Skip to main content

Chùa Vua và hội thi cờ làng Thịnh Yên, Hà Nội (02/27/2017)

Đăng ngày 27/02/2017 bởi Administrator


Tam quan chùa Vua trên phố Thịnh Yên. (Ảnh: vanhien.vn)

NDĐT – Chùa Vua tọa lạc tại số nhà 33 phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hằng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng, dân làng cổ Thịnh Yên (khu vực chợ Trời) mở hội thi cờ tại chùa. Các kỳ thủ của nhiều nơi đổ về đua tài khiến ngày hội trở thành một sinh hoạt văn hóa lớn của vùng đông nam Kinh thành Thăng Long.

 

Chùa làng Thịnh Yên thờ Đế Thích, song vị thần này được đắp thêm quyền năng đánh cờ, được tôn sùng là Vua cờ, với cả truyền thuyết “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đế Thích còn được gọi là Đế Thích Thiên, nguyên gốc dịch từ Thích Ca (Chakra) Đề Hoàn (Deva) Nhân Đà La (Inđra), là vị Thiên Vương cai quản cõi trời thứ hai (Đao lợi thiên) ở phía trên núi Tu Di, thống lĩnh 32 chư thiên khác[1]. Đế Thích có nguồn gốc từ thần Indra – thần Mưa, thần Sấm Sét – của người Arian thời Rig Veda (thiên niên kỷ thứ II TCN). Trong Phật giáo, Đế Thích là Hộ pháp thiên thần, thường tượng Đế Thích tay cầm con dấu đứng bên tòa Cửu Long.

Điện Thiên Đế chùa Vua. (Ảnh: vanhien.vn)

Trong cuốn Lĩnh ngoại đại đáp, Chu Khứ Phi đời Tống ghi rằng: Từ thời nhà Lý ở Thăng Long đã có đền thờ Inđra, được nhà vua hết sức quan tâm. Theo cuốn An Nam chí lược của Lê Trắc thì vua nhà Lý thường đi lễ đền, chùa Đế Thích vào ngày 30 tháng Chạp hàng năm[2].

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: tín ngưỡng thờ Đế Thích phát triển ở Thăng Long, trong sử đã ghi việc dựng chùa, tô tượng Đế Thích:

Năm 1016, dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức tô 4 pho tượng Thiên Đế.

Năm 1057, làm chùa Thiên Phúc, Thiên Thọ, đúc tượng Phạm Thiên, Đế Thích bằng vàng để phụng thờ.

Năm 1128, đã có 2 chùa Thiên Long, Thiên Đức.

Năm 1134, làm hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành, tô tượng Đế Thích. Vua đến xem.

Năm 1158, lấy vàng mạ tượng Phạn Vương, Đế Thích ở chùa Thiên Phù, Thiên Hựu.

Năm 1194, mạ vàng tượng Phạn Vương, Đế Thích[3].

Việc thờ Thiên Đế là thờ Ngọc Hoàng. Những chùa có chữ Thiên đều đi với các tượng Thiên Đế, Phạn Vương, Đế Thích. Đền thờ Đế Thích trong cương vị Vua Cờ với khả năng “cải tử hoàn sinh” có từ thời Lý ở xã Liêu Hạ (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), nay vẫn còn. Về sau, đền thờ Đế Thích được đưa ra Hà Nội thành chùa Vua, hàng năm mở hội đánh cờ vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Đó là ngày vía Đế Thích, cũng là ngày sinh Ngọc Hoàng.

Đấu cờ người ở chùa Vua. (Ảnh: vanhien.vn)

Theo PGS Nguyễn Duy Hinh: “Đế Thích chính là Ngọc Hoàng trong tín ngưỡng Việt Nam nên còn gọi đền thờ là chùa Vua”. “Hình tượng Đế Thích – Vua Cờ là một sản phẩm Tam giáo mà tính trội thuộc về đạo Giáo”[4].

 


[1] Nghiệp Lộ Hoa – Trương Đức Bảo – Từ Hữu Vũ, Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr 150 – 152.

[2] Ngô Thị Hồng Hạnh, Chùa Vua và lễ hội in trong Di tích lịch sử – văn hóa Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 2000, tr 473.

[3] Bách khoa thư tôn giáo Hà Nội (sách in thử để trưng cầu ý kiến), NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, 1999, tr 188.

[4] Nguyễn Duy Hinh, Người Việt Nam với đạo Giáo, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr 484 – 493.

 

ĐỨC VĂN (sưu tầm, tổng hợp)

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc