Skip to main content

Cờ vua và nhận thức: Những đóng góp đầu tiên (09/07/2022)

Đăng ngày 07/09/2022 bởi Administrator

Những đóng góp của Alfred Binet

Cờ vua trong vai trò phép ẩn dụ cho sự am hiểu về quá trình nhận thức có lịch sử dài hơn một thế kỉ. Trong cuốn sách Tư duy và chọn lựa trong Cờ vua (1965), de Groot nhận xét những đóng góp hàng đầu của cờ vua vào việc phân tích những thuộc tính tâm lí (như là trí nhớ và sự chú ý). De Groot cũng đề cập đến công trình của Alfred Binet, và của Djakow, Rudik, và Petrovsky.

Nhà tâm lí học Alfred Binet thực hiện nghiên cứu đầu tiên về cờ vua với tư cách một hoạt động nhận thức trong cuốn sách Psychologie des grand calculateurs et des jouers d’échecs (Tâm lý học về những chiếc máy tính khổng lồ và những kì thủ cờ vua) (1894). Binet chủ yếu hứng thú với trí nhớ và khả năng hình dung cần thiết để chơi cờ tưởng (cờ mù). Chơi cờ tưởng là một kiểu chơi cờ trong đó có ít nhất một người chơi, thường là ngồi quay lưng vào bàn cờ, chơi cờ mà không nhìn vào cả bàn cờ lẫn quân cờ. Từ thời xa xưa, kiểu chơi này đã luôn được coi như một cách chứng minh tài năng và trí thông minh, đặc biệt trong những buổi biểu diễn khi nhiều ván cờ được chơi cùng một thời điểm. Một kiện tướng cực giỏi có thể xử lí cả tá ván cờ và thường thì thắng gần hết. Nhiều kì thủ vĩ đại nhất mọi thời đại từng chơi những trận đấu đồng loạt nổi tiếng, như là François- André Philidor tại Café de la Regence ở Paris năm 1744, ông được mọi người vác trên vai sau khi chơi hai ván cờ tưởng; đại kiện tướng người Argentina gốc Ba Lan Miguel Najdorf từng chơi 45 ván cờ tưởng (mặc dù kỉ lục chính thức được nắm giữ bởi George Koltanowski với 54 ván và kỉ lục không chính thức bởi Janos Flesch với 52 ván). Nỗ lực hơn người để chơi cờ vua kiểu này được cho là nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần của người chơi, và lối chơi này đã bị cấm ở một số quốc gia, như là Liên Xô cũ chẳng hạn. Tuy nhiên, Koltanowski, người được biết đến bằng việc nắm giữ kỉ lục thế giới và vì đã chơi qua tất các thể loại biểu diễn đồng loạt và thi đấu tưởng, qua đời năm 2000 ở tuổi 96 (Najdorf qua đời ở tuổi 87).

Nghiên cứu của Binet thiếu sự chặt chẽ và còn khá thô sơ trong phương pháp khoa học, tuy nhiên nó là một sự tham khảo cần thiết trong lịch sử cờ vua và tâm lý học. Phân tích của ông được tiến hành bằng việc hỏi những kì thủ mạnh lúc bấy giờ (trong đó có Siegbert Tarrasch, Samuel Rosenthal, vF David Janowsky) để họ miêu tả cách chơi một ván cờ tưởng. Ý tưởng ban đầu của Binet là trí nhớ hình ảnh hẳn phải là cốt lõi cho khả năng chơi cờ tưởng, nhưng ông đi đến kết luận rằng có 3 điều kiện cần thiết để chơi cờ tưởng thành công – kiến thức uyên bác, sự hình dung và kí ức.

Về học thức uyên bác, Binet cho rằng người chơi nhận biết mỗi thế cờ trên bàn như một tổng thể có ý nghĩa. Tương tự, việc nhận thức một ván cờ hoàn chỉnh là một chuỗi những tư duy và hành động chứ không phải những động tác đơn lẻ và rời rạc. Do đó, chỉ có sự tổng hòa của kinh nghiệm và kiến thức (nói cách khác, học thức uyên bác) mới đảm bảo rằng người chơi có được hình ảnh có ý nghĩa. Điều kiện thứ hai, sự hình dung/định hình (hình ảnh trong tâm trí), ý chỉ cái cách mà hình ảnh của mỗi thế cờ hiện lên trong tâm trí của người chơi. Binet kết luận rằng người chơi không lưu giữ một hình ảnh hoàn thiện của thế cờ mà thay vào đó tạo ra một sự tái dựng tổng quát (gestalt – tiếng Đức là hình dạng, hình thức) không màu, không dạng. Thuyết Gestalt đề xuất rằng nhận thức và kiến thức cấu thành một tổng thể không thể tách rời, trong đó bao gồm mọi phương diện có thể quan sát được (hình dạng, màu sắc, kích cỡ, sự tương phản, .v..v.) mà những phương diện này được cấu tạo dựa trên những định luật tổ chức. Cuối cùng, về điều kiện thứ ba là kí ức, Binet kết luận rằng không có trí nhớ hình ảnh mà thay vào đó là một dạng trí nhớ trừu tượng lưu giữ một mô hình mơ hồ của thế cờ (bao gồm những khả năng hay thay đổi như hoạt động của quân cờ và những mối đe dọa). Trong mô hình này, kí ức về thế cờ được tạo nên bởi sự tái dựng có hệ thống những nước đi đã diễn ra trước đó. Chẳng hạn, trình bày của Tarrasch về kinh nghiệm của ông chỉ rõ rằng ông không hề có một hình ảnh cố định về thế cờ như thể ông được nhìn thấy nó mà phải tái tạo nó liên tục cho đến đi có được hình ảnh cuối cùng.

Như de Groot bình luận, sự phân loại hai điều kiện hình ảnh trong tâm trí và kí ức trong công trình của Binet là không rõ ràng, có thể là do ông không biết làm sao tách bản thân mình khỏi ý tưởng ban đầu của mình về trí nhớ hình ảnh. Nếu chơi cờ dựa trên trí nhớ hình ảnh, những kì thủ khiếm thị bẩm sinh sẽ không thể học chơi cờ được, mà điều đó lại không chính xác, bởi ta thấy có rất nhiều kiện tướng khiếm khuyết về thị giác (khiếm thị). Dù sao thì de Groot cũng công nhận tính tiên phong trong công trình của Binet đối với một mảng vẫn chưa được khám phá sâu rộng trong công cuộc phân tích những khía cạnh tâm lý và bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông đối với nghiên cứu này, dù cho có sự thiếu hụt về kiến thức về thời kỳ và sự thờ ơ của chính Binet về cờ vua.

Những đóng góp của Djakow, Rudik, và Petrovsky

Đóng góp thứ hai cho việc sử dụng cờ vua như một phòng thí nghiệm về nhận thức ra đời năm 1927 ghi nhớ 3 giáo sư Xô Viết, Djakow, Rudik, và Petrovsky. Những nhà nghiên cứu này đã mời 8 kì thủ từ giải thi đấu Moscow đến phòng thí nghiệm tâm lí học của Trường đại học Moscow để tham gia vào một chuỗi thí nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu điều gì làm nên tài năng chơi cờ vua. Một số thí nghiệm của họ (đặc biệt là thí nghiệm mà trong đó kì thủ được yêu cầu tái dựng lại một thế cờ lên bàn cờ sau khi được quan sát trong khoảng thời gian ngắn) đã trở thành những thí nghiệm tiêu chuẩn trong việc nghiên cứu khả năng nhận thức của người chơi cờ vua. Tuy nhiên, công trình của ba nhà nghiên cứu ngày, tìm kiếm mối tương quan giữa khả năng chơi cờ và những khả năng trí óc khác, có đầy những lỗi về phương pháp khoa học và kết quả của nó (thiếu sự liên kết giữa cờ vua và những khả năng khác) đã bị chỉ trích nặng nề.

Những đóng góp của Adrian de Groot

Nghiên cứu kinh điển đã liên kết cờ vua, nghiên cứu về nhận thức và thực nghiệm khoa học là Tư duy và chọn lựa trong Cờ vua của Adriaan de Groot. Cuốn này được xuất bản lần đầu năm 1946 bằng tiếng tiếng Hà Lan-Bỉ và bản dịch tiếng Anh ra đời năm 1956. Trong tác phẩm của mình, de Groot tiến hành phân tích các chu trình của hệ thần kinh chi phối việc ra quyết định ở thời điểm con người thực hiện một nước cờ. Để làm được điều này, ông nhận được sự trợ giúp từ một vài kì thủ xuất sắc nhất thời bấy giờ, bao gồm hai nhà vô địch thế giới (Alexander Alekhine và Max Euwe). Ngoài ta, ông cũng nhờ cậy vào sự phối hợp của một loạt những kiện tướng (ngày nay họ được gọi là những kiện tướng quốc tế). Danh sách những nhân vật vĩ đại mà ông nhờ cậy để thực hiện những thí nghiệm của mình hết sức ấn tượng: Alexander Alekhine, Max Euwe, Reuben Fine, Salo Flohr, Paul Keres, và Savielly Tartakower; tất cả những kì thủ này, ngoại trừ Tartakower, đều tham gia vào giải đấu danh tiếng Algemeene Vereeniging Radio (AVRO) diễn ra ở Hà Lan năm 1938.

Những thí nghiệm của de Groot về cơ bản được phân thành hai dạng. Trong dạng thí nghiệm đầu tiên, một thế cờ được bày trên bàn, và người chơi (đối tượng nghiên cứu) phải phát biểu thành lời mọi diễn biến trong suy nghĩ của mình cho đến khi người này đi đến quyết định sẽ đi nước cờ nào. Những bình luận của người chơi được ghi lại, và sau đó một loạt những phương diện liên quan đến ván cờ sẽ được xem xét. Trong dạng thí nghiệm thứ hai, một thế cờ được bày trên bàn trong vòng năm giây, và đối tượng nghiên cứu phải tái dựng lại thế cờ đầu tiên trên một bàn khác. Mục đích của thí nghiệm này là để xem dạng yếu tố nào người chơi nhận diện là sắp đặt quân cờ-quân cờ hoặc quân ở-ô cờ. Dạng phân tích này dẫn đến việc phát hiện ra nhiều kiểu quan hệ không gian giữa các quân cờ. Ngoài ra, thí nghiệm này được thực hiện nhiều lần để nghiên cứu quỹ đạo của mắt trong lúc đối tượng nghiên cứu quan sát thế cờ (nhờ vào kĩ thuật đặc biệt), để không gian cố định của mắt người tương tác với không gian phức hợp trong phạm vi bàn cờ. Nghiên cứu so sánh về cách người chơi làm sao cố định sự tập trung nhận thức của họ được dùng để đưa ra kết luận về những phương thức khác nhau để kiến thức có thể ảnh hưởng đến nhận thức và sự nhận thức dạng mẫu quyết định hiểu biết.

Mặc dù có sự hạn chế về logic trong giao thức thí nghiệm của dạng thí nghiệm đầu tiên (bởi họ không thể ghi lại mọi thứ diễn ra trong suy nghĩ của một người chơi), kết quả của những thí nghiệm này rất được quan tâm. Họ đã truyền cảm hứng cho một thế hệ các nhà nghiên cứu để sản sinh ra kiểu dữ liệu này đối với người chơi cờ vua ở những trình độ khác nhau. Hàng tá những bài báo nghiên cứu chuyên môn (một vài bài được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo ở cuối cuốn sách này) đã được xuất bản, nhưng có hai cuốn gần đây nổi bật hơn cả – Tư duy của đại kiện tướng (2004) của Amatzia Avni và Bên trong tư duy cờ vua: Người chơi cờ vua ở mọi cấp độ nghĩ gì về cờ vua (2004) của Jacob Aagaard. Cuốn sách của Avni giải mã lối suy nghĩ của một cao thủ cờ vua theo một cách rất sắc sảo và thông minh và mang đến những ý tưởng cực kỳ thú vị về chủ đề này. Ngoài ra, cuốn sách cũng bao gồm những phát biểu của những kì thủ cờ vua đường đại như là siêu đại kiện tướng Boris Gelfand và Ilia Smirin. Cuốn sách thứ hai giới thiệu với người đọc một loạt những bài cờ thế được giải thành lời bởi những người chơi cờ vua ở nhiều cấp độ, từ người chơi ở các câu lạc bộ đến đại kiện tướng như Artur Yusupov. Cuốn sách của Aagaard cũng cho thấy cách phần mềm máy tính Fritz 8 tư duy bằng số về cùng những thế cờ đó.

Giao thức “suy nghĩ thành lời” của De Groot kiểm tra chất lượng của nước cờ được chọn. Vì thế cờ đã được công khai, ta có thể so sánh những diễn biến chính với nước cờ mà các đối tượng đã chọn. Độ dài của chuỗi cho đến khi đi đến quyết định cuối cùng cũng được ghi lại. Những nhân tố khả biến khác cũng được ghi lại: số lượng những nước cờ cơ sở (nghĩa là những ứng cử đầu tiên hoặc nước cờ đầu tiên của mỗi diễn biến); số lượng nước cờ cơ sở trong một phút (cho biết tỷ lệ tốc độ cho tổng thể quá trình quy định); số lượng các giai đoạn (một chuỗi những nước đi được tạo ra bởi mỗi nước cờ cơ sở); số lượng nước đi trong mỗi diễn biến; số lượng giao điểm (những thế cờ được nhắc đến là có lợi hoặc bất lợi sau một giai đoạn) cho mỗi diễn biến; tỷ lệ giao điểm trên một phút cho mỗi diễn biến; độ sâu tối đa và trung bình (thể hiện bằng các lượt đi hoặc nửa lượt đi) cho mỗi diễn biến; và thời lượng của giai đoạn đầu tiên hoặc giai đoạn định hướng trong quá trình đánh giá thế cờ. Trong giai đoạn định hướng, người chơi kiểm tra sơ qua (mà không tính toán các nước cờ) và miêu tả các kế hoạch, mối nguy và số lượng nước đi cơ sở được thẩm định lại (những nước đi được thẩm định ngay sau một giai đoạn và những nước đi được quay lại sau đó).

Những yếu tố mà de Groot nghiên cứu làm nên những chu trình nền tảng mà nhờ đó người chơi hiểu được thế cờ và tạo điều kiện cho việc nghiên cứu có hệ thống về tư duy cờ vua. Sau khi nghiên cứu những tác nhân biến đổi, de Groot định hình ba giai đoạn hoặc bài toán phụ hiện diện trong tất cả những nghiên cứu về tư duy của một cao thủ cờ vua. Trong giai đoạn định hướng, người chơi có một phiên bản tạm thời những thành phần thiết yếu của thế cờ. Người chơi hướng đến những chi tiết đáng chú ý nhất trong thế cờ và bắt đầu hình thành vấn đề bài toán tổng quát. Trong giai đoạn phân tích, người chơi thiết lập kế hoạch cụ thể, thử nghiệm trong đầu những diễn biến và tính toán ở mức độ sâu hơn. Cuối cùng, ở giai đoạn kiểm nghiệm, người chơi bác bỏ trong đầu kết quả mà anh ta đạt được để đảm bảo không mắc sai lầm nào.

Chu trình được hữu hình hóa bên trong những suy nghĩ của người chơi thuộc dạng diễn dịch – giả thuyết, bắt đầu bằng việc quan sát các thành phần nổi bật của thế cờ và kết thúc bằng một giả thuyết, chẳng hạn như “bên Trắng có lợi thế” hoặc “mình cần phải tận dụng cột mở”. Những giả thuyết chung này trở thành những giả thuyết cụ thể hơn về những nước cờ nhất định trong một tiến trình lặp đi lặp lại. Trong tiến trình có tính khoa học rõ nét này, người chơi trải qua giai đoạn sơ khai khi anh ta dự đoán kết quả (bằng cảm nhận) dựa trên những quan sát ban đầu. Việc dự đoán này hiếm khi được những người chơi không quá mạnh phân tích nhưng bị bác bỏ một cách triệt để bởi người chơi chuyên nghiệp và kết thúc bằng việc lựa chọn nước cờ.

Một trong những thế cờ được dùng để phân tích tư duy của người chơi chính là một ván cờ của de Groot (hình 4.8). Trong thế cờ này, bên Trắng đến lượt đi và chiếm được một lợi thế mang tính quyết định. Ví dụ, một trong những diễn biến có khả năng thắng lợi  – từ nước cờ quyết định (1) ♗xd5 exd5, (2) ♕f3 ♔ g7, (3) ♘g4 ♘xg4, (4) ♗xe7 – ít nhất cho bên Trắng nước đổi quân. Bất kỳ chương trình cờ vua (thương mại) nào cũng xuất được biến này trong một vài giây. Những kiện tướng mất nhiều thời gian hơn.

Bình luận của những người tham gia vào nghiên cứu khá thú vị. Chẳng hạn, Salo Flohr không đưa ra đáp án chính xác (mặc dù đó là một trong những điều đầu tiên anh ta nghĩ đến). Paul Keres nhảy ngay vào việc tính toán các biến mà không tự định hướng, và sau vài phút (6 phút) anh ta đưa ra được nước đi, trong khi Alexander Alekhine và Max Euwe mất nhiều thời gian hơn (9 phút và 15 phút, tương ứng, và cũng đưa ra được nước đi chiến thắng, giống như những kiện tướng còn lại). Alekhine minh họa kiến thức uyên bác của mình về thế cờ bằng việc so sánh nó với ván cờ của Mikhail Botvinnik và quả quyết rằng nếu có đủ thời gian anh ta có thể tái dựng lại chuỗi nước cờ hoàn chỉnh từ phần đầu cho đến thế cờ hiện có. Euwe thì phân tích thế cờ rất kỹ lưỡng.

SỰ PHỨC TẠP TƯƠNG ỨNG VỚI SỰ LẶP LẠI CỦA ĐA DẠNG CHỌN LỰA

Hình 4.8. Đây là thế A mà de Groot đã sử dụng trong một trong những bài thử nghiệm (test) ông thực hiện với những người tham gia giải đấu AVRO nổi tiếng năm 1938 và cũng sử dụng sau đó trong những thí nghiệm khác. Nước đi hay nhất là ♗xd5!

Có thể thấy một số mẫu số chung trong số những bình luận của tất cả những kiện tướng – tóm gọn các ý tưởng, thiếu độ sâu (các biến không vượt quá phép tính của 5 nước đi và thường là chỉ có 2), và một phán đoán, định giá (đánh giá) và quyết định nước đi cuối cùng (ngoại trừ giao thức của Flohr). Phép toán cần thiết để đi đến một đáp án thỏa đáng nằm trong phạm vi khả năng bình thường của trí nhớ tức thời (nhớ con số kì diệu (magic number) 7+-2). Số các nước cờ mà năm kiện tướng cân nhắc dao động trong khoảng giữa 3 và 5 (Keres cân nhắc 2 diễn biến một cách nghiêm túc, trong khi Euwe cân nhắc 5 diễn biến). Nếu mỗi diễn biến được đếm tách biệt, tổng số nước đi được cân nhắc biến thiên trong khoảng một tá (tính bởi Keres) cho tới hơn 30 (tính bởi Euwe). Những giao thức do de Groot công bố mang đến một cơ hội hiếm hoi để quan sát sự biến đổi và những đặc tính chung trong tư duy của người chơi cờ vua khi đối mặt với cùng một tính huống.

Kết luận của De Groot

De Groot đi đến hai kết luận cơ bản từ những phân tích của mình và chúng cho thấy cờ vua là một môi trường lí tưởng để hiểu về những cách tiếp cận đa dạng trước một nhiệm vụ phức tạp và đã làm nên nền tảng cho phân tích tâm lí học nhận thức từ đó tới nay.

Trước hết, ngược lại với những điều ta vẫn tin, những đại kiện tướng không hề tính toán nhiều diễn biến (biến thế) hơn hay khai thác sâu hơn những người chơi ở trình độ kém hơn. Tuy nhiên, đáp án của họ vẫn hơn của những người khác. Điều này dẫn đến kết luận chung rằng những đại kiện tướng không có khả năng tính toán tuyệt diệu mà thay vào đó là có khối kiến thức sâu rộng về cờ vua cho phép họ tập trung vào những dạng mẫu chung của thế cờ cũng như những đặc tính cụ thể có liên quan.

Thứ hai, những đại kiện tướng có khả năng ghi nhớ thế cờ tốt hơn rất nhiều so với các đối tượng khác. Lời giải thích của de Groot, sau này có sức ảnh hưởng đến tất thảy các kiểu nghiên cứu về cờ vua, nói rằng những kiện tướng đó không nhìn nhận các quân cờ và ô cờ theo một cách cô lập mà là những phức hợp năng động mà ta hiểu được ý nghĩa của chúng thông qua thực nghiệm mở rộng vừa chơi vừa học (sự uyên bác của Binet).

Với những kết quả này, de Groot xác định hai điều kiện cần có để đạt được kĩ năng chơi cờ vua cao – một giai đoạn nhận thức có ý nghĩa và có tổ chức, và một tập hợp những phương pháp được lưu trữ trong bộ nhớ có thể nhanh chóng kết nối được. Ngoài ra, ông đề xuất sự tồn tại của hai dạng hiểu biết. Biết điều gì đó có nghĩa là phát biểu và giải thích được nó, trong khi đó biết làm một điều gì đó thì có tính bản năng và không thể giải thích thành lời.

Như Nail Charness viết, những sự cải tiến về phương pháp khoa học của de Groot (như là giao thức về việc phát biểu suy nghĩ thành lời và thí nghiệm tái dựng thế cờ sau 5 giây quan sát) đã được áp dụng trong quá trình phát triển của những giao thức nghiên cứu tâm lý học nhận thức. Charness đề cập đến việc trình bày một dạng mẫu trong một khoảng thời gian giới hạn để ước lượng bộ nhớ chuyên gia trong đông đảo các nhóm người (ví dụ như người chơi bài brit, sinh viên âm nhạc, kĩ thuật viên điện, cầu thủ bóng rổ và bác sĩ x-quang). Trong ví dụ cuối cùng chẳng hạn, các bác sĩ x-quang nhìn những tia X thực được chiếu trong vòng 200 mili giây (một phần năm giây) và có thể nhận biết bệnh lý trong 70% ca bệnh. Phần lớn những thí nghiệm này xác nhận sự tương tác giữa mức độ hiểu biết và khả năng ghi nhớ một dạng mẫu.

TS. Dương Thanh Bình dịch

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc