Skip to main content

CUỘC TRUY TÌM VÀ NHỮNG TRANH LUẬN VỀ NGUỒN GỐC THẬT SỰ CỦA CỜ VUA (10/14/2022)

Đăng ngày 14/10/2022 bởi Administrator

I. Những truyền thuyết về sự ra đời của Cờ vua
Cờ Vua hiện đại là một hiện tượng toàn cầu. Quá trình hình thành, phát triển của nó liên quan đến nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia, thế nên không có gì lạ khi tồn tại rất nhiều giả thuyết liên quan đến sự ra đời của Cờ Vua.

Ít nhất, đã có 7 quốc gia được tuyên bố là quê hương, nơi khai sinh ra môn chơi nổi tiếng này, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Ai-cập, Hy Lạp, Assyria, Persia (Ba Tư) và Arabia (Ả rập). Một mặt, các học giả cố gắng phản biện những giả thuyết khác, một mặt lại cố gắng chứng minh giả thuyết của mình.
Theo đó,  Cờ Vua – hay dạng nguyên thủy của Cờ Vua – đươc cho là đã được chơi lần đầu tiên bởi Aristotle, Yafet Ibn Nuh (Japhet – son of  Noah: Japhet – con trai của Noah),  Sam be Nuh (Shem),  Solomon hay thậm chí là… Adam.

Trong số các giả thuyết, có giả thuyết có vẻ logic, có giả thuyết có vẻ ít logic, thậm chí, có giả thuyết có vẻ phi logic khi xây dựng nền tảng liên quan đến những nhân vật huyền thoại, chưa thể xác định là có thật sự tồn tại hay không trong lịch sử nhân loại. Các giả thuyết tuy mâu thuẫn lẫn nhau nhưng ở cái nhìn tổng quan, ta có thể thấy tầm ảnh hưởng lớn của môn chơi này, khi nó đều được thừa nhận bởi những nền văn minh tiên tiến nhất trong lịch sử cổ đại (và nếu như môn chơi này không được đánh giá cao, hẳn đã không tồn tại nhiều giả thuyết tranh luận đến thế!) Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có lí lẽ của mình và quả thật, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có những ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành, phát triển Cờ Vua.
Tuy vậy,  khi xét về nguồn gốc, giả thuyết Cờ Vua được khai sinh từ Ấn Độ chiếm ưu thế về độ tin cậy và được tán đồng bởi đa số các nhà nghiên cứu.

II. Tìm kiếm sự thật…
Bài viết được phát triển trên cơ sở không thừa nhận một cách máy móc bất cứ một giả thuyết nào (kể cả thuyết nguồn gốc Ấn Độ). Thay vào đó, chúng tôi sẽ cố gắng tập trung khai thác các cứ liệu khoa học để làm rõ vấn đề.
Bước đầu, dựa vào nơi tìm thấy các cứ liệu và niên đại của chúng, có thể tạm giới hạn nơi khai sinh Cờ Vua ở một trong 3 quốc gia: Ấn Độ, Ba Tư và Trung Quốc.
Ta sẽ  căn cứ vào mức độ hợp lí của các cứ liệu để cho điểm, xếp hạng. Ở mỗi hạng mục cứ liệu, cả 3 quốc gia sẽ cùng chia sẻ tổng điểm 5. Sau khi lần lượt khảo sát các nguồn cứ liệu, quốc gia nào có điểm xếp hạng cao hơn thì có nhiều khả năng là nơi khai sinh Cờ Vua hơn.
Các cứ liệu được sử dụng bao gồm: truyền thống của một số quốc gia, vùng lãnh thổ (được cho là cái nôi của Cờ Vua như đã kể trên); những văn bản cổ; những chứng cứ khảo cổ học; những manh mối liên quan đến ngữ âm học.

III. Những giải đoán về mặt ngữ âm (The Philisophy)
Chaturanga là tên trò chơi Cờ vua cổ đại của Ấn Độ. Giả thuyết “Gốc Ấn Độ” xác định đây là phiên bản nguyên thủy, sơ khai nhưng toàn vẹn nhất về đặc trưng của cờ vua. Và từ Chaturanga, các phiên bản Cờ khác dần xuất hiện trên cơ sở tiếp thu, cải biến

Nếu xem Cờ như một sản phẩm trí tuệ, được mô hình hóa từ các quân chủng thì sự hiện diện của Voi là một luận điểm quan trọng để củng cố cho thuyết “gốc Ấn Độ”. Tuy vậy, việc sử dụng Voi trong quân sự cũng khá thông dụng ở Ba Tư.
Các chuyên gia ngôn ngữ cho rằng từ Chatrang (cờ vua) trong tiếng Ba Tư có nguồn gốc từ từ “Chaturanga” trong tiếng Sanskrit.
Nếu nhận định này là đúng, đó sẽ là một căn cứ quan trọng cho giả thuyết “gốc Ấn Độ”. Tuy vậy, ngoài từ Chaturanga, không còn từ nào khác được chuyển ngữ thành tiếng Ba Tư hay Ả rập. Lẽ ra nên có nhiều manh mối về mặt ngữ âm hơn nếu thật sự Cờ Vua là một trò chơi Ấn Độ.

Tất cả những thuật ngữ Cờ Vua hiện đại khác như tên gọi quân Cờ, cách phát âm đều có gốc từ Ba Tư chính thống, ví dụ như từ “checkmate” và “Rook” có nguồn gốc từ từ “Shah mat” và “Rokh”.
Ta vẫn có thể giải thích hiện tượng này theo thuyết “Gốc Ấn Độ”. Tên trò chơi được giữ lại (tuy không thật sự nguyên vẹn vì những sai biệt về âm ngữ trong phiên âm từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác), còn các quân có thể thay đổi để phù hợp với thói quen, văn hóa nơi tiếp nhận. Ví dụ, quân cờ đại diện cho Bộ binh lại được chuyển đổi thành “Nông dân” trong tiếng Đức. Còn quân “Tượng binh, Voi” lại được chuyển đổi thành “Giám mục” (Bishop) ở các nước phương Tây. Khi sang Việt Nam, các dịch giả lại dịch “Bishop” trở lại là “quân Tượng”, vì văn hóa Việt Nam đã quen với cách gọi này khi cũng tiếp nhận một cách tích cực Cờ Tướng (Xiangqi) của Trung Quốc. Đây là những ví dụ trong Cờ Vua hiện đại ngày nay. Những thay đổi về mặt ngữ âm cũng có thể xảy ra theo cách tương tự trong thời cổ đại.
Với luận điểm này, ta cũng có thể giải thích tại sao không một tên gọi, thuật ngữ nào trong Xiangqi của Trung Quốc được sử dụng ở Ấn Độ hay Ba Tư – theo hướng có lợi cho thuyết “gốc Trung Quốc”.

Tạm kết:
Các nhà ngữ âm học khẳng định gốc từ “chaturanga” xuất hiện trước tiên.
Về cơ bản, Ấn Độ chiến thắng trong cuộc tranh luận này. Tuy vậy, Ba Tư và Trung Quốc cũng không quá thua kém, khi vẫn có thể đưa ra những phản biện hợp lí. Điểm số có thể được phân bố như sau:
Ấn Độ: 2 điểm
Ba Tư: 1.5 điểm
Trung Quốc: 1.5 điểm

IV. Tiếng nói từ truyền thống các quốc gia (The Traditions)
Trong nhiều thế kỷ, lịch sử chủ yếu là những truyền thống được ghi nhận lại. Ngày nay, những nhà sử học hiện đại có nhiều tư liệu hơn để học tập, tìm hiểu về chuyên môn của mình. Tuy vậy, không nên xem nhẹ tiếng nói từ những truyền thống, khi nó vẫn có thể ẩn chứa một phần nào đó sự thật.
a) Truyền thống/ truyền thuyết Ba Tư
Cùng lúc với văn bản đầu tiên về Cờ Vua xuất hiện, người Ba Tư (Persians) từng nói rằng họ được một đại sứ vùng đất “Hind” truyền dạy môn chơi này. Địa danh này thường được hiểu là Ấn Độ (India). Rất có thể đã có sự nhầm lẫn, vì hình dạng và biên giới các quốc gia hiện đại và cổ đại rất khác biệt, thậm chí chồng chéo lên nhau. Cho đến khi đế chế Sassanian (AD 224 – AD 651) [1] sụp đổ, Hind được dùng để chỉ một vùng đất, hiện nay là tỉnh Sindh ở Pakistan.
Tiếp đến, sau cuộc xâm lược của người Ả rập (Arab), quan điểm Cờ Vua đến từ Ấn Độ đã được kể, viết, kể lại, viết lại trong các bản viết tay của người Ả rập [2]. Rõ ràng là, truyền thống Ba Tư và Ả rập đều cho rằng Cờ Vua đến từ Ấn Độ. Không có một câu nói, hay văn bản cổ nào tranh cãi Cờ Vua đến từ Ba Tư.
Liệu đây có phải là sự thật?  Dĩ nhiên, cơ sở cho khẳng định trên đến từ những truyền thuyết. Và truyền thuyết thì không phải lúc nào cũng tường thuật lại sự kiện một cách chính xác. Sau thế chiến thứ II, tất cả những gì hay và đẹp ở Châu Âu đều được cho là đến từ Mỹ. Tâm thức này có lẽ cũng không quá khác biệt – đối với những vương quốc cổ đại. Trong thời điểm đó, Ấn Độ là một nền văn minh có ảnh hưởng lớn, và với người Ba Tư, tất cả những gì tuyệt nhất được họ cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ. Từ góc nhìn này, quan điểm “truyền thuyết” Cờ Vua đến từ Ấn Độ cần được cân nhắc lại. Tuy vậy, không thể phủ nhận hoàn toàn những hiểu biết có được từ nguồn tư liệu truyền thuyết.

[1] “A Brief History”. Culture of Iran, tháng 11 năm 2007.

[2] Chi tiết hơn, có thể tham khảo History of Chess của tác giả Murray.

b) Truyền thống/ truyền thuyết Ấn Độ
Những ghi chép cổ xưa về Cờ Vua rất khan hiếm, ít nhất là cho đến năm AD 1000, và không có thông tin liên quan nào có thể thu thập được – trước mốc thời gian này. Sau đó, các tác giả Ấn Độ cho rằng Cờ Vua có nguồn gốc Ấn Độ với sự chắc chắn gần như tuyệt đối. Theo đó, các tác giả này cho rằng có ít nhất 3 câu chuyện có thể được viện dẫn cho sự ra đời của Cờ Vua.
Câu chuyện thứ nhất – cũng là câu chuyện hay được viện dẫn nhất xác định thời điểm Chaturanga xuất hiện trùng khớp với thời đại của Alexander Đại đế (BC.336 – BC.323). Lúc bấy giờ, ở Ấn Đố cũng có 1 vị vua hùng mạnh không kém, tên Kaid. Trong thời gian vua Kaid trị vì, không có một đối thủ, kẻ thù ngoài biên giới nào dám xâm phạm bờ cõi, cũng như không có một mầm mống nào dám nổi loạn trong đất nước. Tuy sống trong cảnh thanh bình nhưng máu huyết của 1 vị thủ lĩnh, 1 vị vua hùng mạnh khiến ông không ngừng suy nghĩ đến những cuộc chiến, những đợt tấn công, những chiến thắng vẻ vang, hiển hách. Vua Kaid bèn đem những muộn phiền của mình thổ lộ cho nhà thông thái Sassa, hỏi nhà thông thái về một giải pháp giúp cho tâm trí ông trở nên an bình, tĩnh lặng. Sassa đã giới thiệu một trò chơi mô phỏng chiến trận – diễn ra trên một bàn cờ 64 – cho vua Kaid, và nhà vua đã lĩnh hội một cách rất tài tình, đầy vui thích và thỏa mãn. Nhà thông thái được nhà Vua cho phép tự chọn phần thưởng cho mình. Với vẻ nhún nhường, khiêm tốn, ông chỉ xin nhà Vua lần lượt cho ông những hạt thóc tương ứng với 64 ô trên bàn cờ, số thóc ở ô sau lần lượt gấp đôi số thóc ở ô trước. Thoạt nghe có phần nực cười vì nghĩ những hạt thóc nhỏ bé chẳng đáng là bao, nhà Vua nhận lời ngay và giục quần thần đếm thóc thưởng cho nhà thông thái. Sau hồi lâu tính toán, quần thần kinh hãi tâu cho vua biết con số ấy là 18 446 744 073 709 551 615 hạt. Họ cũng đếm xem bao nhiêu hạt thóc thì được 1 cân, từ đó đi đến kết luận rằng không thể nào đủ thóc để trả cho nhà thông thái, bởi dù có đem hết kho thóc của nhà Vua, gộp với toàn bộ số thóc hiện có của cả nước Ấn Độ thì cũng còn rất xa mới đến ngưỡng con số nhà thông thái đề nghị. Nhà Vua bối rối vì sự hấp tấp thiếu suy xét của mình, mà lệnh thì đã ban ra, không thể thu hồi được. Để gỡ bí cho Nhà Vua, nhà thông thái đề nghị để ông tự đếm số thóc, đếm được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, không đếm được thì không nhận, và lại đêm ngày ông còn phải lo việc khác nên bất quá cũng chỉ đếm được vài ba đấu mà thôi… Đến đây, nhà Vua lại càng khâm phụ tài trí và sự ôn hòa của nhà thông thái…
Trong khoảng thời gian này, Ấn Độ đã có những liên hệ với thế giới Ả rập, Hồi Giáo. Và với sự thật là người Ả rập cũng cho rằng Cờ Vua đến từ Ấn Độ, niềm tin này càng trở nên có cơ sở.
Câu chuyện thứ 2 kể rằng: sau cái chết của vua Fur – vị vua có sự nghiệp đầy hiển hách, con trai ông không có đủ kinh nghiệm trận mạc, chiến trường và bị đặt vào mối đe dọa bởi những thế lực thù địch bên ngoài. Những nhà thông thái hội họp cùng nhau, và sau cùng Sassa – con trai Dahir mang bàn cờ đến cho vị hoàng tử, thưa rằng: “chiến trận với những nguyên tắc chiến thuật được phản ánh một cách tuyệt vời qua trò chơi này. Hoàng tử phải luyện tập sự thận trọng và mạnh mẽ trong tấn công cũng như bình tĩnh tự tin trong phòng ngự ở đây, sau đó áp dụng vào chiến trường thực tế”. Hoàng tử với sự háo hức, đã tìm thấy những bài học bổ ích từ những chỉ dẫn của Sassa. Rất nhanh, hoàng tử hoàn toàn nắm được những nguyên lí của trò chơi, tập hợp những đạo quân và tự tin phản kích lại những thế lực thù địch, giành chiến thắng trên mọi phương diện. Hoàng tử trở về trong vinh quang và sau đó đã dành tình yêu đặc biệt cho Chatutanga, trò chơi đã cứu lấy danh dự, vương quốc và tính mạng của hoàng tử.
Ở câu chuyện thứ 3, khi vua May qua đời, hoàng hậu Paritchera đã thay nhà vua trị vì đất nước. Vua và hoàng hậu có 2 con trai, Ghav và Talachand. 2 hoàng tử trẻ dần trưởng thành, mong muốn được biết ai sẽ là người kế  vị hoàng hậu. Vì muốn giữ hòa khí, Hoàng hậu đã che giấu ý định của mình, trao hi vọng một cách riêng biệt cho mỗi hoàng tử. Cho rằng mẹ đang ủng hộ mình, 2 người anh em tị hiềm, tập hợp quân đội, gây nội chiến, bất chấp những lời khuyên can từ hoàng hậu. Sau những diễn biến trận chiến, Talachand đã bị bao vây bởi quân lính của Ghav. Và có lẽ do quá uất ức, Talachand đã gục chết ngay trên lưng voi chiến của mình với không một tác động nào từ quân lính của Ghav… Những nhà thông thái soạn nên trò chơi Chaturanga – đại diện cho cuộc chiến đã qua của Ghav và Talachand. Người mẹ đau buồn lặng ngắm những quân cờ, và qua mỗi ngày chơi trò chơi, bà nhớ về cái chết của con trai, không thể chịu đựng và tha thứ cho lỗi lầm của mình. Sau một thời gian dài bà dần tìm được sự thiền định, tĩnh tại trong trò chơi.
c) Truyền thống/ truyền thuyết của “thế giới” Trung Quốc
Hiện nay, một số tác giả Trung Quốc cho rằng Cờ Vua có nguồn gốc Ấn Độ. Các tác giả cổ đại thì ngược lại, đã cố gắng chứng minh rằng Cờ Vua được tạo nên từ những hoàng đế huyền thoại, những tướng quân nổi tiếng trong sử thi. Ví dụ, đã có những sự khẳng định lập đi lập lại rằng Cờ Vua (Xiangqi – hay còn được biết đến với tên gọi Cờ Tướng) đã được phát minh bởi hoàng đế Wudi (561 – 578), người sáng lập vương triều Beizhou. Bên cạnh đó, thậm chí có ý kiến cho rằng người sáng lập Cờ Tướng là tướng quân Han Xin vào năm BC 203 (tuy có mốc thời gian, nhưng sự việc này gần với huyền thoại hơn là lịch sử!)
Có thể, những tác giả cổ đại không biết về lịch sử Cờ Vua ở những vùng đất khác ngoài đất nước của họ, vì vậy, họ chỉ việc thừa nhận rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hoặc giả, với cái nhìn đầu tiên về diện mạo bên ngoài – phiên bản Trung Quốc của Cờ Vua – Xiangqi – hoàn toàn không giống với phiên bản Ba Tư/ Ấn Độ, nên người Trung Quốc không có lí do gì để cho rằng Cờ có nguồn gốc ngoại quốc.

Tạm kết:
Theo những gì thu thập được từ truyền thống các quốc gia, Ấn Độ có ưu thế hoàn toàn so với Ba Tư, và Trung Quốc xếp ngay sau Ấn Độ. Với nguồn cứ liệu này, điểm số tạm được phân chia như sau:

Ấn Độ: 3 điểm
Trung Quốc: 2 điểm
Ba Tư: 0 điểm 

V. Những căn cứ từ các văn bản viết tay cổ (The texts)
Ở cái nhìn đầu tiên, văn bản chữ viết đáng tin cậy hơn nhiều so với truyền thống. Tuy vậy, tham khảo nguồn tài liệu này cũng cần cẩn trọng. Các văn bản cổ xưa được giới thiệu đến chúng ta qua những bản sao chép, hoặc trích dẫn lại sau vài thế kỉ văn bản gốc được soạn. Người sao chép có thể đã cố gắng để “hoàn thiện” văn bản họ làm việc bằng những ý kiến cá nhân. Vì vậy, khi làm việc với những văn bản cổ, ta phải đối chiếu nó với những dị bản khác (nếu có tồn tại), và đây thường xuyên là vấn đề. Tuy vậy, đây là vấn đề của rất nhiều chương trong lịch sử, không chỉ riêng Cờ Vua, và chúng ta vẫn nên làm việc với nguồn tư liệu này.
a) Các văn bản cổ của Ba Tư
Văn bản cổ xưa nhất đề cập đến Cờ Vua thuộc về Ba Tư. Có ít nhất 3 văn bản khác nhau cho biết rằng trò chơi này rất được tầng lớp công vương, quý tộc Sassanian ưa thích.
Cổ xưa nhất trong số này là “Wizârîshn î chatrang ud nîhishn î nêw-ardakhshîr” (giải thích về Chatrang và sự phát hiện cây cam tùng), được viết vào khoảng năm AD 600 [1]. Quyển sách chép tay này kể về sự du nhập của Cờ Vua vào thời gian trị vì của vua Khusraw đệ Nhất (531 – 579). Tiếp theo là “Kârnâmag î Ardakhshîr î Pâbagân” (quyển sách kể về những thành tựu của Ardakhshîr – con trai Pâbag), được biên soạn vào đời vua Khusraw thứ 2 (590 – 628). Thứ ba là “Khusraw î Kawâdân ud Rêdag” (Khusraw – con trai của Kâwâd và những trang viết), cũng được viết vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 – thời gian đế quốc Sassanian vẫn tồn tại.
Tất cả những nguồn này đều chứng minh rằng trò chơi Chatrang đã được biết đến và trở nên phổ biến, ít nhất là đối với tầng lớp quý tộc từ rất sớm – vào  khoảng đầu thế kỷ 7, hoặc thậm chí là cuối thế kỷ 6.
Sau đó ít lâu, người Ả rập thống trị đế chế Ba Tư. Họ cũng tiếp nhận trò chơi hoàng tộc này, và phát triển nó thành Satranji – một phiên bản cải tiến theo cách của người Ả rập. Văn bản tiếng Ả rập đầu tiên nói về điều này là một bài thơ của Farazdaq’s, được xuất bản vào năm 728. Sau đó, những quyển sách hướng dẫn hoàn chỉnh về luật chơi và khoa học, nghệ thuật chơi Cờ đã xuất hiện vào thế kỷ 9.

[1] theo nguyên cứu của Panaino

b) Các văn bản cổ của Ấn Độ
Một công trình văn học nổi tiếng được biên soạn trước thời đại của chúng ta là Râmâyana – đã đề cập đến từ “chaturanga”. Nhưng ở đây, nó mang nghĩa quân sự – đề cập đến quân đội bao gồm 4 binh chủng (bộ binh, kỵ binh, tượng binh và chiến xa) và chưa có liên hệ nào với Cờ cả.
Trong thời điểm này, chỉ có một văn bản tiếng Sanskrit có liên quan đến Cờ: “Harshacharita”.  Văn bản này ghi lại lịch sử của vua Harsha của vương quốc Kânyakubja. Văn bản được soạn bởi Bâna – nhà thơ của triều đình – với nội dung ca ngợi sự trị vì của quốc vương: “trong vương quốc này, chỉ có những con ong cãi nhau để tranh sương, không có án hành hình dã man cho những người phạm tội, và chỉ từ ashtâpada người ta mới có thể học về chaturanga…”
Nghệ thuật chơi chữ được vận dụng xuyên suốt đoạn trích.  “ashtâpada” là từ để chỉ bàn cờ. “Chaturanga” mang cả 2 hàm nghĩa: “trò chơi Cờ” và “quân lược, quân sự.” (câu thơ cuối đoạn trích – vì vậy – có thể được đọc theo 1 cách dễ hiểu hơn: “và chỉ trên bàn cờ, người ta mới có thể học về quân lược”.)
Một điều đáng ghi nhận là mặc dù Ấn Độ có truyền thống văn học phong phú và các thể loại trò chơi thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học cổ, những đề cập đến Cờ chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 850, và những dòng đề cập rất ngắn gọn, cung cấp rất ít manh mối cho việc xác định niên đại thật sự của trò chơi. Phải rất lâu sau đó, quyển sách đầu tiên miêu tả chi tiết, tường tận về trò chơi Chaturanga mới xuất hiện – quyển sách “Mânasollâsa” được viết bởi Mânasollâsa, hoàng tử của một vương quốc miền nam Ấn Độ vào đầu thế kỷ 12. Mốc thời gian này quả thực rất muộn – nếu Ấn Độ là nơi khai sinh Cờ Vua.
c) Các văn bản cổ của Trung Quốc
Một văn bản sớm được biên soạn ở Trung Quốc là “Xiangjing” – vào năm 569. Quyển sách này đã thất lạc, nhưng lời tựa của nó – được viết bởi Wang Bao (mất năm 576) vẫn tồn tại. Theo đó, quyển sách nói về một trò chơi có liên quan đến thiên văn – mang tên Xiangjing và được cho là được sáng tạo bởi hoàng đế Wudi (561 – 578). Liệu có phải trò chơi này là Cờ, hay một một loại hình trò chơi hoàn toàn khác – như Liubo[1]? Xiangjing chưa được chứng minh là Cờ, nhưng ngược lại, cũng không ai dám khẳng định đó không phải là một loại hình Cờ cổ đại. Đến nay, câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.
Một nguồn tham khảo chắc chắn – viết về Xiangqi với tư cách là phiên bản Cờ của Trung Quốc – là “Xuangai lu” (quyển sách của những điều bí ẩn) – được viết bởi Niu Sengru – một thành chủ của vương triều Tang (ông mất năm 847). Quyển sách miêu tả, hướng dẫn nước đi của một số quân cờ. Cùng thời tác phẩm này, một nguồn tin cậy khác là bài thơ của Bo Juyi vào năm 829 – cũng đề cập đến Cờ. Tuy vậy, chúng đều xuất hiện khá muộn – khi so sánh với những văn bản được tìm thấy ở Ba Tư.

[1] trò chơi huyền bí, đến nay manh mối về luật chơi gần như đã không còn tồn tại, nhưng tên trò chơi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lịch sử Trung Quốc. Bàn chơi và họa tiết Liubo xuất hiện trên nhiều hiện vật cổ đại như tiền đồng, gạch ốp, khiên và la bàn cổ đại…

Tạm kết:
Với sự tham dự của nguồn cứ liệu văn bản viết, Ba Tư chiếm ưu thế vượt trội. Từ góc nhìn của giả thuyết “gốc Ấn Độ” hoặc gốc “Trung Quốc”, vẫn có thể có những tranh luận, nhưng không tương đương về sức thuyết phục. Điểm số cho nguồn cứ liệu này có thể được phân bố như sau:

Ba Tư: 2,5 điểm

Trung Quốc: 1,5 điểm

Ấn Độ: 1 điểm.

VI. Những hiện vật khảo cổ ở Ba Tư
2 quân cờ đã được tìm thấy ở Dalverzin-Tepe, Uzbekistan, có niên đại vào khoảng thế kỷ 2. Chúng mang hình dáng con voi và con trâu. Mốc thời gian này là quá sớm, và không có quân cờ nào liên quan đến “trâu” – trong tất cả phiên bản Cờ được biết đến nay. Vì vậy, một cách khái quát, những hiện vật này không được công nhận là quân Cờ. Tuy nhiên, chúng vẫn đáng được nhắc đến.


2 quân cờ đã được tìm thấy ở Dalverzin-Tepe, Uzbekistan

Cho đến lúc này, những quân cờ cổ xưa nhất đuợc phát hiện ở Afrasiab  vào năm 1977,  trườc kia là vùng đất Sogdiana và nay thuộc Uzbekistan. Chúng là những hiện vật nhỏ được làm bằng ngà voi: 2 bộ binh, 1 quân Mã, 1 quân Tượng (có người ngồi trên), 1 quân có hình dạng như thú họ mèo, và 2 quân Xe khác nhau. Tất cả đều có niên đại từ thế kỷ 7, và chúng được tìm thấy trong các cuộc tìm kiếm, khảo cổ độc lập trên Con Đường Tơ Lụa cổ đại.


những quân cờ đuợc phát hiện ở AirAsiab

Một bộ quân cờ khác lộ diện vào năm 2006, từ miền bắc Afghanistan. Miền bắc Afghanistan là Bactria cổ đại, cũng thuộc phạm vi Ba Tư.
Về tổng thể, có rất nhiều quân cờ được tìm thấy có niên đại từ thứ kỷ 7 đến thế kỷ 8, đến từ phương Đông Ba Tư (East Persia). Các nơi tìm thấy hiện vật đều trải dài theo Con đường Tơ Lụa. Chúng đều thuộc lãnh thỗ Ba Tư cổ, niên đại khớp với thời gian tồn tại của đế chế Sassanian.

VII. Những hiện vật khảo cổ ở Ấn Độ
Đặt trong mối quan hệ so sánh, những hiện vật tìm thấy ở Ấn Độ có vẻ rất nghèo nàn. Thời tiết ẩm ướt và vật liệu chế tác các hiện vật là những vật liệu không bền có thể là lí do giải thích cho việc những cuộc khai quật đều không được thành công như những vùng khô ráo hơn ở Trung Á.
Với sự thật này, rất nhiều tranh luận đã xảy ra – vì nhiều học giả muốn chứng minh Ấn Độ là cái nôi của Cờ – nhưng lại không đủ cứ liệu. Một vài người cho rằng những hiện vật tìm thấy ở Lothal – có niên đại từ thời gian văn hóa Harappa (năm B.C 1900!) – chính xác là những quân cờ. Tranh luận này khá thú vị. Tuy vậy, mốc thời gian này là quá sớm, và những hiện vật có thể là bất cứ thứ gì khác (đồ chơi, đồ trang sức hay những vật dụng khác không liên quan đến Cờ…). Một vài hiện vật khác, lúc đầu cũng được tin là những quân Cờ, nhưng về sau, chúng được xác định thuộc về một loại trò chơi khác (có dùng xúc xắc).
Đáng chú ý là một quân cờ bằng ngà voi – đại diện cho quân Xe – đã được tìm thấy ở Mântai, Sri Lanka, có niên đại vào khoảng thế kỷ 2 hoặc thế kỷ 3. Tuy nhiên, đến nay, đó vẫn là quân cờ riêng lẻ được tìm thấy (không có thêm một quân cờ nào khác có thể gộp vào cùng bộ như ở Ba Tư).


Những hiện vật tìm thấy ở Lothal. Chúng có thật sự là những quân cờ?

Thật ra, có rất nhiều vật dụng nhỏ bằng sành sứ – hiện đang được trưng bày ở các bảo tàng Ấn Độ – có thể được sử dụng như những quân cờ (vật dụng với nhiều chức năng). Nếu ý tưởng này có thể được chứng minh, đó sẽ là nguồn hỗ trợ rất xác thực cho giả thuyết Cờ đã được phát minh từ Ấn Độ. Với lí do này, vào năm 2007, một đoàn khoa học gia người Đức đã đến miền Bắc Ấn Độ để điều tra thêm. Không một báo cáo khoa học nào về kết quả chuyến làm việc từng được công bố.

Ấn Độ ẩn chứa những dấu vết quan trọng để điều tra thêm, tuy vậy, những hiện vật – ít nhất vẫn chưa được hoàn toàn nhìn nhận/chứng minh là những quân cờ.

VIII. Những hiện vật khảo cổ ở Trung Quốc
Các văn bản cổ đại đã đề cập đến Cờ từ khá sớm, tuy vậy, một cách đáng thất vọng, những hiện vật liên quan đến Cờ lại rất ít. Người Trung Quốc chơi Cờ với những quân đại diện hình trụ tròn – tên gọi được viết bằng mực ở mặt trên. Họ không chế tác quân Cờ tượng hình ba chiều như Ba Tư, Ấn Độ. Quân cờ Trung quốc thường được chế tác bằng gỗ – một vật liệu không đủ bền để tồn tại qua hàng thế kỷ. Hơn nữa, mực để viết tên quân Cờ cũng sẽ phai dần sau vài năm. Những khó khăn này giải thích tại sao các quân cờ gỗ lại khan hiếm đến vậy. Chỉ một bộ Cờ gỗ được tìm thấy – với tình trạng không thật sự tốt. Niên đại của chúng rơi vào khoảng thời gian 1127 – 1279.

Những quân cờ được tìm thấy ở Kaifeng (Khai Phong)

Một vài bộ cờ bằng đồng và gốm có niên đại sớm hơn (1102 -1106) vẫn sống sót. Tuy vậy, những mốc thời gian này vẫn là quá muộn so với Trung Á.
Tạm kết:
Với những chứng cứ khảo cổ học, những quốc gia cổ đại thuộc hệ ngôn ngữ Ba Tư đang chiếm ưu thế nhất định. Nếu Ấn Độ là nơi Cờ được sinh ra thì sự thiếu vắng các hiện vật khảo cổ (các quân Cờ cổ đại) thật sự là một ngạc nhiên lớn. Với Trung Quốc cũng vậy. Dù Ấn Độ và Trung Quốc đều có lý do để giải thích, và vẫn đang cố gắng tìm kiếm những hiện vật để củng cố cho vị thế của mình, chúng ta vẫn nên tiếp tục làm việc với những bằng chứng đã có được. Theo đó, điểm số có thể được phân bổ như sau:

Ba Tư: 3 điểm

Ấn Độ: 1 điểm

Trung Quốc: 1 điểm

IX. Kết quả từ việc tổng hợp những nguồn cứ liệu

Truyền thuyết             Văn bản       Hiện vật         Khảo cổ      Ngữ âm           Tổng điểm
Ba Tư                                 0                 2.5                  3                 1.5                       7
Ấn Độ                                 3                 1                    1                  2                          7
Trung Quốc                        2                 1.5                 1                  1.5                       6
Cuối cùng, tranh luận của 3 giả thuyết “gốc Ba Tư”, “gốc Ấn Độ” và gốc “Trung Quốc” khi bàn về nguồn gốc (cái nôi khai sinh) Cờ Vua gần như là một kết quả hòa – khi những cá nhân quan tâm đến vấn đề vẫn có thể tranh luận để thêm hoặc bớt nửa điểm, một điểm ở chỗ này hoặc chỗ kia. Một điểm lợi thế của Ba Tư và Ấn Độ trước Trung Quốc không quá quan trọng.
Nếu người đọc không mang sẵn định kiến “gốc Ấn Độ” thì thật sự, kết quả này không đáng ngạc nhiên. Nó đã lí giải cho câu hỏi “tại sao nguồn gốc Cờ Vua lại gây nhiều tranh cãi?”  một cách khá thuyết phục. Ta có thể tìm thấy những phản biện, những cơ sở lí giải tốt ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ ứng viên. Ở cái nhìn tổng quan, có thể Ấn Độ đã khai sinh tên gọi trò chơi, trên cơ sở tập hợp và mô hình hóa những đạo quân truyền thống của mình. Ấn Độ cũng được chính người Ba Tư thừa nhận là nơi Cờ Vua được ra đời. Tuy vậy, những chứng cứ xác thực nhất minh chứng cho “sự ra đời”, sự thịnh hành lại được tìm thấy ở Ba Tư. Không dừng lại ở đó, phiên bản “Cờ Trung Quốc” lại có vẻ nguyên thủy hơn cả…

Cờ Vua đến từ phương Đông, từ châu Á, và trò chơi đã xuất hiện trước khi thế kỉ 6 kết thúc. Có 3 quốc gia, vùng lãnh thổ là ứng viên khai sinh Cờ Vua, bao gồm Ba Tư cổ đại (Với lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều so với Iran ngày nay: Trung Á, vùng đất dọc theo Con đường Tơ lụa. Uzbekistan, Afghanistan… đều đã từng thuộc về nền văn minh Ba Tư cổ), Ấn Độ (Bắc Ấn, bao gồm cả Kashmir và thung lũng Ganges), và Trung Quốc (gồm cả những vùng phụ thuộc). Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa đủ tư liệu để đi xa hơn những khẳng định trên.

Trò chơi có thể đã được phát minh ở Trung Quốc và sau đó được chuyển giao đến Serindians, Sogdians, Ba Tư và Ấn Độ, hoặc cũng có thể đã đi theo lộ trình ngược lại. Mỗi người có thể nghĩ về một kịch bản khác nhau, nhưng cần sự thận trọng, vì như đã trình bày – những đặc trưng của Cờ cổ đại rất khác biệt so với phiên bản quốc tế chúng ta đều đã biết hiện nay.
X. Một hướng nghiên cứu, một hướng nhìn nhận khác về vấn đề
Khi thuyết “nguồn gốc Cờ Vua gắn liền với một địa danh duy nhất” không thể giải đáp tất cả câu hỏi được đặt ra, ta hoàn toàn có thể nghĩ đến một hướng tư duy khác: phải chăng, ngay từ bước đầu hình thành, Cờ Vua đã mang nhiều nguồn gốc? (Hybrid Origin). Cơ sở cho hướng tư duy này đến từ việc phân tích cấu trúc các quân của trò chơi. Theo đó, ta có thể tạm phân chia các quân chủng trên bàn Cờ thành 3 nhóm như sau:

Nhóm 1: Quân cờ trung tâm (trung tâm được hiểu theo 2 nghĩa: vị trí trung tâm – so với các quân Cờ còn lại, và tính chất trung tâm: toàn bộ cuộc chiến xoay quanh quân cờ này. Trong Cờ Vua hiện đại, quân Cờ trung tâm chính là quân Vua (King). Trong 2 người chơi, người nào để mất quân cờ này thì thua cuộc).

Nhóm 2: Những quân cờ chỉ được chỉ được phép đi về phía trước (không đi lùi lại). Trong Cờ Vua hiện đại, quân Chốt (Pawn) thuộc nhóm này.
Nhóm 3: Những quân cờ có thể di chuyển tự do, cả tiến và lùi. Trong Cờ Vua hiên đại, các quân Xe (Rock), Mã (Knight) Tượng (Bishop) thuộc nhóm này.

Quân cờ thuộc nhóm 1 có thể là ý tưởng được bắt nguồn từ Trung Quốc. Quân cờ thuộc nhóm 2 có thể là ý tưởng được bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ, và quân cờ thuộc nhóm 3 có thể thuộc về nền văn minh Ba Tư.

Các luận điểm nền tảng cho nhận định này gồm có:

-Thứ nhất, trò chơi Liubo của Trung Quốc được chơi trên một bàn cờ. Trên bàn cờ này, vị trí trung tâm được đánh dấu đặc biệt và một số học giả phân tích rằng mục đích của trò chơi là làm thế nào để quân cờ tiến được đến vị trí trung tâm đó. Ngoài ra, những thông tin khác về cách chơi vẫn đang được tìm hiểu.

– Tiếp đến, trong so sánh với quân Vua trong cờ Vua hiện đại, quân Tướng trong trò chơi Xiangqi cũng thể hiện vai trò, tính chất và biểu hiện trung tâm cao hơn. Xiangqi phân bố các quân trên giao điểm các đường kẻ ngang, dọc. Quân Tướng đứng ở cột 5 – vị trí trục đối xứng cho các quân còn lại. Trong khi với Cờ vua, các quân được phân bổ trên các ô vuông. Quân Vua đứng ở hàng ngang thứ nhất, ô thứ 4 – đếm từ bên phải, và ô thứ 5 – đếm tứ bên trái, ko cân xứng như quân Tướng. Thêm 1 đặc điểm, theo qui định quân Tướng không bao giờ đi ra khỏi “khu vực trung tâm” được đánh dấu trên bàn cờ, còn quân Vua có thể đi đến bất kì ô nào.

– Theo thuyết “gốc Ấn Độ”, trò chơi Chaturanga là thủy tổ của Cờ vua. Nhưng trước khi có sự xuất hiện của Chaturanga chính thống, ở Ấn Độ đã tồn tại 1 loại hình Chaturanga dành cho 4 người chơi. Người chơi gieo xúc xắc để xác định xem sẽ di chuyển quân nào khi đến lượt của mình. Quan trọng hơn cả – quân Vua không hề tồn tại trong kiểu chơi này!

Mình xin phép không đi quá sâu vào từng luận điểm chứng chinh cho giả thuyết này vì vẫn cần thời gian để tìm hiểu thêm.
Thay vì cho rằng trò chơi có xuất phát điểm từ một quốc gia, lan tỏa đến nhiều quốc gia khác rồi biến đổi cho phù hợp (như những thuyết “gốc địa danh” đã được trình bày), hướng tư duy này mở ra một khả năng cần được xem xét nghiêm túc: ngay từ lúc hình thành, trò chơi có thể đã được xây dựng trên những “tiếp biến, vay mượn từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, sau đó lại được phát tán, và tiếp tục tiếp biến khi đến các xã hội khác nhau. Với hướng tư duy này, lí do Cờ Vua được tiếp nhận dễ dàng và phát triển mạnh mẽ trong thời cổ đại là do những nơi tiếp nhận đều thấy được ở Cờ Vua những gần gũi, tương đồng với văn hóa của mình. Giả thuyết tuy có phần phức tạp hơn, nhưng phù hợp hơn với thực tế – khi các giao lưu, tương tác văn hóa ở phương Đông vào khoảng thế kỷ thứ VI, VII diễn ra vô cùng mạnh mẽ và chồng chéo.

XI. Lời kết
Tạm gác lại những tranh luận về nguồn gốc, Cờ quả thực là một thành tựu văn minh quan trọng của nhân loại. Từ góc nhìn với quan điểm lịch sử, Cờ Vua đã trở thành một trong những hiện tượng toàn cầu đầu tiên – khi những giá trị của nó đều được thừa nhận bởi các nền văn minh tiên tiến thời cổ trung đại. Nó đã đánh dấu bước phát triển hoàn thiện và vượt bậc về tư duy so với những giai đoạn trước.  Những qui luật, nguyên tắc nghiêm ngặt trong Cờ Vua cho ta thấy ý thức tôn trọng luật lệ, xã hội đã hình thành từ rất sớm. Các quân cờ được mô hình hóa từ những quân chủng thật sự từng tồn tại. Qua mỗi quốc gia, Cờ Vua lại có những biến đổi cho phù hợp với văn hóa địa phương, hình thành những phiên bản bản địa đa dạng. Các yếu tố này giúp ta có thể hình dung những tương tác văn hóa thời cổ trung đại đã diễn ra mạnh mẽ như thế nào./.

 

 

 

 

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc