Skip to main content

CỜ TƯỞNG (Cờ mù) (09/22/2021)

Đăng ngày 22/09/2021 bởi Administrator

Đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam, cờ tưởng vẫn còn là một bộ môn khá xa lạ. Kể cả đối với những người đã nghe tới bộ môn này, không phải ai cũng có những hiểu biết đầy đủ về cờ tưởng. Vậy nên hôm nay, chúng tôi sẽ mang tới cho các bạn thêm các thông tin rất thú vị về nội dung thi đấu cờ độc đáo này.

Cờ tưởng, hay cờ mù (Blindfold chess) là một nội dung thi đấu đặc thù của môn cờ. Tuy nhiên, không như nhiều người vẫn thường nghĩ, cờ tưởng không chỉ là nội dung thi đấu cờ vua, mà còn là nội dung thi đấu cho cờ vua và các loại cờ khác. Trong cờ tưởng, một hoặc cả hai đấu thủ chơi cờ bằng tâm trí, không có bàn cờ hoặc quân cờ. Đây là một hình thức thi đấu phổ biến trên thế giới.

Theo cách chơi truyền thống, hai kỳ thủ ngồi xoay lưng lại với bàn cờ và mỗi nước đi được các kỳ thủ ghi ra giấy rồi chuyển cho đối phương. Ngày nay, ở các giải cờ tưởng trên thế giới, mỗi vận động viên được trang bị một máy vi tính có cài phần mềm chơi cờ tưởng để thi đấu. Mỗi nước đi của vận động viên sẽ được truyền thẳng ra ngoài qua máy chủ.
Các vận động viên phải nhớ từng vị trí quân cờ của mình và đối thủ trên bàn để tính toán nước đi. Mỗi ván, một kỳ thủ sẽ có thời gian 20 phút suy nghĩ và 20 giây mỗi nước đi. Nếu trận đấu chưa ngã ngũ, ai hết thời gian trước sẽ thua. Một điểm khá đặc biệt trong cờ tưởng chính là hệ thống thẻ phạt gồm thẻ vàng và thẻ đỏ khá giống trong bóng đá! Nếu đi sai quân cờ, sai vị trí, đi sai luật hoặc viết chữ xấu làm trọng tài hoặc đối thủ không đọc được sẽ bị phạt thẻ vàng, ba lần bị thẻ vàng tương đương thẻ đỏ và thua cuộc.

Không giống như nhiều người lầm tưởng, cờ tưởng có lịch sử khá lâu đời. Ván cờ tưởng đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận là vào thế kỷ thứ VII tại vùng Trung Đông. Nhiều thế kỷ sau đó, người Châu Âu cũng biết đến cờ tưởng, và họ cảm thấy đây là một cách chơi cờ thú vị. Con số hiện nay nằm trong cuốn kỷ lục Guinness về cờ tưởng là kỳ thủ Koltanowski lập tại San Francisco năm 1960, khi ông chơi 56 ván cờ tưởng liên tiếp với thời gian 10 giây cho một nước đi. Cuộc biểu diễn kéo dài 9 tiếng với kết quả 50 ván thắng và 6 ván thua.

Cũng không phải là phóng đại nếu nói cờ tưởng là một bộ môn “hại não” khi trên thực tế chơi cờ tưởng tốn năng lượng tư duy hơn chơi cờ thường rất nhiều. Thậm chí tại Mỹ vào năm 1930 đã từng có lệnh cấm chơi cờ tưởng vì ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thời hiện đại, cờ tưởng không còn là màn tra tấn thần kinh để khoe tài cao thấp giữa những người say mê cờ như trước. Hàng năm các giải cờ tưởng với thể thức chơi phù hợp với sức khỏe con người được tổ chức. Uy tín nhất là giải Melody Amber ở Monte Carlo do một tỷ phú tài trợ. Giải thu hút nhiều kỳ thủ hàng đầu thế giới như Kramnik, Anand, Shirov… Đáng chú ý, khi cờ tưởng lần đầu được đưa vào thi đấu tại SEA Games 26, kì thủ Lê Quang Liêm đã xuất sắc dành được tấm huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam!

Những người hâm mộ môn thể thao trí tuệ này hẳn không thể quên kỷ lục do nhà cựu vô địch thế giới Mikhaik Tal lập nên khi ông thi đấu đồng loạt cờ tưởng với 40 kỳ thủ một lúc. Tại trận đấu này, Tal thi đấu không nhìn bàn cờ và ngồi trong một phòng kín, 40 kỳ thủ được tuyển chọn sử dụng 40 bàn cờ thi đấu cùng lúc với ông. Mọi nước đi đều được chuyển qua bởi những “người liên lạc”. Kỷ lục này đến nay vẫn chưa có ai đạt được.

Mới đây, năm 2010, kỳ thủ Alik Gershon Ukraine cũng lập một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong môn thể thao trí tuệ này khi thi đấu đồng loạt với 525 người từ già tới trẻ. Trận đấu đặc biệt bắt đầu từ ngày 21/10/2012 đã kéo dài hơn 18 giờ. Sang ngày 22/10/2012, Alik Gershon đã chính thức tạo ra một kỉ lục guinness mới với tỉ lệ thắng 87% trong số 525 trận và nhận được nhiều sự tán thưởng của cộng đồng cờ vua thế giới.

Alik Gershon lập kỷ lục guinness về Cờ Vua khi thi đấu đồng loạt với 525 đấu thủ

Chúng ta có thể thấy Cờ Tưởng là một bộ môn rất hấp dẫn đối với các kì thủ đam mê. Cờ Tưởng đang ngày một phổ biến và các giải đấu cũng dần quy mô hơn. Còn bạn nghĩ gì về bộ môn đầy thu hút này, hãy cho chúng tôi biết nhé.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc