Skip to main content

9x: Dương Mai Việt Anh người được Vingroup chọn sản xuất show giải trí trên sông The Grand Voyage (09/20/2023)

Đăng ngày 20/09/2023 bởi Administrator

Sinh năm 1994, đạo diễn trẻ tài năng Dương Mai Việt Anh luôn được bạn bè ưu ái gọi bằng biệt danh độc đáo: “Bom tấn” – một người luôn tìm mọi cách đưa khán giả đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Hẳn đó cũng là một phần lý do khiến Vingroup quyết định “chọn mặt gửi vàng”, trao cho Việt Anh dự án show giải trí trên sông The Grand Voyage với quy mô tầm cỡ hàng triệu USD.

Ngay từ khi còn theo học tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, đạo diễn có phải con đường nghề nghiệp mà anh định sẵn cho mình?

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi có cơ hội thử thách rất nhiều điều. Môi trường năng động giúp tôi được làm cả công việc truyền thông, marketing, quay phim, chụp hình và cả tổ chức sự kiện. Nhưng lúc này, phần nhiều đến từ sở thích, chưa có định hướng nào cụ thể.

Thời điểm mà tôi thực sự quyết tâm theo đuổi ngành đạo diễn lại đến từ một khoảnh khắc rất cụ thể. Đó là sân khấu của lễ trao giải “Búp sen vàng” năm 2015. Lúc ấy, tôi chỉ tham gia sắp xếp vị trí đứng của mỗi người, ánh sáng theo hướng nào, âm thanh bắt đầu ra sao… Nhưng khi đứng trên đó, có khoảng 2-3 giây ngắn ngủi, tôi cảm thấy một lượng lớn adrenaline trào dâng bên trong cơ thể, nó đã chạm tới một phần nào đó ẩn sâu trong con người tôi, như là một trải nghiệm được đánh thức.

Bản thân khi ấy còn chưa đủ trải nghiệm để hình dung chính xác về 2 chữ “đạo diễn”. Tuy nhiên, chính khoảnh khắc trọn vẹn ấy đã nói cho tôi biết, đâu là công việc tôi thực sự muốn làm trong tương lai.

Cơ hội lớn đầu tiên trong nghề đã đến với anh như thế nào?

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên đứng ở cương vị một Tổng đạo diễn. Đó là một sự kiện ca nhạc ngoài trời với quy mô 20.000 khán giả, cũng có thể coi là “phát súng mở màn” cho sự trở lại của thị trường sự kiện sau một quãng nghỉ rất dài vì đại dịch Covid-19. Lần đầu thật sự trở thành đầu tàu cho một sự kiện tới với vậy, đứng trước áp lực khủng khiếp và phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình, thú thật tôi rất run.

Tôi biết bản thân khi đó còn rất trẻ, đứng trước một ekip nhân sự hùng hậu của một đại nhạc hội có quy mô bậc nhất thời điểm đó, câu hỏi lớn nhất đặt ra chính là: Làm thế nào để mình thuyết phục được tất cả những người này, để họ cùng góp lửa với mình trong suốt quá trình thực hiện dài 2 tháng và cùng chia sẻ sự thăng hoa nơi hồi kết của sự kiện. Lúc đó tôi đã quyết định chọn phong cách cá nhân của mình: Tôi muốn là người mang ngọn lửa cảm hứng không bao giờ tắt, và bằng sự chân thành, tin tưởng của mình dành cho ekip, tôi lan toả ngọn lửa đến tất cả, để toàn bộ những người tham gia với mình cùng góp ngọn lửa của họ, và đồng hành với nhau trong mọi hoàn cảnh với một tinh thần cao nhất.

Khi lần đầu đảm nhận 1 sân khấu lớn, anh phải đối mặt với những thách thức nào? Giữa áp lực và động lực, cái nào nhiều hơn?

Quả thật, áp lực lớn khủng khiếp. 3 ngày trước sự kiện, tôi đau mắt nặng tới nỗi sưng vù cả mặt, thậm chí còn có dấu hiệu chảy máu bên trong vì làm việc với ánh sáng cường độ lớn suốt một thời gian dài. Thế mà vẫn tiếp tục làm quần quật đến 3 giờ sáng, mọi người “đuổi” mãi mới về.

Chỉ khi thực sự đứng ở cương vị Tổng đạo diễn, mọi quyết định đều do mình đưa ra thì trách nhiệm trên vai cũng rất lớn. Từ đó tôi hiểu được rằng, học cách đối mặt với áp lực cũng là một phần của công việc. Nếu không làm được điều đó, bạn chẳng làm được gì cả.

Nếu như trước đây, nghĩ đến Dương Mai Việt Anh, mọi người chỉ nghĩ tới vài thế mạnh nhất định như visual, ánh sáng… thì lần “debut” thành công đó là minh chứng cho năng lực của tôi ở cương vị Tổng đạo diễn.

Sau đó, anh tích lũy thêm những hành trang gì để chuẩn bị cho dự án lớn lần này?

3 năm gần đây, tôi bắt đầu làm việc độc lập và kinh qua hầu hết các loại hình sự kiện trên thị trường, chẳng hạn như mở bán bất động sản, lễ kỷ niệm, ra mắt, nhạc hội lớn ngoài trời hoặc trong nhà, concert nghệ sĩ… Gần như đủ cả rồi. Có thể, với đại chúng, Dương Mai Việt Anh vẫn là một cái tên khá xa lạ. Nhưng với đông đảo đồng nghiệp trong nghề, tôi tin là mình đã để lại những dấu ấn riêng rất đặc biệt.

Chẳng hạn, đến với sự kiện của tôi, chắc chắn khán giả sẽ đi từ trầm trồ này đến ngạc nhiên khác khi được chiêm ngưỡng những biến chuyển sân khấu sống động, những trải nghiệm thị giác đặc biệt hay những rung động cảm xúc khó quên… Đó còn là sự chỉn chu, kỹ lưỡng mà tôi đặt trong mọi chi tiết trên sân khấu, dù lớn dù nhỏ.

Và sau tất cả những trải nghiệm đa dạng ấy, khi bắt đầu chạm đến cột mốc tuổi 30, tôi cũng may mắn đón nhận một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình, đó là The Grand Voyage – vở diễn giải trí đa phương tiện trên sông độc đáo do Vingroup đầu tư. Đây là một dấu ấn quan trọng, chứng minh năng lực cũng như là một cột mốc đặc biệt trong sự nghiệp đạo diễn mà tôi cần vượt qua.

Có một điều thú vị mà bây giờ tôi mới tiết lộ. Trước kia, khi còn là sinh viên, mọi người đã thường gọi trêu tôi bằng biệt danh “Bom Tấn” vì luôn để lại rất nhiều yếu tố bất ngờ và ấn tượng trong mỗi một sự kiện ở trường. Đến hiện tại, mình lại trở thành người cầm cương cho show diễn bom tấn The Grand Voyage, quả đúng là một mối duyên thú vị.

Làm tổng đạo diễn của một dự án lớn của Vingroup như The Grand Voyage trong khi bản thân vẫn còn khá trẻ, Dương Mai Việt Anh nghĩ đâu là lợi thế cốt lõi khiến Vingroup tin tưởng, trao gửi dự án này cho mình?

Trong ngành sáng tạo, tuổi tác không bao giờ là chìa khóa để mở ra thành công. Thay vào đó, điều quan trọng nhất chỉ có 2 chữ “ý tưởng” mà thôi. Từ khi nhận được đề bài, tôi chỉ có khoảng 5 ngày để chuẩn bị – một khoảng thời gian rất ngắn. Trong đó, tôi dùng 4 ngày để suy nghĩ và một ngày cuối cùng để đưa tất cả suy nghĩ trong đầu thành một tài liệu hoàn chỉnh, trình bày trước chủ đầu tư.

Nếu nói về lợi thế cốt lõi, có lẽ đáp án nằm ở khả năng thấu hiểu đề bài, mong muốn của khách hàng cũng như tinh thần của Mega Grand World. Ý tưởng của tôi đưa ra chưa chắc đã tuyệt vời và xuất sắc nhất, nhưng đó là ý tưởng phù hợp nhất để giải quyết tất cả những bài toán mà Vingroup đang cần để xây dựng 1 điểm hẹn mua sắm – giải trí – nghệ thuật – Nơi du khách sẽ đến để có 1 ngày đa trải nghiệm, khép lại bằng 1 đêm diễn nghệ thuật đáng nhớ trong kiến trúc Venice tuyệt đẹp và quay trở lại đây nhiều lần. Khi có đủ niềm tin vào sản phẩm của mình, đồng thời đảm bảo năng lực để hiện thực hóa ý tưởng đó, mình mới có thể thuyết phục mọi người.

Và kể cả với thị trường hay là với Vingroup, tất cả “ngón nghề” của tôi vẫn còn giấu rất nhiều ẩn số thú vị.

Liệu những “ẩn số” đó đã được giải mã phần nào trong cả quá trình lấy cảm hứng và tạo ra Grand Voyage?

Lấy cảm hứng từ hành trình kiến tạo thành phố điểm đến Ocean City, The Grand Voyage sẽ tái hiện một hải trình giao thương từ châu Âu hoa lệ, băng qua con đường tơ lụa trên biển, di chuyển qua 5 đại dương lớn và chinh phục vô vàn thử thách tại những vùng đất, những nền văn hóa khác nhau, rồi gặp gỡ tại điểm cuối Mega Grand World Hà Nội.

Xuyên suốt trong hành trình mãn nhãn đó là hình ảnh một người thuyền trưởng dũng cảm, được lấy cảm hứng từ chuyến hải trình đầu tiên vòng quanh thế giới của nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan – và hành trình khám phá ra châu Mỹ của Christopher Columbus. Hình ảnh này được tôi lựa chọn có chủ đích, vì với tôi, đó là một sự liên hệ nhất định với cương vị Tổng đạo diễn.

Tôi và người thuyền trưởng đó đều mang trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết, một khát khao đủ lớn và mãnh liệt để lôi kéo mọi người cùng tham gia vào chuyến viễn du không tưởng này. Những người cộng sự lắng nghe nhịp đập của ngọn lửa cảm hứng trong trái tim tôi, và từ đó góp lửa và truyền nhiệt huyết vào sản phẩm chung. Cả ekip giống như các nhà thám hiểm đang đứng chung một con thuyền. Và một tập thể có đầy đủ cảm hứng và quyết tâm mãnh liệt thì mới có thể tạo nên kỳ tích. Đó là công thức thành công của tôi.

Gánh trên vai một dự án trị giá nhiều triệu đô như vậy, với anh, áp lực hay động lực nhiều hơn?

Áp lực thì đương nhiên là có, vì một show diễn cố định đương nhiên rất khác với một sự kiện chỉ diễn ra một ngày. Với nguồn kinh phí lớn như vậy, làm sao để đầu tư cho hiệu quả cũng là một vấn đề nan giải. Mỗi quyết định của mình sẽ kéo theo những khoản chi phí trị giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đô. Nếu không cân đong đo đếm cho hợp lý, chỉ một quyết sách sai lầm cũng có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề không thể giải quyết.

May mắn là tôi có những người đồng hành đầy kinh nghiệm. Mọi người đều bàn bạc và tranh luận với nhau từng chi tiết, đảm bảo mọi quyết định đều đi đúng hướng, thực hiện đúng những gì đã đặt ra. Mọi thứ được sắp xếp hài hòa dựa trên tổng thể và kỳ vọng sẽ đem tới một sản phẩm giải trí xứng đáng với sự mong đợi của chủ đầu tư Vingroup, cũng như một trải nghiệm mãn nhãn và đầy cảm xúc cho khán giả.

Trong quá trình này, khó có thể nói động lực hay áp lực chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Nếu không có áp lực thì tâm thế sẽ không đủ quyết liệt. Còn nếu không có động lực thì rất có thể sẽ thiếu đi sự thăng hoa cần có với một sản phẩm nghệ thuật.Trên thực tế, cả hai yếu tố này phải song hành với nhau thì mình mới tạo ra một sản phẩm đủ tốt.

Để biến The Grand Voyage trở thành “must see show”, anh đang ấp ủ độc chiêu nào hay không?

Toàn bộ vở diễn này chính là một độc chiêu (cười).

Đôi khi, tôi thấy Tổng đạo diễn cũng giống như một người đầu bếp. Khi mình đã có tất cả nguyên liệu hảo hạng, nhưng quá trình nấu nướng không hợp lý, khiến một thứ chiếm chủ đạo quá nhiều và những thứ khác trở nên nhạt nhòa, không có sự cộng hưởng chung với nhau thì đó không phải là một món ăn để lại ấn tượng sâu đậm. Dự án gặp tình trạng như vậy cũng không phải là một dự án thành công với tôi.

Bản thân tôi là người đề cao tính tập thể trong ekip và tính phối hợp trong dàn dựng sân khấu. Tất cả những yếu tố xuất hiện trong và ngoài sân khấu như diễn viên, dàn dựng, đạo cụ, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng… đều phải đi chung một nhịp đập, theo dòng chảy về mặt nội dung. Khi mọi thứ cộng hưởng với nhau một cách hoàn hảo, nó mới tạo ra một trải nghiệm có thể chạm đến cảm xúc của lòng người xem. Đương nhiên, tôi vẫn chuẩn bị những màn trình diễn nhạc nước hoành tráng, âm thanh ánh sáng ảo diệu, một sân khấu thuyền có quy mô khổng lồ, nhưng quan trọng là sắp đặt mọi thứ trở nên thật hài hòa. Cá nhân tôi thích sở hữu một tổng thể nổi bật hơn là 1-2 điểm nổi bật duy nhất.

Để vận hành những dự án tầm cỡ, ekip của anh sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì? Làm cách nào để vượt qua?

Thực ra, ekip nòng cốt của tôi chỉ có khoảng 15 người, nhưng đó đều là những người dày dặn kinh nghiệm trên thị trường, dám đương đầu với mọi thử thách. Còn khi triển khai sâu rộng hơn, bắt đầu có những đối tác và chuyên gia bên ngoài phối hợp, số nhân sự có thể lên tới khoảng 200-300 người. Một con số rất lớn, đem tới áp lực vận hành không hề nhỏ.

Bất cứ dự án nào cũng tồn tại những khó khăn cơ bản và thử thách khó dự đoán trước. Đó sẽ là những sai sót về mặt kỹ thuật, khấu hao thiết bị, yếu tố công nghệ, cả những yếu tố không thể dự đoán trước như thiên nhiên, thời tiết, hoặc đột nhiên diễn viên chính bị ốm, gặp chấn thương… Chúng tôi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và luôn ý thức rõ về những bài toán này, đồng thời chuẩn bị kịch bản vận hành rõ ràng cho từng trường hợp, để làm sao vở diễn có thể phục vụ khán giả với một công suất tối đa, đáp ứng nhu cầu giải trí rất lớn ở thị trường Hà Nội.

Kể cả sau khi bàn giao lại vở diễn cho chủ đầu tư, mọi thứ đã có quy trình rất chuyên nghiệp, được thiết kế riêng trong từng trường hợp, khi gặp vấn đề thì nên xử lý như thế nào. Đây cũng là một phần trong cam kết, nhằm đảm bảo vở diễn luôn có thể đi tới thành công. Một người tổng đạo diễn không chỉ có trách nhiệm ở mặt nội dung mà còn bao gồm cả khâu vận hành và tổ chức sản xuất, từ đó đảm bảo chất lượng thành quả cuối cùng.

Vậy còn khó khăn đến từ khách hàng thì sao?

Thông thường, dự án có kinh phí đầu tư càng cao thì độ khó càng lớn. Chẳng hạn, The Grand Voyage sắp tới đây hứa hẹn trở thành điểm nhấn đặc biệt của năm, thậm chí còn có lộ trình phát triển dài hạn trong nhiều năm tới. Khi bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư, đương nhiên Vingroup cũng đặt ra rất nhiều kỳ vọng. Họ trở nên khó tính cũng là một chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

Trong trường hợp nảy sinh mâu thuẫn với khách hàng, anh đặt cái tôi của mình ở đâu?

Cá nhân tôi cho rằng, việc giữ cái tôi cá nhân của đạo diễn một cách cực đoan và thể hiện điều đó vào các tác phẩm chưa hẳn đã là một điều tốt. Không giống như những triết gia hay những nhà thơ, người đạo diễn không làm việc độc lập, và sân khấu là một loại hình mang tính phối hợp rất cao. Người đạo diễn phải phối hợp và phụ thuộc vào người khác trong quá trình làm việc, điển hình là nhà tổ chức, khán giả và ekip của mình, họ mở đường cho chúng tôi tìm tòi và cho phép chúng tôi vượt lên được chính khả năng của riêng mình. Để đi đến thành quả cuối cùng, quá trình này cần được diễn ra trơn tru với sự lắng nghe và cầu thị ở mức cao nhất.

Do đó, tôi chưa bao giờ nuôi dưỡng cái tôi của mình quá lớn. Nó chỉ nên dừng ở một mức nhất định, đủ để tạo dấu ấn cá nhân, khiến mọi người ý thức được về sản phẩm của mình. Sau đó, điều quan trọng nhất là dung hòa giữa mong muốn của khách hàng, cũng như các bên liên quan.

Đương nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Có những khách hàng đưa ra yêu cầu rất trực diện hoặc vô lý, khiến mình cảm thấy không thể đồng tình, nhưng thay vì từ chối một cách cụt ngủn, tôi thường tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau yêu cầu đó. Khi đặt bản thân vào góc nhìn của họ, tôi mới hiểu vì sao họ lại đưa ra quan điểm như vậy. Và sau đó, dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của bản thân, tôi tìm ra một phương án để vừa có thể giải quyết vấn đề từ góc nhìn của khách hàng, vừa đáp ứng được phương châm làm việc và thẩm mỹ sân khấu của cá nhân mình. Có thể, đấy chính là thế mạnh đặc biệt của tôi.

Để đi xa như ngày hôm nay, anh đã đánh đổi những gì?

Để có cơ hội đứng trước những dự án lớn, tôi luôn xác định mình sẽ phải hy sinh nhiều thứ. Từ khi nhận đề bài của Vingroup cho đến hôm nay, suốt 2 tháng, chưa có một ngày nào mà tôi không nghĩ về tác phẩm này. Điển hình như tuần vừa rồi, điện thoại đã phải “cảnh cáo” thời gian ngủ trung bình quá ít, chỉ từ 4-5 tiếng/ngày.

Nhưng may mắn là mình đang có sức trẻ, có khả năng để làm điều đấy. Khát vọng của mình rất nhiều, tham vọng càng không ít, cho nên bắt buộc phải chấp nhận đánh đổi để làm được tốt nhất những gì có thể, để thực hiện được ước mơ mang tới những sân khấu trình diễn chất lượng dành cho thị trường.

Thực ra, ekip của tôi có những trợ lý dày dặn kinh nghiệm, có thể thay mặt làm việc với những chuyên gia để tiết kiệm thời gian. Nhưng tôi vẫn muốn trao đổi trực tiếp với tất cả, cần đưa vào thông tin từ phía mình để làm sao truyền tải trọn vẹn những ý tưởng mà mình muốn biểu đạt. Đồng thời, đó cũng là cách mang thêm cảm hứng cho những người cộng sự. Khi chúng ta đã làm chắc từng bước nhỏ, thì mới tạo ra nền tảng để đạt những thành công lớn.

Tôi không phải tuýp thiên tài điển hình gì cả, mà tất cả đều là thành quả của sự nỗ lực để đi đến vị trí ngày hôm nay. Ở cương vị một Tổng đạo diễn, bắt buộc phải chuẩn bị kỹ lưỡng, nghĩ đến tận cùng của một vấn đề, đảm bảo đó sẽ là một show tốt nhất, mãn nhãn nhất dành cho khán giả. Tôi chỉ đơn giản là một người thuyền trưởng mang theo ngọn lửa khát khao rất lớn.

Anh kỳ vọng gì về hiệu ứng của khán giả với The Grand Voyage?

Mang The Grand Voyage tới Mega Grand World, sáng tạo của chúng tôi không chỉ tập trung tạo nên trải nghiệm giải trí đỉnh cao cho khán giả vào mỗi tối, mà nó còn mang tới những hoạt động giao lưu, tương tác thú vị cũng như bối cảnh hoành tráng để khán giả có thể trải nghiệm, tham quan & check-in ban ngày. Họ có thể đến vào ban ngày để chiêm ngưỡng không gian biểu diễn hoành tráng của Grand Voyage, sau đó dành một ngày để khám phá Mega Grand World sầm uất, rồi quay lại với vở diễn vào buổi tối để cùng chúng tôi lên thuyền thám hiểm chinh phục đại dương.

Đó chắc chắn là một cảm xúc choáng ngợp và khó quên với khán giả. Tôi tin hậu vị của The Grand Voyage với những câu chuyện thần thoại đầy hấp dẫn cũng như cảm hứng chinh phục, khám phá sẽ khiến khán giả muốn quay lại để một lần nữa sống trong không gian đó.

Người Việt hiện nay đã có những yêu cầu cao và khó tính hơn về hoạt động giải trí – nghệ thuật – văn hoá, không dễ để có thể thuyết phục được đông đảo công chúng ủng hộ, ngợi khen. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm tạo ra một sản phẩm giải trí độc nhất và mang tính hấp dẫn rất cao. The Grand Voyage nói riêng và Mega Grand World nói chung cũng chọn những mô hình trình diễn, giải trí tương đồng với quốc tế để trở thành một điểm đến xứng tầm với kỳ vọng của khách du lịch đến từ bất cứ đâu.

Theo anh, với những giá trị văn hoá này, Mega Grand World sẽ ở đâu trên bản đồ giải trí thế giới?

Nói riêng về vở diễn, thì trên thế giới không có nhiều nơi sử dụng mô hình thuyền làm sân khấu biểu diễn, đặc biệt Mega Grand World còn nằm trong số ít những nơi có không gian biểu diễn tích hợp cảnh quan trên thế giới. Đó là lí do tôi nghĩ Mega Grand World sẽ nằm trong top 10 của mô hình điểm hẹn giải trí – mua sắm – nghệ thuật tích hợp của Việt Nam và trên thế giới.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc