Skip to main content

Chuyện học trong gia đình nhà giáo họ Dương (07/03/2015)

Đăng ngày 03/07/2015 bởi Administrator
Nhà giáo Dương Hiền Mỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Thuận Thành, nghỉ chế độ năm 2013. Từng làm việc với ông, nhưng đến tận khi ông nghỉ hưu, gặp lại trong những lần báo cáo điển hình với Hội Khuyến học, với gia tộc họ Dương Việt Nam, tôi mới hiểu rõ chuyện học đáng tự hào trong gia đình ông.
Nhà giáo Dương Hiền Mỹ kể: Bố mẹ tôi sinh được 6 anh em trai, tôi là anh cả, sinh năm 1953, em út sinh năm 1970. Bố tôi là viên chức, mẹ là cấp dưỡng trong cơ quan nhà nước. Từ khi chưa đi học, tôi đã quen nếp sinh hoạt hàng ngày của gia đình là trước giờ đi ngủ, bố lại đọc hoặc kể tôi nghe những câu chuyện dân gian Việt Nam, dân gian Nga và các nước XHCN… Suốt thời gian học cấp I, tôi và gia đình ở thị xã Sơn Tây. Tôi được bố làm cho thẻ thư viện thiếu nhi để thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần có điều kiện tìm hiểu kiến thức qua những tác phẩm văn học cho tuổi nhi đồng. Vào cấp II, bộ SGK của tôi thiếu cuốn “Vệ sinh lớp 5”, bố cố công tìm mua nhưng không được. Cuối cùng ông phải mượn về chép tay toàn bộ cuốn sách đó để tôi có đủ SGK cho tất cả các môn học. Câu chuyện đó được anh em chúng tôi kể nhau nghe với lòng kính trọng vô bờ với người cha thân yêu của mình.
Tuyên dương những gia đình hiếu học tiêu biểu tại Đại hội thi đua khuyến học huyện Thuận Thành.

Mẹ tôi, dù chỉ được học hết lớp 4 nhưng bà là một “nhà lưu trữ vĩ đại”. Với một tay nải nâu đã cũ, toàn bộ giấy tờ liên quan của gia đình đều được mẹ lưu trữ đầy đủ. Sau mỗi cấp học hoặc khi được khen thưởng, mọi giấy tờ hồ sơ liên quan của gia đình đều được mẹ chủ động cất giữ bảo quản. Vì thế qua bao lần sơ tán do chiến tranh bom đạn, mọi giấy tờ liên quan của gia đình đều được gìn giữ nguyên vẹn. Bản thân tôi, từ học bạ đến giấy khen từ lớp 2 đến hết cuộc đời công tác vẫn còn nguyên đến hôm nay. Mẹ tôi nghiêm khắc nhưng cũng rất quan tâm đến việc học của các con. Mẹ vẫn thường kể những câu chuyện liên quan đến tấm gương tốt và không tốt để các con biết, rồi tự rút bài học cho bản thân.

Được sống trong môi trường như vậy là niềm hạnh phúc của 6 anh em tôi. Trong điều kiện đất nước khó khăn, anh em tôi nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn và đều đạt kết quả học tập đáng ghi nhận. Gia đình có 6 anh em trai thì 5 tốt nghiệp ĐH, trong đó có 1 Tiến sỹ, 1 Thạc sỹ. Cậu em thứ 5 là sỹ quan quân đội, sau này ra quân làm kinh doanh vẫn tự học ôn và hoàn thành chương trình Cử nhân Luật phục vụ công việc kinh doanh, được nhiều người coi là tấm gương hiếu học tiêu biểu.

Năm 2000, mẹ tôi được mời dự Đại hội gia đình văn hóa tiêu biểu huyện Thuận Thành với tư cách gia đình có nhiều con đỗ ĐH. Đây là niềm vinh dự lớn lao thời điểm đó. Nhưng chỉ 1 năm sau, mẹ tôi đột ngột qua đời do tai biến mạch máu não, không kịp dặn dò gì con cháu. Biết mẹ còn 12 triệu dành dụm để lại, anh em tôi quyết định xây dựng “Quỹ khuyến học gia đình” nhằm khuyến khích con cháu học tập vươn lên, quỹ có quy định sử dụng cụ thể. Cũng trong năm 2001, hai cháu nội đầu tiên của bà đỗ ĐH, 2 cháu là những người đầu tiên có thưởng từ “Quỹ khuyến học gia đình”.

Từ khi có quỹ, hàng năm trước dịp khai giảng năm học mới, các cháu lại sum họp, liên hoan và nhận thưởng từ quỹ. Những cháu ở miền Nam không ra được, gia đình có thư khen kèm tiền thưởng gửi người thân hoặc qua bưu điện. Đây là một kênh quan trọng trong giáo dục truyền thống gia đình, truyền thống hiếu học. Vào những dịp hè, dù xa xôi cách trở, các con, cháu của gia đình đều cố gắng thu xếp thời gian về quê tận hưởng không khí gia đình. Nhìn các cháu phấn khởi nhận thưởng (dù giá trị không lớn), anh em tôi tự hào về quyết định đúng đắn của mình vì  sử dụng có ích số tiền lúc sinh thời mẹ tôi tần tảo chắt chiu.

Mẹ tôi có 12 cháu nội, trong đó 7 cháu đỗ ĐH, điển hình nhất là cháu Dương Anh Quang sau khi tốt nghiệp ĐH hàng đầu thế giới Harvard tiếp tục học và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Mỹ (năm 2012) khi mới 27 tuổi. 5 cháu còn lại đang học phổ thông trong những trường tốp đầu của huyện Thuận Thành.

Từ số quỹ khuyến học gia đình 12 triệu, qua 14 năm cứ dần sinh sôi nhờ tấm lòng hảo tâm của các thành viên gia đình. Giờ đây dự lễ phát thưởng hàng năm có thêm thế hệ mới. Dù có những chắt chưa đến tuổi đi học nhưng vẫn được phát thưởng để tạo ấn tượng tốt trong ký ức tuổi thơ về phong trào khuyến học, hiếu học đáng tự hào của một gia đình vùng đất cổ Luy Lâu.

Giờ đây khi đã lên ông, hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước, tôi có thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống và nhận thấy cuộc đời mình may mắn biết bao. May mắn không phải vì giàu có mà chính nhờ truyền thống tốt đẹp của gia đình đã tạo ra con đường sáng để anh em tôi, các con, các cháu tôi bước những nhịp vững vàng trong cuộc đời, bất chấp mọi đắng cay dâu bể có thể ập đến…

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc