Skip to main content

Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà: Vượt qua giới hạn để thành công (10/30/2023)

Đăng ngày 30/10/2023 bởi Administrator

Thực tế, có nhiều doanh nhân trở nên thành công từ hai bàn tay trắng, thậm chí từng bị bủa vây bởi nhiều khó khăn trong quá khứ nhưng điều này không làm họ chùn bước. Vậy điều gì đã khiến những con người bình thường này vượt lên hoàn cảnh để trở thành doanh nhân thành đạt? Hãy cùng chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Dương Thị Thu Hà chia sẻ về cách vượt qua giới hạn của bản thân để thành công ngay sau đây nhé! 

Chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach – Giám đốc chi nhánh Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cơ sở Trần Duy Hưng tại Hà Nội

1. Xác định mình đang ở đâu? Mình muốn gì?

Chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Theo trải nghiệm làm việc của tôi, tôi đã thấy có nhiều doanh nhân thành đạt và có những người chưa đạt được mục tiêu của mình. Thực tế, có nhiều tỷ phú, triệu phú ở cả Việt Nam và thế giới, có xuất thân ở mức thấp, dưới trung bình của xã hội nhưng sau một khoảng thời gian nỗ lực, họ đã đạt được rất nhiều thành công.

Cùng sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó, khổ cực, có những người chấp nhận sống như vậy cho đến hết đời. Nhưng có những người bản lĩnh hơn, họ không chấp nhận hoàn cảnh đó, họ bứt phá và thay đổi bằng mọi giá.

Xác định mình ở đâu? Mình muốn gì là điều quan trọng nhất để bước đến thành công

Sinh ra trong một gia đình không hoàn hảo, từng mắc bệnh ung thư, ít ai ngờ sẽ có ngày Anthony Robbins lại trở thành tỷ phú và đạt được thành công rực rỡ như ngày hôm nay. Câu chuyện đổi đời cũng như niềm tin mãnh liệt và sự lạc quan không thể chuyển lay của Tony Robbins chính là thành quả của việc làm chủ được suy nghĩ của bản thân. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, chắc chắn “bậc thầy huấn luyện CEO” cũng sẽ là người đầu tiên thốt lên: “Quá khứ của bạn không quyết định tương lai của bạn”.

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ, còn những vinh quang hay sự thiếu thốn, thất bại của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai, bạn sẽ trở thành người như thế nào, trao đi những giá trị gì.

Cũng theo chuyên gia Dương Thị Thu Hà, những người thành công sẽ tự nhận định rằng, cuộc đời của mình phải do mình quyết định, không nên dùng hoàn cảnh của ba mẹ để biện mình cuộc sống của mình và tôi phải thành công, phải hạnh phúc, phải thịnh vượng, tôi phải có giá trị và cống hiến giá trị của mình cho xã hội.

Khi xác định mình đang ở đâu và mình muốn gì, với niềm tin mạnh mẽ, làm việc vì đam mê và với những nội lực như vậy, trải qua bao nhiêu khó khăn, họ không cũng không coi đó là thất bại. Thay vào đó, họ coi đó là thử thách để bản thân phải vượt qua để đạt được mục tiêu mình đã đề ra.

2. Xây dựng mục tiêu rõ ràng

Thực tế đã chỉ ra rằng, có mục tiêu, đích đến rõ ràng khiến chúng ta dễ dàng làm việc và cố gắng phấn đấu hơn. Một nguồn động lực là tất cả những gì bạn cần để làm việc chăm chỉ. Và việc tìm ra nguồn động lực ấy không hề khó khi chúng ta đều phải gánh vác những trách nhiệm và mục tiêu mỗi ngày.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại đánh giá thấp vai trò của động lực. Bạn không hề biết rằng làm việc với một mục tiêu sẽ khiến cuộc đời bạn khác biệt thế nào so với việc ngày qua ngày, bạn sống theo một lối mòn mà không có một mục tiêu cụ thể. “Mục tiêu chính là hiện diện của thành công.” Vì vậy, mục tiêu dù có nhỏ đến mức nào nhưng nếu bạn đã đạt được nó, bạn sẽ luôn tự tin và chủ động đặt ra những đích đến xa hơn!

Chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Nếu biết mình đang ở đâu, mình là ai, mình muốn gì, mình sinh ra trên cuộc đời này có nhiệm vụ gì, sứ mệnh của mình là gì, giá trị của mình là gì thì con người sẽ nỗ lực mỗi ngày, bứt phá ra khỏi niềm tin giới hạn, vượt qua khó khăn, xây dựng mục tiêu lớn, tầm nhìn lớn. Từ tầm nhìn đó, họ chia nhỏ kế hoạch thành các mục tiêu nhỏ, cứ như vậy họ đã tiến đến thành công.”

Áp dụng nguyên tắc SMART sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng hơn, cụ thể hơn

Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà, có rất nhiều nguyên tắc xây dựng mục tiêu khác nhau. Nổi bật phải kể đến là nguyên tắc SMART – sự kết hợp của 5 yếu tố: Specific, Measurable, Attainable, Relevant, Time-Bound.

Cụ thể:

  • Specific – Tính cụ thể: Mục tiêu của bạn càng lớn thì càng cần sự cụ thể. Không nên đặt mục tiêu một cách mơ hồ, chung chung mà cần xác định rõ mình muốn gì, bạn sẽ biết mình cần làm gì để đạt được điều đó.
  • Measurable – Đo lường: Một kế hoạch, mục tiêu thực hiện có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng đo lường. Tức là khi xây dựng mục tiêu theo nguyên tắc SMART, bạn phải đưa mục tiêu gắn với con số cụ thể nhằm thúc đẩy tinh thần cố gắng.
  • Attainable – Khả năng thực hiện: Bạn nên đặt những mục tiêu có khả năng thực hiện được ứng với năng lực của bản thân, từ đó sẽ có được sự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
  • Relevant – Tính thực tế: Tính thực tế cũng tương đồng với khả năng thực hiện. Một số yếu tố để tăng tính thực tế cho mục tiêu như: kinh phí thực hiện, nhân lực, nguồn vốn, thời gian,…
  • Time bound – Khung thời gian: Thời gian thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy sự nỗ lực của bản thân. Khi có khung thời gian cụ thể, bạn sẽ linh hoạt điều chỉnh thời gian sao cho hợp lý để mục tiêu nhanh chóng hoàn thành.

3. Tính kỷ luật – Chiến thắng bản thân

Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy, những người thành công thường đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe cho cả bản thân và mọi người xung quanh. Thực tế, cho dù hoạt động trong lĩnh vực thể thao, âm nhạc hay ẩm thực,… để thành thạo các kỹ năng của mình, bạn sẽ cần phải trau dồi và luyện tập thường xuyên.

Kỷ luật là điều kiện quan trọng để dẫn đến thành công

Và đây cũng là nguyên lý bất biến trong cuộc sống: Không có thành công nào là dễ dàng đạt được, bạn phải cố gắng hết mình, làm việc thật chăm chỉ. Hãy xây dựng lối sống, lối làm việc kỷ luật và tự giác, hạn chế những phiền nhiễu và cám dỗ đang cản trở bước tiến của mình, thay vào đó hãy tích cực nâng cao các kỹ năng của bản thân.

Chuyên gia Dương Thị Thu Hà cũng chia sẻ thêm: “Để đạt được những mục tiêu lớn, hãy đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, song song với đó là kế hoạch tiến hành cụ thể, chi tiết. Hãy cam kết và kỷ luật chính bản thân mình và chỉ cần kiên trì, chúng ta sẽ thành công.”

Lịch trình của Vương Kiện Lâm (tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt, sở hữu hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới, nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là một trong những người giàu nhất châu Á) từng gây sốt khắp đất nước tỷ dân.

Là một trong những tỷ phú lớn của Trung Quốc, mỗi ngày Vương Kiện Lâm đều thức giấc lúc 4 giờ sáng. Sau khi thể dục thể thao xong, ông bắt đầu đi làm khắp nơi, theo lịch thì ông làm việc ít nhất 12 tiếng một ngày. Đối với người bình thường, đó là một ngày phi thường, nhưng đối với ông, đó chỉ là một ngày bình thường.

Vương Kiện Lâm cũng từng chia sẻ: “Khả năng kiểm soát bản thân chính là chìa khóa của tự giác kỷ luật, còn tự giác kỷ luật lại chính là vũ khí tối thượng của người giàu.” Sự giàu có ở đây không nhất thiết phải là sự giàu có về vật chất, đó cũng có thể là sự giàu có về mặt tâm hồn hay tinh thần. Nó đem tới cho chúng ta hy vọng, có mục tiêu cụ thể để phấn đấu.

Người có thể vượt lên đỉnh cao chắc chắn là người dùng toàn bộ ý chí và luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, kiên trì tiến về phía trước. Vốn dĩ, để thành công không thể đi đường gần, đã không thể đi gần lại càng không thể hấp tấp, vội vàng nên bạn hãy bước từng bước thật chắc chắn.

Thay vì để giấc mơ của mình bị “bóp nghẹt” trên giường, trong những giây phút vui chơi, tận hưởng thì hãy tự kỷ luật ngay từ bây giờ. Thức dậy sớm, nỗ lực hoàn thành tốt mọi việc, sống nguyên tắc và trong tương lai bạn có thể trở thành hình tượng mà mình yêu thích, cuộc sống mà mình mong đợi, đóng góp nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội.

4. Phá bỏ niềm tin giới hạn

Niềm tin giới hạn được hiểu là những niềm tin sai lệch ngăn cản bạn thực hiện những điều mình mong muốn. Chúng khiến bạn từ chối thực hiện những việc quan trọng trong cuộc đời mình, ví dụ như cách bạn nghĩ rằng mình không giỏi về công nghệ, không giỏi toán, hay không thể làm cảnh sát, giáo viên, không thể giàu có, thành công được như mọi người xung quanh.

Niềm tin giới hạn thường có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Chúng sẽ giới hạn những lựa chọn của bạn, khiến bạn không thể đưa ra quyết định sáng suốt, ngăn bạn nắm lấy những cơ hội tuyệt vời trong cuộc đời. Cũng chính vì niềm tin giới hạn mà bạn không giải phóng được năng lực cao nhất của mình, cản trở bạn tiến gần đến cuộc sống bạn mong muốn.

Chỉ cần chúng ta quyết tâm vượt qua rào cản, những niềm tin giới hạn, chúng ta nhất định sẽ thành công

Chuyên gia Dương Thị Thu Hà cũng chia sẻ rằng: “Có một số rào cản về tâm lý của những người thành công, họ nghĩ mình không đủ giỏi hoặc không có nhu cầu cống hiến thêm nữa, muốn về hưu sớm. Nhưng sau thời gian trị liệu, họ nhận thấy bản thân có nhiều giá trị hơn nữa, mình vẫn còn thời gian để cống hiến, mình vẫn có thể tạo thêm giá trị cho xã hội. Vì vậy, họ đã ngừng những suy nghĩ tiêu cực, quay trở lại làm việc và thành công nhiều hơn.

Mấu chốt ở đây là, những doanh nhân thành công biết bứt phá khỏi niềm tin giới hạn. Khi biết mình muốn trở thành ai, biết loại bỏ những niềm tin giới hạn (bạn không giỏi, không có khả năng, bạn hay trì hoãn,…) thì bạn sẽ thành công. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực, những niềm tin giới hạn níu bước chân của bạn lại mà bạn không dám xông pha, không dám nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn, không dám làm nhiều hơn.

Một ví dụ điển hình mà chắc hẳn ai cũng biết, đó là tỷ phú Bill Gates – hiện là ông chủ của công ty lớn nhất thế giới Microsoft Office. Ông đã chọn một lối đi khác cho riêng mình, vượt qua giới hạn bản thân và định kiến xã hội, không giới hạn tầm nhìn của mình trong khuôn khổ nhất định.

Thay vì học đại học và đi làm như các bạn đồng trang lứa, Bill Gates đã lựa chọn con đường khởi nghiệp. Ông đã cùng người bạn của mình thành lập Microsoft và trở thành một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới.

Để xoá bỏ được niềm tin giới hạn, bạn cần phải biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Là ai đã xây dựng niềm tin đó cho bạn và thay vào đó thiết lập lại niềm tin tương hỗ. Nó sẽ là động lực để chúng ta đạt được mục tiêu, lý tưởng, khát khao, những điều mà chúng ta mong muốn.

Cuộc đời chúng ta giống như hành trình leo núi, khi đã thành công và đứng ở đỉnh núi này, nhưng chúng ta vẫn còn chinh phục được nhiều đỉnh núi nữa, chỉ cần chúng ta quyết tâm vượt qua rào cản, những niềm tin giới hạn thì chúng ta còn thành công nhiều hơn nữa, tạo ra được nhiều giá trị hơn.

5. Nỗ lực không ngừng và chấp nhận sai lầm

Trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, không ai trong chúng ta muốn bản thân đưa ra những quyết định sai lầm hay phải thất bại. Thế nhưng sợ thất bại làm bạn làm mọi việc một cách quá “an toàn”, khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội quý giá chỉ đến một lần.

Sợ thất bại còn là không dám sáng tạo, không dám tiến lên phía trước và không dám đón nhận tương lai đang đón chờ mình. Và theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà: “Thất bại chỉ là thử thách để chúng ta trở nên mạnh mẽ, có thêm quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra.”

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của Thomas Edison, phát minh vĩ đại và nổi tiếng nhất của ông chính là bóng đèn dây tóc – thứ đã mang lại ánh sáng cho nhân loại. Để biến điện năng thành ánh sáng, ông đã làm hàng nghìn thí nghiệm để tìm ra vật liệu thích hợp làm dây tóc bóng đèn.

Khi liên tục gặp thất bại, bị xã hội thời đó công kích là “người hoang tưởng”, “quân lừa bịp”, Edison vẫn không hề nản chí. Thay vì để ý đến những lời nói của mọi người hay bỏ cuộc, ông vẫn trung thành với khát vọng của bản thân. Thomas Edison đã thất bại hơn 10.000 lần để phát minh ra bóng đèn, nhưng ông không bao giờ gọi đó là thất bại, xem đó như những cơ hội để học hỏi.

Ông từng nói rằng: “Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều là do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình“.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, những tỷ phú, doanh nhân, những người thành công không nề hà thất bại. Họ học hỏi và trưởng thành từ nó, không sợ thất bại nên họ dám làm những cái mới chưa ai từng thử, coi nó là một trải nghiệm, một bài học đáng quý. Sai lầm rất khó để vượt qua nhưng để trở nên thành công, việc đối mặt với sai lầm là thiết yếu!

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc