Skip to main content

Cờ người (02/27/2017)

Đăng ngày 27/02/2017 bởi Administrator

Trong các trò chơi hội lễ dân gian, đánh cờ tướng và cờ người có tính chất trí tuệ hơn cả, là thú chơi tao nhã của người phương Đông.

Hội làng không thể thiếu cờ tướng, và đặc biệt nó thể hiện trí tuệ tập thể – một nhóm kỳ thủ làng này đấu với một nhóm kỳ thủ làng khác. Hội làng cho phép tha hồ ngoại thủy – tức là những người mách nước bên ngoài cho người cầm quân. Cho nên nhiều danh thủ tầm cỡ quốc gia cũng thua ở cờ tướng hội làng. Cờ tướng được tổ chức thành ba hình thức – cờ bàn, cờ bỏi và cờ người. Chơi cờ cho thấy rõ nét nhất tính chất hội lễ, tính hoa mỹ dân gian và sự sinh động của 32 quân cờ đóng bằng người vừa đẹp mắt vừa trí tuệ.

Ở Hà Nội có Chùa Vua, thờ thần cờ Đế Thích. Nếu ai ba lần đoạt giải nhất sẽ được khắc tên vào bia đá trong chùa.

Cờ người chơi bằng bàn cờ lớn trên sân đình rộng, nhưng thay vì quân gỗ, mỗi quân là một đồng nam, đồng nữ cầm quân gỗ đúng theo vị trí của mình. Những đội cờ người không phải làng nào cũng có, mà có những làng chuyên nghiệp, tuyển toàn nam thanh nữ tú đồng trinh làm quân cờ. Nổi tiếng những năm 90 của thế kỷ trước là đội cờ người xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội.

Đội cờ người được tổ chức với hai bộ quân nam, nữ, tuổi chừng 16, 17, chưa lập gia đình. Hai ông bà tổng cờ, một hề cờ. Kèm theo đội trống chiêng, và gia đình mang đồ tế lễ cho quân tướng ông và tướng bà. Khi sắp quân, tướng ông và tướng bà ngồi trước án thư có bày biện nhiều đồ tế tự đẹp mắt. Quân tướng và sĩ, tượng hai bên thường lựa chọn những thanh niên cao đẹp hơn chúng bạn. Ra quân tất cả ăn mặc theo lối áo lễ nhà binh phong kiến, nom thật đẹp mắt. Bắt đầu là lễ rước cờ, ông tổng cờ cầm một lá cờ lớn dẫn hàng quân nam, bà tổng cờ cũng cầm một lá cờ lớn dẫn hàng quân nữ. Theo nhịp trống chiêng, ông tổng cờ đánh trống, dẫn quân nam, bà tổng cờ đánh chiêng, dẫn quân nữ, hai hàng bước chân tế (bước từng bước cao một, chân đá nghiêng ra phía trước) tiến vào gian chính giữa đình, làm lễ xin phép Thánh để được chơi cờ. Sau đó họ sẽ tiến hành rải quân, từ tốt đến tướng lần lượt đứng vào vị trí. Lúc đó, hai kỳ thủ cũng ăn mặc áo dài ta thắt lưng xanh đỏ cùng mầu với đội quân của mình, cầm cờ, mỗi nước đi thì phất một cái, nếu ai nghĩ lâu, trống làng sẽ giục phải đi bằng hai đứa trẻ cầm trống nhỏ, gõ sát tai kỳ thủ, ba lần giục trống không đi kịp coi như thua. Trong sân còn có anh hề cờ, sẽ ngâm thơ vịnh từng nước đi và trêu chọc kỳ thủ, nước cao nước thấp.

Chơi cờ là hình thức đấu trí, qua đó người ta biết có người sâu xa, có người nông cạn, mỗi một ván cờ là một cách hành xử khác, qua đó – hội lễ, người ta hiểu nhau hơn, có bạn cờ bạn hội trong những tháng ngày mùa xuân.

Phan Cẩm Thượng

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc