Skip to main content

Trận cờ vua kinh điển giữa 2 thế giới của kỳ thủ lập dị Bobby Fischer (03/28/2023)

Đăng ngày 28/03/2023 bởi Administrator

Fischer và Spassky trong một giải đấu hồi thập niên 1960, những cuộc đụng độ như vậy luôn được coi là sự cạnh tranh giữa hai hệ thống.

Năm 1972, môn thể thao này trở thành một trò chơi chính trị đỉnh cao, và thu hút sự chú ý của thế giới vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh. Đó là khi Robert James Fischer của Hoa Kỳ đến Iceland để đối đầu Boris Spassky của Liên Xô. Trong bối cảnh về sự căng thẳng đang leo thang trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, trận đấu này được xem là một cuộc đối đầu về trí tuệ giữa hai siêu cường. Đối với nước Mỹ, chiến thắng này không chỉ giới hạn trong bàn cờ 64 ô. Đến nay Fischer là công dân Mỹ duy nhất từng vô địch cờ vua thế giới. Thế nhưng, sau vinh quang ấy, ông đã trở thành người xa lạ trên chính quê hương mình.

Bobby Fischer – Kỳ thủ lập dị

Cựu vô địch cờ vua người Mỹ Bobby Fischer đã qua đời từ lâu, và kỷ niệm được nhắc đến nhiều nhất về ông là trận đấu với Boris Spassky (Liên Xô) năm 1972 ở Reykjavik, thủ đô Iceland. Trong ngôn ngữ thiên về cường điệu của báo chí, trận đấu ấy được Mỹ coi là sự tiếp nối của Chiến tranh Lạnh với phương tiện khác!

Vĩ nhân, quái dị, ngông cuồng… là tất cả những gì tồn tại bên trong con người kỳ thủ người Mỹ, biến cuộc đời ông thành một bức tranh muôn màu. Sinh ngày 9/3/1943 tại Chicago, Fischer thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý người Đức Hans Gerhardt Fischer. Tính cách kiêu ngạo, bốc đồng, ngang bướng và thích đòi hỏi của Fischer được thể hiện rõ ràng trong các trận đấu sau này của ông. Còn từ khi rất nhỏ, ông đã sống với nhịp điệu riêng của mình, đối nghịch với sự phát triển thông thường của những đứa trẻ khác.

Cả cuộc đời Fischer bị chi phối bởi bàn cờ.

Tháng 10/1956 là một trong những bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp lừng lẫy của kỳ thủ vĩ đại Bobby Fischer, khi bà Regina đưa con trai đến CLB cờ Marshall. Fischer được mời đến thi đấu giải tưởng niệm nhà tài trợ của giải Rosenwald nhờ thành tích vô địch giải trẻ Mỹ cách đó 3 tháng. Đây là giải mời đầu tiên mà ông tham gia, gồm 11 kỳ thủ bao gồm một số nhân vật xuất sắc của Mỹ cùng với các thành viên của câu lạc bộ Marshall. Đối thủ của Fischer hôm đó là giáo sư đại học Donald Byrne, một kiện tướng quốc tế, cựu vô địch giải Mỹ Mở rộng. Một tay cờ có lối đánh tấn công dữ dội. Và khi dành chiến thắng, ván cờ ở tuổi 13 của Fischer khi đó được mệnh danh là ván cờ của thế kỷ.

Fischer và mẹ.

Năm 15 tuổi, Fischer trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất và là ứng viên trẻ nhất cho giải vô địch cờ vua thế giới. Ông đoạt giải vô địch Mỹ 1963-1964 với tỷ số tuyệt đối 11-0. Thời bấy giờ, Fischer thường gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các kỳ thủ, đến nỗi không ai dám thách đấu mà phần lớn ông chọn đối thủ để khiêu chiến. Đánh với ông xong, các kỳ thủ dễ bị chấn thương tâm lý vì tỉ số quá cách biệt thường là 6-0 hoặc 8-0 và cả một lối đánh dày công tập luyện bị phá sản.

Trận đấu kinh điển với Boris Spassky

Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế giữa Liên Xô và các quốc gia vệ tinh với các cường quốc phương Tây, bao gồm Mỹ, vẫn tồn tại. Dù các nước không chính thức xung đột, họ thể hiện sự cạnh tranh thông qua các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, tuyên truyền, chạy đua không gian và cả thể thao.

Trận đấu giữa Bobby Fischer và Boris Spassky không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Đích thân Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger phải thuyết phục Fischer thi đấu. Fischer chỉ đồng ý sau khi được đáp ứng yêu cầu về tiền thưởng. Kissinger khi đó phải thông qua người bạn – phóng viên nổi tiếng người Anh David Frost – nhờ triệu phú Anh James Slater giúp đỡ. Sau cuộc điện thoại của Slater, ban tổ chức đã nâng tiền thưởng lên gấp đôi, nhà vô địch được 231.000 đôla (gấp 165 lần con số mà Spassky nhận được khi vô địch giải lần trước) và người thua được 168.000 đôla.

Khi đến Reykjavik Iceland, Fischer còn làm khó ban tổ chức bằng cách đưa ra những yêu cầu khắt khe như đòi đổi địa điểm thi đấu từ Iceland sang Nam Tư, điều kiện về bàn, ghế, bàn cờ, ánh sáng và khoảng cách chỗ ngồi với sân khấu…

Ván thứ nhất Fischer có vẻ thờ ơ và Spassky thắng. Ngày hôm sau Fischer bị xử thua khi vi phạm nội quy. 2–0 cho Spassky. Mọi người nghĩ kỳ thủ người Mỹ sẽ rời Iceland trong nỗi tủi nhục. Kissinger sau đó phải gọi điện, thúc giục Fischer. Và rồi, ngày thứ ba, ông trở lại để dội “trận mưa bom” trên “pháo đài Liên Xô”. Từ hôm đó, Spassky chỉ thắng được thêm đúng một ván. Còn lại, trong 19 ván, Fischer thắng 7, thua một và hòa 11 ván, giành chiến thắng với điểm số 12,5 so với 8,5 và trở thành vua cờ mới của thế giới.

 

Fischer trên bìa tạp chí Chess review (đang suy nghĩ trước khi tung ra đòn thí Hậu kinh điển). Bên phải là biên bản ván đấu thế kỷ do chính Fischer ghi chép.

Khi nhận giải, Fischer bóc tiền thưởng trong phong bì ra đếm trước mặt nhiều người, hành động lập dị này khiến dư luận Mỹ bất bình. Nhưng chiến thắng này được xem như chiến thắng của Mỹ ngay ở lĩnh vực mà lâu nay Liên Xô được xem là “bất khả chiến bại”, nên ông vẫn được đón tiếp như người hùng khi về nước.

Nguyên nhân Fischer đưa ra yêu cầu tiền thưởng cao có lẽ do ông chỉ nhận được 400 đôla cho 6 tuần làm việc cật lực tại giải Interzonal năm 1958. Ông nói “mỗi ván giống như một bài thi dài 5 tiếng”, và điều đó làm cho ông chán nản. Lúc đó ông đã là một đại kiện tướng quốc tế, và đủ tư cách tham dự Giải vô địch thế giới. Nhưng ông tự hỏi làm thế nào để có thể kiếm sống bằng nghề chơi cờ. Ngoại trừ Liên Xô – nơi các kỳ thủ được nhà nước hỗ trợ rất đầy đủ, thì không có kỳ thủ nào có thể kiếm đủ sống nhờ chiến thắng tại các giải đấu. Họ phải làm thêm các công việc khác như dạy cờ, thi đấu biểu diễn, bán các bộ cờ, viết bài cho các tạp chí cờ để kiếm thêm thu nhập. Với Fischer, đó là một cuộc sống bấp bênh!

Kỷ lục hi hữu áp đảo cả về mặt truyền thông

Channel 13, kênh truyền hình nhà nước của Hoa Kỳ, từng đạt được số lượng khán giả kỷ lục trong lịch sử của mình – không phải vì truyền trận bóng chày nào đó, vốn là môn thể thao vua ở Mỹ, mà với loạt phóng sự buổi chiều tháng 7 năm 1972: người ta đếm được hơn một triệu khán giả phát sốt phát rét theo dõi vẻn vẹn hai nhân vật, hai người này thậm chí ngồi gần như bất động – họ chơi cờ vua!

Không chỉ trước các màn ảnh nhỏ, mà theo các phóng viên túa ra khắp các quán bar của thành phố New York thì chỉ có 3 nhà hàng bật kênh truyền trận đấu bóng chày của New York Mets, trong khi khán giả 18 quán bar để nguội vại bia vì chăm chú theo dõi cờ vua.

Chưa hết: tháng này cũng là đỉnh điểm của cuộc vận động tranh cử của tổng thống đương nhiệm Richard Nixon và đối thủ cực gắt là George McGovern. Khi Channel 13 dừng truyền trận đấu để đưa báo cáo về đại hội Đảng Dân chủ, lập tức có hàng trăm cuộc điện thoại của các khán giả phẫn nộ gọi đến, thậm chí có người doạ vác súng đến “xử lý” nhà đài nếu không quay lại trận cờ vua giữa Fischer và Spassky ngay lập tức.

Chậm hơn và ít “máu me” hơn người Mỹ, nhưng đài BBC cũng nhanh chóng thiết lập một chương trình cờ vua hàng tuần, được hàng triệu người theo dõi.

Tại Geneva, trong mọi giờ giải lao ở một hội nghị về cứu trợ thiên tai, các nhà ngoại giao không có chủ đề nào khác ngoài các nước cờ vừa diễn ra trông mấy phút cuối. Cờ vua cũng xuất hiện trên trang nhất của mấy tờ báo ít tên tuổi như nhật trình Bangladesh Observer hoặc tờ Al-Ahram của Ai Cập. Ở đất Argentina, nó thống trị trang nhất của tờ báo Clarín ở Buenos Aires hai tháng liền và chỉ chịu lu mờ bởi một vụ thảm sát tù nhân chính trị.

Tại sao sinh ra cơn sốt cờ vua toàn cầu này? Trong khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang đi vào phần kết kịch tính và thường là nội dung nóng nhất của truyền thông! Chỉ sáu tháng trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trong báo cáo thường niên đã gọi năm 1971 là “năm bản lề” – giống như năm 1947 sau Thế chiến 2 đánh dấu giai đoạn mới của thế giới. Và đúng thế, chỉ một năm sau IISS tuyên bố Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhà sử học Samuel Huntington nói một cách văn vẻ: “Bầu trời đông nghịt phi cơ chở các nhà ngoại giao bay đến những cuộc đàm phán, và bầu không khí tươi lành của giải trừ vũ khí đem lại nhiều hứa hẹn”.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đang triển khai hoạt động ngoại giao con thoi không ngừng nghỉ của mình. Nixon thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước mang tính bước ngoặt tới Bắc Kinh, và vào tháng 5 cùng năm, ông được Leonid Brezhnev tiếp. Nhưng tờ báo Anh The Guardian lại mô tả cuộc đàm đạo thượng đỉnh này với dòng chữ đậm: “Đưa được Nixon và Brezhnev lại với nhau chỉ là trò trẻ con so với cuộc đấu cờ vua đỉnh cao giữa Fischer và Spassky”.

Cái giọng hồ hởi cường điệu của nhà bình luận người Anh không có vẻ bất hợp lý. Bởi vì cơn sốt cờ vua lan rộng trên toàn thế giới đến từ một giải đấu duy nhất được tổ chức tại Reykjavík trong hai tháng mùa Hè năm 1972. Các ván đấu giữa đại kiện tướng Boris Spasski và đối thủ Bobby Fischer đã viết nên lịch sử cờ vua – và vẫn còn hấp dẫn cho đến tận ngày nay.

Ở một bên của bàn cờ là người Mỹ Fischer, bên đối diện là đương kim vô địch thế giới Spassky người Liên Xô. Đột nhiên quốc tịch của hai phe khiến cờ vua trở thành một vũ khí, một phép quy chiếu xem hệ thống nào vượt trội hơn hệ thống kia.

Kể từ khi Thế chiến kết thúc, nhà vô địch cờ vua thế giới luôn là một công dân Liên Xô. Theo đại kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, “công tác tuyên truyền dựa trên ba trụ cột chính: cờ vua, xiếc và ballet. Trong cả ba lĩnh vực, Liên Xô đã cho thấy họ vượt xa phương Tây”.

Theo ý đó, Fisher và Spassky là chiến binh trong Chiến tranh Lạnh (thực tế đã không còn tồn tại). Và ở Reykjavik (thủ đô Iceland), phương Tây đã chiến thắng.

Fischer, một kẻ lập dị trong làng cờ vua, qua cách hành xử kỳ quái của mình đã gây ra một cuộc chiến cân não. Giải cờ này về sau được thuật lại chi tiết trong sách của bộ đôi tác giả David Edmonds và John Eidinow với những tính từ ít ngọt ngào khi miêu tả Fischer: tâm lý phức tạp, loạn thần kinh, hưng cảm bệnh hoạn.

Newsweek mô tả Fischer là “sự pha trộn hỗn loạn giữa kiêu ngạo, non nớt, hoang tưởng và nhạy cảm quá độ”. Bản thân người Mỹ cũng chẳng ưa “đại diện” của mình. Một độc giả Mỹ viết đến tờ Washington Post: Fischer là “người Mỹ duy nhất có thể làm cho mọi người Mỹ đứng về phía người Nga”.

Trở thành người xa lạ trên chính quê hương của mình

Năm 1975, kiện tướng Liên Xô Anatoli Karpov vượt qua một loạt đối thủ để giành quyền thách thức danh hiệu vua cờ của Fischer. Tuy nhiên, Fischer từ chối đấu với Karpov vì ban tổ chức không đồng ý với một loạt yêu sách của ông. Tháng 6/1975, Liên đoàn Cờ vua Thế giới tuyên bố Anatoli Karpov là vua cờ mới.

Kể từ khi từ chối thi đấu với Anatoli Karpov, Fischer hầu như không thi đấu trên các vũ đài quốc tế và sống khá lặng lẽ. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, ông lại đưa ra những lời bình luận khá gay gắt, những cử chỉ giận dữ, thậm chí công kích ngành thể thao Mỹ nên đã bị cấm thi đấu.

Năm 1992, kỷ niệm 20 năm đăng quang ngôi vô địch thế giới, ông quyết định đến Sveti Stefan (Nam Tư) tái đấu không chính thức với Spassky, dù điều này vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên một phần còn vì khoản tiền khổng lồ: 3,3 triệu đôla. Fischer một lần nữa khiến Spassky ôm hận. Tuy nhiên, kể từ đó ông bắt đầu chìm vào những ngày tháng đen tối. Ở Mỹ, người ta đã phát lệnh truy nã nhà cựu vô địch vì vi phạm lệnh cấm đến Nam Tư. Từ một người hùng, Fischer trở thành đối tượng truy bắt của cảnh sát.

Tuy nhiên, đối với Fischer, sự kiện trên còn do nguồn gốc Do Thái của gia đình mang lại – bởi ông luôn tự nhận là nạn nhân của một âm mưu chống Do Thái. Sự chống đối nước Mỹ của Fischer lên tới đỉnh điểm sau vụ khủng bố 11/9/2001 bởi khi đó ông tuyên bố – muốn nhìn thấy nước Mỹ bị xóa sổ. Sau tuyên bố kể trên, Fischer tiếp tục sống lẩn trốn.

Chẳng ai biết nhà cựu vô địch cờ vua ở đâu cho đến tháng 7/2004 khi ông bị hải quan Nhật Bản bắt giữ tại phi trường Narita vì sử dụng hộ chiếu giả trong khi làm thủ tục để bay sang Philippines. Ông bị quản thúc tại trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép ở ngoại ô Tokyo khoảng 8 tháng. Sau những phản đối từ nhiều phía, nhất là từ Hội cờ vua Nhật Bản, cuối tháng 12/2004 Bộ trưởng tư pháp Nhật Bản đã ra lệnh trục xuất ông cùng cô vợ người Nhật Bản Miyoko Watai (nhà vô địch cờ vua của Nhật Bản).

Trong khi bị Mỹ truy nã, Nhật Bản trục xuất thì Fischer đã được chính phủ Iceland dang tay đón nhận. Chẳng những cấp hộ chiếu cho Fischer, người Iceland còn đưa máy bay tới tận Copenhagen để đón nhà cựu vô địch. Ngày 24/3/2005, khi ông bước ra cổng phi trường Reykjavik, hàng trăm CĐV với những tấm băng rôn “Chào mừng Bobby”, “Chúng tôi yêu Bobby”… đã chờ sẵn ở đó. Người ta vây lấy Fischer, quàng lên cổ nhà cựu vô địch những vòng hoa rực rỡ. Fischer được đón tiếp tưng bừng như một vị anh hùng dân tộc trở về sau một chiến công hiển hách nào đó.

Bị bắt ở sân bay Tokyo vì hộ chiếu Mỹ mất giá trị, Fischer ngồi tù mấy tháng, cho đến khi được Iceland tặng cho cuốn hộ chiếu Iceland như “món quà sinh nhật thứ 62” để di cư qua đó cho đến cuối đời.

Đối với Iceland, việc họ chấp nhận Fischer là hành động mang tính nhân văn, chia sẻ những khó khăn mà nhà vô địch đang gặp. Fischer có một vị trí hết sức quan trọng trong nền văn hóa của đất nước này. Dang tay đón nhận Fischer cũng đồng nghĩa với việc cám ơn nhà vô địch vì những điều tuyệt vời đã làm được và tiếng vang của trận đấu năm 1972 đã khiến đảo quốc Iceland được chú ý nhiều hơn.

Sau khi mắc bệnh thận, Fischer không chịu điều trị ở bệnh viện vì không tin tưởng bác sĩ. 17/1/2008, ông trút hơi thở cuối cùng tại Iceland ở tuổi 64, để lại những câu chuyện gây hao tốn nhiều giấy mực cho giới truyền thông.

Thái độ hợm hĩnh cùng sự lập dị khiến Bobby Fischer mất gần hết bạn bè và điều này giải thích vì sao chỉ có vài người tiễn đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng. Chính Kirsan Ilyumzhinov đã chỉ đạo FIDE đứng ra giúp tang lễ cho ông.

Fischer và người vợ đã ở bên ông đến cuối đời.

Fischer ra đi và để lại muôn vàn di sản cho môn thể thao biểu trưng cho trí tuệ của nhân loại, làm nền tảng cho sự phát triển của Magnus Carlsen, Sergey Karjakin, Lê Quang Liêm ngày nay… Một trong những vũ khí lợi hại nhất giúp đưa tên tuổi Fischer trở thành kỳ thủ cờ vua xuất chúng thế giới chính là những thế cờ khai cuộc rất lợi hại. Fischer cũng được xem là người đã đóng góp rất nhiều cho lý thuyết khai cuộc môn cờ vua đang được sử dụng hiện nay. Trong thập niên 1990, Fischer được cấp bằng sáng chế về một sửa đổi trong hệ thống định giờ, theo đó sau mỗi nước đi mỗi kỳ thủ sẽ được thêm một khoảng thời gian. Đây là một yếu tố tiêu chuẩn trong thực tiễn các trận đấu và giải đấu hàng đầu hiện nay.

Đoạn kết vở bi hài kịch này dở đến nỗi chẳng ai buồn theo dõi nữa, chỉ biết Fischer qua đời ở Reykjavik, khi vẫn bị Mỹ truy lùng vì tội trốn thuế. Tờ Guardian (Anh) từng mô tả: “Trước lúc ra đi, Fischer tin rằng những tinh túy cờ vua cũng sẽ chết theo ông”. Còn kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, người từng thua Fischer năm 1971, cho rằng: “Ông ấy bị bàn cờ chi phối suốt cuộc đời, và qua đời sau khi đi hết 64 ô”.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc