Skip to main content

Con người ở đâu trên bàn cờ? (01/14/2023)

Đăng ngày 14/01/2023 bởi Administrator

Trước trận đấu tranh ngôi vô địch cờ vua với Magnus Carlsen, Ian Nepomniachtchi  đã từng tự tin tuyên bố sẽ lật đổ được vua cờ nhờ vào sự hỗ trợ của siêu máy tính Zhores – được xem là một trong những phần mềm chơi cờ mạnh nhất thế giới.

 
 Magnus Carlsen là kỳ thủ hiếm hoi trên thế giới giữ được chất riêng trong thời đại siêu máy tính thống trị. Ảnh: Chess.com

Kỳ thủ người Nga không có gì phải ngượng ngùng trong cuộc thách đấu vua cờ người Na Uy, vì đã từ lâu làng cờ chấp nhận một sự thật rằng môn thể thao trí tuệ này ngày nay hầu như bị chi phối hoàn toàn bởi máy móc.

Một thời phân cao thấp

Hơn 20 năm trước, tất cả các kỳ thủ đều cảm thấy tự ái khi nghe nhận xét đó. Cuộc chiến giữa con người và máy tính trong môn cờ vua có lịch sử ít ra đã nửa thế kỷ. Bắt đầu từ năm 1956, khi chiếc máy tính khổng lồ (chiếm không gian bằng cả một căn phòng) mang tên Maniac được giới thiệu và lần đầu đánh bại được con người. Suốt 40 năm sau đó, các phần mềm chơi cờ liên tục được cải tiến và khái niệm “siêu máy tính” dần ra đời. Mac Hack VI, Cray Blitz rồi Deep Thought lần lượt được giới thiệu, từng bước chinh phục trí tuệ con người trong cuộc so tài giữa người và máy trên bàn cờ.

Đến năm 1997, chiếc máy tính Deep Blue của IBM, to ngang một chiếc tủ lạnh, đạt tới cột mốc quyết định khi đánh bại vua cờ thời điểm đó là Garry Kasparov. Kỳ thủ người Nga khi đó đã giữ ngôi vị số 1 làng cờ vua hơn 10 năm trời, được xem như “tường thành cuối cùng” của con người trong cuộc chiến chống lại máy tính. Ông không cam tâm nhận thua ngay lập tức, Kasparov đổ thừa IBM đã gây nhiều bất lợi cho ông.

6 năm sau, đến phiên máy tính Deep Junior quyết đấu với Kasparov trong trận cờ trị giá triệu USD. Mỗi bên thắng một ván và hòa ba ván, trước khi Kasparov “cầu hòa” ván cuối cùng và được chấp thuận. Nhưng cũng kể từ đó, phe con người đã lép vế hoàn toàn. Mọi cuộc so tài giữa người và máy đều kết thúc với phần thắng dành cho những chiếc máy tính. Đến khoảng cuối thập niên 2000, tất cả đều đã nhất trí máy tính vượt xa con người trong cờ vua.

Ở Top Chess Engine Championship – giải đấu dành cho các siêu máy tính đánh cờ, hầu như toàn bộ máy tính tham dự đều có elo trên 3000. Trong khi đó, elo của vua cờ Carlsen chưa đến 2900. Kỳ thủ mạnh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây thậm chí không đủ tư cách tham dự giải.

Máy tính hoàn toàn đánh bại con người trên bàn cờ là chuyện hiển nhiên. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Sự ưu việt của các siêu máy tính ngày nay chi phối hầu như toàn bộ những cuộc so tài cờ vua đỉnh cao. Các kỳ thủ nhanh chóng nhận ra rằng sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu họ tận dụng sự hỗ trợ của máy móc với khả năng xây dựng chiến thuật có chiều sâu, cũng như sở hữu tốc độ tính toán, ước đoán thế cục hoàn toàn vượt xa trí óc con người. Tất cả chỉ gói gọn trong một chiếc máy tính xách tay.

Không chỉ tập luyện cùng máy tính, các kỳ thủ ngày nay còn lên kế hoạch phân tích chiến thuật của đối phương dựa trên sự giúp đỡ của máy tính, và gần như học thuộc những nước đi tối ưu.

Chính vì lẽ đó, khoảng cách giữa chính các cầu thủ người cũng ngày càng sít sao. Ở trận cờ tranh ngôi vô địch năm 2018, Carlsen và kỳ thủ người Mỹ Fabio Caruana đã hòa nhau toàn bộ 12 ván đấu. Trận chung kết chỉ được phân thắng bại khi bước vào loạt tie-break với luật thi đấu cờ nhanh và Carlsen đánh bại Caruana 3 ván.

Nỗ lực thoát khỏi phận “con chốt”

Siêu máy tính chiếm lĩnh bàn cờ đã trở thành xu thế thời đại. Các kỳ thủ sống dựa trên khả năng tư duy của máy tính và trong khoảng vài mươi nước đi đầu tiên, một trận cờ hầu như là màn so tài giữa các siêu máy. Người ta tin rằng trong trận đấu giữa những kỳ thủ hàng đầu, ít nhất 30 nước đi đầu tiên thực chất là tái diễn lại cuộc so tài giữa hai phần mềm máy tính.

Khi mọi thứ được đẩy lên mức tối ưu, việc các trận đấu hòa xảy ra ngày càng nhiều là điều dễ hiểu. Người ta bắt đầu lo rằng trên bàn cờ ngày nay, con người rốt cuộc cũng sẽ trở thành “quân chốt” cho máy tính.

Trong cuộc chiến cố gắng chứng tỏ bản ngã của con người trên bàn cờ, Carlsen vẫn là cái tên đáng được nhắc đến nhất. Tháng 12 rồi, vua cờ lần thứ 5 liên tiếp giành chiến thắng ở trận cờ tranh ngôi vô địch thế giới khi đánh bại Nepomniachtchi cùng công cụ máy tính Zhores mà kỳ thủ người Nga rất đỗi tự hào. Carlsen thậm chí đã giành đến 4 ván thắng trước Nepomniachtchi mà không cần bước vào loạt tie-break. Chiến thắng thuyết phục của Carlsen được ca ngợi như một chiến thắng giàu yếu tố con người.

“Magnus có thể tự hào nói rằng anh ấy có lẽ là kỳ thủ hàng đầu làm việc ít nhất với máy tính, cũng như ít chịu ảnh hưởng nhất từ máy tính hiện nay – HLV của Carlsen, ông Peter Heine Nielsen cho biết – Anh ấy muốn tin tưởng vào khả năng suy nghĩ của chính mình, sự tiếp xúc giữa người và người”.

Tất nhiên, Carlsen vẫn làm việc thường xuyên với máy tính. Các kỳ thủ hàng đầu thế giới đều dành hàng tháng trời bên chiếc máy tính để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng. Nhưng Carlsen cũng sở hữu khả năng tư duy sáng tạo đến nỗi những nước đi tốt nhất của anh đôi lúc về lý thuyết lại không phải là một nước đi tốt. Bằng những nước đi vượt ngoài khuôn khổ như vậy, Carlsen có thể dẫn dắt cuộc đấu vào con đường mờ mịt hơn, nơi đối thủ của anh có thể bị lạc trên bàn cờ.

“Người ta nói rằng cờ vua là một khu rừng sâu thẳm đầy gai nhọn và rắn độc. Magnus đưa đối thủ của mình vào khu rừng đó” – Danny Rensch, giám đốc của Chess.com, nói.

Và trong khu rừng đó, đối thủ của Carlsen cùng chiếc siêu máy tính của anh ta đã không lường được những biến số. Carlsen không đánh bại máy tính, mà anh – bằng những nước đi “nhân bản” của mình – đã đánh bại tổ hợp giữa người và máy, để nỗ lực chứng tỏ rằng đây vẫn là bàn cờ của con người!■

Kỳ thủ Lê Quang Liêm: Khác biệt ở phần cứng

Thực tế là trên thế giới hiện nay đang thịnh những phần mềm phục vụ cho việc tập luyện, nghiên cứu cờ vua. Cơ bản là giống nhau, nhưng phần mềm dành cho kỳ thủ chuyên nghiệp hàng đầu sẽ khác một chút so với phần mềm dành cho người bình thường.

Theo nhận định của cá nhân tôi, sự khác biệt chủ yếu nằm ở phần cứng chứ không phải phần mềm. Ví dụ trường hợp của tôi, khi phải dùng chiếc laptop bình thường để chạy phần mềm phân tích cờ thì mất khoảng 10 phút mới ra kết quả. Trong khi đó, nếu tôi dùng máy tính để bàn chuyên dụng có cấu hình mạnh thì chỉ mất 1 – 2 phút. Vấn đề chỉ là vậy, phần cứng mạnh hay yếu thì sẽ cho ra kết quả tương ứng thời gian ngắn hay dài. Theo tôi biết thì những kỳ thủ hàng đầu thế giới hiện đang sử dụng những chiếc máy trị giá vài chục ngàn USD.

Trong thời đại mà siêu máy tính đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cờ vua, các kỳ thủ cũng phải nhờ phần mềm để phân tích cờ, vốn hỗ trợ rất nhiều những nước đi khả dĩ nhất và ghi nhớ chúng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhớ hết và chuẩn bị được hết. Chính điều đó đã giữ lại nét riêng cho các kỳ thủ.

Như trận đấu giữa Magnus Carlsen và Ian Nepomniachtchi, biết đối thủ chuẩn bị tốt nên Carlsen cố tình chọn biến ít thông dụng để thoát khỏi “bài” chuẩn bị sẵn. Từ đó, anh đưa trận đấu vào thế trận buộc hai kỳ thủ phải tự tư duy. Và đó là lúc bản lĩnh và “nội lực” cất tiếng nói quyết định giúp Carlsen giành chiến thắng.

Đối với một người bình thường thì họ sẽ nhờ máy tính chuẩn bị trước khoảng 10 nước cờ. Những kỳ thủ mạnh thường chỉ 20 nước, nhưng với những kỳ thủ top 10 thế giới thì tôi nghĩ họ chuẩn bị trước khoảng 30 – 40 nước.

 

  • Tags:

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc