Skip to main content

Ông Dương Văn Thắng: Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi ba ba kết hợp rắn ri voi (11/21/2022)

Đăng ngày 21/11/2022 bởi Administrator

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình do đoàn viên, thanh niên, hội viên làm chủ đã mang lại nhiều hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống. Với mong muốn và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, ông Dương Văn Thắng, hội viên Hội Nông dân ấp Đắc Lực đã quyết định khởi nghiệp từ mô hình nuôi ba ba kết hợp rắn ri voi, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ba ba là loài động vật hoang dã có giá trị thị trường cao, nhu cầu thu mua lớn. Ngoài ra, thịt ba ba là một liều thuốc quý giúp bồi bổ cơ thể và ngăn ngừa bệnh tật. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đã nuôi ba ba nhỏ với mục đích xuất bán, hình thành nên nghề nuôi ba ba và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhận thấy được lợi ích kinh tế từ nuôi ba ba, ông Thắng đã quyết định sử dụng vốn tự có, mua 300 con ba ba giống về nuôi.  Tuy nhiên, thời gian đầu mới khởi nghiệp với mô hình này, do chưa hiểu rõ các đặc tính của con ba ba cũng như chưa nắm được thị trường sản phẩm đầu ra nên ông Thắng chủ yếu xuất bán ba ba thịt cho người tiêu dùng. Vì vậy, không thu được nhiều lãi.

Đến năm 2019, để có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ba ba ông Thắng mạnh dạn đăng ký tham gia vào Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Đắc Lực và tham gia lớp học nghề “Kỹ thuật nuôi ba ba”. Thời điểm đó, ông được Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Châu Thành xét cho vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Sau khi có vốn để sản xuất, cộng với được chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi ba ba nên ông Thắng đã mạnh dạng cải tạo thêm 3 ao nuôi ba ba với số lượng 1.500 con/đợt.

Nỗ lực không mệt mỏi được đền đáp xứng đáng khi những lứa ba ba khỏe mạnh, phát triển tốt. Mỗi năm, sau khi trừ đi hao hụt, ông Thắng xuất bán ba ba thịt từ 1.000 – 1.200 con. Tiền lãi thu được sau khi trừ đi các khoản chi phí khoảng từ 100 – 120 triệu đồng.

Bên cạnh việc nuôi ba ba, để có thêm nguồn thu nhập, ông Thắng còn nuôi thêm rắn ri voi. Nói về kinh nghiệm nuôi rắn ri voi, ông chia sẻ, loại rắn này có thời gian nuôi khá dài, nhưng lại dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, nguồn thức ăn đa phần là cá da trơn và có giá trị kinh tế cao. Ban đầu, ông chọn mua 6 con giống về nuôi. Sau 2 năm chăm sóc, thì cho đẻ trứng. Hiện tại, số lượng đàn rắn của ông đã lên đến hơn 300 con. Mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Ông Thắng cho biết thêm sắp tới sẽ tập trung mở rộng thêm số lượng vật nuôi và mở rộng thêm diện tích chuồng trại của mình, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời tạo điều kiện về nguồn giống cung ứng cho bà con tại địa phương có nhu cầu nuôi, để cùng nhau làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thành công với mô hình kinh tế của mình, ông Dương Văn Thắng đã trở thành tấm gương điển hình trong việc “dám nghĩ, dám làm”, phát huy tinh thần và nhiệt huyết để làm giàu chính đáng trên quê hương.

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc