, “Bobby có thể thảo luận về những khái niệm như vô cực, hay giải được tất cả các bài toán đố, nhưng hỏi nó 2 nhân 2 bằng bao nhiêu thì nó lại trả lời sai”. Dù chuyện này có vẻ phóng đại, nhưng một sự thật rõ ràng là Bobby ghét phải ghi nhớ bất cứ thứ gì mà cậu không thích, và bảng cửu chương nằm trong số đó. Câu chuyện Bobby có thể hiểu được lý thuyết số cùng những phức tạp của số nguyên tố và tính vô hạn của nó, mà không thuộc nổi bảng cửu chương cũng tương tự như huyền thoại về việc Einstein không thể tính được thuế thu nhập của mình.

Với cố gắng tìm kiếm một cậu bé có thể chơi với Bobby, Regina viết thư cho biên tập viên mục cờ của Brooklyn Eagle, hỏi ông ấy có biết kỳ thủ nào khoảng 7 tuổi hay không. Biên tập viên Hermann Helms, một kiện tướng cờ Vua, trả lời Regina rằng nên đưa Bobby đến thư viện Grand Army Plaza vào một buổi tối thứ 5 của tháng 1 năm 1951, tại đó cậu bé có thể được các kiện tướng dành cho một trận đấu đồng loạt.

Tối hôm đó các kiện tướng thi đấu xoay vòng, mỗi người chơi khoảng 1 tiếng thì người khác sẽ vào thay. Khi Bobby ngồi vào bàn thì người đấu với cậu là Max Pavey, một bác sĩ 32 tuổi, người đã từng vô địch cả Scotland và New York và đang trong thời kỳ đỉnh cao phong độ. Pavey là kiện tướng đầu tiên mà Bobby gặp trong đời. Đám đông tụ tập quanh bàn cờ khi Bobby bé nhỏ đối mặt với Max Pavey. Cậu bé thi đấu rất nghiêm túc nên ván cờ càng lúc càng thu hút nhiều người xem. Bobby quỳ trên ghế để có thể nhìn rõ thế cờ hơn.

[​IMG]
Kiện tướng Max Pavey

Bobby nhớ lại kinh nghiệm của mình khi chơi giải câu đố. Cậu không được đi quá nhanh. Cậu biết giải pháp nằm ở đâu đó và chỉ chờ mình tìm ra thôi, nếu cậu có đủ thời gian. Pavey, một kỳ thủ chơi cờ nhanh cực giỏi – gần đây vừa đoạt chức vô địch cờ nhanh nước Mỹ – hầu như không cần suy tính kỹ khi ông thực hiện nước đi ở các bàn khác. Chẳng mấy chốc ông đã quay trở lại bàn của Bobby, khiến cho cậu bé không thể tính toán sâu và cẩn thận như cậu mong muốn được. Hơn nữa tối hôm đó chỉ có 8 bàn đấu, nên rất thoải mái cho Pavey.

Đẳng cấp kiện tướng quá mạnh. Chỉ sau 15 phút, Pavey miệng thì bập tẩu thuốc, tay thì ăn Hậu của Bobby, kết thúc ván cờ. Ông rất hòa nhã chìa tay ra bắt tay Bobby và mỉm cười, “Một ván cờ hay”. Bobby nhìn chằm chằm vào bàn cờ trong một lúc, sau đó òa khóc. Việc Bobby xúc động đến mức bật khóc cho thấy cậu rất chú tâm vào ván cờ, và có lẽ đã mong chờ một trận thắng trước kiện tướng đầu tiên mình gặp trong đời. Thậm chí dù chỉ mới 7 tuổi nhưng cậu không cho rằng mình là một kỳ thủ nghiệp dư. Bobby sau này thừa nhận ván cờ đó có ảnh hưởng to lớn và là động lực thúc đẩy mình phấn đấu.

Một khán giả đến xem trận cờ hôm đó là Carmine Nigro, một người hói, lùn. Ông theo dõi ván cờ của Pavey – Fischer khá chăm chú, và thích những nước cờ của Bobby. Chúng không sắc sảo, nhưng cho thấy người chơi rất biết xét đoán, đặc biệt là với người mới biết chơi. Với sự tập trung cao độ, Bobby dường như quên hết mọi thứ xung quanh. Ngay khi ván cờ kết thúc, Nigro đến gặp Regina với Bobby và tự giới thiệu mình là chủ tịch của câu lạc bộ cờ Brooklyn. Ông mời Bobby đến tập luyện vào mỗi tối thứ 3 và thứ 6. Thế là Regina đưa Bobby đến câu lạc bộ vào ngay tối hôm sau.

Vấn đề xảy đến với Bobby ngay tối hôm đó khi không có ai muốn đấu với cậu, đặc biệt vì trông Bobby chỉ như một thằng nhóc 5 tuổi. Một tràng những tiếng cau có, bực bội, cười khẩy vang khắp phòng khi họ được đề nghị “cho Bobby một cơ hội”. Cảm giác chung của họ là: Thua một người ngang hàng đã đủ tệ rồi, còn nếu thua một thằng nhóc 7 tuổi thì sao? Thật xấu hổ ! Mất hết cả danh tiếng ! Sau khi Nigro ra sức thuyết phục thì mới có một vài kỳ thủ lớn tuổi hơn đồng ý chơi với Bobby một, hai ván.

Hầu hết các kỳ thủ trong câu lạc bộ đều là những người dày dạn kinh nghiệm chiến trường, đã từng kinh qua nhiều giải đấu, do đó điều tất yếu xảy ra: Bobby thua trắng.

Dù thua nhưng Bobby vẫn đến câu lạc bộ thường xuyên. Cảnh tượng một cậu bé ngồi đối diện với những vị thẩm phán, bác sĩ, hay giáo sư đại học với tuổi tác nhiều gấp 8 hay gấp 10 lần cậu luôn gây ra nhiều sự ngạc nhiên thú vị. “Lúc đầu tôi toàn thua, và cảm thấy rất tệ”, Bobby kể lại. Cậu thường bị các đối thủ chọc ghẹo không thương tiếc . “Con cá!” (Fish), họ chế nhạo, sử dụng một thuật ngữ để ám chỉ những kỳ thủ yếu, thường khi Bobby phạm phải một sai lầm. Bobby càng đau đớn hơn khi từ này gần giống với tên của cậu (Fischer). Bobby khinh bỉ từ này, vì vậy sau này khi nói đến các kỳ thủ yếu cậu thường dùng từ “weakie” – hoặc ít thông dụng hơn như “duffer” hay “rabbit”.

[​IMG]
Cậu bé Bobby Fischer

Nigro, vị chủ tịch câu lạc bộ, với sức cờ gần ngang mức kiện tướng, mời Bobby đến nhà ông vào thứ 7 hàng tuần để dạy cờ cho cậu. Ngay khi Bobby hiểu được những nguyên tắc cơ bản, Nigro bắt đầu giảng khai cuộc cho cậu. Đây là giai đoạn rất quan trọng của một ván cờ, chỉ vài nước đi đầu tiên nhưng có thể quyết định hay ít nhất ảnh hưởng đến kết quả của cả ván đấu. Bất cứ kỳ thủ nào muốn cải thiện trình độ cờ của mình đều phải hiểu và ghi nhớ khai cuộc. Vì có vô số các phương án nên rất khó để các kỳ thủ có thể tiếp thu hết dù chỉ là một phần nhỏ. Chẳng hạn, có 400 thế cờ khác nhau sau nước đi đầu tiên của mỗi bên, và có 72084 thế sau 2 nước, và còn tiếp tục tăng lên. Nhưng Bobby không nản chí, cậu dốc hết sức vào học. Nhắc đến những ngày tập luyện khó khăn này, Bobby kể lại: “Có thể ông Nigro không phải là kỳ thủ giỏi nhất thế giới, nhưng là một giáo viên rất tuyệt vời. Gặp gỡ ông ấy có lẽ là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tôi sau này”.

Carmine Nigro còn là một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Vì thấy Bobby quá mê mải vào những ván cờ nên ông muốn khơi dậy niềm say mê âm nhạc trong cậu. Vì Bobby không có đàn piano, nên Nigro dạy cậu đàn accordion và cho cậu mượn nhạc cụ để có thể thực hành ở nhà. Chẳng bao lâu sau Bobby đã chơi thành thạo bản “Beer Barrel Polka” cùng những giai điệu khác, và cậu thậm chí còn biểu diễn vài lần tại trường. Sau khoảng 1 năm, Bobby nhận thấy khoảng thời gian cậu dành để tập luyện accordion làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu cờ của mình, “Tôi đã từng chơi accordion khá tốt”, Bobby kể lại, “nhưng cờ cuốn hút tôi hơn và nên dẹp accordion sang một bên”.

Nhận thấy Bobby suy nghĩ hơi chậm khi thi đấu nên Nigro đã lái xe đưa cậu đến Washington Square Park ở Greenwich Village, cho cậu tham dự các trận đấu ngoài trời với các kỳ thủ công viên – những người luôn đánh rất nhanh. Thế là Bobby bị buộc phải chơi nhanh hơn và do đó tốc độ suy nghĩ của cậu cũng được cải thiện.

Để nâng cao sức cờ của mình, Bobby thường dành hàng giờ đồng hồ sau giờ học để ngồi ở thư viện Grand Army Plaza đọc ngấu nghiến tất cả các quyển sách cờ trên kệ sách. Cậu làm việc rất nghiêm túc. Chỉ sau một vài tháng, cậu thấy mình đã có thể theo dõi các ván cờ trong sách mà không cần bàn cờ. Nếu gặp phương án quá phức tạp hoặc quá dài, cậu đọc kỹ trong sách, sau đó về nhà bày cờ ra nghiền ngẫm lại. Cậu nghiên cứu các ván cờ của các đại kiện tướng, cố gắng hiểu và ghi nhớ tại sao họ thắng – hoặc thua.

Bobby đọc các tài liệu cờ khi cậu đang ăn, khi cậu tắm và cả khi cậu nằm trên giường. Cậu xếp sẵn bàn cờ ở ngay cạnh giường. Điều cuối cùng cậu làm trước khi đi ngủ và điều đầu tiên cậu làm sau khi tỉnh dậy đó là nhìn vào thế cờ. Bơ lạc, sandwich, mứt, ngũ cốc, spaghetti… những món mà Bobby ăn trong khi phân tích cờ vương vãi lên cả các quân Vua, Hậu, Xe, Tượng, nhưng cậu cũng không thèm quan tâm. Những năm sau này, khi một nhà sưu tập sở hữu bộ cờ và lau chùi những dấu vết đó, Bobby phản ứng rất phẫn nộ: “Ông đã phá hỏng nó!”.

[​IMG]
Cậu bé Bobby Fischer vừa ăn vừa nghiên cứu cờ

Nghiên cứu các ván cờ của các đại kiện tướng trong quá khứ cũng như hiện tại đã giúp Bobby học được rất nhiều: khả năng chơi đòn phối hợp theo trực giác của Rudolf Spielmann, nghệ thuật tích lũy ưu thế nhỏ thành ưu thế lớn của Wilhelm Steinitz, kỹ thuật tránh phức tạp hóa thế trận của Jose Capablanca, cách tổ chức tấn công của Alexander Alekhine… Như một kiện tướng đã nói về cậu: “Bobby gần như nuốt chửng các tài liệu cờ. Cậu ta nhớ hết mọi thứ và nó đã trở thành một phần của cậu ta”.

Những quyển sách căn bản như “Lời mời đến với cờ Vua” và những sách vỡ lòng khác nhanh chóng bị Bobby vứt bỏ để nghiên cứu những sách nâng cao hơn như “Thực hành khai cuộc” và “Tàn cuộc cơ bản”, 2 tập sách “Những ván cờ hay nhất của tôi” của Alexander Alekhine, và một quyển sách mới xuất bản gần đây “500 ván cờ của kiện tướng”. Bobby tiếp thu những bài học trong đó rất nhanh. Cậu từng kể với kiện tướng Shelby Lyman rằng mình đã đọc qua hàng ngàn quyển sách cờ, và chỉ giữ lại những quyển hay nhất trong số đó.

Cần phải nhấn mạnh rằng những tác phẩm đó không hề dễ đọc ngay cả với những kỳ thủ lớn tuổi. Vì vậy việc một cậu bé 8, 9 tuổi có khả năng tập trung cao độ để đọc được nó là cực kỳ khác thường. Sau này Bobby còn nâng độ khó lên khi đọc những quyển sách cờ viết bằng các ngôn ngữ khác (chủ yếu là sách cờ tiếng Nga).

Những nỗ lực của Regina và Joan để bắt Bobby làm bài tập về nhà thường không đem lại kết quả. Bobby có thể ngồi yên hàng giờ đồng hồ để chơi giải đố hoặc chơi cờ, nhưng lại luôn hiếu động và mất tập trung khi đọc, viết, hay làm toán. Khi học ở trường cậu luôn tách biệt mình với các đứa trẻ khác, có lẽ vì quá nhút nhát hoặc sợ phải thi đấu. Trước khi lên lớp 4, cậu đã phải chuyển trường đến 6 lần chỉ trong vòng 2 năm. Cậu chuyển trường vì không thể hòa nhập được với các bạn cùng lớp, cũng như không chịu vâng lời giáo viên. Bực mình, Regina đăng ký cho Bobby vào một trường dành cho các trẻ có năng khiếu. Cậu chỉ học có một ngày và từ chối quay lại đó.

Cuối cùng Regina cũng tìm được ngôi trường phù hợp cho cậu con trai khó hiểu của mình, đó là trường Community Woodward, một trường chỉ có xấp xỉ 150 học sinh. Triết lý giáo dục của trường dựa trên những nguyên tắc của Johann Heinrich Pestalozzi, một nhà giáo dục học người Thụy Sĩ ở thế kỷ 18, phản đối việc học thuộc lòng các bài học và kỷ luật hà khắc, mà tập trung vào việc phát triển kỹ năng cá nhân.

Bobby thể hiện tài năng của mình trong các trò chơi, và cậu được chấp nhận vào trường vì có thể dạy các đứa trẻ khác chơi cờ, và cũng bởi vì kết quả test IQ của cậu cho kết quả cực kỳ cao: 187

Tại trường, ngoài cờ vua, Bobby còn nổi lên như là một tay chơi bóng chày cừ khôi. “Cậu ấy kích thích phong trào chơi cờ vua ở đây”, một giáo viên của cậu nói, “Cậu ấy có thể dễ dàng đánh bại mọi người, kể cả các thành viên trong đội cờ. Bất kể môn nào cậu ấy chơi, bóng chày hay tennis, cậu ấy cũng đều giỏi hơn tất cả. Nếu cậu ấy sinh ra gần một hồ bơi thì cậu ấy sẽ trở thành nhà vô địch bơi lội…”

Regina bắt đầu lo lắng cho tương lai của Bobby khi cậu không chịu học hành đàng hoàng. Hơn thế, bà lo sợ niềm say mê cờ của Bobby sẽ biến thành nỗi ám ảnh. Bà tin rằng cậu quá mải mê vào những ván cờ đến mức quên hết cả thực tại xung quanh mình. Cậu nghiện cờ và không thể kiểm soát được nó, và cuối cùng chính cờ sẽ hủy hoại cuộc đời cậu.

Với Regina, việc bàn luận về sự nghiện cờ của Bobby với Nigro chỉ là một nỗ lực vô vọng. Nigro luôn động viên Bobby chơi nhiều hơn, nghiên cứu, và tham gia các giải đấu. Bobby dần trở thành một người bạn cờ của Nigro. Nigro biết rõ tình hình tài chính khó khăn của Regina, vì vậy ông không bao giờ yêu cầu bà trả tiền những bài học ông dạy cho Bobby, dù là cờ hay âm nhạc. Nigro và Bobby bắt đầu chơi những ván cờ có đồng hồ, mỗi bên 2 tiếng – thời gian thi đấu chính thức trong các giải đấu. Và Bobby càng ngày càng mạnh hơn, cho đến khi cậu đánh thắng Nigro trong hầu hết các ván đấu.

Dần dần, thành tích của Bobby tại câu lạc bộ cờ Brooklyn được cải thiện. Cậu mất vài năm khổ luyện để bây giờ có thể giành chiến thắng dễ dàng tại câu lạc bộ. Về phần mình, các đối thủ của Bobby rất ấn tượng trước sự kiên trì và những tiến bộ rõ nét của cậu. “Tôi đã đọc gần hết các sách cờ trong thư viện và bây giờ tôi muốn có những quyển sách của riêng mình”, Bobby kể lại. Nigro tặng hoặc cho cậu mượn sách, còn Regina thỉnh thoảng cũng cho cậu tiền mua sách. Bất cứ khi nào Nigro đọc xong những bản sao chép của các tạp chí cờ như Chess Review hay Chess Life, ông đều tặng nó cho Bobby. Bobby rất say mê, không chỉ vì vô số những kiến thức cờ trong đó mà còn vì cậu có cơ hội được đọc về những nhà vô địch thế giới vĩ đại.

Sau đó, vào mùa hè năm 1954, Bobby có cơ hội được xem một trận đấu cờ rất lớn. Đó là lần đầu tiên đội tuyển cờ vua Liên Xô thi đấu trên đất Mỹ.

Cần phải nhấn mạnh về sự khác biệt giữa hai nền cờ vua Liên Xô và Mỹ ở thời điểm đó. Tất cả các kỳ thủ Liên Xô không chỉ là những kỳ thủ chuyên nghiệp, mà đều là các đại kiện tướng (danh hiệu cao nhất trong cờ vua, do Nga Hoàng Nicholas II đặt ra lần đầu vào năm 1914, sau đó được sử dụng rộng rãi từ năm 1954 cho đến ngày nay).

Các kỳ thủ Liên Xô được chính phủ trợ cấp, và nhiều người còn được cấp nhà để họ có thể nghiên cứu và tập luyện cho các giải đấu. Những đại kiện tướng trong xã hội Liên Xô có uy thế ngang với một ngôi sao điện ảnh hay một vận động viên Olympic đương thời ở Mỹ. Khi Mikhail Botvinnik, đương kim vô địch thế giới, bước vào nhà hát Opera Bolshoi, ông liền được mọi người đứng cả dậy tung hô. Giữa thập niên 50, Liên Đoàn Cờ Vua Liên Xô có 4 triệu thành viên, và việc chơi cờ không chỉ được yêu cầu trong các trường tiểu học, mà còn là hoạt động bắt buộc sau giờ học. Những cậu bé bộc lộ tài năng về cờ sẽ được huấn luyện đặc biệt, thường là một kèm một với các đại kiện tướng, nhằm chuẩn bị lực lượng kế thừa sau này. Một giải đấu ở Liên Xô có thể đăng ký hơn 700,000 người. Ở Liên Xô, việc chơi cờ được cân nhắc hơn cả một chính sách quốc gia. Nó đã ăn sâu vào văn hóa, và dường như tất cả mọi người – nam, nữ, trẻ em, nông dân, công chức hay bác sĩ – đều chơi cờ. Trận đấu sắp đến giữa Liên Xô và Mỹ còn bao trùm một màu sắc chính trị khi đang diễn ra cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa 2 nước.

Trong khi đó, Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ chỉ có 3000 thành viên, không có chương trình quốc gia nào để hỗ trợ cho các kỳ thủ cũng như tập luyện cho các trẻ em có năng khiếu, và họ chỉ có duy nhất một đại kiện tướng là Samuel Reshevsky. Vì vậy có thể nói, trận đấu sắp tới giữa hai nước cũng giống như cuộc chiến không cân sức giữa một bên là đội tuyển bóng chuyền toàn sao, với một bên là đội tuyển bóng chuyền của trường đại học. Dĩ nhiên luôn có khả năng chiến thắng cho đội trường đại học, nhưng theo thống kê cho thấy thì cơ hội của họ còn nhỏ hơn 1 phần ngàn.

Thứ tư, ngày 16 tháng 6, Bobby, mặc một chiếc áo sơ mi polo ngắn tay, đến khách sạn Roosevelt cùng với Nigro để chứng kiến trận đấu lịch sử. Đó là lần đầu tiên cậu bước vào một khách sạn. Cậu nhìn lơ đãng vào chiếc đồng hồ lớn treo đầu cầu thang, sau đó nhận ra những gương mặt quen thuộc đang có mặt trên sân khấu. Vài người đến từ câu lạc bộ cờ Brooklyn, một số khác đến từ Washington Square Park (nơi Bobby thi đấu với các kỳ thủ công viên). Cậu nghiêm chỉnh kiếm chỗ ngồi trong khán phòng, rồi nhìn lên sâu khấu “với cặp mắt mở to ngạc nhiên”, Nigro nhớ lại.

Trên sân khấu, trước tấm màn nhung có hai lá cờ: một lá cờ sọc với những ngôi sao không thể nhầm lẫn của Mỹ, còn bên cạnh là lá cờ búa liềm trên nền đỏ thẫm của Liên Xô. Dưới hai lá cờ là 8 bàn cờ đã chuẩn bị sẵn cho các kỳ thủ. Có 1100 khán giả trong phòng, nhiều hơn bất cứ sự kiện về cờ nào trước đây ở Mỹ.

Và sau đó các kỳ thủ tập trung trên sân khấu, chỉ chờ hiệu lệnh của trọng tài để bắt đầu trận đấu. Trông các kỳ thủ Liên Xô rất thoải mái. Kỳ thủ David Bronstein của Liên Xô nhờ mang đến một ly chanh ép – không, không phải nước chanh (lemonade), mà là một ly chanh ép (lemon juice), ông ấy yêu cầu. Ngược lại các kỳ thủ Mỹ lại tỏ ra căng thẳng và lo lắng. Donald Byrne, nhà vô địch giải Mỹ mở rộng, nói rằng ông rất hồi hộp, vì vậy đã dành cả ngày trước trận đấu để đọc văn chương lãng mạn của Nathaniel Hawthorne, và cố gắng không nghĩ gì đến cờ.

Cuối cùng, sau vài phát biểu về những đóng góp của cờ vua Liên Xô và Mỹ, trận đấu được tiến hành. Liệu Bobby 11 tuổi có hiểu hết ý nghĩa chính trị của trận đấu hay không? Liệu cậu có cảm thấy dâng trào lòng yêu nước để cổ vũ cho những người đồng bào của mình chiến thắng hay không? Liệu cậu có muốn – mơ ước – một ngày nào đó mình cũng được ngồi trên sân khấu như vậy và thi đấu với những kỳ thủ giỏi nhất thế giới hay không? Cậu không nói gì trong suốt trận đấu, nhưng có lẽ cậu sẽ trả lời có ở câu hỏi sau cùng.

Bên cạnh trận đấu trên sân khấu mà cậu theo dõi rất chăm chú, Bobby còn chú ý đến những thứ khác: các kỳ thủ tập trung ở khắp các hành lang và các phòng của khách sạn để thảo luận và phân tích các ván cờ, sách cờ và các bàn cờ xách tay đều được chuẩn bị sẵn. Họ chỉ rời đi chốc lát để mua thức ăn tại một quầy nhỏ ở tiền sảnh. Khi Bobby nhìn thấy Reuben Fine – từng là một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới – trên hàng ghế khán giả, cậu rất phấn khích, vì những quyển sách cờ của Fine đã trở thành kinh thánh của Bobby. Tiến sĩ Fine không thi đấu cho đội tuyển Mỹ vì ông đã giải nghệ vào năm 1948, nhưng vẫn còn đó trên sân khấu Max Pavey – vị bác sĩ mà Bobby đã từng gặp trong trận đấu đồng loạt 3 năm trước – đang sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc mình.

[​IMG]
Kỳ thủ Reuben Fine

Khi Nigro giới thiệu Bobby với cây bút Murray Shumach của tờ The New York Times, cậu bé tỏ ra ngượng nghịu và chỉ cúi nhìn giày của mình. Allen Kaufman, một kiện tướng cờ, người cũng gặp Bobby lần đầu tiên vào ngày hôm đó, hồi tưởng lại sau hơn nửa thế kỷ: “Đó là một cậu bé dễ thương, hơi rụt rè, và tôi không hề có một ý niệm nào về việc mình đang nói chuyện với nhà vô địch thế giới tương lai”.

Những ván cờ càng lúc càng trở nên phức tạp, các khán giả cũng lấy bàn cờ bỏ túi ra ngồi thì thầm bàn tán những thiên biến vạn hóa đang diễn ra trên sân khấu. Khi có một đòn phối hợp phức tạp được trình diễn, hoặc khi kỳ thủ Mỹ Samuel Reshevsky mất đến 1 tiếng 10 phút suy nghĩ mới đi quân, 2200 cặp lông mày cùng đồng thời nhướn lên. Nếu khán phòng quá ồn ào, trọng tài Hans Kmoch liền ném ra một cái nhìn giận dữ và nghiêm khắc nói bằng giọng Hà Lan: “Xin giữ yên lặng!”.

Bobby cẩn thận ghi chép lại kết quả của từng ván đấu. Thua 0 điểm, thắng 1 điểm, hòa 0,5 điểm. Cậu theo dõi cả 4 vòng đấu, không hề biết rằng chỉ một vài năm nữa thôi chính cậu sẽ đại diện cho nước Mỹ tranh tài với các kỳ thủ giỏi nhất của Liên Xô cùng anh hào khắp năm châu trong những trận cờ đỉnh cao.

Bobby thích không khí phân tích sôi nổi trong phòng. Các kỳ thủ hàng đầu thảo luận, phân tích mọi ván cờ, từng nước một. Cậu không đủ tự tin để đóng góp ý kiến, nhưng cũng cảm thấy hài lòng khi mình có thể đoán trước một vài nước đi và hiểu được tại sao họ chơi như vậy.

Cuối cùng, sau 4 ngày thi đấu, đội Mỹ đã phải hứng chịu một thất bại ê chề trước Liên Xô: 12-20. Ở vòng đấu cuối cùng, những tràng vỗ tay của khán giả Mỹ rất chân thành và đầy tôn trọng, nhưng bên trong là tiếng khóc đau thương của nhiều kỳ thủ. Với trái tim nặng trĩu, Nigro và Bobby quay trở lại Brooklyn. Nếu Bobby thu lượm được gì từ trận đấu này, thì đó chính là sự nhận biết về sức mạnh của các kỳ thủ Liên Xô: họ là những kỳ thủ giỏi nhất thế giới. Ý chí của cậu sục sôi vì điều đó.

Vào năm sau – tháng 7 năm 1955, trong trận tái đấu tại Moscow, đội tuyển Mỹ lại thua, lần này tỉ số còn đậm đà và nhục nhã hơn: 25-7. Những dòng tít chạy khắp các tờ báo, và bức ảnh của các kỳ thủ Mỹ choáng ngợp ngay trang đầu của tờ The New York Times, cũng như nhiều tờ báo trên khắp thế giới.

Những trận cờ ở công viên ngày đó thường không sử dụng đồng hồ, nhưng có một hình thức cờ nhanh khá phổ biến gọi là “blitz” – một từ tiếng Đức có nghĩa là “lightning” (chớp) trong tiếng Anh. Trong cách chơi này, người chơi phải đi liền lập tức ngay sau khi đối thủ của anh ta đi xong. Nếu anh ta không chịu đáp trả sau một vài giây, đối thủ – hoặc một người được chỉ định canh giờ – sẽ hô to “Đi!”. Nếu anh ta vẫn không chịu nhấc quân thì sẽ bị xử thua ván đó. Những tiếng hô “Đi!” liên tục được nghe thấy trong công viên. Nigro yêu cầu Bobby chơi loại cờ này, và dù chơi không thực giỏi, nhưng nó cũng rèn luyện cho cậu khả năng đánh giá nhanh thế trận và tin tưởng vào bản năng chơi cờ của mình.

Trong khi Bobby thi đấu, Nigro thường dành vài phút đến cửa hàng gần đó để mua về hamburger, thịt chiên Pháp, và sô cô la sữa cho Bobby. Cậu thường ăn một cách vô thức, với đôi mắt luôn dán chặt vào bàn cờ. Một lần, sau khi ăn trưa xong đã được 30 phút, Bobby, không nhận ra rằng mình đã ăn rồi, thì thầm hỏi Nigro: “Thầy Nigro, khi nào thì có đồ ăn?”.

Giải đấu tại Washington Square năm 1955 bao gồm 66 kỳ thủ ở mọi trình độ. Vì phí tham dự chỉ có 10 cent (1 cent bằng 1/100 đô la, tổng cộng thu được 6,6 đô la và số tiền này được hiến tặng cho Hội Chữ Thập Đỏ của Mỹ), nên ai cũng có thể tham dự. Có những người chỉ mới biết đi quân, có nhiều kỳ thủ đến từ các câu lạc bộ cờ, và một vài kiện tướng. Do tập trung thi đấu nên Bobby không hề chú ý rằng có cả một vài kỳ thủ của đội tuyển Mỹ đang trên đường đi Moscow cho trận tái đấu Liên Xô – Mỹ đã dừng lại để xem, vài người trong số họ thậm chí còn theo dõi ván đấu của Bobby.

Bobby thắng liên tiếp trước các đối thủ yếu, nhưng khi càng leo lên cao, gặp phải những đối thủ “cứng cựa” hơn thì cậu bắt đầu thua. Harry Fajans, một kiện tướng cao, gầy, với dáng điệu nghèo nàn, một thành viên của câu lạc bộ cờ Marshall, nhớ lại rằng khi ông đánh bại Bobby thì cậu bé bắt đầu khóc. Khi được hỏi về sự việc này những năm sau, Bobby cực kỳ tức giận và kiên quyết phủ nhận.

Bobby kết thúc giải ở vị trí thứ 15, và được tặng thưởng một cây bút bi, có lẽ vì cậu nhỏ tuổi nhất giải. Bobby kể lại: “Tôi cảm thấy buồn khi nhận cây bút, vì nó trông giống như cây bút mà tôi vẫn thường mua với giá 1/4 hay 1/2 đô la. Nhưng vài tuần sau, khi đi cùng mẹ qua một cửa hàng thuốc, mẹ chỉ cho tôi một cây bút giống hệt được bán giảm giá treo trên cửa sổ. Bảng giá của nó ghi 10 đô la. Và tôi cảm thấy vui hơn”.

Đây cũng là lần đầu tiên Bobby được lên báo khi tờ The New York Times đăng một bản tin nhỏ về giải đấu này với dòng tít: “Eastman thắng giải Washington Square – Cậu bé 12 tuổi nằm trong tốp đầu”.

Mặc dù Charles Eastman vô địch giải đấu, nhưng Bobby lại được viết nhiều nhất: “Nhiều người trong số 400 khán giả cho rằng màn trình diễn tuyệt vời nhất thuộc về Bobby Fischer. Dù phải thi đấu với những đối thủ dày dạn kinh nghiệm hơn nhưng cậu vẫn bất bại cho đến hôm qua, và nằm trong tốp 15 người cao điểm nhất”.

Mùa hè năm 1955, cơ duyên đã đưa đẩy Bobby gặp gỡ Walter Shipman, một trong những người điều hành câu lạc bộ cờ Manhattan. Shipman nhanh chóng nhận ra tiềm năng của Bobby. Ông hăng hái chơi với cậu một loạt ván cờ blitz, và Bobby thắng khoảng 1/3 trong số đó. Shipman nhớ lại: “Tôi quá ấn tượng với lối chơi của cậu bé 12 tuổi này và đã giới thiệu cậu với Maurice Kasper, vị chủ tịch của câu lạc bộ, và Bobby nhanh chóng được nhận vào – miễn phí thành viên”. Bobby trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử câu lạc bộ, và Kasper nói cậu có thể đến đây bất cứ ngày nào cậu muốn. Bobby cười rất tươi. Cậu giống như một đứa trẻ được cho ăn miễn phí trong cửa hàng kẹo.

Câu lạc bộ cờ Manhattan là câu lạc bộ cờ mạnh nhất và lâu đời thứ hai của Mỹ. Những kỳ thủ vĩ đại mà nước Mỹ sản sinh ra đều đã từng chơi tại đây. Những người mê cờ từ khắp các thành phố của Mỹ và thậm chí từ cả các nước khác, nghe đến bề dày lịch sử của câu lạc bộ cũng khăn gói đến New York để trở thành thành viên của Manhattan, nhằm cải thiện kỹ năng chơi cờ của mình và có cơ hội được đọ sức với các tay cờ lừng lẫy. Câu lạc bộ là nơi đã tổ chức hai trận đấu tranh chức vô địch thế giới (Steinizt – Zukertort năm 1886 và Steinizt – Gunsberg năm 1890-1891) và đăng cai giải vô địch Mỹ hàng năm kể từ những năm 1930. Nhiều thành viên trong câu lạc bộ là người Do Thái. Có hơn 1 triệu người Do Thái sống ở New York vào thời đó, chủ yếu là người nhập cư, và nhiều người trong số họ đến New York là vì tình yêu cờ nồng cháy. Năm 1974, Anthony Saidy đã viết trong quyển The World of Chess rằng “có lẽ một nửa trong số những tay cờ vĩ đại nhất trong vòng 100 năm qua là người Do Thái”. Khi được hỏi mình có phải là người Do Thái hay không, Bobby trả lời, “Một phần. Mẹ tôi là người Do Thái”.

Câu lạc bộ cờ Manhattan được chia làm 4 nhóm, dựa vào sức cờ của mỗi thành viên. Nhóm mạnh nhất là nhóm “A” – bao gồm các kiện tướng (master) và chuyên gia (expert); tiếp đến là nhóm “Dự bị A” – gồm các kỳ thủ mạnh (strong player), sau đó đến nhóm “B” và cuối cùng là nhóm “C” – gồm những kỳ thủ yếu nhất. Trong vài tuần đầu, Bobby được xếp vào nhóm C và thắng dễ dàng. Sau đó cậu được thăng hạng lên nhóm B, thắng tiếp và tiếp tục được đưa lên nhóm Dự bị A. Cuối cùng, chưa đầy 1 năm, cậu đã leo lên đứng đầu nhóm Dự bị A.

[​IMG]
Câu lạc bộ cờ Manhattan

Bobby đến câu lạc bộ mỗi ngày, ở đó từ đầu giờ chiều cho đến tận đêm khuya. Regina muốn cậu đi trại hè như trước đây nhưng cậu không chịu nghe. Với Bobby, Manhattan là cõi niết bàn, và dù cậu chưa có định hướng gì cho sự nghiệp cờ của mình sau này, nhưng cậu thích cái cảm giác chiến thắng và muốn được chơi cờ suốt ngày. Câu lạc bộ cờ Brooklyn chỉ cho Bobby đến vào tối thứ 3 và thứ 6, và mỗi lần cũng chỉ được 4 tiếng. Còn tại Manhattan, cậu có thể chơi 12 giờ một ngày, cả 7 ngày trong tuần.

Trong suốt mùa hè và một vài năm sau, Bobby bắt đầu kết bạn tại câu lạc bộ. Đầu tiên cậu chỉ làm quen với những kỳ thủ lớn tuổi – nhưng có lẽ vì bây giờ Bobby đã là một thành viên, hoặc vì sự thay đổi chính sách của câu lạc bộ, nên những kỳ thủ triển vọng cỡ tuổi Bobby hoặc lớn hơn một chút đều được phép gia nhập, và do đó những đứa trẻ có thể kết bạn với nhau. William Lombardy, vô địch giải trẻ thế giới, đầu quân cho câu lạc bộ với tư cách một đại kiện tướng, nhiều hơn Bobby 6 tuổi và lúc đầu liên tục đánh thắng Bobby. Đó là một con người cực kỳ thông minh sở hữu lối chơi thế trận tuyệt diệu. Bernard Zuckerman, chăm chỉ ngang ngửa với Bobby trong việc phân tích các ván cờ, đặc biệt là chiến lược trong các nước đi khai cuộc, sinh sau Bobby 22 ngày và sau này trở thành một kiện tướng quốc tế. Ngoài ra còn có thể kể đến những tài năng cờ khác của Mỹ như Asa Hoffmann, Jackie Beers, James Gore… Dù sau này tất cả đều bị Bobby qua mặt, nhưng họ đã giúp mài giũa cho lối đánh của Bobby trở nên sắc bén hơn.

Bobby chơi hàng trăm ván cờ nhanh với những người bạn của mình. Cậu muốn gì họ cũng chiều ý cậu, cậu đi đâu họ đi đó. “Thêm ván nữa nào”, Bobby nói háo hức, xếp lại quân, và không ai từ chối cậu. Tiến sĩ Stuart Margulies, một kiện tướng, hơn Bobby vài tuổi, hồi tưởng lại: “Tôi thích chơi với Bobby, và chỉ thích như thế!”. Chơi cờ với Bobby cũng giống như được đọc một bài thơ của Robert Frost hay tắm nước nóng. Bạn cảm thấy thoải mái hơn sau khi làm việc đó. Có lẽ bạn học được một điều gì đó. Các kỳ thủ thường mỉm cười khi đầu hàng Bobby, thể hiện sự ngưỡng mộ của họ với tài năng lỗi lạc của Bobby.

Chỉ sau vài tháng, Bobby, cùng với Lombardy và Gore, thống trị hoàn toàn các giải cờ nhanh tổ chức tại câu lạc bộ, chỉ giới hạn cho các kỳ thủ suy nghĩ mỗi nước trong 10 giây. Harold M. Philips, một kiện tướng 80 tuổi, nhìn phong cách chơi của Bobby mà liên tưởng đến Capablanca, bâng khuâng nhớ lại cái ngày xa xưa của năm 1905, khi nhà vô địch thế giới vĩ đại người Cuba, lúc đó mới 17 tuổi, đến thăm nơi này.

Tháng 3 năm 1956, Bobby cùng câu lạc bộ cờ Log Cabin ở Orange, New Jersey tham gia một tour đấu tại Cuba. Tại đây cậu đã biểu diễn một trận cờ đồng loạt trên 12 bàn với kết quả thắng 10 và hòa 2. Sau đó cậu cùng câu lạc bộ của mình thi đấu một loạt trận với các câu lạc bộ khác. Cậu chơi tại bàn số 2, sau bàn của kiện tướng Norman Whitaker. Cả cậu và Whitaker đều đạt điểm số rất cao với 5,5 điểm trên 7 ván.

[​IMG]
Một trận đấu đồng loạt của cậu bé Bobby Fischer

Năm 1956 cũng là năm mà Nigro chuyển đến sống tại Florida, và Bobby không bao giờ còn gặp lại ông nữa. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Bobby khi tháng 6 năm đó cậu được gặp gỡ và thọ giáo Jack Collins, một huấn luyện viên cờ vua tuyệt vời, sống cùng người chị gái tại Ethel ở Brooklyn, và có một salon cờ tại căn hộ của mình gọi là câu lạc bộ cờ Hawthorne. Salon này mở cửa thoải mái và miễn phí cho bất cứ ai muốn đến chơi hay nghiên cứu các ván cờ với ông, dù vậy ông vẫn thu tiền nếu có giảng dạy riêng một bài học nào đó. Ông là một con người tốt bụng, hoàn toàn tự học và cực kỳ hài hước. Một số kỳ thủ hàng đầu của Mỹ đã từng là học trò của ông như Robert Byrne, Donald Byrne, và cả William Lombardy. Nơi ở của Collins chất đầy những sách cờ. Ngay lần gặp đầu tiên tại nhà Collins, Bobby đã khiến cho ông phải sửng sốt. Collins bày ra một thế cờ trên bàn, đó là một thế cờ khó, và ông đã ngồi phân tích suốt nửa giờ đồng hồ. Ông gật đầu và hỏi Bobby: “Cậu nghĩ sao về thế cờ này hả Bobby?”.

Bobby liền lao vào suy nghĩ. Chỉ trong vài giây cậu đã nhìn ra được một đòn phối hợp và đưa đến giành chiến thắng trong tàn cuộc. Cậu nghĩ đến đâu tay nhấc quân đi đến đó. “Cậu ấy đã tìm ra những khả năng tiềm ẩn mà tôi không hề nhìn thấy”, Collins kể lại, “Tôi ấn tượng rất sâu sắc. Dĩ nhiên là tôi đã được nghe về tài năng khác thường của cậu bé, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận ra cậu ấy là một thần đồng thực sự và có thể sẽ trở thành một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Bobby nhanh chóng trở thành khách quen tại salon cờ của Collins. Nơi đây cách không xa Erasmus Hall High School, ngôi trường mới của Bobby (cậu đã tốt nghiệp Community Woodward sau 4 năm học). Bobby và Collins chơi hàng ngàn ván cờ – chủ yếu là cờ nhanh, phân tích hàng trăm thế trận, và giải hàng chục ván cờ thế. Bobby cũng thường xuyên mượn sách trong thư viện của Collins. Căn hộ của Collins đã trở thành ngôi nhà mới của Bobby, và cậu được Collins xem như một thành viên trong gia đình.

Collins là một trong những kỳ thủ giỏi nhất của Mỹ, và đã từng đứng trong top 50; còn Nigro thì chưa bao giờ đạt được thành tích đó. Bobby nói cậu luôn cảm thấy Nigro giống một người bạn hơn một người thầy, nhưng ông ấy là một người thầy rất xuất sắc. Nigro là một thầy giáo chuyên nghiệp và khá hình thức trong cách giảng dạy; trong khi Collins thường xếp một thế cờ và yêu cầu học trò nêu ý kiến, ông hướng dẫn cho học trò mình cách suy nghĩ. Cách dạy của ông không phải là: “Cậu phải ghi nhớ phương án này là phòng thủ King’s Indian, mạnh hơn nhiều so với những khai cuộc mà cậu đã chơi” – thay vào đó, ông tin vào cái gọi là “mưa dầm thấm lâu”. Ông làm như thế với Bobby hàng trăm lần. Cả Nigro và Collins đều giống như những người cha của Bobby, có điều mối quan hệ của Bobby với Collins kéo dài suốt 15 năm; còn Nigro, dù thừa nhận có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời của Bobby, nhưng chỉ kéo dài 5 năm.

Kiện tướng quốc tế James T. Sherwin, một người New York biết rõ cả Fischer và Collins, đã nói như thế này khi nghe Bobby phủ nhận về những ảnh hưởng của Collins đối với Bobby: “Tôi nghĩ thái độ đó hơi xấc xược, và phải nói là tự cao. Bobby đã học nhiều thứ từ Collins. Chẳng hạn, Jack luôn chơi phòng thủ Sicilian, và sau này Bobby bắt đầu tập chơi phòng thủ đó. Tôi nghĩ Bobby tự cho rằng ‘Tôi là người giỏi nhất. Không ai dạy tôi thứ gì hết và tôi nhận được món quà đó từ Chúa’. Tôi nghĩ Jack đã giúp đỡ Bobby về mặt tâm lý, rèn luyện tinh thần chiến đấu và luôn khát khao chiến thắng”.

Collins cũng chú ý đến điều mà Nigro đã thấy từ năm trước: Bobby có thói quen chần chừ trong mỗi ván cờ, đi quân chậm chạp, mất khá nhiều thời gian cho một nước đi. Để giúp Bobby, Collins mua một chiếc đồng hồ đặc biệt từ Đức có thể hẹn giờ 10 giây, và yêu cầu Bobby tập luyện với nó để cải thiện tốc độ suy nghĩ.

Về phần mình, Collins nói rằng ông chưa bao giờ “dạy” Bobby một cách nghiêm túc nhất. Collins nói tài năng của Bobby là do Chúa ban cho, bẩm sinh, và mọi điều mà Collins có thể làm là giống như một người dẫn đường, khuyến khích, ủng hộ và nuôi dưỡng thiên tài của cậu bé. Ông cũng là một người bạn trung thành của Bobby.

[​IMG]
Bobby Fischer và Jack Collins

Khi Bobby 13 tuổi, cậu cảm thấy rằng mình đã lớn và phải có trách nhiệm với bản thân, vận mệnh của cậu phải do chính cậu định đoạt chứ không phải ai khác.

Thành công thực sự đầu tiên của Bobby chính là giành chức vô địch giải trẻ Mỹ vào tháng 7 năm 1956, tổ chức tại câu lạc bộ cờ Franklin Mercantile ở Philadelphia. Chỉ mới 4 tháng trôi qua kể từ lần sinh nhật thứ 13, Bobby đã trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử giải trẻ của Mỹ, và là một trong những kỳ thủ trẻ mạnh nhất nước.

Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự tiến bộ chóng mặt của Bobby: được gặp gỡ Jack Collins và chơi vô số các ván cờ với ông cũng như các “đệ tử” khác của ông, hầu như tất cả các kiện tướng đều đến salon của Collins trong suốt mùa hè; được gia nhập câu lạc bộ cờ Manhattan và tranh tài với các thành viên của câu lạc bộ; kiến thức được tăng lên từng ngày nhờ siêng năng nghiên cứu các sách cờ và tạp chí cờ…

Chỉ 2 tuần sau, giải vô địch Mỹ mở rộng được tổ chức tại thành phố Oklahoma. Giải này có nhiều đối thủ hơn, bao gồm vài kỳ thủ giỏi nhất đến từ Mỹ và Canada. Mặc dù Bobby không có hy vọng vô địch, nhưng cậu hăng hái tham dự vì muốn tiếp tục chuỗi trận thắng của mình, và biết rằng đây là cơ hội tốt để đọ sức với những tay cờ mạnh hơn. Regina ngăn cản. Bà sợ cậu con trai kiệt sức khi phải thi đấu ba giải chỉ trong vòng 2 tháng. Bà không thể dành thời gian để đưa cậu đến Oklahoma, và bà lo lắng nếu cậu phải đi một mình.

Bobby rất kiên quyết. Cậu cự lại, nếu cậu có thể đi một mình đến Nebraska (trước đây Bobby từng tham dự một giải tại Nebraska), thì tại sao lại không thể đến Oklahoma? Thế là Regina phải miễn cưỡng đồng ý. Nhưng việc kiếm đủ tiền để làm phí tổn cho chuyến đi của cậu luôn là một vấn đề. Bà thuyết phục chủ tịch Maurice Kasper của câu lạc bộ cờ Manhattan cho bà 125 USD làm lộ phí cho Bobby (tiền xe là 93,50 USD), sau đó bà liên hệ với ban tổ chức sắp xếp cho Bobby ở nhà một ai đó để tiết kiệm tiền khách sạn. Vợ của một kỳ thủ đồng ý chăm sóc cho Bobby và lo các bữa ăn cho cậu. Trước khi đi, để có thêm tiền, Bobby chơi một trận đấu đồng loạt trên 21 bàn, thắng 19, hòa 1, thua 1, kiếm được 19 USD. Có khoảng 100 khán giả theo dõi cuộc đấu này của cậu.

Giải Oklahoma chính là giải đấu mạnh nhất mà Bobby từng tham dự cho đến lúc này. Địa điểm thi đấu là khách sạn Biltmore ở Oklahoma. Bobby, với độ tuổi của mình (trông cậu chỉ khoảng 9, 10 tuổi), trở thành một hiện tượng mới mẻ của giải. Cậu được phỏng vấn hai lần trên kênh truyền hình địa phương, được đề cập trên các tờ báo, tạp chí Oklahoman và luôn thu hút đám đông vây quanh bàn của cậu. Cánh phóng viên luôn sẵn sàng máy ảnh trong tay để chụp hình cậu.

102 kỳ thủ tranh tài trong 12 vòng đấu, kéo dài trong 2 tuần. Bobby hòa với vài kiện tướng, đánh bại vài chuyên gia (những kỳ thủ xếp hạng thấp hơn kiện tướng), cậu chơi rất quyết tâm, và kết thúc giải mà không thua ván nào – một kỷ lục với một kỳ thủ 13 tuổi ở giải này. Cậu đồng hạng 4-8, chỉ kém 1 điểm so với nhà vô địch Arthur Bisguier, một bạn cờ tại câu lạc bộ Manhattan. Hệ số chính thức của cậu trong Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ sau giải này là rất cao – 2375 – xác nhận cậu đã đủ tiêu chuẩn kiện tướng và xếp hạng thứ 21 trong nước. Không có ai ở Mỹ, hoặc trên thế giới, mà tiến bộ nhanh đến như vậy.

Cuối tháng 8 năm 1956, Bobby tham gia giải Canada mở rộng tổ chức tại Montreal với rất nhiều những tay cờ mạnh tham dự. Một lần nữa Regina lại sắp xếp để gửi Bobby ở nhờ trong khi giải diễn ra. Ở vòng 4, Bobby có một cuộc chạy marathon trong 108 nước, kéo dài suốt 7 giờ đồng hồ (là ván cờ dài nhất trong sự nghiệp của Bobby) với kỳ thủ Hans Matthai, một người Đức nhập cư vào Canada. Ván cờ thú vị này kết thúc hòa.

Sau khi ván cờ hòa, Bobby tự hỏi liệu cậu có bỏ sót khả năng nào trong ván đó hay không. Dường như có một điều gì đó trong ván cờ này, một ý tưởng vang vọng từ xa mà có thể nghe thấy. Có phải cậu đã bỏ lỡ cơ hội chiến thắng hay không?

Tối hôm đó, trong giấc ngủ sâu nhưng vẫn còn thao thức, một giấc mơ chợt đến với cậu, và ván cờ cứ tái hiện mãi, hiện mãi – có lẽ đến hàng trăm lần. Ngay trước khi tỉnh giấc, giải pháp đã đến với Bobby. Nước cờ chiến thắng đã hiện ra.

Bobby ngồi thẳng dậy: “Tôi tìm ra rồi !”, cậu nói to, không cần biết có ai đó đang ở trong phòng hay không. Bà Hornung khẽ đi đến phòng ngủ của Bobby để gọi cậu dậy ăn sáng. Bà thấy cậu trên mình vẫn đang mặc bộ pijamas, nhảy xuống giường với đôi chân trần và lao thẳng đến phòng khách, nơi đã để sẵn một bộ cờ và bắt đầu nghiên cứu lại thế tàn cuộc ngày hôm qua. “Tôi biết tôi có thể thắng mà !”, cậu reo lên.

Hiện tượng này cũng không có gì lạ. Một vài kỳ thủ đã từng mơ về ván cờ của họ vào ban đêm, nhớ lại những cái bẫy trong khai cuộc, tàn cuộc mà họ đã chơi, và sáng hôm sau thức dậy với những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Cựu vô địch thế giới Boris Spassky từng nói có lần ông mơ về ván cờ của mình trong giấc mơ, và David Bronstein, từng tranh ngôi vô địch thế giới với Mikhail Botvinnik năm 1951, nói về việc ông chơi toàn bộ những ván cờ trong giấc mơ của mình – mà ông có thể tái hiện lại vào ngay sáng hôm sau. Botvinnik cũng nói trong trận tranh chức vô địch thế giới với Vassily Smyslov, vào một đêm ông thức dậy, bước đến bàn cờ trong trang phục Adams, và chơi nước cờ mà ông đang mơ trong ván cờ tạm hoãn với đối thủ.

Ở vòng cuối Bobby hòa với Frank Anderson, nhà vô địch Canada – một người có tật cắn móng tay, và cậu đạt được tổng điểm 7/10, đồng hạng 8-12, còn chức vô địch thuộc về Larry Evans. Biết Evans có xe hơi và chuẩn bị lái xe về New York, Bobby xin đi nhờ xe. Cậu không hề chú ý gì đến cảnh đẹp bên đường cũng như người vợ rất xinh đẹp của Evans ngồi ở băng ghế sau (cô cho Bobby ngồi đằng trước). Thay vào đó, trong suốt chuyến đi dài 8 giờ đồng hồ, Bobby chỉ hỏi dồn nhà vô địch những câu hỏi: “Liệu Sherwin có cơ hội thắng hay hòa trước anh không? Bằng cách nào?” “Mednis không thắng được anh sao? Sao anh ta lại chấp nhận hòa? Có lẽ vì anh ta bị thiếu thời gian”. Evans nhớ lại, “Tôi không hề nghĩ rằng mình đang nói chuyện với nhà vô địch thế giới tương lai, chỉ thấy đó là một kiện tướng còn rất trẻ và rất sôi nổi. Cuộc trò chuyện đó cũng là khởi đầu của một tình bạn lâu dài”.

[​IMG]
Kỳ thủ Larry Evans

Bobby cảm thấy mình lớn dần. Cậu đã 13 tuổi, nếu cậu có thể đánh bại những người lớn trong môn cờ, thì tại sao cậu lại không được đối xử như một người trưởng thành? Cậu yêu cầu mẹ không đến đón cậu tại câu lạc bộ vào ban đêm nữa. Điều đó làm cậu khó chịu. “Được thôi”, Regina nói, “Mẹ sẽ không đến đón nữa, con có thể tự về một mình, nhưng với hai điều kiện: Con phải về nhà trước 10 giờ đêm vào những ngày đi học, và không quá nửa đêm vào ngày cuối tuần, đồng thời phải học võ để biết cách tự vệ”. Bobby miễn cưỡng đồng ý. Nhưng thực tế thì cậu không phải đi học võ, vì 1 giờ học mất ít nhất 8 USD, mà Regina thì không đủ khả năng chi trả số tiền đó. Còn lại những điều kiện khác thì vẫn được thực hiện nghiêm chỉnh.

Trong những tuần đầu tiên ở trường cấp ba, ngay sau khi Bobby trở về từ giải Montreal, cậu không tham gia học các lớp tiếng Tây Ban Nha ở trường, và bây giờ cậu phải đối mặt với bài thi đầu tiên gồm 10 câu. Dù biết một ít tiếng Tây Ban Nha “bồi” (nhờ lần trước thi đấu tại Cuba, một nước nói tiếng Tây Ban Nha), nhưng cậu không thể dịch hay trả lời các câu hỏi kiểu như: “Trạm xe lửa ở đâu?” hay “Trái chuối này giá bao nhiêu?”, vì vậy cậu chỉ trả lời được 6 câu hỏi – mà tất cả đều sai bét, còn lại để trống không trả lời.

Trong gia đình Fischer, việc thi rớt ngoại ngữ có thể nói là một sự vi phạm nghiêm trọng. Ngay từ khi còn học đại học, Regina đã nói rất giỏi các tiếng Latin, Hebrew (tiếng Do Thái cổ), tiếng Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha. Bà có thể nói trôi chảy với ngữ điệu của những ngôn ngữ này. Sau này bà còn tiếp tục tham gia các khóa học ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng của mình. Joan cũng rất thông thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức. “Siêng năng nhỉ !”, bà hét lên với Bobby, với hàm ý rằng nếu cậu chỉ cần dành một phần nhỏ thời gian cậu dành cho cờ để học hành, thì chắc chắn cậu sẽ là một học sinh xuất sắc. Bà tiếp tục nhấn mạnh cho cậu sự quan trọng của việc biết nhiều ngôn ngữ, đặc biệt nếu cậu có ý định chơi cờ ở nước ngoài. Bobby hiểu ra. Để giúp con trai, bà bắt đầu dạy cậu tiếng Tây Ban Nha, khuyên cậu làm bài tập, hướng dẫn cậu, và chỉ trong một thời gian ngắn trình độ của cậu đã được cải thiện. Cuối cùng, cậu có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha.

Erasmus Hall High School ở Brooklyn là ngôi trường lớn nhất New York với hơn 5000 học sinh. Vào trường mùa thu năm 1956, Bobby cảm thấy thoải mái ở đây, dù có phần ít hơn nhiều so với ở Community Woodward. Ở trường không ai biết chơi cờ nên họ không để ý đến cậu. Một số khác có nhận ra thần đồng Bobby Fischer mình từng đọc trên báo, nhưng như cậu nói “Tôi không quấy rầy họ và họ cũng không quấy rầy tôi”. Cậu dường như không biết Barbra Streisand, ca sĩ tương lai (rất nổi tiếng với ca khúc Woman in love), lúc đó còn là một nữ sinh đã thầm để ý đến cậu. Bà nhớ lại rằng “Bobby luôn luôn ở một mình và rất khác thường. Nhưng tôi lại thấy cậu ấy rất gợi cảm (very sexy)”. Còn trí nhớ của Bobby về Streisand thì sao? “Có một cô gái nhỏ rụt rè…”. Giáo viên của cậu, ít nhất cũng cảm thấy bực mình vì thái độ tách biệt và không hứng thú với các bài học của Bobby.

Tháng 10 năm 1956

Trên con đường đầy lá rụng, Bobby Fischer đang lao nhanh đến câu lạc bộ cờ Marshall. Đây là nơi mà Frank J. Marshall – vô địch Mỹ 27 năm liền, sinh sống cùng gia đình, dạy học và thi đấu. Ông là người đứng đầu câu lạc bộ cho đến khi qua đời năm 1944, sau đó vợ ông là Caroline lên tiếp quản. Hầu hết những kiện tướng danh tiếng nhất thế giới đã từng đến đây. Tại đây Jose Raul Capablanca vĩ đại đã biểu diễn thi đấu đồng loạt lần cuối cùng, cũng là nơi nhà vô địch thế giới Alexander Alekhine đã đến thăm và thi đấu cờ nhanh…

Có một số nguyên tắc bất thành văn trong câu lạc bộ, kể cả trong cách ăn mặc. Bobby có thói quen mặc đồ thường, với áo thun, quần gấp nếp, giày bata khi đến đây, và bà Caroline Marshall xem cách ăn mặc này của cậu giống như một sự xúc phạm. Bà từng dọa nếu cậu không chịu ăn mặc cho nghiêm chỉnh hơn thì sẽ cấm cậu đến đây. Tuy nhiên Bobby không thèm quan tâm.

Cậu đến câu lạc bộ Marshall vào tối tháng 10 hôm đó để đấu vòng 7 của một giải mời, giải tưởng niệm Rosenwald, mang tên người tài trợ của giải, Lessing J. Rosenwald, một nhà sưu tập tranh và tài trợ cờ vua. Bobby được mời nhờ thành tích vô địch giải trẻ Mỹ cách đây 3 tháng, và Rosenwald là giải mời đầu tiên mà cậu tham gia, gồm toàn các kiện tướng. 11 kỳ thủ bao gồm một số kỳ thủ giỏi nhất của Mỹ, cùng với các thành viên của câu lạc bộ cờ Marshall. Đối thủ của Bobby tối hôm đó là giáo sư đại học Donald Byrne, một kiện tướng quốc tế, cựu vô địch giải Mỹ mở rộng, một tay cờ với lối đánh tấn công dữ dội. Tóc đen, từ lời nói đến cách ăn mặc đều rất lịch lãm, Byrne 25 tuổi lúc nào cũng kẹp một điếu xì gà giữa hai ngón tay, thể hiện phong thái của một nhà quý tộc.

[​IMG]
Kiện tướng quốc tế Donald Byrne

Regina đưa Bobby đến câu lạc bộ, nhưng khi cậu bắt đầu thi đấu thì bà đến một hiệu sách cũ gần đó để đọc sách, vì biết ván cờ của cậu sẽ kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Trước khi ván cờ kết thúc bà sẽ quay lại.

Cho đến thời điểm đó Bobby chưa thắng được ván nào tại giải, nhưng cậu hòa 3 ván, và dường như mạnh lên sau mỗi vòng đấu, có lẽ nhờ học hỏi từ các kiện tướng đã gặp trước đó. Đối với các kỳ thủ thì việc cầm Trắng luôn có được một lợi thế nhất định, nhưng rủi thay cho Bobby, hôm nay cậu phải cầm Đen khi gặp Byrne, một kỳ thủ với lối chơi công sát rất mãnh liệt.

Đã từng nghiên cứu những ván cờ trước đây của Byrne trong các sách cờ và tạp chí, Bobby biết một chút về cách chơi của đối thủ và chiến lược mà anh ta thường sử dụng. Vì vậy cậu chọn một khai cuộc không quen thuộc với Byrne, và với cậu cũng là để thử nghiệm. Cậu đưa vào một thế cờ gọi là Phòng thủ Gruenfeld. Bobby biết những thứ cơ bản của khai cuộc này, nhưng những tinh vi ảo diệu bên trong thì cậu chưa nắm được hết. Đặc điểm là Trắng sẽ chiếm trung tâm, nhưng các quân sẽ trở thành những mục tiêu dễ bị tấn công.

Vì không nhớ rõ thứ tự các nước đi nên Bobby phải suy tính mỗi khi đến lượt mình đi và cậu bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu thời gian. Lo lắng, cậu cắn móng tay, nghịch tóc, quỳ lên ghế, đặt khuỷu tay lên bàn, chống cằm trên tay này rồi lại đến tay khác. Byrne vừa đánh bại Samuel Reshevsky, tay cờ mạnh nhất tại giải. Trình độ của Byrne không cần phải bàn cãi nữa. Bobby không hoảng sợ, nhưng rõ ràng không dễ dàng cho cậu chút nào.

Những người xem bắt đầu tụ tập quanh bàn của Bobby, và mỗi lần cậu muốn vào nhà vệ sinh thì lại phải vất vả chen lấn qua đám đông. Điều đó làm cậu mất tập trung, vì thông thường khi rời khỏi bàn thì cậu vẫn tiếp tục suy nghĩ về ván cờ. “Những người xem ngồi ngay bên cạnh bạn và nếu bạn yêu cầu họ rời đi hay yên lặng thì họ sẽ bị tổn thương ghê gớm”, Bobby hồi tưởng. Cậu cũng nói rằng thời tiết nóng nực và có đông người xem khiến căn phòng rất ngột ngạt. Bobby phàn nàn với ban tổ chức nhưng đã quá muộn để có thể làm gì vào tối hôm đó. Vào mùa hè năm sau câu lạc bộ Marshall mới lắp chiếc điều hòa đầu tiên.

Dù không thoải mái nhưng Bobby vẫn tiếp tục suy nghĩ về ván cờ. Thật ngạc nhiên, sau 11 nước, cậu đã có ưu thế về thế trận. Sau đó, cậu bất ngờ di chuyển Mã đến một ô có thể bị đối phương tấn công. “Cậu ta làm gì thế?”, ai đó hỏi. “Đó là một sai lầm hay là một đòn thí quân?”. Khi những người xem nhìn kỹ lại thế trận, ý đồ của Bobby trở nên rõ ràng: Dù không quá sắc sảo, nhưng nó rất mưu trí, tài tình, và thậm chí tài hoa nữa. Byrne không dám ăn Mã; dù anh ta có thể hơn một quân nhưng sẽ dẫn đến thua cờ. Trọng tài của giải mô tả không khí trong phòng sau nước cờ táo bạo của Bobby: “Những tiếng thì thầm bàn tán xuất hiện sau nước cờ này, và người xem ngày càng tụ tập đông hơn quanh bàn của Fischer”. Họ như dính chặt vào ván cờ của Bobby.

Ván cờ tiếp tục diễn ra. Bobby còn 20 phút để thực hiện đủ 40 nước đi, trong khi cậu chỉ mới đi được 16 nước. Suy nghĩ thật sâu, Bobby nhận ra một khả năng đặc biệt có thể làm thay đổi hoàn toàn thế trận. Nếu cậu cho Byrne ăn Hậu, quân cờ mạnh nhất trên bàn thì sao? Thường chơi thiếu Hậu là rất khó khăn, gần như là thua luôn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Byrne ăn Hậu? Thế trận sẽ bị suy yếu và thiếu khả năng phòng vệ trước những đợt tấn công của Bobby chăng?

[​IMG]
Thế cờ ngay trước khi Bobby thí Hậu

Nước cờ này đến với Bobby giống như một bản năng. Cậu không chắc mình nhìn thấy hết mọi diễn biến sau khi Byrne ăn Hậu, nhưng cậu vẫn lao vào.

Nếu đòn hi sinh Hậu của Bobby không được Byrne chấp nhận, cậu phỏng đoán, Byrne sẽ thua; nhưng nếu anh ta chấp nhận, anh ta cũng sẽ thua. Bất cứ Byrne làm gì, anh ta cũng đều sẽ thất bại theo lý thuyết, dù ván cờ vẫn còn kéo dài. Một tiếng thì thầm của một khán giả có thể nghe thấy được: “Không thể tin được! Byrne đang thua một cậu bé 13 tuổi chứ không phải ai khác”.

Byrne ăn Hậu.

Bobby, bây giờ tập trung đến mức hầu như không nghe thấy gì từ đám đông nữa, cậu thực hiện nước tiếp theo vừa nhanh vừa mạnh mẽ, như phóng ra một mũi phi tiêu độc. Cậu đã có thể nhìn thấy kết cuộc của ván cờ trong khoảng 20 nước hoặc nhiều hơn thế nữa. Bobby thể hiện rất ít cảm xúc. Cậu vẫn ngồi đó, yên lặng như một ông Phật, dẫn dắt người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Ở nước thứ 41, sau 5 giờ đồng hồ thi đấu, Bobby nhấc quân Xe lên rồi nhẹ nhàng hạ xuống, đặt đúng ô cần đặt và hô: “Chiếu hết!”. Đối thủ của cậu rất thân thiện đứng dậy, và họ bắt tay nhau. Cả hai đều mỉm cười. Byrne biết rằng dù kết quả thật tệ, nhưng anh đã thua một trong những ván cờ tuyệt vời nhất từng được chơi, và đã trở thành một phần của lịch sử. Vài người vỗ tay, làm phiền những kỳ thủ vẫn còn đang thi đấu – những người không hề biết rằng một trong những trang đẹp nhất của lịch sử cờ vua đã được viết nên chỉ cách đó vài bước chân. Họ vẫn còn đang lo cho ván cờ của mình. “Suỵt! Yên nào!”. Đã nửa đêm rồi.

[​IMG]
Nước cờ kết thúc của Bobby

Hans Kmoch, trọng tài của giải, sau này đánh giá về ván cờ: “Một kiệt tác về đòn phối hợp đã được trình diễn bởi cậu bé 13 tuổi trước một đối thủ rất lợi hại, xứng đáng là ván cờ hay nhất trong lịch sử của những thần đồng cờ vua… Màn trình diễn của Bobby lấp lánh với sự sáng tạo kỳ diệu”.

Và Hans Kmoch đã gọi ván cờ tuyệt diệu đó là “Ván cờ thế kỷ”.

Ván cờ của Bobby xuất hiện trên các tờ báo khắp đất nước cũng như trên toàn thế giới, với vô số mỹ từ ca ngợi. Đại kiện tướng Yuri Averbach, người Liên Xô đã nói: “Sau khi xem qua ván cờ, tôi bị thuyết phục rằng cậu bé này là một tài năng vô cùng lớn”. Còn Mikhail Botvinnik, đương kim vô địch thế giới thì “Chúng ta cần phải chú ý đến cậu bé này!”.

[​IMG]
Cậu bé Bobby Fischer trên bìa tạp chí Chess Review (cậu đang suy nghĩ ngay trước khi thực hiện đòn thí Hậu kinh điển)

“Ván cờ thế kỷ” đã được nhắc đến, phân tích và ngưỡng mộ trong suốt hơn 50 năm qua. Nó chỉ có thể so sánh với “nước đi vàng” của Frank Marshall – một kỳ thủ Mỹ khác, tại giải Breslau năm 1912, cũng là một đòn thí Hậu tuyệt đẹp và đánh bại Levitsky. Khi nhớ lại ván cờ này, Bobby khiêm tốn: “Tôi chỉ đi những nước mà mình cho là tốt nhất. Tôi chỉ may mắn thôi!”.

Kmoch, vị trọng tài, cảm nhận được hình bóng của nhà vô địch thế giới từ Bobby, nên đã cẩn thận lưu giữ biên bản gốc do chính thần đồng ghi chép như một kiệt tác của danh họa Rembrandt. Và David Lawson, một nhà sưu tập, bằng cách nào đó – có lẽ là trả tiền, đã có được bản gốc của “Ván cờ thế kỷ” từ Kmoch, với ghi chú của chính Kmoch bằng cây bút chì đỏ: 0-1 (Byrne thua, Fischer thắng). Sau khi Lawson chết, tờ biên bản được một nhà sưu tập khác mua lại, và cứ thế trong nhiều năm nó đã qua tay khá nhiều nhà sưu tập. Ngày nay trong các cuộc bán đấu giá, nó được định giá 100,000 USD.

Còn tiền thưởng của Bobby từ Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ cho kiệt tác này thì sao? Chỉ có 50 đô la.

[​IMG]
Biên bản gốc của “Ván cờ thế kỷ”, do chính Bobby ghi chép

[​IMG]
Quang cảnh bên ngoài của câu lạc bộ cờ Marshall, nơi diễn ra “Ván cờ thế kỷ”

[​IMG]
Quang cảnh bên trong

Năm 1957, Bobby chơi 2 ván cờ với cựu vô địch thế giới Max Euwe, nhưng thất bại với tỉ số 0,5 – 1,5. Sau đó Regina nhờ vả Reuben Fine, một kỳ thủ nổi tiếng đồng thời cũng là một nhà phân tâm học, xem thử xem Bobby có gặp vấn đề gì về tâm lý hay không, bởi vì bà thấy cậu sống quá tách biệt, suốt ngày chỉ chúi đầu vào cờ. Biết tính cách của Bobby, Fine không dám tiếp cận trực tiếp, mà ông mời cậu đến nhà mình luyện cờ trước. Sau khoảng 6 tuần, khi đã cảm thấy Bobby thân thiện với mình, ông mới bắt đầu trò chuyện về việc cậu làm gì ở trường. Trong vòng vài giây Bobby liền nhận ra mình bị lừa, “Ông lừa tôi”, cậu thốt lên và chạy vụt ra khỏi căn hộ của Fine. Sau này cứ mỗi lần gặp lại nhau, Bobby đều nhìn Fine bằng ánh mắt giận dữ “như thể tôi đã gây ra một nỗi đau rất ghê gớm khi tìm cách đến gần cậu ta”.

Bobby, về phần mình, không nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với cậu. Ở tuổi 14, hành vi của cậu tại câu lạc bộ và các giải đấu là khá tốt. Như nhiều thiếu niên khác, cậu thỉnh thoảng cũng lớn tiếng khi nói chuyện, đầu tóc thì rối bù, và rất hăng hái trên bàn cờ. Không có gì trong hành động của cậu cho thấy cậu gặp phải vấn đề nghiêm trọng hay bị rối loạn thần kinh.

Có lẽ cuộc “điều trị” của Fine đã thôi thúc giới báo chí; bất cứ khi nào viết chuyện gì về cờ, cánh phóng viên cũng cố tìm kiếm một vài kỳ thủ bị “loạn trí”. Bobby, do đó, thường xuyên trở thành nạn nhân của việc cố gắng giải thích tính cách của cậu. Khi được phỏng vấn, cậu thường bị hỏi những câu rất khó chịu kiểu như “Tại sao cậu không có bạn gái?” … “Có phải tất cả các kỳ thủ đều bị điên không?”, và cậu biết rằng họ sẽ làm méo mó câu chuyện để khiến cậu trở nên khác thường. “Hỏi tôi điều gì đó bình thường…”, một lần cậu nói với phóng viên, “thay vì khiến tôi trông bất thường”. Trong một lần khác cậu nói với một nhà báo: “Những kẻ đó luôn viết sai về tôi. Họ nói tôi ngu ngốc và không có tài năng gì ngoài cờ. Điều đó không đúng”.

Vài bài báo gọi Bobby là nhà bác học ngốc, nhấn mạnh vào từ ngốc hơn là nhà bác học. Tạp chí cờ Chess Life, rất tức giận trước những lời lẽ thiếu tôn trọng với Bobby, đã tuyên bố những bài báo như vậy là “hoàn toàn nhảm nhí”.

Tháng 7 năm 1957, Bobby bảo vệ thành công chức vô địch giải trẻ Mỹ với số điểm 8,5/9 tại San Francisco. Tháng 8, cậu thi đấu giải Mỹ mở rộng ở Cleveland, với điểm số 10/12 bằng với Arthur Bisguier, nhưng nhờ hơn hệ số phụ nên Bobby đoạt chức vô địch, trở thành nhà vô địch giải này trẻ nhất từ trước đến giờ. Sau đó cậu thắng tiếp giải mở rộng New Jersey với kết quả 6,5/7. Tiếp đến Bobby đánh bại kiện tướng trẻ người Phi-lip-pin Rodolfo Tan Cardoso 6-2 trong một trận đấu tay đôi ở New York do Pepsi-Cola tài trợ.

Tháng 12 Bobby được mời tham dự Giải Vô Địch Mỹ 1957-1958. Giải mời này không cho phép những trường hợp đặc biệt, mà chỉ mời dựa vào đúng thực lực của kỳ thủ. Giải lần này quy tụ những ngôi sao sáng như Samuel Reshevsky, 6 lần vô địch nước Mỹ, Arthur Bisguier, và William Lombardy, người đã từng vô địch giải trẻ thế giới với số điểm tuyệt đối 11-0, duy nhất trong lịch sử giải này. Giải vô địch Mỹ là giải đấu rất quan trọng để chọn ra người tham dự Interzonal, sau đó 6 người đứng đầu Interzonal sẽ cùng với 2 người nữa tham dự vòng đấu Candidates (vòng đấu tuyển chọn người thách đấu với nhà vô địch thế giới). Trước giải, Bisguier dự đoán thành tích của Bobby chỉ là “chỉ cao hơn khoảng giữa bảng xếp hạng một chút”. Nhưng mọi chuyện diễn tiến hoàn toàn ngược lại. Bobby khởi đầu giải với trận thắng Arthur Feuerstein, một kỳ thủ trẻ đầy triển vọng. Tiếp theo cậu hòa với Samuel Reshevsky trong một ván cờ cực kỳ căng thẳng. Và sau ván đó Bobby chơi như lên đồng với 5 ván thắng liên tiếp.

[​IMG]
Từ trái sang phải: William Lombardy, Jack Collins, Bobby Fischer

Đối thủ của Bobby ở vòng cuối là Abe Turner, người đã đánh bại Bobby tại giải Rosenwald hồi năm ngoái. Vì vậy cậu phải đặc biệt cẩn thận trước kỳ thủ này. Dù vậy, chỉ sau vài phút, Turner, với giọng the thé, đề nghị Bobby hòa ở nước thứ 18. Cậu chấp nhận và sau đó đi loanh quanh trong câu lạc bộ để theo dõi các ván cờ khác. Cậu đã tích lũy được 10,5 điểm, và cũng như ở giải Mỹ mở rộng, cậu không thua một ván nào. Lombardy, không còn cơ hội cạnh tranh chức vô địch, đang thi đấu với tay cờ kỳ cựu Reshevsky, và con cáo già đang được 9,5 điểm. Nếu Reshevsky đánh bại Lombardy thì ông sẽ bằng điểm với Bobby và trở thành đồng vô địch, vì giải này không tính hệ số phụ và cũng không có những trận playoff. Trong khi chờ đợi, có lẽ để giả vờ không quan tâm, Bobby chơi vài ván cờ nhanh với những người bạn. Thỉnh thoảng cậu đến bàn của Lombardy-Reshevsky để xem diễn biến. Cuối cùng, sau một lần xem, cậu tuyên bố, như thể không còn gì phải bàn cãi nữa, “Reshevsky sẽ thua”. Lombardy đang chơi một ván cờ để đời, áp chế hoàn toàn thế trận của Reshevsky. Khi thế cờ đã hoàn toàn vô vọng, Reshevsky bỏ điếu xì gà ra khỏi miệng, mím môi và đầu hàng. Bobby chạy đến và nói với bạn mình, “Anh đánh thật dữ dội”. Lombardy 20 tuổi cười nói, “Nào, tôi có thể làm gì được? Cậu buộc tôi phải đánh bại Sammy!”.

Với thất bại của Reshevsky, Bobby Fischer 14 tuổi đã chính thức trở thành nhà vô địch cờ vua Mỹ, và chuẩn bị vươn ra biển lớn để đối đầu với những tay cờ hùng mạnh đến từ Liên Xô.

Four Continents là một hiệu sách lớn chuyên bán các loại sách tiếng Nga. Nơi đây có không nhiều sách cờ nhưng đều là những sách rất hay, ngoài ra hiệu sách này còn có những bản copy mới nhất của Shakhmatny Bulletin, một tạp chí cờ tiếng Nga. Tạp chí này có nhiều bài về lý thuyết cờ và những ván cờ mới nhất trên khắp thế giới, hầu hết là của những kỳ thủ Liên Xô. Fischer biết thời điểm những bản copy này ra mỗi tháng, vì vậy chỉ trong vòng 1, 2 ngày là cậu có mặt tại Four Continents để mua ấn bản mới nhất. Cậu nói với nhiều người rằng Shakhmatny Bulletin là “tạp chí cờ hay nhất thế giới”.

Cậu rất chăm chỉ học hỏi từ các bài viết trong tạp chí, theo dõi lối chơi của kỳ thủ 18 tuổi Boris Spassky, ngôi sao mới của cờ vua Liên Xô vừa vô địch giải trẻ thế giới. Cậu cũng nghiên cứu các ván cờ của Mark Taimanov, vô địch Liên Xô năm 1956 – đồng thời cũng là một nghệ sĩ dương cầm – người giới thiệu nhiều phương án mới trong khai cuộc. Bobby vừa xem vừa ghi chép những loại khai cuộc nào đang thịnh hành trên thế giới và giành được nhiều trận thắng, và những loại nào thì không phổ biến. Cậu cũng ghi chú lại ván nào mà mình thích. Những ván cờ của các kiện tướng trong Shakhmatny trở thành những ví dụ mẫu mực cho Bobby, và vài người trong số họ sau này đã trở thành đối thủ của cậu.

Trong quá trình nghiên cứu, Bobby cảm thấy e ngại trước kiến thức uyên bác cùng trực giác cờ rất nhạy bén và mau lẹ của các kỳ thủ Liên Xô, không cần phải bàn cãi, họ là những người giỏi nhất thế giới vào thời điểm đó. Khi 14 tuổi, Bobby có trả lời trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo Nga rằng cậu muốn được thi đấu với những kiện tướng giỏi nhất của Nga, và nói thêm: “Tôi đã xem những gì mà họ làm. Tôi biết những ván cờ của họ. Họ tấn công rất sắc bén, và đầy tinh thần chiến đấu”.

Regina, vì không muốn Bobby đi theo con đường cờ vua, nên luôn cố gắng làm mọi thứ để làm nản lòng đứa con trai, “nhưng vô vọng”, bà thốt lên. Sự thật là, bà biết cờ là lẽ sống của Bobby, và mơ ước của cậu chính là trở thành kỳ thủ cờ vua giỏi nhất thế giới. Như bất kỳ bà mẹ nào khác, bà cũng muốn con mình đạt được ước mơ, và cuối cùng bà chuyển sang ủng hộ cậu, trở thành người quảng bá cho cậu và cũng là người quản lý của cậu.

Từ đó trở đi, không có giải đấu nào Bobby tham dự mà không có sự quảng cáo rùm beng của Regina với giới báo chí và truyền thông. Trong bức thư gửi cho Maurice Kasper, chủ tịch của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ (và cũng là chủ tịch câu lạc bộ cờ Manhattan), bà viết: “Tôi hy vọng ngày nào đó Bobby sẽ trở thành một nhà vô địch vĩ đại, bởi vì nó yêu thích cờ hơn bất kỳ ai”.

Trong các giải đấu, dù là ở Mỹ hay ở nước ngoài, Regina thường xuyên viết thư, gửi điện cho Bobby để động viên, khuyên bảo: “Mẹ thấy con được 1,5 điểm sau 2 vòng, thật là tuyệt vời. Cố giữ vững nhưng đừng kiệt sức vì nó. Hãy đi bơi, đi ngủ”.

Năm 1958, nhận lời mời từ Liên Đoàn Cờ Vua Liên Xô, Bobby và Joan sang thăm Liên Xô. Joan đi theo để chăm sóc cho Bobby. Mục đích của chuyến đi là để Bobby tập luyện nhằm chuẩn bị cho giải Interzonal (nhưng có lẽ phía Liên Xô cũng có ý thăm dò thực lực của thần đồng cờ vua nước Mỹ). Khỏi nói cũng biết Bobby sung sướng và háo hức như thế nào khi sắp được đặt chân lên vùng đất thánh của cờ vua. Tuy nhiên, khi có một kỳ thủ trong câu lạc bộ cờ Manhattan hỏi cậu sẽ làm gì nếu được mời ăn tối ở Moscow, nơi cậu phải đeo một cái cà vạt, thì Bobby, chưa đeo cà vạt bao giờ, và cũng không hề thích đeo cà vạt, trả lời thành thật: “Nếu tôi phải đeo một cái cà vạt thì tôi sẽ không đi”.

Bobby và Joan được Lev Abramov, trưởng bộ môn cờ Liên Xô, đón tại phi trường Moscow, và họ được đưa đến khách sạn sang trọng nhất, khách sạn National.

Đã nghiên cứu rất nhiều những ván cờ xuất sắc của các kỳ thủ Liên Xô, nên Bobby hết sức tôn trọng họ, và lúc đầu, cậu thấy ở Nga giống như được ở trong thiên đường của cờ vua. Cậu muốn xem cách dạy và học cờ ở đây như thế nào. Cậu muốn đọc và mua các tài liệu cờ tiếng Nga, cũng như đến thăm các câu lạc bộ cờ và các công viên cờ ở đây. Nhưng hơn hết là cậu muốn được đọ sức với những tay cờ mạnh nhất thế giới. Nhiệm vụ của cậu là phải thi đấu với càng nhiều kiện tướng càng tốt, nhằm trui rèn bản lĩnh mới có thể cạnh tranh với các kỳ thủ Liên Xô tại giải Interzonal tổ chức tại Yugoslavia sắp tới.

Tuy nhiên, phía Liên Xô không thể đồng ý cho cậu quan sát phương thức tập luyện cũng như chia sẻ các bí mật về cờ của họ – đặc biệt khi những kỳ thủ mà Fischer muốn thi đấu cũng sẽ tranh tài với cậu trong vài tuần tới tại Yugoslavia. Liên Xô nghĩ Bobby là một hiện tượng mới mẻ và thú vị, nhưng cũng đáng lo ngại. Chắc chắn họ không thể giúp cậu đánh bại họ tại môn chơi mà họ đã và đang thống trị thế giới.

Một chương trình được sắp xếp sẵn cho hai chị em Fischer để đi tham quan thành phố, thăm các tòa nhà và phòng trưng bày của Kremlin, nhà hát Bolshoi, rạp xiếc Moscow… Với Bobby thì đây là cơ hội để cậu tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của Nga, nhưng cậu không mấy hứng thú. Cậu đến Moscow là để chơi cờ, và mỗi giây phút mà cậu trải qua ở đây cậu chỉ muốn được thi đấu với những kiện tướng mạnh nhất.

Moscow là nơi đã tổ chức một giải cờ cực lớn vào năm 1925; là nơi mà Alekhine trở thành đại kiện tướng, là nơi mà hầu hết những kiện tướng hàng đầu thế giới thi đấu, học tập và sinh sống; là nơi mà trận tranh chức vô địch thế giới giữa Botvinnik và Smyslov mới được tổ chức cách đây vài tháng. Với Bobby, Moscow là đấu trường Elysium của cờ vua, và tâm trí cậu chỉ nghĩ về điều đó.

Abramov đề nghị đưa cậu đi một vòng giới thiệu thành phố, nhưng Bobby yêu cầu đưa cậu đến câu lạc bộ cờ Moscow (Moscow Central Chess Club) ngay lập tức, được xem là một trong những câu lạc bộ cờ mạnh nhất thế giới. Hầu như tất cả các tay cờ giỏi nhất của Moscow đều chơi cho câu lạc bộ này. Nơi đây được mở cửa vào năm 1956 và tự hào với một thư viện hơn 10,000 quyển sách cờ và hơn 100,000 đầu mục các phương án khai cuộc. Bobby không thể chờ đợi thêm nữa.

Khi đến câu lạc bộ, đầu tiên Bobby được giới thiệu thi đấu cờ nhanh với hai kiện tướng trẻ của Liên Xô, Evgeny Vasiukov và Alexander Nikitin. Sau đó cậu hỏi: “Khi nào thì tôi có thể đấu với Botvinnik (nhà vô địch thế giới)?” “Và Smyslov (đối thủ của Botvinnik)?”. Cậu được cho biết vì đang là mùa hè nên cả Botvinnik và Smyslov đều ở vùng thôn quê, cách khá xa Moscow, nên không thể gặp được. Điều đó cũng đúng. “Còn Keres thì sao?”, “Keres không ở trong nước”, họ đáp.

Abramov khẳng định họ đang tìm cách liên hệ với các đại kiện tướng để thi đấu với Bobby. Dù đúng hay không, Abramov cũng bắt đầu bực mình với thái độ xấc láo và khó chịu của Bobby. Dù gì cũng chỉ là một thằng bé mới lớn có chút danh tiếng trên làng cờ, sao dám đòi hỏi này nọ với Liên Xô, bá chủ cờ vua thế giới được chứ?

Cuối cùng Tigran Petrosian được mời đến câu lạc bộ để thi đấu với Bobby (David Bronstein cũng được mời nhưng từ chối vì “Xin lỗi, tại sao tôi lại phải đấu với một thằng nhóc chứ?”). Petrosian là một đại kiện tướng quốc tế, lối chơi không màu mè nhưng rất đúng đắn và hiệu quả, được xem là một trong những bậc thầy về phòng thủ hay nhất mọi thời đại. Ông chơi cờ nhanh rất xuất sắc, và cũng là người đánh bại Botvinnik vào năm 1963 để lên ngôi vô địch thế giới. Bobby biết Petrosian, dĩ nhiên, vì đã nghiên cứu các ván cờ của ông tại giải Amsterdam năm 1956, và cũng đã xem ông thi đấu trong trận Mỹ – Liên Xô tại New York 4 năm trước. Trước khi Petrosian đến, Fischer muốn biết cậu được nhận bao nhiêu tiền khi chơi với Petrosian. “Không. Cậu là khách”, Abramov trả lời lạnh nhạt, “và chúng tôi không trả tiền cho khách”.

Bobby và Petrosian chơi trong một phòng nhỏ và giới hạn số người xem. Trận đấu giữa hai người không phải là một trận đấu chính thức (cờ tiêu chuẩn), mà chỉ gồm các ván cờ nhanh, và Petrosian thắng hầu hết. Nhiều năm sau, Bobby nói trong những ván cờ nhanh đó, lối chơi (phòng thủ) của Petrosian làm cho cậu chán chết, và đó là lý do tại sao cậu thua nhiều hơn thắng.

[​IMG]
Trận đấu cờ nhanh giữa Bobby Fischer và Petrosian

Khi Bobby phát hiện ra cậu không được chơi một trận đấu chính thức nào, mà chỉ toàn là các ván cờ nhanh, cậu cảm thấy mình không được tôn trọng. Chẳng phải cậu là đương kim vô địch nước Mỹ đó sao? Chẳng phải cậu đã chơi “Ván cờ thế kỷ”, một trong những ván cờ đẹp nhất đó sao? Chẳng phải cậu đã từng thi đấu với cựu vô địch thế giới, tiến sĩ Max Euwe đó sao? Chẳng phải cậu là thần đồng được tiên đoán sẽ trở thành nhà vô địch thế giới đó sao?

Tại sao họ lại từ chối cậu, một Hoàng Tử Cờ Vua? Đây không đơn thuần là sự hắt hủi, đó là sự xúc phạm lớn nhất mà cậu có thể tưởng tượng. Cậu phản ứng lại sự xúc phạm đó một cách tương xứng theo quan điểm của cậu. Với cậu, lý do mà những tay cờ hàng đầu không muốn gặp cậu đó là vì, ở một chừng mực nào đó, họ e sợ cậu. Cậu xem mình giống như người anh hùng Paul Morphy, khi trong chuyến du đấu châu Âu năm 1858, cách đây đúng 100 năm, ông cũng bị từ chối một trận đấu với kỳ thủ người Anh Howard Stauton, được xem là tay cờ mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó. Những nhà nghiên cứu lịch sử cờ vua đều tin rằng Morphy 21 tuổi nếu được gặp sẽ dễ dàng hạ gục Stauton. Và Fischer 15 tuổi cũng tin chắc rằng nếu cậu có cơ hội gặp Mikhail Botvinnik, nhà vô địch thế giới, thì tay cờ Liên Xô sẽ bị đánh bại.

Việc không được đọ sức với những gã khổng lồ trong làng cờ Liên Xô, cũng như không nhận được tiền thưởng cho những chiến thắng của mình, đã khiến cho Bobby không còn xem các kỳ thủ Liên Xô như là người hùng trong mắt cậu nữa, thậm chí họ đã trở thành những kẻ phản bội, và không thể tha thứ. Bobby gửi một bức thư cho Collins phàn nàn về lòng mến khách của những người Nga, nhưng trước khi bức thư đến New York thì các nhân viên kiểm duyệt Nga đã đọc được, và những nhận xét thái quá của Bobby liền bị đưa lên các tờ báo Nga. Yêu cầu gia hạn visa của Bobby và Joan bị từ chối, và thế là cuộc chiến tranh ngầm giữa Bobby Fischer với làng cờ Liên Xô bắt đầu.

rong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh này giữa Mỹ và Liên Xô, việc một công dân Mỹ được ở lâu tại Moscow là rất khó khăn. Hơn nữa vào giữa tháng 7 căng thẳng càng tăng cao khi 100,000 công dân Liên Xô bao vây đại sứ quán Mỹ để yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Lebanon, vì vậy Regina hối thúc Joan và Bobby mau rời khỏi Moscow. Về phần mình, Joan Fischer có vài cuộc cãi vã nhỏ với cậu em trai về cách cư xử của cậu tại Moscow. Cô cùng Bobby đến Belgrade, Yugoslavia, nhưng sau 2 ngày thì rời đi để nghỉ hè với những người bạn ở Anh. Bobby 15 tuổi, vì thế phải tự lo liệu – nhưng không lâu. Cậu được vây quanh bởi các kỳ thủ, phóng viên, và cả những người chỉ đơn thuần hiếu kỳ vì thần đồng. Chỉ trong vòng vài giờ sau khi đến Yugoslavia, cậu đã ngồi trước bàn cờ để tập luyện, phân tích, và nói chuyện về cờ với các kỳ thủ tại đây.

Trận đấu tập đầu tiên của Bobby trên đất châu Âu là với Milan Matulovic, một kỳ thủ 23 tuổi rất nổi tiếng, nhưng không phải nhờ trình độ cờ cao siêu, mà là vì xì căng đan trong một trận đấu. Anh ta đã chạm quân, đi quân rồi, nhưng sau khi nhận ra đó là một sai lầm liền trả quân về vị trí cũ và nói “J’adoube”, hay “Tôi chỉnh quân”. “J’adoube” là một câu thông báo khi người chơi muốn chỉnh sửa quân của mình hay của đối thủ, nhưng theo luật cờ thì nó phải được nói trước khi chạm vào quân. Các kỳ thủ Pháp thường nói “Pièce touchée, pièce jouée” (“nếu anh chạm một quân, hãy đi quân đó”). Chính vì xì căng đan trên mà Matulovic được đặt cho cái tên là “J’adoubovic”. Ngược lại, Bobby là người tuân thủ rất nghiêm chỉnh luật này, luôn nói “j’adoube” trước khi cậu sửa quân.

Trong trận đấu với Matulovic, Bobby thua ván đầu, thắng ván 2, hòa ván 3 và thắng ván 4, nên giành chiến thắng chung cuộc 2,5-1,5. Cả hai ván thắng của Bobby đều là những ván khó khăn, kéo dài đến nước 50 trước khi đối thủ đầu hàng. Dẫu Matulovic là một người mưu mẹo, nhưng anh ta cũng là một trong những kỳ thủ giỏi nhất nước, không dễ bị đánh bại.

Sau đó Bobby chơi một trận gồm 2 ván với kiện tướng người Yugoslavia, Dragoljub Janosevic, một người nghiện rượu nặng, lăng nhăng và cũng là một tay chơi bài poker. Tuy nhiên anh ta cũng là một kỳ thủ với lối chơi tấn công rất đa dạng và mạnh mẽ, vì vậy trong cả 2 ván, Bobby đều hòa.

[​IMG]
Milan Matulovic (trái) và Mikhail Botvinnik

Bobby mở va li, lôi ra rất nhiều sách cờ và tạp chí cờ để chuẩn bị cho giải đấu sắp tới, khảo sát các biến thế và phương án, cũng như phân tích chiến thuật của các đối thủ mà mình sắp đương đầu. Trong số 20 đối thủ mà cậu sẽ gặp, cậu chỉ mới chạm trán với 3 người là: Benko, Sherwin và Petrosian. Nhưng 17 đối thủ còn lại cũng không phải xa lạ gì. Trong nhiều năm qua cậu đã nghiên cứu các ván cờ của họ: phong cách chơi, khai cuộc ưa thích, điểm mạnh và điểm yếu. Chẳng hạn, cậu biết Fridrik Olafsson luôn lâm vào tình trạng thiếu thời gian, vì vậy chơi tàn cuộc không được chuẩn xác lắm; Bent Larsen thì có thể trông cậy vào các khai cuộc đã bị lãng quên một thời gian dài để gây ngạc nhiên cho đối thủ. Những ngón đòn từ Larsen có thể khó chuẩn bị, nhưng nhờ Bobby đã học hỏi nhiều từ những ván cờ của các kiện tướng xưa nên cũng có được hành trang kha khá. Không có tay cờ nào tại Interzonal sắp tới mà Bobby không chuẩn bị chút ít để đối phó.

Sau khi ăn tối xong, Bobby lao vào làm việc. Cậu thường nghiên cứu cho đến lúc bình minh, và đi ngủ khi trời sáng. Cậu hiếm khi thức dậy khoảng trước đầu giờ chiều. Lần duy nhất cậu rời khỏi khách sạn là để chơi hai ván cờ với một người bạn tốt, Edmar Mednis (một kỳ thủ trẻ người Mỹ đang trên đường đi tham dự một giải khác và chỉ ở lại thành phố 1 ngày), đến thăm cậu và thuyết phục cậu đi thả bộ trên các công viên ở Belgrade.

Di chuyển từ một thành phố lịch sử và có phần ảm đạm là Belgrade đến thành phố nghỉ mát Portoroz bên bờ biển Adriatic để thi đấu Interzonal không làm ảnh hưởng nhiều đến Bobby. Cậu dường như không có hứng thú với biển. Trong suốt 1 tháng diễn ra giải, hiếm khi thấy Bobby ra khỏi khách sạn: cậu dành hầu hết thời gian để ngồi trong phòng nghiên cứu chiến lược và chiến thuật.

21 kỳ thủ đến từ 12 nước sẽ quyết chiến tại Interzonal. 6 người cao điểm nhất sẽ cùng với 2 kỳ thủ hàng đầu khác tham dự vòng đấu playoff cuối cùng, gọi là Candidates (hay Challengers) Tournament. Người thắng cuộc tại Candidates sẽ được quyền thách đấu với đương kim vô địch thế giới Mikhail Botvinnik, nhằm đoạt lấy vòng nguyệt quế vinh quang. Dù Interzonal là giải đấu quốc tế đầu tiên của Bobby, nhưng cậu không phải là người duy nhất; Mikhail Tal 21 tuổi đến từ Riga, 2 lần vô địch Liên Xô, cũng lần đầu tiên thi đấu quốc tế. Vài chuyên gia, không chỉ từ Liên Xô, dự đoán Tal sẽ là người vô địch giải này. Các kỳ thủ hàng đầu của Mỹ đoán rằng Bobby sẽ không thể giành được một suất tham dự Candidates. Cậu còn quá trẻ để chinh phục một giải đấu đẳng cấp như Interzonal – với toàn những tay cờ kỳ cựu.

Folke Rogard, chủ tịch người Thụy Điển của Liên Đoàn Cờ Vua Thế Giới, chào mừng các kỳ thủ cùng những trợ tá và huấn luyện viên của họ tại buổi lễ khai mạc giải. Bobby đoán rằng mình sẽ giành được quyền tham dự Candidates bằng cách đánh bại tất cả các “small fry” hoặc “patzer” (thuật ngữ cờ vua để chỉ các kỳ thủ yếu) và hòa với tất cả các tay cờ sừng sỏ. Chỗ sai lầm của kế hoạch này là không hề có đối thủ nào yếu tại giải, tất cả bọn họ, nếu không ở đẳng cấp thế giới, thì ít nhất cũng có danh tiếng ở đấu trường quốc gia và quốc tế.

Trợ tá của Bobby tại giải lần này cũng là một học trò của Jack Collins, William Lombardy, người đã vô địch giải trẻ thế giới với thành tích thắng tuyệt đối tất cả các ván. Anh là một kỳ thủ rất lợi hại. Vào thời điểm đó tại Mỹ, sức cờ của Lombardy có lẽ chỉ hơi kém Fischer một chút.

Trong cờ vua, công việc của trợ tá (second) là một người hộ tống, cố vấn, chăm sóc, và phát ngôn cho kỳ thủ mà anh ta hỗ trợ. Trợ tá phải tìm ra điểm yếu của các đối thủ, và lựa chọn khai cuộc nào gây khó chịu nhất cho họ. Sau đó họ sẽ báo cáo lại, từng vòng một. Có lẽ vai trò quan trọng nhất của trợ tá là phân tích các ván cờ tạm hoãn cùng với kỳ thủ. Đôi khi họ phải làm việc thâu đêm suốt sáng nhằm tìm ra chiến lược tối ưu nhất để đấu tiếp vào ngày hôm sau. Riêng các kỳ thủ Liên Xô có một đội ngũ trợ tá rất hùng hậu, và mỗi người chỉ đảm nhiệm một công việc. Chẳng hạn, có một chuyên gia tàn cuộc, một lý thuyết gia khai cuộc, một bác sĩ, và đôi khi có thêm một bác sĩ tâm lý.

Già dặn hơn, chín chắn hơn, và cực kỳ thông minh, Lombardy lo lắng chăm sóc cho Bobby rất chu đáo. Từ Portoroz anh viết thư về cho Regina: “Bobby đánh răng hằng ngày, nhưng lại khó khăn trong việc tắm rửa”.

James T. Sherwin, một kỳ thủ Mỹ khác cũng tham dự Interzonal, nói về công việc trợ tá của Lombardy: “Bobby thực sự không cần sự trợ giúp của Lombardy vì phong cách của họ khác nhau. Lombardy là một kỳ thủ có tài năng cực lớn, lối chơi thế trận theo trực giác nhưng không giỏi chuẩn bị như Bobby. Sức mạnh của Bobby là ở những đòn đánh chiến thuật”.

Một khó khăn nảy sinh khi Lombardy phải rời giải trong vài ngày để tham dự cuộc họp thường niên với Liên Đoàn Cờ Vua Thế Giới. Anh đại diện cho Mỹ tham dự cuộc họp này, và phải để Bobby tự lo liệu khi không có trợ tá. Bobby còn 2 ván cờ tạm hoãn và phải tự phân tích một mình. Cậu thua trước Olafsson và hòa với Tal.

[​IMG]
Kỳ thủ Fridrik Olafsson

Trong một cuộc nói chuyện trước khi giải diễn ra với Bent Larsen của Đan Mạch và Fridrik Olafsson của Iceland, Lombardy báo cáo lại những chi tiết đáng chú ý cho bạn của mình là Bobby:

Larsen: Fischer là một đứa bé mà tôi sẽ phát vào mông.
Olafsson: Đừng chắc thế. Cẩn thận đấy!
Larsen: Đừng lo, tôi biết tự lo cho mình.

(Larsen: Fischer is one baby I am going to spank.
Olafsson: Don’t be too sure. Be careful!
Larsen: Don’t worry, I can take care of myself.)

Theo yêu cầu của Lombardy, Bobby mặc một chiếc áo sơ mi đen và quần khaki để thi đấu vòng đầu tiên. Đối thủ của cậu là Oleg Neikirch của Bulgaria, một trong những kỳ thủ lớn tuổi nhất giải (44 tuổi) và bị Bobby đánh giá là một “small fry”. Tuy nhiên, Bobby đã đánh giá thấp đối thủ, và cậu may mắn kiếm được một trận hòa, dù thế trận kém hơn. Neikirch giải thích về lời đề nghị hòa của mình: “Có hơi quê khi đánh bại một cậu bé. Trở về Bulgaria tôi sẽ trở thành trò cười cho mọi người mất”. “Nhưng sẽ càng quê hơn nếu thua một cậu bé”, mọi người chế nhạo.

Bobby thi đấu thất thường ở những vòng đầu tiên. Sau ván với Neikirch, cậu thắng một, thua một, hòa một. Đến vòng 6 (mỗi đấu thủ đều có 1 vòng miễn đấu, và ở vòng 5 Bobby được miễn), cậu gặp phải một thử thách thực sự lớn lao, khi đối thủ là David Bronstein của Liên Xô.

Bronstein trông giống như một bức tranh có thể tưởng tượng về một kỳ thủ: đầu hói, đeo kính gọng sừng, và thường mặc một bộ comlê đen với áo sơ mi trắng. Ông giống như một nguyên mẫu của nhân vật đại kiện tướng Kronsteen trong bộ phim James Bond “From Russia with Love” (trừ việc Kronsteen có tóc), và ván cờ chơi trên phim chính là từ một ván đấu có thực giữa Bronstein với Spassky. Nhưng trái với vẻ mặt nghiêm túc và khó gần, Bronstein là một con người thân thiện, sôi nổi, và được hầu hết các kỳ thủ yêu mến. Ngoài ra ông sống rất chân thành, kiến thức uyên bác về cờ, và có phần hơi kỳ dị. Ông là một kỳ thủ với lối đánh tấn công ác chiến, nhưng khi ngồi trước bàn cờ thì giống như bị thôi miên. Có một ván cờ ông cứ nhìn chằm chằm vào nó suốt 50 phút mới nhấc quân đi. Vì ông đã từng tranh chức vô địch thế giới với Botvinnik, nên được xem như là hạt giống tại giải (và Tal cũng được xem là hạt giống). Bronstein hòa với Botvinnik trong trận đấu năm 1951, nhưng như thế là chưa đủ, vì theo luật cần phải thắng, do đó Botvinnik vẫn giữ vững danh hiệu.

[​IMG]
Từ trái sang: Vassily Smyslov, David Bronstein, Paul Keres và Mikhail Botvinnik trong đội tuyển Liên Xô ở Amsterdam 1954

Vì trong phòng thi đấu thiếu điều hòa nên cả Fischer và Bronstein đều mặc áo sơ mi ngắn tay. Fischer đã tuyên bố công khai trước trận đấu rằng có một người có thể đánh bại cậu, đó là Bronstein. Và Bobby đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đấu này.

Fischer và Bronstein ngồi vào bàn đã để sẵn hai lá cờ của Mỹ và Liên Xô. Fischer thi đấu tự tin và sử dụng một khai cuộc đã được cậu phân tích kỹ lưỡng, khai cuộc Ruy Lopez, ngay lập tức cậu nắm thế chủ động và gây sức ép lên các ô trung tâm.

Tuy nhiên, sau đó ván cờ diễn ra quyết liệt, và cậu lâm vào tình trạng thiếu thời gian. Một thế cờ tàn cuộc kéo dài và đầy phức tạp. Cậu liều lĩnh muốn đánh thắng Bronstein vì nhiều lý do: để chứng minh với bản thân rằng cậu có thể làm được; để chứng minh với những người khác, đặc biệt là các kỳ thủ tham gia giải; để chứng minh với cả thế giới rằng cậu là một kỳ thủ vĩ đại như bất kỳ ai. Nhưng đồng hồ, đồng hồ! Thời gian đang cạn dần.

Chỉ còn vài giây, Bobby chỉ vừa kịp thực hiện nước thứ 40 trước khi lá cờ trên đồng hồ cậu rơi xuống, và ván cờ được tạm hoãn để đấu tiếp vào hôm sau. Tối hôm đó, Bobby cùng Lombardy ngồi miệt mài phân tích tàn cuộc đó. Cậu và Bronstein đều còn 1 Xe, 1 Tượng, và số chốt bằng nhau. Dù thế cờ gần như chắc chắn hòa, nhưng hai chàng trai trẻ người Mỹ nghiên cứu suốt nhiều giờ đồng hồ để hy vọng tìm ra bất cứ một khả năng nhỏ nhoi nào khả dĩ giúp Bobby giành chiến thắng khi ván cờ tiếp diễn.

Ngày hôm sau Fischer và Bronstein tiếp tục ván đấu. Hai người giao chiến thêm 20 nước nữa. Bronstein kém 1 chốt và bắt đầu chiếu Vua của Fischer, chiếu liên tục. Fischer không thể tiến triển gì thêm. Ván cờ được tuyên bố hòa vì lặp lại nước đi.

Tại câu lạc bộ cờ Marshall, các kỳ thủ đang phân tích các ván đấu tại Interzonal bằng điện tín gửi về từ Portoroz. Họ như phát điên khi tin hòa cờ bay đến. “Bronstein?!”, ai đó hoài nghi, như thể tay cờ Liên Xô là Goliath, còn Bobby là David vậy. “Bronstein!? Thiên tài của cờ vua hiện đại !”. Một điều không thể đã xảy ra: Cậu bé 15 tuổi hòa với một tay cờ có lẽ là mạnh thứ hai hay thứ ba thế giới hiện nay. Quá tuyệt vời để các thành viên câu lạc bộ chuẩn bị sẵn một bữa tiệc để chờ người hùng trở về, cho dù cậu vẫn chưa chính thức giành được quyền tham dự Candidates.

Những tiên đoán bắt đầu thay đổi, không chỉ về tương lai của Bobby, mà còn về tương lai của chính cờ vua Mỹ. Biết đâu cậu bé Brooklyn không chỉ giành được vé dự Candidates, mà còn vô địch luôn Interzonal? Liệu danh tiếng của cờ vua Mỹ có được vút bay trên đôi cánh của Bobby? “Bronstein!”

Bobby cố gắng giữ tập trung, nhưng cậu gặp khó khăn. Vào ngày nghỉ ở Portoroz, trong những lần hiếm hoi đi ra ngoài, cậu thường được hỏi xin chữ ký hay chụp một bức ảnh. Lúc đầu cậu còn thích, nhưng dần dần điều này diễn ra liên tục nên khiến cậu khó chịu, và cậu bắt đầu căm ghét. Ít nhất hai lần cậu phải chịu sự bao vây của các fan hâm mộ. Cậu tự áp đặt cho mình: Cậu chỉ ký tặng sau mỗi ván (nếu cậu không thua hoặc không thất vọng về ván đó), và một lần ký chỉ kéo dài 5 phút. Vài lần cậu đang ngồi trong nhà hát sau một ván cờ thì bị hàng trăm người kéo đến xin chữ ký. Thế là cậu phải miễn cưỡng ký tặng họ một cách nguệch ngoạc.

[​IMG]
Bobby Fischer 15 tuổi với các fan hâm mộ

Cuối cùng, cậu yêu cầu ban tổ chức chăng dây quanh khu vực thi đấu, vì đám đông thường tụ tập nhiều giờ liền trong khi cậu chơi. Cậu phàn nàn rằng mình không thể tập trung được. Khi đi trên đường, nếu được hỏi xin chữ ký, cậu sẽ hỏi lại họ có biết chơi cờ không. Nếu họ không biết thì cậu sẽ từ chối ký tặng và khinh khỉnh bỏ đi. Vẫn tiếp tục bị bao vây bởi các nhà báo, những tay săn ảnh, cuối cùng Bobby quyết định: Sẽ không ký tặng, chụp hình hay trả lời bất cứ một câu hỏi nào nữa.

Sau trận đấu quả cảm với Bronstein, mọi việc diễn tiến không như Bobby đã vạch ra. Cậu thua và hòa một số ván với các “small fry”, bao gồm những tay cờ đến từ Argentina, Hungary và Czechoslovakia. Tuy nhiên, cậu cũng có những ván đấu ấn tượng khi hòa với siêu sao Mikhail Tal; hòa với đối thủ cũ tại câu lạc bộ cờ Moscow là Tigran Petrosian; hòa với Svetozar Gligoric của Yugoslavia; và chiến thắng đẹp mắt trước Bent Larsen của Đan Mạch. Những năm sau, Fischer đánh giá ván cờ với Larsen là một trong những ván cờ hay nhất mà cậu từng chơi.

Về ván đấu với Olafsson, cậu viết: “Tôi đã chơi khai cuộc tốt. Anh ta thí một chốt, nhưng sau khi hơn quân, tôi phạm sai lầm và ván cờ gần như cân bằng. Nhưng (lại lần nữa) tôi bị thiếu thời gian, và đi một loạt các nước yếu. Khi ván cờ hoãn lại anh ta có cặp chốt thông liên kết và không thể nào ngăn cản nổi”.

Ván cuối cùng của Bobby tại giải là với Gligoric, một trong những kỳ thủ mạnh nhất ngoài Liên Xô. Nếu Bobby thua ván này, trong khi những đối thủ khác hiện chỉ kém cậu nửa điểm trên bảng xếp hạng, thì Bobby sẽ không được quyền tham dự Candidates. Nhờ điểm số rất cao nên Gligoric đã chắc một suất ở Candidates, vì vậy ông có thể dễ dàng đề nghị Fischer một ván hòa sớm kiểu đại kiện tướng (“grandmaster draw”). Thay vì thế, ông đánh quyết chiến, thí một Mã đổi lại có được 3 chốt. Bobby chống trả kiên cường trước các đợt công phá dồn dập, và phòng thủ được trước thế cờ khó. Ở nước thứ 32, kỳ thủ người Yugoslav nhìn vào bàn cờ và nói: “Remis?”. Fischer biết đó là một từ tiếng Pháp có nghĩa là “hòa cờ”, và cậu đồng ý ngay lập tức. “Chưa có ai dám thí quân trước Fischer cả”, cậu vừa nói vừa cười toe toét, và có phần hơi kiêu ngạo.

[​IMG]
Ván đấu giữa Gligoric và Fischer tại Interzonal 1958

Với việc hòa ván cuối và xếp hạng 5, Bobby Fischer trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử được quyền tham dự Candidates Tournament, và cậu cũng trở thành đại kiện tướng quốc tế trẻ nhất cho đến thời điểm đó (15 tuổi 6 tháng, mãi cho đến năm 1991 kỷ lục này mới bị phá vỡ bởi nữ kỳ thủ Judit Polgar với 15 tuổi 4 tháng). Tờ The New York Times đăng một bài ca ngợi Bobby và rất lấy làm tự hào vì cậu.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái (2010), Svetozar Gligoric, lúc này đã 87 tuổi, có nói về tình bạn của ông với Fischer bắt đầu từ chính giải đấu này (Portoroz Interzonal Tournament 1958):

Tôi tự xem mình có trách nhiệm phải chăm sóc cho Bobby; cậu ấy mới 15 tuổi, còn tôi thì 35. Chúng tôi dành nhiều thời gian với nhau. Một lần chúng tôi ở bên bờ sông, bơi lội và tắm nắng. Tôi là một tay bơi cừ khôi, còn Bobby thì cố tỏ ra bơi giỏi hơn tôi. Nhưng sau đó cậu ấy hờn dỗi vì thua cuộc. Tôi chọc cậu ta: “Bobby à, cậu cần phải luyện 20 năm nữa thì mới thắng được tôi!”.

Ở đó, bên dòng sông, Fischer hỏi ý kiến tôi về một phương án trong Phòng thủ Sicilian. Trắng có thể hi sinh một quân và triển khai một đợt tấn công cực mạnh vào cánh Vua Đen. Phải nói rằng Bobby cập nhật rất nhanh về lý thuyết khai cuộc và những ván cờ mới nhất trên thế giới. Đi đâu Bobby cũng cầm theo một bàn cờ bỏ túi. Sau đó cậu ấy cho tôi xem ván cờ, được chơi tại một giải nhỏ ở Siberia, và hỏi tôi nghĩ sao về nước đi Xe mà cậu ấy đang phân tích.

Hãy tưởng tượng tôi kinh ngạc thế nào khi ở vòng đấu thứ 21 của Interzonal Tournament ở Portoroz, Fischer chơi lại đúng phương án mà cậu ấy đã nói với tôi bên dòng sông! Và không chỉ thế, cậu ấy còn đi lại đúng nước mà tôi không hề đánh giá cao. Tôi cầm Trắng và hòa ván đó, nhưng phải thừa nhận rằng trong tình thế cuối cùng, khi tôi có 3 chốt chống với 1 quân nhẹ, thì thế cờ của Fischer tốt hơn.

Cuối cùng cả hai chúng tôi đều giành được quyền tham dự Giải Vô Địch Thế Giới, tôi đứng thứ 2 sau Tal, còn Fischer thì đồng hạng 5-6 (với Fridrik Olafsson).

Dù chỉ mới rời Mỹ 2 tháng nhưng Bobby đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm thi đấu quý báu, và cậu ngày càng chững chạc hơn. Khi được một phóng viên ở Portoroz hỏi cậu có trông đợi được thi đấu tranh ngôi vô địch thế giới với Mikhail Botvinnik không, cậu nói: “Dĩ nhiên là tôi muốn đấu với Botvinnik. Nhưng còn quá sớm để nói về điều đó. Hãy nhớ rằng năm tới tôi còn phải tham dự Candidates trước khi có thể nghĩ đến việc gặp Botvinnik”.

Bobby chỉ nhận được 400 USD cho 6 tuần làm việc cật lực tại Interzonal (“Mỗi ván giống như một bài thi dài 5 tiếng”, cậu nói), và điều đó làm cho cậu chán nản. Sự thực bây giờ cậu đã là một đại kiện tướng quốc tế, và đủ tư cách tham dự Giải Vô Địch Thế Giới. Nhưng cậu tự hỏi làm thế nào để cậu có thể kiếm sống bằng nghề chơi cờ. Ngoại trừ Liên Xô – nơi các kỳ thủ được nhà nước hỗ trợ rất đầy đủ, thì không có kỳ thủ nào có thể kiếm đủ sống nhờ chiến thắng tại các giải đấu. Họ phải làm thêm các công việc khác như dạy cờ, thi đấu biểu diễn, điều hành phòng cờ, bán các bộ cờ, viết sách và các bài cho tạp chí cờ để kiếm thêm thu nhập.

Đó là một cuộc sống bấp bênh.

Bobby được mẹ và chị Joan đón tại Idlewild (sau này đổi tên thành John F. Kennedy International Airport). Regina ngắm nhìn đứa con trai nổi tiếng và thốt lên: “Trông nó gầy như que củi”, bà như òa khóc.

Vài ngày sau Bobby quay trở lại trường học Erasmus. Cậu nhanh chóng bị tụt lại phía sau vì đã nghỉ học nhiều ngày. Tuy nhiên, thay vì trừng phạt cậu, lãnh đạo nhà trường lại tặng thưởng cậu huy chương vàng vì đã trở thành đại kiện tướng quốc tế trẻ nhất trong lịch sử. Và tiểu sử của cậu còn được đưa lên báo trường.

Sau đó Bobby tham gia một giải cờ nhanh tổ chức hàng tuần tại câu lạc bộ cờ Marshall tên là “Tuesday Night Rapid Transit”. Cậu đồng hạng nhất với Edmar Mednis. Trớ trêu thay, ván thua duy nhất của Bobby trong giải lại trước chính huấn luyện viên của mình, Jack Collins.

Mối quan hệ của Bobby với Collins khá phức tạp. Với Collins, ông vui vì trình độ của Bobby đã thăng tiến đến một mức mà ông chưa bao giờ đạt đến. Ông dành tình thương cho Bobby như một người cha, và hãnh diện vì tất cả những thành tích mà Bobby đạt được. Ông xem Bobby như con mình.

Còn Bobby thì lại nhìn mối quan hệ này theo cách khác. Cậu không xem Collins như một người cha, mà như một người bạn, mặc dù họ chênh lệch đến 30 tuổi. Cậu cũng xem chị gái Ethel của Collins là một người bạn, và thậm chí còn quý mến Ethel hơn cả Collins.

Điều Collins không biết đó là Bobby thỉnh thoảng công kích ông ở sau lưng. Những lời nhận xét đều hoàn toàn liên quan đến cờ. Dù đôi lúc Collins có thể đánh bại Bobby trong cờ nhanh, và thậm chí trong những ván đấu tập nghiêm chỉnh (họ chưa bao giờ gặp nhau trong một giải đấu chính thức), nhưng thực sự sức cờ của Bobby mạnh hơn Collins nhiều.

Ngoài ra, Bobby cũng không thích Collins công khai là giáo viên của cậu, và những kỳ thủ trẻ khác xếp hàng để làm học trò của Collins, háo hức muốn được trở thành Bobby Fischer thứ hai. Bobby, có lẽ vì tuổi thơ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, nên căm ghét bất cứ ai muốn kiếm tiền từ cái tên của cậu.

Cái nhìn chòng chọc của Mikhail Tal (Mikhail Tal’s stare) rất lợi hại, và thường báo hiệu điềm xấu. Với cặp mắt sâu màu đen, anh nhìn rất chăm chú vào đối thủ, và người ta bảo rằng anh đang cố gắng thôi miên họ để khiến họ đi những nước lầm đường lạc lối. Kỳ thủ người Mỹ – Hungary Pal Benko thường đeo một cặp kính mát khi đối mặt với Tal, để tránh ánh nhìn khét tiếng của đối thủ.

[​IMG]
Kỳ thủ Mikhail Tal

Không hẳn là Tal cần lợi thế đó. Kỳ thủ 23 tuổi người Latvia thực sự là một tài năng lỗi lạc. Hai lần vô địch Liên Xô, vô địch Portoroz Interzonal, trở thành ứng viên sáng giá nhất để tranh ngôi vô địch thế giới với Mikhail Botvinnik. Phong cách đánh của Tal rất bão táp, với những đòn phối hợp đầy sáng tạo, thí quân theo trực giác, và cực kỳ sắc bén. Anh được mệnh danh là “Thầy phù thủy xứ Riga”. Đẹp trai, tài hoa, và năng lượng rất dồi dào, chàng trai người Latvia là một trong những kỳ thủ được yêu thích nhất thế giới. Bàn tay phải của anh bị biến dạng, nhưng dường như điều đó không hề làm giảm bớt sự tự tin của anh.

[​IMG]
Bàn tay phải bị biến dạng của Mikhail Tal

Để thấy các đối thủ e ngại trước cái nhìn của Tal như thế nào, mời các bạn xem clip sau đây (kéo đến giây thứ 12 của clip sẽ thấy một kỳ thủ đeo kính đen ngồi đối diện với Tal, đó chính là Pal Benko):

Bobby Fischer cũng tự tin không kém, nhưng phong cách đánh của cậu lại gây ấn tượng theo kiểu khác: sáng sủa, rõ ràng, dễ hiểu, trong suốt như pha lê (crystal-clear), chắc chắn, và đầy hợp lý. J. H. Donner, đại kiện tướng nổi tiếng người Ha Lan, nói về sự khác biệt: “Fischer đánh thực dụng, và thiên về kỹ thuật. Anh ta hầu như không phạm sai lầm. Còn lối đánh của Tal thì giàu trí tưởng tượng hơn…”.

Bobby đã có cơ hội chạm trán với cái nhìn nổi tiếng của Tal khi họ gặp nhau lần đầu tiên tại Portoroz. Ván cờ đó kết thúc hòa. Gần đây tại Zurich, 3 tháng trước khi Candidates khai diễn, họ lại hòa một lần nữa. Giải đó Bobby về thứ ba, kém hơn Tal – nhà vô địch, một điểm. Nhưng giờ đây, tại một giải đấu ở đẳng cấp cao hơn và cũng quan trọng hơn là Candidates – nhằm xác định ai là người được đấu trận tranh chức vô địch thế giới danh giá, Fischer sẽ không để cho ánh mắt Tal quyết định số mệnh của cậu.

Candidates Tournament, giải đấu trải dài qua 3 thành phố của Yugoslavia, với hình thức thi đấu vòng tròn 4 lượt cực kỳ khắc nghiệt và kéo dài hơn 6 tuần. 4 kỳ thủ – Mikhail Tal, Paul Keres, Tigran Petrosian và Vassily Smyslov – là người Liên Xô. 3 kỳ thủ khác – Gligoric, Olafsson, và Benko – hiển nhiên nằm trong số những kỳ thủ giỏi nhất thế giới. Fischer là kỳ thủ Mỹ duy nhất, và với nhiều người cậu là ngựa ô tại giải. Dù vậy, trong một khoảnh khắc nhiệt huyết của tuổi trẻ bùng lên, cậu tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng mình sẽ là người chiến thắng. Leonard Barden, một phóng viên người Anh, nói rằng Fischer trả lời bằng một từ tiếng Serbo-Croatian mà cậu học được, đồng nghĩa với “first” (hạng nhất): “prvi”

Trong suốt cuộc thi, Fischer có thói quen mặc một chiếc áo len trượt tuyết với quần dài, đầu tóc thì để rối bù như không chải, trong khi những kỳ thủ khác đều vận comlê, áo sơ mi, thắt cà vạt, đầu tóc chải chuốt rất cẩn thận. Giải đấu sẽ di chuyển từ Bled sang Zagreb và kết thúc tại Belgrade.

Vẫn còn giận điên vì cảm thấy mình bị đối xử thiếu tôn trọng trong chuyến thăm Moscow một năm trước, Bobby bắt đầu đóng vai một đấu sĩ trong thời Chiến Tranh Lạnh (Cold War gladiator). Cậu tuyên bố hầu hết các kỳ thủ Liên Xô là kẻ thù của cậu (Bobby trừ Smyslov ra, vì ông luôn cư xử rất hòa nhã với cậu). Nhiều năm sau, theo những tài liệu được công bố đã cho thấy rằng Bobby nói đúng. Một kiện tướng người Nga, Igor Bondarevsky, viết rằng “cả 4 đối thủ Liên Xô (của Fischer) làm mọi thứ trong khả năng của họ để trừng trị những đối thủ đang lên” (“all four of [Fischer’s] Soviet opponents did everything in their power to punish the upstart”). Tal và Petrosian, những người bạn thân, hòa nhanh một số ván cờ của họ, nhằm tiết kiệm sức lực (nếu bạn nào không tin có thể kiểm chứng lại, ngoại trừ ván 4 hai người giao chiến ác liệt, thì ván 1, ván 2, và thậm chí ván 3, đều hòa hữu nghị). Dù không phải là không hợp lệ, nhưng rõ ràng hành động này là không đẹp.

Bobby, về phần mình, rất tức giận: “Tôi sẽ dạy họ một bài học khiến cho họ mãi không bao giờ quên”. Đây cũng là quyết tâm trong suốt sự nghiệp chơi cờ của Fischer (sau này còn xảy ra nhiều việc khác khiến Fischer càng căm ghét làng cờ Liên Xô hơn).

[​IMG]
Bobby Fischer tại Candidates 1959

Trong ván đầu tiên với Tal ở Bled, Bobby đã ngồi sẵn trước bàn cờ, trong khi chàng Misha 23 tuổi chỉ đến vừa kịp lúc để bắt đầu trận đấu. Bobby ngồi còn Tal thì đứng chìa bàn tay phải ra để bắt tay cậu. Bàn tay của Tal tuy bị biến dạng rất ghê, với 3 ngón lớn dính vào nhau như móng vuốt, nhưng Bobby không để ý đến. Cậu đáp lại bằng cả hai bàn tay nắm chặt, và bắt đầu thi đấu.

Dù vậy, chỉ sau vài nước, Bobby bắt đầu cảm thấy khó chịu. Cậu bực mình vì cách cư xử của Tal ở trong và ngoài bàn cờ. Đây là thời điểm mà “cái nhìn” bắt đầu bủa vây lấy cậu. Tal, dường như càng muốn chọc tức Bobby hơn, nên thường mỉm cười sau mỗi nước đi của tay cờ người Mỹ, như thể muốn nói: “Cậu bé ngờ nghệch kia, tôi biết cậu đang nghĩ gì trong đầu – thật là buồn cười khi mà cậu nghĩ có thể đánh lừa được tôi!”.

Mời các bạn xem clip này để thấy cái nhìn khó chịu của Tal với Fischer (thú thật gặp phải một đối thủ như thế này không tức mới là lạ [​IMG]):

Fischer, quyết định dùng chính chiến thuật của Tal để chống lại Tal. Cậu thỉnh thoảng cũng nhìn chằm chằm vào Tal, và thậm chí còn mỉm cười chế nhạo. Nhưng chỉ sau vài giây, cậu buộc phải tập trung vào một thứ khác quan trọng hơn: những diễn biến trên bàn cờ, những kế hoạch được cậu vạch ra để chống lại các đòn phối hợp sấm sét của Tal.

Tal là một bách khoa toàn thư về các động tác (Tal was an encyclopedia of kinetic movement). Chỉ trong khoảng vài giây, anh đi quân, ghi biên bản, nhìn vào đồng hồ để kiểm tra thời gian, nhăn mặt, mỉm cười, theo như Bobby tả lại. Sau đó anh đi lên rồi đi xuống sân khấu trong khi Bobby suy nghĩ. Những động tác của Tal “đi quanh bàn giống như một con chim đại bàng” – có lẽ là, một con chim đại bàng đang sẵn sàng vồ mồi.

Tal hút thuốc liên tục và có thể hút hết cả bao thuốc trong một ván cờ. Anh cũng có thói quen chống cằm lên bàn, ngước mắt nhìn các quân cờ và nhìn cả đối thủ. Những ngôn ngữ cơ thể của Tal rất kỳ lạ, và Fischer cho rằng điều đó nhằm chọc tức cậu.

Điệu bộ và ánh nhìn của Tal làm Fischer tức điên. Cậu phàn nàn với trọng tài, nhưng hầu như họ không làm gì. Bất cứ khi nào Tal rời khỏi bàn cờ, lúc Bobby đang tính toán cho nước tiếp theo, Tal cũng đến nói chuyện với các kỳ thủ Liên Xô, và họ bắt đầu thì thầm bàn tán về thế cờ của họ, cũng như của các đối thủ. Dù biết tiếng Nga nhưng Bobby không thể hiểu các từ lóng và cách dùng của họ. Chẳng hạn, cậu chỉ nghe được từ ferz’ (“Hậu”) hoặc lad’ya (“Xe”), vì vậy không biết được có phải Tal đang nói về ván cờ của anh ta với cậu hay không. Cậu chỉ biết rằng điều đó rất “ngứa mắt”. Cậu không thể hiểu nổi tại sao trọng tài không ngăn việc này lại, vì luật cấm điều đó, và cậu nói với ban tổ chức rằng Tal cần bị đuổi khỏi giải. Thực ra các kỳ thủ Liên Xô đã thảo luận với nhau trong khi diễn ra các ván cờ suốt nhiều thập niên qua, và không có ai phàn nàn về việc đó cả, trừ Bobby.

Fischer cũng rất bực mình khi cứ có một ván cờ kết thúc là nhiều kỳ thủ liền cùng đối thủ của mình lao vào phân tích ồn ào ngay trên sân khấu. Điều đó làm cậu không tập trung thi đấu được. Cậu viết một bức thư than phiền việc này và gửi tận tay các trọng tài:

Sau khi một ván cờ kết thúc, cần phải cấm các đấu thủ phân tích lại để tránh làm phiền đến những người khác. Lúc kết thúc, trọng tài phải ngay lập tức bỏ hết quân trên bàn ra để tránh việc phân tích. Chúng tôi khuyến khích ban tổ chức chuẩn bị sẵn một phòng đặc biệt dành riêng cho việc phân tích. Căn phòng phải hoàn toàn nằm ngoài tầm nghe của tất cả những ai còn đang thi đấu.

Robert J. Fischer, Đại Kiện Tướng Quốc Tế

Dù vậy, chẳng có gì thay đổi cả. Không có ai khác cùng lên tiếng phản đối, vì hầu hết mọi người đều vi phạm.

Bobby nhanh chóng nổi tiếng vì là người liên tục phàn nàn, một người Mỹ nóng nảy, và hầu hết các kỳ thủ đều cảm thấy khó chịu. Họ tin rằng cậu lúc nào cũng bào chữa thất bại bằng việc đổ lỗi cho điều kiện thi đấu hoặc hành vi của các kỳ thủ khác.

Dù đúng hay không thì Bobby cũng là một con người quá nhạy cảm, nhạy cảm với tiếng ồn và cả những âm thanh ở xa. Và rõ nhất là Tal, biết điều đó, nên tìm cách để làm cậu hồi hộp và lo lắng. Một lần trong bữa ăn tối chung của các kỳ thủ, Tal chỉ vào Bobby và nói lớn: “Fischer: cuckoo!”. Bobby gần như phát khóc. “Tại sao Tal lại nói ‘cuckoo’ với tôi?”, cậu hỏi, và có lẽ lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt giải, Bent Larsen (trợ tá của Bobby, tuy vẫn bực mình vì thất bại trước Bobby ở Portoroz nhưng vẫn nhận lời làm trợ tá) cố gắng an ủi cậu: “Đừng để anh ta quấy rầy cậu!”. Và Larsen nói Bobby vẫn còn cơ hội để phục thù… trên bàn cờ.

Những khán giả, các kỳ thủ, và cả những nhà báo bắt đầu đặt câu hỏi tại sao Bobby có thể dành cả 2 tháng trời, tháng 9 và tháng 10, nghỉ học để tham gia thi đấu. Và cuối cùng thông tin động trời cũng được khui ra: Bobby đã bỏ học ở Erasmus Hall. Mọi nỗ lực của Regina để kéo Bobby quay lại lớp học đều vô vọng, nhưng bà vẫn hy vọng có thể nói chuyện với Bobby sau khi kết thúc Candidates để thuyết phục cậu tiếp tục con đường học vấn của mình.

Sư việc ngoài ý muốn này ảnh hưởng đến hình ảnh của Bobby tại giải, và cậu bắt đầu bị xem như một kẻ không có học thức, thiếu giáo dục, và bị một số kỳ thủ chế nhạo.

Và cũng không may cho Bobby khi cậu khởi đầu không suôn sẻ tại giải này. Cậu bực bội khi bị thua cả hai ván trước Tal. Trước khi tái đấu với Tal lần ba, Bobby tiếp xúc với Alexander Koblents, một trong những huấn luyện viên của Tal, và nói với giọng đe dọa nhất mà cậu có thể: “Nếu Tal không biết cư xử cho phải phép thì tôi sẽ đấm gãy hết răng anh ta”. Dù vậy, Tal vẫn tiếp tục, và Bobby lần thứ ba bại trận trước Tal.

“Hãy đi xem một bộ phim”, Dimitrije Bjelica nói với Bobby vào đêm trước khi cậu đấu với Vassily Smyslov. Bjelica là một nhà báo người Yugoslavia, đồng thời cũng là một bình luận viên bóng đá trên truyền hình. Ông kết bạn với Bobby từ giải Portoroz và thông cảm cho những phàn nàn của cậu. Ông nghĩ một bộ phim có thể giúp cho đầu óc của cậu thư thái hơn. Và bộ phim bằng tiếng Anh duy nhất chiếu ở Belgrade là phim về danh họa người Hà Lan ở thế kỷ 19 Vincent Van Gogh.

Bobby đồng ý đi xem, và ngay khi đến cảnh Van Gogh cắt tai, Bobby đột nhiên đồng cảm và lẩm bẩm: “Nếu tôi không thắng Smyslov vào ngày mai, tôi cũng sẽ cắt tai”. Ngày hôm sau, Fischer cầm Đen đánh một ván tuyệt vời trước Smyslov, cựu vô địch thế giới, và giành được ván thắng đầu tiên của mình trước người Liên Xô. Vậy là cái tai của cậu vẫn còn nguyên.

[​IMG]
Bobby Fischer và Vassily Smyslov tại Candidates 1959

Xui xẻo vẫn cứ đeo bám Bobby. Nếu cậu thắng một ván, thì ngày hôm sau lại thua một ván. Cậu đánh bại Benko sau đó thua Gligoric; thắng một ván trước Olafsson sau đó lại bại trận trước Tal. Bobby thấy cơ hội của mình cứ ngày càng nhỏ dần. Cậu thua những ván mà cậu đáng lẽ hòa và hòa những ván mà cậu đáng lẽ thắng.

Harry Golombek, trọng tài chính của giải, cho rằng Bobby tiến bộ qua từng vòng đấu, và nếu giải có 56 vòng đấu, thay vì 28 vòng, thì thành tích của cậu chắc chắn sẽ tốt hơn. Dù thua Tal nhưng với việc có được 2 trận thắng trước Keres và bằng điểm với Smyslov, là quá đủ để chứng minh cậu xứng đáng nằm trong hàng ngũ các đại kiện tướng.

Nhà vô địch thế giới Mikhail Botvinnik đánh giá về kỳ thủ 16 tuổi người Mỹ: “Điểm mạnh và điểm yếu của Fischer nằm ở chỗ cậu ta luôn luôn là chính mình và chỉ chơi theo cùng một kiểu bất chấp gặp đối thủ nào…”. Đúng là Fischer hiếm khi thay đổi phong cách, và điều đó tạo lợi thế cho đối thủ vì họ biết trước loại khai cuộc nào mà cậu sẽ sử dụng, nhưng Botvinnik không hề biết được những lo lắng, khó chịu cũng như khổ sở của Fischer khi cậu phải hứng chịu “cái nhìn” của Tal.

Tal đã hạ Bobby 3 ván, và cậu nung nấu ý chí phục thù khi bước vào ván thứ 4. Cậu chơi một ván cờ đầy quả cảm, với lời thề phải đánh bại Tal bằng mọi giá.

Bobby cố gắng sử dụng chiến thuật tâm lý trong ván này, dù theo như cậu nói: “Tôi không tin vào tâm lý, tôi chỉ tin vào những nước cờ hay”. Thông thường cậu sẽ thực hiện nước đi, nhấn đồng hồ, và sau đó ghi biên bản. Nhưng trong ván này, ở nước thứ 22, cậu đột ngột thay đổi trình tự. Thay vì đi quân trước thì cậu lại ghi biên bản nước mình chuẩn bị đi, chuyển sang ký hiệu tiếng Nga, rồi thoải mái đặt tờ biên bản lên bàn ở chỗ Tal có thể nhìn thấy, và trong khi đồng hồ đang chạy, cậu dò xét phản ứng của Tal.

Tal nhận ra đó là một nước cờ có thể giúp Fischer chiếm ưu thế. Sau này anh viết lại: “Tôi rất muốn thay đổi quyết định của Fischer. Vì vậy tôi bình thản rời khỏi ghế và bắt đầu đi loanh quanh trên sân khấu, trò chuyện vui vẻ với Petrosian, nhìn vào bàn cờ của mình và quay trở lại chỗ ngồi với vẻ hài lòng”. Vì Tal trông có vẻ thoải mái trước nước cờ mà Fischer dự định thực hiện, nên cậu xóa nước đó khỏi tờ biên bản, và thay vào đó, thực hiện một nước đi khác – chiếu Vua của Tal. Đó là một sai lầm.

Bobby nhắm mắt lại. Cậu không cần nhìn vào bàn cờ nữa, vì nó đã in sâu trong tâm trí của cậu rồi. Cậu cố gắng thật tập trung vào ván đấu. Cậu dồn hết sức lực để tìm ra một nước đi, một phương án, một đòn đánh chiến thuật nào đó khả dĩ giúp cậu thoát ra được dòng nước đen chết chóc đang bủa vây lấy thế trận của mình. Cậu cố gắng tránh hết mọi cám dỗ có thể đưa đẩy cậu di chuyển quân đến một ô sai lầm.

Nhưng than ôi, không một chiến thuật nào hiệu quả cả. Cậu lại thua. Bi kịch thay, đau đớn thay. Cậu khóc, và không thể nào che giấu được những giọt nước mắt. Tal thắng ván thứ 4, và cũng là ván đấu cuối cùng của hai người tại giải. Một chiến thắng đưa anh đi thẳng đến trận tranh chức vô địch thế giới với Botvinnik.

***

Alexander Koblents, huấn luyện viên của Tal, có kể lại một câu chuyện sau giải Candidates 1959 như sau:

Các đối thủ của Tal vô cùng ngạc nhiên khi được anh mời đến dự một bữa tối thân mật sau lễ bế mạc. Đây là một điều mới mẻ đối với các đại kiện tướng. Không khí tại bữa tiệc rất vui vẻ và thân thiện. Dường như những cảm xúc ganh đua trước đây của họ đều tan biến. Nhưng chính tại đây lại xảy ra một sự việc khiến tôi không thể nào quên được.

Khi nhìn gương mặt hạnh phúc của Misha, tôi không thể không nhớ đến Tiến sĩ Nekhemye Tal, một con người với học vấn thật uyên bác, và cũng là một người cha hết mực yêu thương con. Chính ông đã dạy Misha chơi cờ, và tôi tưởng tượng ông sẽ hạnh phúc biết bao, nếu như ông còn sống để được chứng kiến ngày hôm nay. Và vì tôi là người tuyên bố nâng cốc chúc mừng tại bữa tiệc, nên tôi đề nghị hãy chúc mừng cho những người cha của chúng tôi.

Đó dường như chỉ là một việc làm vô hại, nhưng bạn hãy nhìn vào phản ứng của Fischer! Cậu ấy ngay lập tức rời khỏi bữa tiệc với cặp mắt rưng rưng. Làm thế nào tôi biết được những hành động nóng nảy của tài năng trẻ này lại là hậu quả của một tuổi thơ bi kịch. Mãi sau này, khi đọc một bài phỏng vấn trên báo vào đầu những năm 70, tôi mới hiểu được tại sao vào ngày hôm đó Fischer lại buồn bã đến vậy và bỏ đi.

“Cha tôi bỏ mẹ tôi khi tôi chỉ mới 2 tuổi. Tôi chưa bao giờ được gặp ông ấy. Mẹ tôi chỉ nói với tôi rằng tên ông ấy là Gerhardt và ông là một người Đức rất tốt. Những đứa trẻ lớn lên mà không có tình thương của cha sẽ trở thành những con sói”, Fischer nói với phóng viên.

Đối với nhiều người, và hầu hết các kỳ thủ, việc muốn được một bữa ăn chung với Fischer cũng khó như ăn tối với ngôi sao điện ảnh. Cậu giờ đã là một ngôi sao trong làng cờ, nhưng danh tiếng càng cao, cách cư xử của cậu càng khó ưa. Những thành công đến liên tiếp trên bàn cờ khiến cho cái tôi của cậu càng lớn hơn. Bên ngoài là một Bobby quyến rũ với nụ cười sôi nổi, còn bên trong là một Bobby khó chịu với thái độ khinh khỉnh và thường hay cáu kỉnh. Mọi người đều muốn là bạn của Bobby, là một phần trong cuộc sống của cậu ta, và cậu ta biết điều đó. Nhưng chỉ một lỗi lầm của họ, một sự bất đồng, hay lỡ một cuộc hẹn là đủ để Bobby chấm dứt mối quan hệ. Và mối quan hệ đó sẽ bị chấm dứt mãi mãi; luôn có những người khác thế chỗ cho người đó.

Nếu bạn không biết chơi cờ, bạn gần như không thể bước vào được thế giới của Bobby, và sự thiếu tôn trọng của cậu ta với các kỳ thủ yếu dường như còn nhiều hơn cả những người không biết chơi.

Và, cũng luôn có những vấn đề về tiền bạc với Bobby. Những câu hỏi cứ lẩn quẩn với Bobby: Nếu cậu là một trong những kỳ thủ giỏi nhất thế giới, hay ít ra là giỏi nhất ở Mỹ, thì tại sao cậu không thể kiếm sống được bằng nghề của mình? Trong khi lương trung bình của một người Mỹ ở thời điểm đó là 5500 USD một năm, thì Bobby chỉ kiếm được vừa đủ 1000 USD cho một năm làm việc vất vả trên bàn cờ. Tiền thưởng cho cậu tại Candidates Tournament chỉ vỏn vẹn 200 USD. Tại sao Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ không thể tài trợ cho cậu? Họ tài trợ cho Reshevsky, thậm chí còn cho anh ta học đại học. Hay là tại cậu không tôn sùng người Do Thái, trong khi Reshevsky là người Do Thái chính thống? Hầu như tất cả những người lãnh đạo của quỹ tài trợ đều là người Do Thái. Hay là họ muốn gây áp lực để cậu phải tuân theo ý họ? Để quay lại trường học? Có phải họ không tôn trọng cậu vì cậu “chỉ là một đứa trẻ”? Hay là tại vì cách ăn mặc của cậu?

Những cú điện thoại và điện tín liên tục bay đến Bobby vào cuối tháng 11 và những tuần đầu của tháng 12. Họ hỏi cậu có thi đấu bảo vệ danh hiệu vô địch Mỹ tại giải Rosenwald không. Một bức thư đến vào đầu tháng 12 thông báo về việc họ đã xếp cặp thi đấu. Danh sách có 12 kỳ thủ – bao gồm cả Bobby – và họ đã xếp lịch chi tiết ai đấu ngày nào, cầm màu quân gì ở mỗi vòng đấu. Bobby nổi đóa, vì việc tổ chức một buổi lễ xếp cặp công khai đã trở thành truyền thống, cậu lớn tiếng nói, ở các giải châu Âu và phần lớn các giải quốc tế khác.

Ban tổ chức Rosenwald, hiểu ý Bobby cho rằng họ thông đồng để tạo lợi thế cho một hay một vài kỳ thủ nào đó, nên tỏ ra rất giận dữ trước sự phản đối của Bobby. “Đơn giản thôi”, Bobby đáp lại, “chỉ cần xếp cặp lại… và xếp công khai”. Họ từ chối, và Bobby 16 tuổi đe dọa sẽ kiện việc này. Tờ The New York Times đưa sự việc này lên mặt báo. Một cuộc cãi vã dữ dội nổ ra, và Bobby được cho biết cậu sẽ được thay thế bởi một kỳ thủ khác nếu từ chối tham gia. Cuối cùng tình hình cũng được xoa dịu khi ban tổ chức đồng ý cho Bobby thi đấu lần này, còn việc xếp cặp công khai sẽ được tiến hành vào năm sau. Thế là đủ cho Bobby nhượng bộ. Cậu đồng ý thi đấu, và ẵm gọn chức vô địch.

Trong quá khứ, Bobby đã từng nhiều lần bị phê bình vì kiểu cách ăn mặc của mình. Ví dụ, một bài báo trên tờ Sunday đã cho đăng một bức ảnh cậu biểu diễn thi đấu đồng loạt với chú thích: “Dù danh tiếng đang lên, nhưng Bobby vẫn còn ăn mặc quá tự nhiên: áo sơ mi sọc vuông, quần gấp nếp, trái ngược với các đối thủ luôn vận comlê và đeo cà vạt”.

Sau đó, Pal Benko, kỳ thủ đã từng thi đấu với Bobby tại Candidates Tournament, nói chuyện với Bobby và đề nghị cậu thay đổi cách ăn mặc. Ông giới thiệu Bobby với người thợ chuyên may quần áo của ông, để anh chàng Bobby có thể đặt may vài bộ comlê cho riêng mình. Làm thế nào Bobby có đủ tiền trả cho những bộ quần áo đó vẫn còn là điều bí ẩn. Có lẽ là tiền từ việc bán quyển sách “Bobby Fischer’s Games of Chess”, xuất bản năm 1959.

Khi Bobby đến khách sạn Empire vào tháng 12 năm 1959 để thi đấu vòng đầu tiên của Giải Vô Địch Mỹ, cậu mặc một bộ comlê rất đẹp, áo sơ mi trắng vừa vặn, cà vạt trắng Sulka, và một đôi giày Ý. Ngoài ra, tóc cậu cũng được cắt chải gọn gàng. Một hình ảnh hoàn toàn khác so với cái cậu bé mặc áo len trượt tuyết, mang giày thể thao, tóc rối bù trước đây. Báo chí bắt đầu nói về một “Fischer mới”, và cách ăn mặc của cậu cho thấy cậu đã bước vào tuổi trưởng thành.

Các đối thủ của Bobby cố gắng che giấu sự ngạc nhiên trước diện mạo rất mới mẻ của chàng trai 16 tuổi. Và khi giải diễn ra, họ lại bị choáng váng theo cách khác: Bobby thi đấu rất xuất sắc, và không để thua một ván nào. Kết thúc giải, Bobby không những giữ vững chức vô địch Mỹ mà còn thiết lập một kỷ lục ấn tượng: Cậu vô địch Mỹ năm thứ ba liên tiếp, và chưa hề để thua một ván nào tại giải này trong suốt 3 năm qua.

Vô địch giải này Bobby nhận được 1000 USD. Sau đó Jacob Wender, ông ngoại của cậu, qua đời, và Regina được thừa kế 14000 USD. Số tiền đó đủ cho gia đình Fischer – nếu biết tiết kiệm – sống trong vài năm. Chị gái Joan của Fischer đã đi lấy chồng, vì vậy Regina sử dụng số tiền này cho mình và con trai.

Tháng 3 năm 1960, Bobby 17 tuổi bay đến Mar del Plata, một resort bên bờ biển Atlantic của Argentina, phía nam Buenos Aires. Thành phố này có một truyền thống đáng tự hào về đăng cai các giải đấu quốc tế. Khi tới nơi, Bobby được đón tiếp rất chu đáo. Điều trở ngại duy nhất ở đây là mưa liên tục không ngớt và gió lạnh của biển. Regina, có lẽ đoán trước tình hình thời tiết bất lợi ở Mar del Plata, nên đã chuyển cho Bobby một đôi giày cao su và nhắc cậu nhớ mang theo chiếc áo khoác da trước khi rời Mỹ.

Bobby nghĩ cậu sẽ dễ dàng vô địch giải Mar del Plata cho đến khi hay tin David Bronstein và Fridrik Olafsson cũng sẽ thi đấu ở giải này, chưa kể còn có đại kiện tướng 23 tuổi đến từ Leningrad, Boris Spassky. Nhưng Olafsson và Spassky không phải là mối lo thực sự của Bobby. Bronstein kìa.

Một tuần trước khi đến Argentina, Bobby và Frank Brady (chủ tịch của câu lạc bộ cờ Marshall từ năm 2007 đến nay) ăn tối với nhau tại Cedar Tavern ở Greenwich Village, một trong những địa điểm ưa thích của Bobby.

Bobby gọi bia Lowenbrau, còn Brady gọi Heineken. Anh bồi bàn không hỏi tuổi Bobby, dù cậu chỉ mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi uống bia rượu ở New York (ít nhất là phải 18 tuổi). Bobby chọn món mà không cần nhìn vào thực đơn. Cậu lấy một miếng thịt sườn nướng khổng lồ và ăn hết chỉ trong một vài phút. Như thể cậu là một võ sỹ quyền Anh hạng nặng đang thưởng thức bữa ăn cuối cùng trước khi bước vào một trận đấu lớn.

Bobby vừa nhận được lịch thi đấu từ Mar del Plata. Tin xấu: cậu phải cầm Đen gặp cả hai đối thủ rất mạnh là Bronstein và Spassky.

Sau đó cả Bobby và Brady đều yên lặng một lúc lâu. Sau cùng Brady cất tiếng: “Bobby, cậu chuẩn bị cho giải đấu này như thế nào? Tôi muốn biết cách cậu chuẩn bị”. Bobby bỗng dưng trở nên vui vẻ khác thường và cảm thấy thú vị trước yêu cầu của Brady. “Đây, tôi sẽ cho anh xem”, cậu vừa nói vừa mỉm cười, đoạn lấy chiếc bàn cờ bỏ túi thân quen của mình ra.

[​IMG]
Bobby Fischer và chiếc bàn cờ bỏ túi thân quen

“Trước hết, tôi sẽ xem qua các ván cờ của tất cả các đối thủ, nhưng tôi chỉ thực sự chuẩn bị để đối đầu với Bronstein thôi. Spassky và Olafsson, tôi không sợ”. Sau đó Bobby cho Brady xem ván cờ duy nhất của cậu với Bronstein – ván hòa tại Portoroz cách đây 2 năm. Cậu giải thích từng nước một cho Brady, chê trách một nước của Bronstein, rồi lại tán thưởng một nước khác. Bobby phân tích rất nhanh, cậu thảo luận về các nhánh phương án hay chiến thuật nào đó, lý giải có nên lựa chọn nước đi đó hay không. Giống như đang xem một bộ phim có thuyết minh vậy, nhưng có một điều khác biệt lớn: Bobby di chuyển các quân cờ và cậu nói quá nhanh, nhanh đến nỗi thật khó để theo kịp những bình luận của cậu, những giảng giải về ý đồ thực sự sau một “hư chiêu”, những cái bẫy rình rập. “Tôi không thể chơi như thế vì nó sẽ làm suy yếu các ô đen” … “Tôi không nghĩ đến nước này” … “Không, ông ta đang đùa à?”.

Những khe rãnh trên bàn cờ bỏ túi của Bobby như rộng hơn sau hàng ngàn giờ phân tích. Hầu hết các quân cờ như Tượng, Vua, Hậu, đều bị mòn đi sau nhiều năm sử dụng. Nhưng, dĩ nhiên là chỉ cần chạm vào Bobby đã biết đó là quân gì, dù cho nó đã bị biến dạng. Những quân cờ nhỏ xíu giống như những con thú cưng của cậu.

“Vấn đề với Bronstein”, cậu tiếp tục, “là hầu như không thể đánh bại ông ta nếu ông ta đã quyết chí đánh hòa. Tại giải Zurich ông ta chơi hòa 20 trên tổng số 22 ván! Anh có đọc sách của ông ta không?”. Brady bối rối trả lời: “Không. Nó bằng tiếng Nga à?”. Bobby tỏ vẻ khó chịu, và ngạc nhiên vì Brady không biết ngôn ngữ đó. “Ừ, đọc đi! Một quyển sách tuyệt hay. Ông ta sẽ quyết đánh thắng tôi, tôi chắc chắn, và tôi cũng sẽ không đánh hòa”.

Xếp lại quân trong vài giây, và một lần nữa hầu như không nhìn vào Brady, Bobby nói: “Khó chuẩn bị đối sách trước ông ta vì ông ta có thể chơi theo bất cứ loại nào, chơi thế trận hay chơi chiến thuật, và bất cứ loại khai cuộc nào”. Bobby bắt đầu trình diễn cho Brady, từ trí nhớ, hết ván này đến ván khác – dường như có đến hàng tá – tập trung vào các loại khai cuộc mà Bronstein sử dụng. Không chỉ thế, cậu còn phân tích lại những ván cờ mà Louis Paulsen đã chơi từ những năm 1800, và cả những ván của Aaron Nimzowitsch trong những năm 1920, cũng như những ván cờ chỉ mới được chơi cách đây vài tuần – những ván cờ lượm lặt từ các tờ báo Nga.

Suốt cả buổi Bobby ngồi đánh giá từng phương án một, những khả năng để chọn lựa, các phương án thay thế, nước nào hay nhất… Giống như là một bài học lịch sử và cũng là một bài giảng về cờ, nhưng điều gây kinh ngạc nhất là trí nhớ tuyệt vời của Bobby. Cặp mắt cậu như dán chặt vào bàn cờ bỏ túi – đặt nhẹ nhàng trên bàn tay trái của cậu, tự nói chuyện với mình, hầu như không nhận ra sự có mặt của Brady hay là của chính cậu trong nhà hàng. Cậu thậm chí còn sôi nổi hơn cả khi thi đấu. Cậu lẩm bẩm: “Nếu anh ta chơi như thế… tôi sẽ khóa con Tượng anh ta lại”. Rồi sau đó, cất giọng thật to đến nỗi những vị khách khác đều nhìn chằm chằm vào cậu: “Anh ta sẽ không chơi như thế”.

(Brady) Tôi bắt đầu khóc thầm, nhận ra trong khoảnh khắc thời gian ngừng lại đó tôi đã ở trước mặt của một thiên tài.

Tiên đoán của Bobby ở nhà hàng Cedar Tavern quả không sai. Tại Mar del Plata, khi Bronstein gặp Bobby ở vòng 12, kỳ thủ Xô Viết quyết tâm đánh thắng. Nhưng khi ván cờ gần đến tàn cuộc thì quân số hai bên hoàn toàn bằng nhau, và một kết cục hòa là không thể tránh khỏi. Kết thúc giải, Fischer và Spassky đồng hạng nhất (tuy vậy Fischer thua ván duy nhất tại giải trước Spassky). Cho đến lúc này, đó là thành tích quốc tế tốt nhất của Fischer.

Nhưng giải đấu tại Buenos Aires 2 tháng sau thì đúng là một thảm họa. Buenos Aires là một thành phố mà Bobby rất thích: cậu thích thức ăn ở đây, thích tình yêu cờ tha thiết của con người nơi đây, và thích cả những đại lộ rộng thênh thang. Tuy nhiên, Bobby lại thi đấu cực kỳ tệ hại, điều rất ít thấy ở cậu. Những tin đồn bắt đầu lan ra, rằng cậu thức cho đến tận sáng hôm sau, ít nhất là một lần với một người đẹp bốc lửa của Argentina, khiến cho cậu bị kiệt sức và không chuẩn bị được gì để thi đấu với đối thủ. Rồi người ta lại cho là đại kiện tướng người Argentina Miguel Najdorf, người không thi đấu ở giải này, giới thiệu cậu với những thú chơi đêm ở thành phố, không quan tâm đến việc ông đang hủy hoại chàng trai mới lớn này. Và với sự nông nổi của tuổi 17, Bobby cho rằng mình vẫn dư sức thi đấu khi mà chỉ được ngủ rất ít, hết đêm này đến đêm khác. Không may, đến khi gặp hiểm nguy trên bàn cờ, cậu muốn gọi Nàng Thơ của mình để truyền cảm hứng thì không có hồi âm nữa rồi.

Rất nhiều lý do, rất nhiều tin đồn được đưa ra để giải thích cho thành tích bết bát của cậu (sau này Bobby nói là vì điều kiện ánh sáng quá tệ). Trong số 19 đối thủ gặp tại giải, cậu chỉ thắng được 3 người, hòa 11, và thua hết số còn lại, xếp hạng 16/20

Đối với Bobby, thất bại này thật là một nỗi nhục, đặc biệt là với một con người đầy tự tin, và có phần cao ngạo như cậu. Không những không đạt được mục tiêu đề ra, mà thậm chí còn đứng gần bét bảng xếp hạng, Samuel Reshevsky, đồng hương và cũng là đối thủ của cậu, đồng hạng nhất giải này với Viktor Korchnoi. Trong bức ảnh lưu niệm chụp các kỳ thủ tham dự giải, người ta thấy Bobby với đôi mắt không tập trung, hầu như không chú ý gì đến người chụp ảnh cũng như các kỳ thủ khác. Cậu đang nghĩ về màn trình diễn nghèo nàn của mình? Hay là quyết tâm chiến thắng của cậu tại giải này không đủ lớn?

Sau đó, Bobby đồng ý chơi ở bàn 1 cho đội tuyển Mỹ tại Olympic Cờ Vua Thế Giới, được tổ chức tại Leipzig, Đông Đức, vào tháng 10 năm 1960, nhưng những lãnh đạo của cờ vua Mỹ cho biết họ không đủ tiền để chi trả phí tổn cho đội tuyển tham dự giải. Một ủy ban được thành lập để góp tiền cho đội tuyển, và những người điều hành nhờ Bobby biểu diễn một trận đấu đồng loạt để quảng bá cho đội tuyển. Cậu chơi trên 20 bàn, và không có gì ngạc nhiên khi cậu thắng tất cả.

Không may, dù trận cờ này được đưa tin trên một tờ báo địa phương, nhưng lại không nhấn mạnh về lý do tổ chức sự kiện: để thu hút tài chính cho đội tuyển cờ vua Mỹ. Nhưng nếu Bộ Ngoại Giao và Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ không thể giúp thì Regina Fischer nghĩ bà có thể. Từ các hoạt động của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ, bà chứng minh rằng vài kỳ thủ (như Reshevsky) nhận được sự hỗ trợ trong khi số khác (như Bobby) thì không. Bà bày tỏ sự giận dữ trên báo chí, cũng như gửi thư đến chính phủ yêu cầu một lời giải thích công khai.

Dù Bobby đã cảm thấy tuyệt vọng về cơ hội được đến Leipzig thi đấu Olympic đầu tiên trong đời mình, nhưng cậu cũng không thích sự giúp đỡ của Regina. Cậu tức giận vì sự can thiệp của bà, và ít nhất một lần đã chỉ trích công khai bà khi bà xuất hiện tại một giải cờ.

Tuy nhiên, chính nhờ sự giúp đỡ của Regina mà cuối cùng Fischer cũng được tham dự Olympic (nói thêm về Regina, sau này bà gặp Cyril Pustan, một giáo viên cấp 3 và thợ sửa ống nước người Anh. Họ cùng có lòng tin về chính trị, tôn giáo và rất hòa hợp với nhau. Cuối cùng hai người kết hôn và định cư luôn ở Anh). Đội trưởng tuyển Mỹ tại Olympic lần này là Isaac Kashdan. Kashdan và Bobby chưa từng gặp nhau trước đây, nhưng Kashdan là một huyền thoại trong làng cờ. Ông là một đại kiện tướng quốc tế, một trong những kỳ thủ mạnh nhất của Mỹ từ cuối những năm 1920 đến những năm 1930. Ông từng thi đấu tại 5 kỳ Olympic, và giành được một số huy chương. Đã được cảnh báo trước rằng Bobby là một người “khó bảo”, nên Kashdan băn khoăn lo ngại rằng Bobby sẽ không tuân theo những chỉ đạo của ông.

Bobby có lẽ cảm nhận được sự thận trọng của người đội trưởng, vì cậu đã có nghe qua về sự nghiệp của Kashdan; và thậm chí còn biết nhiều ván cờ của ông. Kashdan sau này nói: “Tôi không gặp vấn đề thực sự gì với cậu ta. Tất cả những gì cậu ta muốn là chơi cờ. Đó là một tay cờ rất lợi hại”. Dù chênh lệch gần 40 tuổi, nhưng hai người khá thân thiết với nhau và mối quan hệ này được duy trì trong nhiều năm.

Một trong những điểm nhấn tại Olympic lần này chính là cuộc đụng độ giữa Mỹ và Liên Xô, và Bobby lại được tái ngộ Mikhail Tal – lúc này đã đăng cơ bảo điện sau khi truất ngôi của Botvinnik. Fischer và Tal gặp nhau ở vòng 5. Trước khi thực hiện nước đi đầu tiên của mình, Tal cứ nhìn chằm chằm vào bàn cờ, và cứ nhìn, cứ nhìn. Bobby tự hỏi liệu Tal có phải định dùng lại chiêu cũ hay không. Cuối cùng, sau 10 phút, Tal nhấc quân đi. Có lẽ anh hy vọng sẽ khiến cho Bobby cảm thấy không thoải mái. Nhưng Bobby vẫn rất tập trung, với lối đánh gây hấn liên tục. Tal cũng đáp trả rất quyết liệt. Một ván đấu không khoan nhượng, với những đòn tấn công và phản công tóe lửa. Cuối cùng trận hỗn chiến đẹp mắt kết thúc hòa. Sau này cả hai đều đưa ván cờ này vào trong những quyển sách của họ.

[​IMG]
Bobby Fischer năm 17 tuổi tại Olympic Leipzig 1960

Và một số hình ảnh về trận đấu giữa Bobby Fischer và Mikhail Tal tại Olympic Leipzig 1960:

[​IMG]

[​IMG]

[​IMG]

Việc Bobby 17 tuổi đấu hòa với nhà vô địch thế giới đã gây được sự chú ý, và nhiều kỳ thủ nhận định chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cậu sẽ chiến đấu để tranh đoạt danh hiệu cao quý này.

Phóng viên Dimitrije Bjelica (người đã đưa Bobby đi xem bộ phim về Van Gogh tại Candidates 1959) kể lại một câu chuyện thú vị về Bobby và Tal tại giải này:

Olympic Leipzig đã kết thúc. Tại buổi lễ bế mạc, Tal và Fischer một lần nữa lại là tâm điểm của sự chú ý. Bobby và tôi ngồi cùng bàn với nhau. Cậu ấy rất vui vẻ nói chuyện với tôi: “Khi ở Bled anh có nghe tôi hát lần nào chưa? Nếu tôi không là một đại kiện tướng, thì gần như chắc chắn tôi sẽ trở thành một ca sĩ. Chính Smyslov đã nhìn thấy tài năng âm nhạc trong tôi. Nhưng tôi còn có tài khác nữa cơ”, Bobby tiếp tục, “đợi tôi gọi Tal đã nhé”.

Khi Tal đến bên bàn của chúng tôi, Bobby nói với Tal: “Để tôi cho anh biết về con đường sự nghiệp của anh”. Sau đó Bobby cầm lấy tay Tal, chăm chú nhìn vào lòng bàn tay, rồi thủng thẳng nói: “Tôi thấy anh là một kỳ thủ rất tài năng…”

Nhiều kiện tướng và đại kiện tướng đã tụ tập quanh bàn của chúng tôi. Tất cả mọi người đều đang theo dõi và lắng nghe. Các máy quay phim cũng bắt đầu chĩa ống kính vào Tal và Bobby.

“Lòng bàn tay của anh thậm chí còn cho biết anh có lối chơi rất sắc bén, phong cách đánh đòn phối hợp…”

Trước sự hài hước của Bobby, Tal dĩ nhiên là cười lớn. Cả William Lombardy, người đang đứng cạnh Tal, cũng cười thú vị. Trong khi đó Bobby vừa cười toe toét vừa nói tiếp: “Nhưng tôi cũng có thể thấy anh sắp bị mất danh hiệu vô địch thế giới vào tay một đại kiện tướng trẻ tuổi người Mỹ…”

Khỏi phải nói, Bobby rõ ràng là đang ám chỉ chính anh ta. Nhưng Tal ngay lập tức quay sang bắt tay Lombardy và nói: “Hoan hô, Billy! Vậy là chính anh chứ không ai khác sẽ là người kế vị tôi!”

Mọi người đều cười ồ. Tôi không biết điều gì khiến cho họ thấy thích thú hơn: “tài nghệ” bói toán của Fischer hay là cú trả đòn rất hài hước của Tal.

Chẳng bao lâu sau, tạp chí cờ Chess Life nhắc lại câu chuyện thú vị này, và bình luận: “Nhìn vào sự tự tin trên gương mặt của Fischer, chúng ta tự hỏi liệu anh ta có thực sự ‘xem’ mình là Nhà Vô Địch Thế Giới kế tiếp hay không”.

Bobby tiếp tục giành được chức vô địch Mỹ mùa giải 1960-1961. Chess Life bình luận về sự kiện này:

Với chiến thắng tại giải Vô Địch Mỹ lần thứ 4 liên tiếp, Bobby Fischer, Đại Kiện Tướng Quốc Tế 17 tuổi đến từ Brooklyn, đã khắc nên một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử cờ vua Mỹ, và chứng minh rằng anh không chỉ là kỳ thủ vĩ đại nhất mà đất nước đã từng sản sinh ra, mà còn là một trong những tay cờ mạnh nhất thế giới. Fischer chưa thua một ván nào trong giải Mỹ kể từ năm 1957.

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh: Reshevsky không đồng ý với điều đó, cũng như cả những người ủng hộ ông.

Vài kỳ thủ nhận thấy đó là một sự xúc phạm khi tuyên bố Fischer là kỳ thủ vĩ đại nhất của Mỹ ở tuổi 17, và do đó đã làm giảm mất danh tiếng của Reshevsky ở tuổi 50. Có một bài nghiên cứu xuất bản năm đó trên tạp chí American Statistician, “Yếu tố tuổi tác trong cờ vua”, mà tác giả cho là các kiện tướng cờ sẽ sa sút phong độ sau một độ tuổi nhất định nào đó. Reshevsky muốn chứng minh bài viết đó là sai.

Trong nhiều năm Reshevsky đã được xem như là kỳ thủ Mỹ “vĩ đại nhất”, còn bây giờ thì mọi danh vọng mỹ từ đều được dành cho Bobby, mà nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một tay cờ trẻ mới nổi, và có phần thiếu lễ độ.

Những quan chức của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ vẫn tin rằng Reshevsky là kỳ thủ giỏi hơn, và họ sắp xếp một trận đấu để ông chứng minh thực lực của mình. Reshevsky tuyên bố: “Dù gì đi nữa Fischer cũng không thể hiện được gì trước tôi cả. Trong một trận đấu tay đôi anh ta sẽ không bao giờ đánh bại được tôi”. Và Bobby Fischer chấp nhận lời thách thức. Mùa hè năm 1961, một trận đấu gồm 16 ván được tổ chức với quỹ giải thưởng 8000 USD được hứa hẹn, với 1000 USD thưởng trước cho mỗi người. Số còn lại, 65% sẽ dành cho người thắng cuộc, và 35% cho người thua. Một trận đấu như vậy có thể ví với những cặp đại đối đầu trong lịch sử nhân loại, như Mozart với Salieri, hay Napoleon với Wellington. 4 tay cờ hàng đầu thế giới – Svetozar Gligorich, Bent Larsen, Paul Keres và Tigran Petrosian – được hỏi ý kiến về trận đấu này, và không một ai nghiêng về Fischer cả. Petrosian dự đoán tỉ số sẽ là 9,5-6,5 nghiêng về Reshevsky, Keres 9-7, trong khi Gligorich và Larsen chỉ trả lời đơn giản rằng Reshevsky sẽ thắng.

Reshevsky, một người hói, nhỏ con, có một tính cách nghiêm nghị và cương quyết. Ông là một con người lịch sự nhưng luôn ngắn gọn. Bobby thì lại khác hẳn. Anh ta cao lênh khênh, một anh chàng hay nổi cáu, một hoàng tử cờ vua đôi lúc cũng tỏ ra hào hoa phong nhã. Và phong cách chơi cờ của họ cũng khác nhau: những ván cờ của Reshevsky hiếm khi có chất thơ, và không giàu cảm xúc. Nhà vô địch lâu năm thường bị rơi vào tình trạng thiếu thời gian (time pressure hay time trouble), và chỉ vừa kịp tránh bị xử thua vì hết giờ. Còn những ván cờ của Fischer thì trong suốt như pha lê, nhưng rất tài tình và mưu trí. Bobby tự học, và sau nhiều năm tập luyện cậu biết cách sử dụng thời gian để hầu như không bao giờ bị rơi vào tình trạng bị sức ép về thời gian như vậy (chính nhờ Jack Collins đã đặt mua một chiếc đồng hồ của Đức cho Bobby luyện tập).

[​IMG]
Thần đồng 8 tuổi Samuel Reshevsky, đánh bại vài kiện tướng trong trận đấu tại Pháp

[​IMG]
Samuel Reshevsky

Còn những điểm khác biệt nào nữa? Fischer luôn chuẩn bị rất chu đáo – “booked up”, như người ta vẫn thường nói – để chỉ những cách tân và nước biến mới trong khai cuộc. Còn Reshevsky thì thường ít chuẩn bị và phải lựa chọn những nước đi hiệu quả nhất trong quá trình thi đấu, do đó làm lãng phí thời gian. Fischer là kỳ thủ chơi thiên về chiến thuật (tactical player), với ngọn lửa của sự tài hoa; còn Reshevsky là kỳ thủ với lối đánh thế trận (positional player). Ông điều quân để đạt được từng ưu thế nhỏ với một sự nhẫn nại tuyệt vời. Ông còn có khả năng giành chiến thắng trong những thế cờ rất tinh tế, mong manh (delicate position).

Nhưng cuối cùng thì mục đích của trận đấu này không phải để xem thử lối đánh của ai hay hơn, mà là để xác định ai là tay cờ mạnh nhất của Mỹ hiện nay.

Trận đấu diễn ra như một trò chơi bập bênh. Bobby thắng… hòa… rồi lại Reshevsky thắng. Đến ván thứ 11, tỉ số hòa nhau 5,5-5,5. Tuy nhiên đến ván thứ 12 thì gặp khó khăn trong việc sắp xếp, vì nó rơi vào ngày thứ bảy. Đây là ngày Sabbath theo đạo Do Thái (ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa), trong khi Reshevsky là một người Do Thái chính thống nên ông không thể thi đấu trong ngày này cho đến sau khi mặt trời lặn. (vào giai đoạn đầu của sự nghiệp Reshevsky cũng thi đấu trước khi mặt trời lặn, nhưng ông tin rằng chính sự vi phạm này đã gây ra cái chết cho người cha của mình, vì vậy từ đó ông từ chối thi đấu vào ngày Sabbath). Giờ thi đấu vì vậy được đổi thành 8:30 tối. Khi có người chỉ ra rằng nếu ván cờ bắt đầu vào giờ đó thì có thể kéo dài đến tận 2 giờ sáng hôm sau, nên giờ thi đấu lại được dời sang 1:30 chiều hôm sau – ngày chủ nhật.

Phức tạp lại tiếp tục nảy sinh, lần này từ Jacqueline Piatigorsky (tên thời con gái là Rothchild, một thành viên của một trong những gia tộc giàu có nhất châu Âu), một trong những nhà tài trợ cho trận đấu. Bà kết hôn với nghệ sĩ cello Gregor Piatigorsky, người sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc vào chiều chủ nhật. Bà muốn tham dự buổi hòa nhạc của chồng, vì vậy yêu cầu dời trận đấu sang 11:00 sáng. Bobby, chuyên gia ngủ nướng, và chưa bao giờ thay đổi thói quen của mình, phản đối ngay lập tức. Anh ta không thể chơi vào giờ đó, Bobby nói, “Thật lố bịch”. Bobby không hiểu tại sao mình lại phải mua vui cho bà Piatigorsky. Bà có thể đến xem ván cờ sau khi xong buổi hòa nhạc, anh ta cự lại. Có thể giờ đó họ vẫn còn đang thi đấu.

Tại địa điểm tổ chức giải – khách sạn Beverly Hilton – đồng hồ cờ của Bobby được bắt đầu lúc 11:00 sáng. Reshevsky cứ đi tới đi lui, vài khán giả thì kiên nhẫn chờ đợi, và khi lá cờ nhỏ màu đỏ rơi xuống vào 12 giờ trưa, ban tổ chức tuyên bố phần thắng thuộc về Reshevsky. Ván thứ 13 sẽ được đấu tiếp ở New York tại khách sạn Empire.

Bobby nói anh ta sẵn lòng tiếp tục trận đấu, nhưng ván kế tiếp phải là ván 12, và kết quả thua vì bỏ cuộc của anh ta phải bị hủy bỏ. Anh ta không muốn mình bị thất thế, vì ván thua lãng xẹt đó có thể quyết định kết quả trận đấu.

Reshevsky lại bồn chồn bước đi trân sân khấu, một lần nữa phải chờ đợi Bobby đến thi đấu ván 13 gây tranh cãi. Khoảng 20 khán giả và nhiều phóng viên, nhiếp ảnh gia cũng chờ đợi, nhìn vào chiếc bàn bỏ trống, còn Reshevsky thì không hề dừng bước.

1 tiếng đồng hồ trôi qua, I. A. Horowitz, trọng tài, tuyên bố Reshevsky thắng ván này. Sau đó Walter Fried, chủ tịch của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ, bước vào phòng, tuyên bố Fischer bỏ cuộc và Reshevsky là người chiến thắng chung cuộc trong trận đấu. “Fischer chĩa súng vào đầu chúng ta”, sau này ông nói, giải thích về sự đổ vỡ đột ngột của một trong những trận đấu quan trọng nhất của cờ vua Mỹ từng được tổ chức.

Cuối cùng Bobby kiện Reshevsky và Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ ra tòa, yêu cầu tòa án cho tiếp tục trận đấu và cấm Reshevsky thi đấu ở tất cả các giải cho đến khi vấn đề này được giải quyết. Chuyện này lần khần trong các tòa án suốt nhiều năm và sau cùng chìm xuồng. Dù sau này Fischer và Reshevsky vẫn gặp nhau trong các giải đấu, nhưng đây quả thực là một tai nạn không may đến từ thói quen ngủ nướng thâm căn cố đế của Bobby, và từ sự cố chấp của cả hai bên.

Để xua đi cảm giác bực tức từ trận đấu với Reshevsky, Bobby muốn rời xa New York và làm điều mà anh luôn cảm thấy hạnh phúc: chơi cờ. Anh đã nhận lời tham dự một giải mời ở Bled, Yugoslavia, gồm 20 kỳ thủ, hứa hẹn là một trong những giải quốc tế mạnh nhất trong năm. Nhưng trước tiên anh phải chuẩn bị, và anh chỉ còn có 3 tuần để làm việc đó.

Thông thường, thời gian biểu của Bobby gồm 5 tiếng mỗi ngày dành cho việc nghiên cứu: những ván cờ, khai cuộc, các phương án, và tàn cuộc. Và sau đó, dĩ nhiên, là 5 tiếng hoặc nhiều hơn dành cho việc chơi cờ nhanh với những học trò của Collins hoặc các thành viên trong câu lạc bộ. Bobby thích đấu cờ nhanh, vì nó tạo cho anh cơ hội thử nghiệm các biến mới, rèn luyện trực giác và buộc anh phải tin tưởng vào chính mình.

Nhưng để thi đấu tại một giải quốc tế như thế, anh cần phải dùng nhiều thời gian hơn nữa cho việc phân tích, nghiên cứu và ghi nhớ. Anh ngừng trả lời điện thoại, chỉ ngồi một mình với bàn cờ, quẳng vài bộ quần áo vào vali, và không cho ai biết mình đi đâu. Có lúc anh ngồi nghiên cứu đến hơn 16 tiếng một ngày.

Malcolm Gladwell, trong quyển sách Outliers, miêu tả cách mà con người đạt thành công trong tất cả các lĩnh vực. Ông trích dẫn câu nói của nhà thần kinh học Daniel Levitin cho biết con số ma thuật để đạt được sự thành thạo thực sự là 10,000 giờ luyện tập. Gladwell sau đó đề cập đến Bobby: “Để trở thành một đại kiện tướng quốc tế dường như phải mất khoảng 10 năm (còn huyền thoại Bobby Fischer để đạt đến trình độ đó chỉ mất 9 năm). Muốn giỏi thì bạn cần phải luyện tập…”. Một ước tính cho thấy Bobby chơi 1000 ván cờ một năm trong khoảng thời gian từ 9 tuổi đến 11 tuổi, và 12000 ván cờ một năm từ năm 11 tuổi đến năm 13 tuổi, và hầu hết là cờ nhanh. Những ván cờ đó không chỉ đơn thuần là luyện tập, mà nó còn chính là các bài học. Những nước đi, những thế cờ đã từng chơi sẽ được lưu giữ lại trong tiềm thức, và khi cần thì nó sẽ được gọi ra…

Bobby bây giờ đã 18 tuổi, và anh đến tham dự giải Bled 1961 trong một bộ comlê thật đẹp, trông anh bảnh bao và già dặn hơn. Nhiều người ở Yugoslav thoạt nhìn không nhận ra anh.

Bobby đang đi trên đường thì bị bao vây bởi các fan hâm mộ muốn xin chữ ký. Sau hai giải Interzonal và Candidates Tournament 1958-1959 đều được tổ chức tại Yugoslavia, Bobby học được một ít ngôn ngữ để có thể ký tên của mình bằng tiếng Serbo-Croat. Các fan phát cuồng khi được Bobby ký tặng bằng ngôn ngữ của họ. Khi một khán giả từ Moscow hỏi xin chữ ký, Bobby lại ký bằng tiếng Nga, chỉ cần sửa lại vài ký tự.

Đối với Bobby, điểm nhấn tại giải này chính là ván đấu với Tal ở vòng 2. Tal bây giờ đã ít nhìn chằm chằm vào Bobby hơn. Trong ván đấu Tal phạm hai sai lầm liên tiếp ở nước thứ 6 và thứ 9, chơi lúng túng trong khai cuộc mà Bobby đã chuẩn bị sẵn để đối phó. Sự sa sút phong độ này có thể do Tal không được khỏe. Lối chơi của Bobby không hẳn là sắc bén nhất, nhưng anh khai thác từng điểm yếu trong thế trận của đối thủ và chiếm ưu thế. Tal rơi vào một tàn cuộc vô vọng và buộc phải đầu hàng. Những tràng pháo tay vang lên như sấm dậy. Bobby giành được chiến thắng đầu tiên trước một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới, cựu Vô Địch Thế Giới Mikhail Tal (anh đã thất bại trước Botvinnik trong trận tái đấu tháng 3 năm 1961).

Khi Tal và Fischer rời khỏi sân khấu, các phóng viên chạy theo hỏi bình luận của họ về trận đấu này. Hai chàng trai trẻ hài hước nói với đám đông:

Tal (thở dài): Thật khó mà đấu lại lý thuyết của Einstein.
Fischer (hả hê): Cuối cùng thì anh ta cũng không thoát khỏi tay tôi !

Bobby không hài lòng với kết quả về nhì chung cuộc (Tal là người vô địch), và cũng như Tal, đổ lỗi một số ván hòa là do vấn đề về sức khỏe. Khi kết thúc giải, Bobby cảm thấy bị đau bụng, và gặp khó khăn trong việc ăn uống. Khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn, vài kỳ thủ khuyên Bobby cần phải gặp bác sĩ.

Một bác sĩ được mời đến khách sạn Toplice, và một kỳ thủ người Yugoslavia đóng vai trò phiên dịch. Ngay khi bác sĩ chạm vào bụng, Bobby đã đau chịu không nổi. “Dường như là bị viêm ruột thừa”, bác sĩ cảnh báo. “Anh phải đến bệnh viện. Nếu không khi ruột thừa bị vỡ, anh có thể bị viêm màng bụng và nhiễm trùng lan rộng”. Bobby hỏi liệu có thể làm gì đó mà không cần đến bệnh viện không. “Không”, bác sĩ trả lời dứt khoát. Bobby đành miễn cưỡng đồng ý, và anh được chở từ Bled đến Banja Luka ở Bosnia để điều trị tại một bệnh viện lớn của trường đại học. Anh khẩn cầu bác sĩ đừng phẫu thuật, dù họ đã nói với anh rằng đó chỉ là một cuộc phẫu thuật đơn giản, và anh sẽ gặp nguy hiểm nếu như không chịu phẫu thuật. Họ đảm bảo anh sẽ khỏe và đi lại được chỉ trong vài ngày, nhưng anh vẫn không chịu. Không những sợ mổ, Bobby còn sợ cả thuốc gây tê. Anh thậm chí còn không muốn uống thuốc để giảm cơn đau. Các bác sĩ phải thuyết phục anh và yêu cầu anh dùng kháng sinh. Cuối cùng cơn đau giảm dần và sau hai, ba ngày anh đã cảm thấy khỏe lại. Bobby cảm ơn các bác sĩ rối rít vì đã không động dao kéo với anh.

Bobby không hẳn chỉ hoàn toàn dành hết thời gian cho cờ. Anh cũng là một con người sùng đạo, và thường đến Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo (Worldwide Church of God) lắng nghe các bài thuyết giáo của Reverend Armstrong, và nghiên cứu về Kinh Thánh. Nhưng rốt cuộc, anh thấy việc này làm ảnh hưởng đến công việc của mình. Anh không thể dành 10 đến 12 tiếng một ngày để nghiên cứu cờ, rồi lại 6 đến 8 tiếng đồng hồ cho việc đọc Kinh Thánh. Không từ bỏ Armstrong, nhưng anh nhận thấy Caissa (vị nữ thần hộ mệnh của cờ vua) có ý nghĩa với anh hơn là Nhà Thờ Thiên Chúa. Phải tập trung, tập trung, tập trung! Cờ phải là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu tối thượng, nếu không giấc mơ trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới chỉ mãi là một giấc mơ.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1962, Bobby Fischer tham dự Stockholm Interzonal Tournament ở Thụy Điển. Một giải đấu cực kỳ ấn tượng của Bobby. Lần đầu tiên kể từ năm 1948, các kỳ thủ Xô Viết không thể vô địch giải này. Bobby thống trị hoàn toàn với khoảng cách 2,5 điểm so với người về nhì, và ấn tượng hơn khi anh không thua một ván nào trong 22 ván đã đấu tại giải. Phần thưởng lớn nhất cho Bobby chính là một suất tham dự Candidates Tournament vào tháng 5, với tư cách là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch.

Nhiều người nghĩ rằng chuỗi 41 trận bất bại của Bobby, kéo dài từ giải Bled sang giải Stockholm, là một kỳ tích không thể tin nổi. Chưa đầy một tuần nữa là sẽ bước sang tuổi 19, Bobby Fischer đã đưa mình trở thành một trong những kỳ thủ phi thường nhất trên thế giới. Nhưng đây không phải là lúc để hả hê, tự mãn hay nghỉ ngơi. Mục tiêu của Bobby là chức Vô Địch Thế Giới.

Tuy nhiên có một vấn đề muôn thuở khiến Bobby đau lòng. Trước khi rời Thụy Điển, anh nhận được một chiếc phong bì trắng chứa tiền thưởng cho thành tích xuất sắc tại giải đấu vừa qua: chỉ có vỏn vẹn 750 USD. Bobby chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Bây giờ anh chỉ còn đúng 6 tuần để chuẩn bị cho Candidates Tournament tổ chức trên một hòn đảo của Curacao, cách bờ biển Venezuela 38 dặm. Người chiến thắng tại Curacao sẽ được quyền thách đấu với đương kim Vô Địch Thế Giới Mikhail Botvinnik.

Quay trở lại căn hộ ở Brooklyn, Bobby lao ngay vào làm việc: một mình bên bàn cờ, phân tích từng ván một, tìm kiếm những phương án mới trong khai cuộc. Anh phân loại những nước biến nào là quan trọng, luôn luôn loại trừ những nước cờ không hoàn hảo, và chỉ lựa chọn những nước đi hợp lý nhất – mà không thể bị phản công.

Trước khi Candidates Tournament 1962 khai diễn, mọi dự đoán đều nghiêng về Bobby. “Fischer tiến bộ từ giải này sang giải khác”, Mikhail Tal nói. Bobby vượt qua thành tích ấn tượng của mình tại Bled bằng một chiến thắng còn rực rỡ hơn ở Stockholm, và dường như anh đã đạt đến đỉnh cao phong độ.

[​IMG]
Bobby Fischer năm 19 tuổi

Tuy vậy, một loạt bất ngờ đã diễn ra mà không ai lường trước. Cả Fischer và Tal đều thua ở cả 2 vòng đấu đầu tiên. Vài người cho rằng có thể do Bobby đã dành quá nhiều thời gian đi đánh bạc, nhưng Arthur Bisguier (trợ tá của Bobby), nói rằng Bobby chỉ thỉnh thoảng lang thang trong casino vào buổi tối, và chơi với những cái máy đánh bạc cho đến chán. Bobby không coi ti vi và cũng không đi xem phim vì anh ta cho rằng những hoạt động đó có hại cho mắt. Bobby cũng có một lần đi xem đấu quyền Anh và vào hộp đêm vài lần, nhưng trái tim và hứng thú của anh ta không nằm ở đó.

[​IMG]
Kỳ thủ Arthur Bisguier

Và có một sự cố hy hữu đã xảy ra tại Curacao 1962:

Đại kiện tướng Pal Benko, kỳ thủ người Hungary lúc này đã nhập tịch Mỹ, bước vào căn phòng của Bobby tại khách sạn Intercontinental ở Curacao, chẳng bao lâu sau khi Arthur Bisguier, trợ tá của Bobby đến.

“Chúng tôi sẽ làm việc ngay bây giờ”, Bobby nói thô bạo với Benko, khi anh ta đang ngồi ăn tối trong phòng. Bobby và Bisguier đã dự định phân tích vài ván cờ. “Anh không thể đến được”.
“Được. Tôi có thể. Bisguier cũng là trợ tá của tôi”, Benko nói.
“Bisguier cũng là trợ tá của tôi”, Bobby nhái lại, cố gắng bắt chước thật giống chất giọng Hungary của Benko.
“Sao anh lại chế nhạo tôi?”, Benko hỏi.
“Sao anh lại chế nhạo tôi?”, Bobby nhái tiếp.
“Thôi ngay!”
“Thôi ngay!”

Bisguier đứng dậy dùng lời giảng hòa, cố hết sức xoa dịu tình hình.

“Cút ra khỏi phòng tôi!”, Bobby ra lệnh.
“Không, anh cút!”, Benko phản pháo, dù lời lẽ có hơi vô lý.

Không rõ ai là người đánh trước, nhưng Bobby là người kém thế hơn. Những cú đấm đá trả đòn lia lịa diễn ra khi hai đại kiện tướng la hét nhau. Bisguier nhảy vào và tách hai người ra. Nhiều năm sau Benko thú nhận: “Tôi rất tiếc vì đã đánh Bobby. Nhưng anh ta là một kẻ bệnh hoạn”. Trong lịch sử cờ vua, đây là vụ choảng nhau đầu tiên được ghi nhận giữa hai đại kiện tướng, và cả hai đều có triển vọng sẽ trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới.

Ngày hôm sau Bobby viết một bức thư gửi cho ban tổ chức, yêu cầu đuổi Benko khỏi giải. Tuy nhiên, ban tổ chức không làm gì.

[​IMG]
Ván đấu Keres – Fischer tại Candidates 1959 (Pal Benko là người đứng giữa Keres với Fischer)

Một bài viết ở link Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link nói chi tiết hơn về vụ việc này:

Sau vòng 5, cả Fischer và Benko đều đang có những ván cờ tạm hoãn. Fischer yêu cầu Bisguier giúp đỡ mình. Còn Benko, người khởi đầu giải đấu tốt hơn, cũng muốn Bisguier giúp mình ván cờ đang dang dở với Petrosian. Đã có một trận cãi vã nổ ra, và Benko dường như đã mất bình tĩnh. Ngày hôm sau Fischer viết một bức thư gửi cho ủy ban tổ chức giải Curacao Candidates Tournament 1962:

Đây là phản đối chính thức về hành vi của Pal Benko. Vào đêm 9 tháng 5, trước nửa đêm một chút, Benko đã bước vào phòng mà không được sự cho phép của tôi; anh ta đi theo Bisguier. Tôi ngay lập tức yêu cầu anh ta rời khỏi phòng nhưng anh ta đã từ chối. Tôi lặp lại yêu cầu của mình và anh ta vẫn từ chối. Anh ta bắt đầu nổi giận khi tôi từ chối cho phép trợ tá của mình, Arthur Bisguier, giúp anh ta (Benko) phân tích ván đấu tạm hoãn với Petrosian. Anh ta xúc phạm tôi, và khi tôi trả lời lại thì anh ta lao vào đánh tôi lúc tôi đang ngồi trên ghế. Tôi không đánh trả. Sau cùng anh ta rời khỏi phòng…

Tôi đề nghị Benko phải bị trừng phạt và/hoặc bị trục xuất khỏi giải.

Arthur Bisguier chứng kiến sự việc trên.

Trân trọng,
Robert Fischer

Và đây là tường thuật lại sự việc từ Arthur Bisguier (cũng nằm trong link trên):

Tôi là trợ tá chính thức của Fischer tại Curacao, và tôi cũng bày tỏ mình sẵn lòng giúp đỡ cho Benko. Nhưng Fischer yêu cầu tôi chỉ trợ giúp cho anh ta. Anh ta giải thích rằng vì Candidates Tournament là một giải đấu cá nhân, không phải giải đồng đội nên Benko cũng là một địch thủ của Fischer.

Fischer được dự đoán sẽ là người vô địch, trong khi Benko chỉ được xem như ngựa ô. Tôi đã ngầm định rằng bất cứ lúc nào Fischer không cần hỗ trợ, thì tôi sẽ giúp đỡ cho Benko phân tích các ván cờ tạm hoãn nếu như ván đó không làm phương hại đến quyền lợi của Fischer.

Sự cố xảy ra sau vòng đấu thứ 5. Fischer khởi đầu giải một cách tệ hại. Anh ta bị văng ra khỏi cuộc đua khi chỉ có 1,5 điểm sau 5 ván đầu tiên. Fischer vừa bị thua một ván trước Korchnoi và đang rất nản chí. Sau đó tôi và Fischer về phòng của anh ta và anh ta gọi bữa tối lên.

Trong khi đó, Benko đã gây bất ngờ lớn tại giải. Sử dụng vũ khí bí mật, 1.g3, anh ta đánh bại Fischer ở vòng đầu tiên và Tal ở vòng thứ 3. Dù vậy anh ta cũng thua Filip ở vòng 2 và hòa Korchnoi ở vòng 4. Sau vòng 5, anh ta có một ván cờ tạm hoãn với ưu thế lớn trước Petrosian.

Trong khi Fischer đang ăn và tôi cố an ủi anh ta thì Benko gõ cửa. Rõ ràng anh ta tìm tôi nhờ giúp đỡ ván hoãn đấu. Tôi cố cảnh báo anh ta và ra hiệu là tôi sẽ đến giúp anh ta sau khi xong việc với Bobby. Fischer sau đó hỏi Benko rằng anh ta muốn gì, và khi được trả lời, Fischer ra lệnh cho Benko rời khỏi phòng và cấm tôi giúp Benko. Lời qua tiếng lại, Benko gọi Fischer là đồ ích kỷ và hai người họ lao vào đánh nhau. Tôi cố hết sức can ngăn, và Benko, sau khi dùng vũ lực với Bobby thì rời khỏi phòng. Fischer lặp lại yêu cầu tôi không được giúp đỡ cho Benko, và hơn nữa, còn muốn đuổi Benko khỏi giải, đe dọa sẽ không đấu tiếp nếu Benko không bị xử lý.

Sau đó tôi thuyết phục Bobby tiếp tục thi đấu, nhưng sẽ phản đối chính thức lên trưởng ban trọng tài. Đó là lý do tại sao bức thư của Bobby được viết.

Đây là hồi tưởng chính xác nhất của tôi về những sự kiện đó.

Arthur Bisguier

Tigran Petrosian vô địch Candidates Tournament 1962 với 8 ván thắng, 19 ván hòa, và không thua ván nào, được 17,5 điểm. Hai kỳ thủ Xô Viết khác là Efim Geller và Paul Keres kém Petrosian nửa điểm và đồng hạng nhì. Bobby đứng hạng tư, kém người về nhì 3 điểm, và hơn Korchnoi 1 điểm. Riêng Mikhail Tal dù có tham dự giải này, nhưng giữa chừng bị ốm rất nặng, và phải bỏ cuộc. Và cũng chỉ có một mình Bobby đến thăm Tal ở bệnh viện.

[​IMG]
Fischer đến thăm Tal tại Candidates 1962

Bobby muốn cả thế giới biết những gì đã thực sự xảy ra ở Curacao. Anh viết: “Có một sự cấu kết công khai giữa các kỳ thủ Nga (Liên Xô). Họ đồng ý hòa nhanh những ván mà họ đấu với nhau… Họ còn bàn bạc, thảo luận với nhau trong quá trình thi đấu. Nếu tôi đang đấu với một đối thủ Nga (Liên Xô), thì những tay cờ Nga khác sẽ xem ván của tôi, và bình luận các nước đi trong tầm nghe của tôi”.

Korchnoi (lúc này đang chiến đấu dưới màu áo Liên Xô, sau này ông nhập tịch Thụy Sĩ) sau này thừa nhận những cáo buộc của Bobby: “Mọi chuyện đều do Petrosian sắp đặt. Anh ta cùng với người bạn của mình là Geller đấu hòa tất cả các ván giữa họ với nhau. Họ cũng thuyết phục Keres tham gia vào liên minh này… điều này đã tạo cho họ lợi thế lớn trước các đối thủ còn lại” (Petrosian, Geller, Keres nằm ở ba vị trí dẫn đầu khi giải kết thúc).

Khi được hỏi tại sao Fischer không chiến thắng, Pal Benko, vẫn còn hậm hực sau trận ẩu đả với Bobby, trả lời: “Đơn giản anh ta không phải là người giỏi nhất”.

Lòng tin vào bản thân của Bobby tan vỡ sau kết quả tại Curacao. Giấc mơ của anh – nỗi ám ảnh của anh – trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới trẻ nhất trong lịch sử – đã lảng tránh anh. Anh đã nghĩ mình sẽ chắc chắn giành được danh hiệu này, nhưng như thế là chưa đủ. Tài năng xuất chúng ở tuổi đôi mươi dường như sẽ đưa anh trở thành Nhà Vô Địch, nhưng những người Nga – bằng những tiểu xảo của họ – đã chứng minh rằng họ có thể níu giữ anh lại, và điều đó khiến cho Bobby vừa buồn vừa phẫn nộ.

Bobby bây giờ nhận ra rằng vận mệnh của anh chẳng có gì là chắc chắn, và anh sẽ không im lặng bước đi trong màn đêm. Anh khinh bỉ những tay cờ Liên Xô vì những gì họ đã làm với anh. Anh tin rằng họ đã đánh cắp chức vô địch của anh, và anh muốn cả thế giới biết điều đó.

Ngày 20 tháng 8 năm 1962, tạp chí Sports Illustrated công bố lời cáo buộc của Fischer: “Những người Nga đã sắp đặt cả thế giới cờ” (The Russians Have Fixed World Chess). Bài báo được in lại bằng tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Iceland, và thậm chí cả những phóng viên cờ người Nga cũng đề cập đến nó. Bobby nói rằng anh ta sẽ không bao giờ tham dự Candidates Tournament nữa, vì hệ thống thi đấu của FIDE (Fédération Internationale des Échecs – Liên Đoàn Cờ Vua Thế Giới) khiến cho không thể có bất kỳ ai, ngoại trừ một kỳ thủ Liên Xô giành chiến thắng. Bobby viết: “Hệ thống do Fédération Internationale des Échecs đặt ra… đảm bảo luôn luôn có một người Nga trở thành nhà vô địch… Những người Nga đã sắp đặt điều đó”. Bobby tin rằng ngay ở giải Portoroz (chứ không nói Curacao) anh ta đã đủ mạnh để đánh bại tất cả các đại kiện tướng Liên Xô tranh đoạt danh hiệu với mình, và những người Nga e sợ sự thống trị của anh ta nên mới làm như thế.

Các khán giả dường như đồng ý rằng có lẽ các kỳ thủ Xô Viết đã thông đồng với nhau, ở một mức độ nào đó, tại Curacao. Nhưng Bobby, cũng như các kỳ thủ khác, đã không chứng tỏ được rằng mình là mối đe dọa đến 3 kỳ thủ Liên Xô dẫn đầu giải (Bobby đứng hạng tư nhưng kém họ từ 3-3,5 điểm, một khoảng cách rất xa, dẫu họ không thông đồng thì cũng chưa chắc Bobby sẽ giành chiến thắng). Hai giáo sư kinh tế Charles C. Moul và John. V. C. Nye có viết một bài phân tích khoa học, “Liệu những người Liên Xô có thông đồng? Một bài phân tích thống kê từ các giải vô địch cờ vua, 1940-64”, khảo sát hàng trăm giải đấu liên quan đến các kỳ thủ Liên Xô và không thuộc Liên Xô, và kết luận rằng có đến 75% khả năng các kỳ thủ Liên Xô đã thông đồng với nhau. Và họ cho rằng sức cờ của Fischer chưa đủ mạnh để phá vỡ sự câu kết hòa cờ này tại Candidates Tournament ở Curacao 1962.

[​IMG]
Tigran Petrosian và Paul Keres tại Piatigorsky Cup

Tuy nhiên, lý do thực sự mà những kỳ thủ Xô Viết luôn nằm trong số những người dẫn đầu, dĩ nhiên là nhờ thực lực của họ. Cờ là trò chơi rất phổ biến ở đất nước họ, và họ được chính phủ hỗ trợ. Liên Xô có nhiều kỳ thủ hàng đầu thế giới hơn bất cứ bộ ba quốc gia nào cộng lại. Luôn có hai hay ba kỳ thủ Liên Xô vượt qua Interzonal để bước vào Candidates, và họ cũng được xếp làm hạt giống tại Candidates. Vì có nhiều kỳ thủ Liên Xô nên sẽ gây ra khả năng họ “lập đội” với nhau (nếu họ đồng ý), và dẫn đến những lời cáo buộc của Bobby rằng không có một kỳ thủ phương Tây nào có hy vọng giành được danh hiệu Vô Địch Thế Giới dưới hệ thống thi đấu hiện tại của FIDE.

Có lẽ vì những phản ứng không khoan nhượng của Fischer trong bài viết đăng trên Sports Illustrated, mà cuối năm 1962 FIDE đã ra quyết định thay đổi hoàn toàn thể thức thi đấu tại Candidates. Từ thời điểm đó trở đi, hệ thống thi đấu cũ sẽ được thay thế bằng hình thức đấu knock-out một chọi một, gồm từ 10 đến 12 ván giữa 8 kỳ thủ tại Candidates. Người thua trong mỗi trận sẽ bị loại ngay lập tức.

Và nhiều người tự hỏi liệu Fischer có thực sự rời bỏ giấc mơ Vô Địch Thế Giới hay không. Thậm chí ai đó còn băn khoăn: liệu anh ta có từ bỏ cả cờ vua luôn không?

Câu trả lời sẽ nhanh chóng được đưa đến.

Trong 9 ngày đi thuyền từ New York đến Rotterdam năm 1962, Bobby cố gắng ngủ thật nhiều, phân tích vài ván cờ, và ngồi trên boong tàu để tận hưởng không khí của biển. Anh đang trên đường đến Bulgaria để tham dự Olympic Varna 1962.

(Tal) Để tôi kể lại câu chuyện này, mà theo tôi, sẽ làm sáng tỏ nhiều chuyện hiểu lầm liên quan đến cái tên Fischer. Tiện đây, nói về Fischer, tôi không thể chấp nhận những lời chỉ trích cho rằng tôi luôn chế nhạo anh ta và khiến anh ta cảm thấy bị tổn thương. Chúng tôi có một mối quan hệ tốt. Khi tôi bị ốm tại Curacao, anh ta đã đến bệnh viện thăm tôi. Vâng, chúng tôi trêu chọc nhau và thích làm như thế. Anh ta là một con người rất thú vị. Nhưng tính khí kì lạ cũng khiến cho người ta gặp khó khăn khi tiếp xúc với Fischer.

Sau một vòng đấu tại Olympic Varna, chúng tôi ra khỏi phòng thi đấu cùng nhau. Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó rằng Fischer yêu cầu phải trả tiền cho mỗi chữ kí, mỗi bài phỏng vấn anh ta. “Biên tập viên của tập san về cờ gọi điện cho tôi từ Riga…”, tôi nói với Fischer, “và muốn tôi phỏng vấn anh.” Bản thân tôi cũng là một biên tập viên. Bobby sẵn sàng trả lời phỏng vấn mà thậm chí không đề cập đến một đồng thù lao nào, và chúng tôi bắt đầu tản bộ xuống con đê.

Câu đầu tiên tôi hỏi anh ta là: “Anh nghĩ ai là kì thủ giỏi nhất thế giới?” Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi khiến tôi phải vội vàng nói thêm: “Dĩ nhiên là trừ anh ra.” Anh ta lại nhìn tôi chăm chú và thừa nhận rằng tôi chơi không tệ. Đến đây, tôi nhận thấy không thể công bố một cuộc phỏng vấn như vậy, nhưng vẫn tiếp tục hỏi để có thêm thông tin cho riêng mình. Tôi biết được rằng anh ta chưa bao giờ nếm rượu sâm-panh của Liên Xô hay Pháp, nhưng vì lí do nào đó lại thích sâm-panh của Pháp hơn. Tôi hỏi anh ta đủ các vấn đề, và sau cùng, khi chúng tôi về đến khách sạn, tôi hỏi anh ta: “Anh sắp 20 tuổi rồi – có nghĩ đến chuyện kết hôn không?” Anh ta nhìn tôi một cách ngây thơ và nói rằng vào lúc này, đó là một vấn đề nan giải với anh ta. Thực sự, anh ta không biết nên làm gì: mua một chiếc xe hơi cũ hay kết hôn…

Vào lúc đó, tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng tiếng Anh của mình không đủ tốt để hiểu hết những điều anh ta nói. Gạt sự lúng túng sang một bên, tôi lặp lại câu hỏi của mình. Anh ta cũng lặp lại rằng “có”, anh ta đang dự định kết hôn, nhưng không phải với một cô gái Mỹ (họ, theo anh ta, toàn dành hết thời gian của mình trong những tiệm làm đẹp). Anh ta thấy hấp dẫn với những cô gái đến từ Đài Loan hay Hồng Kông, những cô gái ngoại quốc… Một chiếc xe hơi cũ thời đó có giá khoảng 700 USD, trong khi việc rước dâu cũng tốn chừng ấy tiền…

Người ta có thể cho đăng một bài phỏng vấn như vậy ở đâu đây? Ấy thế mà vẫn có nhiều nhà báo công bố những bài phỏng vấn như vậy. Do đó, tôi có thể hiểu rõ cảm giác của Fischer với giới báo chí. Mối ác cảm của anh ta không phải tự dưng mà có…

Điểm nhấn tại mọi kì Olympic luôn là cuộc chạm trán giữa Mĩ và Liên Xô; và lần này, tại bàn 1 sẽ là trận chiến nảy lửa giữa Bobby Fischer và Đương kim Vô địch Thế giới Mikhail Botvinnik.

[​IMG]
Mikhail Botvinnik

Mikhail Moiseyevich Botvinnik đến từ Leningrad năm nay 51 tuổi, và được xem như là một trong những kỳ thủ sinh thời giỏi nhất thế giới. 3 lần Vô Địch Thế Giới, đã từng đánh bại những bậc thầy vĩ đại như Alexander Alekhine, José Capablanca, Max Euwe, và Emanuel Lasker. Giữa những danh kỳ lừng lẫy hiện thời, ông được xem như là một huyền thoại sống, một tượng đài. Tuy nhiên, dù tiếng tăm vang dội là thế, ông lại có phần e ngại trước lần đụng độ đầu tiên giữa ông với Bobby Fischer. Kỳ thủ người Nga, dĩ nhiên, đã nghe qua “Ván cờ thế kỷ” của Bobby, phong độ ấn tượng tại Bled, và những chiến thắng hủy diệt ở Stockholm. Và có một nhân tố khác khiến Botvinnik cảm thấy khó chịu: Ông xem Bobby như là một địch thủ của Liên Xô, vì những cáo buộc của tay cờ 19 tuổi này về những sự việc ở Curacao.

Đây có thể xem như là một cuộc Chiến Tranh Lạnh thu nhỏ – một cuộc chiến trên 64 ô vuông.

Fischer và Botvinnik đã gặp nhau một lần – nhưng không thi đấu – tại Olympic Leipzig 1960, và khi được giới thiệu, Bobby chỉ bắt tay và nói ngắn gọn, “Fischer”. Không ai chào hỏi thêm câu nào. Dù nói tiếng Anh khá tốt, nhưng Botvinnik được biết đến như là một con người ít nói, rất ít cười, và không thật thân thiện.

Botvinnik phỏng đoán rằng một ngày nào đó Bobby sẽ là người thách đấu với ông, hoặc ai đó, để tranh ngôi Vô Địch Thế Giới – và có lẽ sẽ lấy được danh hiệu cao quý này – nhưng dù điều đó không xảy ra, thì cả thế giới cũng sẽ nghiên cứu và phân tích ván cờ giữa ông với Fischer tại Olympic lần này suốt hàng trăm năm. Nghĩ đến cảm giác lúng túng nếu thua trận, Botvinnik đề nghị ban tổ chức cho ván cờ được chơi trong một phòng riêng: ít nhất ông cũng sẽ không phải đối mặt với khán giả và những kỳ thủ khác nếu bị thất bại. Nhưng không có sẵn một căn phòng như vậy, và dù sao đi nữa ban tổ chức cũng muốn ván cờ được đấu công khai để cho mọi người thưởng lãm. Có hàng ngàn ván đấu tại Olympic, và cuộc chiến Fischer – Botvinnik hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn, vì vậy ban tổ chức không muốn cướp đi của khán giả một trận cờ đỉnh cao.

Botvinnik thường đeo kính gọng thép, mặc một bộ comlê xám, và luôn là một con người nghiêm túc. Ông dè dặt, kín đáo, vừa là một nhà khoa học, vừa là một đại kiện tướng. Học trò của ông, Anatoly Karpov, nói về ông như là một “vị thần Olympi khó gần” (Olympian inaccessibility).

Bobby đã chơi 15 ván tại Olympic trong 4 tuần trước khi ngồi đối diện với Botvinnik. Khi gặp nhau trên bàn cờ, họ bắt tay và bất ngờ cụng đầu nhau khi đang ngồi xuống. “Xin lỗi”, Bobby nói, từ thứ hai mà anh nói với Botvinnik (từ đầu tiên là “Fischer” tại Olympic Leipzig 1960), và lần này cũng không có lời đáp lại.

Khi ván đấu được tạm hoãn, thế cờ của Fischer chiếm ưu thế rõ.

[​IMG]
Botvinnik – Fischer tại Olympic Varna 1962

Fischer ngồi ăn tối một mình, nhìn lướt qua ván cờ, tự tin rằng anh sẽ thắng, và đi ngủ sớm. Nhưng các kỳ thủ Liên Xô thì không như thế. Mikhail Tal, Boris Spassky, Paul Keres, Efim Geller, huấn luyện viên Semyon Furman, và Botvinnik nghiên cứu thế cờ này cho đến tận 5:30 sáng hôm sau. Họ cũng gọi điện về Moscow và nói chuyện với Yuri Averbakh – một chuyên gia cờ tàn lão luyện – để tham khảo ý kiến. Geller cho rằng dù Fischer đang hơn quân, nhưng vẫn có cách tinh tế để đưa về thế cờ hòa.

[​IMG]
Các kỳ thủ Liên Xô tại giải Candidates năm 1953. Từ trái sang: Tigran Petrosian, Alexander Kotov, Paul Keres, Yuri Averbakh và Efim Geller

Sáng hôm sau khi đang ăn sáng, ai đó gặp Botvinnik và hỏi ông nghĩ sao về thế cờ. Ông chỉ trả lời bằng một từ tiếng Nga duy nhất: “Nichia”. Hòa.

Khi ván đấu tiếp tục, Botvinnik mặc áo sơ mi ngắn tay, một vẻ ngoài khác thường mà nhiều kỳ thủ biết rằng ông đã lo lắng và làm việc cật lực. Trong khi đó, Bobby, không hề biết rằng anh sắp sửa phải chơi một thế cờ đã được phân tích kỹ lưỡng bởi không dưới 7 đại kiện tướng Liên Xô, chứ không đơn thuần chỉ là đối thủ lợi hại của anh. Dần dần, anh thấy thế trận của Botvinnik được cải thiện, và khuôn mặt anh bắt đầu tái đi. Botvinnik, người hiếm khi đứng dậy khỏi bàn cờ cho đến khi ván cờ kết thúc, quá phấn khởi trước sự đổi thay thần kỳ của thế trận, và ông không thể ngồi tiếp được nữa. Ông đứng dậy, đi đến chỗ đội trưởng đội tuyển Liên Xô, Lev Abramov, và, một lần nữa, thì thầm: “Nichia”. Bobby, vẫn còn nhớ cuộc tranh cãi với Abramov ở Moscow 1958, nên ngay lập tức phản ánh với trọng tài. “Nhìn kìa”, anh nói, “Botvinnik đang nhờ giúp đỡ!”.

Abramov, dù trình độ vẫn còn kém xa Botvinnik, nhưng vẫn là một kiện tướng quốc tế và có thể, vào một lúc nào đó, sẽ chuyển thông tin đến Botvinnik từ những đại kiện tướng Liên Xô khác. Ít nhất, đó là điều mà Bobby đang suy nghĩ. Không có phản đối chính thức nào được đưa lên ban tổ chức, vì chính các đồng đội của Bobby cũng tin rằng anh là một con người cực kỳ ương ngạnh.

Cuối cùng, Bobby không thể tiến triển gì thêm trong ván cờ mà anh có thể giành chiến thắng. Anh nhìn vào Botvinnik và nói từ thứ ba giữa hai người: “Hòa”. Botvinnk chìa tay ra bắt tay Bobby. Sau này, ông hồi tưởng lại Bobby, với khuôn mặt xanh xao, bắt tay ông và rời khỏi phòng thi đấu trong nước mắt. Đội tuyển Mỹ kết thúc giải một cách đáng thất vọng ở vị trí thứ 4, chủ yếu là vì kết quả thi đấu không tốt của Bobby. Một cách bí ẩn, chàng trai 19 tuổi viết một bức thư xin lỗi đến Tiến sĩ Eliot Hearst, đội trưởng đội tuyển Mỹ, nói rằng anh đã quá căng thẳng và không thể làm gì hơn.

Gương mặt thất thần của Fischer sau ván đấu với Botvinnik:

Lại lên tàu quay về New York, Bobby gửi một bức điện cho bạn mình là Bernard Zuckerman, giải thích tâm trạng của anh về ván hòa với Botvinnik. Bobby cảm thấy mình đã bị đánh lừa bởi mưu mẹo của đối thủ và thực hiện một nước đi không chính xác. Bobby cho rằng trước khi mình phạm lỗi, Botvinnik dường như đã khó tránh khỏi một thất bại.

Bobby cũng viết rằng Botvinnik, một Nhà Vô Địch Thế Giới rất được tôn kính, sẽ không bao giờ là một kỳ thủ vĩ đại thực sự, không bao giờ là “người đứng nhất trong những người ngang nhau” (“first among equals”), như ông tự mô tả về mình. Thay vào đó, Bobby khẳng định Botvinnik sẽ giỏi hơn ở lĩnh vực chính trị. Anh ta cho rằng Botvinnik có thể trở thành Thủ Tướng Liên Xô vì những khả năng (chính trị) “ngoài bàn cờ”.

Curacao là một bước ngoặt đưa Bobby đến lời thề không bao giờ quay trở lại thi đấu ở Giải Vô Địch Thế Giới. Trận đấu với Botvinnik tại Varna cũng là một bước ngoặt. Phải mất 2 năm sau Bobby mới nhận lời thi đấu tại một giải quốc tế khác. Những người Nga khẳng định sự rút lui của anh ta khỏi đấu trường quốc tế là vì nỗi sợ hãi “bệnh hoạn” của “bàn tay Moscow”. Quay trở lại Brooklyn, Bobby nói rằng anh ta không còn muốn dính dáng gì đến “những kẻ gian lận” đó nữa, như anh ta gọi họ như thế.

Tháng 12 năm 1963, Bobby Fischer thi đấu giải Vô Địch Mỹ mùa giải 1963-1964. Bobby hạ gục từng đối thủ một, hết ván này đến ván khác, và chưa hòa một ván nào. Các khán giả như cảm thấy có điều gì đó bất thường sắp xảy ra.

Bobby hết đánh bại Arthur Bisguier, càn quét Larry Evans rồi lại thắng Samuel Reshevsky, và mọi người bắt đầu suy đoán: Liệu Bobby có khả năng quét sạch – đánh bật mọi đối thủ, mà thậm chí không có lấy một trận hòa hay không? Khả năng đó cứ tăng lên sau mỗi vòng đấu, khi lại có thêm một người gục ngã dưới lưỡi kiếm của Bobby.

Sự căng thẳng hồi hộp càng lúc càng lên cao. Hôm đó là ngày 30 tháng 12 năm 1963, và Bobby đã chơi 10 trên tổng số 11 ván tại giải, mà chưa thua hay hòa một ván nào. Anh chỉ còn một chướng ngại cuối cùng phải vượt qua.

Các kỳ thủ nghỉ một ngày để đón năm mới, rồi quay trở lại thi đấu vào ngày 2 tháng 1 năm 1964. Điểm số áp đảo của Bobby đã đảm bảo cho anh chức vô địch, nhưng anh sẽ kết thúc giải theo cách nào đây. Ván cuối cùng của anh là với Anthony Saidy, một người bạn thân. Nhiều hơn Bobby 6 tuổi, Saidy là một bác sĩ quân y và anh được cho về để thi đấu tại giải này. Anh đang thi đấu rất tốt, và nếu thắng ván cuối, anh sẽ giành hạng nhì. Anh cũng có thể sẽ trở thành một “kẻ phá bĩnh”, khi phá hỏng chiến thắng tuyệt đối của Fischer. Và thực sự Saidy có thể thắng, khi anh có được lợi thế cầm quân Trắng.

[​IMG]
Anthony Saidy năm 2002

Lúc này đã có hàng trăm khán giả trong khách sạn, hồi hộp dõi theo từng nước đi trên bàn cờ. Hầu hết bọn họ đều rõ ràng, nhưng rất âm thầm, cổ vũ cho Bobby. Nhưng khi ván cờ diễn tiến, một chiến thắng dường như là không thể. Thế cờ của Saidy rất tốt, còn của Bobby lại không chắc chắn. 2 tiếng 30 phút (của mỗi bên) kết thúc, và chưa có ai là người chiến thắng. Đến lượt Saidy đi. Vị bác sĩ trẻ suy nghĩ trong khoảng 40 phút, viết nước mình dự định đi vào biên bản, bỏ vào trong phong bì dán kín lại theo đúng luật, rồi trao tận tay cho ban tổ chức. Ván cờ được tạm hoãn để đấu tiếp vào hôm sau. Mọi người rời khỏi phòng và tin rằng ván cờ sẽ kết thúc hòa. Nhưng không. Saidy mất khoảng 30 phút để nhận ra rằng anh đã ghi vào một nước cờ sai lầm. Ngày hôm sau, khi chiếc phong bì được mở ra, nước cờ được thực hiện trên bàn, Bobby ngay lập tức nhận ra Saidy đã có một lựa chọn không sáng suốt. Anh nhìn Saidy, và một nụ cười thoáng hiện trên gương mặt. Sai lầm của Saidy đã trao cho Fischer cơ hội đưa vào một tàn cuộc thắng thế, và nửa giờ sau khi ván cờ tiếp tục, Saidy buộc phải đầu hàng.

Kỳ tích không tưởng của Fischer được loan đi trên khắp các báo đài, ti vi trên khắp thế giới: 11 ván cờ, 11 trận thắng, bỏ xa người về nhì là Larry Evans đến 3,5 điểm. Ở đẳng cấp này thì một chuỗi trận thắng như vậy gần như là không thể, nhưng Fischer lại làm được. Dẫu vậy, tiền thưởng dành cho thành tích xuất sắc của anh cũng chỉ là 2000 USD. Tại giải vô địch Mỹ năm 2009, một giải thưởng 64000 USD đã được đặt ra cho ai có khả năng lặp lại chiến tích huy hoàng của Fischer, tuy nhiên không một ai làm được, và giải thưởng đành bỏ ngỏ.

Cộng đồng cờ vua trên khắp thế giới đều nói về thành tích vô song của Fischer. Chỉ có Bent Larsen, người luôn gièm pha Fischer, thì không lấy gì làm ấn tượng: “Fischer chỉ thi đấu với những đứa trẻ”, anh ta nói.

Vậy Reshevsky là đứa trẻ? Robert Byrne? Larry Evans? Hay Pal Benko?

[​IMG]
Reshevsky (đeo kính) và Bobby Fischer

Bobby Fischer ngồi trong một căn phòng nhỏ ở câu lạc bộ cờ Marshall, chỉ với một chiếc bàn cờ và một trọng tài. Không có ai ngồi đối mặt với Bobby. Sau khi quyết định nước đi, anh ghi vào biên bản, và tờ biên bản được trọng tài đưa cho một người “đưa tin”. Anh ta chạy nhanh đến căn phòng đã để sẵn máy điện báo gần đó và gửi nước đi. Bobby chờ đợi, vẫn một mình. Nước cờ được chuyển đến Havana, Cuba, nơi đối thủ của Bobby cũng đang ngồi một mình trước bàn cờ. Khi đối thủ của anh đi xong, nước cờ đó lại được đánh điện từ Havana về Marshall, và chuyển đến cho Bobby đang căng thẳng chờ đợi.

[​IMG]
Bobby Fischer đang chờ đợi nước đi của đối thủ

Đó là năm 1965 và Bobby đã nhận lời mời tham dự giải Capablanca Memorial Tournament ở Havana. Và đó chính là cách mà Bobby thi đấu. Có 13 đại kiện tướng và 8 kiện tướng quốc tế (chưa kể Fischer), không mạnh bằng giải đấu quốc tế cuối cùng của Bobby (Candidates Tournament 1962), nhưng cũng là một giải ở đẳng cấp rất cao. Bobby đã trở lại.

Nhưng không hẳn. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba ở thời điểm này đang hết sức căng thẳng. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã bắt đầu cho phép các phóng viên đến Cuba, nhưng với các công dân thường thì vẫn bị cấm. Không ai biết động lực nào khiến Bobby muốn thi đấu tại giải này, nhưng trước tình hình như hiện tại thì việc anh đến Cuba tham dự là không thể. Và thế là Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ đã nảy ra một ý tưởng kỳ lạ: Bobby sẽ ở New York và thi đấu từ một căn phòng của câu lạc bộ cờ Marshall. Năm 1965 chưa có điện thoại di động, và cũng chẳng có Internet. Nhưng Fischer có thể đấu bằng điện tín, và ban tổ chức giải Capablanca Memorial bằng lòng. Các kỳ thủ khác cũng miễn cưỡng đồng ý trước sự sắp xếp mới lạ này. Che Guevara (đại kiện tướng Liên Xô Mark Taimanov đánh giá sức cờ của Che Guevara ngang mức dự bị kiện tướng), cũng nằm trong ban tổ chức.

[​IMG]
Mark Taimanov và Che Guevara tại giải Capablanca Memorial 1964

Để tránh bất cứ một sự gian lận nào từ Bobby, anh bị cách ly với tất cả mọi người, và chỉ ngồi một mình trong phòng với trọng tài. Rất khó khăn cho Bobby, vì anh không có cơ hội đọc ngôn ngữ cơ thể của đối thủ. Khi ngồi với trọng tài, không có một từ nào được trao đổi. Thỉnh thoảng, trong khi chờ đợi nước đi của đối thủ từ Havana, Bobby nhìn về phía khu vườn của câu lạc bộ. Căn phòng thật nặng nề với âm thanh duy nhất là tiếng tíc tắc phát ra từ chiếc đồng hồ.

[​IMG]
Bobby Fischer tại giải Capablanca Memorial 1965

Một ván cờ thông thường dài từ 4 đến 5 tiếng, nhưng khi đấu bằng điện tín thì nó kéo dài ra thành 8 đến 9 tiếng. Thậm chí có những ván đến 12 tiếng. Ván cờ bỗng chốc trở thành một cuộc chạy đua về thể lực và sự kiên nhẫn. Bobby như kiệt sức. Các đối thủ của anh cũng thế, nhưng chỉ phải chịu một lần duy nhất – khi thi đấu với Bobby. Còn Bobby thì phải chịu đựng hết ván này đến ván khác, 21 ván ròng rã.

Bobby thắng 2 ván đầu tiên, nhưng khi giải tiếp diễn thì anh để hòa và thua trước một vài đối thủ dưới sức mình. Dẫu đây không còn là Bobby Fischer đã càn quét giải Vô Địch Mỹ cách đây 18 tháng, nhưng anh vẫn xếp đồng hạng nhì, và chỉ kém nhà vô địch của giải là Vassily Smyslov – cựu Vô Địch Thế Giới, nửa điểm.

Câu chuyện về Bobby Fischer có thể đã kết thúc ngay tại đây, trong căn phòng tĩnh lặng của câu lạc bộ cờ Marshall, nếu như anh thi đấu tệ hại. Havana là sự trở lại của Bobby với thế giới, và một phong độ nghèo nàn sẽ phá tan mọi mơ ước và hy vọng của Bobby. Với Bobby, chỉ có một vị trí khiến anh hài lòng, đó là chức vô địch. Nhưng sau một giải đấu đầy cam go, và phải chơi mỗi ván trong một điều kiện rất khắc nghiệt, Bobby thấy vị trí thứ hai xem ra vẫn có thể chấp nhận được, và anh sẽ không từ bỏ giấc mơ.

Dù Bobby đánh giá thấp phong độ của mình, nhưng các kỳ thủ Liên Xô rất sửng sốt trước những gì mà Bobby đã thể hiện, khi phải thi đấu trong một điều kiện khó khăn đến như vậy. Họ e ngại rằng sẽ có một ngày Bobby truất ngôi bá chủ của cờ vua Liên Xô.

Mối lo ngại về Fischer đã dẫn đến việc “Viện Nghiên Cứu Khoa Học Về Thể Thao Toàn Liên Bang” (All-Union Scientific Research Institute of Sports) , cử đại kiện tướng và cũng là một lý thuyết gia về cờ vua, Vladimir Alatortsev, thành lập một phòng nghiên cứu bí mật (nằm gần câu lạc bộ cờ Moscow). Nhiệm vụ của phòng nghiên cứu này là phân tích tất cả các ván cờ của Fischer. Alatortsev cùng một nhóm nhỏ các kiện tướng và nhà tâm lý khác đã làm việc cật lực suốt 10 năm để cố gắng “giải mã” năng lực huyền bí của Fischer, ngoài ra họ còn phân tích cả hành vi và tính cách của Fischer. Họ nghiên cứu miệt mài về các khai cuộc của anh ta, trung cuộc, và tàn cuộc – và phân loại, chọn lọc những phân tích mà họ tìm được để gửi đến các kỳ thủ hàng đầu Liên Xô.

Năm 1966, Bobby Fischer nhận lời tham dự Piatigorsky Cup tổ chức tại Santa Monica, California. Năm 1963 Bobby đã từng từ chối lời mời, nhưng lần này bà Piatigorsky quyết định trả trước cho mỗi kỳ thủ tham dự 2000 USD, và do đó đã đảm bảo được sự có mặt của tay cờ số 1 nước Mỹ.

Câu chuyện về việc Fischer ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng ở giai đoạn một của giải, sau đó đến giai đoạn hai xếp đồng hạng nhất với Spassky ở vòng đấu áp chót, đã được kể đi kể lại rất nhiều lần.

Vào lúc khởi đầu giải, Fischer trông ốm như Abraham Lincoln, má hóp, mắt trũng sâu và thâm đen, tất cả các dấu hiệu của việc bị bệnh nặng. Khi Fischer chỉ biết đến hòa và thua, rõ ràng anh đã có một giải đấu tệ hại nhất trong sự nghiệp của mình, có lẽ còn tệ hơn cả thảm họa ở Buenos Aires (xếp 16/20). Tuy nhiên Bobby là một con người có nghị lực phi thường. Anh phải đi tìm một phương pháp thi đấu tốt hơn, phải hiểu rõ tại sao mình lại sai lầm, phải đi tìm những bài học trong thất bại, nếu không sự nghiệp của anh sẽ mãi mãi bị ô uế bởi thất bại nhục nhã này. Tạm thời xếp cuối không làm cho một con người thất bại, nhưng ở mãi nơi đó, và không chịu chiến đấu, thì mãi mãi chỉ biết đến thất bại mà thôi.

Bobby đã hồi sinh mạnh mẽ ở giai đoạn hai, và kết thúc giải chỉ kém Spassky nửa điểm. Bobby vừa mừng vừa giận. Anh vui mừng vì mình đã thoát được vực thẳm, vì anh đã tìm lại được chính mình. Nhưng anh tức giận vì mình đã không thể giành giải nhất.

Tại buổi lễ bế mạc, ông bà Piatigorsky chụp một bức ảnh với Spassky và Fischer. Fischer, mỉm một nụ cười yếu ớt trên môi, như thể muốn nói: “Tôi thực sự đã có thể vô địch giải này, nhưng tôi không thể đổ lỗi cho những người Nga được. Lần này là tại tôi… chỉ một mình tôi thôi”.

Khi tất cả các kỳ thủ đã rời khách sạn Miramar để về nhà, về lại đất nước mình, chỉ có một mình Bobby không chịu trả phòng. Như thể một diễn viên vẫn còn lưu lại vai diễn của mình và từ chối rời khỏi phòng phục trang, hay một nhà văn không muốn rời khỏi căn gác thân quen khi đã viết xong quyển sách.

3 tuần sau khi mọi người rời đi, Bobby vẫn còn ở lại Miramar. Anh dùng cả ngày của mình, và thậm chí cả đêm, để ngồi phân tích lại toàn bộ các ván đấu trong giải, tự tra tấn, hành hạ bản thân về mỗi sai lầm mắc phải. Khi có người cho biết ông bà Piatigorsky đã không còn trả tiền khách sạn nữa, anh mới miễn cưỡng quay trở lại Brooklyn.

Trong những năm 1960, Bobby Fischer tiếp tục bộc lộ tài năng thiên phú cũng như tính cách ngang tàng của mình. Anh thắng giải quốc tế Monte Carlo nhưng lại từ chối chụp ảnh chung với Hoàng Tử Rainier cùng những nhà tài trợ giải. Rồi tại buổi lễ bế mạc, khi Công Chúa Grace trao giải thưởng, anh thô lỗ mở chiếc phong bì ra và đếm tiền trước, rồi mới cảm ơn Công Chúa. Bobby dẫn đầu đội tuyển Mỹ tham dự Olympic 1966 tại Cuba, tại giải này anh giành chiếc huy chương bạc cá nhân, và sau đó tặng cho chủ tịch Fidel Castro một bản sao chữ ký từ quyển sách “Bobby Fischer Teaches Chess”. Tại Interzonal 1967 tổ chức ở Tunisia, khi đang dẫn đầu với 8,5 điểm sau 10 ván, Bobby đột ngột bỏ cuộc vì ban tổ chức không chịu sắp xếp lại lịch thi đấu theo yêu cầu của anh. Khi các phóng viên theo chân Bobby đến khách sạn ở Tunisia, anh không chịu mở cửa: “Để tôi yên!”, anh hét lên, “Tôi không có gì để nói”. Bobby biết nếu rút lui khỏi giải này anh sẽ không có cơ hội tham dự Giải Vô Địch Thế Giới, nhưng anh vẫn kiên quyết: chính anh, chứ không phải ban tổ chức, mới là người quyết định khi nào anh thi đấu và khi nào thì không.

[​IMG]
Từ trái sang: Bobby Fischer, Mikhail Tal, Lev Polugaevsky và Boris Spassky tại Olympic Havana 1966

[​IMG]
Bobby Fischer và Fidel Castro

Tuy tính tình khó chịu nhưng các đối thủ lại không hề ghét bỏ hay xa lánh Fischer, mà ngược lại, họ còn thường nói chuyện vui đùa với Fischer. Hai đại kiện tướng Liên Xô là Vasiukov và Gufeld có kể về một giai thoại của Fischer tại Sousse Interzonal 1967:

(Vasiukov) Mối quan hệ của Fischer với các kỳ thủ khác đều rất bình thường. Chỉ có với Reshevsky là Fischer thường hay xảy ra tranh chấp. Nhưng mối ác cảm giữa họ với nhau đã kéo dài trong nhiều năm, và mọi người đều biết chuyện này. Riêng với các kỳ thủ chúng tôi (Liên Xô), thì tất cả đều rất thân thiện với Fischer. Tay cờ người Mỹ cũng tỏ ra thân thiện, và chúng tôi luôn sẵn sàng trò chuyện cùng nhau.

Một lần nọ, trên bãi biển, chúng tôi cùng trình diễn cho nhau xem các đòn phối hợp, cờ thế, và những bài tập về tàn cuộc. Fischer cũng tham gia vào “cuộc thi”. Anh ta giải các thế cờ một cách nhanh gọn. Mọi thứ đều “xuôi chèo mát mái” cho đến khi trợ tá của Geller, đại kiện tướng Gufeld, thách đố Fischer tìm ra cách đánh thắng cho Trắng trong thế cờ này.

Hình Eduard Gufeld

(Gufeld) Tôi nảy ra ý định trêu chọc Fischer, và tôi đã sắp xếp với những người khác rằng, trong lúc anh ta đang tính toán, thì tất cả sẽ nói rằng đây chỉ là một thế cờ đơn giản, và họ đã tìm ra lời giải từ lâu rồi.

“Anh có cần gợi ý không?”, một đại kiện tướng châm chọc Bobby.
“Không, không”, Fischer hét lên, “Tôi sẽ tự tìm ra!”.

Hãy tưởng tượng xem: một thiên tài cờ vua không thể tìm ra lời giải trong khi mọi người quanh anh ta đều nhìn thấy hết! Một nỗi khiếp sợ hiện lên trên gương mặt của Bobby, nỗi khiếp sợ danh tiếng của một thiên tài cờ vua sẽ bị phá tan trong chốc lát!

Nhưng rồi, một phút sau, anh ta đã tìm được đáp án. Khuôn mặt anh ta, chỉ vừa mới đây thôi còn thể hiện một nỗi sợ hãi cùng cực, thì bây giờ đã ánh lên nụ cười rạng rỡ với một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tôi cứ ngỡ như mình đang trông thấy khuôn mặt của Archimede khi ông ấy kêu lên: “Eureka!”. Tôi dám chắc không một diễn viên nào trên thế giới có thể diễn tả được một chuỗi cảm xúc từ khiếp sợ kinh hoàng sang sung sướng tột độ như chúng tôi đã nhìn thấy trên gương mặt của Fischer…”

Thành công lớn nhất của Fischer trong năm 1969 không phải là các danh hiệu vô địch, mà là việc xuất bản sách. Quyển “My 60 Memorable Games” (“60 ván cờ đáng nhớ của tôi”) của nhà xuất bản Simon & Schuster, ngay lập tức trở thành một hiện tượng không thể nào quên trong cộng đồng cờ vua thế giới. Fischer giới thiệu quyển sách này là một trong những quyển sách cờ tỉ mỉ và ưng ý nhất từng được viết, là đối thủ của những tác phẩm nổi tiếng của Tarrasch, Alekhine, và Reti. Fischer, cũng như bậc tiền bối Paul Morphy – thần đồng cờ vua ở thế kỷ 19, không viết nhiều, nhưng cả thế giới luôn chờ đợi mỗi từ mà anh viết ra. Trong quyển sách này, anh bỏ qua “Ván cờ thế kỷ” năm 1956 với Donald Byrne, thay vào đó anh cho vào 9 ván hòa và 3 ván thua – một cử chỉ thể hiện sự khiêm tốn. Fischer cũng dành đến 14 trang để phân tích cặn kẽ ván hòa với Botvinnik tại Varna.

[​IMG]
Bobby Fischer và “My 60 Memorable Games”

Bobby lúc đầu định đặt tựa sách là “My Life in Chess”, nhưng sau đó anh đổi ý, quyết định sẽ dành tựa đề đó cho quyển tự truyện của mình (đáng tiếc rằng nó đã không bao giờ được viết ra). Dự định ban đầu của anh là chỉ bao gồm 52 ván, nhưng sau đó trong quá trình chỉnh sửa và thi đấu ở các giải khác, anh thêm vào 8 ván nữa. Anh mất 3 năm để hoàn thành tác phẩm để đời của mình.

Simon & Schuster như ngồi trên đống lửa khi quyển sách cứ bị chỉnh sửa liên tục, gần như là vô tận, và có thời điểm Fischer đã xóa hết tất cả chú thích của mình, trả lại sách cho nhà xuất bản và yêu cầu giải phóng hợp đồng. Có lẽ anh không muốn đưa hết các ý đồ của mình ra cho đối thủ biết. Kế hoạch xuất bản phải dừng lại. Tuy nhiên, 2 năm sau, anh đổi ý. Larry Evans, người viết lời giới thiệu cho quyển sách, cho rằng quyết định của Bobby đến từ một suy nghĩ thực dụng: “Anh ta cảm thấy chán nản cái thế giới này và nghĩ rằng sẽ sớm có một cuộc hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Anh ta thấy mình nên tận hưởng bất cứ đồng tiền nào có thể kiếm được trước khi quá muộn”.

“My 60 Memorable Games” thành công ngay lập tức. Và nếu Fischer không bao giờ còn thi đấu nữa, thì danh tiếng của anh, chắc chắn sẽ được biết đến như là một nhà phân tích đầy tài năng.

Bobby rút lui khỏi làng cờ vào cuối năm 1968, và ngoại trừ một trận thắng trước Anthony Saidy trong trận đấu đồng đội ở giải New York Metropolitan League năm 1969, anh đã vắng bóng suốt 18 tháng, gây ra biết bao kinh ngạc lẫn tò mò trong giới cờ vua. Anh không giải thích tại sao, nhưng sau này có nói trong một cuộc phỏng vấn rằng vì một “sự khó chịu” mơ hồ nào đó. Trong một lần khác, anh nói rằng mình tránh thi đấu “để mưu tính kế hoạch phục thù. Tôi muốn quay trở lại và đặt tất cả những con người đó vào chỗ của họ”. Anh từ chối hết lời mời này đến lời mời khác, hết cơ hội này đến cơ hội khác.

Nếu nói mỗi lần Bobby Fischer tái xuất giang hồ là trời long đất lở, thì lần trở lại này chính là lần khiến cho giang hồ dậy sóng dữ dội nhất…

Mùa xuân năm 1970 tại Belgrade diễn ra “Trận đấu thế kỷ” giữa đội tuyển Liên Xô và “Phần còn lại của thế giới” (Đội tuyển thế giới). Ý tưởng này đã được Tartakower đưa ra từ năm 1945, nhưng mãi 25 năm sau nó mới được thực hiện…

Fischer do dự một thời gian dài mới quyết định tham dự “Trận đấu thế kỷ” này. Theo Bobby, anh bị trọng tài Bozidar Kazic thuyết phục: “Ông ấy bay đến Mỹ và dành rất nhiều thời gian để thuyết phục tôi. Và đột nhiên ông nói: “Hãy nghĩ về nó đi – nếu không tham dự “Trận đấu thế kỷ”, anh sẽ là kẻ ngốc nhất thế kỷ này!”. Thật khó để mà tôi trả lời lại…”

Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Bobby bay đến Belgrade và ăn trưa tại khách sạn Metropol với George Koltanowski (một nhà báo chuyên về cờ) và Larry Evans, người đi theo tường thuật về trận đấu này và đóng vai trò trợ tá cho Fischer. Với sự lạc quan và thân thiện ít thấy, Bobby ký tặng cho hầu hết các bồi bàn trong khách sạn. Khi có một phóng viên nữ hỏi xin anh một cuộc phỏng vấn sau bữa trưa, anh đồng ý. Cô ấy cười đùa, ôm và thậm chí còn hôn lên má Bobby, nhưng anh vẫn chấp nhận. Evans bình luận: “Việc này không có gì là ngạc nhiên, nếu bạn thấy Bobby hôn một cô gái thì đó mới là tin mới đấy!”. Bobby thậm chí còn cười nữa. Sau đó anh đi kiểm tra ánh sáng và điều kiện thi đấu. Mọi thứ đều khiến anh hài lòng.

Dựa theo sức cờ và thành tích thi đấu, ban tổ chức đã quyết định xếp Fischer gặp Spassky (đương kim vô địch thế giới) ở bàn 1, còn ở bàn 2 Larsen gặp Petrosian. Đối với các kỳ thủ thế giới, bàn 1 có một ý nghĩa rất quan trọng bởi đó không những là vinh dự mà còn là sự khẳng định sức mạnh, uy tín đối với một kỳ thủ. Tuy nhiên, vào lúc đó Larsen đột ngột tuyên bố rằng anh ta dứt khoát từ chối việc chơi ở bàn 2: anh ta nói rằng trong khoảng thời gian Bobby vắng mặt trên kỳ đàn, anh ta đã giành được rất nhiều chiến thắng vang dội (là kỳ thủ giành giải Oscar đầu tiên của cờ vua cho người có thành tích thi đấu xuất sắc nhất trong năm), và do đó mới là người có quyền dẫn đầu đội tuyển thế giới. “Đây quả là một sự thách thức công khai đến Fischer và việc xuất hiện mâu thuẫn là không thể tránh khỏi”, Taimanov viết. Larsen là người cứng rắn còn tính ngang ngạnh của Fischer thì không ai còn lạ gì.

Nhưng điều không tưởng đã xảy ra! Khi Tiến sĩ Max Euwe – đội trưởng – đến phòng của Bobby, anh ta đang nằm trên đi văng và vùi đầu dưới gối. Ngài Euwe chưa cần phải thực hiện sứ mệnh ngoại giao khó khăn của mình thì Bobby đã hét lên: “Tôi không phản đối…”

Lý do gì đã dẫn đến một sự nhượng bộ kỳ lạ như vậy? Rất có thể đây là một tính toán có chủ ý của Fischer, và thực sự là anh ta rất hài lòng nếu như Larsen chơi ở bàn 1. Tại bàn 2, Fischer sẽ gặp Petrosian, người mà anh chưa từng thua lần nào kể từ sau giải Curacao.

[​IMG]
Boris Spassky (trái) và Bent Larsen tại bàn 1

Viktor Korchnoi nói về sự việc này: “Mọi người đều có cảm giác rằng Fischer không hề muốn đấu với Spassky tí nào. Thứ nhất, thành tích đối đầu của Fischer trước Spassky không tốt (0 thắng, 2 hòa, 3 thua). Thứ hai, nếu thất bại trước Spassky trong trận đấu nhỏ này (gồm 4 ván), thì bất cứ một cuộc đàm phán nào về một trận đấu với nhà vô địch thế giới, mà tránh hệ thống thi đấu của giải vô địch thế giới, sẽ bị dừng lại ngay lập tức (nghĩa là thỏa thuận đấu tay đôi với Spassky mà không cần phải vượt qua Interzonal và Candidates – Fischer đã có ý định này trước khi tham gia “Trận đấu thế kỷ”). Trong khi đó nếu để thua Petrosian, Fischer có thể nói rằng do mình không kịp chuẩn bị”.

[​IMG]
Bobby Fischer và Tigran Petrosian ở bàn 2

Đây quả thực là một nước cờ cao tay của Fischer. Việc nhường quyền chơi bàn 1 lại cho Larsen không những giúp anh tránh một cuộc đụng độ rất nguy hiểm với Spassky, mà còn chiếm được sự đồng cảm của công luận. Sau khi rút lui gần 2 năm, việc giành được một chiến thắng về tâm lý là hết sức quan trọng. Và mọi thứ đã diễn tiến theo đúng kịch bản mà Bobby mong muốn.

Bobby khởi đầu trận đấu với Petrosian bằng một phương án cũ trong khai cuộc, và ít khi được sử dụng. Sau này anh nói rằng anh đã đưa tay cờ Liên Xô vào trong một biến thế mà mình đã nghiên cứu từ nhiều năm trước. Hai bên giao chiến kịch liệt nhưng Bobby có được ưu thế rõ rệt và giành chiến thắng ở nước thứ 39. Sau khi tất cả các ván đấu ở vòng 1 kết thúc, ván của Bobby được trao giải thưởng cho ván cờ đẹp nhất. Các khán giả vỗ tay nhiệt liệt suốt 3 phút. Các fan viết thư bày tỏ sự ngưỡng mộ với Bobby, thậm chí anh còn nhận được cả thư cầu hôn. Bình luận về chiến thắng của mình, Bobby nói: “Tôi còn có thể chơi tốt hơn”. Sang vòng 2 Bobby tiếp tục giành thắng lợi trước Petrosian.

Đến vòng 3 không khí ở Belgrade trở nên cực kỳ sôi động. Chỉ chưa đầy nửa giờ, phòng thi đấu đã chật cứng. Vé chợ đen được bày bán ngay trước Dom Sindikata, nơi tổ chức trận đấu. Tổng thống Ribicic của Yugoslavia, sau khi tham dự hai vòng đầu tiên, cũng trở lại để xem tiếp vòng đấu thứ 3.

Fischer hòa ván này, sau đó thư giãn và đi xem các bàn còn lại. Ván đấu giữa Samuel Reshevsky và Vassily Smyslov được hoãn lại. Quay trở về khách sạn Metropol, Bobby ngồi cùng Reshevsky phân tích cặn kẽ mọi khả năng chiến lược của ván cờ. Sau 10 năm căng thẳng, đây là lần đầu tiên Fischer có một cuộc trò chuyện thân mật với đối thủ của mình (và ngày hôm sau Reshevsky đã giành chiến thắng).

(Bjelica) Fischer có thói quen ngủ dậy rất trễ, và thường ngủ cho đến tận trưa. Ở Belgrade, có khoảng 3 lần anh ta thức dậy trong đêm và đến phòng tôi. Lần thứ nhất, anh ta đánh thức tôi lúc 4 giờ sáng và bắt đầu cho tôi xem ván cờ của anh ta với Petrosian. Tôi vừa xem vừa ngủ gật. Suốt cả buổi, anh ta cứ liên tục nói rằng Polugaevsky đã sai khi khẳng định Petrosian sẽ giành chiến thắng (ở ván 3 này Petrosian chiếm ưu thế). Cuối cùng, Fischer dường như đã tìm ra được những nước đi tốt nhất, nhưng anh ta vẫn chưa chịu yên, tiếp tục xếp thế cờ của Tal – Najdorf lên chiếc bàn cờ bỏ túi của mình để phân tích. Anh ta nghiên cứu trong 10 phút, tìm ra nước đi chiến thắng cho Tal, và chỉ sau đó, anh ta mới hài lòng với bài phân tích của mình, và thoải mái đi ngủ.

Khi anh ta đến vào một lần khác, anh ta yêu cầu tôi không được cho bất cứ ai biết anh ta đang ở phòng tôi, vì cánh phóng viên cứ liên tục gọi điện, còn ban tổ chức ở nhiều nơi khác lại muốn mời anh ta biểu diễn thi đấu đồng loạt (trong 7 ngày diễn ra “Trận đấu thế kỷ”, Fischer đổi phòng đến 3 lần, nhưng vẫn không tài nào trốn được giới báo chí).

Trước vòng cuối, anh ta lại đến vào lúc 4 giờ sáng, và hỏi tôi có phải việc giết chết một phóng viên là rất trái pháp luật không. Câu hỏi làm tôi tỉnh hẳn, và tôi trả lời trong sợ hãi rằng việc đó là hoàn toàn trái pháp luật – và tự nhiên tôi nghĩ anh ta có thể giết tôi, vì tôi cũng là một phóng viên. Nhưng Fischer trấn an tôi, nói rằng tôi không có gì phải sợ, và anh ta chỉ muốn giết những tay phóng viên cứ liên tục gọi điện quấy rầy anh ta vào ban đêm thôi. Anh ta nói mình đến Belgrade là để chơi cờ, chứ không phải để trả lời phỏng vấn.

Hôm đó là thứ 7, ngày mà Bobby không thi đấu cho đến sau khi mặt trời lặn. Ban tổ chức hỏi tôi mấy giờ thì tay cờ người Mỹ có thể đấu ván cuối với Petrosian, và khi nào thì anh ta muốn nhận giải thưởng. Fischer trả lời câu hỏi đầu tiên là: 6 giờ 45 tối. Anh ta từ chối trả lời câu hỏi thứ hai, nói rằng anh ta không muốn nhắc đến chuyện tiền bạc vào các ngày thứ 7.

Sau 40 nước, ván 4 được hoãn lại. Đại kiện tướng Larry Evans viết rằng, không như hầu hết các kỳ thủ khác, Fischer chỉ tự mình phân tích các ván hoãn đấu. Với các trợ tá, anh ta chỉ đơn thuần nhờ họ kiểm tra xem có gì sai sót trong bài phân tích hay không mà thôi. Evans kể lại cái cách mà Fischer đến gõ cửa phòng ông vào lúc 4 giờ sáng, và cùng ông kiểm tra lần cuối kết quả phân tích. Đó là một thế cờ đặc biệt khó chịu với Fischer, vì anh ta không có bất cứ cơ hội nào để phản công, mà chỉ có mỗi cách là ngồi và chờ đợi. Fischer nói rằng ở căn phòng gần đó, phòng của Petrosian, cứ mỗi phút anh ta lại nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo, và một nhóm các nhà phân tích cờ Liên Xô đang tìm mọi cách để đưa ván cờ vào thế thắng.

Fischer trông mệt mỏi khi anh ta đấu tiếp ván 4, và Evans sợ rằng anh ta sẽ thua. Nhưng anh ta đã kiên cường thủ hoà để duy trì mạch bất bại của mình, đồng thời trở thành người thi đấu hiệu quả nhất giải (2 thắng 2 hoà).

Đội tuyển Liên Xô giành chiến thắng chung cuộc 20,5-19,5 trước Đội tuyển Thế Giới, nhưng đây có thể coi là một thất bại của nền cờ vua Liên Xô, khi mà họ luôn tự hào về sức mạnh áp đảo của mình. Ở 4 bàn đầu, họ chỉ giành được một ván thắng trong tổng số 16 ván. Bobby Fischer là người cao điểm nhất giải với kết quả 3-1 trước Petrosian.

(Bjelica) Tại lễ bế mạc, Fischer và tôi đến trò chuyện thân mật cùng Petrosian. Fischer hỏi Tigran rằng ông ấy có biết chơi cờ Đam không (loại cờ có 24 quân cho hai người chơi). Fischer cũng nói anh ta tin rằng một ngày nào đó, những chiếc máy tính thậm chí sẽ đánh bại cả nhà vô địch thế giới. Khi kỳ thủ Liên Xô rời đi, tôi mới hỏi Fischer liệu anh ta có nghĩ rằng mình sẽ đánh bại Petrosian không. Fischer nói khi chuẩn bị bay đến Belgrade, anh ta nghĩ nếu đấu với Petrosian thì sẽ khó khăn hơn là Spassky. Tuy nhiên, ở Belgrade, hoá ra cả Petrosian lẫn anh ta đều không có được phong độ tốt nhất.

“Điều đó có nghĩa là anh không hài lòng với lối chơi của mình?” tôi hỏi anh ta. Fischer trả lời “phải”, anh ta cảm thấy mệt mỏi sau một chuyến bay dài. Fischer rất muốn được tham dự Interzonal Tournament, nhưng việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, vì anh ta đã từ chối thi đấu tại Giải Vô địch Mỹ.

Tôi hỏi Fischer rằng anh ta muốn thi đấu với ai, Fischer nói anh ta không có quyền để thách đấu với Spassky, nhưng Liên đoàn Cờ Vua Mỹ đã đề nghị với các nhà tài trợ một trận đấu không chính thức với Spassky, và đồng ý với quỹ giải thưởng là 25.000 USD: 15.000 USD cho người thắng và 10.000 USD cho người thua. Trận đấu có thể diễn ra ở Moscow hoặc New York. Fischer nói anh ta rất hài lòng nếu thi đấu theo thể thức ai thắng 6 ván trước là người thắng cuộc, và anh ta nghe nói Spassky cũng không quá phản đối trận đấu này, nhưng chuyện này phải do Liên đoàn Cờ Vua Liên Xô quyết định.

Tôi hỏi Fischer ai là người có nhiều cơ hội nhất để thi đấu tranh ngôi vô địch thế giới với Spassky. “Korchnoi và Larsen”, Fischer đáp.

Được hỏi trận đấu nào sẽ gây sự chú ý nhất cho giới hâm mộ cờ vua, Fischer trả lời rằng, gần như chắc chắn, là trận đấu giữa Larsen và Fischer.

Sau đó, tôi hỏi Fischer ai sẽ là người thắng trận, Fischer nói rằng anh ta nghĩ anh ta sẽ thắng.

Tôi hỏi ý kiến đánh giá của Fischer về nhà vô địch thế giới, anh ta nói rằng Spassky là một kỳ thủ rất giỏi, nhưng, theo Fischer, Spassky đã phạm nhiều sai lầm trong trận đấu với Petrosian vào năm ngoái. Fischer cho rằng Spassky có phần hơi e sợ đối thủ. Fischer đã phân tích tỉ mỉ tất cả các ván đấu giữa Spassky và Petrosian khi anh ta chuẩn bị cho cuộc đấu tại Belgrade.

Tôi hỏi Fischer tại sao anh ta lại nhường quyền chơi bàn 1 lại cho Larsen, Fischer trả lời rằng, dù anh ta biết mình chơi tốt hơn Larsen, nhưng anh ta đã rút lui khỏi làng cờ trong suốt gần 2 năm, và trong khoảng thời gian ấy Larsen đã giành được rất nhiều chiến tích xuất sắc, do đó Larsen hoàn toàn có quyền ngồi đấu ở bàn 1.

“Anh nghĩ sao về kết quả trận đấu tại Belgrade?” tôi hỏi Fischer.

Fischer nói rằng trước trận đấu anh ta nghĩ tuyển Liên Xô sẽ dễ dàng giành chiến thắng, nhưng thực sự trận đấu lại diễn biến hết sức thú vị. Ngay từ ý tưởng tổ chức cũng đã rất cuốn hút rồi. Giải đấu này đã quy tụ tất cả những tay cờ giỏi nhất thế giới. Dĩ nhiên, Liên Xô vẫn là quyền lực hàng đầu trong làng cờ Vua, Fischer nói thêm, và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục là quyền lực trong một thời gian dài.

Ở Liên Xô, các đại kiện tướng được ăn ở và tập luyện trong một môi trường rất tuyệt vời. Fischer nói rằng anh ta là một kỳ thủ chuyên nghiệp, kiếm tiền bằng việc thi đấu quanh năm suốt tháng. Nếu anh ta không thi đấu, anh ta sẽ không có tiền. Đúng là anh ta đã nhận được tiền nhuận bút từ việc xuất bản quyển sách “My 60 Memorable Games”, nhưng như thế không đủ sống. Fischer rất hay bị chỉ trích vì luôn yêu cầu nhà tài trợ trả phí cao cho sự có mặt của anh ta trong các giải đấu. Fischer trả lời anh ta làm thế vì cờ là cuộc sống của anh ta. Anh ta sống bằng cờ!

Tôi hỏi Fischer ngoài cờ ra anh ta còn có sở thích gì khác nữa không.

Fischer nói rằng anh ta thích nghe nhạc và xem truyền hình. Trước đây anh ta còn thích sưu tập các bộ comlê, nhưng giờ thì không còn nữa. Anh ta không có xe hơi, và ở Belgrade anh ta đã nhận phần thưởng cho chiến thắng tại bàn 2, đó là một chiếc xe hơi Moskvich đời mới nhất. Tuy nhiên, Fischer thừa nhận rằng anh ta sợ xe hơi. Ở Mỹ năm ngoái có đến 56.000 người chết vì tai nạn giao thông, và Fischer quyết định rằng đi xe buýt thì tốt hơn.

Sau cùng, tôi chúc Fischer sẽ hoàn thành ước mơ của mình: rằng anh sẽ được tham dự Interzonal Tournament.

Anh ta chỉ mỉm cười và nói, “Tôi hy vọng thế…”

Khi tất cả các kỳ thủ tập trung lại để chụp một bức ảnh lưu niệm thì Bobby, như thường lệ, không có mặt ở đó. Đại kiện tướng người Argentina Miguel Najdorf, người biết Bobby khá rõ, nói: “Anh ấy chỉ thích một mình đi vào lịch sử”.

[​IMG]
Một bức ảnh chụp chung của các kỳ thủ

Sau “Trận đấu thế kỷ”, một Giải Vô Địch Thế Giới không chính thức về cờ chớp (5 phút mỗi ván) được tổ chức tại Herceg Novi. Đây là giải đấu vòng tròn hai lượt, và Petrosian với Tal được dự đoán là hai ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Thế nhưng Fischer đã “nhất kiếm trấn quần hùng” khi đạt điểm số không tưởng 19/22 (thắng 17, hòa 4, thua 1), vượt xa Tal (14,5), Korchnoi (14), Petrosian (13,5), Bronstein (13)… Anh chỉ chịu thua một ván trước Korchnoi (nhưng vẫn thắng lại và hòa nhau 1-1). Tal phải thốt lên kinh ngạc: “Trong suốt cả giải anh ta không để bị ăn lấy một con chốt!”.

Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ (United States Chess Federation – USCF) bây giờ phải đối mặt với một vấn đề khó khăn. Họ rất muốn Bobby tham dự vòng đấu Interzonal tại Palma de Mallorca, nhưng chính việc từ chối tham dự giải vô địch Mỹ năm 1969 mà Bobby không được phép thi đấu tại Interzonal (Chỉ lấy 3 người đứng đầu của giải vô địch Mỹ. Chính việc mất quyền tham dự này mà Bobby muốn đấu với Spassky không thông qua Interzonal và Candidates). May sao tại Đại hội FIDE vào tháng 9, cờ vua Mỹ được cho phép chọn người đại diện của mình. Và bây giờ vấn đề là sẽ thuyết phục ai trong số 3 người: Reshevsky, Benko và Addison nhường quyền tham dự cho Bobby Fischer. Cuối cùng Benko được chọn, vì anh đã đồng ý lui bước và được nhận 2000 USD. Tưởng đâu mọi chuyện đã xong thì lại thêm một vấn đề nảy sinh: Bobby không hài lòng về vấn đề tiền thưởng.

Vào thời khắc then chốt này tình hình đã được giám đốc điều hành của USCF là Ed Edmondson cứu vãn. Ông viết một bức thư thật dài cho Bobby, bày tỏ mong muốn Bobby sẽ trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới, nhưng muốn làm được điều đó trước hết anh phải tham dự Interzonal và Candidates Matches. Bức thư tưởng chừng như tuyệt vọng này đã mang lại hiệu quả: Fischer đáp máy bay đến Mallorca.

Đại kiện tướng Liên Xô Vasiukov, người có mặt tại giải với tư cách là trợ tá cho Mark Taimanov, kể lại: “Anh ta trông hơi khác thường: ăn mặc luộm thuộm, râu không cạo, tóc để dài. Chỉ đến giai đoạn hai của giải anh ta mới diện đồ đẹp. Chúng tôi trao đổi với nhau vài lời. Khi tôi hỏi anh ta có thi đấu không, Fischer đáp lại: “Dĩ nhiên là có!”. Nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng Bobby sẽ không đột ngột rút lui khi giải bước vào giai đoạn nước rút (vụ xì căng đan tại Sousse Interzonal 1967 mọi người vẫn còn nhớ như in)…”

Bobby khởi đầu giải rất tự tin. Sau ván hòa với Robert Hubner, anh thắng liền 5 ván. Các “nạn nhân” của anh gồm có Smyslov, Hort và Reshevsky. Những ván cờ của anh tại Mallorca đẹp đến kinh ngạc! Khi gặp anh, các đại kiện tướng hàng đầu (chứ không nói đến các kiện tướng) đều chơi một cách rụt rè, và thất bại mà không có được một sự kháng cự rõ nét nào. Sau 11 vòng đấu, gần đi được nửa chặng đường, Fischer xếp ở vị trí thứ 2, kém nửa điểm so với người dẫn đầu là Efim Geller của Liên Xô. Fischer và Geller chạm trán ở vòng đấu thứ 12 trong một trận cờ mang tính chất then chốt.

Geller chưa thua một ván nào tại giải, và quan trọng hơn là hai yếu tố sau đây: thứ nhất, thành tích đối đầu của Fischer với Geller rất tệ hại (thắng 2, hòa 2, thua 5); thứ hai, Fischer phải cầm quân Đen. Đây là một thử thách thật sự cho Fischer. Anh cố gắng giữ tập trung và sự tự tin của mình bằng việc nghiên cứu thật cẩn thận các ván cờ của Geller.

[​IMG]
Efim Geller

Fischer chọn một phương án bình ổn trong Phòng thủ Gruenfeld – và anh đã giành được chiến thắng trong cuộc đấu tâm lý: đối thủ của anh hài lòng với một trận hòa, và đề nghị hòa ở ngay nước thứ 7

Phản ứng đầu tiên của Fischer là cười. Geller cũng cười: tình thế thật rõ ràng – tay cờ người Mỹ đã thua cả 3 ván gần đây trước Geller. Đột nhiên Fischer ngừng cười và cúi thấp xuống nói gì đó với Geller. Không ai nghe rõ Fischer nói gì trừ Geller. Có một khán giả kể lại rằng Fischer đã nói: “Quá sớm”, nhưng nhìn gương mặt của Geller đỏ lên vì tức giận thì có lẽ Fischer đã nói gì đó cay độc hơn. Người ta cho rằng Fischer đã nói một câu đại loại như cách chơi hòa sớm chỉ có ở các tay cờ Liên Xô mà thôi. Khi quyển sách chính thức về giải đấu được xuất bản, những người biên tập đã viết ghi chú về nước thứ 7 của Geller: “Tại sao Geller lại mong đợi Fischer sẽ chấp nhận hòa nhanh? Qua những ván cờ của Fischer đã cho thấy rằng anh ta ghê tởm việc chơi hòa nhanh, và luôn muốn thi đấu cho đến khi không còn cơ hội để giành chiến thắng. Không hòa dưới 40 nước là triết lý của Fischer”.

Dẫu sau đó bị kém một chốt nhưng Geller đã phòng thủ rất xuất sắc, và khi ván cờ được tạm hoãn thì một kết quả hòa là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi ván đấu được tiếp tục, lúc mọi nguy hiểm đã qua đi, thì Geller đột nhiên lại phạm sai lầm. Những lỗi lầm như vậy của đối thủ trong các thế tàn cuộc đơn giản đã xảy ra vài lần trong các ván cờ của Fischer. Nguyên nhân rất rõ ràng: quá căng thẳng.

(Taimanov) Geller tự cho phép mình thư giãn, và Fischer, vẫn không hề đánh mất sự tập trung và chú ý vào ván cờ, đã ngay lập tức khai thác sai lầm của đối thủ.

Nữ thần Caissa đã mỉm cười với Fischer, và anh giành chiến thắng tại Palma de Mallorca với 18,5 điểm, hơn người về nhì là Efim Geller đến 3,5 điểm.

Bobby đã đạt đến độ chín tại Palma. Dù kết quả xuất sắc nhưng anh vẫn không ấn tượng với màn trình diễn của mình: “Tôi hài lòng với kết quả, chứ không hài lòng về lối chơi”. Khi được nhắc lại về phong độ nghèo nàn tại Candidates 1962, anh nói: “Có lẽ đó là một điều tốt. Tôi chưa đủ hoàn thiện tại giải đó”. Nhưng anh chắc chắn đã hoàn thiện tại Palma.

ANH ĐẾN, ANH THẤY, ANH CHINH PHỤC !

Thành công của Bobby tại Palma de Mallorca đã đưa anh đến chặng tiếp theo trên con đường chinh phục danh hiệu vô địch thế giới. Sau hai thất bại tại Candidates Tournament ở Yugoslavia 1959 và Curacao 1962, anh khẳng định rằng mình đã bị “đánh hội đồng” bởi các tay cờ Liên Xô, và những trận hòa sắp đặt trước của họ đã đánh cắp chức vô địch của anh. Giờ đây FIDE đã thay đổi hoàn toàn hệ thống thi đấu của giải vô địch thế giới, không còn là Candidates Tournament nữa mà đã trở thành Candidates Matches – những trận đấu loại trực tiếp, và Fischer sẽ không còn phải lo lắng việc các kỳ thủ Liên Xô thông đồng với nhau. Hai trận tứ kết và bán kết của Candidates Matches sẽ bao gồm 10 ván, còn trận chung kết là 12 ván.

Kết quả tại Interzonal Tournament đã gióng hồi chuông cảnh báo đến những người điều hành của Ủy Ban Thể Thao Liên Xô (USSR Sports Committee). Điểm số vượt trội so với các đối thủ đã cho thấy Bobby Fischer đang quyết tâm hơn bao giờ hết. Khi Edmondson, giám đốc điều hành của USCF, được hỏi liệu Fischer có tham dự Candidates Matches hay không, ông trả lời rõ ràng: “Tôi không nghi ngờ gì về điều đó”. Vì vậy sẽ không có bất cứ hy vọng nào vào việc Fischer bỏ cuộc. Mọi chuyện dường như đang đi đúng theo lời dự đoán của Botvinnik vào giữa những năm 1960: “Tôi bị thuyết phục rằng nếu Fischer không trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới trước tuổi 30, anh ta sẽ không bao giờ bằng lòng”.

Thử thách đầu tiên của Fischer tại Candidates Matches là đại kiện tướng người Liên Xô, Mark Taimanov. Tất cả các nhà chuyên môn đều dự đoán Fischer sẽ giành chiến thắng tại Candidates, nhưng không hề dễ dàng. Tal đoán rằng Fischer sẽ thắng Taimanov 5,5-4,5. Ngay chính Fischer cũng thiếu tự tin. Dù anh đã chơi 74 ván trong các giải đấu trong 9 tháng vừa qua, với chuỗi 7 ván thắng liên tiếp tại Palma, nhưng anh cảm thấy mình vẫn chưa đạt điểm rơi phong độ, và cần phải chơi thêm nhiều giải nữa. Candidates Matches đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo, và việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi trận đấu luôn là chìa khóa thành công cho Fischer.

Mark Taimanov 45 tuổi, còn Fischer là 28 – độ tuổi sung mãn trong sự nghiệp. Trận đấu của họ bắt đầu vào tháng 5 năm 1971 tại Vancouver, Canada, trong khuôn viên tuyệt đẹp của trường đại học University of British Columbia.

[​IMG]
Mark Taimanov (trái) và Vassily Smyslov
Taimanov đến thi đấu với một lực lượng trợ tá hùng hậu như thường thấy của các kỳ thủ Liên Xô. Nhưng than ôi họ đã không thể giúp được gì. Fischer đánh bại Taimanov với tỉ số như một séc tennis: 6-0, một tỉ số chưa từng thấy trong lịch sử của Candidates Matches, và anh đã đánh văng đối thủ đầu tiên một cách không thể thuyết phục hơn.

[​IMG]

Trận đấu Fischer – Taimanov, tứ kết Candidates Matches 1971

Tại sao một đại kiện tướng hàng đầu của Liên Xô lại bị thua một cách thê thảm như vậy? Garry Kasparov cho rằng đó đơn giản là sự sụp đổ về tâm lý. Kỳ thủ Xô Viết vào trận với một tinh thần quyết chiến (cả Fischer cũng vậy), nhưng ông đã không thể chịu nổi trạng thái quá căng thẳng: ván 1 và ván 3 ông khởi đầu rất tốt ở khai cuộc, nhưng sau đó đã để sai sót trong trung cuộc và thất bại. Và khi đấu tiếp hai ván cờ tạm hoãn là ván 2 và ván 5, ông lại phạm tiếp sai lầm chết người trong những thế cờ vốn đã chắc chắn hòa.

Trước cuộc chiến với Fischer, nhận biết được rằng mình sắp phải đương đầu với một nhiệm vụ khó khăn, Taimanov đã đến nhờ Botvinnik giúp đỡ, người thầy đầu tiên của Taimanov và cũng là một Nhà Vô Địch Thế Giới rất giỏi trong quá trình chuẩn bị trước trận đấu. Botvinnik thảo luận với Taimanov, và ông còn tặng Taimanov một tập hồ sơ khá chi tiết về Fischer (được công bố trong quyển sách “Russians vs Fischer”). Đây là tập tài liệu được phân tích rất chuyên nghiệp và tinh vi. Taimanov sau này luyến tiếc rằng mình đã “lãng phí một tập tài liệu quý”. Yuri Averbakh đã đúng khi viết: “Vì đối lập hoàn toàn với Botvinnik về tính cách, lối suy nghĩ, cũng như quan niệm về cờ và cuộc đời, mà Taimanov không nên thiếu cân nhắc nghe theo những lời khuyên của Botvinnik. Tập tài liệu là rất quý, nhưng nên dành cho một người khác”.

Botvinnik cũng có tác động đến đội ngũ trợ tá của Taimanov (bao gồm Kotov, Vasiukov và kỳ thủ trẻ Balashov). Mark Yevgenevich rất muốn Mikhail Tal làm trợ tá cho mình, và ông cũng đã nhận được sự đồng ý từ Tal. Hãy tưởng tượng một sự ngạc nhiên khó chịu nào sẽ đến với Fischer. Chàng Tal vui tính, với rất nhiều kinh nghiệm trong những trận đấu tay đôi (từ hai trận tranh chức vô địch thế giới với Botvinnik năm 1960 và 1961), cộng thêm việc biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của Fischer, sẽ là trợ thủ rất đắc lực cho Taimanov, đặc biệt là khi Taimanov gặp khủng hoảng sau những thất bại liên tiếp. “Nhưng than ôi, Mikhail Moiseyevich không tán thành sự lựa chọn của tôi, và than ôi, tôi đã nghe theo lời khuyên của ông ấy. Bây giờ tôi thấy đó là một trong những sai lầm lớn nhất của tôi”.

[​IMG]
Alexander Kotov

Chiến thắng kinh hoàng của Fischer trước Taimanov đã làm cả Liên Xô chấn động. Ngay lập tức, họ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để giải trình về thất bại của Taimanov. Sau cuộc họp, Hội đồng Huấn luyện viên của Liên đoàn Cờ Vua Liên Xô đã đưa ra một nghị quyết:

NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG HUẤN LUYỆN VIÊN CỦA LIÊN ĐOÀN CỜ VUA LIÊN XÔ

Ngày 7 tháng 6 năm 1971

Về kết quả trận tứ kết Candidates Matches giữa M. Taimanov và R. Fischer

Sau khi nghe và thảo luận những báo cáo từ đại kiện tướng Taimanov, đại kiện tướng Kotov (trưởng đoàn), và huấn luyện viên Vasiukov về khâu chuẩn bị và tổ chức trận đấu Candidates giữa Taimanov và Fischer, Hội đồng Huấn luyện viên tuyên bố trận đấu đã kết thúc với một kết quả hoàn toàn không thể chấp nhận được, và chưa từng thấy trong suốt nhiều năm tranh tài tại các giải quốc tế của các kỳ thủ Liên Xô.

Taimanov cùng các huấn luyện viên của mình đã chuẩn bị nhiều về mặt chuyên môn, nhưng tinh thần thi đấu, yếu tố tâm lý, và việc tập luyện thể lực đã không được chú trọng.

Trong việc lựa chọn đấu pháp, những điểm mạnh của Fischer và trình độ kỹ thuật điêu luyện của anh ta đã bị đánh giá thấp. Chúng ta quyết định đưa Fischer vào những trận đánh chiến thuật phức tạp, đòi hỏi cần phải tính toán nhiều phương án. Đối sách này đã thất bại vì không lưu ý đến một thực tế là Taimanov lớn tuổi hơn nhiều so với Fischer, và có thể sẽ phải chịu căng thẳng nhiều hơn đối thủ. Điều đó quả thực đã xảy ra.

Những bài viết trên các tạp chí cờ của chúng ta đã nhấn mạnh quá đáng về các mặt hạn chế của Fischer, khiến cho nhiều người đánh giá sai về sức mạnh của Fischer và kết quả của trận đấu. Điều này nhất định đã ảnh hưởng tiêu cực đến Taimanov.

Hội đồng Huấn luyện viên đã không giám sát quá trình chuẩn bị cho trận đấu, mà chỉ dựa vào những báo cáo từ Taimanov và Vasiukov. Vasiukov đã không báo cáo kết quả của những trận đấu tập, những trận đấu cho thấy Taimanov không có được phong độ tốt nhất.

Sau khởi đầu không thành công, Taimanov bị mất phương hướng về mặt tâm lý, không thể thi đấu một cách kiên cường, chính xác, và đã phạm sai lầm. Kotov và Vasiukov đã không thể giúp Taimanov vượt qua tình trạng rối loạn này. Chế độ tập luyện hằng ngày cũng không đúng đắn. Dành quá nhiều thời gian cho việc phân tích, thay vì phải nghỉ ngơi.

Thế cờ tạm hoãn ở ván 5 đã được phân tích rất kém cỏi, và chẳng bao lâu sau khi tiếp tục ván đấu, Taimanov đã phạm sai lầm, khiến cho kết quả hợp lý của ván đấu bị bóp méo.

Hội đồng Huấn luyện viên muốn các kỳ thủ Liên Xô vẫn còn đang thi đấu tại Candidates Matches phải đặc biệt nghiêm túc trong trận đấu với Fischer, và thi đấu với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hội đồng chỉ thị cho Taimanov, Vasiukov, Balashov và Kotov phải đệ trình, trước ngày 20 tháng 6, một bản báo cáo chi tiết nghiên cứu về lối đánh của Fischer, cùng những kết luận lý thuyết và thực tiễn rút ra từ trận tứ kết.

Một cuộc họp đặc biệt phải được triệu tập trong tháng 7 năm nay để tổng kết lại những tài liệu có được và tiến hành lập đối sách về khai cuộc, chiến lược, chiến thuật để thi đấu với Fischer.

Hội đồng Huấn luyện viên đề nghị Uỷ ban Thể thao Liên Xô gửi một quan sát viên đến trận đấu Fischer – Larsen trong khoảng 15-20 ngày, và yêu cầu Viện Nghiên cứu Thể dục Quốc gia sớm gửi các chuyên gia đến để huấn luyện thể lực và tâm lý cho các kỳ thủ.

Hội đồng Huấn luyện viên cho rằng các tạp chí cờ định kỳ nên ngừng xuất bản, để tránh Fischer có thể sử dụng những tài liệu đó chống lại các đại kiện tướng Liên Xô.
Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện viên
Yu. Averbakh

Trận thua tan nát này gần như đã chấm dứt sự nghiệp chơi cờ của Taimanov. Chính phủ Xô Viết xem nó như là một nỗi nhục quốc gia và trừng phạt ông vì ông thậm chí đã không thể kiếm nổi một trận hòa. Họ cắt lương của ông và cấm ông xuất ngoại. Sau trận đấu, Taimanov buồn bã nói với Fischer: “Dù sao tôi vẫn còn có âm nhạc của mình” (ông là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Liên Xô).

Hãy nghe Taimanov nói về trận đấu lịch sử của mình với đối thủ:

…Trận đấu với Fischer là một niềm vui to lớn. Vâng, dù kết quả thật đáng thất vọng, nhưng tôi không có lý do gì phải xấu hổ về những gì mình đã thể hiện, đó đều là những ván cờ đầy sáng tạo…

Nhưng hơn hết, tôi vui vì định mệnh đã cho phép tôi được thi đấu với một đại kiện tướng vĩ đại. Tôi là một trong những người cuối cùng có cơ hội đối mặt với Fischer trên bàn cờ…

Tôi không nghĩ mình có cơ hội chiến thắng trong trận đấu với Fischer, nhưng có lẽ đã không đáng thua với một tỉ số như vậy. Chính Fischer cũng thừa nhận điều đó. Anh ấy nói kết quả đã không tương xứng với những trận đánh khốc liệt trên bàn cờ, và anh nghĩ khi đến ván 6 tỉ số sẽ không hơn 3,5-2,5 nghiêng về phía anh. Nhưng yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Đó là lần đầu tiên tôi chiến đấu không phải với một con người, mà là với một chiếc máy tính không biết phạm sai lầm.

Đối thủ tiếp theo của Fischer trong trận bán kết là đại kiện tướng Bent Larsen của Đan Mạch. Trận đấu này nhận được sự quan tâm cực lớn của làng cờ thế giới, đơn giản vì tỉ số khủng khiếp 6-0 trong trận tứ kết giữa Fischer và Taimanov.

Dĩ nhiên, khác với Taimanov, Larsen không xem mình là một “nạn nhân của Fischer”. Những thành công vang dội trong các giải quốc tế đưa Larsen trở thành một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới. Sau “Trận đấu thế kỷ” được vinh dự xếp ngồi bàn 1, Larsen tiếp tục chứng tỏ sức cờ mạnh mẽ của mình khi là người duy nhất đánh bại Fischer tại Palma de Mallorca 1970. Larsen cho rằng, ít nhất đây cũng sẽ là một cuộc chiến ác liệt, và có thể xem như là một trận tranh chức vô địch của phương tây.

Dù vậy, mọi người vẫn đánh giá Fischer nhỉnh hơn: Larsen đã từng thi đấu tại Candidates Matches, nhưng chưa có được thành công cụ thể nào (năm 1965 thua trong trận bán kết trước Tal, năm 1968 thua trận bán kết trước Spassky), và Larsen chưa chứng minh được mình là một mối đe dọa với các kỳ thủ Liên Xô như Fischer. Tuy vậy, kết quả trận đấu thực sự vẫn chưa rõ ràng. Chẳng hạn như Botvinnik đã viết: “Nếu bạn đánh giá các kỳ thủ chỉ từ quan điểm về cách tính toán phương án của họ, thì Fischer như một “chiếc máy tính” sẽ mạnh hơn Larsen. Nhưng nếu các kỳ thủ được đánh giá từ khía cạnh sáng tạo của họ, thì cá nhân tôi thấy Larsen thú vị hơn, lôi cuốn hơn. Anh ta có thể lóe lên những ý tưởng mà chưa từng xuất hiện trước đây. Trong khi Fischer phần lớn sử dụng những ý tưởng đã được chứng minh và đáng tin cậy”.

[​IMG]
Bent Larsen

Nhiều người ngạc nhiên khi Larsen cho biết mình sẵn sàng thi đấu ở Mỹ, trong khi vẫn còn nhiều địa điểm khác như Hà Lan, Thụy Điển và Tây Ban Nha. Petrosian có nói Taimanov đã phạm sai lầm khi đồng ý thi đấu tại Canada, vì sự khác biệt về thời gian với Moscow là quá lớn (nói chung, với một giải đấu diễn ra ở lục địa khác thì bạn nên đến trước ít nhất là 11 ngày, trong khi Taimanov đến Vancouver chỉ 6 ngày trước khi diễn ra ván đầu tiên). Quyết định này của Larsen cho thấy ông đã quá tự tin vào sức mạnh của mình! Và còn một điều nữa: trận đấu không diễn ra tại New York ngột ngạt đang trong thời kỳ nóng nhất của mùa hè, mà là tại Denver, cao 1600 mét so với mực nước biển, nên Larsen thực sự cảm thấy hài lòng. Nhưng ông không thể nào ngờ được tháng 7 năm đó lại là tháng nóng nhất trong suốt nhiều năm qua tại Denver, khi mà nhiệt độ lên đến gần 40 độ C !

[​IMG]
Trận đấu Fischer – Larsen, bán kết Candidates Matches 1971

Và điều gì đã xảy ra? Fischer hủy diệt Larsen như cái cách mà anh đã làm với Taimanov, tỉ số của một séc tennis: 6-0. Thật không thể tin nổi! Hôm đó là 9 giờ tối ngày 20 tháng 7 năm 1971, và Bobby Fischer đã làm nên một kỳ tích mà chưa từng có ai làm được. Anh nghiền nát hai tay cờ hàng đầu thế giới với một tỉ số thật đáng sợ. Anh không để thua hay hòa một ván nào, mà chỉ biết thắng và thắng. Bây giờ anh đã có chuỗi 19 trận thắng liên tiếp trước các tay cờ mạnh nhất thế giới.

Những người nghi ngờ khả năng của Fischer, đặc biệt là các kỳ thủ Xô Viết, cho rằng chiến thắng tưng bừng của anh trước Taimanov chẳng qua chỉ là một phút “loạn trí”. Nhưng việc lặp lại tỉ số thắng tuyệt đối này trước một kỳ thủ trẻ hơn, và rất được nể trọng như Larsen, đã chứng minh rằng Fischer ở một đẳng cấp của riêng mình. Robert Byrne, người theo dõi trận đấu trong sự kinh ngạc, nói rằng ông không thể nào giải thích nổi cái cách mà Bobby có thể giành đến 6 ván thắng liên tiếp trước một thiên tài cờ như Bent Larsen.

Các kỳ thủ Liên Xô cũng được an ủi phần nào, vì thất bại của Larsen giúp cho trận thua của Taimanov đỡ nhục nhã hơn. Tivi và radio trên khắp Liên Xô cũng gián đoạn chương trình để thông báo kết quả. Hàng triệu người dân Xô Viết say sưa theo dõi trận đấu, và họ bị mê hoặc bởi tài nghệ bậc thầy của Fischer. Kênh Sovietsky Sport tuyên bố: “Một phép màu đã xảy ra”.

Trong bài báo có tựa đề “Chơi cờ dưới cái nóng cháy da” (“Chess in a scorching atmosphere”), Larsen phàn nàn rằng ông gần như không thể ngủ nổi vì trời quá nóng, và do đó đã thi đấu không tốt vì bị thiếu ngủ. Spassky nói đó chỉ là “một cái cớ”. Tuy nhiên Kasparov cho rằng Spassky không hoàn toàn đúng. Việc ngủ đủ giấc đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với một kỳ thủ. Botvinnik kể lại rằng khi ông tham dự giải quốc tế Moscow lần 2 (1936), ông cũng không thể nào ngủ nổi vì trời nóng kinh khủng, và chỉ dựa vào sức trẻ – khi đó ông 25 tuổi – ông mới có thể tự ép mình tập trung và chơi tốt dù bị mất ngủ. Còn với Larsen, ông đã 36 tuổi, không còn trẻ khỏe dẻo dai như trước, nên mọi thứ rõ ràng là khó khăn hơn…

Larsen có nhắc lại trận đấu này trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2005:

Đó là một trận đấu không thể nào chịu nổi… Ban tổ chức đã chọn sai thời điểm… Tôi bị kiệt sức dưới cái nóng, còn Fischer thì đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho một tình huống như vậy. Tôi nhìn các quân cờ qua một màn sương, và do đó đã không thể chơi tốt. Đó là một cơn ác mộng mà tôi sẽ không bao giờ quên! Vận mệnh đã không cho tôi lấy một cơ hội để thắng anh ta…

Lúc đầu khi thua, tôi cũng không quá thất vọng – mọi thứ đã xảy ra! Song rất khó để quên cảm giác này và bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Tôi nghĩ mình không làm nổi…

Tuy nhiên, nếu chỉ đổ mọi thứ do trời nóng thì sẽ không công bằng cho người thắng cuộc. Không phải ngẫu nhiên mà Tal đã bình luận: “Dường như trong suốt cả trận đấu Larsen không thể chiếm ưu thế dù là chỉ một nước”.

Thất bại của Larsen quả thực đã gây ra một cú sốc còn lớn hơn cả trận thua của Taimanov. Rõ ràng những gì đã diễn ra tại Vancouver và Denver không phải do tình cờ chút nào, mà nó chỉ chứng minh một điều: một quyền lực mới đã xuất hiện trong lịch sử cờ vua!

Bây giờ, con đường tiến đến trận tranh chức vô địch thế giới chỉ còn một chướng ngại cuối cùng phải vượt qua. Và đó là ai? Không giống như các đối thủ mà Fischer đã đánh bại, đối thủ sắp tới của anh không những có kinh nghiệm dày dạn trong các trận đấu tay đôi (ba lần tham dự trận tranh chức vô địch thế giới vào các năm 1963, 1966, 1969), mà còn có một khả năng chiến đấu hiếm có. Không phải vô cớ mà người ta gọi Tigran Petrosian là “Tigran sắt” (“iron Tigran”): ông phòng thủ rất ngoan cường, có khả năng cảm nhận được mối nguy hiểm khi mà nó còn chưa xuất hiện, và sự kiên nhẫn chờ đợi để bất ngờ tung một đòn đánh chí mạng khiến đối thủ không kịp trở tay. Ông là một trong những kỳ thủ khó bị đánh bại nhất thế giới. Một đối thủ như vậy sẽ không dễ dàng để Fischer vượt qua…

[​IMG]
Tigran Petrosian

Cả hai kỳ thủ đều nổi tiếng về thành tích bất bại của mình (trong vòng 3 năm qua Fischer chỉ để thua 3 ván trong tổng số 114 ván), và cả hai đều vượt qua vòng tứ kết và bán kết mà không để thua một ván nào. Nhưng trong khi tay cờ người Mỹ đạt điểm số 100% trong các trận đấu trên, thì Petrosian chỉ giành được 2 ván thắng trong tổng số 17 ván. Và mặc dù thành tích đối đầu của họ trong các giải đấu là ngang nhau (thắng 3 thua 3 hòa 9), nhưng nhà cựu vô địch thế giới không thể lạc quan được như đối thủ của mình: Fischer chưa thua Petrosian lần nào kể từ sau giải Curacao, ngược lại anh đã buộc “Tigran sắt” phải hứng chịu hai ván thua đau đớn trong “Trận đấu thế kỷ”, và còn tiếp tục hạ gục đối thủ tại Giải vô địch cờ chớp thế giới không chính thức ở Herceg Novi. Nói ngắn gọn, lợi thế tâm lý đang thuộc về Fischer.

(Petrosian) Chủ tịch FIDE, Max Euwe, đến Liên Xô để đàm phán về trận đấu. Dần dần, vấn đề trở nên sáng tỏ. Rõ ràng trận đấu không thể được tổ chức ở Liên Xô hay Mỹ. Có hai lời đề nghị khác đến từ Yugoslavia và Argentina…

Ở Yugoslavia, tôi chưa bao giờ thi đấu thực sự thành công. Lẽ đương nhiên, tôi sợ nơi đó sẽ gợi nhắc lại những thất bại của tôi. Do đó, đề nghị của Yugoslavia bị loại bỏ. Vậy là chỉ còn Argentina. Nhưng tôi cũng không muốn đến đó để chơi một trận đấu quan trọng như thế này – Argentina nằm ở Tây bán cầu, trong lục địa Nam Mĩ, sẽ có mùa xuân ở đó, một mùa xuân nóng nực và ẩm ướt… Tuy nhiên, dường như không còn sự lựa chọn nào khác. Sau đó, khá bất ngờ, một bức điện tín từ Hy Lạp bay đến tạp chí cờ 64, tờ tạp chí mà tôi đang là biên tập viên. Fischer và tôi được mời thi đấu tại Athens với những điều kiện rất hấp dẫn. Cùng lúc đó, Gligoric gọi điện đến Moscow gặp tôi và hỏi tôi có muốn nói chuyện với Fischer không. Gligoric đề nghị được làm thông dịch viên. Nói cách khác, anh ta muốn nối máy giữa Moscow – Belgrade – New York. Tôi trích lại vài đoạn từ cuộc nói chuyện đáng nhớ đó.

Gligoric (nói với Fischer): Anh muốn thi đấu ở đâu?

Fischer: Argentina đề nghị giải thưởng lớn nhất. Ngoài ra, nước này cũng khá gần Mỹ, nơi tôi sống.

Gligoric: Anh có cho là trận đấu có thể được tổ chức ở châu Âu không?

Fischer: Tôi biết chắc những người Nga sẽ không chấp nhận Argentina, và tôi tin rằng nếu đấu ở Yugoslavia hay Hy Lạp thì sẽ không thành vấn đề với họ. Chủ yếu là họ muốn giữ trận đấu tại châu Âu. Ở Tây bán cầu, kết quả của họ, nói chung là không ấn tượng. Tôi nhớ khi đến Mỹ giao đấu hồi năm 1954, họ đã không dễ dàng giành chiến thắng. Nhưng khi đấu tại Liên Xô thì tuyển Mỹ lại thua rất chóng vánh. Những người Nga nhớ điều này, và vì thế sẽ nổ ra tranh cãi về địa điểm thi đấu.

Petrosian: Nói với anh ta rằng tôi sẽ không đến Buenos Aires. Tại sao tôi lại phải gặp anh ta ở đó? Anh ta còn trẻ và đã thi đấu hai trận ở châu Mỹ. Hãy thoả thuận một nơi khác…

Gligoric: Fischer nói những điều kiện về tài chính ở Argentina là tốt nhất.

Petrosian: Tôi hiểu điều đó, và tôi cũng không phải là người phản đối những điều kiện tốt. Nhưng còn phải xét đến những thứ khác nữa.

Gligoric: Cho chúng tôi biết, Bobby, rằng có thể có một nơi khác.

Fischer: Buenos Aires là nơi tốt nhất. Đó là một thành phố đẹp, và tiền thưởng thì tuyệt vời.

Petrosian: Đối với tôi điều quan trọng là khí hậu và môi trường chung, chứ không phải tiền.

Fischer: Tiền với ông ta không quá quan trọng vì ông ta được nhà nước hỗ trợ.

Petrosian: Fischer cũng có nhà nước, hãy để họ hỗ trợ anh ta. Tôi không còn trẻ nữa, và điều quan trọng với tôi là đấu ở đâu, chứ không phải là những lý do tài chính.

Fischer: Argentina đề nghị tiền thưởng lớn nhất và có kinh nghiệm tổ chức. Tôi tin FIDE sẽ chọn Argentina.

Khi chúng tôi nói chuyện, Gligoric dịch cho tôi câu này khác hơn: “Fischer nói dù thế nào FIDE cũng sẽ chọn Argentina.” Câu này mang tính khẳng định hơn, dù câu trước cũng khá nhấn mạnh rồi.

Petrosian (hơi tức giận): FIDE không có quyền gì ép tôi. Nếu họ cố làm điều đó, thì Fischer sẽ phải đấu ở nơi khác – chứ không phải là tôi.

Hai bên đã không thể thoả thuận được với nhau, vì vậy chỉ còn một cách đó là bốc thăm chọn nơi đăng cai. Và trong trò chơi may rủi này Fischer đã giành chiến thắng. Vào một sáng mùa thu ảm đạm, Petrosian cùng các thành viên trong đoàn Liên Xô lên máy bay, bắt đầu một cuộc hành trình 14.000 cây số: Moscow – Paris – Nice – Dakar – Buenos Aires.

Fischer đến Buenos Aires vài ngày trước khi diễn ra ván đầu tiên với Petrosian. Lần này anh không đi một mình. Larry Evans đi theo làm trợ tá cho anh, ngoài ra còn có giám đốc điều hành của USCF là Edmondson làm người đại diện. Petrosian thì có lực lượng đông đảo hơn: người quản lý, hai trợ tá, cô vợ Rona, và hai vệ sĩ.

Argentina xem trận đấu này như một sự kiện trọng đại. Tổng thống, Trung tướng Alejandro Lanusse chụp ảnh chung với hai kỳ thủ, sau đó ông tặng mỗi người một bàn cờ bằng đá cẩm thạch, và một bộ cờ bằng mã não. Một chiếc bàn cờ được đặt ngay trung tâm của sân khấu lớn ở Teatro General San Martin. Phía sau có treo lá cờ của FIDE với câu khẩu hiệu quen thuộc “Gens Una Sumus” (“Chúng ta là người một nhà”), cùng với tên của Liên Đoàn Cờ Vua Argentina. Ngoài ra còn có một người thực hiện lại nước đi của hai đấu thủ trên bàn cờ lớn để 1200 khán giả có thể theo dõi.

Các phóng viên hỏi Petrosian liệu trận đấu có diễn ra đủ cả 12 ván không, nếu tất cả các ván đều hòa (vì cả hai đấu thủ đều khó bị đánh bại). “Có thể là tôi sẽ thắng sớm”, Petrosian trả lời, và tự tin nói rằng ông không có gì ấn tượng trước Fischer. Trong khi đó Bobby hết sức thẳng thắn, bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của mình: “Tôi là kỳ thủ mạnh nhất thế giới và tôi ở đây để chứng minh điều đó. Tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này suốt 10 năm rồi. Và tôi sẽ rời Buenos Aires trước khi ván thứ 12 diễn ra”.

[​IMG]
Tôi là kỳ thủ mạnh nhất thế giới và tôi ở đây để chứng minh điều đó

Cả hai kỳ thủ đều gây ngạc nhiên cho khán giả, và cho cả chính đối thủ, khi họ gần như thay đổi lối chơi quen thuộc của mình trong ván đầu tiên. Phong cách của Petrosian là phòng thủ kín kẽ, giống như một con rắn nằm bất động cảnh giác, và sẵn sàng tấn công ngay khi đối thủ phạm phải một sai lầm nhỏ nhất. Còn lối đánh của Bobby thì gây hấn liên tục. Các chuyên gia dự đoán rằng Petrosian sẽ tiếp tục lối chơi thận trọng của mình, và cố giành lấy một trận hòa để chấm dứt chuỗi trận thắng của Fischer. Nhưng không. Petrosian chủ động tấn công, và buộc Bobby phải rơi vào thế phòng thủ mà anh vốn rất khó chịu, đặc biệt khi anh lại đang cầm quân Trắng. Petrosian thực hiện một nước đi mới trong khai cuộc, và không nghi ngờ gì đó chính là một chiêu độc từ các lý thuyết gia Liên Xô. Khi thế cờ đang hoàn toàn cân bằng thì đột nhiên… cúp điện. Cả nhà hát chìm trong bóng tối. Fischer hỏi, “Chuyện gì vậy? Chuyện gì vậy?”. Các kỳ thủ được cho biết cầu chì bị nổ và phải mất vài phút để thay thế. Trọng tài dừng đồng hồ trận đấu. Petrosian rời khỏi bàn; còn Fischer và 1200 khán giả thì vẫn tiếp tục ngồi trong màn đêm yên tĩnh. Nhưng sau đó, Petrosian phàn nàn rằng Fischer vẫn đang ngồi nghiên cứu thế cờ – hoàn toàn trong bóng tối – và do đó đồng hồ của anh phải để chạy. Fischer đồng ý, và Lothar Schmid, trọng tài người Đức, cũng là một đại kiện tướng, nhấn đồng hồ. Fischer ngồi yên lặng, tiếp tục hình dung thế trận trong đầu và tính toán các phương án. 11 phút sau, điện có trở lại.

[​IMG]
Trận đấu Fischer – Petrosian, chung kết Candidates Matches 1971

Sự cố ngoài ý muốn này dường như đã khiến Petrosian mất tập trung, vì sau đó ông đã phạm phải vài sai sót và đầu hàng ở nước thứ 40. Đây là trận thắng thứ 20 liên tiếp của Bobby Fischer. Các phóng viên vây quanh hai kỳ thủ khi họ rời sân khấu, nhưng cả hai đều vội vàng rời khỏi nhà hát, và từ chối đưa ra bất cứ nhận xét nào.

Bobby bị cảm nặng ở ván thứ 2. Và một lần nữa, hai đấu thủ đổi phong cách cho nhau: Petrosian tấn công, Fischer phòng thủ. Không thể tập trung hết sức vào ván đấu, Bobby nhận ra rằng anh không đủ sức chơi tốt ở ván này, và buộc phải bắt tay xin hàng vì Petrosian công phá quá dũng mãnh. Đám đông như phát điên. Vợ của Petrosian lao lên sân khấu và ôm chầm lấy ông. Vài khán giả hô to: “Tigran! Tigran!”, và những lời chúc mừng chiến thắng kéo dài từ hành lang ra tận đường phố. Vài kỳ thủ thậm chí còn ùa lên sân khấu để công kênh Petrosian, nhưng họ đã bị ngăn lại. Petrosian đã làm được điều mà các kỳ thủ giỏi nhất thế giới không thể làm được trong suốt 9 tháng qua: đánh bại Bobby Fischer.

3 ván tiếp theo đều hòa. Và đó là tất cả những gì mà Petrosian làm được. Fischer thắng liên tiếp hai ván 6 và 7. Và bây giờ, với một sự tự tin cao độ về cơ hội chiến thắng ở cả hai ván 8 và 9 trước Petrosian, Bobby chính thức tuyên bố rằng anh sẽ phế truất Spassky. Khi ván 8 diễn ra, điện lại cúp, nhưng lần này chỉ trong 8 phút, và không ảnh hưởng gì đến kết quả trận đấu. Cả hai kỳ thủ đều chọn lối chơi tấn công, nhưng Petrosian phải chịu thua, và Fischer thắng tiếp ván thứ 4. Có thể nói đến lúc này không còn gì có thể ngăn cản nổi Fischer.

[​IMG]

Khi bắt đầu ván 9, hơn 10,000 fan hâm mộ tập trung khắp phòng thi đấu, hàng lang, và cả trên đường phố. Thậm chí ở Nga cũng tụ tập một số lượng lớn chưa từng thấy những người yêu cờ. Petrosian đầu hàng ở nước thứ 46, và Bobby Fischer đã chính thức trở thành người thách đấu tranh ngôi vô địch thế giới. Đối đầu với nhà cựu vô địch thế giới được xem như một trong những kỳ thủ khó bị đánh bại nhất, Bobby đã thắng 5 ván, hòa 3 ván, thua 1 ván, tổng tỉ số là 6,5-2,5. Có lẽ không bao giờ Petrosian tưởng tượng nổi ông lại bị thua đến 4 ván liên tiếp như vậy, và phải cay đắng nhường quyền chơi trận tranh chức vô địch thế giới cho Fischer.

Kết quả trận đấu tại Buenos Aires đã làm rúng động làng cờ thế giới. Botvinnik, người không tin vào những điều thần bí, một lần nữa, sau trận đấu tại Denver, phải nhắc đến những phép màu: “Thật khó để nói về những trận đấu của Fischer. Từ lúc anh ta bắt đầu chơi, phép màu đã xuất hiện. Trận đấu với Taimanov vốn đã ngạc nhiên, trận với Larsen còn gây kinh ngạc hơn, và cuộc đấu Petrosian – Fischer cũng hoàn toàn gây choáng váng. Hai trận tứ kết và bán kết mọi thứ đều rõ ràng với chúng ta, nhưng những gì đã diễn ra tại Buenos Aires đến giờ vẫn còn là điều bí ẩn. Từ ván 1 đến ván 5, Petrosian về cơ bản là áp đảo, nhưng ở 4 ván còn lại ông ấy đã “rơi xuống” trình độ của Taimanov và Larsen… Nói chung Spassky vẫn mạnh hơn Fischer. Tôi tin chắc như vậy. Nhưng trận đấu giữa họ sẽ diễn ra như thế nào, đặc tính và kết quả ra sao, tôi không dám liều lĩnh tiên đoán, vì thời gian gần đây đã có quá nhiều phép màu xảy ra”.

Về phần mình, Spassky nói: “Tôi phải nói rất thành thật rằng Fischer đã thi đấu xuất sắc. Lối chơi của anh ta thật hay, thật ấn tượng. Trong khi ở 5 ván đầu tiên chúng ta chỉ thấy Petrosian, không hề thấy Fischer, thì ở 4 ván cuối cùng chúng ta chỉ thấy Fischer, không hề thấy Petrosian. Tôi nghĩ lý do chính khiến Petrosian thất bại ở giai đoạn sau của trận đấu là vì ông ấy đã không chuẩn bị sẵn tinh thần cho một cuộc chiến không khoan nhượng”.

Chặng đường tiến đến trận tranh chức vô địch thế giới của Bobby Fischer:

Fischer bây giờ đã trở thành kỳ thủ đầu tiên không thuộc Liên Xô trong hơn 3 thập kỷ qua thi đấu để tranh ngôi vua cờ. Trong suốt nhiều năm trận tranh chức vô địch thế giới chỉ là chuyện nội bộ của Liên Xô, nên họ luôn đảm bảo được vòng nguyệt quế danh giá không bao giờ tuột khỏi tay mình. Chiến thắng này giúp Fischer nhận được 7500 USD tiền thưởng cộng thêm 3000 USD từ phía Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ. Quan trọng hơn, anh đã gây ra một hiện tượng chưa từng thấy ở Mỹ trước đây: các bộ cờ đồng loạt được bán giảm giá trên 20%; hầu như mọi tạp chí và báo đài trên khắp đất nước đều kể về câu chuyện huyền thoại của Fischer, với bức ảnh chụp anh trong ván cuối cùng với Petrosian. Tờ New York Daily News in lại toàn bộ các ván cờ, còn The New York Times thì đăng tải câu chuyện về anh ngay trên trang nhất. Lần cuối cùng một thông tin về cờ được đăng trên trang nhất của Times là vào năm 1954, khi đội tuyển Liên Xô đến Mỹ du đấu, cái ngày mà Carmine Nigro dẫn cậu bé Bobby Fischer 11 tuổi đến xem, rồi sau đó cả hai buồn bã quay trở lại Brooklyn khi tuyển Mỹ thất trận…

Bobby Fischer bây giờ đã trở thành anh hùng dân tộc. Sau khi trở về nhà, anh liên tục xuất hiện trên tivi và gương mặt anh đã trở nên quá quen thuộc với mọi người dân New York. Ai cũng hỏi xin anh chữ ký. Tên của anh đã trở thành cái tên cửa miệng, và anh còn nổi tiếng hơn cả ngôi sao nhạc pop. Giờ đây anh sẽ phải chiến đấu với đương kim vô địch thế giới người Liên Xô, Boris Spassky, để mang bằng được danh hiệu cao quý về cho đất nước mình. Cuộc Chiến Tranh Lạnh, bây giờ không phải được quyết định trên chiến trường, hay trong những cuộc gặp ngoại giao, mà là cuộc đấu trí giữa 32 quân cờ bí ẩn với nhau: Bobby Fischer và Boris Spassky.

Boris Spassky – đương kim vô địch thế giới, là một kỳ thủ rất mạnh trong đấu tay đôi, mạnh hơn khi chơi trong các giải thông thường. Bên cạnh đó, anh còn có kết quả đối đầu ấn tượng 3-0 (với 2 trận hòa) trước Fischer, nên càng tăng cho anh phần tự tin. Vì thế, Boris Vasilievich chẳng bao giờ e sợ đối thủ người Mỹ. Và có vẻ như chiến thắng mới đây của anh trước Fischer tại Olympic ở Siegen đã hoàn toàn làm giảm nhiệt huyết trong anh, và đánh mất khát khao làm việc nghiêm túc trên bàn cờ. Anh không nghi ngờ gì về chiến thắng của mình, và tin rằng sẽ khiến cho tay cờ người Mỹ không còn huênh hoang được nữa. Anh thậm chí còn gọi Bobby là “glass-jawed” – một từ chỉ những tay đấm quyền Anh không thể trả đòn được, và sẽ bị vỡ nát như thủy tinh…

[​IMG]
Boris Spassky năm 17 tuổi (phải) và Mark Taimanov

Trong khi đó, Petrosian không che giấu sự quan tâm của mình: “Tôi phải cảnh báo Spassky rằng Fischer được trang bị tất cả những ý tưởng mới trong cờ vua. Ngay khi Fischer giành được một lợi thế nhỏ nhất, anh ta bắt đầu chơi như một cái máy. Bạn thậm chí không thể hy vọng vào một sai lầm nào đó. Fischer là một kỳ thủ khá khác thường, và trận đấu của anh ta với Spassky sẽ rất ác liệt”.

Botvinnik cũng hơi kém lạc quan hơn. Cách đây không lâu ông đoan chắc với nhân dân Xô Viết rằng: “Spassky không có lý do gì phải sợ Fischer… Năm 1972 và 1975 anh ta có thể bảo vệ được danh hiệu của mình”. Sau khi kết thúc Candidates Matches giọng điệu của ông thay đổi rõ rệt: “Fischer tính toán các phương án rất tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng về mặt này anh ta mạnh hơn bất kỳ ai, kể cả Spassky. Anh ta quyết định rất nhanh và biết định hướng đúng đắn trong một trận chiến phức tạp. Fischer nổi bật nhờ trình độ kỹ thuật điêu luyện. Anh ta có một nguyên tắc: ý thức hoặc tiềm thức, anh ta luôn hành động rất hợp lý trên bàn cờ. Fischer mạo hiểm khi và chỉ khi anh ta biết rõ về phương án đó. Việc tìm kiếm những điều mới mẻ trong cờ vua không phải là điểm mạnh của Fischer, và có lẽ phát hiện này không tương xứng với sự chuẩn bị toàn diện của anh ta. Nhưng anh ta biết mọi thứ được công bố, kiểm nghiệm mọi thứ trên bàn cờ, và bổ sung nó vào kho vũ khí của mình”.

[​IMG]
Kỳ thủ Boris Spassky

Khi được nhắc về thành tích đối đầu không tốt trước Spassky, Fischer tỏ ra không quan tâm: “Đúng, Spassky đã đánh bại tôi gần đây, nhưng những ván cờ đó không quan trọng”. Trong quá trình thi đấu với Petrosian, Fischer có phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Newsweek rằng: “Bất cứ ai có hiểu biết về cờ cũng đều biết rằng tôi là nhà vô địch thế giới, về mọi mặt chỉ trừ cái tên, trong suốt 10 năm qua. Điều này không có nghĩa là tôi sẽ luôn giành chiến thắng: những tay cờ Liên Xô làm mọi thứ có thể và không thể để phá tôi. Nhưng tôi biết rằng hôm nay tôi có thể đánh bại Spassky – dĩ nhiên, nếu vào lúc đấu với Spassky tôi cũng chơi được như bây giờ”.

Fischer hầu như không phải là nói ngoa. Anh cảm nhận được mình càng lúc càng mạnh lên, trong khi đó, khách quan mà nói, phải thừa nhận rằng Spassky đã sa sút mất rồi. Sau khi đạt đến đỉnh cao với chức vô địch thế giới, Spassky gần như thiếu động lực thi đấu, anh bắt đầu thi đấu ít hơn và đánh mất sự nỗ lực phấn đấu như trước đây. Tuy nhiên, trong một trận đấu mang tính chất sống còn như thế này, người ta hy vọng rằng nhà vô địch sẽ thể hiện sức mạnh của mình! Bảng thành tích quá tốt trước Fischer đã chứng tỏ Spassky chính là đối thủ nguy hiểm nhất của tay cờ người Mỹ.

Ngoài ra, đứng đằng sau Spassky là toàn bộ các trường cờ ở Liên Xô. Ngay khi trận đấu được khởi động, Ủy Ban Thể Thao Liên Xô đã làm một cuộc tổng động viên! Tất cả các đại kiện tướng biết rõ về Fischer đều được tận dụng tối đa kinh nghiệm của họ. Vấn đề được tóm gọn bởi Botvinnik: “Nếu chúng ta muốn đánh thắng Fischer, chúng ta phải thừa nhận anh ta không là một thiên tài, cần phải nghiên cứu những điểm mạnh và điểm yếu của anh ta, như Alekhine đã làm trong trận đấu năm 1927 với Capablanca, người cũng được xem là một thiên tài…”

Để cho Bobby hài lòng, Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ cấp cho anh một phòng tại khách sạn Henry Hudson vào đầu năm 1972. Ngoài ra mục đích của họ cũng là vì Bobby sắp sửa chơi trận tranh chức vô địch thế giới rất quan trọng với Boris Spassky, nên các luật sư của Bobby cũng như các vị lãnh đạo Liên Đoàn cần phải biết Bobby ở đâu mọi lúc mọi nơi. Mọi người đều quá rõ tính khí thất thường của anh. Những câu hỏi gần như đặt ra hằng ngày về vấn đề tiền thưởng, lịch thi đấu, và địa điểm tổ chức.

Cho đến thời điểm đó, cuộc sống của Bobby phần nhiều là nay đây mai đó, vì anh phải thi đấu hết giải này đến giải khác. Bất cứ lúc nào anh quay lại Brooklyn để chuẩn bị cho giải đấu mới, anh cũng có khuynh hướng tự cô lập mình trong căn hộ. Anh thường ngắt điện thoại và tự giam mình, có khi trong nhiều tuần. Vì vậy khách sạn Henry Hudson sẽ là một địa điểm thoải mái hơn. Đó là nơi Bobby đã từng giành vài chức vô địch Mỹ, bất cứ khi nào anh cảm thấy cô đơn trong phòng và muốn chơi cờ hay nói chuyện về cờ, anh chỉ cần đi thang máy xuống vài tầng và bước vào câu lạc bộ cờ Manhattan. Cũng như hều hết các kỳ thủ danh tiếng khác, anh luôn được nơi đây trải thảm đỏ đón chào bất cứ khi nào anh đến.

Khi Iceland được chọn làm nơi tổ chức trận đấu, Bobby bay ngay đến thủ đô của nước này, Reykjavik, để khảo sát địa điểm. Anh được khuyến khích thi đấu tại đây bởi Freysteinn Thorbergsson, một kỳ thủ người Iceland từng hòa với Bobby tại một giải đấu ở Reykjavik năm 1960. Nhưng chủ tịch của Liên Đoàn Cờ Vua Iceland, Gudmundur Thorarinsson, thì lại cảnh giác trước Bobby. Thorarinsson muốn trận đấu tổ chức tại đất nước mình, nhưng cũng e ngại Bobby sẽ yêu sách này nọ.

Trong lúc các cuộc thương thảo về tiền thưởng tiếp tục diễn ra, thì cả Fischer và Spassky đều ráo riết luyện tập. Những sự chuẩn bị của Spassky khác nhiều so với Taimanov và Petrosian, không nói đến Larsen. Trong khoảng gần 1 năm, một cuộc làm việc quy mô về mọi phương diện được tiến hành, từ những ván cờ của Fischer cho đến từng khía cạnh nhỏ nhất trong tính cách của anh ta, đều được soi xét kỹ lưỡng. Các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, cũng như các tổ chức y tế và khoa học được mời tham gia công tác huấn luyện. Đợt huấn luyện dài 5 tháng của nhà vô địch được tiến hành tại các viện điều dưỡng và nhà nông thôn ở Nga. Chẳng hạn, Spassky và các huấn luyện viên của mình được cấp nhà của Hội Đồng Bộ Trưởng Liên Xô (USSR Council of Ministers ) ở Arkhyz (phía bắc Caucasus), nơi Thủ Tướng Liên Xô Kosygin và Tổng Thống Phần Lan Kekkonen hay đến thư giãn vào mùa hè. Quá trình chuẩn bị của Spassky được giám sát bởi Pyotr Demichev, thư ký của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản (Communist Party Central Committee).

Mùa hè năm 1971, một cuộc tập huấn đặc biệt được tiến hành với sự tham gia của Boleslavsky, Polugaevsky, Shamkovich và Vasiukov, nhằm nghiên cứu những ván cờ của Fischer, bao gồm cả các ván trong trận đấu với Taimanov và Larsen. Một bản báo cáo dày 26 trang được chuyển đến tận tay Petrosian, và chuyển đến cả Spassky – phòng trường hợp “Tigran sắt” không thể cản nổi tay cờ người Mỹ.

Một bản báo cáo công phu và tỉ mỉ mà chúng ta có thể thấy rõ qua phần kết dưới đây:

Từ những khía cạnh khác nhau trong lối chơi của Fischer mà chúng ta vừa khảo sát, chúng ta đã có thể dựng nên một bức tranh tổng thể về tay cờ người Mỹ. Những nét đặc trưng của Bobby Fischer đó là lối đánh tấn công, chơi khai cuộc chính xác và hết sức hiệu quả (những sai lầm của đối thủ ở giai đoạn này sẽ không bao giờ được anh ta “tha thứ”); có sự liên kết chặt chẽ giữa khai cuộc và trung cuộc; chiến đấu rất kiên cường, theo đuổi những mục tiêu chiến lược rõ ràng và đơn giản, và tận dụng triệt để bất cứ ưu thế nào giành được.

Nói chung, lối chơi của Fischer mang màu sắc chiến lược – thế trận (từ đầu ván cho đến cuối ván bị chi phối bởi một kế hoạch rõ ràng), nhưng anh ta cũng có rất nhiều đòn đánh chiến thuật. Chiến thuật trong lối chơi của Fischer được kết hợp hài hoà với lối đánh thế trận. Đặc biệt, khi cầm Đen, anh ta thường cố tình chơi cực kỳ phức tạp, vì như thế sẽ tạo cơ hội cho anh ta tận dụng các đòn chiến thuật, “khả năng tính toán”, và kỹ năng phối hợp các quân xuất sắc. Nhưng thậm chí trong những thế trận sôi động như vậy, Fischer vẫn luôn giữ cách đánh “kinh điển” của mình: nếu anh ta không tìm được một phương án cụ thể nào để dứt điểm đối thủ ngay trong trung cuộc, anh ta sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội đơn giản hoá thế trận để đưa vào một tàn cuộc lợi thế.

Trong tàn cuộc, gần như ở tất cả các dạng (đặc biệt là những tàn cuộc phức tạp và có mặt các quân nhẹ như Tượng, Mã), Fischer không những có kỹ năng rất cao mà còn chiến đấu không biết mệt mỏi. Nói chung, sự lão luyện trong tàn cuộc là một trong những điểm mạnh nhất của anh ta. Trong những thế cờ phải phòng thủ, đặc biệt là nếu có tiềm tàng cơ hội phản công, Fischer cũng cực kỳ xuất sắc.

Tay cờ người Mỹ luôn chơi nhanh và tự tin, không hề do dự trong việc lựa chọn một kế hoạch để theo đuổi. Vì vậy, anh ta hầu như không bao giờ bị rơi vào tình trạng thiếu thời gian. Fischer tin vào trực giác thế trận của mình và sự nghiên cứu chuyên sâu đã chuẩn bị ở nhà. Nhờ sự điềm tĩnh cùng khả năng tự chủ cực tốt, anh ta ít khi bất cẩn hoặc có những quyết định sai lầm. Nói ngắn gọn, anh ta thực sự là một tay cờ rất lợi hại.

Cũng cần nói thêm rằng, trong số các đặc điểm về lối chơi của Fischer, có một vài đặc điểm có vẻ xung khắc nhau. Khi cầm Trắng, anh ta hầu như luôn đưa đối thủ vào những thế trận rất phức tạp, và trong một số khai cuộc (như Phòng thủ Sicilian) còn cố gắng dứt điểm bằng một đòn đánh “knock out”. Mặt khác, thỉnh thoảng anh ta lại lựa chọn cách chơi đơn giản, lái ván cờ về những thế trận đơn giản và thậm chí vào trong tàn cuộc (ví dụ trong biến đổi quân của khai cuộc Ruy Lopez), giai đoạn mà anh ta tỏ ra rất nguy hiểm. Lối chơi của Fischer khi cầm Trắng một mặt chịu ảnh hưởng lớn từ Alekhine, mặt khác lại chịu ảnh hưởng từ Capablanca.

Với quân Đen, Fischer lại chơi theo kiểu khác: anh ta thường tìm những thế trận phức tạp nguy hiểm cho cả hai bên, tránh những phương án chính xác chỉ đơn thuần dẫn đến một sự cân bằng tẻ nhạt. Nhưng đây không phải là nét độc đáo của riêng Fischer: nhiều kỳ thủ cũng chơi như vậy. Điều đáng nói là khi cầm Đen, Fischer thể hiện tài nghệ đặc biệt trong cách sử dụng các quân và khả năng tổ chức phản công.

Fischer sẵn sàng hi sinh một chốt để thực hiện các mục tiêu chiến lược, nhưng anh ta cũng thường ăn những con chốt “tẩm thuốc độc” (hoặc có vẻ “tẩm thuốc độc”), và chấp nhận rơi vào thế phòng ngự tích cực. Fischer xuất sắc cả trong tấn công lẫn phòng ngự, cả trong lối chơi chiến thuật phức tạp lẫn lối chơi đơn giản.

Những sự đối nghịch như vậy của Fischer, chỉ chứng minh rằng anh ta có một tiềm lực về cờ cực kỳ rộng lớn. Nhưng có phải tất cả những điều này nói lên rằng anh ta là một kỳ thủ toàn diện và không có điểm yếu?

Đã có rất nhiều bài viết nói về những nhược điểm của Fischer, thực tế và cả tưởng tượng. Họ nói rằng những kế hoạch của anh ta đã được tiêu chuẩn hoá, rằng anh ta có trí tưởng tượng nghèo nàn trong khai cuộc, rằng anh ta bối rối khi gặp phải một khai cuộc không quen thuộc, rằng anh ta là một nhà phân tích tầm thường, v.v… Ngày nay, một cuộc nghiên cứu công bằng và cẩn thận về lối chơi của anh ta cho thấy hầu hết những nhược điểm đó hoặc là đã bị phóng đại, hoặc đơn giản là không hề có. Những dự đoán về việc Fischer chỉ là “một tay cờ thi đấu tay đôi kém cỏi”, rằng những thất bại sẽ làm anh ta nản chí, rằng phần lớn những chiến thắng của anh ta chỉ là trước các đối thủ yếu hơn, v.v… đã được chứng minh rằng đó đều là những nhận xét cực kỳ chủ quan và vô căn cứ. Màn trình diễn của anh ta đã bác bỏ tất cả những luận điệu đó.

Tuy nhiên, cho đến giờ Fischer vẫn chưa thể được xem là một kỳ thủ toàn diện như Alekhine hay Spassky. Lối chơi của anh ta không phải là không có khuyết điểm, mà chúng ta cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị cho trận đấu với anh ta:

1/ Hệ thống khai cuộc mà anh ta lựa chọn chỉ có giới hạn. Điều này, dĩ nhiên, không có nghĩa là khả năng sáng tạo của anh ta có giới hạn, vì bù lại anh ta nghiên cứu rất sâu và có kiến thức rất vững chắc về những hệ thống mà anh ta ưa chuộng. Tuy vậy, cũng có lúc chúng để lộ ra những kẽ hở nghiêm trọng (như đã xảy ra trong ván đấu giữa anh ta với Larsen tại Interzonal Tournament), và gây khó khăn cho Fischer. Anh ta chỉ có một vài hệ thống khai cuộc để dự trữ.

2/ Fischer không thật tự tin trong những kiểu thế trận đóng, mà anh ta thường có khuynh hướng lảng tránh. Việc điều quân – trong những thế trận với trung tâm khoá kín – Spassky và Petrosian có vẻ trội hơn anh ta.

3/ Những thay đổi lớn về tình thế trên bàn cờ – mà cụ thể hơn, là việc đánh mất định hướng chiến lược, thường làm cho Fischer bối rối. Minh chứng cho vấn đề này là ván cờ của anh ta với Spassky (tại Olympic Siegen 1970) và với Larsen (tại Palma de Mallorca 1970).

4/ Fischer lẩn tránh những tàn cuộc bị thất thế, mặc dù anh ta rất giỏi tàn cuộc. Trong một trận đấu, điều này có thể gây khó khăn cho anh ta. Trong trường hợp Spassky, Petrosian hay các kỳ thủ khác có một thế trận kém hơn, thì họ nên tìm cách đưa về tàn cuộc. Bằng cách phòng thủ kiên cường, họ có thể thủ hoà được. Fischer gần như chắc chắn sẽ lựa chọn một trung cuộc phức tạp, mà ở đó, khách quan mà nói, có ít cơ hội để thủ hoà. Điều này phản ánh sự lạc quan và không thích hoà cờ của anh ta, nhưng chính nó có thể khiến cho anh ta bị trừng phạt bởi những đối thủ giàu kinh nghiệm.

5/ Fischer thường thích ăn chốt của đối phương, nhưng việc giành lợi thế về quân số này không phải lúc nào cũng đúng đắn. “Thói quen” này đã hơn một lần khiến anh ta rơi vào tình thế nguy hiểm, dù chưa có ai thành công trong việc trừng phạt anh ta. Nhưng ở đẳng cấp cao nhất, chúng ta có thể và nên tận dụng điều này để đánh bại anh ta.

Để tóm lại, hai ý đồ sau là những nguyên tắc có thể sử dụng khi thi đấu với Fischer:

A. Chiến đấu trong chính sở trường của Fischer: táo bạo chấp nhận thách thức trong các khai cuộc ưa thích của anh ta, tìm kiếm sai sót trong các hệ thống đó; ở trung cuộc hãy theo đuổi một chiến lược rõ ràng, nhưng trong một vài trường hợp cũng đừng lảng tránh những tình huống chiến thuật phức tạp, hoặc trong các trường hợp khác, hãy đơn giản hoá thế trận và chuyển về một tàn cuộc có lợi hơn.

Đó là chiến thuật đã giúp Alekhine giành chiến thắng trong trận đấu với Capablanca, vì ở một vài phương diện, ông ấy đã chứng minh mình uyên thâm và tính xa hơn đối thủ người Cuba.

B. Ở khai cuộc, hãy sử dụng những hệ thống mà Fischer ít quen thuộc do bản tính bảo thủ của anh ta. Điều này tương đối đơn giản khi cầm Trắng và không quá khó khi cầm Đen. Trong trung cuộc, hãy tránh, bất cứ khi nào có thể, những tình huống chiến thuật phức tạp.

Khi thực hành, những đại kiện tướng sắp có những cuộc đối đầu khó khăn với Fischer cần phải phối hợp khéo léo cả hai phương pháp (A và B), và chuyển đổi từ phương pháp này sang phương pháp khác.
Các đại kiện tướng
I. Boleslavsky, L. Polugaevsky,
L. Shamkovich và E. Vasiukov

Tuy nhiên, nói là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác. Dẫu đã nghiên cứu kỹ lưỡng như thế nhưng Petrosian vẫn thảm bại trước Fischer tại Buenos Aires. Vậy là bây giờ chỉ còn “pháo hạng nặng” Spassky. Như Sergey Pavlov, người đứng đầu Ủy Ban Thể Thao, báo cáo với Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản rằng, “một hội đồng cố vấn đã được thành lập, bao gồm các cựu vô địch thế giới Botvinnik, Smyslov, Petrosian và Tal, cùng với các đại kiện tướng Averbakh, Korchnoi, Keres và Kotov, để hỗ trợ cho nhà vô địch thế giới”.

Nhưng mọi thứ không chỉ giới hạn ở hội đồng cố vấn. Trong một động thái chưa từng có, các kỳ thủ hàng đầu của đất nước đều bị buộc phải có mặt ở Ủy Ban Thể Thao với những tập báo cáo chứa đánh giá của họ về phong cách và lối chơi của Fischer, và của cả Spassky. Tất cả đều được thực hiện trong sự bí mật tuyệt đối. Đó là vấn đề của bí mật thư tín, không có ý định công khai, và chỉ được công bố lần đầu tiên sau hai thập niên trong quyển sách “Russians vs Fischer”. Reshevsky một lần đã từng bình luận: “Những người Nga luôn thi đấu như một đội”. Có lẽ Bobby Fischer cũng đoán được những chuyên gia giỏi nhất của Liên Xô sẽ giúp đỡ Spassky trong quá trình chuẩn bị, nhưng nếu anh biết được có đến 3 cựu vô địch thế giới, và 2 ứng cử viên cho chức vô địch thế giới – Smyslov, Tal, Petrosian, Keres, Korchnoi – lao vào cuộc chiến với anh, hẳn anh sẽ rất lấy làm hãnh diện!

Sự lựa chọn này không phải là ngẫu nhiên: cả 5 danh kỳ trên đều đã từng nhiều lần giao chiến với Fischer và Spassky, nên họ đều có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ. Tất cả các báo cáo đều là độc nhất theo cách riêng của họ.

Dưới đây là một vài chi tiết đáng chú ý trong bản báo cáo của Keres, so sánh điểm mạnh và điểm yếu của Fischer và Spassky:

GỬI LIÊN ĐOÀN CỜ VUA LIÊN XÔ, MOSCOW

Các đồng chí thân mến,

Liên quan đến bức thư mà các anh đã gửi ngày 21 tháng 2 năm 1972 về sự chuẩn bị của Nhà Vô địch Thế giới Boris Spassky cho trận đấu với Robert Fischer, tôi xin đưa ra ý kiến của tôi xung quanh những câu hỏi mà các anh đã đặt ra.

1/ Về những điểm mạnh và điểm yếu của Fischer

Nói chung, Fischer giỏi ở cả ba giai đoạn khai, trung, tàn, điều đó phù hợp với một kỳ thủ ở đẳng cấp như anh ta. Anh ta nghiên cứu kỹ lưỡng khai cuộc và phân tích cặn kẽ tất cả các phương án mà anh ta sẽ sử dụng. Tôi không nghĩ ai đó có thể thách thức được Fischer trong những khai cuộc “ưa thích” của anh ta. Ở những khai cuộc mà anh ta ít quen thuộc, Fischer tỏ ra kém tự tin hơn và thường nhường thế chủ động cho đối thủ.

Tuy kho vũ khí khai cuộc của Fischer có giới hạn, nhưng anh ta có kiến thức rất uyên bác về những ý đồ và phương án mà anh ta sử dụng. Điều này cho thấy trong quá trình chuẩn bị, chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến những loại khai cuộc mà Fischer ít khi lựa chọn.

Fischer khá giỏi trong tàn cuộc và thể hiện một trình độ kỹ thuật cao. Anh ta đã nghiên cứu tỉ mỉ tất cả các dạng tàn cuộc và chơi rất xuất sắc. Như hầu hết các kỳ thủ, Fischer chơi chính xác hơn trong những tàn cuộc mà anh ta chiếm thế chủ động. Khi phải phòng thủ, anh ta chơi kém ấn tượng hơn, nhưng không được đánh giá thấp khả năng xoay chuyển tình thế của anh ta.

Trung cuộc có lẽ là điểm yếu tương đối của anh ta, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào trung cuộc đó như thế nào. Nếu đó là trung cuộc xuất phát từ khai cuộc ưa thích của Fischer, thì anh ta chơi cực kỳ sáng tạo và thường thể hiện một kỹ năng bậc thầy. Nhưng trong những thế trận mà anh ta ít quen thuộc, thì Fischer không phải lúc nào cũng lựa chọn được kế hoạch tốt nhất, có thể phạm sai lầm, và có phần kém tự tin.

Tôi nghĩ bất kỳ ai đấu với Fischer đều cần phải tránh những trung cuộc xuất phát từ khai cuộc ưa thích của anh ta, vì đó là những thế cờ mà anh ta hiểu biết rất sâu sắc. Fischer lao động rất chăm chỉ trên bàn cờ, và cơ hội tìm ra sai sót trong những thế trận sở trường của anh ta là rất mỏng manh.

Fischer giỏi tính toán, là một chiến thuật gia xuất sắc và luôn tìm kiếm một trận đánh mở. Khi thế chủ động nằm trong tay anh ta và có cơ hội để tấn công, thì anh ta sẽ trở nên nguy hiểm hơn bất kỳ ai. Anh ta không thích những thế trận đóng, vì không có được những mục tiêu chiến lược rõ ràng và phải dựa vào việc điều quân lâu dài. Và dĩ nhiên, như bất cứ kỳ thủ nào khác, những ván cờ của Fischer mất đi sự bén nhọn khi anh ta ở vào thế bị động, không có cơ hội để thực hiện các đòn phản công chiến thuật.

2/ Điểm mạnh và điểm yếu của Spassky

Tôi nghĩ Spassky là một kỳ thủ rất toàn diện. Anh ta thể hiện một trình độ cao ở cả ba giai đoạn khai, trung, tàn.

Kho vũ khí khai cuộc của Spassky khá rộng lớn, lớn hơn nhiều so với đối thủ. Nhưng anh ta không có được những vũ khí hoàn hảo như Fischer. Tôi nghĩ nhà vô địch thế giới cần phải lựa chọn một vài khai cuộc nào đó, phân tích hết mọi khía cạnh và sau đó thử nghiệm chúng trong các trận đấu tập. Và không chỉ tập với một hay hai người, mà là với nhiều đối thủ có phong cách khác nhau.

Tôi nghĩ Spassky mạnh nhất là ở trung cuộc. Anh ta thường tăng tốc và chơi rất hay ở giai đoạn này. Spassky xuất sắc cả trong tấn công lẫn phòng ngự, cả trong các trận mở cũng như những thế phải điều quân phức tạp. Việc một trung cuộc có xuất phát từ khai cuộc ưa thích của anh ta hay không là không quan trọng. Tôi nghĩ Spassky trội hơn đối thủ trong một trung cuộc tự do và mang tính sáng tạo.

Spassky có kỹ thuật tàn cuộc tốt ở cả thế cờ phức tạp lẫn thế cờ chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật. Tôi khuyên Spassky nên chú ý đến những tàn cuộc lý thuyết đơn giản và ôn lại phần này.

Theo tôi nghĩ Fischer tính toán phương án giỏi hơn Spassky. Fischer tính chính xác hơn và hầu như không bao giờ tính sai, trong khi Spassky thỉnh thoảng lại mắc sai sót. Có lẽ khi đấu tập cần phải luyện thật nhiều các thế cờ phức tạp đòi hỏi sự chính xác trong tính toán, rồi sau đó cùng nhau phân tích lại.

(Gợi ý sử dụng khai cuộc để thi đấu với Fischer…)

Đó là vài nhận xét mà tôi hy vọng rằng sẽ giúp đỡ nhà vô địch thế giới trong quá trình chuẩn bị của anh ấy. Tôi phải giữ cho những nhận xét thật tổng quát, và nếu Boris muốn tôi nói chi tiết hơn về một số vấn đề nào đó, tôi sẽ rất sẵn lòng.
Chân thành,
P. Keres
20 tháng 3 năm 1972

Còn sự chuẩn bị của Fischer thì sao? Anh rời khách sạn Henry Hudson để di chuyển đến Grossinger’s, một khu liên hợp khách sạn khổng lồ ở Ferndale, được dùng làm trại tập luyện của anh trong 4 tháng trước trận đấu. Grossinger’s giải tỏa hết những áp lực của Bobby ở thành phố New York, giúp anh tránh được sự quấy rầy của nhiều người để tập trung nghiên cứu.

Để chuẩn bị cho những ngày căng thẳng sắp tới của trận tranh chức vô địch thế giới, Fischer liên tục rèn luyện cơ thể cũng như trí óc. Anh tập luyện trong phòng tập thể dục của khách sạn, bơi lội, và chơi vài ván tennis mỗi ngày. Những hoạt động này giúp anh có được một thể lực tuyệt vời. Anh viết thư cho mẹ nói rằng mình cảm thấy “rất sung sức”, và mọi người bảo rằng trông anh rất khỏe mạnh nhờ tập luyện mỗi ngày.

[​IMG]
Bobby Fischer tập luyện cùng Larry Evans

Chỉ sau khi đã tập thể dục hàng giờ đồng hồ anh mới ngồi vào bàn cờ. Vào buổi tối, anh ngồi trầm tư suy nghĩ, bắt đầu xem xét thật kỹ lưỡng các ván cờ của Spassky. Những cuộc phân tích này thường kéo dài cho đến tận sáng sớm hôm sau. Anh mua một quyển sách mà các phóng viên thường gọi là “Big Red Book”, chứa những ván đấu của các nhà vô địch – và trong đó có 355 ván cờ của Spassky, cứ sau 5 nước lại có hình bàn cờ minh họa nên rất tiện lợi. Bobby không bao giờ để quyển sách rời khỏi tầm mắt mình, và anh mang nó mọi lúc mọi nơi. Trong đó là những ghi chú, bình luận bằng bút chì của anh về các ván cờ của Spassky, chấm hỏi cho nước dở, chấm than cho nước hay. Để đảm bảo mình đã ghi nhớ hết mọi thứ, anh thường nhờ ai đó chọn đại một ván trong sách, cho anh biết ván đó ai đấu với Spassky và đấu tại đâu, anh sẽ diễn lại chi tiết từng nước một. Anh thuộc lòng hơn 14000 nước đi!

Dù Bobby nói với mẹ rằng anh chỉ “nghiên cứu một chút”, nhưng thực sự anh dành đến 12 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, để phân tích những loại khai cuộc nào anh nên và không nên chơi trước Spassky, và những kiểu ván cờ nào gây khó chịu nhất cho Spassky. Anh cảm thấy phấn khởi khi phân tích những ván cờ gần đây của Spassky tại giải Alekhine Memorial Tournament ở Moscow. Bobby nói với một phóng viên: “Đó là những ván cờ rất tệ hại. Anh ta đáng lẽ đã thua một nửa trong số những ván đã chơi tại giải; những ván cờ thực sự rất tệ”.

Trong khi Spassky được cả một hội đồng hỗ trợ thì Fischer hầu như chỉ nghiên cứu một mình (thỉnh thoảng có sự giúp đỡ của Larry Evans và Bernard Zuckerman). Sau này Lombardy phản đối ý kiến cho rằng Fischer chỉ hoàn toàn dựa vào sức mình. “Đúng là anh ta làm việc một mình, nhưng anh ta học hỏi từ những ván cờ của các kỳ thủ ở mọi thời đại”, Lombardy nói, “Nói tài năng của Bobby Fischer phát triển chỉ hoàn toàn dựa vào anh ta thì cũng giống như nói Beethoven hay Mozart phát triển mà không có nền âm nhạc thời trước của họ. Nếu như các kỳ thủ khác không bao giờ tồn tại cho Bobby Fischer học hỏi, thì sẽ không có Bobby Fischer của ngày hôm nay”.

Các kỳ thủ bắt đầu đánh giá về trận đấu sắp tới giữa Fischer – Spassky như là trận đấu quan trọng nhất trong sự nghiệp của tay cờ người Mỹ. Đây được xem là cuộc chiến giữa “Gấu Nga vs Sói Brooklyn”. Đối với Spassky, đây không chỉ là trận đấu bảo vệ danh hiệu vô địch của riêng mình, mà còn là để bảo vệ danh dự của cả nền cờ vua Liên Xô, vì vậy anh phải gánh vác một trọng trách rất nặng nề. Còn Fischer cũng nhận thức rất rõ ý nghĩa chính trị của trận đấu, anh xem nó như là trách nhiệm của mình: “Bây giờ tôi cảm thấy mình phải có nhiệm vụ giành lấy chức vô địch”, anh tuyên bố. Khi được hỏi đây có phải là một trận đấu để rửa hận hay không, Fischer trả lời: “Một phần nào đó. Nhưng đây không phải là cuộc chiến giữa cá nhân tôi với Spassky… mà là cuộc chiến với những người Nga”.

Người thách đấu trong bất kỳ trận đấu nào cũng có một lợi thế đặc biệt là anh ta phải chơi để thắng, nên anh ta có động lực để chiến đấu mạnh mẽ hơn vì phải chứng minh mình giỏi hơn nhà vô địch. Còn nhà vô địch, vì anh đã chứng tỏ được thực lực của mình trước đây rồi, nên bây giờ chỉ cần cho thấy anh không thua người thách đấu là đã đủ để chiến thắng. Vì vậy, một lợi thế mà Spassky đang có, đó chính là “lợi thế hòa cờ”. Nếu anh có thể chơi hòa tất cả các ván, giành được 12 điểm, thì anh sẽ giữ vững danh hiệu. Còn đối với Fischer, anh phải có được 12,5 điểm thì mới đủ để phế truất Spassky.

Hầu hết người dân tại Iceland ban đầu cổ vũ cho Fischer, nhưng sau rất nhiều vụ lùm xùm do Fischer gây ra xung quanh trận đấu, mọi người đều chuyển sang ủng hộ cho Spassky. Cụ thể là Fischer không hài lòng về chuyện tiền thưởng. Người thắng sẽ được nhận 78,125 USD, còn người thua là 46,875 USD, ngoài ra mỗi người còn được nhận 30% từ tiền truyền hình và quay phim. Dù vậy, Fischer vẫn yêu cầu thêm 30% từ tiền bán vé. Anh cho rằng số tiền này sẽ vào khoảng 250,000 USD, vì vậy anh và Spassky cần phải được chia thêm. Tuy nhiên những lãnh đạo của Liên Đoàn Cờ Iceland không đồng ý. Họ không dám chắc sẽ lấp đầy được 3000 chỗ ngồi trong Laugardalsholl, địa điểm thi đấu, trong suốt 24 ván. Vì vậy họ phải giữ hết số tiền bán vé để bù cho chi phí tổ chức.

Trong lúc cuộc tranh cãi chưa đi đến đâu thì thời điểm diễn ra trận đấu lịch sử đã gần kề, và người ta chẳng thấy tăm hơi của Fischer đâu cả. Người ta không rõ anh ta đã đến Iceland chưa, hay vẫn còn ở Mỹ. Mục đích Fischer chưa xuất hiện rất rõ ràng: tiền thưởng không cao. Anh biết rằng cả thế giới đang trông chờ trận đấu này, và không muốn nó bị đổ vỡ, vì vậy anh chỉ cần kiên trì thêm một thời gian nữa thì tiền thưởng nhất định sẽ tăng lên.

Hành động này của Fischer bị báo chí lên án dữ dội. Họ cho rằng đối với Fischer, tiền luôn là ưu tiên hàng đầu, còn động lực thể thao chỉ là thứ yếu. Một tờ báo viết: “Fischer đã kéo cờ vua xuống ngang hàng với một trận đấu đô vật. Chúng ta chưa bao giờ biết đến một sự hợm mình và ngạo mạn đến như vậy”. The London Daily Mail thì còn nặng nề hơn nhiều: “Bobby Fischer chắc chắn là thằng nhóc thô lỗ, bất thường và loạn thần kinh nhất đã từng được nuôi dạy ở Brooklyn…”. Tuy vậy, báo chí – cũng như hầu hết mọi người, đã không hiểu được sự khôn khéo của Bobby. Anh bảo vệ quyền lợi của mình, và anh im lặng chờ đợi, thay vì tranh cãi hay nổi nóng. Bản năng mách bảo cho anh biết rằng anh càng đợi lâu, giải thưởng sẽ càng phình to.

Lúc buổi lễ khai mạc diễn ra tại Nhà hát Quốc gia Iceland vào tối thứ bảy, 1 tháng 7 năm 1972, còn chưa đầy 24 giờ nữa là sẽ diễn ra ván đầu tiên, nhiều phóng viên và khán giả đã đặt sẵn vé máy bay trở về nhà, vì họ tin rằng Fischer sẽ không xuất hiện. Vào lúc này Bobby chưa có mặt ở Iceland. Anh đang ở Mỹ, và sống tại nhà người bạn thân của mình là Anthony Saidy.

Việc bốc thăm chọn màu quân trong ván đầu tiên đã không thể diễn ra trong lễ khai mạc. Chỉ có một mình Spassky trong bộ comlê lịch lãm ngồi ở hàng ghế đầu tiên, còn chiếc ghế của Fischer thì hoàn toàn bỏ trống. Trong lúc bài diễn văn được đọc bằng tiếng Anh, tiếng Nga, rồi tiếng Iceland, thì các khán giả cứ sốt ruột chờ đợi. Họ chỉ ngoảnh cổ nhìn về phía cửa ra vào, mong đợi, hy vọng một lúc nào đó Fischer sẽ có mặt. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tiến sĩ Max Euwe, thay mặt FIDE, cho phép Fischer được trì hoãn trong hai ngày. “Nhưng nếu anh ta không có mặt ở đây trước 12 giờ trưa thứ ba để bốc thăm, anh ta sẽ mất hết quyền thách đấu”, ngài Euwe nói.

[​IMG]
Tiến sĩ Max Euwe – cố chủ tịch FIDE

Trong khi đó Fischer vẫn kiên quyết: Anh muốn 30% từ tiền bán vé và sẽ không đến Iceland cho đến khi nào yêu cầu của anh được đáp ứng. Sự ngang ngạnh của Fischer khiến Liên Đoàn Cờ Vua Iceland phải nhận hàng trăm yêu cầu hủy vé đã đặt trước của các khán giả. Một tin đồn lan ra trong giới báo chí rằng Fischer đã ở trên đảo, anh ta đến bằng một chiếc tàu ngầm hải quân để tránh các phóng viên, và đang ẩn thân ở một vùng thôn quê. Tờ The New York Times cho rằng ít nhất đó cũng là một khả năng.

Liên Đoàn Cờ Vua Liên Xô liên tục chỉ trích FIDE về việc trì hoãn 48 giờ, và nói rằng Fischer hoàn toàn không có đủ tư cách. Họ buộc tội Euwe là người chịu trách nhiệm, và cảnh báo rằng trận đấu sẽ bị hủy bỏ nếu Fischer không xuất hiện tại Reykjavik trước trưa ngày 4 tháng 7, hạn chót của Euwe.

Đúng vào giờ phút căng thẳng nhất, hai cú điện thoại bất ngờ từ Anh và Washington D.C. đã cứu vãn trận đấu.

Phóng viên Leonard Barden gọi điện đến ban tổ chức cho biết rằng nhà tài phiệt người Anh James Derrick Slater, một nhà đầu tư ngân hàng và cũng là một tín đồ nhiệt thành của cờ vua, sẵn lòng tặng 125,000 USD để gấp đôi giải thưởng hiện có – nếu Fischer đồng ý thi đấu. Slater, một triệu phú, phát biểu: “Tiền là của tôi. Tôi yêu cờ và tôi đã chơi cờ trong nhiều năm. Nhiều người muốn xem trận đấu và mọi thứ đã được thu xếp. Nếu Fischer không đến Iceland, hẳn mọi người sẽ rất thất vọng. Tôi muốn xóa bỏ hết những vướng mắc về tiền bạc từ Fischer, và xem xem liệu anh ta có còn vấn đề nào khác nữa không”.

Cú điện thoại thứ hai thực sự là một cú huých mạnh vào Bobby. Saidy trả lời điện thoại đến gần 20 lần vào ngày hôm đó, và anh nghĩ rằng đây sẽ lại là một cú gọi khác yêu cầu Bobby phát biểu hay chấp nhận phỏng vấn. Nhưng không. Đó là thư ký riêng của Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon, cho biết Kissinger muốn có một cuộc nói chuyện với Bobby. Bobby cầm máy, và ở đầu dây bên kia Kissinger nói bằng giọng Đức rất nặng của mình: “Đây là tay cờ tệ nhất thế giới đang nói chuyện với kỳ thủ giỏi nhất thế giới… Chúng tôi muốn anh đánh bại những người Nga! Chúng tôi muốn anh chiến đấu cho nước Mỹ! Chính phủ Mỹ chúc anh may mắn và tôi chúc anh may mắn”.

Sau cuộc trao đổi dài 10 phút này, Bobby cho biết anh sẽ thi đấu, vì quyền lợi của nước Mỹ quan trọng hơn quyền lợi của cá nhân anh. Đó là lúc mà Bobby thấy mình không chỉ là một kỳ thủ, mà còn là một chiến binh trong thời Chiến Tranh Lạnh chiến đấu để bảo vệ cho tổ quốc mình.

Sau hàng tháng trời thương lượng không có kết quả, triệu phú Slater, cùng với nhà ngoại giao Kissinger, đã làm được điều không thể. Điều gì có thể khiến cho Bobby đến Iceland? Ba yếu tố: lòng tự trọng, tiền, và lòng yêu nước.

Để tránh bị các phóng viên phát hiện, Fischer bí mật lên chuyến bay Loftleidir (của hãng Icelandic Airlines). Anh thực hiện chuyến bay trong đêm cùng với William Lombardy, người được anh thông báo là trợ tá chính thức của mình.

Cuộc bốc thăm diễn ra vào buổi trưa tại khách sạn Esja, thu hút hàng trăm phóng viên, các lãnh đạo của Liên Đoàn Cờ Iceland, cùng với nhiều thành viên từ cả hai phía Mỹ và Nga. Khi Spassky đến, anh được cho biết rằng Fischer “rất mệt và đang ngủ”, và đã ủy nhiệm cho Lombardy bốc thăm giúp. Quá tức giận, Spassky từ chối bốc thăm và rời khách sạn trong cơn thịnh nộ. Chẳng bao lâu sau, Spassky đưa ra một thông báo:

Với việc từ chối đến dự lễ khai mạc, Fischer đã vi phạm điều lệ của trận đấu. Vì vậy đã xúc phạm đến cá nhân tôi và đất nước mà tôi đại diện. Liên Xô và cá nhân tôi vô cùng phẫn nộ trước những hành vi của Fischer. Theo ý kiến chung của tất cả mọi người, anh ta hoàn toàn không có đủ tư cách.

Do đó anh ta, theo ý kiến của tôi, đã gây ra sự nghi ngờ về quyền đạo đức của anh ta được chơi trong trận đấu này.

Nếu bây giờ có bất cứ hy vọng nào về việc tiến hành trận đấu, thì Fischer phải bị trừng phạt. Chỉ sau khi như thế tôi mới có thể trở lại câu hỏi rằng liệu trận đấu có được tiến hành hay không.

Boris Spassky
Nhà Vô Địch Thế Giới

Sự trừng phạt mà phía Liên Xô yêu cầu đó là Fischer phải bị tước quyền thi đấu ván đầu tiên (xem như thua ván đó). Phái đoàn Liên Xô cũng nói thêm:

1. Robert Fischer phải xin lỗi.
2. Chủ tịch FIDE phải lên án hành vi của người thách đấu.
3. Chủ tịch FIDE phải thừa nhận việc trì hoãn 2 ngày là đã vi phạm điều lệ của FIDE.

Euwe một lần nữa phải đối phó với tình hình căng thẳng. Có đến hai trong ba yêu cầu trên liên quan đến ông. Ông thừa nhận mình đã phá vỡ điều lệ và lên án Fischer “không chỉ trong hai ngày vừa qua mà trong suốt quá trình thương lượng”. Sau khi viết xong ông còn phải đọc to bản nhận lỗi của mình, và chuyển đến tận tay cho Efim Geller, trợ tá của Spassky: “1. FIDE lên án hành vi của người thách đấu vì đã không đến đúng giờ, khiến cho toàn bộ các phái đoàn cũng như những người khác phải nghi ngờ về việc tiến hành trận đấu, và gây ra rất nhiều khó khăn. 2. Chủ tịch FIDE thừa nhận rằng chúng tôi đã hoãn trận đấu lại 2 ngày; và chúng tôi đã vi phạm điều lệ của FIDE. Tôi nghĩ đó là vì những lý do đặc biệt, và dựa theo một số suy đoán mà sau đó đã được chứng minh là sai lầm. Tôi tuyên bố những điều lệ của FIDE và những sự thỏa thuận về trận đấu được tán thành bởi FIDE sẽ được thực hiện nghiêm túc trong tương lai”.

Gương mặt Euwe đỏ lên, và người ta thấy ông gần như phát khóc. Lỗi không hoàn toàn thuộc về ông, vì ông chỉ muốn cứu vãn một trong những trận đấu quan trọng nhất của lịch sử cờ vua. Phía Liên Xô khẳng định rằng, theo như điều lệ, Fischer phải bị xử thua trận đấu này vì đã không xuất hiện trong lễ khai mạc; và chỉ trông chờ vào sự rộng lượng của họ mới có cơ may trận đấu được tiếp tục. Tình hình quá nguy cấp, và Fischer cần phải hành động ngay.

Tối hôm đó, Fischer viết một bức thư xin lỗi rất lịch sự cho Spassky. Một phóng viên, Brad Darrach của báo Life, dám chắc rằng ở bức thư đầu tiên, Fischer đã rút lại bất cứ yêu cầu chia tiền nào và nói rằng mình sẵn lòng thi đấu chỉ vì tình yêu cờ, chứ không vì bất cứ điều gì khác. Nhưng nếu vậy mọi người có thể cho rằng Bobby, chỉ vì sự thôi thúc của tình thế nên mới tuyên bố: “Tôi muốn chứng minh cho cả thế giới thấy rằng tôi yêu cờ hơn những người Nga!”. Cuối cùng thì sự nghèo túng của Brooklyn cũng ủng hộ anh ta giữ lại suy nghĩ thực dụng của mình. Anh ta vẫn cần tiền, nhưng khát khao chứng tỏ bản thân trên bàn cờ mới là động lực lớn nhất để anh ta cố gắng hàn gắn những rạn nứt.

Cuối cùng, bức thư thứ hai được viết, và nó chính là bức thư được gửi đến cho Spassky. Fischer lái xe đến khách sạn Saga vào sáng sớm ngày 6 tháng 7, và đi cùng với người trực tầng khách sạn đến phòng Spassky để tận mắt thấy anh ta đưa bức thư qua khe cửa dưới. Nội dung bức thư:

Boris thân mến:

Xin hãy chấp nhận lời xin lỗi chân thành nhất của tôi cho hành vi thiếu tôn trọng khi đã không tham dự lễ khai mạc. Đơn giản vì tôi đã bị cuốn vào những tranh cãi tầm thường về tiền bạc với ban tổ chức Iceland. Tôi đã xúc phạm anh và đất nước của anh, Liên Bang Xô Viết, nơi cờ có một vị thế rất lớn. Ngoài ra, tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi đến Tiến sĩ Max Euwe, Chủ tịch FIDE, đến ban tổ chức trận đấu ở Iceland, đến hàng ngàn người hâm mộ trên khắp thế giới và đặc biệt là đến hàng triệu người hâm mộ và nhiều bạn bè của tôi ở Mỹ.

Sau khi tôi không có mặt ở ván đầu tiên, Tiến sĩ Euwe đã thông báo với tôi rằng ván cờ được hoãn lại và tôi không bị tổn hại gì. Vào lúc đó anh không đưa ra lời phản đối. Bây giờ tôi được biết Liên Đoàn Cờ Vua Nga đã yêu cầu tước quyền thi đấu của tôi ở ván đầu tiên…

Nếu bị xử thua ván đó, tôi sẽ bị đặt vào một tình thế thật khó khăn. Thậm chí dù không có được lợi thế này, anh vẫn chiếm ưu thế khi chỉ cần đạt 12 điểm trong tổng số 24 ván là giữ vững danh hiệu, trong khi tôi phải cần đến 12,5 điểm mới đoạt chức vô địch. Nếu yêu cầu này được chấp nhận, anh chỉ cần đạt 11 điểm trong 23 ván, còn tôi thì vẫn phải cần 12,5. Nói cách khác tôi phải thắng 3 ván mà không được thua ván nào, chỉ để giành lấy vị thế mà anh đã có được vào lúc bắt đầu trận đấu, và tôi không tin nhà vô địch thế giới cần một lợi thế như vậy để thi đấu với tôi.

Tôi biết anh là một con người rất lịch thiệp và đầy tinh thần thể thao mã thượng, và tôi mong chờ được chơi những ván cờ thật kịch tính với anh.

Chân thành,
Bobby Fischer,
Reykjavik, 6 tháng 7, 1972

Vẫn còn một trở ngại cuối cùng, đó chính là Liên Xô. Bộ trưởng Nga Sergey Pavlov, người đứng đầu Ủy Ban Thể Thao, gửi điện cho Spassky, kịch liệt yêu cầu anh quay trở về Moscow. Pavlov nói rằng Fischer đã xúc phạm đến Nhà Vô Địch Thế Giới, và Spassky có đầy đủ mọi quyền chính đáng để từ chối trận đấu với Fischer. Thông thường, một sự “khuyến khích” như vậy mang tính chất ép buộc của luật pháp, nhưng Spassky đã từ chối, với sự lịch thiệp và ngoại giao nhất mà anh có thể. Anh trả lời Pavlov rằng anh không thể hạ thấp tinh thần thể thao của mình, và anh sẽ thi đấu trận này dù đã phải chịu những sự xúc phạm từ Fischer. Đó là một hành động dũng cảm của Spassky, và cũng cho thấy anh hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của mình.

Fischer đến trễ 20 phút trong lễ bốc thăm, và anh với Spassky gặp nhau ở phía sau sân khấu. Sau cái bắt tay, Spassky hài hước kiểm tra cơ bắp của Fischer, như thể hai võ sĩ quyền Anh đang “kênh nhau”. Spassky đề nghị Fischer cho hoãn buổi lễ bốc thăm một chút. Fischer đồng ý. Một lát sau họ bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay của các phóng viên và những khán giả đang kiên nhẫn chờ đợi.

Sau khi giới thiệu người thách đấu và nhà vô địch, cùng với các trợ tá và người đại diện của họ, kiện tướng quốc tế Harry Golombek người Anh, thay mặt FIDE, thông báo Geller muốn phát biểu trước khi tiến hành bốc thăm. Geller nói bằng tiếng Nga:

Người thách đấu đã viết thư xin lỗi và chủ tịch FIDE cũng đã tuyên bố những điều lệ về trận đấu của FIDE sẽ được thực hiện nghiêm túc trong tương lai. Để đáp lại những nỗ lực trong việc tổ chức trận đấu của ban tổ chức Iceland, cùng với mong muốn của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới muốn được thưởng thức trận đấu, nhà vô địch thế giới quyết định thi đấu với Robert Fischer.

Dù lời phát biểu được nói một cách nhẹ nhàng, nhưng khuôn mặt Fischer tái đi vì tức giận khi anh nghe đến câu “nhà vô địch thế giới quyết định thi đấu với Robert Fischer”, cứ như là Spassky đang ban cho anh một ân huệ vậy. Bobby cảm thấy bị bẽ mặt. Trong một khoảnh khắc anh đã có ý định rời khỏi sân khấu và rút lui khỏi trận đấu mãi mãi. Anh thấy mình đã tuân theo yêu cầu của phía Liên Xô khi viết thư xin lỗi cho Spassky, và còn đích thân đem đến, hơn nữa vừa mới đồng ý hoãn lễ bốc thăm theo đề nghị của Spassky. Đối với Bobby, phát biểu của Geller đã làm vấy bẩn buổi lễ chính thức đầu tiên của trận đấu. Những người Nga đã chỉ trích hành động của Bobby ngay trước mặt bạn bè anh và toàn thể giới báo chí. Không biết bằng cách nào mà Bobby đã giữ được bình tĩnh. Và may thay buổi bốc thăm nhanh chóng diễn ra sau đó, không để cho Bobby có thêm bất cứ cơ hội nào nghĩ đến lời phát biểu của Geller.

Lothar Schmid, trọng tài người Đức, trao cho mỗi người một chiếc phong bì rỗng, và Spassky chọn được chiếc cho phép anh giữ quân. Spassky giấu một quân chốt Đen và một quân chốt Trắng ở sau lưng, sau đó anh nắm chặt hai bàn tay và đưa ra phía trước. Fischer, không do dự, chọn tay phải của Spassky, và khi Spassky mở ra thì đó là quân chốt Đen. Như vậy Fischer sẽ cầm Đen ở ván đầu tiên. Gương mặt anh không biểu lộ cảm xúc gì.

Vài giờ sau, trước khi quay về khách sạn, Bobby tạt qua địa điểm thi đấu để kiểm tra lại các điều kiện. Sau khi khảo sát đến 80 phút, anh đưa ra một số phàn nàn: Anh nghĩ đèn cần phải sáng hơn, các quân cờ thì có kích thước quá nhỏ so với các ô trên bàn cờ, bản thân bàn cờ cũng không tốt – nó được làm bằng đá, trong khi anh nghĩ làm bằng gỗ thì thích hợp hơn. Cuối cùng, có hai chiếc camera nằm ẩn trên tháp có thể làm anh mất tập trung khi thi đấu, và chính cái tháp nằm lù lù trên sân khấu cũng khiến cho anh khó chịu.

Ban tổ chức làm theo ý Fischer ngay lập tức. Họ muốn mọi thứ hoàn hảo trước khi quân chốt đầu tiên được di chuyển trong ngày mở màn.

Khi Fischer thức dậy vào buổi chiều ngày 11 tháng 7 năm 1972, chầm chậm nhận ra rằng anh thực sự đang ở Iceland và chuẩn bị chơi ván đầu tiên của trận tranh chức vô địch thế giới, anh cảm thấy hồi hộp. Sau bao nhiêu năm đau khổ và tranh cãi, cùng biết bao chuyện ồn ào xung quanh trận đấu, cuối cùng Fischer đã bước đến ngưỡng cửa mục tiêu của cả đời mình. Laugardalsholl sẽ là thế giới của anh trong 2 tháng tới.

Mọi chi tiết đều được kiểm đi kiểm lại hết sức cẩn thận, nhằm đảm bảo sự thoải mái nhất cho các kỳ thủ. Hai chiếc camera đã được gỡ bỏ, và ánh sáng trên sân khấu cũng được tăng lên. Một chiếc ghế xoay giống hệt như chiếc ghế mà Fischer đã ngồi khi thi đấu với Petrosian ở Buenos Aires, cũng được chuyển từ Mỹ sang theo yêu cầu của Fischer.

Fischer bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay của 2300 khán giả. Spassky thực hiện nước đi đầu tiên của mình vào đúng 5 giờ chiều, và trọng tài Schmid nhấn đồng hồ của Fischer. Fischer, mặc một chiếc áo sơ mi trắng và bộ comlê xanh, nhanh chóng bước đến bàn thi đấu; hai đấu thủ bắt tay nhau trong khi Fischer mắt vẫn không rời khỏi bàn cờ. Sau đó anh ngồi xuống ghế, cân nhắc nước đi của mình trong 95 giây, và nhảy Mã lên f6.

Đó là khoảnh khắc không thể nào quên của một thần đồng xuất chúng đến từ Brooklyn, một thiên tài thế kỷ, đơn độc chiến đấu với cả một đế chế Xô Viết hùng mạnh. Vũ khí duy nhất của anh – đó chính là tài năng lỗi lạc của anh, và anh sẽ phải dùng nó để truất hạ ngôi bá chủ của cờ vua Liên Xô trong suốt ba thập niên qua. Đây là trận đấu quan trọng nhất trong lịch sử cờ vua, như đại kiện tướng Isaac Kashdan đã nói.

Fischer rời sân khấu hai lần trong quá trình thi đấu. Một lần để phàn nàn về ly nước cam của anh không đủ lạnh, cần phải thêm đá vào; một lần khác để yêu cầu mang cho anh một bình nước lạnh và một đĩa skyr – một loại sữa chua Iceland. Yêu cầu sữa chua của Fischer gây bối rối cho những người phục vụ, vì họ không có món này. May sao một nhà hàng địa phương tại đó có thể đáp ứng cho Fischer.

Khi ván cờ tiếp diễn, hầu hết các chuyên gia đều tiên đoán rằng đây sẽ là một ván hòa. Nhưng sau đó, ở nước thứ 29, khi thế trận đang hoàn toàn cân bằng, Fischer bỗng chơi một trong những canh bạc nguy hiểm nhất trong sự nghiệp của mình. Không dùng nhiều thời gian (Fischer hiện đang hơn thời gian Spassky), Fischer dùng Tượng ăn vào một con chốt “tẩm thuốc độc”. Nước cờ của Fischer làm tất cả khán giả và cả chính Spassky ngỡ ngàng, vì nó trông như một sai lầm ngớ ngẩn. Đại kiện tướng Edmar Mednis kể lại: “Tôi không thể tin Fischer có thể phạm phải một lỗi lầm như vậy. Làm thế nào mà một đại kiện tướng hàng đầu lại mắc phải một sai lầm như thế chứ?”. Có lẽ Fischer đã quá cố gắng kiếm một trận thắng để “xóa dớp” trước Spassky, để chứng tỏ khả năng của anh, vì vậy anh đã liều lĩnh chơi một nước cờ rất mạo hiểm, và đó thực sự là một sai lầm. Ván đấu vẫn tiếp tục, và Fischer lại phàn nàn với trọng tài Schmid rằng có một chiếc camera đang làm gián đoạn dòng suy nghĩ của anh. Tuy vậy, ban tổ chức không làm gì cả.

[​IMG]
Ván đầu tiên giữa Spassky và Fischer

Đến nước thứ 41, ván cờ được hoãn lại, và điều này sẽ cho phép Spassky có thời gian phân tích kỹ lưỡng thế cờ mà anh đang chiếm ưu thế. Hiện tại Spassky đang có một Tượng và ba chốt chống với 5 chốt của Fischer. Trước khi hoãn đấu, Spassky mất 35 phút để nghĩ nước, sau đó anh ghi nước cờ mà mình đã quyết định vào biên bản, bỏ vào một chiếc phong bì màu nâu, dán kín lại rồi trao tận tay cho Schmid.

Fischer phân tích thế cờ này suốt đêm, và ngày hôm sau anh xuất hiện tại phòng thi đấu trong tâm trạng mệt mỏi và lo lắng. Anh đến chỉ 2 phút trước khi Schmid mở phong bì. Theo luật FIDE, Schmid thực hiện nước đi của Spassky trên bàn cờ, sau đó đưa tờ biên bản cho Fischer kiểm tra để anh chắc chắn rằng nước đi đã thực hiện là chính xác, rồi ông nhấn đồng hồ của Fischer. Fischer đáp trả chỉ trong vài giây, vì nước cờ này anh cũng đã phân tích vào đêm hôm qua. Hai bên trao đổi thêm vài nước nữa.

[​IMG]

Sau đó Fischer chỉ vào chiếc camera mà anh đã phàn nàn vào ngày hôm trước, và nhanh chóng rời khỏi sân khấu trong khi đồng hồ của anh vẫn đang chạy. Anh phản đối rất quyết liệt, và yêu cầu phải tháo gỡ chiếc camera đó trước khi anh tiếp tục thi đấu. Các lãnh đạo của Liên Đoàn Cờ Iceland vội vã đến bàn bạc với Chester Fox, chủ hãng phim và truyền hình, và ông ta đồng ý gỡ bỏ chiếc camera. Trong suốt khoảng thời gian đó, đồng hồ của Fischer vẫn chạy đều đều. Khi anh quay lại sân khấu thì anh đã bị mất hết 35 phút.

Fischer bắt đầu chiến đấu để gỡ hòa, nhưng Spassky chơi rất chính xác và thế trận của anh ta càng lúc càng ưu hơn, và một chốt của Spassky sắp được mở đường phong Hậu. Không thực hiện nước thứ 56, Fischer dừng đồng hồ và chìa tay xin hàng. Anh không mỉm cười. Spassky cũng không nhìn vào mắt Fischer khi họ bắt tay nhau – anh đang nghiên cứu lại thế cờ. Fischer ký biên bản và rời khỏi sân khấu. Không khó để đoán được tâm trạng của anh lúc này.

[​IMG]
Cái bắt tay xin hàng của Bobby Fischer

Trở lại ván cờ trên, Kasparov cho rằng lý do mà Fischer mắc sai lầm và thua trận, là vì anh ta chưa thực sự sẵn sàng để thi đấu. Ông cũng cho rằng có thể do Fischer đã vắt kiệt sức trong 4 ngày nghỉ trước khi bước vào ván đầu tiên (4 ngày nghỉ này là theo yêu cầu của Spassky). Trong lúc nhà vô địch thư giãn đầu óc bằng cách đi câu cá thì Fischer, theo Bjelica (phóng viên người Yugoslavia đã đưa Fischer đi xem bộ phim về Van Gogh ở Candidates 1959), dành toàn bộ thời gian để chuẩn bị một cách điên cuồng: “Tôi đi lên tầng 4 của khách sạn Loftleidir. Khi tôi bước vào căn phòng số 470, thì thấy ở trên sàn nhà ngổn ngang những chiếc vali màu đen khổng lồ với hàng đống sách cờ. Kế bên đó là chiếc vợt tennis. Ở giữa phòng là một cái bàn ăn với một bộ cờ để trên đó. Bobby đang đi quân, không hề chú ý gì đến tôi và Lombardy. Ngay bên cạnh Bobby là quyển sách mà Lombardy gọi là “Kinh thánh Fischer” – một bộ tuyển tập các ván cờ của Spassky”.

Trận thua này khiến Fischer vẫn chưa thể chứng tỏ được với bản thân – cũng như với mọi người – rằng anh có thể chiến thắng được Spassky. Bây giờ thành tích đối đầu của anh với Spassky đã trở nên tệ hại hơn: thua 4 ván, hòa 2 ván, thắng 0 ván. Dù vẫn có những trận tranh chức vô địch thế giới người thách đấu thua ngay ván đầu tiên, nhưng anh vẫn cảm thấy thất vọng và thiếu tự tin. Nhưng không bao lâu. Anh nghĩ không có nhược điểm gì trong cách tính toán của mình, và cho rằng chính những chiếc camera kia mới là nguyên nhân khiến anh bại trận.

Sáng hôm sau, thứ ba, ngày 13 tháng 7, đại diện phía Mỹ thông báo rằng Fischer sẽ không đấu ván tiếp theo trừ khi tất cả các camera được tháo bỏ hết khỏi phòng thi đấu. Fischer khăng khăng rằng chỉ có anh mới có thể nói thứ gì gây khó chịu cho anh. Tuy vậy anh lại từ chối đến phòng thi đấu để kiểm tra các điều kiện mới và quyết định xem nó đã ổn thỏa hay chưa.

Schmid tuyên bố ván thứ 2 sẽ bắt đầu lúc 5 giờ chiều, và nếu một tiếng đồng hồ trôi qua mà Fischer không có mặt thì anh sẽ bị xử thua ván đó. Để làm phức tạp thêm vấn đề, một thành viên trong đoàn Liên Xô tiết lộ cho giới báo chí rằng nếu Fischer không chịu đến đấu ván thứ 2, rất có thể Spassky sẽ trở về Moscow.

Spassky xuất hiện trên sân khấu vào lúc 5 giờ kém 2 phút, và một tràng pháo tay vang lên. Đúng 5 giờ, Schmid nhấn đồng hồ của Spassky, và để cho đồng hồ của Fischer chạy, vì hôm nay Fischer chơi quân Trắng. Trong khi đó tại khách sạn Loftleidir, Lombardy cùng các lãnh đạo của Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ đang cố gắng thuyết phục Fischer, nhưng vô ích. Một chiếc xe cảnh sát đậu ngay bên ngoài khách sạn để có thể mau chóng đưa Fischer đến địa điểm thi đấu, nếu một lúc nào đó anh đổi ý. 5 giờ 30, đồng hồ của Fischer vẫn tiếp tục chạy. Luật sư của Chester Fox ở Reykjavik đồng ý gỡ bỏ camera trong ván này, còn những ván tiếp theo thì sẽ để bàn bạc sau. Khi đề nghị này được chuyển đến Fischer, anh lại yêu cầu phải khôi phục thời gian đã mất trên đồng hồ của anh. Schmid không đồng ý, và tuyên bố cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Fischer, ngồi trong phòng khách sạn, cửa đóng then cài, điện thoại rút dây, thể hiện sự phản đối cứng rắn của mình. Suy nghĩ của Fischer rất rõ ràng: “Nếu tôi yêu cầu một điều gì đó và các anh không đáp ứng, tôi không thi đấu”.

Các khán giả nhìn một cách tuyệt vọng vào hai chiếc ghế bỏ trống (Spassky đã lui về phía sau sân khấu), và vào chiếc bàn cờ với 32 quân, chưa quân nào nhúc nhích. Chỉ có đồng hồ của Fischer là vẫn cứ chạy từ từ, đều đều, từng phút, từng phút trôi qua.

Đúng 6 giờ chiều, Schmid dừng đồng hồ, tiến về phía trước sân khấu, tuyên bố: “Kính thưa quý vị, theo điều 5 của luật FIDE, Robert Fischer đã thua ván này. Anh ta đã không có mặt trong vòng một giờ đồng hồ theo quy định”. Đây là ván cờ đầu tiên (và cũng là duy nhất) trong lịch sử các trận tranh chức vô địch thế giới có kẻ thắng người thua, mà không thực hiện một nước đi nào.

Spassky được mọi người vỗ tay hoan hô. Anh nói với Schmid, “Thật đáng tiếc”, trong khi có một khán giả nào đó giận dữ trước hành động của Fischer, hét lên: “Tống hắn về Mỹ đi!”.

Chưa đầy 6 giờ sau, Fischer đưa ra phản đối chính thức về việc mình bị xử thua. Tuy nhiên, phản đối này bị bác bỏ bởi ban tổ chức vì lý do anh đã không có mặt để thi đấu. Mọi người đều biết Fischer sẽ không dễ dàng chấp nhận chuyện này. Và đúng như thế. Fischer phản ứng ngay lập tức bằng cách đặt vé máy bay về nước. Lombardy hết sức can ngăn anh, nhưng anh vẫn từ chối thi đấu tiếp trừ khi quyết định xử thua bị hủy bỏ. Trọng tài Schmid bày tỏ sự quan tâm chân thành đến sự nghiệp của Fischer nếu như anh rút lui khỏi trận đấu: “Chuyện gì sẽ xảy đến cho Bobby? Liệu còn thành phố nào dám đăng cai những trận đấu của anh ta nữa?”.

[​IMG]

Dù vậy Bobby vẫn có những người ủng hộ. Đại kiện tướng Svetozar Gligoric cho rằng những chiếc camera liên tục chĩa ống kính vào Bobby, khiến cho anh ta không thể nào tập trung được. Vladimir Nabokov, một tiểu thuyết gia sinh tại Nga, cũng nói đỡ cho Bobby, cho rằng Bobby đã “khá đúng” khi phản đối việc sử dụng camera trong trận đấu: “Anh ta không phải là đối tượng cho những cú bấm máy và chớp nhá từ những cái máy đó”.

Tiến sĩ Euwe, lúc này đang ở Hà Lan, gửi điện chỉ thị cho trọng tài Schmid rằng nếu như Fischer vẫn không đến thi đấu ván thứ 3 và thứ 4, thì trận đấu sẽ kết thúc và Spassky được tuyên bố là Nhà Vô Địch Thế Giới.

Fischer bắt đầu nhận được hàng ngàn lá thư và điện tín năn nỉ cũng như thuyết phục anh tiếp tục trận đấu, và Henry Kissinger cũng gọi điện cho anh thêm lần nữa, lần này từ California, mong muốn anh thể hiện lòng yêu nước của mình. Tờ The New York Times thậm chí còn đăng nguyên một bài báo khẩn thiết đề nghị Fischer hãy quay trở lại thi đấu. Có lẽ chính từ sự quan tâm của Kissinger về trận đấu và hai cuộc nói chuyện của ông ta với Bobby, mà tổng thống Nixon đã gửi lời mời Fischer đến thăm Nhà Trắng sau khi trận đấu kết thúc, dù thắng hay thua. Nixon nói ông ta thích Bobby “vì anh ta là một chiến binh”.

Trong một nỗ lực để xoa dịu tình hình và động viên Fischer thi đấu, Schmid thông báo rằng theo luật, Fischer có quyền chuyển trận đấu trên sân khấu về căn phòng phía trong hậu trường. Schmid cũng nói chuyện riêng với Spassky, và thuyết phục anh hãy vì tinh thần thể thao mã thượng mà đồng ý với đề nghị này để vãn hồi trận đấu. Spassky bằng lòng. Phải nói rằng Spassky là một con người rất đáng kính phục khi đã nhân nhượng Fischer hết lần này đến lần khác. Lúc Fischer nghe đến sự sắp xếp mới này, anh đã đặt sẵn đến ba chuyến bay để trở về New York ngay trong ngày thi đấu ván thứ 3. Anh mất vài giờ đồng hồ để xem xét lời đề nghị của Schmid, và 90 phút trước khi bắt đầu trận đấu, anh cho biết mình sẵn lòng thử nghiệm với phương án mới này, nếu như anh được đảm bảo hoàn toàn sự riêng tư và không có camera.

Tại sao Fischer lại đồng ý thi đấu tiếp? Có lẽ đó là sự kết hợp của chủ nghĩa dân tộc, niềm tin vào khả năng sẽ vượt qua hai điểm bị dẫn trước (ván 2 đã chính thức bị xử thua và không thay đổi), mong muốn có được tiền thưởng (thậm chí nếu thua trận, anh vẫn nhận được 91,875 USD , cộng thêm khoảng 30,000 USD tiền truyền hình và quay phim), và trên hết là lời thề danh dự của cả cuộc đời anh: chứng minh anh là kỳ thủ tài năng nhất thế giới.

Cho đến thời điểm này, tại ván thứ 3, trận đấu mới thực sự bắt đầu. Dù Spassky đang dẫn trước 2 điểm, nhưng Fischer lại có được lợi thế rất lớn về tâm lý. Tại sao? Vì Fischer đã có được mọi thứ mà anh ta mong muốn, trong khi Spassky phải thi đấu một cách bị động theo những điều kiện của đối thủ. Dù ít hay nhiều điều đó cũng ảnh hưởng đến Spassky. Như Larsen đã nói: “Nhiều người xem Fischer như là một “đứa trẻ lớn” (“big child”), và ở một chừng mực nào đó thì quả đúng như vậy. Những đứa trẻ đôi lúc rất khôn ngoan và nghĩ ra nhiều cách rất thông minh để áp đặt ý muốn của chúng lên người khác. Tôi sau Denver và Petrosian sau Buenos Aires đã cảnh báo rằng không nên vì bất kỳ lý do gì mà nhượng bộ Fischer, song tại Reykjavik Spassky vẫn vài lần làm theo ý đối thủ”. Nếu Spassky lường trước những gì sắp sửa diễn ra, hẳn anh sẽ không bao giờ chấp nhận những yêu cầu từ Fischer.

[​IMG]

Spassky có mặt đúng giờ ở phía sau sân khấu; đầu tiên anh ngồi vào chiếc ghế của Fischer, và có lẽ không nhận ra mình đang ở trước camera, anh mỉm cười và ngồi xoay xoay vài vòng trên chiếc ghế như một đứa trẻ. Sau đó anh ngồi sang ghế của mình và chờ đợi. Fischer đến trễ 8 phút, trông rất nhợt nhạt, và hai đấu thủ bắt tay nhau. Spassky cầm Trắng, anh thực hiện nước đi đầu tiên của mình và Fischer cũng nhanh chóng đáp trả. Đột nhiên, Fischer chỉ vào một chiếc camera và hét lên.

Spassky rất tức giận trước trước hành động của Fischer. “Tôi sẽ rời khỏi đây!”, anh sẵng giọng, nói cho Fischer và Schmid biết rằng anh muốn lên sân khấu và thi đấu tại đó.

Schmid sau này nhớ lại: “Trong khoảnh khắc tôi không biết phải làm sao. Sau đó tôi dừng đồng hồ của Spassky, như thế là đã phá luật rồi. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng phải kiểm soát cho được tình thế căng thẳng này”.

Schmid và Spassky tiếp tục nói chuyện với nhau, và giọng họ dần dần dịu lại. Schmid đặt tay lên vai Spassky và nói: “Boris, anh đã hứa với tôi rằng anh sẽ thi đấu tại đây mà. Anh không giữ lời sao?”. Sau đó ông quay sang Bobby: “Bobby, xin hãy bình tĩnh”.

Spassky đứng bất động khoảng 10 giây, suy nghĩ xem mình nên làm gì, cuối cùng anh ngồi xuống và thi đấu tiếp. Fischer được giải thích là chiếc camera kia chỉ giúp chiếu hình ảnh trận đấu của hai người lên màn hình lớn trên sân khấu thôi. Anh tạm chấp nhận.

Fischer xin lỗi về lời lẽ thiếu kiềm chế của mình, và hai người bắt đầu lao vào cuộc chiến. Sau nước thứ 7 (Fischer đã mất 15 phút, còn Spassky 5 phút), anh rời khỏi phòng một lúc. Khi anh đi ngang qua Schmid, vị trọng tài kinh ngạc khi thấy khuôn mặt của anh cực kỳ nghiêm trọng. “Anh ta trông như người chết”, Schmid sau đó kể lại. Có lẽ Fischer cảm thấy căng thẳng, bực tức và mệt mỏi sau những sự việc vừa diễn ra.

[​IMG]

Khi ván đấu được tạm hoãn ở nước thứ 41, thế cờ của Fischer chiếm ưu thế rõ. Ngày hôm sau ván đấu tiếp tục. Bobby cảm thấy rất phấn khởi vì anh đang ở thế thắng, cho nên anh đồng ý đấu luôn trên sân khấu. Khi Schmid thực hiện nước đi của Bobby trong chiếc phong bì, Spassky nhìn lướt qua tờ biên bản để kiểm tra lại một lần nữa, và anh nhận ra tình thế đã hoàn toàn vô vọng, không còn bất cứ một cơ hội nào để cứu vãn. Anh dừng đồng hồ và ký biên bản đầu hàng.

Đi trễ đã trở thành thói quen của Fischer. Anh chạy đến sân khấu trễ 15 phút và thở hổn hển. Spassky đang trên đường về khách sạn rồi. “Chuyện gì vậy?”, anh hỏi, và Schmid trả lời: “Ông Spassky đã đầu hàng”. Fischer ký biên bản rồi rời khỏi sân khấu mà không nói một lời nào. Anh cũng không đáp lại những nụ cười mà người hâm mộ dành cho anh.

Dù chỉ mới giao chiến có 2 ván, và tỉ số vẫn đang là 2-1 nghiêng về Spassky, nhưng có thể nói đến thời điểm này ưu thế đã thuộc về Fischer. Chiến thắng này không những giúp anh chấm dứt những tháng ngày đen tối khi chỉ biết hòa và thua trước Spassky, mà còn tạo đà tâm lý cho những ván tiếp theo. Một khi đã cởi bỏ được mọi áp lực, luồng sức mạnh thiên tài trong anh sẽ cuồn cuộn trào dâng.

Áp lực bên ngoài bàn cờ của Spassky chắc chắn là nhiều hơn Fischer. Nếu như Fischer có thua trong trận đấu này cũng chẳng tổn hại gì, thì với Spassky, điều đó thực sự là một thảm họa. Cả Liên Xô đang trông chờ vào anh, hay nói chính xác hơn là đang đè nặng lên vai anh. Do đó nếu như anh thất bại và để tuột mất chức vô địch thế giới khỏi tay Liên Xô, hậu quả thực sự sẽ rất khó lường. Trước khi trận đấu này chính thức khởi tranh, anh đã phải chịu một sức ép cực lớn. Và bây giờ, sau khi thua ván đầu tiên, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Đầu óc của anh căng cứng, và điều đó đã làm ảnh hưởng đến những nước cờ của anh.

Ván thứ 4 hòa. Đến ván thứ 5, khi thế cờ đang hoàn toàn cân bằng thì ở nước thứ 27, Spassky bỗng phạm phải một sai lầm có thể nói là ngớ ngẩn nhất trong sự nghiệp của mình, và Fischer chớp thời cơ ngay lập tức. Spassky đầu hàng mà không chống cự thêm được nước nào nữa.

Ván thứ 6 là một ván cờ đẹp mắt của Fischer, và đại kiện tướng Miguel Najdorf ví ván này như là một bản giao hưởng của Mozart. Fischer triển khai một đợt tấn công quyết liệt vào vua của Spassky, từng bước từng bước một, điều quân chậm rãi nhưng rất khéo léo, dồn ép đối thủ vào một mạng lưới chiếu bí không sao tránh thoát. Chiếc lưới tử thần siết chặt lấy Spassky, và anh buộc phải đầu hàng. Fischer gọi đây là ván cờ hay nhất của anh trong cả trận đấu, và quả thực như vậy, không có một điều gì có thể chê trách được Fischer trong ván đấu này. Nhiều đại kiện tướng khác, như Larry Evans, cũng hết lời khen ngợi ván cờ tuyệt đẹp này, và không phải vô cớ mà Evans đã bình luận trên tờ New York Post: “Bobby điềm tĩnh chơi trò mèo vờn chuột với Boris”.

[​IMG]

Từ thế bị dẫn trước 2-0, Fischer đã làm nên một cuộc lội ngược dòng ấn tượng khi vươn lên dẫn lại 3,5-2,5. Không phủ nhận sức cờ mạnh mẽ của Fischer, nhưng đã có những bất ổn xảy đến với Spassky, và có lẽ đó là do áp lực bên ngoài bàn cờ như đã nói ở trên. Cụ thể những bất ổn trong lối chơi của Spassky là gì?

Theo các chuyên gia Liên Xô, Boris Vasilievich đã vài lần không đi theo các phương án được chuẩn bị sẵn trước khi thi đấu. Như ở ván thứ 3, anh biết cách để đáp trả nước 11…Nh5 trong khai cuộc Modern Benoni của Fischer, nhưng anh lại thực hiện một nước đi khác. Sau này các huấn luyện viên của anh giải thích rằng vì anh quên (?!) những gì đã phân tích. Sau đó anh tiếp tục phạm sai lầm và dẫn đến bại trận.

Ván thứ 4 cũng gây ngạc nhiên không kém. Ván này Spassky cầm Đen và anh đã khéo léo đưa Fischer vào một phương án được anh chuẩn bị trước (trong chính khai cuộc sở trường của Fischer là Sozin Attack), nhưng vì một lý do nào đó mà ở nước thứ 21 Spassky lại đi chệch khỏi hướng mà anh và các huấn luyện viên của mình đã đánh giá là tối ưu nhất, đồng nghĩa với việc vứt bỏ hết mọi cơ hội chiến thắng. Như Spassky thừa nhận sau này thì đó là bước ngoặt của trận đấu: “Sau sai lầm của Fischer ở khai cuộc, tôi đã được trao cho cơ hội chiến thắng. Ván cờ thật căng thẳng, rất quyết liệt, nói ngắn gọn là thú vị. Nhưng chính tại đây tôi lại đánh mất mọi thứ…”

Ván thứ 5 nhà vô địch đã chơi khai cuộc một cách tẻ nhạt, nhường thế chủ động chiến lược cho đối phương, và tại nước thứ 27 thì phạm sai lầm chết người dẫn đến thua nhanh chóng. Sau khi kết thúc ván này, có một bài báo đã viết rằng: “Chiến thắng của Fischer ở ván 5 báo hiệu một bản án cho Spassky đã được ký”.

Về phía Fischer, anh càng lúc càng trở nên mạnh hơn qua từng ván. Để làm nên những chiến thắng như vậy, Fischer liên tục thay đổi khai cuộc, và rất khéo léo khai thác những sai lầm của Spassky từ việc đi sai các phương án mà anh ta và đội ngũ huấn luyện viên đã chuẩn bị. Trong các trận đấu tranh chức vô địch thế giới, một lối chơi như vậy là chưa từng được sử dụng, nhưng Bobby không hề e ngại đem ra thi thố, và cho đến thời điểm này anh đã thành công…

Sau 12 ván, tỉ số đang là 7-5 nghiêng về Fischer. Ván thứ 13 là một ván cờ ngoạn mục, và có thể nói là ván cờ then chốt trong trận tranh chức vô địch thế giới giữa Fischer và Spassky.

Ở ván này, Fischer cầm Đen, và anh sử dụng Phòng thủ Alekhine – một sự ngạc nhiên khó chịu dành cho Spassky. Phòng thủ này thường ít được sử dụng, vì nó không có lợi cho Đen, và cũng không có phân tích chuyên sâu về các phương án cho Trắng trong khai cuộc này. Nhiều chuyên gia, bao gồm cả Spassky, đều tin rằng Fischer sẽ sử dụng Phòng thủ Sicilian quen thuộc của mình. Nhưng không, anh đã chọn cách gây bất ngờ cho đối thủ khi chuyển sang Phòng thủ Alekhine. Khai cuộc này Fischer đã từng sử dụng vài lần trước đây, nhưng lúc đó anh chỉ thi đấu với các đối thủ yếu. Còn lần này anh quyết định thử nghiệm ngay trong trận đấu sống còn với đương kim vô địch thế giới!

[​IMG]

Dù chơi một khai cuộc được xem là không thực sự tốt cho Đen, nhưng Fischer đã thi đấu rất xuất sắc, và đến nước thứ 14 thì anh đã hơn Spassky một chốt. Tuy vậy Spassky chống trả quyết liệt, và khi ván cờ được hoãn lại, dù phân tích suốt đêm nhưng Fischer vẫn không tìm ra được cách nào thực sự tối ưu để gia tăng ưu thế, và e rằng đây sẽ lại là một ván hòa. Hai bên tiếp tục giằng co thêm 20 nước nữa. Đến nước thứ 60 thì một thế cờ ngoạn mục xuất hiện: Đen có một Xe và 5 chốt thông, trong khi Trắng có một Xe, một Tượng và một chốt thông.

[​IMG]

Đến đây Fischer nảy ra một ý tưởng ngược đời nhưng cực kỳ độc đáo: anh tự làm tê liệt quân Xe của mình, nhưng khóa được chốt thông của Spassky, đồng thời trói luôn quân Tượng của Spassky vào chốt thông đó. Đổi lại anh có thể rảnh tay sử dụng 5 chốt thông của mình để đấu với Xe Trắng.

[​IMG]

Chưa từng có ai nghĩ ra một ý tưởng tương tự như vậy trong cờ vua. Spassky hoàn toàn kinh ngạc. Và anh đã sụp đổ trong một ván cờ dài hơi và cực kỳ căng thẳng. Anh phạm sai lầm ở nước thứ 69, và đến nước 74 thì anh phải buông cờ đầu hàng.

[​IMG]

Theo như Smyslov phân tích sau ván đấu, nếu như không để sai sót ở nước 69 thì Spassky đã có thể thủ hòa, nhưng như Botvinnik đã nói: “Liệu ông ấy (Smyslov) có tìm ra được cách gỡ hòa ngay trên bàn cờ, khi ngồi đối diện với Fischer không?”. Có lẽ là không, hầu như không một ai. Phong cách đánh rất hiếu chiến và quyết thắng đến cùng của Fischer thường khiến cho các đối thủ rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ, và sau cùng họ tự đánh mất chính mình và rơi vào bại cục. Tuy nhiên, cuộc cờ là như vậy. Đó không chỉ là một cuộc đấu trí, mà còn là một cuộc tâm lý chiến. Ai giữ được sự tỉnh táo cho đến phút chót thì đó là người thắng cuộc. “Người chiến thắng là người ít phạm sai lầm nhất!”.

Một ván cờ đáng nhớ, một ván cờ đã đi vào lịch sử, một ván cờ thể hiện kỹ thuật tàn cuộc bậc thầy của Fischer. Không phải vô cớ mà Botvinnik đã xem đây là ván cờ hay nhất của Fischer tại Reykjavik, trong khi Bronstein nhiều năm sau đã bình luận rằng: “Trong toàn bộ trận đấu, tôi thấy ván thứ 13 là hấp dẫn nhất. Có lẽ là vì, thậm chí cho đến ngày nay, khi tôi chơi lại ván cờ này không biết là lần thứ bao nhiêu rồi, tôi vẫn không thể hiểu được những ý đồ ẩn đằng sau mỗi kế hoạch đó, mỗi nước đi đó… Giống như một bức tượng nhân sư huyền bí, nó vẫn còn trêu chọc trí tưởng tượng của tôi”.

Thất bại ở ván này đã gây ra một chấn thương tâm lý nặng nề cho Spassky, vì anh đã để thua trong một thế cờ hòa, và để kém thế trong một khai cuộc được xem là có lợi cho Trắng hơn – một khai cuộc chưa từng được sử dụng trong các trận tranh chức vô địch thế giới. Dù Spassky xem ván 4 như là bước ngoặt của trận đấu, nhưng đây cũng có thể xem là một bước ngoặt khác. Bây giờ Fischer đã dẫn trước 8-5

Dù đã nỗ lực hết sức, nhưng Spassky vẫn không tài nào rút ngắn được cách biệt. “Trong 8 ván cuối gần như lúc nào tôi cũng cảm thấy Fischer là một con cá lớn trong tay mình”, Spassky than vãn sau trận đấu, “nhưng một con cá thì trơn tuột và khó nắm giữ, và đến một lúc thì tôi đã để anh ta trượt khỏi tay. Và một lần nữa tôi lại bị nỗi đau về tâm lý. Mọi thứ phải được bắt đầu lại từ đầu…”. Spassky chắc chắn đã cảm thấy nản lòng.

Fischer cũng gặp phải những vấn đề khó khăn. Dường như anh nghĩ mình sẽ dễ dàng kết thúc trận đấu (từ ván 3 đến ván 10 anh giành được đến 6,5 điểm, trong khi Spassky chỉ giành được 1,5), nhưng sự chống trả dữ dội từ phía Spassky khiến cho anh vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Bobby một lần nữa cảm thấy lo lắng.

Nikolai Krogius, một đại kiện tướng và cũng là một tiến sĩ tâm lý học, người nằm trong đội ngũ trợ tá của Spassky tại Reykjavik, viết về bầu không khí bao quanh trận đấu: “Sau ván thứ 3, dù không gay gắt, nhưng Fischer vẫn đưa ra nhiều phản đối và phát biểu đến ban tổ chức và trọng tài. Đầu tiên anh ta yêu cầu không được cho khán giả ngồi ở 5 hàng ghế đầu tiên, sau đó là 7, rồi đến 14. Ở khách sạn thì Fischer đổi phòng vài lần, và yêu cầu không được cho phép ai xuống hồ bơi khi anh ta đang bơi. Người đại diện chính thức của anh ta, Cramer, thì cư xử một cách ngạo mạn và lấc xấc. Ông ta không chào chúng tôi, và liên tục làm phiền trọng tài Schmid bằng những phàn nàn của ông ta. Chẳng hạn, ông ta yêu cầu những khán giả nào ho thì cần bị đuổi ra ngoài, và vân vân”.

[​IMG]
Nikolai Krogius và Boris Spassky

Sau ván thứ 15, Bobby lại đưa ra yêu cầu là ánh sáng cần phải được cải thiện, cùng với một loạt những lời phàn nàn khác… Kasparov lưu ý rằng khi đang trên đà thắng thì Fischer yên lặng, còn lúc bế tắc thì những phản đối và xung đột bắt đầu nảy sinh. Kasparov cho rằng điều đó nhằm gây sức ép lên đối thủ, và Spassky vốn là một con người nhạy cảm nên sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những đòn tâm lý như vậy.

Phản ứng của Liên Xô trước những phản đối của Fischer cũng cực kỳ khác thường. Trước khi bắt đầu ván 17, Efim Geller, trợ tá của nhà vô địch thế giới, lan truyền trong giới báo chí một thông tin rằng: Boris Spassky bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử và hóa chất, và những thứ đó có thể nằm trong phòng thi đấu. Sự chú ý được dồn vào “chiếc ghế của Fischer và dàn đèn trên sân khấu, vì chúng được sắp xếp theo yêu cầu của tay cờ người Mỹ”. Theo như người ta kể lại, khi Fischer được đưa cho xem bức thư kiến nghị của Geller, “anh ta cười muốn vỡ bụng; trong suốt 2 tháng Bobby ở Iceland, chưa bao giờ anh ta cười nhiều đến vậy”.

[​IMG]
Bobby Fischer tìm về với thiên nhiên trong những ngày không thi đấu tại Reykjavik

[​IMG]

Nhưng ban tổ chức thì xem xét kiến nghị này của phía Liên Xô một cách rất nghiêm túc. Chiếc ghế của Fischer thậm chí còn được chiếu tia X và tháo ra để kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả thật khiến cho đoàn Liên Xô thất vọng: bên trong chiếc ghế chỉ phát hiện một cái tua vít nhỏ (hiển nhiên là nó bị để quên trong quá trình lắp ráp), còn trong những chiếc đèn thì chỉ có… hai con ruồi chết. “Ai đó nói rằng chúng nên được mổ ra để khám nghiệm”, nhà phê bình Harold Schonberg của tờ The New York Times bình luận mỉa mai: “Có phải những con ruồi chết một cách tự nhiên không? Hay nguyên nhân cái chết của chúng là vì dính phải một tia chết của người Mỹ? Hay có lẽ chúng qua đời sau khi nếm phải con chốt tẩm thuốc độc trong Phòng thủ Sicilian?”.

Dù tất cả mọi người ở phương Tây dám chắc rằng tác giả thực sự của bức thư không phải là Geller, mà là các lãnh đạo của làng cờ Liên Xô, và họ muốn chuẩn bị dư luận cho thất bại của Spassky, nhưng Kasparov lại nghiêng về một cách nghĩ khác. Ông không cho rằng đây là một “ý tưởng” của Liên Xô nhằm bào chữa cho thất bại, mà họ thực sự đã nghi ngờ như vậy. Ông giải thích: “Thứ nhất, phát biểu này phù hợp với bầu không khí “nghiện” gián điệp (spy-mania) bao trùm trong doanh trại của Spassky, ngay từ lúc mới bắt đầu trận tranh chức vô địch thế giới. Trong bản kế hoạch chuẩn bị cho trận đấu của nhà vô địch thế giới có một điểm như sau: “Mọi thứ liên quan đến công tác chuẩn bị cho trận đấu đều phải được phân loại ra. Tất cả những ai tham gia vào việc chuẩn bị đều phải ký một cam kết không tiết lộ những bí mật chính thức”. Thứ hai, theo lời Krogius, “ở giai đoạn hai của trận đấu, các thành viên trong nhóm chúng tôi thu thập được vài quyển sách (chủ yếu xuất bản ở Mỹ), cũng như hàng đống bức thư (đa số cũng từ Mỹ), nói về khả năng phát xạ, cũng như ảnh hưởng của điện tử và hóa chất đến con người”. Thứ ba, Boris Vasilievich đã phát biểu vào năm 2003: “Giờ đây tôi nghĩ một sự phát xạ như vậy có thể đã được sử dụng!”.

[​IMG]
Bức tranh biếm họa về “sự phát xạ” của Fischer với Spassky

Ngoài áp lực bên ngoài bàn cờ và các đòn tâm lý của cả hai bên, còn một yếu tố nữa ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Yếu tố này đến từ chính Fischer và Spassky, mà cụ thể là thái độ tiếp cận trận đấu của họ. Trong khi Fischer rất khao khát đánh bại Spassky để rửa hận với làng cờ Liên Xô, và cũng để đăng quang chức vô địch thế giới sau bao nhiêu năm chờ đợi, thì Spassky lại tỏ ra chủ quan, khinh địch vì thành tích đối đầu áp đảo của mình so với Fischer. Ngoài ra Spassky cũng đã đánh mất nỗ lực phấn đấu sau khi đoạt chức vô địch thế giới vào năm 1969.

Thái độ tiếp cận trận đấu khác nhau đã dẫn đến thái độ chuẩn bị cho trận đấu khác nhau. Trong lúc Fischer tập luyện một cách cật lực, và phải nói là có phần hơi quá mức, thì Spassky lại tỏ ra lười biếng ở giai đoạn hết sức quan trọng này. Cả Mikhail Tal lẫn Viktor Korchnoi đều phê bình Spassky. Như Korchnoi đã chỉ trích thẳng về sự lạc hậu trong cách chơi khai cuộc của Spassky, không chịu nghiên cứu các kiểu thế trận hiện đại dù đã được nhắc nhở, và quá tự tin vào kỹ thuật phòng thủ của mình. Kỳ thủ trẻ Anatoly Karpov được giao nhiệm vụ đấu tập với Spassky, nhưng như Karpov kể lại sau này, thì chỉ có duy nhất một ván được chơi: “Lúc mới đầu ông ấy đề nghị tôi dùng “ván cờ Tây Ban Nha”, tôi chơi Trắng và sớm giành được ưu thế thắng, nhưng… tôi đã đánh mất lợi thế và thua cuộc. Spassky thích ván này. Ông ấy quyết định rằng mình đang có phong độ rất tốt và không cần phải tập tiếp nữa”.

Một thất bại quan trọng của Spassky đó chính là sự rút lui của “ông bố” Igor Bondarevsky khỏi vị trí trưởng ban huấn luyện, vì ông là người duy nhất có thể buộc Boris phải làm việc chăm chỉ. Lý do của sự ra đi này được tiết lộ bởi Viktor Baturinsky – trưởng bộ môn cờ của Ủy Ban Thể Thao Liên Xô: “Igor Zakharovich thẳng thắn giải thích quyết định của ông ấy với tôi: Spassky không chuẩn bị nghiêm túc cho trận đấu, và ông ấy, Bondarevsky, không muốn phải chịu trách nhiệm về hậu quả”. Nói cách khác là huấn luyện viên không tin tưởng rằng học trò của mình sẽ chiến thắng. Cuối cùng, đội ngũ trợ tá cho nhà vô địch bao gồm hai đại kiện tướng Geller và Krogius, cùng với kiện tướng quốc tế Nei.

Từ ván 14 đến ván 20 đều hòa, phần vì Spassky chống cự quyết liệt, phần vì Fischer trở nên thận trọng một cách khác thường. Anh không hiếu chiến và tìm mọi cách để đánh thắng như mọi khi. Có lẽ anh nghĩ khoảng cách 3 điểm đã đủ an toàn, và không muốn mạo hiểm để cho Spassky có cơ hội rút ngắn tỉ số. Có lẽ ai trong chúng ta khi sắp đến gần vinh quang cũng đều cảm thấy lo lắng và hồi hộp như Fischer cả thôi.

Sau 20 ván, tỉ số đã là 11,5-8,5 nghiêng về Fischer. Anh chỉ cần hai ván hòa hoặc một ván thắng trong 4 ván còn lại là đủ để giật danh hiệu vô địch thế giới khỏi tay những người Nga, và khỏi tay nước Nga. Tương lai của Fischer đã trở nên quá rõ ràng.

Ván thứ 21 được bắt đầu vào ngày 31 tháng 8, và Fischer, chơi quân Đen, đã thi đấu tuyệt hay, khi ván cờ được hoãn lại thì anh đã đưa vào một tàn cuộc ở thế thắng. Nếu điều đó xảy ra, thì ván thứ 21 sẽ là ván đấu cuối cùng của Bobby. Để đánh bại Spassky trong trận đấu này và chinh phục danh hiệu vô địch thế giới, anh cần phải đạt đủ 12,5 điểm. Một ván thắng nữa thôi, anh sẽ tiến đến con số ma thuật đó.

Ngày hôm sau, Harry Benson, phóng viên của báo Time Life, gặp Spassky tại khách sạn Saga. “Đã có một nhà vô địch mới”, Spassky nói. “Tôi không buồn. Thể thao là như vậy và tôi đã thua. Bobby là nhà vô địch thế giới mới. Bây giờ tôi phải ra ngoài đi bộ và hít thở một chút không khí thôi”.

Benson ngay lập tức lái xe đến khách sạn Loftleidir và báo tin cho Bobby. “Anh có chắc đó là tin chính thức chứ?”, Fischer hỏi. Được cho biết đó là thông tin chính xác từ Spassky, Fischer đáp gọn: “Vâng, cảm ơn”.

Vào lúc 2:47 chiều, Fischer có mặt trên sân khấu ở Laugardalsholl để ký biên bản. Schmid đưa ra thông báo chính thức: “Kính thưa quý vị, ông Spassky đã đầu hàng qua điện thoại vào lúc 12:50. Đây là một cách truyền thống và hợp lệ để đầu hàng. Ông Fischer đã thắng ván này, ván thứ 21, và ông ấy là người chiến thắng của trận đấu”.

Các khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Fischer mỉm cười khi Schmid bắt tay anh, sau đó anh gật đầu một cách vụng về để đáp lại sự mến mộ của khán giả, cảm thấy không thoải mái, và bắt đầu cất bước đi. Ngay trước khi rời khỏi đó, anh dừng lại một chút và nhìn vào đám đông, như thể anh muốn nói điều gì đó, hoặc có lẽ là anh định vẫy tay chào họ. Sau đó anh nhanh chóng biến mất ra phía sau sân khấu và rời khỏi tòa nhà. Một đám đông tụ tập quanh xe của anh. Người lái xe là Saemi Palsson, vệ sĩ của anh. Các phóng viên truyền hình cố gắng đưa micro với camera vào để phỏng vấn và quay phim Bobby, nhưng vô ích, cửa xe đã đóng kín. Lombardy ngồi ở ghế sau, và ba người lái xe đi. Chỉ sau khi đã ra ngoài đường lớn Fischer mới cho phép mình cười, và anh cười toe toét như một đứa trẻ. Anh đã trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới.

Hai ngày sau khi Fischer đoạt chức vô địch, một bữa tiệc trọng thể được tổ chức tại Laugardalsholl. Boris Spassky đến tham dự, cũng như trọng tài Lothar Schmid và chủ tịch FIDE Max Euwe đều có mặt. Buổi lễ bế mạc này đã được chuẩn bị trong nhiều tuần, và vé được bán ra từ trước khi trận đấu kết thúc.

Nhưng Bobby Fischer đâu? Những tiếng thì thầm bàn tán lan đi khắp căn phòng: “Anh ta sẽ không đến!” “Anh ta phải đến… thậm chí chị anh ta cũng ở đây!” “Anh ta vẫn còn đang thu lượm mấy tấm séc của mình!” “Anh ta đã trở lại Brooklyn rồi” …

Một tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không thấy bóng dáng nhà vô địch đâu, các quan khách thì đang sốt ruột chờ đợi, Tiến sĩ Euwe đành bước lên sân khấu, và dàn nhạc trình diễn bài hát của FIDE: “Gens Una Sumus”. Đột nhiên, trong bộ comlê màu hạt dẻ, Bobby xuất hiện. Không đợi hết nhạc, anh đi thẳng lên bàn đầu và ngồi xuống. Spassky ngồi cách đó hai ghế, Bobby vươn tay ra và họ bắt tay nhau. Euwe mời Fischer lên sân khấu, đeo chiếc vòng nguyệt quế danh giá lên vai anh, và tuyên bố anh là Nhà Vô Địch Thế Giới. Sau đó ông trao cho Fischer chiếc huy chương vàng và một tấm giấy chứng nhận. Lễ đăng quang diễn ra trong chớp nhoáng.

[​IMG]
Bobby Fischer và chiếc vòng nguyệt quế vinh quang

Xem xét tấm huy chương, Bobby thì thầm với Euwe, “Nhưng tên tôi không có trên đây”, Euwe mỉm cười trả lời: “Chúng tôi không biết được liệu anh có chiến thắng hay không!”. Không nói thêm lời nào, Bobby trở về bàn của mình. Euwe tiếp tục nói chuyện, và đề cập đến những điều lệ của trận tranh chức vô địch thế giới sẽ được thay đổi trong tương lai, chủ yếu là vì Fischer, người đã gây ra quá nhiều chuyện xung quanh trận đấu này.

Trong lúc Euwe phát biểu, Bobby cảm thấy buồn chán, và anh lôi chiếc bàn cờ bỏ túi quen thuộc của mình ra, bắt đầu phân tích lại ván cuối cùng của anh với Spassky. Spassky chuyển đến ngồi gần anh và lắng nghe phân tích của Bobby. Cuộc trao đổi diễn ra thật tự nhiên, như thể họ đang thi đấu với nhau. “Tôi sẽ chơi tiếp như thế này”, Spassky nói, di chuyển một quân trên bàn và chứng minh rằng anh có thể cầm cự ván cờ. “Nó sẽ không thay đổi được gì”, Bobby đáp lại. Sau đó anh cho tay cờ người Nga thấy tất cả các phương án mà anh đã phân tích trong khi hoãn đấu. Đại kiện tướng Efim Geller và Robert Byrne cũng nhanh chóng nhảy vào tranh luận. Vào lúc đó bản nhạc “Les oiseaux dans la charmille” của Offenbach dịu dàng cất lên, nhưng các kỳ thủ dường như không để ý đến.

[​IMG]
Bobby Fischer và Boris Spassky

Cuối cùng, Fischer được trao cho hai tấm séc giải thưởng, một tấm từ Liên Đoàn Cờ Vua Iceland, và một tấm từ James Slater, nhà triệu phú đã cứu vãn trận đấu. Chiến thắng của Bobby đã mang về cho anh 153,240 USD, cùng rất nhiều những tặng vật khác. Gudmundur Thorarinsson, chủ tịch Liên Đoàn Cờ Vua Iceland, phàn nàn rằng họ đã bị mất đến 50,000 USD cho trận đấu, vì không nhận được đồng nào từ tiền truyền hình và quay phim.

Khi Bobby đã nhận xong mọi thứ, anh rời khỏi bữa tiệc với người bạn của mình là kỳ thủ Argentina Miguel Quinteros. Quá nóng lòng rời đi, Bobby đã để quên quyển sách kỷ niệm của Iceland, và nó không bao giờ còn tìm lại được.

Ngay trước khi Spassky rời Reykjavik, Bobby gửi đến kỳ thủ người Nga một bức thư và một món quà, thể hiện tình bạn của anh dành cho Spassky. Spassky dường như không có chút oán hận nào đối với người đã đánh bại anh, dù anh biết rằng mình sẽ phải đối mặt với bao khó khăn khi trở lại Moscow. Nhận xét cuối cùng của anh về Bobby là “Fischer là con người của nghệ thuật, nhưng là một con người hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật của thế kỷ này. Tôi thích Fischer và tôi nghĩ tôi hiểu anh ấy”.

Hãy cùng điểm lại những thành tích đáng nhớ trong sự nghiệp của Bobby Fischer:

Tháng 7 năm 1956, vô địch giải trẻ Mỹ tại Philadelphia với điểm số 8,5/10, trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải này ở tuổi 13.

Tháng 10 năm 1956, cầm Đen đánh bại kiện tướng quốc tế Donald Byrne tại giải Rosenwald Trophy. Ván cờ này về sau được mệnh danh là “Ván cờ thế kỷ”.

Tháng 8 năm 1957, vô địch giải Mỹ mở rộng tại Cleveland với điểm số 10/12, trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất trong lịch sử của giải.

Năm 1957-1958, trở thành nhà vô địch trẻ nhất của Mỹ ở tuổi 14, và được quyền tham dự Portoroz Interzonal Tournament 1958.

Tháng 9 năm 1958, xếp hạng 5 tại Interzonal và trở thành đại kiện tướng quốc tế trẻ nhất cho đến thời điểm đó với 15 tuổi 6 tháng.

Năm 1959, trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử được quyền tham dự Candidates khi chỉ mới 16 tuổi.

Năm 1960, đồng hạng nhất với ngôi sao trẻ của Liên Xô Boris Spassky tại giải Mar del Plata với điểm số 13,5/15

Năm 1962, vô địch Interzonal tại Stockholm với kết quả 17,5/22, là kỳ thủ duy nhất bất bại tại giải.

Năm 1965, Fischer tham dự giải Capablanca Memorial Tournament, giải quốc tế đầu tiên sau 2 năm, và xếp hạng nhì, mặc dù phải thi đấu trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.

Năm 1967, đột ngột bỏ cuộc khi đang dẫn đầu tại Interzonal với điểm số 8,5/10

Năm 1968, vô địch hai giải Netanya và Vinkovci với điểm số áp đảo 11,5/13 và 11/13, rồi rút lui khỏi làng cờ trong suốt 18 tháng.

Năm 1969, xuất bản quyển sách “My 60 Memorable Games”, trở thành quyển sách bán chạy nhất tại thời điểm đó.

Năm 1970, tham gia “Trận đấu thế kỷ” và là người cao điểm nhất giải. Sau đó tham dự “Giải Vô Địch Cờ Chớp Thế Giới không chính thức” tại Herceg Novi và đoạt chức vô địch với điểm số 19/22, bỏ xa người về nhì 4,5 điểm.

Tháng 4-5 năm 1970, thắng dễ tại Rovinj/Zagreb với 13/17 (thắng 10 hòa 6 thua 1), bỏ xa người về nhì 2,5 điểm.

Tháng 7-8 năm 1970, vô địch giải Buenos Aires với điểm số áp đảo 15/17 (thắng 13 hòa 4), bỏ xa người về nhì 3,5 điểm.

Tháng 11-12 năm 1970, vô địch Interzonal tại Palma de Mallorca với điểm số 18,5/23, bỏ xa người về nhì 3,5 điểm.

Năm 1971, thống trị hoàn toàn Candidates Matches khi đè bẹp Mark Taimanov 6-0 ở vòng tứ kết, Bent Larsen 6-0 ở vòng bán kết, và Tigran Petrosian 6,5-2,5 ở trận chung kết.

Tháng 8 năm 1971, Fischer vô địch một giải cờ chớp rất mạnh được tổ chức tại câu lạc bộ cờ Manhattan, với điểm số không thể tin nổi: 21,5/22.

Năm 1972, Fischer đánh bại Spassky trong trận tranh chức vô địch thế giới với kết quả 12,5-8,5. Nếu trừ đi các ván hòa và không tính ván thua do bỏ cuộc thì Fischer đã chiến thắng với tỉ số đậm 7-2. Đại kiện tướng Jan Timman đã gọi chiến thắng của Fischer là “câu chuyện về người anh hùng đơn độc đánh bại cả một đế chế”.

Trong sự nghiệp của mình, Fischer đã vô địch nước Mỹ tổng cộng 8 lần:

1957-58: 10,5/13
1958-59: 8,5/11
1959-60: 9/11
1960-61: 9/11
1962-63: 8/11
1963-64: 11/11 (kỳ tích chưa từng có ai lặp lại)
1965-66: 8,5/11
1966-67: 9,5/11

Năm 1961-62 Fischer không tham dự giải vô địch Mỹ vì bận chuẩn bị cho Interzonal, và năm 1964-65 giải không tổ chức. Tổng điểm của Fischer tại các giải vô địch Mỹ là 74/90 (thắng 61, hòa 26, thua 3), đạt hiệu suất 82,2%

Ngoài ra Fischer từng tham dự 4 kỳ Olympic, với 2 lần giành huy chương bạc và 1 lần giành huy chương đồng cá nhân.

Trong cả sự nghiệp của mình, Fischer thắng 419 ván, thua 85 ván, hòa 246 ván, đạt hiệu suất 72,3% (cực kỳ cao). Trước trận tranh chức vô địch thế giới với Spassky, hệ số elo của Fischer là 2785, cao nhất thế giới, trong khi người đứng thứ nhì là Spassky chỉ đạt 2660

[​IMG]
Bobby Fischer năm 1971

Những nhà vô địch thế giới như Botvinnik, Petrosian, Spassky xem Fischer như là một chiếc máy tính, đơn giản vì khả năng tính toán phương án siêu hạng của Fischer, cùng với sự cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác trong việc lập kế hoạch. Sự chính xác luôn là ưu tiên hàng đầu của Fischer. Như Mikhail Tal đã nói, đừng bao giờ “cho không” Fischer một lợi thế, bởi vì anh ta có khả năng xử lý những ưu thế đó không giống bất kỳ một ai, và gần như đảm bảo 100% sẽ chuyển hóa thành chiến thắng.

Fischer nổi tiếng nhờ khả năng chuẩn bị chuyên sâu cho khai cuộc, và ông đã có rất nhiều đóng góp cho lý thuyết khai cuộc trong cờ vua.

Fischer đặc biệt nổi tiếng nhờ kỹ thuật tàn cuộc thượng thừa của mình. Kiện tướng quốc tế Jeremy Silman xếp Fischer vào top 5 kỳ thủ có kỹ năng tàn cuộc giỏi nhất, cùng với Emanuel Lasker, Akiba Rubinstein, José Capablanca, và Vassily Smyslov. Silman gọi Fischer là “bậc thầy của tàn cuộc Tượng”.

Tàn cuộc Xe, Tượng, Chốt chống với Xe, Mã, Chốt đôi khi còn được gọi là “Tàn cuộc Fischer”, nhờ vào ba ván thắng mẫu mực của Fischer trước Mark Taimanov trong tàn cuộc dạng này ở Interzonal 1970 và Candidates Matches 1971

Fischer được xem là một trong những kỳ thủ mạnh nhất mọi thời đại, và là một trong những chiến binh vĩ đại nhất đã từng chiến đấu trên bàn cờ.

Cùng xem lại những hình ảnh về Bobby Fischer, vị hoàng đế thứ 11 trong lịch sử cờ vua:

The end.

Biên dịch: dangtuanpr

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc