Skip to main content

Doanh nhân Dương Thanh Bình với niềm đam mê cây cảnh (01/27/2023)

Đăng ngày 27/01/2023 bởi Administrator

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, anh Dương Thanh Bình – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) còn là một nghệ nhân có niềm đam mê cây cảnh cháy bỏng. Anh đến với cây không phải để kinh doanh mà chính là để “dưỡng tâm, dưỡng thần”.

Tác phẩm “Nghênh thiên hạ thủy”.

Vốn quen biết Doanh nhân Dương Thanh Bình từ lâu, biết anh có niềm đam mê cây cảnh cháy bỏng, lại sở hữu nhiều cây độc, lạ nên tôi cũng muốn một lần được mục sở thị và chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh. Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng tôi cũng gặp được anh vào những ngày cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị bước sang một mùa Xuân mới – Xuân 2021.

Như đã hẹn từ trước, đúng 9h sáng tôi đã có mặt tại trụ sở Công ty (đồng thời cũng là nhà riêng của anh) tại khu 1, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Gặp được người quen, anh rất phấn khởi và vui vẻ. Tiếp tôi trong căn phòng khách sang trọng và ấm cúng của gia đình, anh nhanh nhẹn pha trà rót nước mời khách, sau đôi ba câu hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác, như không để tôi phải đợi lâu, anh liền dẫn tôi đi thăm vườn cây của mình.

Doanh nhân, nghệ nhân Dương Thanh Bình (bên trái).

Tác phẩm đầu tiên anh giới thiệu với tôi đó là tác phẩm “Long thăng thiên”. “Long thăng thiên” thực chất là một cây si đỏ có tuổi đời khoảng trên 100 tuổi. Sau khi mua về, anh Bình đã thực hiện lai ghép. Anh giữ nguyên gốc cây si đỏ “Long thăng thiên” và ghép thêm những mầm non của cây sanh để tạo thành tác phẩm “Sanh Long thăng thiên” mới. Cây hội tụ đầy đủ 4 yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn” của một cây cảnh đẹp… Sở dĩ có tên gọi “Long thăng thiên” bởi cây có hình dáng giống con rồng đang chuẩn bị bay lên trời. Miệng rồng được nghệ nhân tạo khéo léo như đang ngậm hạt ngọc quý; đôi mắt rồng được tạo thành từ hai hòn bi ve xanh, vào buổi tối dưới ánh đèn, mắt rồng càng thêm sáng long lanh; chân rồng chính là bộ rễ cây già nua đanh thép ôm chặt lấy quả cầu; thân rồng được tạo thành từ thân cây si đỏ uốn lượn, càng lên cao thân rồng càng thu nhỏ lại; đuôi rồng được tạo thành từ phần ngọn cây, đuôi vung lên như thể rồng đang vẫy đuôi bay lên; vẩy rồng vừa là tự nhiên vừa một phần được người nghệ nhân khéo léo tạo ra từ những vết cắt có hình vẩy cá chép, trải qua thời gian vẩy rồng càng trở nên rõ nét hơn.

Tuy không nói ra nhưng qua ánh mắt tôi biết đây chính là tác phẩm mà anh trân quý nhất. Trân quý không phải vì nó có giá trị kinh tế nhất mà bởi tình người với người trong cây. Anh kể: “Chủ nhân của cây này trước đây là ông Hồng quê ở thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ông cụ hiện vẫn còn sống và năm nay khoảng ngoài 90 tuổi. Năm 1996, có người ở Hà Nội lên trả ông 30 triệu nhưng ông nhất định không bán, 30 triệu lúc đó ông có thể xây được cả nhà tầng. Năm 2011, có người giới thiệu tôi đến mua nhưng ông cụ cũng không bán. Về sau cứ khi nào có dịp tôi lại sang nhà ông cụ chơi và ngắm cây. Lâu dần thành quen, khoảng hai năm sau, ông cụ điện cho tôi bảo sáng mai anh về đây tôi bảo. Tôi mới bảo: thế ông có việc gì mà bảo cháu về? Ông cụ liền bảo: anh thích cây nào về đây tôi để cho cây ấy. Tôi liền bảo: cháu thích cây con rồng, thế ông lấy bao nhiêu tiền sáng mai cháu đem tiền đến? Đầu tiên ông bảo: tôi lấy anh 15 triệu, sau đó không hiểu ông nghĩ thế nào, đến buổi trưa ông lại bảo: mai anh đem cho tôi 10 triệu thôi. Đúng như đã hẹn, sáng hôm sau tôi cùng anh bạn đánh xe tải về nhà ông cụ và ông đã chính thức bán cây cho tôi. Sau khi khênh cây lên xe xong, chúng tôi quay vào ngồi uống nước, ông cụ mới gọi vợ và các con lại và bảo: tại sao bố lại bán cho anh Bình các con có biết không, trong khi rất nhiều người hỏi thậm chí có người trả giá rất cao mà bố không bán? Ông cụ quay sang nhìn tôi và bảo: Là vì tôi biết các cụ nhà anh, tôi biết bố mẹ anh và tôi biết anh nên tôi để cho anh, còn nếu tôi bán cho người khác là tôi ốm”.

Tác phẩm “Sanh Long thăng thiên” hiện tại được bảo quản và trưng bày trong tủ kính.

Anh Bình cho biết cái quý của cây chính là vì lẽ đó. Sau này có vị khách trả giá hơn một tỉ đồng cho tác phẩm “Sanh Long thăng thiên” nhưng anh Bình nhất định không bán vì anh coi nó chính là đứa con tinh thần của mình, nếu bán đi thì anh cũng sẽ như ông cụ, sẽ nhớ cây mà ốm. Tuy nhiên, có một điều không may là trong một chuyến công tác dài ngày tại nước ngoài về, không hiểu vì lý do gì mà tác phẩm “Sanh Long thăng thiên” của anh đã bị héo và chết, anh Bình đã tìm mọi cách cứu vãn nhưng không được. Quá “đau sót” và “tiếc thương” cho tác phẩm “Long thăng thiên” của mình, sau khi cây chết, anh để vậy phơi cho cây thật khô trong khoảng thời gian hơn 1 năm, sau đó xử lý hóa chất cho đỡ mối mọt, tiếp đó anh gắn cho cây một bộ lá mới bằng nhân tạo và đưa vào tủ kính bảo quản, trưng bày cho tới ngày hôm nay. Cho tới nay tác phẩm “Long thăng thiên” vẫn “sống” vĩnh hằng với thời gian.

Tác phẩm “Sanh Long thăng thiên” lúc còn sống.

Ngoài tác phẩm “Long thăng thiên”, anh Bình còn sở hữu nhiều cây cảnh khác cũng không kém phần độc đáo và có giá trị kinh tế cao, như: tác phẩm “Lộc vừng vương miện” (nhìn giống như hình vương miện); hay tác phẩm “Hoa giấy nghênh thiên hạ thủy” cũng có tuổi đời gần trăm năm. Điều đặc biệt ở tác phẩm này là ngoài thế cây tuyệt mỹ (thế cây hình thác đổ) thì người nghệ nhân có thể cho cây ra hoa hay lá là tùy vào sở thích của người chơi; tác phẩm “Đôi sanh lộc bình”, “Sung voi phục”, “Sữa voi phục”, “Sung cá ngựa”, “Ruối ếch”, hay “Đa phượng hoàng bay”…Tất cả đều có một điểm chung là “gốc bồ ngọn chỉ” nhưng mỗi tác phẩm lại mang một ý nghĩa nhân văn riêng được người nghệ nhân gửi gắm vào trong đó.

Chia tay anh, trong lòng tôi cảm phục anh vô cùng, cảm phục bởi anh và cây như “hai người bạn tâm giao”, vui buồn có nhau. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống phải biết yêu thương, quý trọng lẫn nhau, có như vậy cuộc sống mới thêm phần ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc