Skip to main content

Cờ vua Việt Nam: Những ‘vầng trăng khuyết’ trên bảng vàng quốc tế (01/28/2023)

Đăng ngày 28/01/2023 bởi Administrator
Những cô gái không may mắn bị khiếm thị nhưng với họ, ánh sáng là từ nỗ lực của trái tim để khẳng định bản thân.
Nữ vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Mỹ Linh.
Nữ vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Mỹ Linh.

Họ đã ghi danh trên đấu trường cờ vua quốc tế với bảng vàng thành tích đáng ngưỡng mộ.

Vận động viên triển vọng

Những vận động viên khuyết tật luôn là những tấm gương nghị lực vươn lên. Với họ, những thành tích mang lại không chỉ là vinh quang cho bản thân, gia đình, mà còn là sự khẳng định, lan tỏa nghị lực sống đẹp đẽ. Do vậy, qua mỗi năm tháng, họ lại thêm quyết tâm rèn luyện để những người có cùng hoàn cảnh có thêm động lực bước tiếp đầy tự tin, rạng rỡ. Đồng hành cùng Nguyễn Thị Hồng nhiều năm qua, huấn luyện viên Bùi Quang Vũ cho biết, vào thời điểm năm 2014, kiến thức về cờ của cô còn khá sơ sài nhưng bù lại là khả năng tính toán, quyết tâm cao trong thi đấu và tinh thần tự tập luyện. Thế nhưng, dù mọi khó khăn, thử thách thì Hồng vẫn luôn vượt qua và là niềm tự hào của những người khuyết tật.

Bị khiếm thị từ nhỏ nhưng nghị lực vượt khó của nữ vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng khiến nhiều người nể phục. Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) năm 2022 diễn ra tại Indonesia, Nguyễn Thị Hồng đã giành 2 Huy chương Vàng cá nhân.

Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1998, là con thứ hai trong một gia đình có 4 chị em ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Hồng chịu cảnh thiệt thòi khi hai mắt bị giảm thị lực do thoái hóa võng mạc sắc tố. Khát khao được đến trường như bao bạn cùng trang lứa, đến năm 7 tuổi ước mơ của Hồng đã thành hiện thực.

“Tôi học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu khi vào lớp 2. Với một đứa trẻ khiếm thị từ quê ra thành phố, thực sự có nhiều bỡ ngỡ khó khăn. Biết thế nên bố phải thuê nhà trọ gần trường và tìm một công việc kiếm kế mưu sinh khá vất vả để được gần gũi, chăm sóc tôi”, Hồng nhớ lại.

May mắn đã mỉm cười với Hồng khi có một nhóm sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh mỗi tuần một buổi hướng dẫn học sinh trong lớp của Hồng chơi cờ vua.

Ban đầu, Hồng phải làm quen với các quân cờ một cách khó khăn vì thị lực không đủ để nhìn rõ đâu là vua, đâu là hậu, là xe… Thế nên, cô bé Hồng phải vừa cố căng mắt vừa phải sờ chi tiết để định hình sự khác biệt của từng quân cờ. Hồng cũng chỉ nghĩ tham gia theo phong trào, song qua những ván đấu “sáng nước”, các anh chị sinh viên phát hiện ra Hồng có năng khiếu đặc biệt ở môn thể thao trí tuệ này.

Miệt mài khổ luyện, những nước cờ táo bạo, hiệu quả của Hồng đã khuất phục bao đối thủ. Nhận được sự tin tưởng từ Ban huấn luyện, Hồng thường xuyên góp mặt ở các kỳ cuộc thể thao thường niên của người khuyết tật và thường đoạt từ 2 đến 4 huy chương tại mỗi giải đấu.

Mới đây, ngay trong lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia, Hồng đã đoạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc cá nhân và 3 Huy chương Vàng đồng đội ở ASEAN Para Games năm 2022 tại Indonesia.

Đồng hành cùng Nguyễn Thị Hồng nhiều năm qua, huấn luyện viên Bùi Quang Vũ cho biết, vào thời điểm năm 2014, kiến thức về cờ của cô học trò còn khá sơ sài nhưng bù lại là khả năng tính toán, quyết tâm cao trong thi đấu và tinh thần tự tập luyện.

Đến năm 2016 khi chính thức là vận động viên của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Hà Nội, Hồng gặp nhiều khó khăn trong việc vừa sắp xếp thời gian hoàn thành chương trình học trung học phổ thông (học hòa nhập), vừa phải nỗ lực trong việc theo kịp chương trình tập luyện cờ vua.

Cô gái khiếm thị bày tỏ: “Tôi trân trọng dành tặng những tấm huy chương quý báu cho mái trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Ban lãnh đạo đội tuyển thể thao người khuyết tật Hà Nội và bố mẹ. Đây là những người thân yêu đã chắp cánh cho tôi bay tới một tương lai tươi sáng”.

Nữ vận động viên dự định, trong tương lai vẫn tiếp tục theo đuổi môn cờ vua, rèn luyện và thi đấu. Điều cô đang ấp ủ là ước mơ mở lớp, trở thành cô giáo dạy cờ vua. Nguyễn Thị Hồng gửi gắm thông điệp: “Chúng ta hãy làm những gì bản thân yêu thích và hãy yêu những điều mà chúng ta đã làm”.

Cờ vua Việt Nam: Những 'vầng trăng khuyết' trên bảng vàng quốc tế ảnh 1
Nguyễn Thị Hồng được trao Huy chương Vàng tại ASEAN Para Gamess 2022.

Chơi cờ để tìm thấy niềm vui

Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng bước sang tuổi thứ 5, điều không may mắn đã xảy đến với Mỹ Linh khi gia đình phát hiện em bị khối u ở não. Ca phẫu thuật không hoàn hảo đã gây ảnh hưởng tới dây thần kinh thị giác khiến Mỹ Linh bị khiếm thị.

Thay vì được cặp sách tới trường như các bạn đồng trang lứa, Mỹ Linh dần phải làm quen với các hoạt động, thói quen của người khiếm thị.

“Hồi còn bé, thấy các bạn cùng trang lứa được đến trường mà mình không được thì tôi thấy rất buồn. Lúc đấy, tôi bắt đầu chơi cờ nhiều hơn. Từ khi 5 tuổi, thấy anh trai chơi cờ vua, tôi đã học và biết cách đi quân, những nước cờ căn bản từ thời điểm ấy nhưng cũng chỉ chơi vui”, Mỹ Linh chia sẻ.

Lâu dần, niềm đam mê cờ vua được hình thành ở cô gái trẻ. Tới năm 2017, Mỹ Linh bén duyên với đội tuyển cờ vua Việt Nam và nhanh chóng giành được những thành tích đầu tiên.

Cờ vua Việt Nam: Những 'vầng trăng khuyết' trên bảng vàng quốc tế ảnh 2
Nguyễn Thị Mỹ Linh giành Huy chương Vàng Asian Para Games 2018.

“Tôi chỉ có thể nhìn mờ mờ chứ không thể nhìn rõ được như người bình thường nên việc hình dung bàn cờ ban đầu, nhớ nước đi khá khó khăn. Nhưng có sự hướng dẫn của huấn luyện viên, học hỏi thêm, tôi đã tự tư duy được và cải thiện khả năng chơi cờ, tìm ra những nước đi phù hợp nhất. Đến giờ, tôi có thể bao quát được bàn cờ trong tưởng tượng, khi chạm vào bàn cờ là biết được đối phương đi nước cờ nào, hình dung ra chiến thuật để tìm ra những bước đi phù hợp nhất đáp lại”, Mỹ Linh cho hay.

Cú sốc lớn đầu đời đã không thể khuất phục được cô gái sinh năm 1995 mà càng làm cô mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Nhìn vào những thành tích mà Mỹ Linh giành được đến hiện tại, có lẽ ngay cả những người bình thường cũng không ngớt những lời khâm phục.

Đây được xem là thành tích lịch sử khi lần đầu tiên cờ vua Việt Nam có huy chương tại Asian Para Games. Càng đáng quý và tự hào khi biết rằng những tấm huy chương danh giá này được mang về bởi những cô gái khuyết tật.

Suốt mười năm liền, Mỹ Linh luôn là học sinh giỏi. Năm 2012, cô gái trẻ đoạt giải Nhì cuộc thi viết kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Đặc biệt năm 2015, Mỹ Linh đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh, thiếu niên khuyết tật toàn cầu. Cùng năm này, cô được bầu chọn là công dân trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Cô còn tham gia vào hoạt động gây quỹ mổ mắt miễn phí cho các bạn bị khiếm thị nghèo của một tổ chức và thường xuyên góp mặt trong các hoạt động về cộng đồng.

Chỉ mới gia nhập đội tuyển quốc gia từ năm 2017 nhưng thành tích của cô thật sự đáng nể. Ở Para Games 2017, giải đấu quốc tế đầu tiên của mình, Mỹ Linh gặt hái được 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Đến với Asian Para Games 2018, mọi người rất ngạc nhiên khi cô nàng mang theo một chiếc… vali rách. Khi được hỏi lý do, cô gái hồn nhiên trả lời: “Chiếc vali này đã từng cùng tôi giành Huy chương Vàng cuộc thi công nghệ tại Indonesia. Vì vậy, chuyến thi đấu này tôi mang theo nó để đem lại may mắn cho mình”.

Và một lần nữa Mỹ Linh thành công khi mang về Huy chương Vàng cá nhân lịch sử cho cờ vua Việt Nam ở nội dung cờ nhanh hạng thương tật B2/B3 tại đấu trường châu Á.

Ngoài ra, Mỹ Linh đã nhận được nhiều khen thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành như Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước cấp; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ cấp; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Ủy ban Olympic Việt Nam… Năm 2022, Mỹ Linh được chọn là một trong những thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc