Skip to main content

Kinh nghiệm và cách viết một bài báo khoa học (Phần 2)-Tác giả GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) (11/18/2013)

Đăng ngày 18/11/2013 bởi Administrator
Сách viết   phần dẫn nhập (introduction hay background). 

imagesCAUR6GCK

Phần dẫn nhập là phần   tương đối quan trọng, vì nó nói lên kiến thức của tác giả đến đâu trong   chuyên ngành.  Người kinh nghiệm chỉ cần đọc qua phần dẫn nhập có thể   đánh giá sơ qua về khả năng của tác giả đến đâu, có cập nhật hóa kiến thức   như thế nào, và kĩ năng viết lách ra sao (chỉ nhìn qua cách dùng thuật ngữ là   có thể đoán được).

Do đó, tác giả cần phải nhân cơ   hội viết phần dẫn nhập để thuyết phục người đọc và chứng minh cho họ thấy   rằng mình cũng “biết câu chuyện”.  Tôi sẽ lấy vài ví dụ để minh họa cho   phần này, và để giữ khách quan, tôi sẽ không nêu tên tác giả.

Dẫn nhập (introduction)

Trong phần này, tác giả cẩn phải   trả lời câu hỏi “Tại sao làm nghiên cứu này?” (Why did you do this   study?)  Phần dẫn nhập phải cung cấp những thông tin sau đây: (a)   định nghĩa vấn đề; (b) những gì đã được làm để giải quyết vấn đề; (c) tóm   lược những kết quả trước đã được công bố trong y văn; (d) và mục đích của   nghiên cứu này là gì.

Đối với các tập san y khoa lớn và   tổng quát (như New England Journal of Medicine, JAMA, Annals of Internal   Medicine, v.v…) thì định nghĩa vấn đề rất quan trọng, bởi vì độc giả khác   ngành có thể nắm được vấn đề và biết được tác giả đứng trên góc độ nào.    Chẳng hạn như một nghiên cứu về gene và loãng xương, thì đoạn đầu tiên   có thể nên (a) định nghĩa loãng xương là gì (vì nhiều người vẫn chưa rành),   (b) tầm quan trọng của loãng xương ra sao (câu này để nhấn mạnh đây là vấn đề   lớn, và vì lớn nên phải công bố trên các tập san lớn!)  Chẳng hạn như,   tác giả có thể viết “Osteoporosis is a disease   characterized by low bone mass and deteriorated bone architecture which   ultimately lead to increased susceptibility of fragility fracture.”  Câu kế tiếp sẽ nói tầm quan trọng của gãy xương   như thế nào, như tăng nguy cơ tử vong, tái gãy xương, giảm chất lượng cuộc   sống, v.v… Nhưng đối với các tập san chuyên ngành loãng xương và nội tiết,   thì câu định nghĩa trên có khi … khôi hài.  Khôi hài là vì đại đa số độc   giả các tập san đó đều biết loãng xương là gì, và họ sẽ thấy khó chịu nếu tác   giả “lên lớp” họ về một định nghĩa sơ đẳng!  Thông thường, những tác giả   viết câu định nghĩa trong các tập san chuyên ngành là nghiên cứu sinh, chứ   chuyên gia cấp cao hơn không ai viết như thế.

Trong phần dẫn nhập, tác giả cần   phải nêu cho được tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu.  Để nêu tầm quan   trọng, tác giả có thể trình bày những thông tin như tần số của bệnh   (prevalence) trong cộng đồng, hệ quả của bệnh đến nguy cơ tử vong, tăng nguy   cơ mắc các bệnh khác (biến chứng), ảnh hưởng của bệnh đến nền kinh tế nước   nhà, giảm chất lượng cuộc sống.  Chẳng hạn như câu “In postmenopausal women, one in three women will sustain a   fragility fracture during their remaining lifetime” là một cách nêu lên qui mô của vấn đề gãy xương;   nhưng để nêu hệ quả thì có thể viết một câu khác như “Fragility fracture is associated with increased risk of   pre-mature mortality” (câu này nhấn mạnh “pre-mature   mortality”, tức là chết sớm!) nên sẽ gây chú ý.

Trong phần điểm qua y văn, tác giả   cần phải trình bày những thông tin cơ bản để cho người đọc nắm được vấn đề, ý   nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề, và hiểu mục tiêu của công trình nghiên   cứu.  Chỉ nên trình bày những thông tin có liên quan trực tiếp đến vấn   đề, chứ không nên điểm qua những thông tin gián tiếp.

Phần lớn những ý tưởng trong phần   dẫn nhập xuất phát từ y văn, tức những công trình đã công bố trước đây.    Khi điểm qua y văn, nên giới hạn trong những nghiên cứu đã công bố trong vòng   5 năm trở lại đây, tránh những nghiên cứu đã trên 20 năm hay tránh những   thông tin trong sách giáo khoa vì có thể những thông tin như thế không còn   hợp thời nữa. Tuy trình bày thông tin quá khứ, nhưng phải là những câu chữ   của chính tác giả, chứ không phải trích dẫn quá nhiều hay lặp lại câu chữ của   người đi trước.  Tất cả những thông tin trong phần dẫn nhập phải ăn khớp   với tài liệu tham khảo.  Tác giả nên có những tài liệu tham khảo đó, chứ   không nên trích dẫn theo những những bài báo trong y văn (secondary   citation).

Cách viết

Về mặt cấu trúc, phần dẫn nhập bao   gồm một số đoạn văn không cần tiêu đề (heading).  Tuy nhiên, để viết tốt   phần dẫn nhập, kinh nghiệm của tôi cho thấy cần phải chú ý đến một số điểm   căn bản sau đây:

(a) Không nên viết quá dài.  Viết quá dài rất dễ làm cho người đọc sao lãng vấn   đề chính, và có khi làm mất thì giờ người đọc phải đọc những thông tin không   cần thiết.

(b) Không nên điểm qua y văn theo   kiểu viết sử.  Phần lớn những người đọc   bài báo là đồng nghiệp chúng ta, cho nên họ đã có một số kiến thức cơ   bản.  Do đó, tác giả không cần phải điểm qua y văn từ thời Hippocrate   hay Khổng Tử, cũng không cần phải “lên lớp” [hay khoe với] người đọc về những   khái niệm cơ bản mà người làm trong ngành phải biết.  Một điều quan   trọng là những thông tin trình bày trong phần dẫn nhập phải có liên quan đến   vấn đề nghiên cứu.

(c) Phần dẫn nhập phải phát biểu   mục đích nghiên cứu.  Đoạn văn cuối của phần dẫn   nhập là nơi để tác giả, sau khi điểm qua vấn đề và y văn, phát biểu mục đích   của công trình nghiên cứu.  Cố gắng duy trì nguyên tắc “từ tổng quan đến   cụ thể”, tức là trong phần phát biểu vấn đề thì câu văn mang tính chung   chung, nhưng phần mục đích thì phải cụ thể.  Trong nhiều trường hợp,   trước phần mục đích, tác giả nên phát biểu giả thuyết nghiên cứu.  Chẳng   hạn như “We hypothesize that blah blah blah”, rồi một câu kế tiếp “This   study was designed to test the hypothesis by addressing the following   specific aims: blah blah blah”.

(d) Về văn phạm, phần dẫn nhập nên   viết bằng thì quá khứ, nhất   là khi mô tả những kết quả trong quá khứ.  Tuy nhiên, khi đề cập   đến những thông tin mang tính cổ điển mà được cộng đồng chuyên ngành chấp   nhận, tác giả có thể dùng thì hiện tại.

Một vài ví dụ

Trong bài báo sau đây, tác giả   viết phần dẫn nhập một cách ngắn gọn, chỉ 1 đoạn văn, nhưng cung cấp đầy đủ   thông tin cần thiết để bạn đọc biết vấn đề.

Fragility fracture is a     serious public health problem, because it is prevalent in the elderly and     is associated with increased risk of mortality [1]. Measurement of bone     mineral density predicts subsequent risk of fractures among the elderly     [2-4]. However, bone mineral density in later decades of life is a dynamic     function of peak bone mass achieved during growth and its subsequent     age-related rate of loss [5]. It has been estimated that over a lifetime, a     typical woman loses about half of her trabecular bone and one third of her     cortical bone [6], although some women experience greater loss than others.

It is not clear whether the rate     of bone loss is an independent risk factor for osteoporotic fractures. We hypothesized     that patients with excessive bone loss are at increased risk of fracture.     The present study was designed to test the hypothesis by assessing the     contribution of bone loss to the risk of osteoporotic fractures in elderly     women

Câu đầu (Fragility fracture is a serious public health   problem, because it is prevalent in the elderly and is associated with   increased risk of mortality) tác   giả định nghĩa vấn đề và cố gắng thuyết phục rằng gãy xương là vấn đề nghiêm   trọng vì làm tăng nguy cơ tử vong.

Trong câu thứ hai (Measurement of bone mineral density predicts subsequent   risk of fractures among the elderly)   tác giả cho biết mật độ xương là một yếu tố tiên lượng gãy xương.

Hai câu kế tiếp (However, bone mineral density in later decades of life is   a dynamic function of peak bone mass achieved during growth and its   subsequent age-related rate of loss. It has been estimated that over a   lifetime, a typical woman loses about half of her trabecular bone and one   third of her cortical bone [4], although some women experience greater loss   than others) tác giả cho biết mật độ xương   thay đổi thay độ tuổi, và tùy thuộc vào hai thông số: mật độ xương tối đa   trong thời “xuân thì”, và tỉ lệ mất xương sau thời kì mãn kinh.

Câu kế tiếp tác giả cung cấp thông   tin cụ thể hơn, cho biết một phụ nữ trung bình mất khoảng 50% xương xốp và   1/3 xương đặc, và tỉ lệ mất xương dao động lớn giữa các phụ nữ.  Câu văn   thứ tư (It is not clear whether the rate   of bone loss is an independent risk factor for osteoporotic fractures) cho chúng ta biết khoảng trống trong y văn: đó là chưa   ai biết tỉ lệ mất xương có liên quan gì đến gãy xương hay không.

Sau khi đặt vấn đề, tác giả phát   biểu giả thuyết nghiên cứu (We hypothesized that   patients with excessive bone loss are at increased risk of fracture), và mục   đích nghiên cứu (The present study was designed to assess the contribution of   bone loss to the risk of osteoporotic fractures in elderly women.)

Đây là một dẫn nhập có thể nói là   rất logic, vì ý tưởng nối kết nhau.  Câu văn đầu cho đến câu văn cuối là   một vòng tròn khép kín.  Có lẽ cái hay của tác giả là chỉ tóm gọn phần   dẫn nhập trong một đoạn văn duy nhất với 114 từ!  Viết dẫn nhập ngắn gọn   và súc tích như thế đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn tốt và cách dùng chữ một   cách chiến lược.

Nhưng nếu chúng ta xem xét phần   dẫn nhập sau đây:

It is well recognised that     nonsocomial infection is associated with an increase in morbidity and     mortality together with a significant economic cost [1]. Patients in     Intensive Care units develops nonsocomial infections more frequently than     other hospitalised patients [2]. This is a result of severity of illness,     multiple exposure to invasive procedures and multiple therapies [3].     Patients in surgical and orthopaedic wards are also at a high risk of     developing nonsocomial infections. These patients are exposed to various     invasive procedures (including surgical wounds) which may be similar to     those in ICU. Because of the expected differences in the nature of risk     factors, patients’ illnesses in the therapeutic and infection control     measures in the above wards, it was necessary to conduct a study to assess     the nonsocomial infection rates.

Cách viết này không tệ, nhưng khó   có thể xem là tốt.  Câu văn đầu tiên (It   is well recognised that nonsocomial infection is associated with an increase   in morbidity and mortality together with a significant economic cost [1]) tác giả cho biết vấn đề quan trọng vì liên quan đến   tử vong và tốn kém.   Những câu văn sau, tác giả cố gắng giải thích   vấn đề nhiễm trùng ở bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân qua phẫu thuật chấn   thương chỉnh hình, mà họ nghĩ rằng có cùng nguy cơ.  Tuy nhiên, tác giả   không cho biết vấn đề là gì, đã có ai nghiên cứu gì, và khoảng trống của tri   thức là gì.  Ấy thế mà đến câu văn kế tiếp, tác giả giải thích lí do cho   nghiên cứu! (Because of the expected differences   in the nature of risk factors, patients’ illnesses in the therapeutic and   infection control measures in the above wards, it was necessary to conduct a   study to assess the nonsocomial infection rates).    Thật ra, mục đích nghiên cứu cũng chưa rõ ràng, vì tác giả không phát   biểu giả thuyết làm nền tảng cho nghiên cứu là gì.  Sau khi đọc xong   phần dẫn nhập, có lẽ người đọc không biết ý nghĩa và tầm quan trọng của   nghiên cứu này ra sao.  Thật vậy, tác giả chưa thuyết phục độc giả tại   sao họ đã thực hiện công trình nghiên cứu!  Nên tránh cách viết như thế   này.

Đoạn văn dưới đây cũng là phần dẫn   nhập của một bài báo trên một tập san toán ở Việt Nam.  Bài báo này thật   ra không phải là một công trình nghiên cứu toán, mà là một bài viết về lịch   sử phát triển bộ môn toán có tên là “complex analysis” (chưa biết dịch sang   tiếng Việt là gì) ở Việt Nam.

In the development of     contemporary mathematics in Vietnam complex analysis occupies a special     place. In this note we give a brief survey of the development of complex     analysis in Vietnam. We describe how complex analysis in Vietnam developed     under very special conditions: the anti-French resistance, the struggle for     the reunification of the country, the American war, the economic crisis,     and the change toward a market economy.

Đứng trên quan điểm viết báo khoa   học, phần dẫn nhập này chưa đạt.  Tạm bỏ qua những sai sót về tiếng Anh   và văn phạm tiếng Anh (khá hiển nhiên), có thể thấy rằng các câu văn không   mang tính nối tiếp và khúc chiếc.  Trong câu văn đầu, tác giả không nêu   vấn đề là gì, mà đi thẳng vào vị trí đặc biệt của complex analysis ở Việt   Nam.  Nhưng câu thứ hai thì không thấy tac giả nói “đặc biệt” như thế   nào; thay vào đó, tác giả giới thiệu nội dung bài viết!  Đến câu thứ 3   thì chúng ta mới biết “đặc biệt” là gì (là phát triển trong bối cảnh chiến   tranh).  Nói cách khác, phần dẫn nhập này chưa đạt, vì chưa nói lên được   vấn đề, chưa trả lời câu hỏi tại sao phải có bài báo này.  Cách trình   bày ý tưởng cũng chưa mạch lạc.  Nên tránh cách viết này.

Có người nghĩ rằng chỉ cần viết   ngắn gọn, nhưng đối với “văn chương khoa học” thì tôi nghĩ quan điểm đó không   đúng.  Viết phần dẫn nhập quá ngắn làm cho người đọc cảm nhận rằng tác   giả thiếu suy nghĩ sâu, thiếu ý tưởng, hay thiếu thông tin (nên chẳng biết viết/nói   gì thêm).  Viết dài quá thì độc giả lại nghĩ tác giả có lẽ do thiếu ý   tưởng nên cố tình kéo dài câu chuyện!  Do đó, cách viết dẫn nhập tốt   nhất là vừa đủ, không qúa dài và cũng không quá ngắn.  Theo kinh nghiệm   của tôi, phần dẫn nhập của một bài báo y khoa chỉ nên giới hạn trong vòng 1   trang A4.  Điều quan trọng nhất là sau khi đọc xong phần dẫn nhập, người   đọc biết được tầm quan trọng của nghiên cứu, và tại sao tác giả làm nghiên   cứu.  Được như thế thì có thể xem như tác giả đã “đạt” được một mục tiêu   của mình: đó là làm cho người đọc phải đọc phần kế tiếp (phần Phương pháp).

 

Hỏi/Đáp

ĐÓNG

Câu hỏi của bạn đã được gửi! Vui lòng refresh để gửi câu hỏi mới.

Hãy điền vào các thông tin ở form bên dưới.

Tên *
Email *
URL (include http://)
Tiêu đều *
Câu hỏi *
* Bắt buộc