Skip to main content

Định vị kinh tế thể thao ở Việt Nam (08/31/2022)

Đăng ngày 31/08/2022 bởi Administrator

Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tăng, tạo ra nhu cầu tập luyện thể dục thể thao (TDTT) ngày càng phát triển, là tiền đề cơ bản cho sự hình thành và phát triển thị trường TDTT, kinh tế thể thao (KTTT).

Tích hợp thể thao vào các hoạt động kinh doanh

KTTT là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một lĩnh vực kinh doanh giống như mọi ngành kinh doanh trên thị trường; cung cấp hàng hóa, dịch vụ TDTT cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận. Kinh doanh các hoạt động TDTT là cơ sở của KTTT và trong nền kinh tế thị trường hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp thể thao (Sport industry).

KTTT theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT (tập luyện, thi đấu,…) cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: Sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, cá cược, chứng khoán…). Theo nghĩa hẹp, KTTT chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT.

Đội tuyển Việt Nam chơi hay tại AFF Cup 2018 sẽ giúp các hoạt động liên quan đến thể dục thể thao, kinh tế thể thao phát triển. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Khả năng chi trả, thanh toán cho tiêu dùng và khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ TDTT trong xã hội tăng lên tạo điều kiện đủ cho KTTT phát triển và đến một mức nào đó trở thành một ngành kinh tế giống như những ngành kinh tế khác ở một số quốc gia được coi là cường quốc thể thao như: Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức… hoạt động thể thao đã là một ngành, một lĩnh vực kinh doanh (công nghiệp thể thao) đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều triệu lao động cũng như doanh thu, lợi nhuận cao hơn so với nhiều ngành kinh tế khác. Ở Mỹ, KTTT chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước Mỹ. Quy mô tổng thị trường đạt 400-435 tỷ USD mỗi năm, gấp hai lần ngành công nghệ ô tô và 7 lần ngành điện ảnh. Tại Trung Quốc, nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới; ngay từ năm 2011, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp thể thao Trung Quốc vượt mức 300 tỷ NDT, chiếm 1,2% GDP. Còn tại Anh, tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh thể thao đã vượt tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế Anh trong hai thập niên gần đây, thường xuyên đóng góp cho ngân sách quốc gia gần 20 tỷ bảng/năm.

Hiện nay, kinh doanh TDTT đã tích hợp vào các lĩnh vực kinh doanh khác như dịch vụ truyền thông, marketing. Hoạt động TDTT gắn với các loại hình du lịch như: Nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm. Kinh doanh thể thao kết hợp với các loại hoạt động kinh doanh khác để tìm kiếm những cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, bán bản quyền truyền thông, truyền hình, quảng cáo…

Ở nước ta có một số môn, như: Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền bước đầu đã chuyển sang thể thao chuyên nghiệp. Nền tảng cơ bản của thể thao chuyên nghiệp là môi trường hoạt động, được hình thành và phát triển dưới ảnh hưởng của môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, người hâm mộ. Thông qua môi trường những giải đấu chuyên nghiệp, sản phẩm hàng hóa của các chủ doanh nghiệp (các câu lạc bộ (CLB) chính là chất lượng các trận đấu, các sản phẩm dịch vụ cung cấp ra thị trường cho người hâm mộ thưởng thức. CLB thể thao chuyên nghiệp chỉ có thể thu được lợi nhuận và tồn tại phát triển được nếu tham gia thi đấu trong hệ thống thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Dịch vụ thi đấu thể thao là loại dịch vụ tổng hợp đặc biệt vì nó bao gồm nhiều loại dịch vụ thu lợi nhuận ngày càng lớn liên quan đến nhiều quốc gia: Dịch vụ lao động (chuyển nhượng cầu thủ), dịch vụ du lịch, quảng cáo, truyền thanh, truyền hình, chứng khoán…

Trong quản lý KTTT, chính sách cơ bản mang tính chất cơ sở để thiết lập các chính sách, cơ chế quản lý cụ thể là luật về TDTT. Ở nước ta, Luật TDTT (ban hành năm 2006) gần đây có sửa đổi một số điều và được thông qua năm 2018. Tuy nhiên, điều quan trọng là Luật TDTT xác định như thế nào về tính chất hoạt động TDTT: Kinh doanh hay không kinh doanh (giải trí, công ích, công cộng).

Luật TDTT hiện nay coi TDTT là hoạt động mang tính chất sự nghiệp, công ích mà chưa xác định rõ tính chất kinh doanh của hoạt động TDTT và sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển TDTT được quy định trong điều 4 chỉ ra nhằm “đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân”. Sự khác nhau như vậy sẽ quy định chính sách phát triển cụ thể và công cụ quản lý phát triển TDTT khác nhau.

Chính vì thế mà ở nước ta hiện nay, TDTT đang được quan niệm như một lĩnh vực hoạt động xã hội mang tính phi kinh tế, phi kinh doanh. Do đó, cần phải thay đổi nhận thức về KTTT. Sự nhận thức đúng cần được thể hiện và đi liền với việc tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ cho sự phát triển.

Đẩy mạnh hoạt động thể thao chuyên nghiệp

Chuyên nghiệp hóa thể thao ở Việt Nam thực chất là sự đổi mới cơ chế quản lý và đầu tư cho thể thao theo hướng xã hội hóa, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp. Đó là giải pháp quan trọng nhằm đưa trình độ thể thao và quản lý thể thao ở nước ta lên một trình độ mới với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Thể thao nghiệp dư hay theo cách bao cấp không tạo nên được tính chuyên nghiệp và tính thương mại theo cơ chế thị trường, thậm chí còn là nguyên nhân của sự thụ động, ỷ lại, thiếu trách nhiệm của nhiều người trong guồng máy quản lý thể thao.

Với những điều kiện đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng XHCN của Nhà nước, việc vận dụng các nguyên tắc tổ chức, biện pháp quản lý và hệ thống chính sách trong việc phát triển thể thao chuyên nghiệp theo xu hướng thị trường cần phải mềm dẻo và linh hoạt mới có thể khai thác hết các tiềm năng của xã hội, đặc biệt trong mô hình tổ chức CLB thể thao chuyên nghiệp theo hướng doanh nghiệp thể thao.

Khâu đột phá là đổi mới cơ chế quản lý, hình thành CLB thể thao chuyên nghiệp tự quản để chuyển sang chế độ tự bù đắp chi phí. Nhà nước (ở giai đoạn đầu) vẫn tiếp tục đầu tư cho các CLB thể thao chuyên nghiệp, nhưng không đầu tư theo cách bao cấp mà tạo vốn, tạo cơ chế để phát huy sự tự chủ của các CLB.

Nghiên cứu về KTTT ở các nước có nền thể thao tiên tiến cho thấy, KTTT mang lại 4 nhóm lợi ích cơ bản cho nền kinh tế (GDP) của họ: Giảm tổn thất kinh tế liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội; kéo dài tuổi thọ người dân bằng các yếu tố sức khỏe ảnh hưởng đến sự gia tăng khả năng lao động của con người; giúp chuẩn bị nguồn lực lao động, bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Nhìn sang các quốc gia khác tại Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, ngành kinh doanh thể thao đã đóng góp từ 2,0 đến 2,5% GDP/năm. Ở Anh, số lượng người tham gia vào các công việc liên quan đến thể thao tăng liên tục, chiếm khoảng 2% lực lượng lao động.

Cũng phải thấy rằng, khi có nhiều người tham gia vào các hoạt động thể thao thì điều đó sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Nhờ tham gia hoạt động TDTT tích cực nên người dân tăng cường thể chất, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và qua đó tăng khả năng, hiệu suất lao động. Hoạt động thể thao gia tăng cũng gián tiếp giảm chi phí xã hội cho chữa bệnh, khắc phục các tệ nạn xã hội như: Nghiện rượu, ma túy, cờ bạc… Một nền kinh tế bền vững cần có các nguồn lực tăng trưởng phát triển bền vững, trong đó, nguồn lực con người khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là nhân tố quan trọng. KTTT phát triển còn giúp nâng cao hình ảnh quốc gia và gắn kết cộng đồng. Nhiều hoạt động TDTT đã tác động, ảnh hưởng tích cực tới đời sống xã hội như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, kéo co, quần vợt… làm khuấy động tinh thần dân tộc, kết nối mọi người, mà thành công của đội tuyển U.23 Việt Nam giành ngôi Á quân VCK U.23 châu Á 2018, Olympic quốc gia xếp hạng 4 ASIAD 2018 là ví dụ tiêu biểu. Những ngày này, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu tưng bừng ở AFF Cup 2018 và giành quyền vào vòng bán kết với ngôi đầu bảng A, chúng ta sẽ cảm nhận thấy rõ thể thao mang lại sự đoàn kết, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, vui hơn. Từ thành công của các đội tuyển quốc gia, nhiều ngành nghề khác sẽ được hưởng lợi, góp phần tạo tiền đề cơ bản cho sự hình thành và phát triển KTTT.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc